Sống trong hiện thực máu và súng luôn là nỗi đe dọa kinh hoàng, những tưởng các nhà
thơ trẻ trong lòng đô thị miền Nam chỉ có thể trải mình trong cái tôi căm hận, oán thán;
những tưởng xâm chiếm hết hồn thơ họ chỉ là những niềm đau chung đã ngấm lịm vào
da thịt. Vậy mà trong tiếng lòng chung đó, người nghệ sĩ vẫn dành một góc nhỏ để trải
nghiệm về trạng thái cô độc của hiện tại và xót xa hơn là tiên liệu về một khoảng thời
gian định mệnh. Giọng thơ chùng xuống, đẫm buồn song cái tôi vẫn gắng gượng trong
sắc giọng da diết nhớ. Giọng giằng xé của cái tôi cô độc như lạc đi trong nước mắt của
chia li: Bây giờ những buổi chiều còn lại một mình / em có biết chăng đời tôi rồi sẽ có
một sớm mai nào / ra đi không ngày trở lại / tôi vẫn nhớ em khi đêm tối về / âm thầm
khóc trong chiếu chăn / những giọt lệ vàng thánh thiện như nước mắt chim khuyên
(Những buổi chiều một mình - Thái Ngọc San). Lê Văn Ngăn - cây bút của phong trào
học sinh sinh viên thành thị miền Nam - cũng mang nhiều dự cảm trong tình yêu. Trong
hồn thơ của một người đang rơi vào tuyệt vọng, mây trời u ám là không gian của mòn
mỏi đợi chờ: Anh sẽ lui về thành thị cũ / soi mắt em trong tấm gương mờ / ngó qua mái
ngói mây trời đục / biết đến đêm này khuya có mưa (Bên hồ Thủy Ngữ).
3. KẾT LUẬN
Cái tôi tự hát tình ca trong thời cả nước lên đường đầy đặn những cung bậc. Từ âm
hưởng say mê của tình yêu lí tưởng, trong veo đến cung trầm của tình cảm đằm sâu thời
chiến. Từ chút thầm thoảng trong những mối tình e ấp, ngượng ngùng đến cái ấm nóng
của khối tình mặn mà, sâu chín. Từ niềm hạnh phúc của tình yêu chờ đợi, ngóng trông
đến những bất hạnh, vỡ vụn của tình yêu mất mát. Từ niềm hạnh phúc tái sinh đến âu
lo, dự cảm. Từ đổ vỡ đến yêu tin Dẫu tồn tại ở cung bậc nào, cái tôi tình yêu ấy cũng
là biểu hiện sâu sắc cho cái tôi tự nghiệm của thế hệ trẻ. Đó là khát vọng thành thực của
những người lớn lên từ mất mát chiến tranh. Hơn hết, tình yêu chính là vẻ đẹp tâm hồn
của thời đại chống Mỹ. Dẫu lời tự hát ấy có những cung âm buồn của đổ vỡ, mất đau
8 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 467 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cái tôi tình yêu trong thơ trẻ Việt Nam 1965–1975 - Bùi Bích Hạnh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 03(19)/2011: tr. 58-65
CÁI TÔI TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965–1975
BÙI BÍCH HẠNH
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
Tóm tắt: Cái tôi tình yêu là một dạng thức của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ
Việt Nam 1965–1975. Cái tôi trữ tình mang dấu ấn thời đại, bởi vậy tình yêu
trong cảm xúc và điểm nhìn của chủ thể trữ tình cũng chịu sự chi phối của
yếu tố lịch sử, thời đại. Trong không khí lửa đạn, tình yêu cũng nhuốm sắc
màu chiến tranh. Nỗi niềm riêng tư ấy theo người lính vào chiến trường, đi
vào đời sống tâm hồn của cả một thế hệ như những bản tình ca nhiều cung
bậc sâu kín nhất. Hiện thực nóng bỏng của chiến trường, cuộc sống chồng
chất thăng trầm đã thấm vào những vần thơ tình. Cái tôi tình yêu trong thơ
trẻ 1965–1975 được thể hiện dưới nhiều sắc thái đa dạng, tạo nên đặc trưng
thơ tình thời chống Mỹ, đồng thời góp phần làm phong phú diện mạo cái tôi
tình yêu trong thơ cách mạng.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cái tôi độc thoại và đối thoại, cái tôi tự khắc họa chân dung thế hệ mình, cái tôi trải
nghiệm hiện thực chiến tranh... là những biểu hiện làm nên cái tôi tự nghiệm trong thơ
trẻ 1965-1975. Và cái tôi tình yêu trong thơ trẻ 1965-1975 là một dạng thức của cái tôi
tự nghiệm. Trong không khí bom đạn, tình yêu cũng nhuốm sắc màu chiến tranh. Nỗi
niềm riêng tư ấy theo người lính vào chiến trường, đi vào đời sống tâm hồn của cả một
thế hệ như những bản tình ca nhiều cung bậc sâu kín nhất của đời sống nội cảm con
người. Hiện thực nóng bỏng của chiến trường, chồng chất thăng trầm của cuộc sống
thấm vào những vần thơ tình. Các nhà thơ trẻ lại miệt mài tự họa chân dung thế hệ, tự
họa mình trong cánh đồng tình yêu mà thiếu cánh đồng đầy hương sắc ấy, nền văn học
hiện đại sẽ phần nào trống trải.
