Based on signs such as increase alum, declining concentration of humus, nitrogen in
the soil, as well as the type of dominant vegetation on the land, we can see land resources in
Phong Dien district - Thua Thien Hue Province have expressed recession. Analysis result of
chemical composition of some soils showed that the degradation of land in Phong Dien district
is very alarming. Therefore, it should conduct synchronous measures to prevent and reduce land
degradation.
9 trang |
Chia sẻ: huongnt365 | Lượt xem: 605 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các biểu hiện suy thoái đất ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 04(12)/2009: tr. 56-64
CÁC BIỂU HIỆN SUY THOÁI ĐẤT
Ở HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
TRẦN THỊ TUYẾT MAI - LÊ PHÚC CHI LĂNG
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Tình trạng thoái hóa đất đang diễn ra trên địa bàn huyện Phong
Điền với các biểu hiện rất rõ nét như tăng độ chua tầng mặt; giảm sút hàm
lượng mùn, đạm, lân tổng số và lân dễ tiêu; giảm sút độ ẩm đất; bị xói mòn,
rửa trôi mạnh do lớp phủ thực vật bị phá hủy Việc nghiên cứu các biểu
hiện suy thoái đất, tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sự suy thoái tài
nguyên đất trên lãnh thổ huyện Phong Điển phục vụ mục tiêu phát triển bền
vững là vấn đề mang tính cấp thiết.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đất là nguồn tài nguyên quý giá, là tư liệu sản xuất của nông - lâm - nghiệp. Hoạt động
khai thác sử dụng của con người với nhiều mục đích khác nhau và tác động của các quá
trình tự nhiên đã dẫn đến tình trạng thoái hóa đất. Hiện nay, tình trạng thoái hóa đất
đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Huyện Phong Điền, tỉnh
Thừa Thiên Huế là vùng đất có độ nhạy cảm cao, dễ bị xói mòn, rửa trôi chất dinh
dưỡng và tầng đất mặt. Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến suy thoái đất, những
biểu hiện của suy thoái đất ở huyện Phong Điền sẽ xây dựng cơ sở khoa học cho việc đề
xuất hướng sử dụng đất bền vững, giảm thiểu và ngăn ngừa thoái hóa đất trong vùng
nghiên cứu.
2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SUY THOÁI ĐẤT HUYỆN PHONG ĐIỀN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Quá trình suy thoái đất diễn ra với các biểu hiện và cấp độ khác nhau, điều này tùy
thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội. [3]
2.1. Các yếu tố tự nhiên
2.1.1. Đá mẹ
Đá mẹ không chỉ có ảnh hưởng lớn đến sự thành tạo đất mà còn tác động mạnh đến quá
trình thoái hóa đất. Các loại đất được hình thành từ các loại đá mẹ khác nhau sẽ có mức
độ thoái hóa đất khác nhau. Các đất được hình thành từ đá cát, macma axit rất dễ bị
thoái hóa, còn các đất được hình thành từ đá phiến sét, macma trung tính thì có mức
độ thoái hóa thấp hơn [2]. Ở Phong Điền có các thành tạo trầm tích và trầm tích có
nguồn gốc núi lửa phát triển khá phong phú, có tuổi từ Neoproterozoi đến Kainozoi.
2.1.2. Địa hình
Địa hình Phong Điền khá đa dạng: Phía Bắc là các đụn cát ven biển cao trên 20m, rộng
từ 1 đến 2km; tiếp đến là đồng bằng phù sa lẫn cát, thấp dưới 1m, hẹp (chiều ngang chỉ
CÁC BIỂU HIỆN SUY THOÁI ĐẤT Ở HUYỆN PHONG ĐIỀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
57
trên1km); vùng cát nội đồng cao từ 7 đến 8m, rộng trên 4km, xen lẫn các bàu hay trằm
thấp trữ nước. Phần trung tâm của huyện là các đồi cao vài chục mét và đồng bằng nhỏ
hẹp chạy dọc sông Ô Lâu; phía Tây Nam và Nam là vùng đồi núi, cao từ vài trăm mét
đến hơn 1.500m [2].
