Xây dựng mô hình kinh tế sinh thái theo hướng phát triển bền vững khu vực ven biển tỉnh Phú Yên - Lê Đông Quang

4. KẾT LUẬN Khu vực vùng biển tỉnh Phú Yên có sự phân hóa tự nhiên rất phức tạp. Về địa chất, khu vực có mặt đầy đủ các địa tầng từ Proteozoi đến đệ tứ với 14 hệ tầng khác nhau, và đầy đủ các loại đá theo nguồn gốc: đá trầm tích, đá mắc ma (phun trào và xâm nhập) đá biến chất và thành tạo bở rời đệ tứ. Khu vực nghiên cứu có tới 4 loại hình thái địa hình, địa hình núi uốn nếp, địa hình đồng bằng phù sa sông, địa hình đồng bằng cồn cát ven biển, địa hình gò đồi. Khí hậu mỗi vùng đều có những khác biệt về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Các nhóm đất chủ yếu là đất feralit và hệ đất phù sa với tính chất đất rất đa dạng theo không gian. Ngoài ra vùng còn có một hệ thống sông núi, ao hồ phong phú với trữ lượng nước dồi dào. Vận dụng phương pháp luận phân vùng, nhóm tác giả xác định yếu tố quyết định đến sự phân hóa tự nhiên khu vực nghiên cứu là độ cao địa hình (yếu tố trội). Trong sáu tiểu vùng sinh thái tự nhiên phân chia, nhóm tác giả chọn ba tiểu vùng đại diện (tiểu vùng đồi cao trung tâm; tiểu vùng đồng bằng phù sa Tuy Hòa; tiểu vùng đồng bằng cát ven biển Tuy An, Sông Cầu) để thiết kế mô hình kinh tế sinh thái phù hợp. Để thực thi hiệu quả các mô hình, dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội địa phương nhóm tác giả đề xuất hệ thống các giải pháp cần thiết bao gồm: giải pháp về đất đai; giải pháp về vốn tín dụng và huy động đầu tư phát triển sản xuất; giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về chuyển giao khoa học, kỹ thuật khuyến nông; giải pháp về giảm thiểu, phòng ngừa và xử lí môi trường; giải pháp liên kết “bốn nhà“ (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Phân tích từng nhu cầu sinh thái của tiểu vùng kinh tế sinh thái, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của từng loại hình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất và định hướng phát triển của tiểu vùng. Từ đó xác lập mô hình kinh tế sinh thái hợp lí trên từng tiểu vùng thuộc địa bàn nghiên cứu như: Vườn nhà - Rừng - Chăn nuôi bò - Trồng cây dược liệu, Vườn nhà - ruộng lúa - cây hoa màu và rau quả, Vườn nhà - cây công nghiệp - ao, đầm nuôi thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Các mô hình kinh tế sinh thái nói trên đều được đánh giá là có tính khả thi cao.

pdf9 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 522 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xây dựng mô hình kinh tế sinh thái theo hướng phát triển bền vững khu vực ven biển tỉnh Phú Yên - Lê Đông Quang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(39)/2016: tr. 108-116 XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ SINH THÁI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC VEN BIỂN TỈNH PHÚ YÊN LÊ ĐỒNG QUANG Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Tây Ninh NGUYỄN HOÀNG SƠN Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Khu vực ven biển tỉnh Phú Yên nằm trải dài theo đường bờ biển, bao gồm: huyện Đông Hòa, Tp.Tuy Hòa, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu. Nơi đây có sự phân hóa tự nhiên phức tạp, phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Nguyên nhân chính là do việc quy hoạch phát triển các ngành kinh tế (đặc biệt là ngành nông - lâm - thủy sản) chưa được xem xét một cách khoa học từ sự phân hóa của các điều kiện tự nhiên do vậy mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Dựa trên sơ sở nghiên cứu đặc điểm tự nhiên của khu vực, tập quán canh tác của người dân, nhóm tác giả đã đề xuất xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái phù hợp với từng tiểu vùng ven biển bao gồm các mô hình: (1) Vườn nhà - rừng - chăn nuôi bò - trồng cây dược liệu; (2) Vườn nhà - ruộng lúa - cây hoa màu và rau quả; (3) Vườn nhà - cây công nghiệp - ao, đầm nuôi thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Từ khóa: Mô hình, kinh tế sinh thái, phát triển bền vững; khu vực ven biển 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Khu vực ven biển tỉnh Phú Yên có đường bờ biển dài 189 km, bắt đầu từ Đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu) đến Vũng Rô (huyện Đông Hoà). Nơi đây có nhiều thuỷ vực với hệ sinh thái ven bờ khá đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản, làm muối, xây dựng bến cảng; có khí hậu mát mẻ, có nhiều cảnh quan đẹp, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có nhiều tài nguyên khoáng sản có thể khai thác phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xây dựng và các ngành kinh tế khác. Cấu trúc địa chất với sự có mặt các hệ tầng từ Proterozoi đến Đệ tứ với nhiều hệ tầng khác nhau, phân bố rộng rãi theo không gian trên toàn lãnh thổ. Địa hình kiểu núi uốn nếp nâng lên nên có độ cao thuộc dạng trung bình. Tuy nhiên, địa hình bị chia cắt khá phức tạp, độ cao từ 400 đến 500m, độ dốc vùng núi biến động lớn, tập trung ở khu vực phía Nam Đông Hòa và phía Tây Sông Cầu [4]. Kiểu đồng bằng phù sa do sông bồi đắp và phù sa trên cát, với địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao chênh lệch không lớn, tập trung chủ yếu ở đồng bằng Tuy Hòa. Kiểu đồng bằng cồn cát ven biển, tập trung ở khu vực phía Đông Sông Cầu và phía Đông Tuy An. Kiểu đồi núi xen gò đồi với nhiều núi nhỏ nằm rải rác ở khu vực trung tâm của vùng, tập trung chủ yếu ở phía Tây Bắc Tuy Hòa và phía Tây Nam Tuy An. Khu vực nghiên cứu nằm sát biển Đông, gần đường hàng hải quốc tế, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua, quốc lộ 25 nối Gia Lai, tỉnh lộ 645 nối Đắc Lắc, phía XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ SINH THÁI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG... 109 Nam có cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy Hoà Vì vậy, đây là khu vực có nhiều thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật với các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời trở thành cửa ngõ hướng ra biển Đông của Tây Nguyên và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nền kinh tế nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn, sự phát triển của các ngành kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Do đó, việc nhận biết ranh giới các tiểu vùng sinh thái, xác định những tiềm năng, ưu thế đối với các loại hình sản xuất nông - lâm - nghiệp để xác lập được các mô hình kinh tế sinh thái bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân là việc làm cần thiết. Hình 1. Sơ đồ khu vực ven biển tỉnh Phú Yên 2. PHÂN VÙNG CÁC TIỂU VÙNG SINH THÁI KHU VỰC VEN BIỂN TỈNH PHÚ YÊN 2.1. Cơ sở khoa học của phân vùng sinh thái tự nhiên Theo Fedina: “Phân vùng địa lý tự nhiên là phân chia bề mặt quả đất hay một vùng lãnh thổ sao cho các vùng được phân chia (các địa tổng thể tự nhiên) phải giữ được 110 LÊ ĐỒNG QUANG – NGUYỄN HOÀNG SƠN tính toàn vẹn lãnh thổ, phải giữ được tính thống nhất nội tại xuất phát từ sự thống nhất về lịch sử phát triển, vị trí địa lý, các quá trình địa lý và sự gắn bó về mặt lãnh thổ của các bộ phận cấu tạo riêng biệt” [1]. Một yêu cầu mang tính bắt buộc đối với bất cứ nhà khoa học nào khi tiến hành phân vùng tự nhiên đó là phải xác định được các nguyên tắc phân vùng, bao gồm: Nguyên tắc khách quan; Nguyên tắc đồng nhất tương đối; Nguyên tắc tổng hợp; Nguyên tắc phát sinh; và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ [6]. 2.2. Phương pháp phân vùng Do địa tổng thể tự nhiên có tính đồng nhất tương đối nên trong phân vùng tự nhiên có hai cách thực hiện: - Phân vùng từ trên xuống: Dựa vào sự phân hóa để chia cấp lớn thành các đơn vị cấp nhỏ. - Phân vùng từ dưới lên: Xét những đặc trưng cơ bản, tương đồng của các địa tổng thể cấp nhỏ gộp lại thành một đơn vị cấp lớn hơn. Dựa vào quá trình phân chia tự nhiên ở địa bàn nghiên cứu, chúng tôi thực hiện cách phân vùng từ trên xuống. Vận dụng phương pháp luận phân vùng, chúng tôi xác định yếu tố quyết định đến sự phân hóa tự nhiên khu vực nghiên cứu là độ cao địa hình (yếu tố trội). Vì yếu tố địa hình là yếu tố đại diện cho địa chất kiến tạo, chi phối phân hóa nhiệt - ẩm, vừa tác động trực tiếp vừa tác động gián tiếp đến hình thành đất. 2.3. Kết quả phân vùng Bằng phương pháp phân vùng dựa vào phân tích vai trò, yếu tố trội, chúng tôi phân chia khu vực nghiên cứu thành 6 tiểu vùng tự nhiên (khoanh vi, cụ thể hóa bằng bản đồ và mô tả đặc trưng tự nhiên). - Tiểu vùng núi phía Nam Đông Hòa. - Tiểu vùng đồng bằng phù sa Tuy Hòa. - Tiểu vùng đồi cao trung tâm. - Tiểu vùng đồng bằng cát ven biển Tuy An. - Tiểu vùng đồng bằng ven biển Sông Cầu. - Tiểu vùng đồi núi phía Tây Sông Cầu. 2.3.1. Tiểu vùng núi phía Nam Đông Hòa Nằm ở phía Nam của huyện, kéo dài từ Tây sang Đông, đây là tiểu vùng chiếm khá lớn diện tích tự nhiên của huyện. Địa hình bị chia cắt phức tạp. Độ cao trung bình từ 400 đến 500m, độ dốc vùng núi biến động lớn. Phần phía Tây với loại đất chủ yếu là đất xám bạc màu, độ dốc lớn, phần phía Đông giáp biển chủ yếu là đất cát ngập mặn (diện tích mặt nước lợ ven biển). Lượng mưa trung bình hàng năm lớn nhất trong khu vực (trên 2.600mm). Do đặc điểm của địa hình và địa chất, khả năng giữ nước của khu vực này không tốt nên mực nước ngầm hạ thấp. XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ SINH THÁI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG... 111 2.3.2. Tiểu vùng đồng bằng phù sa Tuy Hòa Đây là đồng bằng lớn nhất của tỉnh. Địa hình bằng phẳng nằm ở phía Bắc huyện Đông Hòa và phía Nam Thành Phố Tuy Hòa, thuộc dạng địa hình đồng bằng ven sông, kéo dài từ Tây sang Đông, độ chênh cao nhỏ. Phía Đông là vùng đất cát ven biển, phía Tây Bắc là vùng đất phù sa do hai con sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch bồi đắp. Độ dốc trung bình của tiểu vùng là 0,05%. Độ cao trung bình khoảng 2,5 -3m, nơi cao nhất khoảng 5,5 - 5,7m (phân bố dọc quốc lộ 1A, nơi thấp nhất khoảng từ 0,5 -1,5m (phân bố dọc hai bên sông Bàn Thạch) [2]. 