2. NỘI DUNG
Cái tôi trữ tình mang dấu ấn thời đại, bởi vậy tình yêu trong cảm xúc và điểm nhìn của
chủ thể trữ tình cũng chịu sự chi phối của yếu tố lịch sử, thời đại. Đứng trước sự mất -
còn của dân tộc, tình yêu trong thơ trẻ 1965–1975 được quan niệm trong một chiều sâu
nhận thức mới. Đành rằng khoảng trời riêng tư của con người phần nhiều là tiếng thôi
thúc của trái tim, song tình yêu trong các nhà thơ trẻ bấy giờ còn gắn với những ngẫm
suy sâu sắc. Chính hoàn cảnh chiến tranh làm cho những đôi lứa yêu nhau vượt qua nỗi
đau thầm kín, để cuối cùng con người thấy mình vẫn còn được khát khao, hi vọng. Điều
cốt yếu nhất làm nên bản sắc tình yêu trong thơ trẻ thời chống Mỹ là khát vọng viên
thành. Song ẩn sau những bản tình ca ngân nga đó còn là những khoảng buồn dồn chất.
Đó là tiếng thơ “của một lứa tuổi trẻ gánh trên vai họ thử thách nặng nề nhất của cuộc
chiến tranh, với những gian lao, hy sinh mà họ nếm trải đến tận cùng xương thịt” [1, tr.
137]. Chiến tranh tạo ra giằng xé, chia lìa; chiến tranh tạo ra những chênh chao, đợi
mong, mòn mỏi
CÁI TÔI TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965-1975
59
Tiếng yêu trong trẻo, đằm thắm dường như là những cung bậc bàng bạc trên mảnh đất
thơ tình 1965–1975. Các cây bút trẻ đến với tình yêu trong nhiều nguồn cảm xúc không
trộn lẫn, làm nên mùa hoa tình yêu trong thơ chống Mỹ. Dịu dàng e ấp hay sẵn sàng bày
tỏ; muốn được chở che và có khi lại là mái ấm Một thoáng không dám tỏ bày, chỉ có
cái sôi nổi vụng về gửi vào hương hoa hay bối rối, thẹn thùa trong cái nhìn nhau không
nói được thành lời là những bản tình ca trong trẻo của thơ tình chống Mỹ. Có một chút
thầm thoảng trong anh và em, chỉ kịp giấu tình yêu vào mùi hương sâu kín. Vậy mà tình
yêu dùng dằng, ngượng ngập lại len ngấm vào tận chiều dài nỗi nhớ: Hoa bưởi thơm
cho lòng bối rối / Anh không dám xin / cô gái chẳng dám trao / Chỉ mùi hương đầm ấm
thanh tao / Không giấu được cứ bay dịu nhẹ (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn).
Bên khung cảnh tỏ tình ý nhị ấy, thơ tình thời chống Mỹ còn khắc họa một không gian
lãng mạn mà cũng đầy cái hổn hển mê say của tình yêu. Cái tôi rạo rực trước một
khoảnh khắc dịu dàng, mê đắm: Từ môi mưa giọt xuống môi / nhấm chung một hạt mưa
rơi mặn mà / áo em ướt lẫn vào da / tóc lẫn vào gió, gió là sợi tơ / mắt em trong đến
ngây thơ / trong như nắng giữa mịt mờ mưa giăng (Mưa trong nắng, nắng trong mưa -
Nguyễn Duy). Với hồn thơ đầy tiềm lực, Nguyễn Duy đã đánh thức dậy những cung
trầm yêu thương tưởng mờ nhạt trong thơ tình đương thời. Tác giả nhiều lần thể hiện cái
tôi tình yêu tự nghiệm đến nao lòng. Day dứt cái tôi là âm thanh bàn tay của người yêu,
trong đó tôi xao lòng khi nhận ra bàn tay nhiều vết xước: Không thể nào quên một buổi
chiều nao / tôi chợt biết tay em nhiều vết xước / ấy là lúc trong tay tôi rung lên ấm áp /
bản nhạc không lời mười ngón tay em đan. Dẫu là thanh âm yêu thương đằm thắm hay
đó là tiếng đàn thăng trầm bật lên từ cuộc đời dâu bể thì xoáy vào cái tôi vẫn là dấu vết
của nhọc nhằn: Chưa sâu bằng đêm nay tôi nghe em/ tiếng đàn êm như tóc / tiếng lận
đận mây trôi bèo dạt/ tiếng bàn tay mang vết xước thường ngày (Âm thanh bàn tay).
