Vượt lên chính mình

TTO - Đã bao lần bạn có ý định bỏ cuộc khi gặp những khó khăn, trắc trở? Đã bao lần bạn muốn buông xuôi khi đối diện với những biến cố không may, những sai lầm, thất bại? Và bao lần bạn suýt bật khóc - không phải vì bạn lại đối mặt với thất bại thêm lần nữa mà bởi bạn đã chạm tay được cánh cửa của thành công? Đã bao lần những điều như thế đã xảy ra với bạn?

doc62 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2202 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Vượt lên chính mình, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
h vật học chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư, lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn để có thể giúp cha vượt qua quá trình điều trị khó nhọc ấy.  Nếu làm được những việc đó, cả tôi và ông sẽ thấy được an ủi phần nào. Đằng này... Bỏ công việc ở phòng thí nghiệm, tôi lao vào nghiên cứu dược phẩm. Sau đó, tôi mở phòng khám thể chất và tư vấn tâm lý cho bệnh nhân tại một trong những bệnh viện thực tập của trường Đại học Y Harvard. Tôi nỗ lực hết mình trong việc giúp đỡ bệnh nhân và thân nhân của họ vượt qua những căn bệnh luôn chực chờ cướp đi mạng sống quý báu của họ. Chuyên gia tâm thần học Viktor E. Frankl, người sống sót sau nạn thảm sát người Do Thái, khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn có đủ sức chịu đựng hoàn cảnh không may mắn mà không hề tuyệt vọng. Tuy nhiên, tinh thần mạnh mẽ không phải tự nhiên mà có. Chúng ta cần phải trải qua một quá trình rèn luyện. Khi buộc phải đương đầu với những tình huống căng thẳng, bạn hãy để ý đến cách phản ứng của mình. Bạn có quan trọng hóa vấn đề hay không? Bạn luôn nghĩ mình không đủ khả năng để giải quyết bất cứ chuyện gì ? Bạn thường tự dằn vặt mình? Sau những quan sát đó, tôi cho rằng, bạn đã đủ sức để có những phản ứng tích cực hơn. Hãy dành thời gian quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn. Khi bị stress, chúng ta thường bỏ quên những thói quen tốt của mình. Thực tế, đó lại là lúc chúng ta cần đến chúng nhất. Cho dù bạn đang gặp phải vấn đề gì chăng nữa, hãy giữ thói quen ăn uống điều độ, duy trì luyện tập thể thao, và luôn ngủ đủ giấc. Không nên chỉ chú tâm vào việc khôi phục thể chất, tâm hồn bạn cũng cần được quan tâm không kém.  Hàng ngày, nên dành thời gian  làm những việc bạn thực sự yêu thích, có thể là đi dạo trong công viên, nghe nhạc, hoặc cuộn tròn trên giường với cuốn sách trong tay. Nếu bạn không có những mối quan hệ thân thiết, hãy tham gia vào các hoạt động xã hội. Chia sẻ vấn đề của bạn với bạn bè và các thành viên trong gia đình là phương cách hữu hiệu để giải phóng bạn khỏi những áp lực. Tập thói quen bày tỏ lòng biết ơn cuộc sống bằng cách mỗi sáng thức dậy hay mỗi tối trước khi ngủ, bạn hãy dành ra ít phút để chiêm nghiệm về năm điều tốt đẹp nhất mình đang được hưởng. Lúc đó, bạn sẽ nhận ra được những điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho bạn, thay vì cứ mãi quay cuồng với những gánh lo đang trĩu nặng trên vai. Khi những suy nghĩ của bạn có mục đích, bạn đã được xếp vào nhóm người mạnh mẽ. Những người này xem thất bại là một trong những con đường dẫn đến thành công.  James Allen Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa. Oprah Winfrey Hướng tới tương lai mà chỉ dựa vào quá khứ, chẳng khác nào lái xe mà cứ chằm chằm nhìn vào kính chiếu hậu. Herb Brody Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM Mark Victor Hansen Mark Victor Hansen "Thất bại chính là nguồn cảm hứng và động lực thôi thúc tôi hoàn thành mục tiêu." TTO - Là người có biệt tài giúp người khác điều chỉnh quan điểm sống đúng đắn và tích cực, Mark Victor Hansen cùng với người đồng sự Jack Canfield đã cho ra đời những tập truyện ngắn rất nổi tiếng mang tựa đề Chicken Soup for the Soul (đã xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Hạt giống tâm hồn). Ông được tạp chí Time gọi là "Hiện tượng của thập niên". Người được coi là lạc quan trong từng hơi thở và là bậc thầy trong việc động viên và khích lệ người khác này cũng đã từng lâm vào cảnh trắng tay và tuyệt vọng… Năm 1974, lúc đó tôi chỉ mới 26 tuổi, đang điều hành một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp mái lợp ở New York. Công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái thì lệnh cấm vận dầu mỏ của Chính phủ được ban ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của chúng tôi, bởi nguyên liệu chủ yếu để sản xuất mái lợp là nhựa PVC, một sản phẩm hóa dầu. Mọi thứ đột ngột bị đảo lộn, chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, tôi mất trắng 2 triệu đô la. Từ một doanh nghiệp thành đạt bỗng chốc trở thành tay trắng! Biến cố xảy ra quá bất ngờ, khiến tôi bị sốc và có ý định tự tử. Tôi nằm bất động trên giường. Cả ngày, tôi giam mình trong bốn bức tường, không muốn bước ra ngoài nửa bước. Tôi cũng không thiết gì đến chuyện ăn uống, chỉ muốn trốn đến một nơi càng xa càng tốt. Nước Mỹ lúc ấy đang rơi vào thời kỳ suy thoái, và tôi cũng ở trong tình trạng tương tự. Tôi không nhìn thấy tín hiệu lạc quan nào ở phía trước. Ngày nào báo chí cũng đăng ra rả những chuyện sai lầm, hành vi tội lỗi... khiến tôi không thể thoát ra được những suy nghĩ tiêu cực đang ngày một ăn sâu vào tâm trí. Một khi những suy nghĩ đó chiếm lĩnh đầu óc bạn, nó sẽ biến hành động của bạn cũng trở nên tiêu cực. Nhưng nếu tầm nhìn của bạn đạt đến mức cao hơn, thoáng hơn, rộng hơn thì lúc đó suy nghĩ của bạn sẽ tích cực hơn. Bởi bạn nhận thức được rằng, sự suy thoái không bao trùm lên tất cả, nó chỉ diễn ra ở lĩnh vực nào đó mà thôi. Khi đó, bạn sẽ lấy lại được trạng thái thăng bằng. Tình cờ, tôi được nghe cuộn băng ghi âm mang tựa đề Are you the Cause or Are You the Result?  