Vấn đề đổi mới phương pháp dạy, học và nghiên cứu khoa học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Để hoạt động đào tạo của Nhà trường đạt hiệu quả cần có một số giải pháp cụ thể như: - Ban hành chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ của các chương trình hoàn thiện và công bố cho người học; - Trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, tài liệu đầy đủ cho giảng viên và sinh viên trong hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu; - Có hình thức, tiêu chí đánh giá mới về công tác giảng dạy của giảng viên, đánh giá hoạt động hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên; - Quan tâm đến công tác cố vấn học tập, theo dõi việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên

pdf8 trang | Chia sẻ: thuychi20 | Lượt xem: 981 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề đổi mới phương pháp dạy, học và nghiên cứu khoa học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY, HỌC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà Phòng Quản lý khoa học và Sau đại học - Trường Đại học Văn Hiến 1. Hệ thống đào tạo tín chỉ 1.1 Một số đặc điểm cơ bản Đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên chủ động lựa chọn và tích lũy các học phần (hay môn học) của một chương trình học. Tổng số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy sẽ giúp họ có được một tấm bằng tương ứng với chương trình học như bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hay một bằng cấp chuyên môn nào đó. Hệ thống đào tạo theo tín chỉ có thể được tóm gọn qua những đặc điểm sau: - Giúp sinh viên hình dung và định lượng tất cả các yêu cầu của bản thân trong từng giai đoạn cũng như trong suốt quá trình học tập của mình đối với mỗi chương trình đào tạo; - Tạo điều kiện cho sinh viên chủ động lên kế hoạch và thực hiện lộ trình học tập dựa vào năng lực và điều kiện của mỗi cá nhân, làm chủ thời gian học tập và công việc cũng như có quyền tự tích luỹ kiến thức trong chừng mực cho phép; - Tăng cường tính mềm dẻo và linh hoạt của chương trình học, giúp sinh viên linh động trong việc tích lũy kiến thức và kỹ năng; - Cho phép sinh viên chuyển đổi từ khoá học này sang khoá học khác trong cùng một hệ thống hay khác hệ thống; - Lấy sinh viên (người học) làm trung tâm trong giáo dục đại học, trao quyền tự chủ học tập cho người học 1.2 Các yêu cầu cơ bản khi đào tạo theo hệ thống tín chỉ Đào tạo theo hệ thống tín chỉ phải đáp ứng càng nhiều càng tốt nhu cầu và điều kiện giảng dạy của giảng viên, nhu cầu học tập của sinh viên và cả đội ngũ quản lý hoạt động giáo dục để có một môi trường làm việc chủ động. Để thực hiện có hiệu quả hình thức đào tạo này cần phải có những thay đổi trong công tác đào tạo đối với tất cả các đối tượng liên quan. a. Đối với sinh viên Vì mục tiêu đào tạo hiện nay là tạo sự chủ động cho người học quyết định và theo đuổi việc học tập cá nhân một cách tốt nhất. Do đó sinh viên được rèn luyện các phương pháp học tập hiện đại, các kỹ năng tiên tiến để đạt được mục tiêu học tập mong muốn như quan sát, phân tích, so sánh, phê phán, giải quyết vấn đề Đào tạo theo tín chỉ tạo sự chủ động cho sinh viên, đồng nghĩa với việc sinh viên phải phát huy tốt nhất khả năng tự học và tự nghiên cứu. Vì thế, sinh viên phải làm quen với tinh thần làm việc độc lập tự chủ để có thể phát huy tốt các quyền sau đây: - Quyết định lộ trình học tập: Sinh viên tự lập kế hoạch đào tạo của cá nhân tuỳ theo quỹ thời gian của mỗi người dựa trên khung thời gian đào tạo do nhà trường qui định đối với từng cấp độ đào tạo. Ví dụ một chương trình đào tạo 4 năm sinh viên có thể thực hiện trong 3 năm hoặc 6 năm, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Biện pháp này giúp đa dạng hóa sinh viên đại học, theo tinh thần học tập suốt đời hướng đến sự bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận với giáo dục đại học. - Quyết định nội dung được đào tạo: Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ tạo điều kiện cho người học tự thiết kế chương trình đào tạo cho chính mình. Sinh viên chọn lựa những học phần cảm thấy hứng thú hoặc phù hợp với năng khiếu, sở thích và định hướng nghề nghiệp, những học phần thuộc lĩnh vực quan tâm để rèn luyện những kỹ năng, kiến thức mà thị trường tuyển dụng cần, để xây dựng tương lai nghề nghiệp dựa trên thế mạnh và khả năng của cá nhân. - Quyết định