Nỗi nhớ là cung bậc cồn cào nhất của tình yêu, nhất là tình yêu trong thời chiến, khi sự
chia cách thậm chí là sự chia lìa luôn vây bủa con người. Nguyễn Đức Mậu lắng nghe
trong gian hầm ngột ngạt, cách chia với thế giới bên ngoài tiếng khóc của những người
con gái quắt quay trong nỗi nhớ người yêu. Nhà thơ tái hiện lại góc buồn trong tiềm
thức của những thân phận tình yêu thời chiến: Tôi biết đêm nay ở những căn hầm / Các
cô gái sẽ nói về mái tóc / Sẽ có người trong mơ ôm mặt khóc / Chợt nhớ về bàn tay
người yêu / (Điệp khúc một con đường). Nguyễn Khoa Điềm có Những bài thơ tình viết
trong chiến tranh với những lời đính hẹn, những ngày hạnh phúc thật dịu dàng, những
khoảng trống chơi vơi: Sao nỗi nhớ / Lại làm mình xa đi / Và trở lại / Với mình? / Sao
khổ đau không thể cắt nghĩa / Nào khác / Ngoài em? / Sao em cười và anh đánh mất
mình trong mênh mông đôi mắt. Trong “tình về”, Đông Trình cũng trải vào thơ một nỗi
nhớ đến dằn vặt. Cái tôi quay về miền kí ức với những mâu thuẫn, xáo động. Lời thơ
giằng xé trong tiếng lòng tự vấn: Ngỡ người đã chết trong tôi / Nhưng trên đỉnh nhớ
mây trời còn bay / Tôi thức đêm, tôi thức ngày / Ôi sao tôi lại tự đày đọa thân.
Hoàng Thị Minh Khanh đã không giấu che cõi lòng của người phụ nữ. Cái tôi say đắm,
hối hả tỏ bày nỗi nhớ với anh. Như thể chừng ấy cũng chưa thỏa cảm xúc đang dâng
đầy. Cái tôi càng muốn bộc bạch, phơi trải, lời thơ càng sôi nổi, nồng nàn: Em nhớ anh
không chỉ đêm trăng tỏ / Em nhớ anh không chỉ lúc mưa rơi (Nhớ). Chủ thể mạnh dạn
BÙI BÍCH HẠNH
60
thú nhận cùng anh. Nỗi lòng ấy có chỗ trong cả những ngóc ngách tâm hồn. Xuân
Quỳnh, người đàn bà từng ước trái tim mình là máu thịt để biết yêu anh cả khi chết đi
rồi lại thể hiện nỗi nhớ ở một góc độ khác. Cái tôi trữ tình hóa thân vào con sóng bạc
đầu, để được trải mình giữa bể tình vô tận. Cái tôi đắm trong con sóng tình tứ với nhiều
cung bậc nỗi nhớ. Có khi dịu êm nương mình vào cát, có khi dâng lên như kéo cả bờ cát
vào lòng biển sâu, cũng có khi thao thức trong nỗi nhớ bờ Cõi nhớ của người đàn bà
phập phồng yêu đương trong Xuân Quỳnh là vậy. Mãnh liệt mà đằm sâu, đam mê mà
dịu dàng Người nghệ sĩ không giấu được khát vọng ngàn đời của những trái tim yêu:
Ôi con sóng nhớ bờ / Ngày đêm không ngủ được / Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ
còn thức (Sóng). Khát vọng tình yêu mãnh liệt đến nỗi có khi cái tôi trữ tình thể hiện
niềm nhớ thật phức tạp: Em khác chi con tàu / Nay đây rồi mai đó / Nên cả lúc gần anh
/ Mà lòng em vẫn nhớ (Con tàu - Xuân Quỳnh). Phải chăng đấy là cái lí của những hồn
thơ quá đam mê yêu như Xuân Quỳnh. Dường như trái tim quá sức vì khát sống khát
yêu và một cuộc đời nhiều chống chếnh, đổ vỡ đã thành hình trong thơ chị những khát
khao tận cùng. Cái tôi trải mình trong nỗi nhớ thật cụ thể, gần gụi. Những ngày tháng
hạnh phúc, bình yên dường như là khát thèm rất thành thực của người phụ nữ từng thấm
nghiệm nỗi đợi chờ:
Đây cửa sông, nơi anh ra biển
Nơi anh về. Mong anh được bình yên
Được bình yên trở lại cùng em
Nhưng anh chỉ trở về trong những ngày bão tố
(Một vùng cửa sông)
Sự cách xa, chiều dài năm tháng tạo thành nỗi nhớ. Qua lăng kính đợi chờ của một