của Cavett Robert, một bậc thầy về diễn thuyết, người đã sáng lập Hiệp hội các nhà diễn thuyết Hoa Kỳ. Tôi nghe đi nghe lại cuốn băng này cả thảy 287 lần. Trong  đó, Cavett đặt câu hỏi: "Bạn là sinh vật được sinh ra theo một số điều kiện nhất định hay bạn là người tạo ra mọi chuyện?". Trí não con người về mặt cơ bản là một hệ thống rất đơn giản. Như Bill Gates từng khẳng định: "Nó là một hệ nhị phân, gồm những con số 1 và 0". Còn Cavett giải thích, phải biến những gì ta hấp thụ thành một kết quả tích cực. Chưa một cuốn sách hay bài nói chuyện nào gây xúc cảm mãnh liệt và giúp tôi sáng tỏ nhiều vấn đề như thế. Sau này, Cavett trở thành thầy và cũng là người bạn thân thiết của tôi. Tôi bắt đầu giở lại chuyện làm ăn thua lỗ và nhận ra được nhiều vấn đề. Thay vì nói: "Mình không thể "như trước kia, giờ đây tôi luôn đặt ra câu hỏi: "Mình sẽ làm điều đó như thế nào?". Nếu thay đổi cách tư duy, cuộc đời bạn chắc chắn sẽ thay đổi. Đó cũng là khoảnh khắc tôi quyết định trở thành một nhà diễn thuyết nhằm giúp đỡ những ai muốn thay đổi thái độ sống. Khi anh bạn tôi, Jack Canfield, đưa tôi xem một tập truyện ngắn của anh,  Happy Little Stories. Tôi nói với anh ấy rằng, đó là cái tựa đề ngớ ngẩn nhất mà tôi từng biết. Sau đó, chúng tôi quyết định cùng nhau hợp tác làm cuốn sách này. Chúng tôi dành ra ba năm để hoàn thiện cuốn sách và sau cùng cho ra cuốn Chicken Soup đầu tiên. Lúc đó, cả hai chúng tôi đang nợ khoảng 140.000 đô la, nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc. Bởi chúng tôi tin mình đang có một thứ rất đặc biệt trong tay. Và chắc chắn mọi người sẽ hồ hởi đón nhận nó. Thế nhưng suốt ba năm sau đó, chúng tôi đã nhận được 33 lời từ chối của 33 nhà xuất bản ở New York kèm theo thông điệp: "Chẳng ai mua những mẩu truyện ngắn cả". Thê thảm hơn, người đại diện quyết định không hợp tác với chúng tôi nữa. Một buổi tối, Health Communications, một nhà xuất bản nhỏ đang sắp phá sản, ngỏ ý muốn xem qua tác phẩm của chúng tôi và hứa sẽ trả lời vào ngày hôm sau. Sáng sớm hôm sau, giám đốc nhà xuất bản này gọi điện lại và nói ông đã khóc khi đọc những mẩu truyện ngắn của chúng tôi. Tới đây, đoạn kết của câu chuyện tuy không kể ra nhưng có lẽ ai cũng biết. Mặc dù không dám gọi đó là thành công vĩ đại, nhưng kết quả thật ngoài sức tưởng tượng. Sau những tháng ngày lao đao, cuối cùng sách của chúng tôi cũng đã được phát hành rộng rãi với gần 100 triệu bản và hiện tại con số này vẫn không ngừng tăng lên. Có rất nhiều người vì ngại thất bại nên không dám bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Qua nhiều cuộc nghiên cứu, một số nhà tâm lý đã chỉ ra hai loại sợ hãi hữu hình: sợ tiếng ồn và sợ ngã. Còn mọi nỗi sợ khác đều là giả tạo. Chúng ta thường vin vào những thứ không có thực, những cái chúng ta tự huyễn hoặc và để mặc cho nỗi sợ hãi như một đám mây u ám bao trùm lên cuộc đời mình. Nếu vượt qua những nỗi sợ hãi vô lý đó, nghĩa là con đường đi đến thành công của bạn sẽ không còn xa nữa. Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự. Dr Porsche Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng. Bertolt Brecht Sự khám phá khó có thể hoạch định một cách máy móc.  Dan Fylstra Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới,  phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới.  Eric Hoffer Sẽ không có nhiều người đủ can đảm dành cho mình cơ hội thứ hai sau lần thất bại đầu tiên. Họ lùi bước sau vấp ngã, bởi hầu hết đều sợ thất bại thêm lần nữa. Nếu sẵn sàng đón nhận thất bại và biến nó là cơ hội, bạn sẽ gặt hái được những thành công vĩ đại hơn. Joseph Sugarman Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM Robert Pinsky Robert Pinsky "Nếu không tin vào việc mình đang làm, hãy dừng lại và tập trung vào việc bạn thực sự có niềm tin." TTO - Robert Pinsky , được trao giải Pulitzer dành cho nhà thơ Mỹ xuất sắc nhất (1997 - 2000) với tác phẩm The Figured Wheel: New and Collected Poems 1965 -1995. Ông cũng đã từng nhận giải thưởng cao quý “Lenore Marshall”, giải “Ambassador” của Hiệp hội các nước nói tiếng Anh, giải thưởng “Vì Nghệ thuật quốc gia”. Không chỉ thế, trong sự nghiệp văn chương của mình, ông còn nhận được nhiều giải thưởng của Quỹ Guggenheim, Viện Hàn lâm Hoa Kỳ và Học viện Văn học Nghệ thuật. Là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật, Robert Pinsky đã nhìn nhận rằng, chính sự thất bại đã giúp ông có động lực để vươn lên. Tôi chưa bao giờ là một học sinh xuất sắc cả. Những năm học cấp II, tôi bị liệt vào thành phần học sinh chậm tiến bộ. Tôi không có gì nổi bật ngoại trừ sự ngay thẳng và tính quyết đoán. Tôi chẳng giỏi môn gì cả, từ những môn tự nhiên, xã hội cho tới môn thể dục. Nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ nên không có khái niệm gì về sự thất bại. Ngay cả môn tiếng Anh, giỏi lắm tôi cũng chỉ đạt được điểm C và D. Thực ra thì tôi học cũng rất khá, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi phải làm những điều mà thầy cô bảo, đến nỗi các giáo viên đã phải nhắc nhở "Cậu nên bỏ ngay cái kiểu học nhởn nhơ như đi dạo đó đi". Tôi thích học ở những nơi hoang vắng, đơn giản chỉ là để thỏa sức thả hồn theo mây gió. Trường tôi có nhiều giáo viên giỏi và nhiệt tình, song cũng không hiếm những giáo viên hà khắc và trình độ chỉ dừng ở mức trung bình. Vì vậy, nếu một cậu học trò nào đó lơ mơ về ngữ pháp, đừng vội kết luận cậu ta ngốc nghếch, mà có thể đó là do cậu ấy không được dạy một cách bài bản. Với tôi, việc chứng minh được những giáo viên đó sai quả là một ý tưởng hấp dẫn. Việc học khiến tôi chán ngán bao nhiêu thì âm nhạc lại khơi dậy trong tôi niềm đam mê, sự hứng thú bấy nhiêu. Tôi bắt đầu làm quen với kèn saxophone từ năm 13 – 14 tuổi. Tôi chơi tuy không hay lắm, nhưng việc được chơi trong một ban nhạc đã giúp tôi tự tin hơn vào bản thân. Lấy biệt danh Mr. Sax Man, tôi xem cái tên này như một động lực giúp mình tiếp tục phấn đấu, đến khi nào quan điểm và cách làm việc của tôi được mọi người chấp nhận. Đó cũng là con đường đưa tôi chạm ngõ thơ ca. Như nhiều nhà thơ khác, tôi cũng bị dư luận lên án và phê phán gay gắt. Nhưng với ý nghĩ "mọi thứ rồi sẽ ổn thôi", tôi vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Làm một nhà thơ hay bất cứ một nghề nào khác, nếu đủ sức chịu đựng búa rìu dư luận, bạn mới có thể tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn. Có thể tôi là một kẻ mất trí, một kẻ điên khi kiên quyết không từ bỏ mục tiêu trước muôn vàn khó khăn mà bất kỳ một người tỉnh táo nào cũng sẽ bỏ cuộc. Tôi từng bị coi là một kẻ mộng du chỉ vì tôi thường thức dậy sớm. Nhưng họ không biết tôi dành nhiều thời gian để kiểm điểm bản thân. Tôi không hiểu tại sao mọi người chỉ quan tâm đến những thành công, trong khi thất bại là nguồn cảm hứng và là động lực thôi thúc tôi tiếp tục thực hiện quyết tâm của mình. Nếu chỉ lo tranh thủ sự ủng hộ của người khác, bạn sẽ quên mất mục tiêu của mình. Đến bây giờ, khi đã thành công thỉnh thoảng tôi vẫn gặp thất bại. Mới đây, một tác giả viết về đề tài rèn luyện kỹ năng đọc dành cho người trưởng thành đến gặp tôi. Anh ta đề nghị tôi sử dụng những ngôn từ đơn giản và thông dụng trong những trang viết của mình. Tôi nhận thấy đây là một ý tưởng hay và mới mẻ. Nhưng dù đã rất cố