Các hình thức huy động vốn của Ngân hàng thương mại
Nhận xét: Trên đây là các hình thức huy động vốn thường thấy của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên đối với mỗi ngân hàng khác nhau, ở các nước khác nhau và trong các giai đoạn khác nhau thì có thể có các phương thức huy động khác.
8 trang |
Chia sẻ: hao_hao | Lượt xem: 3996 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các hình thức huy động vốn của Ngân hàng thương mại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tóm tắt: Các hình thức huy động vốn của Ngân hàng thương mại
Tác giả: Lê Anh Tú
Huy động các nguồn vốn khác nhau trong xã hội để hoạt động là lẽ sống quan trọng nhất của các Ngân hàng thương mại. Đặc biệt là các ngân hàng có quy mô lớn. Trong vòng ba thập niên từ sau cuộc đại suy thoái 1930, hầu hết các Ngân hàng thương mại trên thế giới đều quan tâm nhiều nhất tới việc quản lý tài sản có, hay nói khác đi là kế hoạch và phương hướng đầu tư các nguồn đã có. Tuy nhiên, từ thập niên 60 đến nay, khi chế độ lãi suất trả cho tiền gửi được thả nổi linh hoạt, tài sản nợ trở nên đa dạng và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các Ngân hàng thương mại với nhau trong việc tìm kiếm vốn hoạt động đã dần dần hướng các ngân hàng chú ý đến sự giao động của tài sản nợ. Vả lại từ thập niên 60 trở đi thì với sự phát triển nhanh của các thị trường tài chính liên quốc gia, đã có rất nhiều loại tài sản có lợi tức ổn định và thanh khoản cao được mở ra trước mắt các ngân hàng ở các nước phát triển. Cho nên, vấn đề khó khăn không còn là đầu tư vào đâu mà là làm thế nào có đủ vốn cho đầu tư giữa môi trường cạnh tranh đầy kịch tính trong hệ thống ngân hàng thế giới.
Các hình thức huy động tiền gửi của Ngân hàng Thương mại.
Đây là hình thức huy động vốn mà ngân hàng huy động được từ các tổ chức kinh tế, các nhân,...trong xã hội thông qua hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm, thanh toán hộ, các khoản cho vay tạo tiền gửi và các nghiệp vụ kinh doanh khác.
Các hình thức nhận tiền gửi của các Ngân hàng Thương mại tuỳ thuộc vào các tiêu thức khác nhau mà được chia thành từng loại khác nhau:
Phân loại theo tiêu thức kỳ hạn.
Ngày nay, người ta thường phân chia các khoản tiền gửi theo tiêu thức này để có thể quản lý tốt lượng tiền gửi, tiền lãi, và là cơ sở để ngân hàng xây dựng chiến lược dự trữ phù hợp.
Tiền gửi không kỳ hạn: Đây là khoản tiền gửi không có kỳ hạn xác định, người gửi có thể rút ra bất kỳ lúc nào do đó lãi suất thường thấp. Tiền gửi không kỳ hạn là một trong những nguồn vốn biến động nhiều nhất và ngân hàng khó có thể dự báo về quy mô tiền gửi không kỳ hạn (giao dịch) có thể huy động. Hình thức này chủ yếu là mở cho các doanh nghiệp. Bởi vì, các doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng mục đích chính không phải để nhận lãi mà là để hưởng các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp; đó là các dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, thu chi hộ,...
Tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn có thể đáp ứng nhu cầu của những khách hàng chưa có dự định rõ ràng trong tương lai, hoặc không thực sự an tâm về việc gửi tiền mà chỉ mong muốn nhận được một số tiền lãi nào đó với lượng tiền hiện còn nhành rỗi.
Do tính chất không ổn định của nó nên ngân hàng chỉ được sử dụng một tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó của lượng tiền gửi không kỳ hạn nhận được, và ngân hàng muốn sử dụng thì phải dự tính về sự ổn định tương đối của lượng tiền này. Do vậy, quản lý tiền gửi không kỳ hạn là một phần quan trọng của quản lý dự trữ trong các ngân hàng.
