Nguyễn Thiện Chí*
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời trải qua 20 thế kỷ. Nhìn từ bình diện lịch sử, chúng ta thấy rõ quan hệ đó diễn ra trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục, ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật Hiện tượng câu đối là một trong những vấn đề đáng lưu tâm nghiên cứu.
Người Việt Nam cũng như người Trung Quốc rất ưa chuộng câu đối, thích chơi câu đối. Ngày Tết Nguyên đán có câu đối treo, dán trước cổng, trước nhà càng tăng thêm vẻ đẹp, không khí vui tươi; chùa chiền, đền đài, miếu mạo có câu đối làm tôn sự tôn nghiêm uy nghi. Dịp vui sinh nhật, tân gia, thăng chức, sinh con có câu đối mừng. Dịp buồn, người thân qua đời, làm ăn thất bại, gặp nỗi đắng cay có câu đối viếng. Mến cảnh, yêu đời, giận người, hận mình cũng làm câu đối. Hội ngộ bạn bè cũ, bàn luận chuyện đời, chúc rượu nhau, nhấm nháp chén trà ngon cũng làm câu đối, làm câu đối có khi còn trào phúng, đùa cợt chế giễu, cũng có khi than thân trách phận.
* GVC, Khoa Ngữ văn Trung Quốc
8 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2900 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Câu đối Việt Nam – biểu tượng nhịp cầu giao lưu văn hóa việt–trung, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÂU ĐỐI VIỆT NAM – BIỂU TƯỢNG NHỊP CẦU GIAO LƯU
VĂN HÓA VIỆT–TRUNG
Nguyễn Thiện Chí* GVC, Khoa Ngữ văn Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời trải qua 20 thế kỷ. Nhìn từ bình diện lịch sử, chúng ta thấy rõ quan hệ đó diễn ra trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục, ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật… Hiện tượng câu đối là một trong những vấn đề đáng lưu tâm nghiên cứu.
Người Việt Nam cũng như người Trung Quốc rất ưa chuộng câu đối, thích chơi câu đối. Ngày Tết Nguyên đán có câu đối treo, dán trước cổng, trước nhà càng tăng thêm vẻ đẹp, không khí vui tươi; chùa chiền, đền đài, miếu mạo có câu đối làm tôn sự tôn nghiêm uy nghi. Dịp vui sinh nhật, tân gia, thăng chức, sinh con có câu đối mừng. Dịp buồn, người thân qua đời, làm ăn thất bại, gặp nỗi đắng cay có câu đối viếng. Mến cảnh, yêu đời, giận người, hận mình cũng làm câu đối. Hội ngộ bạn bè cũ, bàn luận chuyện đời, chúc rượu nhau, nhấm nháp chén trà ngon cũng làm câu đối, làm câu đối có khi còn trào phúng, đùa cợt chế giễu, cũng có khi than thân trách phận.
Câu đối là hiện tượng ngôn ngữ văn học hết sức độc đáo, có khi câu đối biến thành trò chơi, thú tiêu khiển nhưng là trò chơi trí tuệ, bởi vì làm được một câu đối hay, đòi hỏi phải có học vấn sâu rộng, vốn tri thức uyên bác, nhạy cảm, sáng tạo, phải am hiểu cuộc sống, có sự hiểu biết về ngôn ngữ. Các cụ xưa đều cho rằng “Làm câu đối là một cách luyện trí tuệ rất hay, bắt trí tuệ phải nghĩ phải tìm, nào phải cân nhắc, phải so sánh, nào phải nhớ cho được phải đặt cho nên, thật là đủ điều đủ cách” Xem Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc toàn tập, tập II, trang 948
. Các cụ xem đó là “môn thể thao trí tuệ”. Đúng vậy, ta còn nhớ Cao Bá Quát khi sắp ra pháp trường, còn làm câu đối đầy ý chí hiên ngang khí phách :
Một chiếc cùm lim chân có ĐẾ Ba vòng xích sắt bước thì VƯƠNG. Cao Bá Quát (1809-1855)
Vừa mô tả cảnh bị đọa đày, đang trong gông cùm, song ĐẾ và VƯƠNG hiểu theo nghĩa hàm ẩn thì “Đế Vương” đều ở dưới chân Cao Bá Quát. Đang bị giam cầm trong ngục tù mà coi thường ngạo mạn vua đến thế, trong xã hội phong kiến là tội đáng phanh thây, chết chém!
Một câu chuyện nữa, hẳn ai cũng biết là câu đối ra được một vế còn vế kia cho đến bây giờ vẫn chưa đối được. Đó là câu:
Da trắng vỗ bì bạch.
