Vẻ đẹp của ngôn ngữ tục ngữ trong việc phản ánh nét văn hóa nông nghiệp Việt Nam

The beauty proverbial language expressed in reflecting the beauty of agricultura culture. The pace of life has a great inf luence on proverbial language. The beauty proverbial language is expressed in rhimes, cadence the symmetry of language, images, mode of even and uneven tone as well as in diect and indirect reflection. It’ll also become the beginning of rhime, cadence and reflection in poetry in the future.

pdf6 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 484 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vẻ đẹp của ngôn ngữ tục ngữ trong việc phản ánh nét văn hóa nông nghiệp Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
51(3): 28 - 33 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 VẺ ĐẸP CỦA NGÔN NGỮ TỤC NGỮ TRONG VIỆC PHẢN ÁNH NÉT VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Ngô Thị Thanh Quý (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên) Trong điều kiện phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và các phương tiện thông tin đại chúng, kho tàng tục ngữ cổ truyền vẫn luôn có sức sống độc lập. Nó gắn liền với khẩu ngữ, xâm nhập vào văn học thành văn, hiện hình trên những trang sách, trang báo, vận động trong các loại hình văn học dân gian và phát huy tác dụng mạnh mẽ trong lời ăn tiếng nói quần chúng. Có lẽ vì thế mà tục ngữ đã được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong những năm qua. Nghiên cứu về ngôn ngữ, cấu trúc và thi pháp tục ngữ cũng đã có nhiều tác giả đề cập như: Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Thái Hòa, Phan Thị Đào Nhưng xem xét vẻ đẹp của ngôn ngữ tục ngữ để thấy được nét văn hóa nông nghiệp Việt Nam là một tầng vỉa mới cần được khai thác. Qua sự nghiên cứu, chúng ta có thể tìm thấy sự chi phối, sự hiện diện của văn hóa nông nghiệp trong tục ngữ. Từ đó cũng thấy được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ tục ngữ được ứng dụng trong đời sống, được nhân dân sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Ngôn ngữ trong tục ngữ xưa nay được xem như ngôn ngữ nghệ thuật có tính chất cổ điển biểu đạt tri thức cuộc sống của người bình dân. Ở một góc độ nào đó tính chất nông nghiệp, tư duy nông nghiệp đều có sự chi phối đến ngôn ngữ của thể loại tục ngữ. Ở đâu có tục ngữ là ở đó có kinh nghiệm cuộc sống, ngôn ngữ trong tục ngữ đã phản ánh một cách cô đọng nhất những tri thức, ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội. Tục ngữ không chỉ phản ánh, đúc kết những kinh nghiệp được nhìn thấy, nghe thấy từ các giác quan bên ngoài, mà cơ bản khi nói tục ngữ, khi dùng tục ngữ là người ta muốn nói tới chiều sâu của ý nghĩa, của sự dồn nén, chất chứa suy nghĩ ở bên trong cái vỏ ngôn từ của tục ngữ. “Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử, xã hội của nhân dân” [5]. Tục ngữ phản ánh cái gì - điều đó thuộc về phương diện nội dung! Tục ngữ phản ánh bằng cách nào là thuộc về hình thức biểu đạt. Các thể loại văn học truyền thống khác chỉ phản ánh một mảng nào đó của cuộc sống con người, ví dụ: ở thể loại thần thoại chủ yếu phản ánh nhận thức và lí giải các hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng tới cuộc sống con người; Thể loại truyền thuyết hướng về các quan hệ cộng đồng, nguồn gốc dân