2.3.3. Tiểu vùng đồi cao trung tâm Nằm ở phía Đông của dãy Trường Sơn gồm phần phía Tây Bắc của TP Tuy Hòa và Phía Tây Nam của huyện Tuy An. Phần lớn diện tích là những đồi cao (trong tiểu vùng còn có 1 số núi như: Núi Yang, Ông La, núi Miếu...), địa hình với mức độ chia cắt sâu, độ dốc lớn. Phần lớn diện tích đất là đất xám bạc màu, ngoài ra còn có đất nâu tím trên đá bazan. Địa hình cao trung bình trên 300m. Chủ yếu phát triển cây công nghiệp và phát triển rừng. 2.3.4. Tiểu vùng đồng bằng cát ven biển Tuy An Tiểu vùng có địa hình đồng bằng thấp, có nhiều vũng, vịnh, đầm. Nằm ở phía Đông của huyện Tuy An. Nền địa chất chủ yếu là trầm tích đệ tứ có nguồn gốc sông biển, tuy nhiên nguồn gốc biển chiếm ưu thế có tuổi từ Pleistocen thượng và Holocen thượng. Thành phần gồm đất cát vàng, đất cát đỏ, cát có lẫn sạn, sỏi nhỏ, cát bột dày 8 - 12 m. Khí hậu nhiệt đới ẩm, có lượng mưa trung bình hàng năm không cao so với những nơi khác từ 1.700 - 1.900 mm, có mùa khô trung bình kéo dài 2 - 3 tháng. Một số nơi có đất mặn và trung tính, ngoài ra còn có đất phù sa glay, đất có hàm lượng mùn từ trung bình đến khá. Đây là tiểu vùng chủ yếu phát triển lúa, hoa màu và rừng phòng hộ ven biển [3]. 2.3.5. Tiểu vùng đồng bằng ven biển Sông Cầu Đây là tiểu vùng nằm ở phía Đông Thị Xã Sông Cầu, với địa hình có độ cao chênh lệch không lớn với nhiều loại đất khác nhau như: Đất xám, đất cát vàng, đất cát đỏ, đất phù sa trên cát, đất mặn và trung tính. Khí hậu Sông Cầu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng của gió Tây và gió Tây Nam, tháng 4 là tháng khô nhất. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 chịu ảnh hưởng của gió mùa Mùa Đông. Hàng năm, thường mưa nhiều vào tháng 10, tháng 11, chiếm 60% lượng mưa hàng năm. Tổng số ngày mưa trong năm là 130 ngày, độ ẩm trung bình là 81%. Số giờ nắng trung bình trong năm là 2500 giờ. Số giờ nắng trung bình trong một ngày là 6 - 8 giờ. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 290C, thấp nhất là 200C, trung bình là 250C [5]. 2.3.6. Tiểu vùng đồi núi phía Tây Sông Cầu Nằm ở phía tây Sông cầu với địa hình có những nhánh núi tách ra từ dãy Trường Sơn chạy theo hướng Đông - Nam, tạo thành những đèo, dốc tương đối cao, hiểm trở như 112 LÊ ĐỒNG QUANG – NGUYỄN HOÀNG SƠN đèo Cù Mông, dốc Găng Địa hình có độ dốc lớn, cao từ 300 - 500m, nhiều nơi cao hơn 500m. Loại đất chủ yếu ở khu vực này là đất xám bạc màu. Đây là vùng có lượng mưa cao từ 2.200 - 2.600mm nên quá trình bóc mòn, rửa trôi diễn ra mạnh mẽ. Hình 2. Sơ đồ các tiểu vùng sinh thái của khu vực nghiên cứu 3. ĐỀ XUẤT CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ SINH THÁI ĐẶC TRƯNG CHO TỪNG TIỂU VÙNG 3.1. Đề xuất các mô hình Khu vực ven biển tỉnh Phú Yên bao gồm 6 tiểu vùng địa lí tự nhiên. Tuy nhiên, các tiểu vùng ở khu vực núi thấp và đồi cao là khu vực phân bố rừng phòng hộ đầu nguồn của lãnh thổ nên cần được giữ nguyên hiện trạng. Một số tiểu vùng khác có mức độ tương đồng cao về nhu cầu sinh thái cây trồng. Vì vậy, chỉ đề xuất một số mô hình kinh tế sinh thái đặc trưng cho các tiểu vùng sinh thái tự nhiên sau: XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ SINH THÁI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG... 113 - Tiểu vùng đồi cao trung tâm. - Tiểu vùng đồng bằng phù sa Tuy Hòa. - Tiểu vùng đồng bằng ven biển Tuy An, Sông Cầu. 3.1.1. Tiểu vùng đồi cao trung tâm Mô hình đặc trưng cho tiểu vùng này là: Vườn nhà - Rừng - Chăn nuôi bò - Trồng cây dược liệu. Tiểu vùng đồi cao trung tâm có địa hình cao, độ dốc lớn với diện tích đất nghèo mùn, nhiều đá lẫn nên chủ yếu phát triển trồng rừng để hạn chế xói mòn đất, ngoài ra còn có thể phát triển diện tích trồng cỏ để chăn nuôi gia súc. Có thể phát triển phối hợp giữa rừng trồng (chủ yếu là keo và bạch đàn) và một số loại cây thuốc nam (trắc bá diệp, đinh lăng, cát lồi, cam