“Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật.” . BÀI TẬP LỚN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
A.ĐẶT VẤN ĐỀ.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình sẽ góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ xã hội. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một vấn đề hết sức quan trọng, nó là một trong những tiền đề giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những nhu cầu về vật chất tinh thần cho gia đình. Xuất phát từ thực tế này mà đã nảy sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa họ với nhau mà chia tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề không thể thiếu trong pháp luật hôn nhân và gia đình. Chính vì lí do trên mà em xin chọn đề bài: “Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật.” làm đề tài CHO BÀI VIẾT CỦA MÌNH
I. Cơ sở pháp lí về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân.
1. Về chế độ tài sản của vợ chồng theo hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
2.Về vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân
II.Cơ sở thực tiễn về vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
III. Một số hạn chế trong việc quy định chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình.
IV. Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật.
12 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2664 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập lớn hôn nhân và gia đình: “Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A.ĐẶT VẤN ĐỀ.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình sẽ góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ xã hội. Gia đình được xây dựng dựa trên những sợi dây liên kết của hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng trong đó quan hệ hôn nhân có thể xem là quan hệ nền tảng của mỗi gia đình. Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, bên cạnh đời sống tình cảm, tình yêu thương lẫn nhau không thể không quan tâm tới đời sống vật chất. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một vấn đề hết sức quan trọng, nó là một trong những tiền đề giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những nhu cầu về vật chất tinh thần cho gia đình. Xuất phát từ thực tế này mà đã nảy sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa họ với nhau mà chia tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề không thể thiếu trong pháp luật hôn nhân và gia đình. Chính vì lí do trên mà em xin chọn đề bài: “Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật.” làm đề tài cho bài viết của mình.
B.Giải quyết vấn đề
I. Cơ sở pháp lí về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân.
1. Về chế độ tài sản của vợ chồng theo hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Trước hết, chế độ tài sản của vợ chồng cũng đã được quy định tại các điều 14, 15 Luật Hôn nhân gia đình năm 1986: “Điều 14 : Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung. Điều 15: Tài sản chung được sử dụng để bảo đảm những nhu cầu chung của gia đình.Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, đổi, cho, vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thoả thuận của vợ, chồng.” Kế thừa các điều trên Điều 27, 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về tài sản chung của vợ chồng: “Điều 27. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
Điều 28. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.”
Theo đó, việc xác định tài sản chung của vợ chồng phải dựa vào thời điểm phát sinh tài sản chung mà cụ thể là từ khi có sự kiện kết hôn hợp pháp ; và nguồn gốc tài sản gồm: các tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân, những thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, các tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, được tặng cho chung, tài sản của vợ chồng bao gồm quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau kết hôn (Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2005), tài sản chung của vợ chồng còn gồm những tài sản được vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung, tài sản mà không đủ chứng cứ để xác định là tài sản riêng thì nó sẽ được suy đoán là tài sản chung.
Tiếp đó theo như những điều khoản đã nêu và căn cứ vào điều 219 Bộ luật dân sự năm 2005 thì chúng ta có thể thấy vợ chồng có quyền bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
2.Về vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Gắn liền với thực tiễn cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa vợ chồng trong quản lý sử dụng, định đoạt tài sản chung xuất phát từ mâu thuẫn về tình cảm, song họ không muốn ly hôn nhưng muốn được độc lập về tài sản để tránh phát triển mâu thuẫn và được độc lập trong cuộc sống…) luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 trên cơ sở kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 (Điều 18) tiếp tục quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, cụ thể là:
“Điều 29. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận.
Điều 30. Hậu quả chia tài sản chung của vợ chồng
Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.”
Các quy định này được hướng dẫn từ điều 6 đến điều 11 NĐ số 70/2001/NĐ ngày 3/10/2001của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2000.