Tiền gửi có kỳ hạn: Đây là loại tiền gửi có sự thoả thuận giữa người gửi tiền và ngân hàng về số lượng, kỳ hạn, lãi suất của khoản tiền gửi. Do có sự xác định rõ ràng về kỳ hạn, nên nguồn tiền gửi có kỳ hạn là nguồn tiền có sự ổn định cao, ngân hàng có thể sử dụng để cho vay với thời hạn tương ứng hoặc có thể chuyển đổi một phần tiền gửi ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Chính vì lý do này mà lãi suất của các khoản tiền gửi kỳ hạn thường cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Bởi vì mục đích chính của việc gửi tiền vào ngân hàng là tiền lãi. Thông thường thì lãi suất tỷ lệ thuận với kỳ hạn, tức là khoản tiền gửi càng lâu thì lãi suất càng cao và ngược lại.
Phân loại theo tiêu thức nguồn hình thành.
Các khoản ký gửi của các cá nhân và tổ chức là các khoản tiền mà họ trực tiếp chuyển vào ngân hàng: Cá nhân gửi tiền tiết kiệm, doanh nghiệp nộp tiền bán hàng,... Đây là các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế được ngân hàng tập trung lại. Các cá nhân và tổ chức thường gửi tiền với mục đích và kỳ hạn khác nhau. Cá nhân gửi tiền thường với mục đích là để hưởng lãi, các doanh nghiệp thường là để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.
Tín dụng tạo tiền gửi: Đây cũng là một hình thức nhận tiền gửi, khi ngân hàng cho khách hàng vay tiền thì ngân hàng chuyển số tiền này vào tài khoản tiền gửi của khách hàng ngay trong ngân hàng. Khi khách hàng chưa có nhu cầu rút tiền ngay lập tức thì ngân hàng có thể sử dụng số tiền đó mặc dù với thời hạn rất ngắn.
Phân loại theo tiêu thức mục đích sử dụng.
Tiền gửi tiết kiệm: Phần lớn là các khoản ký gửi của các cá nhân với mục đích là tìm kiếm một khoản thu nhập. Thường thì mỗi khoản tiền gửi tiết kiệm có khối lượng nhỏ, thời hạn ngắn. Những người gửi tiền tiết kiệm là những đối tượng giảm chi tiêu trong hiện tại với hy vọng là sẽ tăng được chi tiêu trong tương lai.
Tiền gửi tiết kiệm có mục đích: Loại hình này khá phổ biến ở các nước phát triển, thường được sử dụng với những hộ có thu nhập thấp và trung bình. Người gửi để dành một khoản tiền gửi vào ngân hàng (thường là các khoản tiết kiệm đều đặn hàng năm) với ý định tích luỹ tiền cho một mục đích nhất định. Đây là hình thức huy động vốn trung và dài hạn khá hiệu quả, có tính ổn định, đồng thời có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ cho người dân mua sắm nhà cửa, phương tiện.
Tiền gửi thanh toán: Là khoản ký gửi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Họ gửi tiền mục đích không phải là để hưởng thu nhập mà là hưởng các dịch vụ của ngân hàng. Thông thường các khoản tiền gửi thanh toán có khối lượng lớn. Do đó, khi các khoản tiền này tạm thời chưa sử dụng thì ngân hàng có thể sử dụng vào kinh doanh.
Phân loại theo tiêu thức loại tiền gửi.
Tiền gửi nội tệ: Đây là khoản tiền gửi quan trọng của các ngân hàng, nó phụ thuộc vào thu nhập trong nước và chiếm tỷ trong rất lớn trong tổng lượng tiền gửi.
Tiền gửi ngoại tệ: Bên cạnh tiền gửi nội tệ thì ngân hàng còn nhận tiền gửi dưới dạng ngoại tệ như USD, GBP,DEM,... những khoản ngoại tệ này cũng rất quan trọng cho hoạt động ngân hàng như kinh doanh ngoại tệ trong nước, tài trợ xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế,...