thương binh, người nghệ sĩ đã lắng nghe được tiếng hạnh phúc của những ngày cách
chia không thể trọn vẹn. Bởi ám ảnh trong tôi – nhân vật trữ tình – là mặc cảm có lỗi,
xót xa cho lòng chung thủy còn nguyên vẹn dẫu ngày trở về trong tháng năm lửa đạn có
khi là biền biệt:
Tôi trở về quê hương
Biết tám năm người yêu tôi vẫn đợi
Lòng chung thủy làm tim tôi đau nhói
Biết bao lần tôi lẫn trốn em
(Anh thương binh kể chuyện – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Thiên tính của người phụ nữ là khát khao được nâng niu, vỗ về. Và trong thơ tình của
những nhà thơ nữ 1965-1975, người đọc còn nhận ra một biểu hiện khác của thiên tính
nữ. Đó là cảm giác muốn làm điểm tựa cho anh, được hát ru anh, được quan tâm chăm
sóc, được ôm vào lòng mình nỗi niềm của anh. Lời căn dặn của chủ thể rất đỗi đằm
thắm, dịu dàng: Sao không cài khuy áo lại anh / Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét /
CÁI TÔI TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965-1975
61
Gió nhiều quá, phòng trở nên chật hẹp / Bụi mù ngoài đường phố ít người qua (Trời trở
rét). Cái tôi ân cần, tình tứ. Tiếng thơ nhỏ nhẻ, như dỗ dành anh; như hàm bao lo lắng.
Phải có một trái tim yêu thương đằm sâu, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh mới có
những tình cảm ấm áp đến vậy. Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh còn chăm chút
cho hạnh phúc lứa đôi bằng những giai điệu hát ru. Tự xưa, lời ru đã đi sâu vào tiềm
thức của trẻ thơ trong những làn điệu hát ru con, là chiếc nôi đầu đời ngọt dịu nhất. Ở
đây, lại xuất hiện lời ru của thế giới người lớn, lời ru đẫm giai điệu tình yêu. Có cả lo
lắng, tận tụy; có cả thầm thì tình tứ: Anh không ngủ được ư anh? / Để em mở quạt, quấn
mành lên cho / Lặng sao cái gió mặt hồ / Ghét sao cái nóng đầu mùa đã ghê! (Hát ru
chồng những đêm khó ngủ). Cũng khao khát được trao gửi yêu thương, trái tim yêu
trong một khúc tình ca của Thúy Bắc lại rút sợi nhớ để dệt nên cả một trời thương che
chở cho người mình yêu. Cái tôi rơi vào trạng thái hối hả, nôn nao cốt chỉ mong làm
người yêu hạnh phúc. Như chẳng còn cái khắc nghiệt của Trường Sơn. Chỉ còn lại
khoảng không gian của bình yên bao phủ đến lạ thường: Rút sợi thương / Chắp mái lợp
/ Rút sợi nhớ / Đan vòm xanh / Nghiêng sườn đông / Che mưa anh / Nghiêng sườn tây /
Xòe bóng mát / Rợp trời thương / Màu xanh suốt / Em nghiêng hết / Về phương anh (Sợi
nhớ sợi thương).
Tình yêu thời chống Mỹ thường gắn với những giai điệu sôi nổi, gắn với những nỗi niềm
hòa quyện trong tình cảm lớn lao hơn, thiêng liêng hơn - tình yêu Tổ quốc. Và tình yêu
cũng không xa rời hạnh phúc lứa đôi giản dị. Nhưng sau những bản tình ca đầy màu lạc
quan ấy là một phía ẩn khuất những sắc thái rất thật của tình yêu. Đây là điều không thể
phủ nhận khi đi vào vườn thơ tình của thế hệ thơ trẻ 1965-1975. Đó là nỗi đau không thể
nén lại, là bi kịch đời tư. Những rạn vỡ, mất mát; những giằng xé, nghiêng ngả; những vết
thương không liền da; những phấp phỏng đầy dự cảm dù chỉ rải rác ở một số hiện
tượng thơ, đều tạo nên điểm nhấn trên khuôn mặt cái tôi thơ tình 1965-1975.