Địa hình có vai trò quan trọng trong việc phân bố đất. Từ địa hình cao đến địa hình thấp
là các loại đất đặc trưng tương ứng. Mỗi kiểu hình thái địa hình thể hiện các quy luật
thoái hóa đất riêng. Cụ thể, các loại đất hình thành ở những khu vực núi và cao nguyên
là những nơi có quá trình ngoại sinh diễn ra mạnh mẽ có quá trình thoái hóa đất do xói
mòn, rửa trôi; còn các loại đất hình thành ở những khu vực ven sông suối có quá trình
thoái hóa đất theo hướng glây hóa
2.1.3. Khí hậu
Phong Điền có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm.
- Chế độ nhiệt: Phong Điền có nền nhiệt cao, nhiệt độ trung bình năm từ 20-250C. Chế
độ nhiệt trong năm có sự phân hóa rõ nét theo mùa:
Mùa nóng từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng của gió tây nam khô nóng, nhiệt độ
trung bình khoảng 290C, nhiệt độ cao tuyệt đối đến 400C.
Mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, có nền nhiệt giảm sút do chịu ảnh hưởng của
gió mùa đông bắc, nhiệt độ trung bình ở đồng bằng từ 200C-220C, miền núi từ 170C-
190C, có khi xuống dưới 150C.
- Chế độ mưa: Phong Điền có lượng mưa trung bình năm là 2800-2900mm và phân bố
tập trung theo mùa.
Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 tập trung đến 70-75% lượng mưa năm, mưa tập trung
lớn nhất vào các tháng 9, 10, 11.
Mùa ít mưa từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, có lượng mưa thấp.
Đặc điểm khí hậu như vậy đã tạo điều kiện cho các quá trình phong hóa, thoái hóa đất
diễn ra nhanh chóng. Mùa mưa có mưa lớn, tập trung nên gây xói mòn, rửa trôi mạnh;
mùa khô lại có nhiệt độ cao, thiếu ẩm nên đất đai bị chai cứng, nứt nẻ quá trình thoái
hóa đất có cơ hội diễn ra.
2.1.4. Thủy văn
Phong Điền có mật độ sông suối dày đặc: 1,18km/km2, có 2 sông lớn là Ô Lâu, Bồ và
nhiều khe, suối nhỏ. Ngoài ra, còn có các hệ thống khe rãnh, sông cụt, chỉ hoạt động
vào mùa mưa. Sông có đặc điểm ngắn, dốc, lắm thác ghềnh, cửa sông hẹp. Dòng chảy
thay đổi theo mùa rất lớn, mùa mưa lưu lượng trung bình khoảng 3000m3/s nhưng vào
mùa khô chỉ 4m3/s.
Vào mùa mưa nước sông dâng cao gây lũ lụt, xói mòn đất đai. Mùa khô, nước kiệt,
vùng cửa sông bị xâm nhập mặn gây mặn hóa đất đai.
TRẦN THỊ TUYẾT MAI - LÊ PHÚC CHI LĂNG
58
2.1.5. Thảm thực vật
Lãnh thổ huyện Phong Điền nằm trong 2 vành đai thảm thực vật là nhiệt đới ẩm và á
nhiệt đới ẩm. Trong mỗi vành đai còn có các kiểu thực vật như sau: [2]
a. Vành đai nhiệt đới ẩm
! Vành đai nhiệt đới ẩm phát triển trên đất địa đới gồm các kiểu:
- Rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm, hiện chỉ còn ở tây nam Phong
Xuân, Phong Mỹ, núi Ông Đôn thuộc Phong Sơn.
- Trảng cây bụi thứ sinh phân bố rộng rãi trong huyện (vùng đồi Phong Sơn, Phong
Mỹ).
- Trảng cỏ thứ sinh phân bố rải rác trong vùng.
- Rừng tre nứa thứ sinh phân bố dọc sông và tập trung ở Phong Mỹ.
! Vành đai nhiệt đới ẩm phát triển trên đất phi địa đới có các kiểu:
- Trảng cây bụi thứ sinh phân bố rải rác ở vùng cát nội đồng ở Phong Chương,
Phong Bình, Phong Hòa, Phong An và phụ cận thị trấn Phong Điền.