Chứng thư tiền gửi loại lớn.
Chứng thư tiền gửi loại lớn là một loại hình phiếu nợ do ngân hàng phát ra để vay tiền của thị trường. Có hai cách phát hành loại chứng thư này:
Một là khi có các đối tượng đến vay tiền để sản xuất hoặc tiêu dùng theo hợp đồng với ngân hàng, ngân hàng phát lại chứng thư này cho họ. Hoặc ngân hàng có thể công bố phát hành chứng thư này cho các đối tượng muốn đầu tư hoặc muốn gửi tiền vào ngân hàng. Thay vì một cuốn sổ tiền gửi có kỳ hạn, họ có thể nhận loại chứng thư này. Nhưng chứng thư loại này không có những đơn vị quá nhỏ bằng tiền mặt.
Khi ngân hàng thương mại phát ra chứng thư này, nó hướng tới việc vay tiền của thị trường, của nhân dân và chứng thư là giấy xác nhận khoản vay này. Đồng thời trên chứng thư có ghi rõ thời hạn sẽ trả lại tiền mặt (6 tháng, 1 năm,...) và lãi suất người cho vay được hưởng. Đến ngày đáo hạn cuối cùng, người sở hữu chứng thư đem nộp nó cho ngân hàng đã phát hành để nhận lại cả vốn theo giá trị bề mặt và tiền lời.
Loại chứng thư này ở các nước công nghiệp thường có thời gian đáo hạn không qúa 6 tháng kể từ ngày phát hành. Với thời gian ngắn và tính chất được sử dụng, chấp nhận không khác gì Séc hay tiền mặt, trong khi nó có lãi suất mà Séc và tiền mặt không có lãi suất, chứng thư này trở thành loại đầu tư ngắn hạn hấp dẫn nhất đối với các nhà kinh doanh và hộ gia đình.
Tuy nhiên, khả năng vay vốn từ thị trường thông qua việc phát hành chứng thư tiền gửi hay tín phiếu tuỳ thuộc vào 4 yếu tố: Mức độ chấp nhận của nhân dân đối với nó như một phương tiện thanh toán trong lưu thông- Sự khuyến khích hay không của Ngân hàng Trung ương- Hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn đã vay được- Sự phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ.
Vay ngắn hạn tại Ngân hàng Trung ương.
Trong quá trình hoạt động của mình, do có những ngày cho vay quá nhiều, sự thiếu hụt dự trữ tại Ngân hàng Trung ương là điều thường xảy ra đối với các ngân hàng thương mại. Trong khi có một số ngân hàng thương mại thiếu dự trữ, thì nó cũng có một vài bộ phận khác thừa dự trữ. Để đảm bảo dự trữ theo quy định của Ngân hàng Trung ương, các ngân hàng thương mại điện thoại hoặc liên lạc bằng Computer vay lẫn nhau dự trữ trong một ngày là chuyện bình thường. Thủ tục vay được tiến hành qua Fax hoặc điện tín.
Việc vay qua vay lại như thế diễn ra hàng ngày trong hệ thống ngân hàng thương mại. Nó hình thành nên một loại tài sản nợ khá thường xuyên. Tuy nhiên, khoản nợ này thường rất ngắn không quá một tuần, và thường là chỉ một hay hai ngày vì mọi ngân hàng đều tự ý thức không thể lạm dụng kéo dài thời gian gây khó khăn cho ngân hàng có thiện chí giúp mình.
Vay ngắn hạn thông qua hợp đồng mua lại.
Hợp đồng mua lại là hình thức vay ngắn hạn trên thị trường của ngân hàng thương mại. Trong hoạt động mỗi ngày, việc thiếu tiền mặt bất ngờ cho những thượng vụ đầu tư đã được ký kết hoặc hụt dự trữ tại Ngân hàng Trung ương là chuyện không có gì lạ đối với các ngân hàng thương mại. Ngoài những biện pháp nêu trên, trong những trường hợp cấp thiết, ngân hàng thương mại có thể vay của thị trường trong vài ngày đến vài tuần bằng cách phát hành hợp đồng mua lại.