cách thức học tập của từng môn học: Mỗi học phần đều được cung cấp Đề cương chi tiết trong đó đã được cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, kế hoạch học tập, tài liệu tham khảo nhằm giúp sinh viên thuận lợi trong việc đạt mục tiêu. b. Đối với giảng viên Đào tạo theo hệ thống tín chỉ trao quyền tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên bằng cách phân chia thời gian cho sinh viên tự học nhưng không có nghĩa là giảng viên giảm giờ dạy trên lớp một cách máy móc. Để góp phần làm thay đổi căn bản của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì giảng viên phải thay đổi phương pháp dạy học phù hợp. Việc thay đổi từ quan niệm lấy giảng viên (người dạy) làm trung tâm sang quan niệm lấy người học làm trung tâm đã dẫn đến việc thay đổi cơ bản vai trò của giảng viên: phương pháp truyền đạt kiến thức hoặc cách tiếp cận nội dung được thay thế bằng cách tiếp cận mục tiêu sao cho sinh viên đạt được mục tiêu xây dựng những kỹ năng cao cấp như phân tích, tổng hợp, phán đoán, phản biện, ra quyết định, giải quyết vấn đề Vì thế, giảng viên cần phải thực hiện những việc sau: - Giảng viên phải đầu tư chuyên môn nhiều hơn để thực hiện tốt vai trò của người dạy, phải chủ động liên tục tự đào tạo chuyên môn và thực hành để thực hiện giảng dạy ngày càng tốt hơn, nhất là hướng sinh viên đến việc học cách giải quyết vấn đề; - Giảng viên phải trang bị nghiệp vụ sư phạm phù hợp với phương pháp giảng dạy tích cực; biết thiết kế chương trình trình đào tạo và biên soạn bài giảng theo các phương pháp dạy học tích cực; thường xuyên nghiên cứu và thảo luận về phương pháp dạy học tích cực để ngày càng hoàn thiện nghiệp vụ cá nhân; - Giảng viên không chỉ thực hiện việc truyền thụ kiến thức mà còn phải làm công tác nghiên cứu khoa học, liên tục cải tiến chương trình và phương pháp dạy học, xây dựng học phần mới với kiến thức hiện đại cho sinh viên có nhiều lựa chọn, thường xuyên cập nhật các nội dung trong giáo trình, biên soạn nhiều tài liệu tham khảo để sinh viên tự học, tự nghiên cứu, phải đầu tư nhiều thời gian để kiểm soát việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. c. Về cơ sở vật chất Đào tạo theo hệ thống tín chỉ yêu cầu Nhà trường cần phải có khả năng cung cấp các trang thiết bị đủ để đáp ứng yêu cầu đào tạo như phòng học, giáo trình, tài liệu, thư viện, phòng thí nghiệm, để đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh viên được lựa chọn môn học phù hợp. Việc trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm, thực hành, phòng học với đầy đủ phương tiện cũng tạo điều kiện cho giảng viên được thực hành việc giảng dạy các phương pháp dạy học tích cực giúp đào tạo sinh viên học chủ động, học cách giải quyết vấn đề. Với những đặc điểm cơ bản đã nêu, ngoài cơ sở vật chất và công tác quản lý phục vụ đào tạo, có thể thấy trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ vấn đề cải tiến phương pháp giảng dạy, học và vấn đề tự học, tự nghiên cứu đặc biệt được quan tâm vì nó ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên và chất lượng đầu ra của sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội thì đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu không chỉ quan trọng đối với giảng viên mà còn đối với sinh viên. 2. Thực trạng của Nhà trường khi bước đầu áp dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ 2.1 Giảng viên Chương trình đào tạo mới đang được áp dụng theo hệ thống tín chỉ vẫn chưa hoàn thiện, gần như chỉ ở mức giảm bớt thời lượng của mỗi chương trình. Để đảm bảo chất lượng đào tạo khi áp dụng chương trình này thì giảng viên phải biết cách dạy cho sinh viên tự học. Giảng viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trong đó có phương pháp giảng dạy tích cực, thiết kế chương trình và biên soạn bài giảng theo các phương pháp dạy học tích cực,... Một số giảng viên đã biết áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng như tự luận, vấn đáp, chấm điểm sinh viên qua các điểm chuyên cần, điểm giữa kỳ, điểm hết môn 2.2 Sinh viên Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng tự học và tự nghiên cứu. Thay đổi từ thói quen chỉ học theo giáo trình, tài liệu do thầy cô cung cấp đã hình thành từ khi còn học phổ thông đã khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc học tập và nghiên cứu. Sinh viên còn xa lạ trong việc tự hoạch định nội