Nhiều sách đều ghi chép đây là câu của bà Đoàn Thị Điểm ra cho ông Cống Quỳnh, ở vế nầy: “Da trắng” ứng với nghĩa của từ Hán - Việt “Bì bạch” “皮白”, bì bạch vừa là dịch nghĩa da trắng vừa là từ tượng thanh, bổ nghĩa trực tiếp cho động từ “vỗ”. Trạng Quỳnh phải chịu thua. Sau nầy có người đối lại rằng :
“Giấy đỏ viết chỉ chu”
Rồi “Giấy nhỏ bé tỉnh tinh”
Cả 2 câu đều không đạt, tiếp sau, có người đối lại :
“Rừng sâu mưa lâm thâm”
Lâm thâm là rừng sâu nhưng lâm thâm không phải là từ tượng thanh, cái khó, tính sâu sắc của câu đối là ở chỗ đó.
Đi từ vùng địa đầu của đất nước, tỉnh Lào – Cai, ghé qua thủ đô Hà Nội, rồi rẽ ngang rẽ dọc, lên Hà Tây, đến Bắc Ninh, Vĩnh Phú, xuống Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi men theo quốc lộ 1 thẳng đến Phan Thiết _ tỉnh Bình Thuận, băng qua Biên Hoà đến Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đi tiếp Long An, Tiền Giang đến điểm tận cùng của tổ quốc – Vùng Bạc Liêu, Cà Mau, khắp nơi khắp chốn đâu đâu cũng tận mắt thấy câu đối, có thể nói là vô số câu đối. Nhiều câu đối viết bằng chữ Hán, nhiều câu đối viết bằng chữ Việt, không sao thống kê hết được. Vừa rồi, tôi lên Sapa (Lao Cai), leo lên núi Hàm Rồng, ở đây có nhìn thấy ngọn núi Phăng Xi Păng, nơi đây có vườn hoa dân tộc, quang cảnh tuyệt đẹp, qua khỏi “Cổng Trời”, “Chân Mây”, đến “Trung tâm làng Văn hoá Dân tộc”, xem biểu diễn các điệu múa dân tộc, Trung tâm văn hoá là một ngôi nhà sâu làm xong cách đây 2 năm đề ngày 16/4/2002, tôi ngước nhìn lên nóc nhà phát hiện hai câu đối :
“Niên niên tăng phú quý, Nhật nhật hưởng hoà bình”
Nói lên niềm khát khao có được cuộc sống giàu sang, thái bình.
Ngày 10 tháng 3 Âm lịch, mọi người nô nức kéo nhau tham dự giỗ Tổ Hùng Vương ở đền Hùng (Vĩnh Phú), chúng ta sẽ thấy ở chính giữa bàn thờ tại đền Thượng có 18 bài vị đức Vua Hùng, xung quanh có rất nhiều câu đối vừa Hán, vừa Nôm, trong đó có câu đầy ý nghĩa súc tích:
Non nước cao sâu, tưởng bóng long tiên còn thoảng đó Khói hương ngào ngạt, động lòng sơn hải biết yêu nhau.
Ngụ ý tưởng nhớ vị vua Thuỷ tổ đã có công dựng nước và nhắc nhở con cháu đời sau thương nhớ khắc sâu bóng tổ người xưa.
Mỗi năm ăn Tết xong, khoảng trung tuần tháng giêng đến giữa tháng 3 Âm Lịch đồng bào tấp nập đi trẩy hội chùa Hương, một “đại danh lam” xưa nay mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, thắng cảnh này được phát hiện từ thế kỷ XV (Lê Thánh Tông (1460-1479)) cách Hà Nội 60 km về phía tây, đến bến Đục ngồi thuyền chèo 1 giờ đồng hồ thì đến chùa Hương, còn gọi Hương Sơn – một tổng thể tôn giáo – văn hoá Việt Nam cổ truyền. Muốn đến Hương Sơn chỉ đi bằng con đường Thuỷ Độc Đạo, hai bên là Núi voi bao bọc. Hương Sơn có chùa Thiên Trù với kiến trúc khá hoành tráng. Đi vòng quanh chùa đếm cả thảy có 66 cặp câu đối vừa Hán vừa Nôm. Từ chùa Thiên Trù leo tiếp lên có rất nhiều động, cao nhất là động Hương Tích, cách Thiên Trù 4 km. Động Hương Tích có khắc 6 chữ 斯 山 河, 斯 社 稷 (Núi sông này, xã tắc này) vào đá, khẳng định một cách đanh thép đất nước này là của người nước Nam. Ở đây còn có một số chùa khác như chùa Giải Oan, chùa Bảo Đài, đền Trình Yến Vĩ đều có khắc câu đối. Ngày 19/5/1958 Hồ Chủ tịch đã đến thăm chùa, và ngày 18/4/1971 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm chùa lần thứ 2.
Hầu hết các câu đối đều đượm màu thiền, ca ngợi Đức Phật Thích Ca, ca ngợi cảnh đẹp hùng vĩ thiên nhiên, tưởng nhớ công đức tổ tiên chẳng hạn như :
Nghĩa tôn sư muôn kiếp khó đáp đền Ân giáo dưỡng một đời sinh tuệ mệnh.