- Trảng cỏ thứ sinh phân bố rải rác trên vùng cát nội đồng và trên đụn cát ven biển,
bên cạnh các trảng cây bụi.
! Vành đai nhiệt đới ẩm phát triển trên đất ngập nước phổ biến các kiểu sau:
- Trảng cây bụi, trảng cỏ chịu ngập thứ sinh
- Các quần xã thủy sinh ở đầm phá, vũng vịnh và ở đầm, hồ, ao, trằm
b. Vành đai á nhiệt đới ẩm
! Rừng kín cây lá rộng thường xanh á nhiệt đới ẩm: Kiểu này phân bố ở các núi có độ
cao trên 800m ở Phong Xuân.
Trên các vùng núi cao như núi Co Pung (Phong Xuân), phổ biến rừng cây lá rộng
thường xanh á nhiệt đới ẩm nhưng do đặc trưng khí hậu (thường có mây mù, gió
mạnh) và thổ nhưỡng (mỏng, nghèo, khô), nên thảm thực vật có nét đặc trưng riêng
như cây gỗ thường thấp nhưng có độ che phủ lớn.
! Trảng cây bụi thứ sinh: Kiểu này chiếm diện tích không lớn, phân bố rải rác xung
quanh các khu rừng ở Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn.
Ngoài thảm thực vật tự nhiên còn có thảm thực vật cây trồng như lúa nước (phân bố
tập trung ở đồng bằng hạ lưu sông Bồ và Ô Lâu ở Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong
Xuân), hoa màu, cây công nghiệp, phân bố ở các vùng có địa thế cao; rừng trồng
trên các cồn cát, đụn cát và các cây trồng trong khu dân cư.
Mỗi một kiểu thực vật đều có ảnh hưởng đến tính chất đất. Đặc biệt, độ che phủ của
thực vật, tùy theo mức độ sẽ tạo khả năng chống xói mòn, thoái hóa đất khác nhau.
CÁC BIỂU HIỆN SUY THOÁI ĐẤT Ở HUYỆN PHONG ĐIỀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
59
Phong Điền có tỉ lệ đất trống đồi trọc lớn, khoảng 45.000 ha (đây là địa bàn có nguy cơ
thoái hóa đất cao), lớp phủ rừng chiếm 36.026,69 ha chiếm gần 37,8% diện tích tự nhiên...
2.2. Các yếu tố kinh tế - xã hội
2.2.1. Các ngành kinh tế
Hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp có tác động mạnh đến
quá trình thoái hóa đất do cường độ, hệ số sử dụng đất và do tính hợp lí trong sử dụng đất.
Nông nghiệp giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của huyện Phong Điền. Năm 2007,
diện tích trồng lúa của huyện là 5.043,35 ha. Diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày
và hoa màu ngày càng tăng [7]. Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình
thủy lợi được xây dựng với quy mô tưới 20 ha/1 công trình, điều này đã tác động mạnh
đến lưu lượng nước ở vùng cửa sông.
Trong lâm nghiệp, phát triển mạnh việc trồng rừng, diện tích rừng trồng là 9.028,1 ha,
chiếm 25,05% diện tích rừng toàn huyện.
2.2.2. Dân cư, lao động
Huyện Phong Điền có 15 xã và một thị trấn với số dân 107.122 người (tính đến 2008).
Mật độ dân số trung bình là 112,3 người/km2 và phân bố không đều giữa các xã, tập
trung nhiều ở xã Phong Hải (922 người/km2) và thưa thớt ở xã Phong Mỹ (13
người/km2), Phong Xuân (35 người/km2) Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2007
của huyện là 1,14%. Quy mô dân số của huyện cũng tăng, từ năm 1999 (số dân của
huyện vào năm 1999 là 99.293 người) đến nay, số dân của huyện đã tăng thêm 7.892
người [7]. Dân số đông đã gây áp lực đối với việc sử dụng đất.
Nguồn lao động của huyện dồi dào, chủ yếu tập trung vào khu vực nông - lâm - ngư
nghiệp, song trình độ còn hạn chế. So sánh với toàn tỉnh, Phong Điền vẫn là huyện có
mức sống còn rất thấp. Mức sống thấp và trình độ lao động hạn chế là những nguy cơ
đối với vấn đề sử dụng đất.