“Thường thì cái tôi trữ tình trong thơ dễ bộc lộ trực tiếp trong trường hợp viết về chính
bản thân mình và trong những quan hệ riêng tư. Với những loại đề tài này, cái tôi trữ
tình trong thơ thường phổ biến là cái tôi của tác giả” [2, tr. 74]. Cái tôi trong thơ tình
yêu Lưu Quang Vũ là hồn phách nhà thơ. Bằng cái tôi nội cảm, Lưu Quang Vũ gửi vào
thơ niềm khắc khoải giữa tình yêu và số phận con người: Anh là con ong bay giữa trời
lận đận / Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao (Bầy ong trong đêm sâu). Chủ thể gần
như thu mình vào cõi đơn độc: Hoa tìm mùa xuân suốt đời chẳng gặp / Anh suốt đời
chẳng gặp sắc tầm xuân / Em hồn nhiên em chẳng biết anh buồn / Em cứ kể về loài hoa
bé nhỏ / Những chùm hoa nở bừng trong gió / Những chùm hoa ngày cũ chết lâu rồi
(Hoa tầm xuân). Cái tôi cô đơn đến tuyệt vọng. Không hiếm khi chủ thể nếm trải mình
đến tự trào. Nhưng thẳm sâu vẫn là sự gắng gượng để nâng niu cái còn lại của tình yêu
vụn vỡ: Dẫu anh mất nhà ga êm đẹp đó / Vẫn còn con tàu chuyển bánh đi xa / Anh đã
mất ngôi sao trên mái nhà / Anh vẫn còn ngôi sao ngoài cửa sổ / Và nếu mất em rồi anh
vẫn còn đôi mắt của em (Anh đã mất chi anh đã được gì).
“Sự đầy đủ của cuộc đời con người là ở chỗ tìm thấy tình yêu, mặc dù tình yêu ấy có thể
không ở lại cùng ta suốt đời” [3, tr. 54]. Cũng như những bạn thơ cùng thời, Lưu Quang
BÙI BÍCH HẠNH
62
Vũ vẫn có những vần thơ tình thoảng hương ngọt ngào, dịu nhẹ đủ lay động những trái
tim yêu. Song trên một chặng đường sáng tác, bút thơ ấy lại riêng mình rẽ lối. Hạnh
phúc ngày thường đột ngột lìa bỏ như niềm đau thấm lịm vào trái tim yêu say nồng. Còn
lại trong thơ là cái tôi cô quạnh, cái tôi ướt sũng cô đơn: Mai trong em anh thành cỏ
lãng quên / Em chẳng nhớ chân trời anh khát vọng / Em chẳng nhớ lòng anh cơn gió
nóng / Suốt cuộc đời cỏ đắng cỏ lãng quên (Dù cỏ lãng quên). Đôi khi đuổi theo những
ảnh hình hư thực, cái tôi đau đến không thể chôn chặt lòng mình, rong ruổi đi tìm những
vụn vỡ của kí ức: mặt em sáng trong gương tròn lấp lánh / giữa vật vã thương vong và
thắng trận/ chập chờn sau khói đen / những hình ảnh không đầu không cuối / những
ngày tháng những đồ dùng em chạm tới / anh lặng lẽ đi tìm/ những mảnh vỡ của tấm
gương / dưới đáy hào ướt sũng (Em).
Những góc khuất tâm trạng cũng là một phần trong thế giới nghệ thuật thơ Xuân
Quỳnh, người phụ nữ khát khao được sống thật đầy cho tình yêu. Khi đón nhận những
gãy đổ, mất mát, chủ thể rơi vào bi kịch. Cái tôi dằn dỗi. Không tìm thấy sự đồng điệu,
cái tôi giằng xé trong cõi riêng mình trống trải: Thơ hạt cây vừa mới lên mầm / Khi anh
đọc cây đã xoe tàn lá / Và cơn bão đắm tàu nơi biển cả / Lúc anh lo cơn bão đã tan rồi /
Tôi viết về những cay đắng riêng tôi/ Khi anh xót tôi không còn khổ nữa (Về những bài
thơ). Trong những lời thơ đầy trăn trở, cái tôi nhà thơ không dứt hoài nghi: Hạnh phúc
đang còn, tình yêu đã mất (Về những bài thơ). Trái tim chị đâu chỉ có hướng về những
khúc ru tình đằm thắm, đâu chỉ có phập phồng trong những âu yếm nồng say. Cái tôi
trong vườn thơ Xuân Quỳnh có lúc òa vỡ: Một bến sông lạnh vắng / Một con đường
nắng chang / Một ráng đỏ chiều hôm / Một tình yêu đã mất (Hoa ti - gôn). Sắc hoa một
thời thấm đau như tim vỡ của T.T.K.H giờ lại thêm một lần ngấm chuyện tình buồn. Cái
tôi rưng rưng trước sắc hoa rụng tàn, như nỗi đau tiễn biệt: Cánh hoa như lệ vỡ / Như
máu vừa mới sa / Như ngàn vạn giọt mưa / Của nỗi buồn khôn dứt (Hoa ti - gôn).