Ở ngay chính điện toàn bộ câu đối đều khắc trên gỗ nền đỏ, viền vàng, chữ đen, hết sức tôn nghiêm.
Về thăm thủ đô Hà Nội, chúng ta tranh thủ thời gian dạo chơi Văn Miếu. Được biết 1070, Vua Lý Thánh Tông hạ chiếu xây dựng nơi này để làm địa điểm dạy học cho hàng Thái Tử. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho xây tiếp gọi là Quốc Tử Giám, đây là trường đại học đầu tiên của nước ta. Văn Miếu có 82 tấm bia tiến sĩ, từ ngoài cổng và trong đền nội có cả thảy 40 câu đối, trong đó câu nào cũng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Ví như, Mặt tiền cổng có câu đối :
東 西 南 北 由 斯 道 (Đông Tây Nam Bắc do tư đạo) 公 卿 夫 士 出 此 途 Công Khanh phu sĩ xuất thử đồ)
Tạm dịch: Đông Tây Nam Bắc đều do đạo nầy (đạo Nho)
Công Khanh Phu Sĩ xuất thân từ đường nầy (Khoa cử).
Và mặt hậu của cổng là:
綱 常 棟 幹 存 天 地 Cương thường đống cán tồn thiên địa
道 德 宮 牆 自 古 今 (Đạo đức cung tường tự cổ kim)
Tạm dịch : Rường cột cương thường tồn tại cùng trời đất
Đạo đức trường học có tự xưa nay.
Ngoài 40 câu đối nói trên còn có 3 cặp câu kiểu như đối dẫn từ lời Khổng Tử.
Hà nội có hàng trăm đình chùa đền miếu, có vô số câu đối. Ngay tại chùa Quán sứ đã có 62 câu đối, Hán có, Việt có:
Có những câu rất xưa: Đất Lạc Hồng mở vận hội minh tâm
Khách tang hải ngẫm nguồn cơn tỉnh mộng
Có câu gắn ý nghĩa thời đại: Phụng sự Tổ quốc bảo vệ hoà bình
Hoằng dương Phật pháp lợi lạc quần sinh.
Tôi trực tiếp đến chùa Trấn Quốc, chùa Thái Cam, Chùa Thiên Phước, Chùa Lũ, Đình Kim Lũ, Đình Kim Giang, chùa Cầu Đông, Đình Đức môn. Điều ngạc nhiên đối với tôi, trong đình có xây thêm đền liệt sĩ, trên bia khắc tên 66 liệt sĩ, phường hàng Đào, Bia chữ đen, Khung hình mạ vàng, hai bên khắc câu đối:
Đất Thăng Long ghi chiến tích anh hùng
Phường Hàng Đào nhớ công ơn liệt sĩ. Ở số 38, Hàng Đường, Quận Hoàn Kiếm.
Nếu tiếp tục cuộc hành trình đến Bắc Ninh thăm chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật… Rồi theo quốc lộ 5 đến Quảng Ninh, dọc hai bên đường hiện ra khá nhiều chùa và tất nhiên đều có ghi câu đối.
Trên đường “Nam tiến”, ta dừng chân lại Huế. Tôi đọc khoá luận tốt nghiệp của sinh viên Nguyễn Đình Minh Đức, khảo sát 12 chùa (Linh Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế, Tây Thiên, Thuyền Tôn, Báo Quốc, Từ Đàm, Từ Hiếu, Quốc Ân, Tường Vân, Linh Quang, Trúc Lâm), tổng cộng có 418 câu đối viết toàn bằng chữ Hán. Mỗi một nơi trong chùa từ trụ biểu, bi đình, quan âm các, tiền đường, thánh điện đến tổ đường, hậu liêu, tây lan, đông lan, đều nhất nhất có câu đối với đủ kiểu chữ thư pháp Khảo sát câu đối ở các chùa Huế, Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Nguyễn Đình Minh Đức. MSSV: 9974157, TQ 993
.
Vào đến Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, mảnh đất cuối cùng của miền Trung, trong số 22 chùa, đình, đền trừ 4 đền thờ vua Chăm ra, còn lại 18 chùa, đình, đền thì có đến 473 cặp câu đối bằng chữ Hán. Ngoài các câu đối, các văn bản khác còn giữ lại được như sắc phong của vua, hoành phi, bảng ghi công đức, chữ trên khám thờ, bài văn ghi trên chuông, văn bia mộ, các cuốn thần phả, các bài văn tế, các tư liệu khác có liên quan đến lịch sử tạo lập, phát triển của đình chùa đều ghi chép bằng chữ Hán Di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bình Thuận, chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Xuân Lý, Nguyễn Tấn Đắc.