Theo như quy định trên, thì việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân được chia làm các trường hợp:
Thứ nhất, chia tài sản chung khi vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng: Đây là trường hợp khi một bên vợ chồng muốn tự mình kinh doanh hoặc hợp tác với người khác nhưng không muốn việc kinh doanh của mình ảnh hưởng đến tài sản chung cả gia đình khi làm ăn thất bại; hoặc việc kinh doanh này không được sự đồng ý của bên kia…Và quy định này cũng một mặt thể hiện việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của cá nhân. Do đó, để thuận tiện cho việc đầu tư kinh doanh của riêng của mình vợ chồng có thể yêu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Thứ hai, chia tài tài sản chung khi một bên thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng: nghĩa vụ này có thể phát sinh từ khoản nợ mà vợ hoặc chồng vay của người khác trước khi kết hôn hoặc trong thời kì hôn nhân nhưng sử dụng vào mục đích cá nhân mà không vì lợi ích chung của gia đình (như dùng để cấp dưỡng cho con riêng, cho vợ/chồng cũ…; bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra…)
Thứ ba là trường hợp có lí do chính đáng : trong luật không quy định rõ lí do chính đáng ở đây cụ thể là gì? Tuy vậy, từ thực tế, ta có thể hiểu một số lí do như vợ chồng đời sống tình cảm mâu thuẫn sâu sắc nhưng có thể do tuổi đã cao hoặc do địa vị xã hội ngại với con cháu và dư luận nên không muốn li hôn….Trong trường hợp này để mâu thuẫn không sâu sắc hơn nữa và đảm bảo cuộc sống của cả hai bên thì vấn đề chia tài sản chung được đặt ra.
Mặt khác, về phương thức chia tài sản, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân tồn tại như chia tài sản chung cảu vợ chồng khi li hôn. Khác với Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không quy định cụ thể phương thức chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân mà chỉ quy định “vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung”. Nếu vợ chồng thỏa thuận được trong việc chia tài sản thì sự thỏa thuận đó được lập thành văn bản và việc phân chia được pháp luật công nhận. Trong trường hợp vợ chồng “không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết”. Ở đây luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng. Bên cạnh đó Luật hôn nhân và gia đình đã dự liệu đến những trường hợp có thể vợ chồng lạm dụng quyền của mình trong việc chia tài sản chung có thể gây hậu quả xấu xâm phạm đến lợi ích hợp pháp khác được pháp luật bỏa vệ. Vì vậy, khoản 2 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định : “Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”. Các nghĩa vụ ấy có thể là : Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ thanh toán khi bị Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp, nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, nghĩa vụ trả nợ cho người khác….Như vậy, nếu vợ chồng đã thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án chia tài sản chung nhưng sau đó có chứng cứ cho rằng việc chia tài sản đó là nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì việc chia tài sản đó là vô hiệu.
Xét thấy chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là một trường hợp chia tài sản đặc biệt. Vì vậy, vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án chia toàn bộ hoặc một phần tài sản chung. Khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân quan hệ nhân thân giữa vợ chồng không thay đổi. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản nhất của chế định này so với chế định li thân của một số nước phương Tây. Tuy nhiên, quan hệ sở hữu giữa vợ và chồng đối với tài sản đã có sự thay đổi rất nhiều. Theo điều 30 Luật hôn nhân và gia đình và theo điều 8 NĐ số 70/2001/NĐ ngày 3/10/2001 phần tài sản mà vợ chồng được chia hoa lợi từ tài sản riêng, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của mỗi người trừ khi vợ chồng có thỏa thuận khác.
II.Cơ sở thực tiễn về vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Đầu tiên là xuất phát từ các mối quan hệ phức tạp của mỗi cá nhân trong xã hội hiện nay, vợ chồng với tài sản riêng của có thể không đủ tiêu dùng cho mục đích cá nhân, và giải quyết các vấn đề tế nhị như : giúp đỡ họ hàng, bạn bè… lúc khó khăn mà vẫn giữ được không khí gia đình đầm ấm.