tộc, đánh giá các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử; Thể loại cổ tích hướng về những vấn đề nhân sinh, những quan hệ đời thường. So với các thể loại nói trên thì sự phản ánh tri thức trong tục ngữ về văn hóa nông nghiệp rất phong phú, không hạn hẹp trong một phạm vi nào của cuộc sống. Ở một số thể loại văn học dân gian, đối tượng phản ánh chỉ có giới hạn nhất định thì đề tài phản ánh của tục ngữ về văn hóa nông nghiệp lại khá rộng. Cả một khối lượng lớn kiến thức được nén chặt trong những tác phẩm rất ngắn. Tục ngữ giống như một cái túi nhỏ mà sự bao chứa của nó thật diệu kỳ. Nó “Ép chặt từng từ như xiết ngón tay thành quả đấm () dè sẻn từng tiếng làm cho lời nói cô đọng, giàu ý nghĩa” [3]. Đây cũng là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tục ngữ. Lời ít mà ý nhiều. Tục ngữ phản ánh được nội dung ngoài chữ nghĩa, lời nén chặt mà nghĩa rộng mở. Điều đó hợp với quy luật tồn tại khách quan của tục ngữ trong nghệ thuật truyền khẩu. Tục ngữ trở thành một hình thức thanh lọc trong sáng tạo nghệ thuật của quần chúng nhân dân qua yếu tố tỉnh lược. Thể loại tục ngữ không làm loãng 51(3): 28 - 33 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 nội dung trong những ngôn từ thừa thãi. Tục ngữ đã cô đặc những tri thức về tự nhiên, xã hội một cách tối đa. “Tục ngữ có bao nhiêu là nghĩa, bao nhiêu là hiện tượng phong phú và tất cả bao nhiêu thứ đó được trồng trên một diện tích ngôn ngữ nhỏ hẹp làm sao” [3]. Để phản ánh tri thức về một lĩnh vực nào đó của cuộc sống nông nghiệp thì tục ngữ thường biểu đạt bằng hai vế (tất nhiên, cũng có kết cấu một vế như kiểu: “Lạt mềm buộc chặt”, “Quạ nào quạ chẳng đen đầu”, “Không ai nắm tay thâu ngày đến tối”). Hai vế đó có quan hệ với nhau hoặc là tương đồng: “Mống đông vồng tây, không mưa dây cũng bão giật”, “Chớp thừng, chớp chão, chẳng bão thì mưa”, “Tấc đất, tấc vàng”, “Đất có lề, quê có thói”, hoặc là tương phản: “Có mới, nới cũ”, “Được lòng ta, xót xa lòng người”, “Được mùa cau, đau mùa lúa”, cũng có khi là quan hệ điều kiện nhân quả: “Muốn ăn cá phải thả câu”, “Gieo gió gặt bão”, “Có đứt tay mới hay thuốc”, hoặc là quan hệ so sánh: “Nhà không móng như bóng không người”, “Cơm không rau như đau không thuốc”, “Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con”; hoặc quan hệ liệt kê, phát triển: “Nhất con, nhì cháu, thứ sáu người dưng”, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” Trong giao tiếp lao động hàng ngày, để người đối thoại hiểu nhanh ý mình, người nghệ sĩ bình dân chọn ngay những sự vật, hiện tượng, hình ảnh gắn bó với họ trong sinh hoạt hàng ngày để kết cấu nên những vế câu. Những hình ảnh trong vế câu thường rất cụ thể, phù hợp với bản tính của người nông dân: mộc mạc, chất phác, chân thực, giản dị. Qua hình thức kết cấu hai vế của tục ngữ mà những đúc rút kinh nghiệm về tự nhiên, hoặc xã hội có mối liên hệ gần gũi với nhau. Nhờ vận dụng tư duy hình tượng, tư duy khái quát và tư duy đối chiếu so sánh mà tác giả dân gian đã bao gộp được những hình ảnh cuộc sống tri thức lao động của con người vào một văn bản, một khuôn mẫu thống nhất để làm thành “bài học” sẵn có, dễ “nhập tâm” và dễ “vận dụng”. Để tạo nên những kết cấu có tính chất phân tách, làm nổi bật quan hệ lập luận – lôgíc giữa các vế trong câu tục ngữ, người ta không thể