.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều ngôi chùa, có 3 chùa còn giữ được sắc tứ Câu đối ở các ngôi chùa còn giữ được sắc tứ tại thành phố Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Ngô Hoa Tư MSSV: 0074119, TQ 002
, các hội quán đồng bào người Hoa, chùa đạo Cao Đài (gọi là Thánh Tịnh Đại Thanh), (cả Toà Thánh Cao Đài ở Tây Ninh), ở các cổng, các cột trụ đều viết bằng câu đối, có câu đối viết bằng chữ Hán có câu đối viết bằng chữ Quốc Ngữ. Rồi dọc theo đường quốc lộ đi Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu vùng tận cùng của tổ quốc, chỉ quan sát hai bên đường nào là chùa Bửu Long, chùa Hưng Thành, chùa Hưng Phụng, đình Tân Ngãi, chùa Hưng Lai, nào là Thánh Thất cổ miếu, chùa Vĩnh Phước, chùa Phước Long không nơi nào không có câu đối. Đặc biệt, Trung tâm Văn hoá Châu Thành ở Tiền Giang có câu đối ở ngay cổng ra vào, Nghĩa trang liệt sĩ cũng làm câu đối thờ liệt sĩ :
Tổ quốc ghi công con liệt sĩ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng.
Sơ lược qua ta đủ thấy, riêng chùa chiền đền thờ miếu mạo đã có biết bao nhiêu câu đối. Không những nội dung hay, chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý, đạo lý làm người, đối nhân xử thế sâu sắc mà hình thức rất đẹp: chất liệu bằng vải lụa gấm vóc tốt, loại gỗ ván bền cứng không mối mọt, có khi viết bằng loại bút lông Tàu, có loại thêu kim tuyến, có loại chạm khắc, có loại khảm xà cừ hết sức công phu. Câu đối thật sự đã làm tăng nét đẹp văn hoá, tôn thêm sự trang nghiêm tôn kính các đình chùa. Đình chùa ở Việt Nam không thể thiếu câu đối. Câu đối còn đi vào tận cuộc sống của người dân ở thôn quê. Các nhà thờ họ tộc, các gia đình Nho giáo hoặc chịu ảnh hưởng Nho học, hai bên bàn thờ gia tiên, các cột trụ đều có câu đối. Tôi cũng là sự tình cờ được biết gia đình cụ Nguyễn Khang ở xã Diễn Khánh, Nha Trang luôn được thành phố khen là gia đình văn hoá; gia đình cụ con cháu cả thảy hơn 30 người, nhưng đâu ra đấy, thứ bậc trên dưới rõ ràng, tôn ti trật tự, sống hiếu thảo hòa thuận, kính trên nhường dưới, tham gia công tác địa phương đầy đủ, nhìn gian nhà giữa nơi thờ phụng ông bà tổ tiên rất nghiêm trang, hai bên bàn thờ treo cặp câu đối. Những gia đình như cụ Khang không phải là ít. Câu đối trở thành một điểm son tô điểm bộ mặt văn hoá làng xã Việt Nam. Nông thôn ta đã lưu truyền câu ca dao:
Người như cây gỗ xoan đào Em như câu đối dán vào được chăng.
Điều đó phải chăng câu đối đã thâm nhập vào tận cuộc sống dân gian nơi thôn dã.
Câu đối còn đi vào đời sống, hoạt động văn hoá của cộng đồng tộc Việt, khánh tiết, lễ hội, chúc thọ, mừng sinh nhật, cưới hỏi giao lưu văn hoá từng địa phương với nhau, hiện nay có thêm trường hợp đi thực tế, đi thực tập… thường hay tổ chức đọc câu đối, sáng tác câu đối hoặc ra câu đối một vế bắt đối phương đối lại. Có một lần đi thực tế, cả đoàn có người dạy môn Sinh, có người dạy môn Toán, môn Lý, có người dạy môn Quản trị kinh doanh, tổ chức cùng nhau liên hoan, trong không khí hết sức sôi nổi, các anh chị Quản trị kinh doanh trêu chọc các anh chị Sinh vật, bèn ra một vế đối :
“Thầy sinh vật vật cô sinh vật vật trúng chỗ sinh”
Vế đối ra khá hóm hĩnh, vì vừa đối vừa chơi chữ, vật vừa danh từ, vừa động từ, sinh vừa danh từ vừa động từ. Các thầy Sinh suy nghĩ một lúc đối lại :
“Chị tiểu thương thương anh tiểu thương thương nhầm chỗ tiểu”
Thật là kỳ phùng địch thủ! Mọi người khoái chí cười đến vỡ bụng. Cũng có khi người địa phương nầy chơi hoặc trêu tức người địa phương kia, kiểu như dạng câu đối :
Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc. Gái Gò Công vừa gồng vừa co.
Ở đây sử dụng cả nói lái.
Trở lại câu đối dùng ở các đình chùa. Đình chùa Trung Quốc cũng như ở Việt Nam không thể thiếu câu đối.