thảo, cỏ mực...), trồng xen vào những chỗ còn trống của cây rừng. Thời gian thu hoạch của rừng và cây thuốc nam tương đương nhau (giai đoạn đầu mới trồng thì khoảng từ 8 đến 9 năm, giai đoạn sau thì từ 5 đến 6 năm). Trong giai đoạn mùa khô thiếu nước thì trồng cỏ để đảm bảo thức ăn cho đàn bò lấy thịt. 3.1.2. Tiểu vùng đồng bằng phù sa Tuy Hòa Mô hình đặc trưng cho tiểu vùng này là: Vườn nhà - ruộng lúa - cây hoa màu và rau quả. Đây là tiểu vùng đồng bằng được bồi đắp phù sa hàng năm của Sông Ba (Sông Đà Rằng) và có đập thủy điện Sông Hinh đảm bảo lượng nước tưới quanh năm, do đó tiểu vùng này rất thích hợp cho việc hình thành mô hình ruộng lúa. Mỗi năm 2 vụ lúa, thời gian còn lại giữa 2 vụ lúa (từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau) thì đất ruộng không sử dụng, nên có thể sử dụng thời gian này để trồng các loại cây như: đậu xanh, đậu đen, đậu tương, lạc Đối với khu vực ven cửa sông được sử dụng để trồng rau quả quanh năm như: bầu, bí và các loại rau quả khác. 3.1.3. Tiểu vùng đồng bằng ven biển Tuy An, Sông Cầu Mô hình đặc trưng cho tiểu vùng này là: Vườn nhà - cây công nghiệp - ao, đầm nuôi thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Tiểu vùng đồng bằng ven biển Tuy An, Sông Cầu là tiểu vùng đặc trưng nhất của phạm vi nghiên cứu, tất cả diện tích trong vùng này với 2 loại chính: diện tích đất cát ven biển và diện tích mặt nước ven biển. Diện tích đất cát ven biển thuận lợi cho việc phát triển cây dừa (chủ yếu trồng ven biển huyện Tuy An và Thị Xã Sông Cầu). Những loại dừa cao sản ngắn ngày sẽ cho thu hoạch sau 5 năm. Thời gian trồng mới có thể sau ít nhất 10 năm. Ven biển giáp ranh với tỉnh Bình Định (thuộc Thị Xã Sông Cầu) có thể phát triển trồng cây điều. Đối với những nơi như xã An Chấn, An Hải (thuộc huyện Tuy An), và khu vưc đầm Ô Loan (thuộc Thị xã Sông Cầu), những nơi này có diện tích mặt nước lợ lớn thuận lợi cho việc hình thành các ao nuôi tôm Sú, tôm Thẻ chân trắng. Đối với những nơi như 114 LÊ ĐỒNG QUANG – NGUYỄN HOÀNG SƠN Vũng Rô, Đầm Ô Loan thì nuôi hải sản như ghẹ, tôm hùm với hình thức nuôi lồng, bè, vì vậy có thể kết hợp phát triển du lịch ở những nơi này với những nhà hàng hải sản trên các lồng nuôi. Du khách đến nghỉ ngơi, tắm ở các bãi biển lân cận, câu cá, câu mực và thưởng thức hải sản tươi sống. 3.2. Đề xuất các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế sinh thái vùng ven biển tỉnh Phú Yên Giải pháp về đất đai Đối với các tiểu vùng ở khu vực đồng bằng: Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa. Đổi những thửa ruộng nhỏ thành những thửa ruộng lớn hơn tạo điều kiện để cơ giới hóa nông nghiệp, tiết kiệm diện tích bờ, thửa Hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng nông nghiệp mà đặc biệt là diện tích đất lúa, màu sang mục đích phi nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Giải pháp về vốn tín dụng và huy động đầu tư phát triển sản xuất Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đối với những nguồn vốn vay phục vụ mở rộng và phát triển các mô hình kinh tế nông hộ và kinh tế trang trại trên địa bàn. Đầu tư nguồn vốn với tỷ lệ thích đáng cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để có điều kiện thuận lợi trong phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp. Có chính sách khuyến khích huy động vốn trong dân, vốn của các thành phần kinh tế đầu tư ngắn hạn vào thâm canh trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, khai hoang, nuôi trồng thủy sản phát triển nông thôn. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm Cần tiến hành khảo sát thị trường trong tiểu vùng và khu vực, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của từng tiểu vùng, từng huyện trên địa bàn tỉnh để sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị hiếu, tập quán canh tác, nhu cầu của từng nơi. Giải pháp về chuyển giao khoa học, kỹ thuật khuyến nông Áp dụng khoa học công nghệ vào việc tạo ra các giống vật nuôi, cây trồng có chất lượng tốt, năng suất cao phù hợp với địa phương; áp dụng các loại máy móc trong việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển hàng hóa; xây dựng các nhà máy để thu mua chế biến các sản phẩm ngay trên địa bàn. Giải pháp về giảm thiểu, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường Xây dựng các mô hình kinh tế V-A-C-B (Vườn-Ao-Chuồng Biogas), trồng xen các loại cây có thời gian phát triển khác nhau để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và cày xới trên sườn dốc. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái. XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ SINH THÁI THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG... 115 Ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác rừng bừa bãi, kích điện trong đánh bắt Giải pháp liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) Đối với Nhà nước: tham gia liên kết với vai trò hỗ trợ, điều phối thông qua việc ban hành cơ chế quản lý; các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, đồng thời là người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên Đối với nhà khoa học: Cần đầu tư nghiên cứu, tìm giải pháp thiết thực giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đối với nhà kinh doanh: Giữ vai trò tổ chức khởi xướng việc sản xuất theo hợp đồng với nhà nông (cung cấp giống tốt, tổ chức khuyến nông, cung ứng phân bón, vật tư). Đối với nhà nông: Cần chủ động tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật, nắm bắt thông tin thị trường để định hướng sản xuất hợp lý. 4. KẾT LUẬN Khu vực vùng biển tỉnh Phú Yên có sự phân hóa tự nhiên rất phức tạp. Về địa chất, khu vực có mặt đầy đủ các địa tầng từ Proteozoi đến đệ tứ với 14 hệ tầng khác nhau, và đầy đủ các loại đá theo nguồn gốc: đá trầm tích, đá mắc ma (phun trào và xâm nhập) đá biến chất và thành tạo bở rời đệ tứ. Khu vực nghiên cứu có tới 4 loại hình thái địa hình, địa hình núi uốn nếp, địa hình đồng bằng phù sa sông, địa hình đồng bằng cồn cát ven biển, địa hình gò đồi. Khí hậu mỗi vùng đều có những khác biệt về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Các nhóm đất chủ yếu là đất feralit và hệ đất phù sa với tính chất đất rất đa dạng theo không gian. Ngoài ra vùng còn có một hệ thống sông núi, ao hồ phong phú với trữ lượng nước dồi dào. Vận dụng phương pháp luận phân vùng, nhóm tác giả xác định yếu tố quyết định đến sự phân hóa tự nhiên khu vực nghiên cứu là độ cao địa hình (yếu tố trội). Trong sáu tiểu vùng sinh thái tự nhiên phân chia, nhóm tác giả chọn ba tiểu vùng đại diện (tiểu vùng đồi cao trung tâm; tiểu vùng đồng bằng phù sa Tuy Hòa; tiểu vùng đồng bằng cát ven biển Tuy An, Sông Cầu) để thiết kế mô hình kinh tế sinh thái phù hợp. Để thực thi hiệu quả các mô hình, dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội địa phương nhóm tác giả đề xuất hệ thống các giải pháp cần thiết bao gồm: giải pháp về đất đai; giải pháp về vốn tín dụng và