Vị trí địa - Chính trị của châu vị long trong tuyến phòng thủ biên cương phía Bắc của vương triều Lý - Hà Mạnh Khoa

Chính vì có vị trí địa - chính trị quan trọng, nên từ thời Lý châu Vị Long (thế kỷ X) đến ngày nay, huyện Chiêm Hóa luôn là vùng đất in đậm những dấu ấn lớn lao của lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), tháng 2 năm 1951, thôn Phú An, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa được chọn là nơi tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II từ ngày 11 đến 1976 tháng 2 năm 1951. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và tiếp khách trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đó là mốc son khẳng định vị trí chiến lược quan trọng của vùng đất này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ châu Vị Long thế kỷ X đến huyện Chiêm Hóa ngày nay, cương vực có thể đổi thay, nhưng vị trí địa – chính trị của vùng đất này đối với tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nguyên những giá trị bền vững trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của thời kỳ đổi mới và hội nhập

pdf7 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 402 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vị trí địa - Chính trị của châu vị long trong tuyến phòng thủ biên cương phía Bắc của vương triều Lý - Hà Mạnh Khoa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VỊ TRÍ ĐỊA - CHÍNH TRỊ CỦA CHÂU VỊ LONG TRONG TUYẾN PHÒNG THỦ BIÊN CƯƠNG PHÍA BẮC CỦA VƯƠNG TRIỀU LÝ HÀ MẠNH KHOA* 1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.* Vào thế kỷ X, châu Vị Long có vị trí địa - chính trị cực kỳ quan trọng của quốc gia Đại Việt. Trước thế kỷ X, trong thời gian phương Bắc đô hộ, nước ta bị chia thành quận, huyện. Có thể nói, cương vực của các huyện thời kỳ này rất rộng lớn, nhiều huyện có diện tích lớn hơn một tỉnh ngày nay. Địa hình Tuyên Quang (nói chung) và Vị Long (nói riêng) khá phức tạp và mang tính chuyển tiếp rõ rệt. Với hơn 70% diện tích là núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao (dãy Cao Khánh ở phía bắc, dãy Tam Đảo ở phía nam). Các dãy núi chính thường có dạng xuôi theo đứt gãy kiến tạo sông Hồng và sông Lô, song núi không kéo thành mạch dài, mà bị chia cắt thành các khối rời rạc để tạo ra những kiểu cấu trúc vòng cung mà tiêu biểu là cánh cung sông Gâm. Phía bắc tập trung nhiều dãy núi cao, sông ở đây cũng vì thế thường dốc và lắm thác ghềnh. Xuôi về phía nam núi càng thấp, mặc dù vẫn còn những ngọn núi nhô cao, vách thẳng đứng, nhưng ở khu vực này chủ yếu là đồi bát úp kiểu trung du. Ở đây có nhiều cánh đồng bằng phẳng, đó là bãi bồi bên sông Lô, sông Phó Đáy hoặc những thung lũng giữa núi khá rộng. Trong Hoàng Việt địa dư chí, Phan Huy Chú đã miêu tả vùng đất Tuyên Quang với * TS. Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. “núi khe chi chít, phần lớn là nơi rừng thiêng nước độc, so với các trấn ở cõi ngoài thì đây là một vùng quá xa xôi”1. Trong Tuyên hành kí trình được viết vào thế kỉ XIX cũng đã miêu tả khá chi tiết về vùng đất Tuyên Quang: “Triều ta đất gọi Tam Tuyên Với Cao – Thái - Lạng về miền thượng du Đất đồn phong chướng xưa nay Lên Tuyên là tiếng sợ thay cho người”. “Cảnh đâu có cảnh lạ lùng Dễ thường nước nhược non bồng đâu đây Nước xanh hoa rủ cành cây Đá lô xô mọc chim bay lẩn chiều”2. Những ngọn núi cao như núi Chặm Chu, Pia Phương, Pia Hec, Khuổi Ma, Khuẩy Phầy, Thanh