gắng, tôi vẫn không thể thay đổi phong cách của mình. Nếu một đứa trẻ cảm thấy khó khăn đối với văn viết, bạn hãy cho phép chúng tự do chọn lựa cách diễn đạt mà chúng cảm thấy thoải mái và hợp với mình nhất. Chỉ với cách diễn đạt của riêng mình, bạn mới có thể sử dụng linh hoạt ngôn từ để diễn tả trọn vẹn những cảm xúc của mình. Khi nghĩ đến những thất bại thời niên thiếu, chẳng những tôi không cảm thấy hổ thẹn, ngược lại tôi còn cảm thấy rất vui. Bởi đó chính là nguồn động lực mạnh mẽ luôn thôi thúc tôi phải thành công. Và bạn thấy đó, kết quả không tồi phải không? Elbert Hubbard Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ. Woody Allen Những con người vĩ đại thường xem nhầm lẫn như một phần của quá trình nghiên cứu. Họ hiểu rằng từng giọt sơn trên bản vẽ, một vết nứt trên miếng gạch hoa, một kết quả sai trong chuỗi thí nghiệm... có thể dẫn đến một bước đột phá mới. Điều này khác biệt so với phương pháp giáo dục cổ điển – có lỗi nghĩa là sai. Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân mà hầu hết những con người này thường không đạt thành tích cao ở trường học. John Briggs Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM Joseph Batory Joseph Batory "Khi bạn biết rằng những điều tồi tệ nhất cũng có thể xảy ra, bạn sẽ không còn thấy mọi việc nghiêm trọng nữa." TTO - Tuy là một học giả không chuyên, nhưng chính những trải nghiệm trong cuộc sống tại những con phố tồi tàn ở Nam Philadelphia đã đưa Joseph Batory lên vị trí lãnh đạo một trong những trường lớn nhất vùng. Trong suốt 15 năm nắm giữ chức vụ, Joseph đã biến một hệ thống trường lớp kém chất lượng ở khu dân cư lao động nhốn nháo thành một trong những trường học có hiệu quả và chất lượng cấp quốc gia. Ngoài ra, ông còn thành công khi viết cuốn sách Yo! Joey! sau này trở thành sách hướng dẫn cho các nhà giáo dục ở nước Mỹ. Tôi lớn lên ở vùng lân cận miền Nam Philadelphia. Đó là một nơi có nhiều người gốc Ý sinh sống, tạo ra một môi trường xã hội khá phức tạp. Nhiều bạn bè tôi nếu không bị đi tù, thì cũng dính líu vào các hoạt động cờ bạc hoặc đụng tới những băng nhóm xã hội đen. Sống trong môi trường như vậy, nếu bạn không mạnh mẽ và không có chính kiến riêng thì bạn khó có thể tồn tại. Nhưng bố lại dạy tôi không nên gây sự hay đối đầu với bất kỳ ai. Lúc còn học phổ thông, tôi và các bạn được đưa đón từ Nam Philadelphia tới trường bằng xe buýt. Tôi nhỏ con, tính tình lại nhút nhát nên rất hay bị bắt nạt. Trong trường, việc tôi bị giật tập vở hay bị bẻ khóa tủ đựng đồ cá nhân xảy ra như cơm bữa, đó là chưa kể đến chuyện tôi thường xuyên bị ăn mấy cái bạt tai vô duyên trên xe buýt. Dần dần, đi học trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi đối với tôi. Hầu như mỗi đêm tôi đều thút thít một mình trong phòng, nếu như sáng hôm sau phải đến trường. Tôi nghĩ cách lẩn tránh. Nếu nhìn thấy một nhóm trẻ con đang đi về phía mình, tôi sẽ lẩn ra một chỗ khác. Nhưng không phải lúc nào cũng tránh được, vì thế tinh thần tôi luôn trong trạng thái bất an. Đi học thật sự là một nỗi kinh hoàng đối với tôi. Năm 16 tuổi, sau buổi chơi bóng rổ, trên đường đi bộ về nhà, tôi chợt nghe thấy tiếng rên phát ra từ một hẻm núi. Đó là Sal, tên cầm đầu một băng nhóm thanh thiếu niên ở khu vực cạnh nơi tôi ở. Anh ta bị đánh nhừ tử và người bê bết máu. Sal lên tiếng một cách khó nhọc: "Làm ơn, hãy đưa tôi đi khỏi chỗ này. Bọn chúng sắp quay lại giết tôi!". Lúc đó, tôi muốn bỏ chạy vì tôi vốn nhát gan, chứng kiến cảnh tượng như thế tôi đã đủ khiến tôi kinh hãi. Nhưng nghĩ tới việc anh ta sẽ bị giết, tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Với thể trạng gầy gò của mình, tôi cố gắng đưa anh ta tới một nơi an toàn. Bố Sal có họ hàng thân thuộc với những người chức trọng quyền cao nên tôi trở thành người hùng trong mắt mọi người vì đã cứu con trai của ông ta. Ông tỏ vẻ biết ơn tôi và hứa sẽ sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ điều gì. Tôi kể cho bố Sal nghe nỗi khổ bị bắt nạt khi đi học và ông hứa sẽ giải quyết vấn đề này. Một hôm, tôi cố tình dẫn một nhóm học sinh xấu muốn thanh toán tôi đi vào một tòa nhà hoang, ở đó Sal và bạn anh ta là Rocco đã chờ sẵn. Sal hăm dọa rằng nếu ai đụng đến tôi, anh ta sẽ cho kẻ đó vỡ mặt. Ngoài ra, Sal và Rocco còn dạy tôi vài thế võ để tôi có thể tự vệ. Không lâu sau, trong một lần đánh nhau với một thủ lĩnh nhóm, tôi đã chiến thắng. Kể từ lúc đó, chẳng ai dám bắt nạt tôi nữa. Nhờ vậy, tôi có thể tập trung vào chuyện học. Việc bị người khác bắt nạt đã giúp tôi nhận ra cách cư xử nào là không thể chấp nhận được. Do đó khi giữ chức vụ quản lý, tôi đã thiết lập một chính sách không khoan nhượng đối với những kẻ ức hiếp người khác. Học xong phổ thông, tôi đến làm việc tại nhà máy điện địa phương cùng bố, vì tôi nghĩ việc học đại học không thích hợp với mình. Ở khu lân cận nhà tôi có một người làm nghề đánh cá ngựa thuê chuyên nghiệp, và tôi rất muốn làm việc cho ông ta để có tiền, xe hơi và cả phụ nữ nữa. Nhưng sau khi trò chuyện với tôi một lúc, ông ta từ chối và khuyên tôi nên học lên đại học, vì ông ta nhận thấy tôi có thể tạo được một tương lai tươi sáng hơn. Trở thành người đầu tiên trong vùng vào đại học, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Đối với bọn trẻ đường phố, việc học hành không quan trọng vì chúng chỉ mong sống qua ngày là đủ. Sau khi tốt nghiệp, tôi nghĩ đến chuyện đi dạy. Tôi quyết định đến Camden, New Jersey, một thành phố khét tiếng dữ dằn bên kia cầu Philadelphia. Tuy nhiên, bọn trẻ ở đó rất hiếu động và đầy nghị lực. Rất nhiều em gia đình nghèo khó nên không được đến trường. Tôi bỏ ra sáu năm để mang kiến thức đến cho bọn trẻ, cứu chúng thoát khỏi cảnh mù chữ. Tôi đã làm rất nhiều việc, từ huấn luyện viên bóng rổ đến đưa bọn trẻ đi du lịch châu Âu, thăm những miền đất chúng chưa bao giờ biết đến. Tôi cũng không ngăn cản chúng tìm đến những con phố mà ở đó chúng có thể gặp những vấn đề phức tạp của xã hội… để chúng hiểu thêm về cuộc sống và mở rộng tầm nhìn. Có thể nói, đó là quãng thời gian thật thú vị đối với tôi. Nhưng không lâu sau, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi và chán nản. Lúc bấy giờ hệ thống các trường công lập đang bị chỉ trích, và để tạo hình ảnh mới cho nhà trường, họ chủ trương xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng. Đại học LaSalle, nơi tôi đã học, đang cần người quản lý phụ trách về quan hệ truyền thông và công chúng, làm việc tại Upper Darby, một vùng ngoại ô của Philadelphia, và