Bao cơn địa chấn trong đời, trong bao lần gồng mình vay trả cho những riêng tư tan vỡ
làm hồn thơ ấy rung lên những phím ngậm ngùi. Kí ức rạn nứt chưa xa, màu hạnh phúc
chưa kịp thắm lại đã mang vào thơ chị những tiếng khóc thầm cho phận mình, cho lỡ
làng ngày son trẻ. Những đoạn đời đứt gãy rồi chắp nối đã làm đau trái tim người phụ
nữ đa đoan. Con người từng thảng thốt gọi tìm cánh chuồn báo bão đâu dễ vùi sâu nỗi
đau riêng. Lời thơ vì thế khắc khoải hơn, day diết hơn trong nỗi buồn tự vấn: Tôi cứ đi
tìm mãi bản thân mình / Cũng có thể suốt đời chưa thấy hết (Trở lại mình). Có phải
Xuân Quỳnh là “nhà thơ của cái đẹp lâm nguy”? (Chu Văn Sơn). Những năm tháng
không yên, những nỗi lo chằng chịt bão bom, cách trở dường như đeo đẳng chị như một
định mệnh. Và thắc thỏm, nơm nớp, âu lo là những trạng thái tất yếu của một con
người sớm mang nỗi sợ đơn côi. Cõi đa mang ấy như góp vào âm vang thơ tình thời đạn
lửa một nốt buồn thao thiết.
Cái mong manh, chông chênh của niềm hạnh phúc thường làm trăn trở hồn thơ Xuân
Quỳnh. Sự nhạy cảm của người phụ nữ đam mê yêu càng đẩy cái tôi đến với những day
trở phức tạp: Em đi suốt đời em / Theo nỗi buồn anh ra biển cả / Nơi ngàn năm sóng vỗ
/ Nỗi buồn anh trên bờ đá hoang sơ / Nỗi buồn anh như đảo đứng chơ vơ / Giữa sóng
CÁI TÔI TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965-1975
63
nước giữa bốn bề bão gió (Nỗi buồn anh). Đeo đẳng tâm thức người nghệ sĩ là nỗi buồn
anh chạy dọc một đời bể dâu. Đây không chỉ là tâm thế dự báo mà chủ thể còn như
muốn cất lên lời nguyện: hạnh phúc đích thực đôi khi phải gồng gánh cả những buồn
đau, duyên phận cùng với cả những buồn thương. Người phụ nữ ấy nhiều khi xoay trở
với mặc cảm tình yêu chất chứa nhiều gam buồn. Hoài nghi vào tình yêu cũng chính bởi
chị mong chờ nhiều quá, ước ao nhiều quá. Vì thế những dự cảm âu lo là một trạng thái
rung động rất đời thực của Xuân Quỳnh. Ngay cả trong khoảng thời gian đong đầy hạnh
phúc, những vết thương đời tư đã được khâu lành, người thơ càng ám ảnh về cái mong
manh, tròng trành. Tác giả tự hát với một chuỗi những bồn chồn, khắc khoải, thậm chí
hoảng loạn trước dự cảm chia xa: Em lo âu trước xa tắp đường mình / Trái tim đập
những điều không thể nói / Trái tim đập cồn cào cơn đói / Ngọn lửa nào le lói giữa cô
đơn (Tự hát). Chính trạng thái âu lo, thấp thỏm càng đeo đẳng, những trái tim yêu càng
khát khao được sống mãi với tình yêu. Xuân Quỳnh - người đàn bà của định mệnh khát
yêu – đã có một cách sở hữu tận cùng cõi yêu tưởng thật giản dị song đó là nỗi ngấm
nghiệm đánh đổi bằng cả một đoạn đời được - mất: Em trở về đúng nghĩa trái tim em /
Là máu thịt đời thường, ai chẳng có / Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa /
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát). Cái tôi từng trải thấm thía một triết lí về
tình yêu, đó là nhịp đập vĩnh cửu của những trái tim đam mê yêu ngay cả sau cõi chết.