Tương thuộc các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang cùng rất nhiều đèo dốc hiểm trở. Những ngọn núi cao đã tạo thành nhiều hang động, nhiều khe vực. Địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, sông suối uốn khúc lắm thác ghềnh tạo ra không ít khó khăn cho nhân dân địa phương trong cuộc sống sinh hoạt. Nhưng chính những dãy núi cao trùng điệp, những khe vực hiểm trở ấy lại là thành lũy ngăn bước quân giặc. Những hang động lớn là nơi ẩn nấp, ém quân, cũng là nơi cất giấu lương thực, vũ khí an Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 10/2012 72toàn của bà con các dân tộc mỗi khi có giặc bên ngoài xâm lấn. Vị trí đắc địa ấy đã được phát huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc sau này. Vào thế kỷ X, cương vực châu Vị Long ít nhất gồm ba huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên và Na Hang của tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Tuyên Quang nằm ở trung tâm của lưu vực sông Lô, sông Gâm chảy qua tỉnh theo hướng bắc - nam và nhập vào sông Lô ở phía tây bắc huyện Yên Sơn chỗ giáp ranh giữa ba xã Phúc Ninh, Thắng Quân và Tân Long. Tuyên Quang có diện tích 5.868 km², 1 thành phố và 6 huyện là Chiêm Hóa, Hàm Yên, Lâm Bình, Nà Hang, Sơn Dương và Yên Sơn. Trong đó ba huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Nà Hang vốn là đất của châu Vị Long thời Lý. Huyện Chiêm Hóa có diện tích 1.455 km2, Hàm Yên có diện tích 907 km2, Nà Hang có diện tích 1.461 km2. Như vậy, ba huyện này có tổng diện tích 3.823 km2 chiếm hơn 65% diện tích toàn tỉnh. Trong thời kì phong kiến, trải qua các triều đại từ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Tuyên Quang là một vùng đất rộng lớn và đến thế kỷ XIX, cương vực của Tuyên Quang được sách Đại Nam nhất thống chí, viết như sau: “Đông tây cách nhau 251 dặm, nam bắc cách nhau 384 dặm; phía đông đến biên giới châu Bạch-thông tỉnh Thái-nguyên 103 dặm, phía tây đến địa giới huyện Trấn-yên và châu Thủy-vĩ tỉnh Hưng-hóa 148 dặm, phía nam đến địa giới các tỉnh Hùng-quan và Sơn-dương tỉnh Sơn-tây 37 dặm, phía bắc đến địa giới phủ Khai-hóa tỉnh Vân-nam nước Thanh 347 dặm, phía đông-nam đến địa giới tỉnh Thái-nguyên 74 dặm, phía tây-nam đến địa giới tỉnh Hưng-hóa 74 dặm, phía đông-bắc đến địa giới nước Thanh 222 dặm, phía tây-bắc đến địa giới tỉnh Hưng-hóa và địa giới nước Thanh 229 dặm; từ tỉnh lị đi về phía nam đến Kinh thành 1.399 dặm”3. Trong bài kí “Tuyên Quang phong thổ kí”, Nguyễn Văn Bân đã nhìn nhận: “Tuyên Quang nằm về phía bắc miền thượng du, có hình thế rồng cuộn hổ ngồi, giữ chắc nơi biên ải, làm cho thế nước vững bền, khiến cho đất đẹp một phương được nối tiếp tiếng hay từ vạn cổ”4. Theo Đại Nam nhất thống chí, Tuyên Quang trước thế kỷ XX “Mặt ngoài khống chế tỉnh Vân-nam, mặt trong liền Cao-bằng và Thái-nguyên, phía đông suốt đến Sơn-tây và Hưng- hóa, đều là miền thượng du xứ Bắc kì, đấy là phên giậu của trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu”5. Với cương vực đó, từ xưa Tuyên Quang (nói chung) và Vị Long (nói riêng) có vị trí địa - chính trị rất quan trọng, được coi “là chỗ biên thùy xa hơn nhiều”. Như vậy, rõ ràng đây là một vùng đất trọng yếu của đất nước, có vai trò quan trọng về chính trị - ngoại giao và quân sự. Vùng đất Tuyên Quang trong suốt thời kì phong kiến được coi là phên giậu của quốc gia, là bức tường thành để bảo vệ cho kinh