3. CÁC DẤU HIỆU THOÁI HÓA ĐẤT Ở HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ
3.1. Các dấu hiệu thoái hóa về hóa học
Các chỉ tiêu hóa học được xem xét để nghiên cứu tình trạng suy thoái đất ở huyện
Phong Điền gồm: [4], [6], [8]
a. Độ chua: Giá trị thông dụng để xác định độ chua của đất là pHKCl. Biểu hiện của quá
trình già hóa của đất đỏ nhiệt đới là quá trình axit hóa. Quá trình thoái hóa đất làm tăng
độ chua tầng mặt hay toàn phẫu diện. Trung bình đất dưới rừng có độ pHKCl = 4,5 - 5,5;
trung bình chung mỗi đơn vị cấu trúc có pHKCl = 4 - 5, khi thoái hóa pHKCl = 3 - 4. So
sánh các giá trị trên với các chỉ tiêu nông hóa trong nông nghiệp đánh giá pHKCl sau
đây, cho thấy giới hạn pHKCl = 4 - 5 là dấu hiệu cho thấy đất bị thoái hóa.
TRẦN THỊ TUYẾT MAI - LÊ PHÚC CHI LĂNG
60
Bảng 1. Phân cấp độ chua trong đất theo S.N. Tartrinov và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Việt Nam (MARD)
Phân cấp chỉ tiêu pHKCl S.N. Tartrinov MARD
Rất chua <4,5 <4
Chua 4,6 - 5 4,1 - 4,5
Chua vừa 5,1 - 5,5 4,6 - 5
Các nghiên cứu cho thấy nhu cầu về độ chua của các cây trồng chính như sau:
Bảng 2. Nhu cầu về độ chua của một số cây trồng [1]
Loại cây Nhu cầu độ pHKCl Loại cây Nhu cầu độ pHKCl
Chè 4,5 - 6,0 Ngô 6,5 - 7,0
Cao su 4,5 - 5,0 Mía 6,0 - 8,0
Cà phê 4,5 - 6,5 Lạc 5,3 - 6,6
Khoai lang 4,7 - 6,0 Dứa 4,5 - 5,0
b. Hàm lượng mùn, đạm
- Dấu hiệu thoái hóa đất biểu hiện rõ nhất ở sự giảm sút hàm lượng mùn. Mỗi một
đơn vị cấu trúc đất có khả năng tích lũy mùn khác nhau, nhưng khi bị thoái hóa
đều đạt đến ngưỡng dưới 2% (giới hạn nghèo mùn do M.V. Fridland đưa ra.
1974).
- Đối với đạm tổng số, người ta đưa ra thang cấp đạm gồm 3 loại:
Nghèo đạm: ≤ 0,1%;
Đạm trung bình: 0,1 - 0,2%;
Giàu đạm: >0,2%)
c. Lân tổng số, lân dễ tiêu
Lân là dấu hiệu chỉ thị thoái hóa đất quan trọng. Đất nghèo lân là kết quả của quá trình
rửa trôi mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra phân cấp lân tổng số theo phương
pháp Barenz - Sêpph như sau:
Bảng 3. Phân cấp lân tổng số theo phương pháp Barenz - Sêpph
Mức độ Hàm lượng (%)
Đất giàu lân >0,12
Đất lân trung bình 0,08 - 0,12
Đất nghèo lân <0,08
Các nghiên cứu cho thấy đất ở mức nghèo lân dễ tiêu khi chỉ có 12mg/100g đất.
d. Cation Ca2+ và Mg2+ trao đổi
Đất thoái hóa thường có hàm lượng Ca2+ nhỏ hơn từ 2 đến 3 lần giá trị trung bình khu
vực và càng nhỏ hơn nhiều so với giá trị trung bình max của những phẫu diện đất rừng.
CÁC BIỂU HIỆN SUY THOÁI ĐẤT Ở HUYỆN PHONG ĐIỀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
61
Đối với các cation Ca2+ và Mg2+, giá trị 1lđl/100g đất ở tầng mặt là giới hạn đối với đất
thoái hóa.