Sau đó, theo Điều 57 Hiến pháp 1992 có ghi : “ Mọi công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Việc đầu tư kinh doanh là do ý chí mỗi cá nhân quyết định, nếu giữa vợ chồng không cùng chung ý định kinh doanh một lĩnh vực nào đó mà tài sản riêng của bên muốn đầu tư kinh doanh không đủ thì việc chia tài sản chung là cần thiết.
Cuối cùng, xã hội phát triển đời sống tinh thần của con người càng phức tạp. Có nhiều cặp cợ chồng tuy tình cảm đã không còn như xưa nhưng vì hòa khí gia đình, không muốn con cái buồn, lo lắng nên không li hôn; họ chỉ muốn chia tài sản chung ra để tiện cho việc sinh hoạt riêng của mỗi bên.
Chính vì những thực tiễn ấy mà việc quy định chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân trong Luật hôn nhân và gia đình 1986 và năm 2000 là một điểm phát triển so với Luật hôn nhân và gia đình năm 1959. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những hạn chế và vướng mắc mà chúng ta cần xem xét.
III. Một số hạn chế trong việc quy định chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình.
Một là, việc pháp luật hôn nhân và gia đình chỉ công nhận vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Toà án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, quyền khởi kiện của người thứ ba có liên quan đến tài sản chung (chủ nợ, con riêng của một bên đã thành niên nhưng vẫn cần cấp dưỡng…) trong trường hợp này không được thừa nhận (Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000), là hoàn toàn phù hợp về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu áp dụng qui định này vào thực tiễn vẫn còn vấn đề bất cập cần phải có sự vận dụng linh hoạt hơn. Theo luật hiện hành, khi vợ, chồng có nghĩa vụ tài sản riêng thì nghĩa vụ tài sản đó được thực hiện bằng tài sản riêng của họ, tài sản chung của vợ chồng không sử dụng cho việc thanh toán các khoản nợ này trừ khi vợ chồng có thoả thuận (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000). Vấn đề đặt ra là, rất có thể người có nghĩa vụ tài sản không có hoặc không đủ tài sản riêng để thanh toán các khoản nợ và vợ chồng đã không có thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản. Trong trường hợp này, nếu không thừa nhận quyền yêu cầu của người có quyền (chủ nợ) về chia tài sản chung của vợ chồng để lấy phần tài sản của người có nghĩa vụ thanh toán nợ, thì quyền lợi của họ được đảm bảo như thế nào?
Hai là, Khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình qui định, vợ, chồng có thể yêu cầu Toà án giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nếu không có hoặc không thoả thuận được. Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn có liên quan chưa qui định cụ thể nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi việc chia tài sản chung đó thuộc thẩm quyền của Toà án. Do đó, trong thực tiễn áp dụng, Toà án sẽ gặp khó khăn khi vận dụng căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh (như phải chia những gì, cần chia như thế nào).
Ba là, qui định trong thời kỳ hôn nhân, nếu có lý do chính đáng vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung bằng văn bản mà không qui định trách nhiệm của họ đối với gia đình. Vậy khi phát sinh nhu cầu thiết yếu của gia đình thì ai sẽ phải có trách nhiệmđáp ứng nhu cầu đó, tài sản được lấy từ đâu? Khi đó lợi ích của gia đình liệu có được đảm bảo?
Bốn là, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 70 qui định các trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà không có lý do chính đáng thì bị Toà án tuyên bố là vô hiệu. Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình lại không qui định ai là người có thể yêu cầu Toà án hủy bỏ thoả thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong trường hợp thoả thuận này vi phạm các điều kiện được qui định tại Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, đến việc trông nom, nuôi dưõng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Năm là, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo qui định của pháp luật không làm thay đổi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con. Có thể thấy việc vợ chồng áp dụng chế định này đã phản ánh những mâu thuẫn tồn tại trong quan hệ giữa họ. Khi động đến vấn đề vật chất thì vấn đềtình cảm dường như đã bị xem nhẹ phần nào. Sự độc lập về tài sản sau khi chia tài sản chung, có thể dẫn đến vợ chồng sống ly thân hoặc một bên lại lẩn tránh trách nhiệm đối với gia đình, từ đó có tranh chấp về việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập, không có tài sản để tự nuôi mình.