Cũng vậy, tết Việt Nam giống tết Trung Quốc ở chỗ không thể nào vắng câu đối. Ở Trung Quốc, từ thời Ngũ Đại trở đi, hễ cứ đến Tết là phải dán câu đối trước cổng, trước nhà. Câu đối làm tăng vẻ đẹp cho ngày tết. Nội dung câu đối có thể ca ngợi cảnh đẹp của núi sông, nhớ ơn công đức tổ tiên, có thể cầu chúc năm mới mọi sự tốt lành. Sau ngày giải phóng, truyền thống tốt đẹp đó vẫn giữ và càng phát triển. Tết đến, bất kể gia đình ở thành thị hay nông thôn, cơ quan, bệnh viện hay nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, khách sạn…không đâu là không có câu đối. Đại loại những câu như :
春 染 一 片 綠 (Xuân nhiễm nhất phiến lục 花 開 萬 朵 紅 Hoa khai vạn đóa hồng.)
Tạm dịch : Xuân nhuộm một màu xanh
Hoa nở muôn đoá hồng.
Hoặc :
日 暖 風 和, 鳥 飛 魚 躍 Nhật noãn phong hoà, điểu phi ngư dược
月 圓 花 好, 人 壽 年 丰 Nguyệt viên hoa hảo, nhân thọ niên phong.
Tạm dịch : Mưa thuận gió hoà, chim bay cá nhảy.
Trăng tròn hoa đẹp, người thọ, được mùa
迎 新 春, 共 慶 山 河 壯 Nghênh tân xuân, cộng khánh sơn hà tráng
過 佳 節, 齊 歌 天 地 春 Quá giai tiết, tề ca thiên địa xuân.
Tạm dịch : Đón xuân mới, cùng mừng núi sông tráng lệ.
Mừng Tết vui, chung hát đất trời trẻ trung. 中 国 古 今 名 联 鉴 赏,柳 景 瑞,寥 福 招 编 T. 261-263.
Nếu so sánh, có thể nói Tết Việt Nam không khác gì Tết Trung Quốc. Nghỉ ngơi, vui chơi, đoàn tụ sum họp gia đình là nét chung nhất. Và câu đối trở thành vật liệu trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp, tô điểm cho cảnh ăn Tết. Trước đây, Tết từ thành thị đến nông thôn, dù giàu hay nghèo nhà nào cũng đều có câu đối tết. Câu đối dán trước cổng, trước cửa, trên bàn thờ Tổ Tiên, bàn thờ Thổ Công, trên thân các cây cột trong nhà. “Câu đối trở thành nhu cầu tinh thần của mọi người biểu lộ sự thích chuộng chữ nghĩa văn chương cùng cái thi vị của hồn thơ mà ai cũng muốn có” Tết lễ hội mùa Xuân, Phạm Côn Sơn trong bài “Truyện cụ đồ xưa”
.
Người Việt Nam ai cũng thuộc lòng câu :
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Câøy nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Mỗi năm, cứ độ xuân về, ta thấy có những cụ Đồ ngồi dọc vỉa hè cặm cụi viết những câu đối bán cho khách qua đường.
Giờ đây, cụ Đồ không còn, pháo cũng không đốt. Song không khí Tết vẫn rộn ràng, tràn ngập vui tươi, và có nhiều hoạt động vui chơi vô cùng phong phú. Cảnh ăn tết ngày nay chỉ giữ lại những gì tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Vẫn thờ phụng tổ tiên, vẫn đoàn tụ gia đình, vẫn đi lại chúc mừng nhau, vẫn hành hương lễ Thánh Thần, vẫn đi chùa phúng viếng nghe kinh kệ, nhưng thêm vào đó là các hội hè vui chơi với cộng đồng, nào là hội đua thuyền, hội chọi trâu, hát quan họ, hát giao duyên, nào là Hội Hoa xuân, các tụ điểm văn nghệ, sân khấu nổi, trò chơi âm nhạc, triển lãm báo Xuân, triển lãm hoạ, triển lãm thư pháp….
Và câu đối vẫn đầy sức sống. Trên các báo xuân đủ các loại câu đối Tết. Có điều nội dung đối Tết ngày nay ngoài những câu nói lên ước vọng phát tài, cầu mong may mắn ra, có rất nhiều câu đối gắn kết với tình hình chính trị thời sự của đất nước, gắn kết với cuộc đấu tranh của dân tộc (như chống tham ô lãng phí…). Xin được liệt kê một số câu tiêu biểu :
Nước mạnh dân giàu, con cháu ngẩng đầu ra bốn biển. Lòng thơm dạ thảo, cha anh đổ máu nhớ ngàn năm.
Đạo đức sáng ngời, yêu bạn cuộc đời không biến chất. Quê hương tráng lệ, mừng ai nét vẽ chẳng phai màu.
Vững bước đường lối mới tư duy, tròn sự nghiệp dân giàu, tròn ý Đảng. Chắc định hướng giữ gìn bản sắc, đạt mục tiêu nước mạnh, thoả lòng Dân.