Bảng 4. Thành phần hóa học một số loại đất chính ở huyện Phong Điền [2]
Loại đất Kí hiệu pHKCl
Mùn
(%)
N
(%)
P2O5
(%)
P2O5 dễ
tiêu
(mg/100g)
Cation
trao đổi
Ca2+
Cation
trao đổi
Mg2+
Đất cồn cát Cc 5,24 0,06 0,022 0,008 0,25 0,10 0,05
Đất phù sa được bồi Pb 4,66 0,36 0,062 0,057 3,00 0,54 0,87
Đất phù sa không
được bồi P 4,24 1,18 0,110 0,082 2,11 0,88 0,35
Đất phù sa glây P/cg 3,85 3,70 0,21 0,055 2,38 0,39 0,20
Đất phù sa có tầng
loang lỗ đỏ vàng Pf 4,06 1,24 0,126 0.089 9,75 0,68 0,24
Đất xám bạc màu B 5,18 1,95 0,130 0,096 9,10 1,27 0,54
Đất xám vàng trên
đá granit Xa 5,02 2,12 0,142 0,042 2,77 2,50 0,08
Đất xám vàng trên
đồi đá phiến sét** Xs 4,04 0,64 0,092 0,033 0,40 0,18 0,98
Đất xói mòn trơ sỏi
đá E 4,96 1,81 0,115 0,034 0,89 1,46 0,22
Đất xám vàng trên
đá cát* Xq 5,19 2,38 0,126 0,032 0,78 2,19 0,73
Đất xám vàng trên
đá phiến sét Xhs 5,15 1,09 0,080 0,067 3,88 0,54 0,44
Đất xám bạc màu
trên phù sa cổ Xa 5,33 0,45 0,040 0,014 2,33 0,63 0,55
Đất phù sa phủ trên
cát biển P/c 4,35 4,27 0,410 0,174 13,3 0,78 0,30
Đất dốc tụ thung
lũng 4,16 5,91 0,151 0,038 0,75 0,15 0,83
Đất đỏ vàng trên
phù sa cổ Xp 4,21 1,84 0,095 0,048 0,56 1,76 0,73
Ghi chú: * Loại đất chiếm 44,93% diện tích đất tự nhiên; ** Loại đất chiếm khoảng 17,94%
diện tích đất tự nhiên.
Đối chiếu các dấu hiệu thoái hóa hóa học với kết quả phân tích thành phần hóa học một
số loại đất chính ở huyện Phong Điển cho thấy:
- Phần lớn các loại đất chính ở Phong Điền có pHKCl đã ở ngưỡng giới hạn thoái
hóa. Các loại đất phù sa, đất dốc tụ thung lũng, đất xói mòn trơ sỏi đá, đất xám
vàng trên đồi đá phiến sét đều có pHKCl ở trong khoảng từ 4-5.
- Các loại đất nghèo mùn (≤ 2%) cũng chiếm tỉ lệ diện tích đất tự nhiên lớn. Hàm
lượng mùn tầng mặt cao nhất ở loại đất phù sa phủ trên nền cát biển, đạt 6,46%,
thấp nhất là đất cát, chỉ 0,08%. Phần lớn đất ở Phong Điền đều ở ngưỡng nghèo
mùn, có nhiều loại đất có hàm lượng mùn dưới 1% như đất xám vàng trên đá
phiến sét (là loại đất chiếm diện tích lớn), đất xám bạc màu trên phù sa cổ
TRẦN THỊ TUYẾT MAI - LÊ PHÚC CHI LĂNG
62
- Giá trị lân dễ tiêu của các loại đất ở Phong Điền đều ở mức rất nghèo, nghèo nhất
là đất cồn cát, đất xám vàng trên đá phiến sét, đất đỏ vàng trên phù sa cổ, đất xám
vàng trên đá cát Điều này chứng tỏ tầng canh tác của các loại đất bị rửa trôi, xói
mòn mạnh làm giảm hàm lượng lân dễ tiêu, đất bị thoái hóa nặng.