tôi đã được chọn. Nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Bởi ngoài việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ với công chúng, giúp mọi người hiểu về hoạt động của trường, tôi còn phải làm nhiều việc khác nữa. Tôi cay đắng nhận ra rằng, họ thuê tôi không ngoài mục đích giúp họ dập tắt các cuộc đình công của giáo viên, và làm cho công chúng sẵn lòng chấp nhận việc đóng cửa trường. Không muốn nhận việc làm đó, tôi ra đi. Tôi bắt đầu công việc mới với vị trí phó chủ tịch của một tổ chức giáo dục. Đột nhiên, hiệu trưởng của trường bị đau tim. Bước ngoặt cuộc đời tôi bắt đầu từ đây. Ông Mike Maines, hiệu trưởng mới được bổ nhiệm đã yêu cầu tôi làm trợ lý cho ông ấy với mức lương xứng đáng. Mike rất hài lòng khi chúng tôi xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người với nhau. Ở đây, phụ huynh học sinh có thể tham gia vào những hoạt động của trường và chúng tôi chia sẻ công việc cùng họ. Và giáo viên, mặc dù chỉ là những người cộng tác, nhưng chúng tôi luôn dành cho họ một sự trân trọng. Mọi việc dần đi vào nề nếp. Trước những thành quả đạt được, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Sau đó, đến lượt Mike Maines bị đột quỵ và tôi kế nhiệm ông quản lý trường. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi, ban giám hiệu nhà trường, và các phụ huynh diễn ra khá ồn ào và đầy căng thẳng. Họ muốn biết rõ về tình hình tài chính và tất cả những gì đang diễn ra trong trường. Tôi sợ rằng trong cuộc gặp tháng sau, sự việc sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Thật không ngờ là lúc đó, Rocco cũng có mặt ở cuối căn phòng. Đã hơn 20 năm chúng tôi không gặp nhau. Giọng Rocco vang lên chắc nịch: "Sẽ không ai được phép giễu cợt những người đã đến đây từ vùng lân cận". Rocco còn đe dọa, nếu ai gây phiền toái cho tôi, anh ta sẽ cho người đó một bài học ở bãi đậu xe ngay sau khi buổi họp kết thúc. Máu anh hùng trong người Rocco bốc lên, làm tôi phải mất khá nhiều thời gian giải thích về tính dân chủ ở Mỹ và khuyên anh ta không nên nóng nảy như thế. Nhưng Rocco lại bảo rằng, anh ấy chỉ làm những gì cần thiết mà thôi. May mắn thay, cuộc họp kết thúc khá ổn. Sau đó, tình cờ tôi gặp lại Sal - lúc ấy đã là trùm xã hội đen - và vệ sĩ của anh ta phía sau nhà thờ Thiên Chúa giáo. Tôi yêu cầu anh ta đừng "quan tâm" đến tôi nữa, hãy để tôi tự xoay xở. Cuối cùng anh ta cũng đồng ý. Rồi tôi kể với Sal về những đứa trẻ nghèo khổ không được học hành, anh ta đã ủng hộ một số tiền giúp bọn trẻ có cơ hội đến trường. Không lâu sau đó, trong một lần ngồi quán rượu với một nhà quản lý lớn tuổi, tôi đã hỏi ông về kinh nghiệm quản lý. Ông ấy khuyên tôi không được để ánh hào quang che mắt, không nên mạo hiểm và phải bí mật về con đường đi của mình. Nghe ông nói, tôi lại nhớ về những điều tôi đã trải qua khi mới đi học và về những gì gia đình đã dạy tôi: không được nói thẳng chính kiến của mình và không được mạo hiểm. Nhưng nếu tôi không thể bảo vệ được các đồng nghiệp, các học sinh và bản thân mình thì tôi cũng chỉ như những gã say trong quán rượu này. Từ đó, tôi quyết đi theo con đường mình đã chọn, trở thành vị hiệu trưởng thẳng thắn nhất ở Philadelphia. Tôi dám phản đối quyền lực của bất kỳ ai, từ các Thống đốc bang đến những vị Tổng thống, ở bất kỳ đâu để có thể thực hiện bằng được những gì tôi cho là cần thiết. Điều đó đã làm cho hoạt động giáo dục trở nên hiệu quả, góp phần vào sự phát triển xã hội. Tôi đã rút ra một kết luận là nếu muốn nhận phần thưởng xứng đáng, bạn phải đấu tranh và chấp nhận mạo hiểm. Trường của chúng tôi ngày càng lớn mạnh và nổi tiếng là ngôi trường kiểu mẫu trong vùng. Tôi cảm thấy tự hào vì nơi đây đã trở thành chỗ học tập cho tất cả mọi người, kể cả dân nhập cư của Philadelphia. Họ đến đây với mong muốn tìm được một môi trường giáo dục tốt, và có một cuộc sống tốt đẹp sau này. Bình thường nếu một người có thể ở vị trí quản lý từ năm đến sáu năm thì họ đã làm việc rất hiệu quả. Còn tôi ở Upper Darby được 16 năm rồi và đang quản lý một trong những trường điểm của thành phố. Quả thật đối với một người ghét học như tôi thì làm được những việc như thế quả không tồi chút nào. Tôi không hề có phép mầu đặc biệt gì khi cứu vớt những đứa trẻ không có cơ hội được đi học. Nhưng tôi chắc chắn một điều là khi bọn trẻ càng lớn, thách thức và khó khăn sẽ càng nhiều. Vì thế với tư cách là một nhà quản lý trường học, tôi xin đưa ra một vài ý kiến đóng góp. Tôi hy vọng nó sẽ hữu ích với các giáo viên và những người quản lý trong ngành giáo dục: 1. Chương trình học không nên xa rời thực tiễn. Nếu những gì được dạy không gắn liền với thực tế, học sinh sẽ cảm thấy không hứng thú. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã thất bại. Cần tạo cho trẻ một sân chơi lành mạnh và năng động để kích thích sự phát triển trí tuệ. Chúng ta cần cố gắng tạo nên sự thay đổi về thái độ và phương pháp bằng cách để bọn trẻ làm những gì chúng thích trong khi học, chẳng hạn như để chúng tiếp cận với âm nhạc, nghệ thuật, thể thao hoặc bất cứ những gì chúng muốn và hãy cố gắng làm cho chúng có đam mê học hỏi ở nhiều lĩnh vực. 2. Người lớn nên có thái độ quan tâm chân thành và tin tưởng vào trẻ em. Trẻ em rất dễ bị cám dỗ bởi những cái xấu khi giao tiếp ngoài xã hội. Nhiệm vụ của bạn là giúp chúng phân biệt những điều tốt và xấu. Chính thái độ quan tâm và sự tin cậy của người lớn sẽ giúp trẻ em vững vàng hơn khi đối diện và vượt qua cạm bẫy. 3. Chất lượng dạy học của một trường không nên chỉ đánh giá qua điểm số và sự đến lớp chuyên cần của học sinh. Ngành giáo dục và cả xã hội cần ghi nhận sự nỗ lực của các thầy cô giáo và những người quản lý tâm huyết với nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời mình để rèn dạy những thế hệ học sinh, không chỉ giỏi về kiến thức mà còn có thái độ, hành vi tốt. 4. Sự ủng hộ tích cực sẽ mang lại những điều tốt đẹp. Bọn trẻ sẽ có xu hướng trở thành những gì mà bạn thường nói về chúng. Chẳng hạn, bạn thường xuyên bảo chúng là đồ vô tích sự thì có thể chúng sẽ trở nên như thế thật. Những giáo viên giỏi sẽ không quá xét nét khuyết điểm của học sinh, trái lại họ khuyến khích trẻ hướng tới những gì chúng có thể làm được trong tương lai. Tôi không thể cho bạn bí quyết để thành công, nhưng tôi có thể cho bạn cách để  thất bại,  đó là luôn cố gắng làm vừa lòng mọi người. Herbert Bayard Swope Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.    