Hoà nhập chẳng hoà tan, xây văn hoá dân tộc đậm đà bản sắc. Bảo tồn không bảo thủ, học kiến thức ngoại bang nhuần nhị tinh hoa.
Chống tham ô phải chống từ xa, kiểm soát thanh tra, đừng để “Mèo già hoá cáo”. Bài hối lộ cần bài tận gốc, phê bình phát hiện, chớ nên “Mỡ để miệng mèo”
Năm mới vuốt râu dê, lũ tham nhũng vỗ bụng cười “sức mấy”. Xuân về sợ mặt khổ, bọn thầy dúi ôm đầu mếu “coi chừng”?
Năm Tân Mùi, nhảy “Lam ba da”, dê cụ xin nhớ hạ màn “Phim sex”. Xuân Nhâm Thân, vũ “Tây du ký”, khỉ đọc càn quyết đóng cửa “Bia ôm”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là câu đối Việt Nam xuất hiện từ lúc nào, được hình thành và phát triển như thế nào?
Xác định dứt khoát và cụ thể thời điểm ra đời câu đối Việt Nam đang còn là vấn đề khó khăn, vì chữ viết ta ra đời quá muộn. Điều có thể khẳng định trước tiên là câu đối Việt Nam phải xuất hiện sau câu đối Trung Quốc, và bắt nguồn từ câu đối Trung Quốc.
Còn câu đối Trung Quốc có từ khi nào cũng là vấn đề đang bàn luận. Dựa vào tư liệu văn tự khảo cứu thì có thể nói rằng, câu đối Trung Quốc ra đời từ thế kỷ IV, từ câu viết của Vương Hy Chi (321-379) có sách ghi: 303-361. Xem chú thích 7, sách đã dẫn, trang 18.
Vương Hy Chi là nhà văn học đồng thời là nhà thư pháp nổi tiếng thời bấy giờ. Vương Hy Chi viết :
福 不 雙 至 Phúc bất song chí 禍 不 單 行 Hoạ bất đơn hành
Tạm dịch: Phúc không đến hai lần, Hoạ không đến một lần. Câu này khi ta mượn vào dùng có sửa lại “Hoạ vô đơn chí, Phúc bất trùng lai”.
Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng câu đối Trung Quốc phát triển từ Thời Đường (618-907), cũng có ý kiến cho rằng từ Ngũ Đại (917-960).
Dẫu sao, câu đối Trung Quốc ra đời khá sớm. Sau đó, du nhập vào Việt Nam, có thể vào khoảng thế kỷ X hoặc thế kỷ XI.
Lâu nay trong dân gian thường truyền tụng câu chuyện Thiền Sư Pháp Thuận (914-990) đối đáp lại câu đối của sứ nhà Tống. Sứ nhà Tống ra câu đối :
Nga nga lưỡng nga nga Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Nhà sư Pháp Thuận nghe xong đối lại ngay:
Bạch mao phô lục thuỷ Hồng trạo bãi thanh ba.
Ở đây, ta không bình 2 câu đối này hay, chuẩn xác đến mức nào mà chỉ làm căn cứ suy luận thời gian.
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để làm nơi dạy học cho hàng Thái Tử. Đến năm 1076, Lý Nhân Tông lập lại ở đây Nhà Quốc Tử Giám, đây là trường đại học đầu tiên của nước ta. Văn miếu có 82 tấm bia tiến sĩ và từ cổng vào trong có rất nhiều câu đối như phần trên đã trình bày.
Nếu dựa vào tư liệu đã nêu trên thì từ cuối thế kỷ X và đầu thế kỷ XI Việt Nam đã xuất hiện câu đối. Thời Lý phần nhiều câu đối làm ra và viết bằng chữ Hán. Đến đời Lê (thế kỷ XV), xuất hiện nhiều câu đối Nôm. Có nhiều giai thoại về việc vua Lê Thánh Tông có tài làm câu đối Tết Nôm. Trong đó có một chuyện khá lý thú là nhân giáp tết, vua Lê Thánh Tông về thăm quê cha đất tổ ở Thanh Hoá, tới nơi chưa được bao lâu, nhà vua giả dạng người thường, đi dạo dọc bờ sông. Trên đường đi, nhà Vua thấy có một cô gái nhan sắc mặn mà, đang bưng rá gạo ra sông để vo. Vừa thoáng trông thấy gương mặt của cô gái, nhà Vua đã rạo rực trong lòng, một lúc sau đó, nhà vua mới hứng khởi đọc một vế đối bằng văn Nôm:
Gạo trắng, nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả….
Về đối tuy bỏ lửng, nhưng ý tứ đã quá rõ ràng, thêm vào cho đủ chữ, có khi lại mất hết cả cái hay. Cô gái chẳng dè cũng là người giỏi văn chương chữ nghĩa, cô ngước nhìn lên, đọc ngay vế đối tiếp là :
Cát lầm, gió bụi, lo đời đâu đấy hẵng lo cho….