không nói đến vần và nhịp. Vần là chất thơ của tục ngữ, là một trong những hình thức nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn của tục ngữ. Khi có vần sẽ giúp câu tục ngữ trở nên mượt mà, xuôi tai hơn. Vần trở thành hình thức biểu đạt của nội dung câu tục ngữ. Phổ biến trong tục ngữ là vần liền và vần cách. Vần liền bao gồm những câu tục ngữ có các khuôn vần được láy lại ở vị trí giữa câu, giữa chúng không có âm tiết trung gian, điều đó khá phổ biến trong tục ngữ: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”, “Đẹp vàng son, ngon mật mỡ”, “Của một đồng, công một nén”,” Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, “Khéo vá vai, tài vá nách”... Điều thú vị là trong tục ngữ có những câu láy vần liên tiếp: “Đầu chép, mép trôi, môi mè”, “Đói ăn sung, cùng ăn ngái, dại ăn khế”, “Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi” Diễn đạt trong tục ngữ còn rất phổ biến với vần cách. Vần cách được hiểu giữa hai khuôn vần có ít nhất một âm tiết ngăn cách. Tùy theo số lượng âm tiết trung gian ngăn cách giữa hai khuôn vần mà loại vần này được chia thành các loại như vần cách một âm tiết, vần cách hai âm tiết, vần cách ba âm tiết, bốn âm tiết: “Chị em dâu nói trâu thành bò”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Đàn ông cười hoa, đàn bà cười nụ”, “Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”, “Người đi không bực bằng người chực mâm cơm”, “Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh”, “Nhất ngon là đầu cá gáy, nhất thơm là cháy cơm nếp”, “Tháng tám tre non làm nhà, tháng năm tre già làm lạt” Nếu vần liền, vần cách của tục ngữ thường tạo ra những câu nói dễ nhớ, dễ 51(3): 28 - 33 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 truyền thì nhịp điệu trong tục ngữ sẽ tạo ra một âm hưởng vừa giàu chất thơ, lại vừa dồi dào tính nhạc. Nhịp của những câu tục ngữ như âm vang nhịp điệu chậm rãi đều đều của cuộc sống nông nghiệp. Sự luân phiên của mùa vụ xuân qua hạ tới, sự tuần tự của thời gian (cày, bừa, cấy, hái), sự nhịp nhàng của công việc (cấy gặt, tát nước gầu đôi, gầu sòng, nhịp giã gạo) đã tạo nên những kết cấu đối xứng hài hòa trong câu. Đó có thể là sự đối xứng về từ loại: động từ - danh từ, danh từ - động từ hoặc danh từ - danh từ, ví dụ như: “Ăn Bắc, mặc Kinh”, “Liệu cơm, gắp mắm”, “Trông mặt đặt tên”, “Miệng ăn núi lở”, “Chó treo, mèo đậy”, “Chị ngã em nâng”, “Văn mình, vợ người”, “Tấc đất, tấc vàng”, “Lời nói, đọi máu” Bên cạnh sự đối xứng về từ loại còn là sự đối xứng về ngữ nghĩa, về thanh bằng trắc: “Còn ăn, hết nhịn”, “Khôn nhà, dại chợ” “Học tài, thi phận”, “Lời nói gói vàng”, “Ôn cũ, biết mới”, “Khôn sống, mống chết”, “Khỏi vòng cong đuôi” Có thể nói những hoạt động trong công việc của cuộc sống nhà nông phần nào đã tạo nên vần, nhịp của tục ngữ và đó cũng là những khởi đầu của vần nhịp trong thơ. Xuất phát từ chính cuộc sống lao động của nhân dân, đối tượng phản ánh của tục ngữ bao gồm: những ứng xử tự nhiên và ứng xử xã hội trong nền văn hóa nông nghiệp. Khi muốn trao truyền kinh nghiệm tri thức cho đời sau về tự nhiên (về thời tiết khí hậu), về sản xuất nông nghiệp và về một số ngành nghề phổ biến - các tác giả dân gian thường dùng cách phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp. Cách phản ánh trực tiếp thường tạo ra cách nói cụ thể ví dụ như: “Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa”, “Cóc nghiến răng đang nắng thì mưa”, “Cu cu tắm thì ráo, trảo trảo tắm thì mưa” Khi muốn nói về kinh nghiệm làm ruộng, hay chăn nuôi ông cha ta đã quan sát nhiều lần để rồi khái quát thành “cẩm nang” của nhà nông, ví dụ như:“Cày ải hơn rải phân”, “Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, “Chó liền da, gà liền xương”, “Bán gà kiêng trời gió, bán chó kiêng trời mưa”, “Chim hoa, gà cú chớ nuôi”, “Tằm đỏ cổ thì vỗ dâu vào” Trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, có nhiều câu tục ngữ như: “Cau hoa, gà giò”, “Mua cá thì phải xem mang, mua bầu xem cuống mới toan không nhầm”, “Chè trên, cháo dưới”, “Ăn cơm bỏ thóc, ăn cóc bỏ gan” Trong lĩnh vực dự báo thời tiết cũng có những câu tục ngữ ẩn chứa một sự quan sát tinh tế và đầy kinh nghiệm nên phản ánh rất chính xác như: “Kiến bò từ dưới lên trên, mang theo cơm gạo gây nên mưa rào”, “Cò ăn ruộng sâu thì nắng, cò ăn ruộng cạn thì mưa”,“Kiến dọn tổ thì trời mưa”, “Kiến cánh vỡ tổ bay ra, bão táp mưa sa tới gần”, “Kiến đen tha trứng lên cao, thế nào cũng có mưa rào rất to”,“Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa”, “Sầm đông, sáng bắc, tía tây, chó đen ăn cỏ, trời này thì mưa”, “Thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa” Những câu tục ngữ giới thiệu về con người, nghề nghiệp, sản vật, lễ hội các vùng, miền, địa phương khác nhau cũng đều dùng cách phản ánh trực tiếp, và thường gắn với tên địa danh: “Ổi Định Công, nhãn lồng Thanh Liệt (Hà Nội)”, “Bưởi Đoan Hùng, cam Bố Hạ (Bắc Giang)”, “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”, “Ngỗng Phong Hòa, gà Cam Giá, cá Liên Thành (Ninh Bình), nem xứ Huế, quế xứ Thanh”, “Biên Hòa có bưởi Thanh Trà, Thủ Đức nem nướng, điện bà Tây Ninh”, “Trống chè, mõ Then, kèn Táo, cháo Dương, tương Sủi, củi Đằng, vàng Keo, bèo Trỗ” Lối phản ánh trực tiếp cho ta thấy tác giả dân gian luôn tìm một cách nói mới mẻ, cùng một sự vật hiện tượng, mỗi lần được đặt cạnh một đối tượng so sánh mới là một lần chúng 51(3): 28 - 33 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 được phát hiện thêm một thuộc tính mới. Nhiều hình ảnh quan sát trực tiếp đã tạo ra cách nói táo bạo, bất ngờ mà rất hợp lý gây thú vị cho người nghe. Từ sự quan sát trực tiếp những hiện tượng cụ thể, tác giả dân gian đã khái quát thành những phán đoán kinh nghiệm trong việc trồng cấy hoặc trong việc chăn nuôi. Với cách nói cụ thể, sinh động và gợi cảm ấy, người bình dân đã tạo ra tính hình tượng trong tục ngữ. Cách phản ánh trực tiếp này rất phù hợp với việc truyền bá kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, trong cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên của dân gian. Trong tục ngữ, bên cạnh cách phản ánh trực tiếp là cách phản ánh gián tiếp, cũng qua sự quan sát cụ thể từ những hiện tượng xảy ra trong đời sống mà tác giả dân gian đã gửi gắm vào đó những ý tưởng, nhằm một mục đích phản ánh những chiêm nghiệm, chân lý được rút ra từ thực tiễn cuộc sống. Từ một hình tượng cụ thể, người ta có thể liên tưởng tới những vấn đề khác sâu xa của cuộc sống, ví dụ: “Sảy đàn tan nghé”, “Rau nào sâu ấy”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Có sừng thì đừng có nanh”, “Cá lớn nuốt cá bé”, “Cá mè đè cá chép”, “Cá mè một lứa”, “Yếu