Johann Goethe Những lần thất bại chính là hạt giống gieo mầm cho thành công sau này. Bạn có thể buồn nhưng đừng tuyệt vọng.  Khuyết danh Tài năng thường bộc lộ trong những hoàn cảnh khó khăn và ngủ yên trong hoàn cảnh thuận lợi. Horace Bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là kết thúc ở chỗ nào.  Dorothy Fields & Coleman Đừng để nỗi sợ hãi kìm hãm ước mơ mà hãy quyết tâm theo đuổi những điều tốt đẹp. John F. Kennedy Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM Billy Idol Billy Idol "Nếu muốn nhận được phần thưởng xứng đáng, bạn phải tranh đấu và chấp nhận mạo hiểm." TTO - Billy Idol và ban nhạc Generation X là một trong những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc rock Vương quốc Anh. Khi nhạc rock bước vào giai đoạn thoái trào, Idol đến Hoa Kỳ và bắt đầu sự nghiệp hát solo, anh tung ra một loạt album được xếp hạng hit như Dancing with Myself, White Wedding, và Eyes Without a Face. Bạn có muốn biết bí quyết thành công của Billy Idol là gì không? Đó không chỉ nhờ vào phong cách biểu diễn độc đáo và sự nổi tiếng trước đây, mà còn là thái độ lạc quan trước những bế tắc trong cuộc sống.  Ở trường, không có bất cứ môn học nào làm tôi thực sự say mê, ngoại trừ môn lịch sử. Tôi có thể nhớ chính xác từng cột mốc ngày tháng và những trận chiến. Đặc biệt, việc tìm tiểu sử của các nhân vật nổi tiếng luôn gây cho tôi sự hứng thú lạ kỳ. Tôi ghét học môn hóa, ghét luôn việc làm thí nghiệm và cả những mẩu giấy quỳ. Tôi từng trả lời với giáo viên môn vật lý: "Em không muốn cố gắng", khi thầy động viên rằng học lực của tôi sẽ khá hơn nếu tôi chịu cố gắng. Sau đó, gia đình tôi chuyển đến Luân Đôn, và tôi học trong một lớp toàn những học sinh không biết đọc. Đã vậy, giáo viên chẳng buồn ngó ngàng, quan tâm gì đến học sinh. Trước kia, tôi đã quá ngán ngẩm với việc học tập, giờ càng chán ngán bội phần khi ở trong môi trường học tập như thế. Tuy vậy, tôi vẫn không từ bỏ con đường học vấn và thi vào đại học, bởi tôi không muốn ra đời sớm. Nhiều người cho rằng tốt nhất là nên làm việc cho cha mình nếu gia đình có cơ sở kinh doanh riêng, hoặc là làm thầy giáo. Thời đó, bạn muốn làm giáo viên cũng khó, vì không có nhiều trường để bạn xin đi dạy. Cách thứ hai không khả thi, vì thành thật mà nói, cha tôi rất khó tính và nghiêm khắc. Tôi không thể chịu nổi những nguyên tắc đầy tính răn đe của cha, dù tôi rất thương ông. Sau nhiều lần đắn đo, tôi nghĩ cách duy nhất để tôi vẫn yêu quý cha là sẽ không làm việc cho ông.  Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được là thành viên trong các ban nhạc Rock and Roll, nhưng tôi vẫn giữ kín hoài bão của mình. Bởi nếu tôi có nói ra cũng vô ích, đời nào cha chịu mua cho tôi cây guitar điện, ông sợ điều đó sẽ làm tôi thêm hư hỏng. Chỉ riêng bộ dạng của tôi với mái tóc để dài, mang đồ trang sức đầy mình, giao du với nhiều bạn bè, đam mê âm nhạc... đã đủ làm ông thất vọng. May thay, năm tôi lên bảy,  ông nội đã tặng cho tôi một chiếc trống có dây của Ringo Starr và khi tôi lên mười, ông cho tôi sở hữu một chiếc guitar. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để tôi bắt đầu "sự nghiệp ca hát". Tôi tìm được 2 - 3 đứa bạn chung sở thích, và chúng tôi rủ nhau đến một ngôi trường khác cách đó khoảng hơn 3km để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, bởi ở đây học sinh có vẻ chịu chơi hơn. David Bowie và Peter Frampton cũng là học sinh của trường này. Giai đoạn đó, tại các thành phố lớn ở Anh, đi bất cứ đâu bạn cũng có thể bắt gặp những nhóm choai choai "điên khùng" như chúng tôi. Việc làm không đủ cho mọi người, vì vậy nhiều đứa trẻ đã bỏ học ra ngoài kiếm việc để được hưởng trợ cấp từ chính phủ. Bầu không khí ảm đạm bao trùm lên hiện tại, và tương lai thì mù mịt. Sự chán nản, thất vọng lộ rõ trên gương mặt từng người ở những nơi tôi đi qua. Chính hoàn cảnh xã hội lúc đó đã trở thành khẩu hiệu của phong trào nhạc rock "Không có tương lai! Chúng tôi chán nản!". Năm 1974, tôi học xong năm nhất đại học và về nhà nghỉ hè. Khi đó phong trào để tóc dài đã lỗi thời, tôi chuyển sang cắt ngắn rồi nhuộm đen. Tôi bắt chước David Bowie và phong cách nhạc pop. Nhìn hình ảnh mới của con trai, cha mẹ nghĩ tôi đã bình thường trở lại. Nhưng không lâu sau, tôi lại tiếp tục làm cho họ bị sốc thêm lần nữa khi tuyên bố mình sẽ nghỉ học và gia nhập nhóm nhạc rock. Cha tôi dường như không tin những điều mình vừa nghe, ông quát to: "Sau đó mày sẽ làm gì? Suốt đời mày sẽ chẳng thể kiếm được công việc nào cho ra hồn, bởi vì người ta sẽ thắc mắc mày đã làm gì suốt thời gian trước đó". Đáng buồn là cha tôi đã nói đúng. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào sau này biết tôi đã từng tham gia nhóm nhạc rock đều phản ứng theo kiểu: "Được rồi anh bạn. Chúng tôi thích chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc những ai không có mái tóc kỳ quặc như cậu". Suốt 2 năm sau đó, cha con tôi đã không nói với nhau lấy nửa lời. Tôi rơi vào tình trạng bế tắc, nhưng tôi không cho rằng mình đi nhầm đường và vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ. Tuy thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy hoang mang đôi chút, vì ai ai cũng cho rằng những gì tôi đang làm rốt cuộc cũng sẽ chẳng đến đâu. Tôi cũng nhìn thấy nhiều kết cục thất bại, chứng kiến bao nhiêu ước mơ tan vỡ, nhiều ban nhạc rã đám và các thành viên phải lái taxi kiếm sống.   Lúc đó, tôi đang tham gia nhóm The Who. Mỗi thứ Bảy chúng tôi chơi nhạc dance. Chúng tôi khai thác nhiều bài hát từ những thập niên 60, chẳng hạn như “We Gotta Get Out Of This Place”. Đó là cách khởi đầu của nhiều ban nhạc rock. Bắt đầu từ những điều bình dị, sau đó pha trộn thành một tạp chất nhiều màu, nhiều vị. Ban nhạc của chúng tôi ngoài những yếu tố trên còn thêm vào đó ít nhiều sự  cuồng nộ mà các ban nhạc rock khác không có. Acme cũng muốn thành lập ban nhạc để quảng bá cho cửa hiệu của mình. Ông ta mời tôi đến để thu âm thử. Trong phòng chờ, ngoài tôi ra còn có hai tay guitar khác nữa, nhìn qua biết ngay dân rock and roll. Nhìn lại cách ăn vận của mình, tôi trông như anh chàng tỉnh lẻ quê mùa. Hai người này đã từng tham gia nhiều ban nhạc khác nhau. Còn tôi lúc này chỉ mới ký được một hợp đồng biểu diễn và thậm chí chưa được nhận tiền công. Họ nhìn tôi và nở nụ cười lộ rõ vẻ chế giễu, điều đó khiến tôi cảm thấy lúng túng. Bước vào phòng thu, tôi cố gắng thể hiện khả năng của mình một cách tự nhiên. Acme nhận xét khả năng biểu diễn của tôi không khá lắm, nhưng bù lại tôi có nhiệt huyết và niềm đam mê. Năm phút