- Đa số các loại đất ở Phong Điền đều có Ca2+ và Mg2+ thấp hơn giá trị 1lđl/100g
đất ở tầng mặt. Nhiều loại đất có giá trị này ở mức rất thấp như đất xám vàng trên
đồi đá phiến sét, đất phù sa glây, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng
3.2. Các dấu hiệu thực vật chỉ thị cho đất bị thoái hóa
Thảm thực vật là một trong những dấu hiệu chỉ thị thoái hóa đất [2][6]. Nhận định của
nhiều nghiên cứu cho rằng:
- Đất dưới thảm thực vật rừng thường xanh rất ổn định, ít bị thoái hóa do độ che
phủ cao làm đất ít bị xói mòn, rửa trôi.
- Các quần xã trồng cây lâu năm là thảm thực vật nhân tác, bản chất sinh thái hoàn
toàn phụ thuộc vào phương thức canh tác và ý muốn chủ quan của con người.
Tính thích ứng sinh thái và sinh khối không giống nhau, phụ thuộc vào trình độ
canh tác, mục đích sử dụng. Thông thường các quần xã cây lâu năm có độ che phủ
khá cao và có khả năng chống xói mòn, rửa trôi cho đất.
- Lúa nước canh tác trên đất phù sa ven sông suối, ngập nước theo mùa hoặc đất
phù sa không được bồi, đất phù sa glây thường xuyên được đầu tư chăm bón
nên đất ít bị thoái hóa. Diện tích đất trồng lúa ở Phong Điền không nhiều chỉ
khoảng 4882,83ha [7].
- Cây trồng cạn hàng năm thường được gieo trồng ở các bãi bồi ven sông, suối, tính
ổn định không cao, dễ xói mòn, sạt lở gây thoái hóa đất (diện tích trồng cây hằng
năm ở huyện Phong Điền khoảng > 11.000 ha) [7].
- Trảng cây bụi thứ sinh, trảng cỏ thứ sinh xuất hiện khi bị chặt phá và mọc phục
hồi phân bố chủ yếu trên nền rừng trước đây, đất tầng mặt bị phá hủy và nghèo
các nguyên tố dinh dưỡng hơn các đất trong quần thể nguyên sinh, là nơi đất bị
thoái hóa mạnh.
Hiện nay, ở Phong Điền, diện tích đất trống đồi trọc lớn khoảng 45.000 ha (chiếm gần
1/2 diện tích đất tự nhiên), diện tích trảng cây bụi thứ sinh, trảng cỏ thứ sinh, đất canh
tác cây trồng cạn hàng năm cũng chiếm tỉ lệ đáng kể Đây là các chỉ thị thực vật cho
thấy biểu hiện thoái hóa đất ở huyện Phong Điền.
4. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ NGĂN NGỪA VÀ GIẢM THIỂU
THOÁI HÓA ĐẤT HUYỆN PHONG ĐIỀN
Từ các dấu hiệu thoái hóa về mặt hóa học, chỉ thị thực vật, cho thấy biểu hiện thoái hóa
đất của huyện Phong Điền khá rõ, tiềm năng suy thoái đất ở huyện Phong Điền rất đáng
báo động. Để ngăn chặn và giảm thiểu quá trình thoái hóa đất cần tiến hành một số giải
pháp sau:
CÁC BIỂU HIỆN SUY THOÁI ĐẤT Ở HUYỆN PHONG ĐIỀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
63
4.1. Các giải pháp về chính sách quản lí, pháp luật và tuyên truyền giáo dục
- Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách giao đất, giao rừng phù hợp, các
quy định về quản lí, sử dụng các loại đất.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng
hợp lí tài nguyên đất.
- Đào tạo và huấn luyện nâng cao kiến thức của người dân trong việc áp dụng các
kỹ thuật sử dụng và quản lí đất bền vững.
4.2. Các giải pháp kinh tế - sinh thái
- Tổ chức định canh, định cư, bảo vệ và phát triển rừng, chống xói mòn, rửa trôi.
Lựa chọn cây trồng hợp lí, áp dụng các mô hình sinh thái khác nhau để nâng độ
che phủ chống thoái hóa đất.