Cùng mang nặng trái tim yêu day diết, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng không thoát mình ra khỏi
những phấp phỏng, âu lo, hờn trách. Dù ở chặng thơ trước 1975, hồn thơ ấy chưa thật xáo
động với những tiếng lòng nức nở, với những cháy lòng khao khát, những khoảnh khắc
giật mình, hoang vắng... Song bản năng yêu của người phụ nữ trong thơ chị giai đoạn này
vẫn xốn xang với những nỗi sợ thật đáng yêu: Một nỗi lo âu / Buốt trong ngực trẻ / Lời
anh ngọt ngào / Lòng em đau xé (Em sợ). Trước những lời ngọt ngào của nhân vật trữ tình
anh, em dường như không lấy đó là hạnh phúc. Bởi trong em là những nếp buồn của một
thời son trẻ. Cái tôi dằn vặt trong thắc thỏm trước thời gian, tuổi xuân đời người.
Sau những lần va đập với được - mất trong tình yêu, con người càng sợ hạnh phúc rời
xa mình. Âu cũng là điều dễ lí giải, đó là tâm lí thường trực của con người quá nâng niu
những giá trị có lại trong đời. Hơn thế, khi bất hạnh chưa kịp đi ra khỏi cuộc đời thì
niềm vui tái sinh dường như không trọn vẹn. Với người sáng tạo nghệ thuật thì sự linh
cảm trở thành ám ảnh; là tiên giác, tiên nghiệm. Thơ tình Lưu Quang Vũ gắn chặt với
tâm thế chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất trong khi thời gian cứ vô tình bỏ rơi con
người. Đứng trước tình yêu đã nhuộm màu thấm thía thì dự cảm thực sự ám ảnh thế giới
thơ Lưu Quang Vũ. Cái tôi rơi vào chênh chao: Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa / Thương
vườn cũ gãy cành và rụng lá / Áo em ướt để anh buồn khóc mãi / Ngày mai chúng mình
ra sao em ơi (Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa). Phải chăng tất cả là những tiên liệu định
mệnh? Nhiều khi Lưu Quang Vũ đứng mấp mé ở cảm giác sắp chia lìa ngay trong
những ngày đang sống: Tất cả ở đây đều chưa định / Cuộc đời như sắp sửa đi xa (Viết
cho em từ cửa biển). Chưa nguôi ám ảnh về hạnh phúc gia đình một lần nghiêng ngả, có
lúc, cái tôi nghi ngờ cả đến những điều thật nhất: Chẳng lời ru nào làm anh yên lòng cả
/ Anh nghi ngờ cả đến giọt sương rơi (Những ngày chưa có em). Niềm bi quan ấy có
thể dễ dàng lí giải. Khi một thời xa xót vẫn chưa đi ra khỏi cuộc đời, con người không
BÙI BÍCH HẠNH
64
dễ lấy lại tin yêu. Lưu Quang Vũ lại vốn chỉ tin vào những gì từng trải nghiệm; vì thế
trong con người thơ là bao linh cảm mơ hồ: Cậu bé con đôi mắt ngây thơ / Đã đánh mất
kho vàng và tiếng hát / Anh bỏ hồ trong, bỏ vườn cây mát / Đi tìm chân trời nhưng chỉ
thấy cô đơn (Những ngày chưa có em).
Đi qua những bức tường gạch vỡ, những bãi nền đổ nát, những tháng ngày rơi vãi, thế
giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ lại có những suy cảm về hạnh phúc thật giản dị. Có
lẽ thật hiếm ngòi bút nào trong địa hạt thơ tình chống Mỹ lại đi đến tận cùng bản sắc
tình yêu như bút thơ Lưu Quang Vũ. Những bông hoa không chết bao giờ không chỉ là
suy nghiệm của Lưu Quang Vũ về chiến tranh, về cái chết của đồng đội trong đối cực
mất - còn nghiệt ngã của chiến tranh mà đó còn là hạnh phúc trở về, là tình yêu vĩnh
cửu. Tiếng thơ tình yêu đầy bão động ấy vẫn không yên với di chúc tình yêu. Nhân hậu
biết bao khi đó chính là chân trời - hiện thân của ước mơ một đời chưa thỏa nguyện, là
lòng yêu vẫn còn đương khát, là hạnh phúc dở dang: Em cần gì giếng lạnh / Tâm hồn
anh cô quạnh dưới lòng sâu / Ngẩng lên biền biệt mây cao / Cuộc đời thăm thẳm / Tình
anh như cỏ lau / Tìm nhau trên đất vắng / Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh / Hoa cúc nở vàng
trên cánh tay (Không đề).