Vế đối lại của cô gái cũng bỏ lửng một cách thông minh và tế nhị. Nghe xong, nhà Vua rất lấy làm cảm phục, bèn hỏi thăm mới biết tên cô là Nguyễn Thị Hằng, con gái thứ của Nguyễn Đức Trung (người về sau được phong làm Trịnh Quốc Công). Cô gái được đón về kinh đô, rồi được phong làm hoàng hậu, và đó chính là thân mẫu của vua Lê Hiến Tông (1498-1504), vị vua thứ 6 của triều Lê Xem tạp chí “Thông tin” số 1-2/2004. T.10. Đăng Lan.
.
Qua đó, có thể thấy rằng, ở Việt Nam câu đối được sáng tác và dùng phổ biến vào thời Lý - Trần, thời đó dùng chữ Hán, và sau nầy phát triển đến thời Lê thì dùng chữ Nôm.
Như vậy, có thể nói rằng câu đối Việt Nam, xuất xứ nguồn gốc là từ Trung Quốc. Điều này có thể lý giải bằng nhiều khía cạnh, đứng trên bình diện lịch sử :
Địa lý chính trị, kinh tế của Việt Nam ở sát cạnh nước Trung Hoa rộng lớn bao la. Và suốt trong 20 thế kỷ, sự trường tồn và phát triển của Việt Nam được vận hành dưới áp lực thống trị, bành trướng của phong kiến phương Bắc – nước láng giềng Trung Hoa hùng mạnh và văn minh về nhiều phương diện.
Vào đời Đường, Việt Nam chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc liên tục hơn 330 năm. Thời Đường (kể cả Tống sau này) có thể nói là thời đại hoàng kim của phong kiến Trung Hoa. Văn chương triết học, Nho học, văn học nghệ thuật, khoa học… phát triển rực rỡ.
Văn tự dùng chính thống, về mặt Nhà nước, chính trị, ngoại giao đều nhất nhất dùng chữ Hán. Văn chương Hán học, văn học chữ viết chưa được phát triển.
Cho nên Việt Nam chịu ảnh hưởng, tiếp nhận văn minh Trung Hoa là điều hết sức dễ hiểu, cũng như nước Gaule chịu ảnh hưởng của La Mã, nước Xâylan chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Chịu ảnh hưởng chứ không phải đồng hóa. Sự tiếp thu những giá trị của văn minh Trung Hoa có thể nói là nhiều mặt và có hệ thống. Câu đối là một bộ phận trong cái tổng thể đó.
Con đường du nhập của văn minh Trung Hoa vào Việt Nam vừa từ phía Nhà nước và từ phía nhân dân. Các bậc sĩ phu phong kiến của Việt Nam và con cái của họ dù tự giác hay không tự giác đều tiếp nhận nền văn hóa tiên tiến đó.
Hơn nữa, một điều chúng ta cần nên thấy rõ nữa là tiếng Việt cùng loại hình với tiếng Hán, đều là ngôn ngữ phân tiết tính (monosyllabique). Tiếng Việt giống tiếng Hán ở chỗ mỗi âm tiết là một tiếng, đọc lên thành một âm, tương đương một chữ, là đơn vị cơ bản có nghĩa. Đặc điểm này hết sức thuận lợi, rất phù hợp trong việc sáng tác câu đối.
Nếu so sánh, ta sẽ thấy câu đối Việt Nam mang đầy đủ những qui tắc đặc trưng của câu đối Trung Quốc.
1/ Số chữ trong mỗi câu phải ngang nhau.
2/ Ngữ nghĩa, thanh điệu trong mỗi câu (và mỗi từ trong câu) phải đối nhau. Chữ Hán cổ phân làm 4 thanh: bình, thượng, khứ, nhập. Ngoài thanh bình mang thanh bằng ra, còn lại thượng, khứ, nhập đều mang thanh trắc. Bằng trắc đối nhau thì câu đối mới chỉnh.
3/ Từ và từ phải đối nhau về ngữ nghĩa, về bằng trắc và cùng một phạm trù từ loại.
4/ Nội dung ý nghĩa câu đối phải sáng rõ, biểu đạt đúng thực tế.
5/ Số lượng chữ trong câu đối hạn chế, không dài quá, thông thường từ 4 chữ đến 12 chữ.
6/ Câu đối được treo hoặc dán trên tường, trên cột phải cân đối, cao thấp, rộng hẹp ngang nhau. Viết, đọc, dán đều theo hàng thẳng đứng, từ phải sang trái. Câu bên phải gọi là câu trên (câu trước), câu bên trái là câu dưới (câu sau).