trâu còn hơn khỏe bò” Tục ngữ lúc này đã đảm nhận chức năng hàm ẩn của nó. Cái sắc sảo, cái thông minh của người bình dân đã được thể hiện trong cách nói gián tiếp ấy, khiến cho tục ngữ có sức mạnh như một mũi tên vượt ra khỏi nó - như chính nhà thơ R.Gamatôp đã nhận xét: “Kẻ ngu làm người khác kinh ngạc bằng tiếng gào, người thông minh làm người khác kinh ngạc bằng câu tục ngữ dẫn ra đúng chỗ” [2]. Từ sự quan sát trực tiếp vẻ bề ngoài của sự vật và hiện tượng cụ thể tác giả dân gian đã khái quát lên bản chất chung của nhiều sự vật, sự việc. Từ những hiện tượng bề ngoài mang tính cá thể cá biệt, tục ngữ đã khái quát nên thành quy luật. Trong cách nói gián tiếp, mọi tín hiệu đều được ẩn dụ hóa nên những hiện tượng trong lời nói đã vượt xa hình ảnh, tín hiệu ngôn ngữ bình thường quy định. Nó xuất hiện trong liên tưởng ngụ ý, với một hoàn cảnh cụ thể trong giao tiếp. Trong tục ngữ về văn hóa nông nghiệp, những tín hiệu được mã hóa thường là: hoàn cảnh tự nhiên (Núi, sông, nắng, mưa, gió, trăng,), các loài vật (Trâu, bò, lợn, gà, dê, chó, mèo, chuột, chim cò, nhạn, cá, ốc, cóc, ếch,), các đồ vật (Bát, đĩa, mâm, chén, cày bừa, gầu dai, gầu sòng), các loại nguyên liệu (Gỗ, tre, nứa, vàng, bạc, đồng), hay các loài thực vật (Cỏ, lúa, dâu, rơm, hoa, tre, sung, vả, cam, quýt, bòng bưởi, hồng). Thực ra, đó chính là những tín hiệu trong đời sống nông nghiệp của nhân dân Việt Nam. Tư duy nông nghiệp, nhãn quan nông nghiệp chi phối cách nhìn nhận thế giới khách quan một cách sống động bằng những tín hiệu vốn có trong đời sống nông nghiệp của nông thôn Việt Nam. Chính điều đó khiến cho tục ngữ mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Cách phản ánh gián tiếp của tục ngữ là quá trình tạo ra nghĩa bóng. Với những câu có nghĩa bóng, người ta có thể có những cách hiểu khác nhau, tùy vào ngữ cảnh sử dụng. Cách phản ánh gián tiếp của tục ngữ đã bộc lộ rất rõ cách nghĩ của dân gian. Điểm khởi đầu của câu tục ngữ chỉ là miêu tả một hiện tượng cụ thể bên ngoài, nhưng khi liên hệ câu tục ngữ ấy với những hiện tượng khác có cùng bản chất người ta có được nghĩa khái quát. Viết về sự sáng tạo đó của tục ngữ, tác giả Chu Xuân Diên đã khẳng định: “Tri thức của nhân dân trong tục ngữ được đúc kết lại trong các hình thức phán đoán, suy lý - kết luận, trong quá trình nhận thức, phán đoán và suy lý - kết luận luôn mở rộng tri thức” [1]. Cách thức phản ánh tri thức của tục ngữ về văn hóa nông nghiệp chính là từ sự quan 51(3): 28 - 33 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 sát cụ thể để đi tới hình ảnh, từ hình ảnh cụ thể, giản đơn được nâng lên thành hình ảnh có tính khái quát, và từ hình ảnh khái quát mang ý nghĩa đó - tục ngữ được vận dụng vào hiện thực cuộc sống. Con đường sáng tạo tục ngữ đã thể hiện được lối nghĩ của dân gian, lối nghĩ dựa vào kinh nghiệm, nhưng đã có mầm mống của tư duy khoa học, tư duy lý luận. Lối nói, lối nghĩ của người bình dân đã thể hiện rất rõ trong đặc điểm thi pháp tục ngữ. Tục ngữ không chỉ là ý đẹp mà còn là lời hay, tục ngữ có sự hòa đồng của nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau. Tục ngữ vừa mang phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, vừa mang phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và phong cách ngôn ngữ khoa học. Tục ngữ về văn hóa nông nghiệp là