- Xác định quy mô hợp lí phát triển các mô hình canh tác, áp dụng quy trình canh
tác chống xói mòn, rửa trôi, cải tạo đất.
4.3. Các giải pháp sinh thái - công trình và công nghệ
- Nghiên cứu, đánh giá, phân vùng, lập bản đồ thoái hóa đất tại huyện Phong Điền
để tạo cơ sở cho quy hoạch, sử dụng đất hợp lí. Xác định mô hình rừng - cây công
nghiệp dài ngày, thổ cư và cây lương thực, cây ngắn ngày hợp lí trên cơ sở bản đồ
thoái hóa đất. Trên cơ sở đánh giá thực trạng thoái hóa đất cần xác định các chuẩn
mực sinh thái cơ bản để bố trí hoạt động khai thác đất hợp lí trên từng đơn vị đất
thoái hóa cụ thể:
• Đối với đất bị thoái hóa nặng cần bảo vệ, khôi phục, phát triển lớp phủ rừng,
hạn chế tối đa các hoạt động khai thác đất.
• Ở các vùng bị thoái hóa trung bình nên tăng cường mô hình cây công nghiệp
dài ngày.
• Các vùng bị thoái hóa nhẹ hoặc chưa thoái hóa, nên trồng cây công nghiệp dài
ngày, hoa màu, lương thực theo phương thức nông lâm kết hợp.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: sinh học, canh tác, thủy lợi để thâm
canh sử dụng đất theo chiều sâu vừa ngăn chận thoái hóa đất vừa nâng cao năng
suất cây trồng.
- Trồng rừng và bảo vệ rừng, đặc biệt rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, phủ xanh đất
trống, đồi trọc.
- Sử dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống trượt lở, xói mòn.
TRẦN THỊ TUYẾT MAI - LÊ PHÚC CHI LĂNG
64
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Văn Căn (1976), Nông hóa thổ nhưỡng, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
[2] Nguyễn Văn Cư (2005), Điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng điều kiện tự nhiên
và tài nguyên thiên nhiên các huyện tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Địa lí, Trung tâm
KHTN và CNQG.
[3] Hồ Kiệt (2000), Đánh giá xói mòn và bồi lắng đất trên một số hệ thống canh tác phổ
biến vùng đất dốc lưu vực sông Hương, Thừa Thiên - Huế, Luận án Tiến sĩ.
[4] Nguyễn Đình Kỳ, Lưu Thế Anh, Nguyễn Mạnh Hà (2005), Phương pháp nghiên cứu
thoái hóa đất, Tuyển tập các công trình nghiên cứu địa lí, Viện Địa lí, Hà Nội.
[5] Nguyễn Đình Kỳ, Lưu Thế Anh (2006), Thực trạng thoái hóa đất badan Tây Nguyên
và các giải pháp sử dụng hợp lí bảo vệ tài nguyên - môi trường đất, Tuyển tập BCKH
Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 2, 468-481, Hà Nội.
[6] Nguyễn Quang Mỹ (2005), Xói mòn đất hiện đại và các biện pháp chống xói mòn,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[7] UBND huyện Phong Điền (2009), Niên giám thống kê huyện Phong Điền, Thừa
Thiên Huế.
[8] Trương Đình Trọng (2007), Thực trạng thoái hóa đất badan ở tỉnh Quảng Trị và các
giải pháp bảo vệ môi trường đất, luc/Xuat ban/2006.
Title: SIGNS OF LAND DEGRADATION IN THE PHONG DIEN DISTRICT, THUA
THIEN HUE PROVINCE
Abstract: Based on signs such as increase alum, declining concentration of humus, nitrogen in
the soil, as well as the type of dominant vegetation on the land, we can see land resources in
Phong Dien district - Thua Thien Hue Province have expressed recession. Analysis result of
chemical composition of some soils showed that the degradation of land in Phong Dien district
is very alarming. Therefore, it should conduct synchronous measures to prevent and reduce land
degradation.
ThS. TRẦN THỊ TUYẾT MAI
ThS. LÊ PHÚC CHI LĂNG
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 20_311_tranthituyetmai_lephucchilang_10_tran_thi_tuyet_mai_785_2021158.pdf