Đây là một hợp đồng bán chứng khoán giữa ngân hàng và đối tượng kinh doanh chứng khoán tương đối thừa tiền mặt trong thị trường như các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, các quỹ tiết kiệm, hưu trí, các công ty kinh doanh và môi giới chứng khoán.
Chứng khoán mà ngân hàng đem bán là chứng khoán mà ngân hàng đang đầu tư. Không phải là phiếu nợ do nó phát hành như các trường hợp vừa rồi. Những loại chứng khoán mà ngân hàng thường đầu tư nhất và có thể đem bán theo loại hợp đồng này là trái phiếu Kho bạc- hối phiếu Kho bạc- cổ phiếu Kho bạc và một số loại trái phiếu, cổ phiếu khác của thị trường.
Hợp đồng mua lại có những đặc điểm sau:
Hợp đồng thuyết minh rõ ràng, ngân hàng chỉ bán ra trong một ngày, hai ngày hay một tuần, hai tuần. Sau đó, ngân hàng được phép mua lại chính các loại chứng khoán mà nó đã bán ra với giá đúng bằng giá gốc cộng thêm chi phí giao dịch. Đó là lý do người ta gọi đây là thoả thuận hoặc hợp đồng mua lại. Người đã mua chứng khoán của ngân hàng, chỉ được bán lại cho chính ngân hàng này vào một thời gian ngắn sau đó. Không được phép bán cho ai khác.
Do đó, đây là một hình thức giải quyết vấn đề kẹt tiền mặt cấp thời cho ngân hàng thương mại. Thời gian bán tối đa không quá 2 tuần( ở các nước công nghiệp hiện nay).
Khi ngân hàng bán chứng khoán ra theo loại hợp đồng này nó thu tiền mặt về lượng tiền mặt này xuất hiện như một khoản vay ngắn hạn từ thị trường vì lượng chứng khoán xuất ra vẫn được xem như một bộ phận tài sản có mà ngân hàng sẽ thu hồi. Khoản vay ngắn hạn này là một bộ phận của tài sản nợ.
Tổ chức mua chứng khoán là người cho vay. Ngân hàng phát ra chứng khoán là chủ thể đi vay. Ngân hàng không bao giờ áp dụng hình thức bán này cho nhân dân. Bởi lẽ bán ra cho nhân dân dưới hình thức như phát hành lẻ và sau này mua lại sẽ tốn rất nhiều thời gian và hiệu quả rất chậm không giải quyết những nhu cầu tiền mặt gấp trong ngắn hạn. Hầu như phương thức này chỉ áp dụng cho các đại lý lớn mà thôi.
Chi phí giao dịch mà ngân hàng sẽ trả cho đại lý chính là tiền lãi từ thương vụ cho vay này đứng về phía người mua là các đại lý. Thông thường giá bán và giá mua lại(gồm cả lãi) đã được thống nhất sắn trong hợp đồng với những khoảng thời gian đã định trược. ở các nước có thị trường tài chính phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, ý,... Các ngân hàng thương mại vay nợ dưới hình thức này gần như mỗi tuần trong tài sản nợ của họ luôn luôn có khoản mục vay ngắn hạn thông qua hợp đồng mua lại, nằm trong khoản vay ngắn hạn từ thị trường.