công cụ diễn đạt sắc bén tư duy lý luận của người bình dân. Nó được hình thành từ lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nền văn hóa nông nghiệp, xã hội nông nghiệp, tư duy nông nghiệp đã chi phối ngôn ngữ tục ngữ. Những ngôn ngữ thường xuyên xuất hiện trong tục ngữ về đề tài nông nghiệp đều nằm trong trường nghĩa về đồng ruộng, kinh nghiệm canh tác, đất đai, lúa gạo, cày bừa, quan hệ làng xã nông thôn Những “Thông điệp nghệ thuật một câu” có thể được ra đời trong lúc người bình dân lao động vất vả, nhưng cũng có thể là lúc vui chơi hội hè, đình đám. Nó là những hồi ức về nông nghiệp mang tính hình tượng sâu sắc. Tục ngữ về văn hóa nông nghiệp thể hiện rất rõ lối nói có hình tượng và nói bằng hình tượng của nhân dân. Tuy nhiên, hình tượng trong tục ngữ nói chung chưa phải là hình tượng nghệ thuật, hình tượng của cảm xúc thẩm mỹ, đó chỉ là ngôn ngữ mang hình tượng và những hình tượng đó đã góp phần tích cực vào việc phổ biến kinh nghiệm thực hành triết lý thực tiễn: “Sự chuyển hóa nội dung vào hình thức, đạo lý, chân lý vào chữ, vào câu, thông qua một thi pháp phản ánh một kiểu sáng tác theo lề lối của văn học. Ở đây vừa có sự phản ánh vừa có sự sáng tạo vừa có những lời nói cụ thể, vừa có sự gửi gắm và đón mời” [4]. Ngôn ngữ tục ngữ đã trở thành giao điểm thú vị của tư duy trừu tượng và tư duy nghệ thuật. Tục ngữ vừa là cách tổng hợp tri thức nông nghiệp mang tính phán đoán vừa làm cơ sở cho lập luận khoa học, vừa là “Bài thơ ngắn nhất”, vừa là phát ngôn phong phú về nội dung lại vừa là văn bản nhỏ nhất về kết cấu. Khi nói đến tục ngữ là nói đến tri thức khoa học của dân gian. Có một câu tục ngữ hay, chúng ta như có câu niệm chú “Vừng ơi mở cửa” và tục ngữ sẽ dẫn ta đến kho báu trí tuệ của cha ông - để được hiểu, để được cảm và để vận dụng những kinh nghiệm quý báu vào trong cuộc sống. Nếu “Một từ có thể là một bình minh” thì ta có thể tìm ra rất nhiều “bình minh” về tư duy, triết lý trong kho tàng tục ngữ Việt Nam. Vẻ đẹp của ngôn ngữ tục ngữ là một sáng tạo tổng hợp trong rất nhiều những sáng tạo nghệ thuật mà cha ông đã để lại cho muôn thế hệ sau  51(3): 3 - 7 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 33 Summary The beauty proverbial language expressed in reflecting the beauty of agricultura culture. The pace of life has a great inf luence on proverbial language. The beauty proverbial language is expressed in rhimes, cadence the symmetry of language, images, mode of even and uneven tone as well as in diect and indirect reflection. It’ll also become the beginning of rhime, cadence and reflection in poetry in the future. Tài liệu tham khảo [1]. Chu Xuân Diên (2006), Văn hóa dân gian mấy vần đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, Nxb Khoa học Xã hội, tái bản, 2006. [2]. Nguyễn Thái Hòa (1997), Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp, Nxb Khoa học Xã hội. [3]. Bùi Mạnh Nhị, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2003), Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, Tái bản, Nxb Giáo dục, H. [4]. Ngô Đức Thịnh - Fran Proschan (2005), Folklore thế giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, H. [5]. Maxim Goorky (1970), Bàn về văn học, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbrief_1047_9528_7_4211_2053146.pdf
Tài liệu liên quan