dung học tập và quản lý quá trình tự học của mình, chưa biết sử dụng đúng thời gian tự học hợp lý. Sinh viên chưa được tạo điều kiện tốt cho việc học và nghiên cứu như tài liệu học tập, nghiên cứu còn thiếu, chưa được tập huấn phương pháp học tập thích hợp để thay đổi từ việc học thụ động sang học chủ động, 2.3 Nhà trường Trong quá trình chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ các chương trình đào tạo của Nhà trường cơ bản chỉ mới bắt đầu bằng việc chuyển đổi cơ học từ số lượng đơn vị học trình sang số lượng tín chỉ, tuy có thay đổi một số học phần cập nhật kiến thức mới, bổ sung các học phần tự chọn nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, hiện nay chương trình đào tạo mới vẫn chưa được ban hành, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu vẫn chưa được đầu tư đầy đủ. Đối với các ngành đào tạo có ít sinh viên thì học phần tự chọn chỉ tồn tại trên danh nghĩa vì sĩ số hiện tại chỉ đạt mức tối thiểu để mở lớp. Nhà trường chưa có định hướng phát triển rõ ràng tạo ra tâm lý bất an cho đội ngũ giảng viên. Hệ thống cố vấn học tập chưa được đào tạo chuyên nghiệp vì thế chưa hoạt động hiệu quả. Giáo trình, tài liệu phục vụ học tập và nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên còn thiếu. 3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học và nghiên cứu khoa học 3.1 Đối với giảng viên - Chuẩn bị bài giảng: Phải có sự chuẩn bị đầy đủ chu đáo, nhất là khâu thiết kế bài học để tạo sự sinh động, khơi dậy sự ham hiểu biết, tìm tòi sáng tạo trong sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải tích cực khơi gợi kiến thức sinh viên đã có để tiếp thu cái mới; tận dụng tối đa những tình huống có vấn đề để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu khám phá kiến thức và khả năng tư duy của sinh viên; khai thác và áp dụng linh hoạt sơ đồ, bảng biểu trong bài giảng giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ; khuyến khích sinh viên sử dụng ngôn ngữ của cá nhân để biểu đạt nhằm nâng cao khả năng tư duy logic và diễn đạt; hệ thống hóa kiến thức và các kiến thức cốt lõi của bài. - Hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu: Hướng dẫn sinh viên biết cách tự hoàn thiện kiến thức bài học sau khi lên lớp để thực tập khả năng tự học, tự nghiên cứu; Hướng dẫn sinh viên cách đọc giáo trình, tài liệu, làm bài tập, viết báo cáo khoa học. Công việc này sinh viên không thể tự làm được mà phải có sự hướng dẫn của giảng viên. - Hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tài liệu, chia sẻ thông tin và làm việc nhóm: Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, sinh viên cần biết hoạt động nhóm để tập trung sức mạnh, khả năng, trí tuệ của tất cả các thành viên của nhóm để tạo ra sản phẩm khoa học. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải biết cách hướng dẫn sinh viên tìm kiếm, chia sẻ thông tin, làm việc nhóm, thảo luận nhóm... - Kiểm tra, đánh giá: Trong đào tạo theo tín chỉ, kiến thức của bài học phải được xem là tổng thể kiến thức trên lớp và tự học, tự nghiên cứu. Giảng viên cần thiết phải đổi mới trong việc soạn đề thi, hình thức kiểm tra, đánh giá bao gồm đánh giá kết quả hoạt động trên lớp, tự học, giữa kỳ và cuối kỳ với nhiều hình thức đa dạng như kiểm tra viết, vấn đáp, trắc nghiệm và kết quả thực hành. - Định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học: Đây là việc làm đòi hỏi sự tập trung cao nhất của sinh viên, giúp sinh viên có điều kiện sáng tạo Tuy nhiên, đa số sinh viên chưa biết tự đề xuất nội dung nghiên cứu mà cần giảng viên hướng dẫn thực hiện. Vì vậy giảng viên phải lựa chọn nội dung, vấn đề và chỉ rõ mục đích, yêu cầu nghiên cứu, gợi ý cách thức thực hiện cho sinh viên. Giảng viên phải thông tin các tiêu chí đánh giá, thời hạn hoàn thành, cung cấp tài liệu hoặc địa chỉ tài liệu tối thiểu cho sinh viên, hướng dẫn cách thức tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin; kiểm soát và sẵn sàng giúp đỡ khi sinh viên gặp khó khăn. Giảng viên cũng phải có phương án điều chỉnh khi cần và đánh giá phải bảo đảm khách quan, chính xác kết quả nghiên cứu của sinh viên. - Nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của giảng viên nhằm góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng giảng dạy. Chính vì vậy mà thông tư 47 của Bộ GD-ĐT cũng đã quy định từ 25.3.2015 giảng viên đại học phải dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên được đánh giá thông qua các sản phẩm nghiên cứu cụ thể. 3.2 Đối với sinh viên Sinh viên phải biết lập kế hoạch chi tiết và thực hiện thật tốt kế hoạch đã lập từ đầu khóa học cho toàn bộ chương trình đào tạo đối với từng học phần. Mạnh dạn liên hệ và trao đổi với giảng viên để được tư vấn, hỗ trợ; Thực hiện tất cả các nhiệm vụ đối với từng giờ học mà giảng viên giao: tìm, đọc, ghi chép những tài liệu liên quan, hoàn thành bài tập, bài thực hành, thực tập, chuẩn bị bài thảo luận, chuẩn bị các nội dung làm việc theo nhóm, các vấn đề cần hỏi để trao đổi với giảng viên nhằm giải đáp những khúc mắc, chưa rõ, ôn bài, đọc bài mới,...; Đối với các nội dung nghiên cứu lớn hơn như làm các bài tập lớn, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học hoặc báo cáo thực tập, đồ án/khóa luận tốt nghiệp, sinh viên cần biết phân tích bản chất vấn đề, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn để giải quyết vấn đề và thường xuyên trau dồi các kỹ năng mềm khác để hoàn thiện bản thân nhằm đạt hiệu quả cao trong học tập như viết báo cáo thu hoạch theo các tiêu chí đánh giá của giảng viên, trình bày báo cáo, diễn thuyết trước lớp, đặt câu hỏi, đối thoại, tranh luận những vấn đề đã trình bày ở các buổi thảo luận, hệ thống hóa, lưu giữ tài liệu, kết quả tự học, tự nghiên cứu thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng sau này. 3.3 Đối với Nhà trường Để hoạt động đào tạo của Nhà trường đạt hiệu quả cần có một số giải pháp cụ thể như: - Ban hành chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ của các chương trình hoàn thiện và công bố cho người học; - Trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, tài liệu đầy đủ cho giảng viên và sinh viên trong hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu; - Có hình thức, tiêu chí đánh giá mới về công tác giảng dạy của giảng viên, đánh giá hoạt động hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên; - Quan tâm đến công tác cố vấn học tập, theo dõi việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. 4. Kết luận Trước sự phát triển của khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức hiện nay việc thay đổi trong tất cả các lĩnh vực là tất yếu trong đó có giáo dục đại học. Nội dung và phương pháp giáo dục truyền thống không còn phù hợp cho nên các trường đại học phải chuyển đổi sang phương thức đào tạo mới theo hệ thống tín chỉ là một tất yếu. Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, việc đổi mới phương pháp dạy, học và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên có tầm quan trọng đặc biệt. Nó không chỉ góp phần hoàn thiện kiến thức bài học, chương trình đào tạo mà còn quyết định chất lượng đầu ra cho sinh viên, xây dựng thương hiệu của Nhà trường; từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, khẳng định chất lượng giáo dục của nước ta đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giảng viên cần dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học và cải tiến phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường cần quan tâm đến việc bồi dưỡng cho giảng viên về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên làm công tác cố vấn học tập, cải tiến công tác kiểm tra và đánh giá, tăng cường rèn luyện kỹ năng tự học và tự nghiên cứu cho sinh viên ngay từ năm đầu đại học. Các khoa chuyên môn cũng cần tăng cường giảng dạy phương pháp nghiên cứu khoa học cho tất cả sinh viên đại học và cao đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập của cá nhân trong quá trình đào tạo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, số 47/2014/TT- BGDĐT, ngày 31/12/2014. 3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2010), “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học theo hệ thống tín chỉ”, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức. 4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2013), “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, trường Đại học sư phạm TPHCM tổ chức. 5. Lâm Quang Thiệp (2006), “Việc áp dụng học chế tín chỉ trên thế giới và ở Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ có sử dụng internet, Viện nghiên cứu Giáo dục.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf13_van_de_doi_moi_phuong_phap_day_hoc_va_nghien_cuu_khoa_hoc_trong_dao_tao_theo_he_thong_tin_chi_219.pdf