Vay ngắn hạn bằng giấy nợ phụ
Đây là khoản mục cuối cùng trong các khoản vay từ thị trường và cũng là loại tài sản ít thông dụng nhất. Ngân hàng có thể vay nóng, với lãi suất khá cao và thời gian từ ngắn đến rất ngắn, mỗi khi quá kẹt tiền mặt bằng những thoả thuận với các thân chủ giàu có vẫn quan hệ thường xuyên với ngân hàng như các công ty, các tập đoàn kinh doanh, các đại lý tài chính khác,...Hình thức vay này được thực hiện thông qua một hợp đồng trong đó thuyết minh rõ người cho vay chấp nhận rõ khoản tiền mà họ cho vay sẽ là loại tài sản nợ được đền bù sau chót trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ. Vì sao có thoả thuận này! vì họ đã được lãi suất cao hơn bất kỳ một khoản vay nào khác.
Chứng thư mà ngân hàng giao cho họ khi vay là một loại giấy nợ của ngân hàng (Bank debentures). ở Hoa Kỳ, nó có một tên gọi rộng là giấy nợ phụ (subordinated debentures). Những khoản vay này khá phổ biến ở Mỹ, và một thời kỳ ở Nhật và Hàn Quốc.
Vay của Ngân hàng Trung Ương
Các ngân hàng thương mại hầu như đều được sự cho phép thành lập của Ngân hàng Trung ương, cho nên nó đều được quyền vay tiền tại Ngân hàng Trung ương trong những tình huống thiếu hụt dự trữ.
Trường hợp không may diễn ra khi ngân hàng thương mại đến vay giữa lúc Ngân hàng Trung ương không muốn khuyến khích sự bàng trướng tín dụng, hoặc thậm chí nó đang thắt chặt cung ứng tiền để chống lạm phát. Lúc đó lãi suất chiết khấu được đưa lên cao với những khoản lỗ trông thấy khi vay vốn của Ngân hàng Trung ương. Do đó, các ngân hàng thương mại chỉ miễn cưỡng vay trong những tình huống thật ngặt nghèo và tìm mọi cách trả nợ rất nhanh.
Dù vay ít hay nhiều, vay thường xuyên hay chỉ thỉnh thoảng một năm đôi ba lần, dịch vụ vay từ cửa ngõ chiết khấu của Ngân hàng Trung ương vẫn là một khoản mục cố định trong tài sản nợ vì không có ngân hàng thương mại nào mà chưa hề vay của Ngân hàng Trung ương bao giờ từ khi thành lập.
Các khoản vay từ công ty mẹ
Một hình thức vay vốn khác ngoài các hình thức trên là vốn vay từ công ty mẹ (parent company). Tại các nước đã phát triển, một công ty hoặc một tập đoàn kinh doanh có thể là chủ của một đến rất nhiều ngân hàng thương mại. Thay vì ngân hàng phát hành trái phiếu hoặc giấy nợ để vay tiền của thị trường bằng các hình thức kể trên, có thể chịu nhiều sự quản lý và ràng buộc của Ngân hàng Trung ương về dự trữ, lãi suất và kể cả thủ tục, các công ty mẹ của ngân hàng có thể thay thế nó làm chuyện đó dưới hình thức phát hành trái phiếu, cổ phiếu công ty hoặc các loại thương phiếu, rồi chuyển vốn đã huy động được về cho ngân hàng hoạt động.
Mỗi khi Ngân hàng Trung ương ràng buộc họ quá nhiều điều kiện không thể phát hành trái phiếu được như ý muốn. Hoặc nếu phát hành được cũng sẽ phải trả chi phí rất cao. Vậy nên giao cho các công ty mẹ phát hành là cách trốn thoát của họ để đạt những muc đích ấy. Lý do này giải thích vì sao hầu như ở tất cả các nước phát triển, các ngân hàng thương mại luôn luôn là con đẻ của một công ty kinh doanh, công ty tài chính hoặc ít nhất là có quan hệ mật thiết với các đối tượng trên.
Nhận xét: Trên đây là các hình thức huy động vốn thường thấy của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên đối với mỗi ngân hàng khác nhau, ở các nước khác nhau và trong các giai đoạn khác nhau thì có thể có các phương thức huy động khác.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- cac_hinh_thuc_huy_dong_von_cua_ngan_hang_thuong_mai_8889.doc