Sống trong hiện thực máu và súng luôn là nỗi đe dọa kinh hoàng, những tưởng các nhà
thơ trẻ trong lòng đô thị miền Nam chỉ có thể trải mình trong cái tôi căm hận, oán thán;
những tưởng xâm chiếm hết hồn thơ họ chỉ là những niềm đau chung đã ngấm lịm vào
da thịt. Vậy mà trong tiếng lòng chung đó, người nghệ sĩ vẫn dành một góc nhỏ để trải
nghiệm về trạng thái cô độc của hiện tại và xót xa hơn là tiên liệu về một khoảng thời
gian định mệnh. Giọng thơ chùng xuống, đẫm buồn song cái tôi vẫn gắng gượng trong
sắc giọng da diết nhớ. Giọng giằng xé của cái tôi cô độc như lạc đi trong nước mắt của
chia li: Bây giờ những buổi chiều còn lại một mình / em có biết chăng đời tôi rồi sẽ có
một sớm mai nào / ra đi không ngày trở lại / tôi vẫn nhớ em khi đêm tối về / âm thầm
khóc trong chiếu chăn / những giọt lệ vàng thánh thiện như nước mắt chim khuyên
(Những buổi chiều một mình - Thái Ngọc San). Lê Văn Ngăn - cây bút của phong trào
học sinh sinh viên thành thị miền Nam - cũng mang nhiều dự cảm trong tình yêu. Trong
hồn thơ của một người đang rơi vào tuyệt vọng, mây trời u ám là không gian của mòn
mỏi đợi chờ: Anh sẽ lui về thành thị cũ / soi mắt em trong tấm gương mờ / ngó qua mái
ngói mây trời đục / biết đến đêm này khuya có mưa (Bên hồ Thủy Ngữ).
3. KẾT LUẬN
Cái tôi tự hát tình ca trong thời cả nước lên đường đầy đặn những cung bậc. Từ âm
hưởng say mê của tình yêu lí tưởng, trong veo đến cung trầm của tình cảm đằm sâu thời
chiến. Từ chút thầm thoảng trong những mối tình e ấp, ngượng ngùng đến cái ấm nóng
của khối tình mặn mà, sâu chín. Từ niềm hạnh phúc của tình yêu chờ đợi, ngóng trông
đến những bất hạnh, vỡ vụn của tình yêu mất mát. Từ niềm hạnh phúc tái sinh đến âu
lo, dự cảm. Từ đổ vỡ đến yêu tin Dẫu tồn tại ở cung bậc nào, cái tôi tình yêu ấy cũng
là biểu hiện sâu sắc cho cái tôi tự nghiệm của thế hệ trẻ. Đó là khát vọng thành thực của
những người lớn lên từ mất mát chiến tranh. Hơn hết, tình yêu chính là vẻ đẹp tâm hồn
của thời đại chống Mỹ. Dẫu lời tự hát ấy có những cung âm buồn của đổ vỡ, mất đau
CÁI TÔI TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM 1965-1975
65
riêng tư thì đó cũng là tiếng yêu chân thực mà trong hoàn cảnh chiến tranh buộc con
người nén lại. Mỗi biểu hiện của cái tôi tình yêu làm nên sắc diện riêng của cái tôi trữ
tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965-1975.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vũ Tuấn Anh (1997). Nửa thế kỉ thơ Việt Nam 1945-1995 (Nhìn từ phương diện sự
vận động của cái tôi trữ tình). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[2] Hà Minh Đức (1998). Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại. NXB Giáo
dục, Hà Nội.
[3] Lưu Khánh Thơ (2001). Lưu Quang Vũ - Tài năng và lao động nghệ thuật. NXB Văn
hóa thông tin, Hà Nội.
Title: THE EGO OF LOVE IN VIETNAM’S YOUTH POETTRY (1965–1975)
Abstract: Ego of love is one form of the lyrical ego in the Vietnam’s youth poetry 1965-1975.
The lyrical ego bears the hallmark of age, that’s why love in the emotion and point of look of
the lyrical subject is affected by history, age factor as well. In fire and sword, love is also
coloured war. The innermost feelings followed the soldiers’ steps to battlefield, going into the
spiritual life of the whole generation like love songs with the most deeply tones. The love verses
was imbured with the burning reality of battlefield, the life heaped up vicissitudes. The ego of
love in Vietnam youth poetry 1965-1975 was expressed in many nuance making the specific
characteristics for love poems in the anti-American time as well as contributing to enrich the
performance of the lyrical ego of revolution poetry.
ThS. BÙI BÍCH HẠNH
Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
Địa chỉ: 257/51 Phan Châu Trinh, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
Email: thachthao111@gmail.com. ĐT: 0914.089.560
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 14_200_buibichhanh_10_bui_bich_hanh_9713_2020983.pdf