sau, Acme thông báo tôi được ký hợp đồng và từ chối hai anh chàng nọ. Thật không thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc đó, tôi cảm thấy sung sướng đến tột cùng, tưởng chừng không còn gì có thể làm tôi hạnh phúc hơn. Công việc của tôi không chỉ đơn giản là biểu diễn trong một ban nhạc nào đó, khuyếch trương tên tuổi của một nhãn hiệu nào đó, mà nó còn có sự tác động lên cộng đồng. Chelsea, sau đó là Generation X, là những cuộc chinh phục mà tôi sẽ theo đuổi. Đối với những ban nhạc công kích lối sống và những công việc buồn tẻ, tương lai họ xem ra không mấy sáng sủa. Dường như cố tình làm cho mọi việc thêm tồi tệ, nhóm The Sex Pistol quậy phá tưng bừng qua những nơi họ đến lưu diễn. Chẳng mấy chốc, các nhóm nhạc rock đều bị cấm biểu diễn, vì thế chúng tôi rút về Soho, lập câu lạc bộ cho riêng mình. Câu lạc bộ nhanh chóng lớn mạnh với 500 thành viên, trong khi khuôn viên chỉ đủ sức chứa 200 chỗ ngồi. Thấy chúng tôi ngày càng phát triển, các câu lạc bộ khác tìm cách ngăn cản chúng tôi quảng bá. Mặc dù vậy, họ thừa biết chúng tôi cũng sẽ có cách thoát khỏi tình trạng đó. Danh tiếng chúng tôi ngày càng vang xa, và rồi ai cũng muốn ký hợp đồng với chúng tôi. Kể từ đó, dòng nhạc rock bùng nổ khắp nơi. Dù nhận được rất nhiều lời mời ký hợp đồng, nhưng chúng tôi chưa vội đồng ý. Thế là giá trị các hợp đồng mời chào cứ tăng lên, từ 10.000 lên đến một triệu bảng Anh, lúc đó chúng tôi mới đặt bút ký. Chúng tôi cũng khá thành công trong việc tiêu thụ những đĩa nhạc của mình. Đang trên đà thành công, đến năm 1980, chúng tôi gặp rắc rối với người quản lý và buộc phải đổi tên nhóm thành GENX. Vụ việc này đã khiến sự nghiệp chúng tôi xuống dốc, album mới ra đời nhưng chẳng ai mua. Thời hoàng kim kết thúc, nhóm chúng tôi tan rã. Năm 1982, tôi đến New York, đổi tên từ Idle thành Idol. Nhưng các nhóm nhạc rock không còn thu hút khán thính giả như trước. Nhóm The Ramones vật vã để tồn tại. Ngay cả nhóm Blondie cũng giải tán. Mọi thứ đều trở nên u ám, kể cả sự nghiệp của tôi. Ròng rã sáu tháng trời, tôi không thể sáng tác được ca khúc nào, không giao du với ai. Tôi nhớ lại lời cha nói và thấy rằng cha mẹ tôi đã đúng khi dự đoán về tương lai của tôi. Đêm nọ, lúc lang thang một mình trong một quán bar ở New York, tôi được chứng kiến một cảnh tượng thật thú vị. Khi những giai điệu sôi động của bản “Dancing with Myself” vang lên, tất cả những thanh thiếu niên xô bàn ghế ra sàn nhảy. Họ nhảy nhót thật sôi nổi. Trước khung cảnh nhộn nhịp đó, tôi hiểu mình cần phải làm gì. Tôi sẽ tạo nên một Generation X thứ hai, nhưng theo phong cách của tôi. Tôi sẽ tiếp tục đeo đuổi đến cùng những gì tôi đã lựa chọn. Tôi hoàn tất bản “Mony, Mony” và đưa cho người quản lý xem. Ai cũng đồng tình ủng hộ. Bản nhạc mới được thu âm vỏn vẹn chỉ trong hai tuần tại L.A. Sau đó, tôi đến quán bar hôm trước ở New York và đưa đĩa nhạc cho một DJ. Nếu như vài phút trước sàn nhảy khá im ắng, thì khi bản “Mony, Mony” nổi lên, sàn nhảy chật cứng người. Tôi cảm thấy hạnh phúc và an ủi phần nào khi trong những lúc bi đát nhất của sự nghiệp, vẫn có một số người đặt niềm tin nơi tôi. Điều đó giữ cho tinh thần tôi luôn vững vàng, cho đến khi tôi tìm lại sự tự tin vốn có. Chẳng bao lâu, những ca khúc của tôi được phát sóng trên MTV và cả trên đài phát thanh nữa. Bốn năm sau khi đến Mỹ, tôi đã có được một album được sắp hạng top ten. Và bây giờ, tôi được mọi người chính thức công nhận là nghệ sĩ dòng nhạc rock chủ đạo. Ngay cả cha tôi cũng đến thăm và chúc mừng tôi. Sau những thăng trầm của đời mình tôi nhận ra một điều rằng, những thất bại có lúc tưởng chừng làm tiêu tan sự nghiệp của tôi lại là một động lực thúc đẩy tôi vươn tới. Dù cho trường lớp và các môn học có làm tôi chán ngán và buồn tẻ, nhưng chính chúng đã dọn đường cho tôi đến với âm nhạc và thành công như ngày nay. Nếu tôi không gặp những trục trặc trên cuộc hành trình của mình, có lẽ mãi mãi tôi sẽ không bao giờ có được những trải nghiệm quý giá. Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào dòng nhạc mình đang theo đuổi. Nếu không can đảm và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, có thể giờ đây tôi đã trở thành một nhân viên gương mẫu như mong muốn của cha, ngồi sau chiếc bàn giấy và ghi hóa đơn bán hàng hết ngày này qua ngày khác. Tôi không hối hận khi chọn cho mình một lối sống mà ở đó, khi vượt qua được những cay đắng, tôi có thể tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. Nếu cuộc sống không cho bạn những giấc mơ, bạn hãy làm nên giấc mơ của mình. Nếu không tin vào việc bạn đang làm, hãy dừng lại và tập trung vào những việc bạn thực sự có niềm tin. Người ta thường gặp thất bại vì làm việc không có mục đích chứ không phải vì họ thiếu khôn ngoan. Billy Sunday Những lúc rơi vào tình huống khó khăn, tôi mới có cơ hội mở mang tầm mắt và trải rộng lòng mình.  Myla Kabat-Zinn Đừng bao giờ từ bỏ những việc bạn thực sự muốn làm. Nơi nào có tình yêu và sự hứng khởi, nơi đó không có chỗ cho những thất bại.  Ella Fitzerald Đừng khóc khi mặt trời đi mất, bởi nước mắt sẽ ngăn bạn chiêm ngưỡng những vì sao.  Violeta Parra Bí quyết của thành công đó là: sự chuẩn bị chu đáo, luôn chăm chỉ làm việc và biết học hỏi từ những thất bại. Colin Powell Vinh quang chỉ đến với những ai biết kiên trì. Persius Hãy để ý con rùa xem, nó chỉ tiến tới khi nào nó thò đầu ra ngoài. James Bryant Conant Nguồn: Vượt lên chính mình 2- First News và NXB Tổng hợp TP.HCM Kathy Buckley Kathy Buckley "Cuộc đời luôn có những gian nan để thử thách khả năng chịu đựng và tính kiên trì của bạn." TTO - Kathy Buckley là một diễn viên hài, đồng thời cũng là một diễn giả nổi tiếng. Cô từng xuất hiện trong các chương trình trò chuyện đêm khuya. Những câu chuyện cảm động của Kathy Buckley đã được giới thiệu trên tạp chí People, chương trình “Today” và “Good Morning America”. Ngoài ra, cô cũng từng được trao giải “American Hero” của Tổ chức The City of Hope và The Toastmasters International Communication, và giải “Leadership”. Nếu tình cờ gặp Kathy, bạn sẽ thấy đó là một cô gái vui tươi, tràn đầy sức sống, nhưng có một điều bạn không thể nhận ra đó là cô bị khiếm thính. Với khiếm khuyết của bản thân, Kathy  đã trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh. Nhưng cô ấy đã vượt qua chính mình như thế nào, bạn có biết không? Tôi bị khiếm thính nặng, vì vậy các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn trước tình trạng của tôi. Hàng năm, họ kiểm tra tôi bằng