thành trước thế lực phong kiến phương Bắc và Vị Long chính là “lõi” của vị trí địa-chính trị quan trọng này. 2. Vị thế chính trị - kinh tế. Về đơn vị “châu” ở nước ta có từ thời thuộc Tùy. Thời gian tồn tại của nhà Tùy không dài, chỉ khoảng 37 năm, tính từ năm 581 cho đến năm 618. Nhà Tùy tiến hành chia lại các quận, huyện, lúc đầu quyết định bỏ đơn vị hành chính cấp quận, đặt cấp châu. Vị trí địa - chính trị của châu Vị Long 73 Nhưng chỉ ít năm sau, vào năm 607 dưới đời Tùy Dưỡng Đế, nhà Tùy lại bỏ đơn vị hành chính cấp châu và lập lại cấp quận. Năm 679, Đường Cao Tông chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, trong đó có Thang Châu ở miền đất Tuyên Quang. Năm 905, Khúc Hạo nắm quyền cai quản đất nước. Thực hiện quyền tự chủ, ông đã cho chia lại các khu vực hành chính, thay toàn bộ các châu, huyện do nhà Đường cắt đặt trước đây thành những đơn vị hành chính mới, gồm có: Lộ, Phủ, Châu và Xã6. Năm 1002, Vua Lê Đại Hành tiến hành sữa đổi các đơn vị hành chính trong cả nước "đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu"7. Nhưng tên các lộ, phủ, châu và phạm vi của từng đơn vị hành chính này ra sao thì không thấy sử sách ghi rõ. Khi khảo cứu về địa danh của đất nước qua các đời, Đào Duy Anh nhận xét "nhà Lê đổi mười đạo làm lộ, phủ, châu. Hiện nay không rõ danh hiệu và vị trí các lộ, phủ, châu ấy như thế nào"8. Lần theo những điều ghi chép ít ỏi trong các sách như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Lịch Triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình địa dư chí... có nhắc đến các đạo, lộ, phủ, châu... thời Tiền Lê, trong đó có huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang ngày nay gọi là Châu Vị Long9... và danh xưng đó có lẽ tồn tại trong các triều Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hồ. Đầu thế kỷ XV, khi thuộc Minh, châu Vị Long mới đổi thành châu Đại Man. Từ đó đến năm 1831, mới đổi thành châu Chiêm Hoá (nay là huyện Chiêm Hoá) và đến năm 1943 lại chia thành 2 huyện là Chiêm Hóa và Nà Hang10. Đến nay, chúng ta chưa thể biết rõ cương vực, quy mô tổ chức bộ máy chính quyền các cấp hành chính thời đó ra sao. Nhưng dù sao, vào thời Tiền Lê, bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương đã bắt đầu được xác lập, thể hiện chức năng quản lý của chính quyền nhà nước ở trung ương đối với chính quyền cấp địa phương là lộ, phủ, châu, chứng tỏ sự nỗ lực của nhà Tiền Lê trong việc xây dựng nền hành chính mới để tăng cường sự quản lý đất nước và uy quyền của nhà nước quân chủ. Đến thời Lý, năm 1010, Lý Thái Tổ đã đổi 10 đạo thời Đinh, Lê thành 24 lộ, song các nhà nghiên cứu mới xác định được danh hiệu và vị trí của khoảng 20 lộ (xem Đào Duy Anh - Đất nước Việt Nam qua các đời). Các lộ ở trung châu cũng gọi là phủ. Những địa phương miền núi thì chia thành châu. Tại các châu thuộc miền núi thì các tù trưởng được làm Châu mục thế tập. Thời Lý, quan lại đứng đầu cấp phủ, lộ thời kỳ này là Tri phủ, Phán phủ11. Đứng đầu cấp châu là Tri châu, có những châu ở xa (biên giới) nhà Lý đều đặt chức Quan mục, th-ường dùng những hào trưởng (hay tù trưởng - TG) tại địa phương để giữ những chức đó12. Đối với những miền biên viễn xa triều đình, một mặt nhà Lý đã dùng chính sách “Ki mi” để ràng buộc và một mặt dùng các tù trưởng người địa phương theo chế độ thế tập để cai quản. Vào thời kỳ này, ở châu Qui Hoá và châu Đăng có họ Lê, ở châu Lạng có họ Thân, ở châu Vị Long có họ Hà, ở châu Phú Lương có họ Dương, châu Quảng Nguyên có họ Nùng v.v.. Chính sách của nhà Lý là cho phép họ thực sự được quản lý vùng đất của mình theo chế độ thế tập, nhưng phải thần phục triều đình và phải giữ chế độ cống phú đều đặn. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 10/2012 74 Tuy vậy, những người đứng đầu các châu này luôn “nổi dậy” chống lại triều đình. Trên thực tế, về mặt quản lý hành chính thì chính quyền địa phương ở các châu xa miền biên viễn vẫn thuộc quyền tự quản hay tự trị của các tù trưởng hoặc châu mục. Vì vậy, đôi khi do sự bất bình nào đấy, tù trưởng các địa phương đã nổi dậy chống lại triều đình, thành xu hướng cát cứ hoặc tách ra thành lập vương quốc riêng. Dưới thời Lý, mỗi khi có tù trưởng địa phương nổi dậy, ảnh hưởng đến sự an bình của cộng đồng dân tộc, buộc triều đình phải dùng đến biện pháp bình định hoặc đánh dẹp khi cần thiết. Vào đầu triều Lý, trong vòng 50 năm đầu, tương ứng với hai đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), đã có khá nhiều cuộc nổi dậy mà biên niên sử thường ghi là những cuộc làm phản. Trước những cuộc “làm phản” này, các vua Lý thường phải thân chinh đi hoặc cử quần thần đi đánh. Dưới triều vua Lý Thái Tổ, trong vòng 18 năm biên niên sử ghi lại 10 vụ nổi dậy vào các năm 1011, 1012, 1013,1014, 1015, 1022, 1024, 1026, 1027, 102813. Trong số 10 vụ chỉ có 2 vụ là ở châu Hoan, châu Ái, còn lại đều xảy ra ở vùng núi phía bắc và đông bắc như ở các châu Vị Long, Đô Kim, Thường Tân (Tuyên Quang), Bình Dương (Hà Giang), Thất Nguyên (Thất Khê, Lạng Sơn)... Sang thời Lý Thái Tông, tính trong 26 năm, đã có tới 16 lần có các vụ nổi loạn và dẹp loạn vào những năm 1029, 1036, 1037, 1038, 1041, 1042, 1044, 1048, 1050, 1052, 105314. Trong số 16 vụ nổi loạn và dẹp loạn này thì cũng chỉ có 2 cuộc nổi dậy ở châu Hoan và châu Ái, còn đại bộ phận vẫn là các cuộc nổi dậy của những tộc người ở vùng biên giới phía bắc. Ở khu vực châu Vị Long, năm 1013, tù trưởng là Hà Trắc Tuấn châu Vị Long nổi dậy. Lý Thái Tổ phải thân chinh đi đánh. Hà Trắc Tuấn bị thất bại, phải bỏ trốn vào rừng núi. Đến năm 1015, Hà Trắc Tuấn lại nổi dậy. Vua Lý sai Dực Thánh vương và Vũ Đức vương đem quân đàn áp và khi bắt được Hà Trắc Tuấn cuộc nổi dậy mới chấm dứt. Để góp phần vào việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, bảo vệ quốc gia thống nhất vừa giành được, nhà Lý đã có nhiều biện pháp cũng như chính sách khá là mềm mỏng để thắt tình đoàn kết giữa các dân tộc sống trong ngôi nhà chung của quốc gia Đại Việt. Để tranh thủ tầng lớp thống trị miền núi, các vua nhà Lý đã dùng quan hệ hôn nhân ràng buộc những châu mục và tù trưởng có thế lực. Vua Lý Thái Tổ gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (thuộc vùng Bắc Giang và Nam Lạng Sơn bây giờ) là Giáp Thừa Quý. Sau Thừa Quí đổi họ Giáp ra họ Thân. Con trai của Thừa Quý là Thân Thiệu Thái được tiếp nối làm Châu mục Lạng Châu. Đến thời Lý Thái Tông, Thân Thiệu Thái lại được nhà vua gả Công chúa Bình Dương cho vào năm 102915. Cháu của Thân Thừa Quý, tức con trai của Thân Thiệu Thái và công chúa Bình Dương là Thân Đạo Nguyên, năm 1066 lại được kết hôn với công chúa Thiên Thành16. Năm 1036, vua Lý Thái Tông gả hai công chúa cho hai châu mục người Mường là công chúa Kim Thành17 cho Châu mục Châu Phong (vùng Phú Thọ và Sơn Tây xưa) là Lê Tông Thuận18 và công chúa