huy động đầu tư phát triển sản xuất; giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về chuyển giao khoa học, kỹ thuật khuyến nông; giải pháp về giảm thiểu, phòng ngừa và xử lí môi trường; giải pháp liên kết “bốn nhà“ (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Phân tích từng nhu cầu sinh thái của tiểu vùng kinh tế sinh thái, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của từng loại hình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất và định hướng phát triển của tiểu vùng. Từ đó xác lập mô hình kinh tế sinh thái hợp lí trên từng tiểu vùng thuộc địa bàn nghiên cứu như: Vườn nhà - Rừng - Chăn nuôi bò - Trồng cây dược 116 LÊ ĐỒNG QUANG – NGUYỄN HOÀNG SƠN liệu, Vườn nhà - ruộng lúa - cây hoa màu và rau quả, Vườn nhà - cây công nghiệp - ao, đầm nuôi thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Các mô hình kinh tế sinh thái nói trên đều được đánh giá là có tính khả thi cao. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Armand D. L. (1983). Khoa học về cảnh quan, NXB Khoa học - Kỹ thuật, Hà Nội (Người dịch: Nguyễn Ngọc Sinh, Nguyễn Văn Mậu). [2] Phòng Thống kê TP Tuy Hòa (2014). Niên giám thống kê TP. Tuy Hòa năm 2013, Tuy Hòa. [3] Lê Sâm và nnk (2008). Nghiên cứu các phân vùng sinh thái, cơ sở để nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ sinh thái ở miền Trung theo quan điểm thủy lợi, Tuyển tập kết quả Khoa học và Công nghệ, Viện khoa học Thủy lợi miền Nam. [4] Lê Bá Thảo (1988). Cơ sở địa lý tự nhiên, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Nguyễn Thế Thôn (2002). “Hệ thống lãnh thổ sinh thái, quần xã nhân văn và hệ sinh thái nhân văn trong khoa học môi trường”, Tạp chí Khoa học số 4, Đại học Sư phạm, Hà Nội. [6] Prokaev V. I. (1976). Những cơ sở của phương pháp phân vùng địa lý tự nhiên, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội. Title: ECONOMIC DEVELOPMENT MODEL WITH ECOLOGICAL SUSTAINABLE DEVELOPMENT COASTAL AREAS PHU YEN Abstract: The coastal area of Phu Yen province is located in the East and stretches along the coastline, including Dong Hoa district, Tuy Hoa city, Tuy An and Song Cau town. This is an area of natural differentiation is complex, shown in all the geological composition, topography, climate, hydrological... but economic development was spontaneous, chasing market consumer preferences should effectively bring high yet. The main cause is determined the planned development of economic sectors (especially agriculture - forestry - fisheries) have not been considered science from the breadth of the natural conditions in the differentgearion. Based on preliminary research on natural area of research, we have developed the ecological economic model which appropriate to each subregion coastal Phu Yen province include: Garden - Forest - Cattle raising - Growing medicinal plants, garden house - rice fields - crops and horticulture, garden house - industrial plants - pond aquaculture and eco-tourism development. Keywords: model; ecological economics; sustainable development; coastal areas ThS. LÊ ĐỒNG QUANG Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Tây Ninh PGS. TS. NGUYỄN HOÀNG SƠN Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (Ngày nhận bài: 30/9/2015; Hoàn thành phản biện: 03/10/2016; Ngày nhận đăng: 30/10/2015)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf33_520_ledongquan_nguyenhoangson_16_le_dong_quang_119_2020329.pdf
Tài liệu liên quan