cách cho tôi xem những vết mực, và yêu cầu tôi trả lời câu hỏi: "Kathy này, cháu thấy những vết mực này trông như thế nào?". "Chúng trông như có ai đó đã đổ vấy khắp tờ giấy phải không?". Chỉ vậy thôi, mà tôi trả lời cũng không xong. Từ năm này sang năm khác, người ta kết luận tôi mắc chứng này, chứng nọ mà chẳng ai cho tôi lấy một lời an ủi. Từ nhỏ, tôi đã được dạy phải tôn trọng người lớn, vì thế tôi tin những gì họ nói về mình: lầm lì, ngốc nghếch, chậm phát triển. Nỗi tuyệt vọng trong tôi ngày một lớn. Năm học lớp chín, tôi đã cao tới 1m68 nhưng học lực chỉ tương đương với trình độ lớp sáu. Cũng giống như người ta cố gắng dạy cho người mù biết đọc chữ Braile (chữ nổi) bằng một cuốn sách bình thường, các giáo viên đã dạy tôi tập đọc bằng cách nghe - trong khi tôi có nghe được gì đâu! Vì vậy mà tôi chẳng tiến bộ được chút nào. Dần dần họ đâm chán khi phải nhọc công vì một học sinh đần như tôi, và bỏ mặc tôi luôn. Từ đó, tôi giấu nhẹm khuyết điểm của mình bởi sợ người khác phân biệt đối xử. Tôi không muốn chấp nhận sự thật là mình bị điếc. Thực tế, tôi có thể hiểu thông qua cách nhép môi của người nói, nhưng thầy cô và các bạn cùng lớp nói nhanh quá, tôi không sao theo kịp nên không có cách nào để tiếp nhận thông tin. Đó là lý do vì sao ngày nay tôi kiên quyết đấu tranh vì nền giáo dục dành cho người khiếm thính. Lần đầu tiên tôi đeo máy trợ thính là vào năm lên 8 tuổi. Nhưng đâu chỉ là Nghe. Quan trọng là chuyện Hiểu. Từ nhỏ tôi không thể nghe như những đứa trẻ bình thường khác nên vốn từ vựng của tôi lúc bấy giờ không đủ để hiểu những gì người khác nói. Do vậy lúc đó tôi nhận thấy việc đeo dụng cụ trợ thính cũng chẳng giải quyết được gì nên đã ngưng sử dụng nó trong 3 năm, và không mua thêm cái nào khác trong suốt 20 năm sau đó. Mặc dù có khá nhiều bạn bè, nhưng nỗi mặc cảm về sự khiếm khuyết của đôi tai khiến tôi luôn sống khép mình. Những khi rơi vào trạng thái như thế, người ta thường có xu hướng tìm đến rượu và ma túy để quên đi thực tại. Nhưng may mắn là tôi không rơi vào con đường đó. Tôi tốt nghiệp trung học với điểm số trung bình 1,9, một kết quả kém đến mức không thể chấp nhận được. Nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Là một người khuyết tật, tôi càng phải kiên gan hơn những người bình thường. Thế nhưng, những chuyện không may vẫn tiếp tục đeo bám tôi.  Ngày nọ, lúc tôi đang nằm tắm nắng trên cát ở bãi biển Santa Monica, vì không nghe được tiếng động cơ xe jeep cứu hộ đến gần nên nó đã cán qua người tôi. Tim tôi ngừng đập trong giây lát. Hồi sinh sau khoảnh khắc kinh hoàng đó, cuộc đời tôi dường như thay đổi hẳn. Cảm giác được sinh ra lần thứ hai khiến lòng tôi tràn ngập tình yêu cuộc sống, cái cảm giác mà trước đây tôi chưa từng có. Tôi tin có một sức mạnh bí ẩn nào đó âm thầm che chở cho mình, và thế giới xung quanh luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Niềm tin đó như tiếp thêm cho tôi nghị lực để sinh tồn. Tôi hiểu rằng, những gì mình có được hôm nay, một phần là nhờ những thất bại và đau khổ trước kia tạo nên. Nếu ngày đó gia đình kiên quyết đưa tôi vào trường dành cho người khiếm thính, không biết giờ đây cuộc đời tôi sẽ xuôi theo hướng nào. Nhưng tôi chắc chắn một điều, trong giới diễn thuyết sẽ không tồn tại cái tên Kathy Buckley. Để có thể hòa nhập cùng mọi người, tôi phải tìm mọi cách thích ứng với môi trường học tập bình thường. Dần dần tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Vì bị điếc nên tôi tập trung "nghe" thông qua cách người ta thể hiện hơn là những điều họ thực sự nói. Đó cũng là một lợi thế của tôi sau này, bởi ngôn từ có thể dối trá, nhưng cử chỉ thì không. Do từng trải qua một tuổi thơ bất hạnh, nên tôi dành hầu hết thời gian để thực hiện những hài kịch, bài diễn thuyết có nội dung khích lệ trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh không may. Tôi cho rằng không nên đánh giá một đứa trẻ chỉ bằng một bài trắc nghiệm đơn giản nào đó. Thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến trẻ để lắng nghe những suy nghĩ của chúng, tạo điều kiện để trẻ thể hiện cảm xúc của mình bằng những câu hỏi đại loại như: "Con đang nghĩ gì thế?", "Điều gì làm con cảm thấy hạnh phúc nhất?" và "Điều gì khiến con buồn?"... Thế giới tuổi thơ luôn đầy ắp những điều thú vị, và chỉ khi gần gũi với chúng bạn mới phát hiện ra. Cha mẹ cần lắng nghe con cái để chia sẻ với con những khúc mắc mà chúng đang gặp phải, và cảm nhận những gì diễn ra với chúng. Tôi chắc chắn một điều rằng, bọn trẻ sẽ cảm thấy rất vui sướng và thú vị biết bao nếu nhận được tình cảm ấm áp của những người xung quanh. Điều đó giúp chúng tự tin vào bản thân và hình thành nên cá tính mạnh mẽ sau này. Đừng để cuộc đời mình bị ảnh hưởng bởi những lời nhận xét không hay của một ai đó, mà hãy luôn lắng nghe tiếng nói của trái tim. Nhiều người khẳng định tôi sẽ thất bại với hài kịch, nhưng bạn thấy đấy, tôi giờ đây không chỉ là một diễn viên hài thành công mà còn là một diễn giả được mọi người tin tưởng. Sau những nỗ lực không ngừng, giờ tôi đã có thể tự tin khi nói chuyện với mọi người, và làm cho họ hiểu mình. Nếu không có gió, chúng ta sẽ phải chèo.  Tục ngữ cổ Nghịch cảnh cũng tương tự như vùng khí hậu khắc nghiệt. Nó sản sinh ra nhiều hoa thơm, quả lạ.   Walter Scott Đóa hoa nở trong bão táp luôn là đóa hoa đẹp nhất. Mulan Nếu bạn muốn tăng số lần thành công, hãy gia tăng gấp đôi  số lần thất bại. Thomas Watson Sr. Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM  Venerable Grand Master Hsing Yun Venerable Grand Master Hsing Yun TTO - Grand Master Hsing Yun là tác giả của hơn 100 đầu sách, là người đề xướng thực hiện sự bình đẳng giữa tất cả mọi người trong các tôn giáo truyền thống. Hàng năm, ông thường tổ chức hội nghị giữa các trường đào tạo Phật tử nhằm tìm tiếng nói chung giữa Phật tử và các tín đồ của tôn giáo khác. Grand Master Hsing Yun còn chủ trương sáng lập Tổ chức Phật giáo Quốc tế Fo Guang Shan với hơn 5 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Tổ chức này hỗ trợ lĩnh vực giáo dục và dịch vụ thông qua hệ thống các trường đại học công lập, thư viện, phòng khám lưu động miễn phí, nhà ở cho trẻ em, nhà dưỡng lão… Nhiều người cho rằng để thành công trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp, chúng ta cần có đủ nguồn lực và những điều kiện cần thiết, cũng giống như cây cối cần ánh nắng mặt trời, không khí trong lành và nguồn nước để lớn lên. Một khi đã hội tụ đủ những yếu tố quan trọng, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ngược lại, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những rắc rối và trở ngại. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại, rằng bạn vẫn có thể thành công nếu bạn có đủ nhiệt huyết và tài năng. Những điều kiện tưởng chừng không thuận lợi của ngoại cảnh khi đó đã trở thành động cơ thúc đẩy con người thể hiện bản thân và phát triển mãnh liệt những tiềm năng vốn có. Ví dụ, khi bị bệnh, chúng ta mới nhận thấy sức khỏe là vô cùng quý giá và biết quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Hoặc khi sinh ra trong gia đình nghèo khó, trải qua tuổi thơ đầy gian khổ và thiếu thốn, bạn sẽ ý thức hơn về việc cải thiện cuộc sống hiện tại. Trong thế giới tự nhiên, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ca tụng những bông hoa mận nhỏ bé, không kiêu sa mà cũng chẳng đài các kia. Bởi trong giá lạnh và bão tuyết, có thể những loài hoa khác sẽ bị tan nát tả tơi, nhưng hoa mận thì ngược lại, trời càng lạnh chúng càng tỏa hương thơm ngát. Cũng như hoa mận, cây thông và cây bách cũng được nhiều người ngưỡng mộ, bởi thời tiết càng giá lạnh bao nhiêu, sức sống của chúng càng mãnh liệt bấy nhiêu. Trong cuộc sống thường ngày, không quá khó để bạn có thể tìm thấy các tấm gương sáng vượt khó. Rất nhiều bạn trẻ tuy xuất thân từ những gia đình nghèo khó nhưng lại học rất xuất sắc, được nhiều trường đại học đón nhận, đã tự mình xoay xở tiền để trang trải học phí và kiếm được việc làm như ý khi ra trường. Và vẫn còn đó nhiều tấm gương người khuyết tật đã vượt lên nghịch cảnh để thành công ở rất nhiều lĩnh vực như văn chương, hội họa và cả ở lĩnh vực thể dục thể thao, đoạt được những tấm huy chương đầy tự hào về ý chí và nghị lực của con người. Hãy thử tưởng tượng, đôi tay bạn là số phận, và cuộc đời bạn là một quả banh. Nếu bạn nhồi quả banh mạnh chừng nào, nó càng nẩy mạnh chừng ấy. Đó là quy luật tất yếu. Nếu Judas không phản bội Chúa, có lẽ sự thiêng liêng của Ngài sẽ không được bộc lộ rõ ràng như thế. Trên đường đời, khó khăn trở ngại có thể làm chúng ta vấp ngã, nhưng bạn hãy nghĩ rằng nó chính là những phiến đá mà khi đặt chân lên đó, tầm mắt bạn sẽ phóng cao hơn, xa hơn. Thành công hay thất bại tùy thuộc vào việc chúng ta có vượt qua được thử thách không, có biết cách biến những điều kiện bất lợi thành lợi thế không. Sau giai đoạn xới đất, gieo trồng đầy vất vả, phần thưởng ngọt ngào tất sẽ đến vào mùa thu hoạch. Người ta dùng lửa để thử vàng, còn cuộc đời tạo ra những gian nan, khổ cực để thử thách khả năng chịu đựng, tính kiên trì và sự nhẫn nhục của bạn. Nếu vượt qua được, thành quả bạn đạt được sau này còn giá trị gấp nhiều lần so với giá trị ban đầu của nó. Không chỉ thế, bạn còn có cơ hội nhận ra được những sức mạnh tiềm ẩn của bản thân. Con người không phải là thần thánh, vì thế nếu chúng ta có phạm sai lầm cũng là điều rất tự nhiên. Sai lầm chẳng có gì là ghê gớm, nếu bạn sẵn lòng sửa chữa. Những ai ngoan cố không chịu thừa nhận và sửa chữa lỗi lầm của mình, cũng giống như một bức tường được sơn duy nhất màu đen nên không thể phết thêm lên màu khác. Bạn biết mình sai, và chấp nhận sửa chữa. Đó là một đức tính đáng quý. Cho dù có rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào, bạn nên mạnh dạn đối đầu với nó và tìm cách vượt qua. Gieo giống tốt, ắt bạn sẽ gặt hái được hoa thơm và trái ngọt. Đối với những người mắc sai lầm, hãy cho họ cơ hội sửa sai. Thay vì trách móc, chỉ trích hay xem thường, bạn hãy thông cảm, động viên, khích lệ và an ủi họ. Hãy nhiệt tình chỉ bảo họ bằng tình thương và sự bao dung. Chính sự quan tâm của người khác là liều thuốc giúp con người có thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua thử thách, vượt qua chính bản thân mình. Nếu trong chúng ta, ai cũng biết quan tâm đến người xung quanh, ắt hẳn cuộc sống này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng phát triển hơn. Tôi không chia thế giới ra 2 phe: mạnh hay yếu; thành công hay thất bại… mà tôi chia thành 2 nhóm: những người luôn có tinh thần cầu tiến và những người không bao giờ chịu học hỏi.   Benjamin Barber Giá trị nằm ở chỗ bạn đã làm thế nào để vượt qua được  những khó khăn trong cuộc sống, chứ không nằm ở chỗ bạn đã đối mặt với nó bao nhiêu lần. Sonny Hill Sau giai đoạn xới đất và gieo trồng đầy vất vả, phần thưởng ngọt ngào tất sẽ đến vào mùa  thu hoạch. Venerable Grand Master Hsing Yun Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM Tác giả Steve Young Tác giả Steve Young TTO - Sinh ra ở miền Nam Philadelphia, Steve Young trải qua một tuổi thơ đầy gian khó trong một túp lều gỗ thuộc miền quê Levittown, bang Pennsylvania nước Mỹ. Rất yêu thích đọc sách, ban đêm ông thường cắm cúi bên những trang sách trong ánh sáng leo lét của một ngọn nến duy nhất. Với lòng ham học hỏi, Steve Young luôn áp dụng những điều đã học được từ sách vở vào thực tiễn cuộc sống, nhưng trong hầu hết mọi việc, ông đều không thành công. Ông liên tục gặp thất bại, thất bại hầu như trong tất cả mọi “ngóc ngách” của cuộc sống, từ việc học hành, thể thao cho đến cả trong lĩnh vực tình yêu. Vào đại học, do không hoàn tất tốt chương trình học, Steve Young đã phải nếm trải mùi vị của việc bị đuổi học. Sau đó, vào năm 28 tuổi, ông lại bị cho thôi việc ở thành phố Atlantic. Những thất bại trong cuộc sống liên tục nối đuôi nhau đến với Steve Young, nhưng không dễ làm ông nản lòng. Bởi Steve Young nhận ra một điều rằng: “Hầu hết mọi thành công trong cuộc sống luôn được bắt đầu từ những thất bại”. Ông xem thất bại là những trải nghiệm quý giá của đời mình và không ngừng vươn lên chinh phục các khó khăn. Cuối cùng, những nỗ lực của Steve Young đã được ghi nhận bằng những thành công đáng ngưỡng mộ mà ông đã đạt được. Ngày nay, Steve Young được biết đến là một nhà văn đa tài, một diễn giả uy tín. Ngoài việc sáng tác những kịch bản phục vụ cho mạng lưới truyền hình quốc gia của Mỹ, ông còn là tác giả của những đầu sách và bài báo được phát hành trên khắp thế giới. Không chỉ thế, Steve Young đã từng vinh dự đoạt được giải thưởng 2000 Prism và đồng thời được đề cử cho giải Humanitas Prize. Cả hai giải thưởng này như một minh chứng cho tài năng của ông trong việc kết hợp khéo léo giữa lĩnh vực giải trí và các vấn đề nhạy cảm của xã hội. Trong cuộc sống hôn nhân, Steve Young hiện đang rất hạnh phúc với vợ _ Diana _ cùng hai con _ Casey và Kelly _ tại Los Angeles. Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docmaxreading_ebook_169.doc