7/ Về mặt chữ viết, hầu hết đối liễn thường được sử dụng nghệ thuật thư pháp: hành thư (行 書), triện thư (篆 書 ), lệ thư (隸 書), hoặc khải thư (楷 書) để viết…
Để kết luận bài viết này, xin được nêu mấy nhận xét ﹕
1/ Câu đối Việt Nam vốn bắt nguồn từ câu đối Trung Quốc, mang đầy đủ đặc trưng, tính chất của câu đối Trung Quốc. Thời kỳ đầu dùng chữ Hán làm công cụ tư duy, sáng tác, càng về sau Việt Nam hóa, dân tộc hóa. Từ câu đối chữ Hán trở thành câu đối chữ Nôm, và sau này vừa mang tính chất đối vừa chơi chữ.
Có nhiều câu đối bằng chữ Hán nhưng không biết được người Việt sáng tác hay nguồn gốc từ Trung Quốc. Ví như:
“Bần cư náo thị vô nhân vấn,
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.
Tra cứu câu đối Trung Quốc, không hề thấy.
2/ Câu đối được dùng sâu rộng trong các hoạt động đại chúng. Tết nhứt, đình chùa, đền thờ… đều có sự hiện diện của câu đối. Câu đối trở thành nét văn hóa làng xã, văn hóa đình làng, hội hè, tô điểm làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt.
3/ Câu đối Việt Nam rất quý, rất hay. Đây là kho báu của văn hóa dân tộc. Một chuỗi âm thanh hữu hạn chứa đựng một nội dung vô hạn. Thực tế chứng minh rằng câu đối thể hiện sự thông minh, tài trí, óc lao động sáng tạo, tài ứng xử, tâm hồn của dân tộc Việt Nam, lại có giá trị nghệ thuật cao. Vì vậy ta hãy gìn giữ và phát triển. Bảo tồn câu đối chính là bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
4/ Hiện tượng câu đối Việt Nam chính là hội nhập văn hóa. Hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa từ sớm. Người Việt Nam từ xưa đã biết chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú văn hóa của dân tộc mình. Không những “hội nhập” còn phát triển mạnh mẽ, phát triển rộng rãi, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Câu đối Việt Nam đánh dấu nhịp cầu hữu nghị giao lưu văn hóa hai nước Việt – Trung và là điểm son trong tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tài liệu tiếng Việt:
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Văn học, 2003.
Lê Anh Trà (chủ biên),Lịch văn hóa Tổng hợp 1987-1990, Nhà xuất bản Văn hóa, 1987.
Trần Lê Sáng, 3000 hoành phi câu đối Hán Nôm, Nhà xuất bản văn hóa Thông tin Hà Nội, 2002.
Thích Viên Thành, Chùa Hương ngày nay, Nhà xuất bản khoa học xã hội 1986
Nguyễn Xuân Lý, Nguyễn Tấn Đắc, Đề tài NCKH Di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Bình Thuận.
Nguyễn Đình Minh Đức, Khảo sát câu đối ở các chùa Huế, Khóa luận tốt nghiệp ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP.HCM,2003.
Ngô Hoa Tư, Câu đối ở các ngôi chùa còn giữ được sắc tứ tại thành phố Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp ĐHKHXH & NV– ĐHQG TP.HCM,2004.
Trần Thị Hồng Vân, Bước đầu tìm hiểu câu đối của một số Hội quán người Hoa tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp ĐHKHXH & NV– ĐHQG TP.HCM, 2004.
Các số báo Tết Sài Gòn giải phóng tiếng Việt, tiếng Hoa; Báo Văn Nghệ Tết Kỷ Mão.
Tạp chí xưa nay, chuyên san 1994.
Tạp chí Thông tin số 1-2/2004.
B. Tài liệu tiếng Trung :
1. 中 国 古 今 名 联 鉴 赏,柳 景 瑞,寥 福 招 编,中 州 古 籍 出 版 社, 2003。
2.中 华 姓 氏 对 联 鉴 赏,李 文 郑 编 者,中 州 古 籍 出 版 社, 2002。
VIETNAMESE PARALLEL SENTENCES
– THE SYMBOL OF SINO-VIETNAMESE CULTURAL EXCHANGING BRIDGE
Nguyễn Thiện Chí
Vietnamese parallel sentences is a unique literary linguistic phenomenon, expressing the wisdom and cultural beauty of Vietnamese. In Vietnam, pagodas and temples are decorated with pairs of wood panels in which are inscribed parallel sentences. Tets, holidays, birthday, longevity, wedding celebrations and funeral ceremonies all are chances for composing parallel sentences. Looking back at history, our finding is that Vietnamese parallel sentences originated from China, gradually became popular and Vietnamized.
Surveys and comparison show that Vietnamese and Chinese parallel sentences share common specific traits in linguistic form, Eastern Philosophy and morality and even decorating methods. Vietnamese parallel sentences could be considered the symbol of the cultural exchanging brigde between China and Vietnam.
This is a cultural treasure worthy of respect, of in-depth study by researchers in order to spread widely in the public.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Câu đối việt nam – biểu tượng nhịp cầu giao lưu văn hóa việt–trung.doc