Trường Ninh cho Châu mục châu Thượng Oai (vùng Hoà Bình) là Hà Thiện Lãm19. Không chỉ gả con cho các châu mục để ràng buộc mà Lý Thái Tông còn lấy con Vị trí địa - chính trị của châu Vị Long 75 gái của Đào Đại Di ở châu Chân Đăng (vùng Hưng Hoá) làm phi cho mình. Và vua Lý Thánh Tông còn đem con gái nuôi là công chúa Ngọc Kiều (con gái của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung) gả cho châu mục châu Chân Đăng họ Lê. Theo văn bia “Bảo Ninh sùng phúc tự”: “Ông nội của Thái phó được cưới con gái thứ 3 của Lý Thái Tổ Hoàng làm phu nhân”20. Nếu sự ghi chép trong văn bia trên là chính xác thì góp phần khẳng định một trong những chính sách chiến lược “nhu viễn” của nhà Lý do Lý Thái Tổ thực hiện là “dùng quan hệ hôn nhân” để lôi kéo và ràng buộc các thế lực vùng (nhất là vùng biên viễn) trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt. Sử liệu cho biết Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010 và mất năm 1028. Như vậy, trước khi qua đời năm 1028, Lý Thái Tổ đã gả 2 con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu là Thân Thừa Quý và “Ông nội của Thái phó châu Vị Long”. Việc gả công chúa cho các châu mục vẫn còn được tiếp tục vào các đời vua sau đó, nhưng ít có dòng họ nào ở nước ta thời bấy giờ như họ Thân ở Lạng Châu và họ Hà ở Châu Vị Long được các Vua Lý dùng quan hệ “hôn nhân” để gắn kết nhằm mục đích xây dựng và phát triển đất nước. Sau những đóng góp của dòng họ Hà cai quản châu Vị Long trong việc xây dựng và phát triển vùng đất này và thể hiện rõ nhất trong cuộc tham gia cuộc tấn công tự vệ vào đất châu Ung nhà Tống năm 1074, năm 1082, vua Lý Nhân Tông đã gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long (thuộc vùng Chiêm Hoá Tuyên Quang ngày nay) là Hà Di Khánh21. Qua đó, phần nào đã nói lên thế và lực cũng như vai trò và vị trí uy tín của dòng họ này đối với quốc gia Đại Việt ở thế kỷ X. Với chính sách mềm mỏng và khôn khéo trên đây của các vua nhà Lý, đã đưa đến kết quả là phần nhiều các bộ lạc miền núi đã qui phục triều đình. Nhiều thủ lĩnh, nhiều tù trưởng đã theo về với triều đình và trở thành chân tay đắc lực của chính quyền trung ương, như họ Thân ở Lạng Châu, họ Hà ở Vị Long v.v.. Đồng bào các dân tộc ở các châu “miền biên viễn” tuy ít người, nhưng thực sự đã cùng với nhà Lý góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng quốc gia Đại Việt vững mạnh. Sử liệu còn cho biết, châu Vị Long còn là một tụ điểm thương mại lớn. Vào thế kỷ X, khi thương nhân nước ngoài đến vùng này buôn bán sai qui định đã bị Nhà nước cho thu giữ hàng hoá. Sử ghi, vào năm Nhâm Tý (1012) “người Man (Nam Chiếu) sang quá cột đồng, đến bến Kim Hoa và châu Vị Long (thuộc Chiêm Hoá, Hà Giang) để buôn bán. Vua sai người bắt được người Man và hơn 1 vạn con ngựa”22. Như vậy, châu Vị Long thời kỳ này không chỉ là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng của Đại Việt, có các thế lực “tù trưởng” hay “thủ lĩnh vùng” có tiềm lực kinh tế và chính trị mà điển hình là dòng họ Hà đang cai quản đất này mà ở đó còn là một trung tâm trao đổi hàng hóa. Chính vì có vị trí địa - chính trị quan trọng, nên từ thời Lý châu Vị Long (thế kỷ X) đến ngày nay, huyện Chiêm Hóa luôn là vùng đất in đậm những dấu ấn lớn lao của lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), tháng 2 năm 1951, thôn Phú An, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa được chọn là nơi tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II từ ngày 11 đến 19 Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 10/2012 76 tháng 2 năm 1951. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và tiếp khách trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đó là mốc son khẳng định vị trí chiến lược quan trọng của vùng đất này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ châu Vị Long thế kỷ X đến huyện Chiêm Hóa ngày nay, cương vực có thể đổi thay, nhưng vị trí địa – chính trị của vùng đất này đối với tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nguyên những giá trị bền vững trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của thời kỳ đổi mới và hội nhập. ________________ Chú thích 1. Phan Huy Chú, 1997. Hoàng Việt địa dư chí, Nxb. Thuận Hóa, Thành phố Thừa Thiên - Huế, tr. 124. 2. Tuyên hành kí trình. Tư liệu Viện Sử học. 3. Đại Nam nhất thống chí, 1971. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 317. 4. Nguyễn Văn Bân, Tuyên Quang phong thổ kí, Tư liệu Viện Sử học. 5. Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr. 324. 6. Khâm định việt sử thông giám cương mục, 1998. Tiền biên, q.5, T.I., Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, tr. 213. 7. Đại Việt Sử ký toàn thư, 1983. Tập I, Bản dịch Nxb. Khoa học xã hội, tr. 178. 8. Đào Duy Anh, 1994. Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 115. 9. Xem thêm: Vũ Văn Quân, Nước Đại Cồ Việt thời Tiền Lê. Tham luận hội thảo khoa học "Lê Hoàn và bối cảnh định đô Thăng Long" do Hội Sử học Hà Nội tổ chức năm 2007. 10. Trước năm 1976, Chiêm Hóa thuộc tỉnh Tuyên Quang, năm 1976, Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành Hà Tuyên, Chiêm Hoá thuộc tỉnh Hà Tuyên. Năm1991, tỉnh Hà Giang tách khỏi Hà Tuyên, Chiêm Hóa trở thành huyện của tỉnh Tuyên Quang gồm 28 xã và 01 thị trấn. 11. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Quan chức chí, Tập II, Sđd, tr.7 và 30. 12. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Quan chức chí, Tập II, Sđd, tr.7 và 31. 13. Toàn thư, bản kỷ, Quyển II, Tập I, Sđd, tr. 243- 257. 14. Toàn thư, bản kỷ, Tập I, Sđd, tr. 259- 280. 15. Toàn thư, bản kỷ, Tập I, Sđd, tr. 259. 16. Việt Sử lược, Sđd, tr. 101. 17. Việt sử lược chép là công chúa Khánh Thành (tr. 81, Sđd ). 18. Toàn thư, bản kỷ, Tập I, Sđd, tr. 265. 19. Toàn thư, bản kỷ, Tập I, Sđd, tr. 265. 20. Xem thêm: Đinh Khắc Thuân “Văn bản và giá trị sử liệu văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc, tỉnh Tuyên Quang”. Bia này đang hiện diện tại thôn Làng Tạc, xã An Nguyên, huyện Chiêm Hóa và Nguyễn Minh Tường “Về sự nghiệp của Thái phó Hà Di Khánh vị Phò mã, em vua Lý Nhân Tông”, tham luận trong “Hội Thảo khoa học về các danh nhân họ Hà châu Vị Long - Tuyên Quang và giá trị tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự”, tổ chức tại Thành phố Tuyên Quang, tháng 8/2012. Còn trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” không thấy ghi Vua Lý Thái Tổ gả công chúa chỉ ghi sự việc này từ đời vua Lý Thái Tông. Theo tôi Ông nội của Thái phó tức là ông nội của Hà Di Khánh. 21. Toàn thư, bản kỷ, Tập I, Sđd, tr. 294; Việt sử lược, Sđd, tr. 114. 22. Toàn thư, bản kỷ, Quyển II, Tập I, Sđd, tr. 245. Vị trí địa - chính trị của châu Vị Long 77

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf32086_107577_1_pb_0856_2012864.pdf
Tài liệu liên quan