IV. Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Với tồn tại đầu tiên, pháp luật cần qui định rõ: Trong trường hợp người có lợi ích liên quan có đủ chứng cứ cho rằng, vợ chồng không có thoả thuận hoặc không yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản, thì người đó có thể yêu cầu Toà án chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để lấy phần tài sản của người vợ hoặc người chồng có nghĩa vụ thực hiện thanh toán các khoản nợ. Yêu cầu của người đó quyền sẽ bị Toà án bác bỏ, nếu việc chia tài sản chung ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình của người có nghĩa vụ hoặc bản thân vợ, chồng có nghĩa vụ có đủ tài sản riêng đủ để thanh toán các khoản nợ, hay thực hiện nghĩa vụ của mình.
Để giải quyết hạn chế thứ hai, như chúng ta đã biết, Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã qui định: việc chia tài sản trong thời kì hôn nhân giữa vợ và chồng được thực hiện như khi li hôn. Trên cơ sở kế thừa qui định đó : Khi chia tài sản chung, Toà án căn cứ vào lý do, mục đích chia tài sản chung để quyết định phạm vi tài sản chung được chia. Việc chia tài sản chung căn cứ vào các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn qui định tại Điều 95 của Luật hôn nhân và gia đình; nếu tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất thì áp dụng các qui định tại các điều 97, 98 và 99 của Luật hôn nhân và gia đình.
Tiếp đó, trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được việc bảo đảm các nhu cầu chung của gia đình, thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Toà án quyết định mức đóng góp của các bên trên cơ sở nhu cầu thực tế của gia đình và khả năng kinh tế của các bên hoặc quyết định không chia toàn bộ tài sản chung, phần tài sản chung không chia được sử dụng cho nhu cầu của gia đình. Pháp luật cần quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của các thành viên trong gia đình sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân : như vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nhau (nếu 1 bên ốm đau, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng và có lí do chính đáng) ; nghĩa vụ nuôi dưỡng các con…
Cũng từ hạn chế thứ tư, ta có thể đưa ra giải pháp là: trong trường hợp thoả thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị Toà án tuyên bố vô hiệu, chế độ tài sản chung của vợ chồng được khôi phục lại tình trạng trước khi có thoả thuận chia tài sản chung. Và cũng cần quy định rõ ai là người có quyền yêu cầu với Tòa án giải quyết vấn đề này, cũng như Tòa án có thể bác bỏ đơn kiện của người đó nếu thấy không có chứng cứ chứng tỏ việc chia tài sản chung giữa vợ chồng bị vô hiệu.
Cuối cùng ở hạn chế thứ năm, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các con pháp luật cần qui định rõ: Trong trường hợp sau khi chia tài sản chung, vợ chồng có tranh chấp về chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập và không có tài sản để tự nuôi mình, thì Toà án quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến con áp dụng tương tự qui định về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con khi ly hôn.
C. Kết thúc vấn đề.
Việc phân chia tài sản là một vấn đề khá phức tạp trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, khi mà giá trị vật chất ít nhiều đã xen vào tình cảm gia đình, nhiều lúc con người ta coi trọng tiền bạc hơn cả tình thân, hơn cả lợi ích chung của cả gia đình. Vì vậy việc quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu về chế định chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là hêt sức quan trọng, để không những người hiểu luật, nắm được luật có thể áp dụng mà ngay cả những người trong cuộc cũng hiểu, tôn trọng và làm theo pháp luật.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986.
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000.
Nghị định của chính phủ số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005.
Nguyễn Thị Thìn, Một số vấn đề về quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng ở Việt Nam hiện nay, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2010.
www.giadinh.net.vn.
www.diendanphapluat.vn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập lớn hôn nhân và gia đình- Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật.doc