Vài ý kiến về chế độ lưu quan của vua Minh Mạng

Chế độ lưu quan của vua Minh Mạng sẽ là một bài học cho chính cách dân tộc và chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Bên cạnh những thành công nhất định, nó vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra, và sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, nếu những chính sách trên đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng ngược lại, nó sẽ là bước cản, nếu thiếu nhất quán trong quá trình thực hiện

pdf5 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 1299 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài ý kiến về chế độ lưu quan của vua Minh Mạng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 04(16)/2010: tr. 77-81 VÀI Ý KIẾN VỀ CHẾ ĐỘ LƯU QUAN CỦA VUA MINH MẠNG NGUYỄN VĂN BA - THÁI QUANG TRUNG Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, việc xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc là một yêu cầu bức thiết trong chính sách quản lý nhà nước của mọi thời đại. Nghiên cứu chế độ lưu quan của vua Minh Mạng sẽ là một bài học quan trọng trong chính sách dân tộc và chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Trong hệ thống chính sách cải cách hành chính của vua Minh Mạng, việc thực hiện chế độ đưa quan lại từ triều đình lên quản lý vùng dân tộc thiểu số, được xem là một nét mới trong chính sách cai trị của nhà vua. Việc với tay tới các vùng dân tộc thiểu số được thực hiện một cách triệt để, nhằm tăng cường hiệu lực của chính quyền trung ương đến tận các cơ sở. Bắt đầu từ năm 1828, chính sách này được nhà nước thực thi ở một số vùng dân tộc thiểu số, “bãi bỏ lệ thế tập của các thổ tù và cử trong hạt ai là người thanh liêm, tài năng, cần mẫn, vốn được dân tin phục thì cứ tâu lên” [1, tr. 284]. Chế độ “thổ tù” là chế độ thế tập của các tù trưởng dân tộc thiểu số được duy trì hàng trăm năm trong lịch sử, không dễ gì để thay đổi. Trong điều kiện mới, khi đất nước thống nhất từ Bắc vào Nam, đòi hỏi một chế độ trung ương tập quyền, với quyền lực tuyệt đối tập trung vào tay vua, để có đủ khả năng lãnh đạo đất nước, vua Minh Mạng không thể chấp nhận tình trạng bỏ trống quyền lực ở khu vực biên viễn, vùng sâu vùng xa thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của các tù trưởng. Đã đến lúc chính sách đó cần phải được thay đổi và thay vào đó một chính sách hiệu quả hơn. Cần phải mạnh tay và quyết đoán mới thực hiện được một chính sách chưa từng có trong lịch sử phong kiến. Đây không chỉ là vấn đề đối nội mà còn là vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn biên giới lãnh thổ quốc gia, vấn đề đối ngoại của nhà nước. Năm Minh Mạng thứ chín (1828), Nguyễn Đình Hoảng tâu với triều đình về việc Lê Chất giao cho thổ mục làm phó tri châu, có ý phê phán, mong muốn được đổi mới: “Cho rằng thổ ty thế tập đã lâu đời rồi. Lúc mới dựng nước, rộng ơn vỗ về vẫn cho theo tục cũ, là để cho thuận nhân tình. Từ trước tới giờ, các trấn ở dọc biên giới, thổ mục thì làm thổ huyện, thổ ty thì làm thổ châu, đã có lệ sẵn, Chất lấy việc châu giao cho thổ mục, việc ấy là chuyên quyền, nay xin bãi đi, đặt lại mỗi châu một thổ tri châu, một thổ lại mục, chọn thổ ty người nào thanh liêm mẫn cán mà bổ dụng” [2, tr. 768-769]. Lời tâu này đã được Minh Mạng nghe theo và biện pháp này trở thành một chính sách mới trong hệ thống chính sách cai trị đất nước của nhà vua. “Lưu quan” là một danh từ đối lại với thổ quan, chỉ số quan lại được triều đình bổ nhiệm và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Thuật ngữ lưu quan có nguồn gốc từ “cải thổ quy lưu” mà ra, có nghĩa: thay thổ quan bằng lưu quan. NGUYỄN VĂN BA - THÁI QUANG TRUNG 78 Đại Nam điển lệ toát yếu có ghi: “Lệ năm Minh Mạng thứ mười định rằng các chức quản, mục ở các phủ, huyện, châu không cứ là dòng dõi các viên thổ ty, hễ là người cần mẫn được việc, thì cho phép tự bảo lĩnh cho nhau, rồi do quan trấn phủ cấp bằng cho họ theo các quan tri châu, tri huyện trấn ấy mà thừa hành việc quan. Song không được noi theo lệ trước làm mãi chức quản mục thế tập” [3, tr. 41]. Như vậy, chế độ thế tập của các tù trưởng dân tộc thiểu số được triều đình cân nhắc. Mặt hạn chế lớn nhất của chế độ thế tập là những người được thế tập thường không có năng lực, không được đào tạo, thậm chí một số người còn làm việc vì lợi ích cá nhân và dòng họ mà không chăm lo đến cuộc sống của đại đa số nhân dân. Vì thế, xóa bỏ chế độ thế tập của thổ quan, đặt lưu quan là biện pháp hợp lý. Công việc trị nước trong điều kiện mới cần tuyển chọn những người tài giỏi, người có khả năng đảm đương tốt những công việc ở các địa phương, kể cả các khu vực thuộc dân tộc thiểu số. Việc đưa các quan lại thuộc người Kinh lên miền núi không phải là một việc đơn giản, đòi hỏi người đó phải có năng lực, hiểu biết phong tục và cần có sự tin tưởng của triều đình. Từ năm Minh Mạng thứ tám (1827), “Minh Mạng kiên quyết xóa bỏ các chức tước đặt cho các viên quan người dân tộc ít người đứng đầu các phủ, huyện, châu như Tuyên úy đại sứ, Tuyên úy sứ, Chiêu thảo sứ, Phòng ngự sứ, Phòng ngự đồng tri, Phòng ngự Thiên sự thay vào đó là các chức tri phủ, tri huyện, huyện thừa, chỉ thêm chữ “ Thổ” vào gọi là Thổ tri phủ, Thổ tri huyện, Thổ tri châu” [1, tr. 284]. Nơi đầu tiên mà nhà nước áp dụng chính sách này là ở bốn huyện miền núi thuộc phủ Tương Dương (Nghệ An). Đại Nam thực lục đã ghi lại rằng: “Cho là đất Tương Dương từ đời Lê về trước, xem là đất ky my, đầu đời Gia Long mới đặt quản phủ, tri phủ, đó cũng là bắt buộc phải làm, cái cơ dùng người Kinh để giáo hóa man di đã có dần dần. Nay giáo hóa, oai thanh đã phổ biến, tức là phủ Lạc Hóa thành Gia Định, xưa là tục man, từ khi đặt quan chăm sóc, đặt thầy dạy bảo, đã dần có phong hóa trung châu. Huống chi đất Tương Dương thuộc đồ bản đã lâu, không bì với nơi mới phủ được; mà trấn thần lại bèn xin đặt thổ quan, tức là đã đem những dân đã theo giáo hóa xem như dân mới quy thuận, khác gì như đương ở trên cây mà trụt vào hang. Nay xin chọn phủ lỵ ở Tương Dương, vẫn như cũ, đặt chức Quản phủ, Tri phủ, kiêm lý việc huyện” [4, tr. 814]. Xem ra, ở địa phương này từ thời Gia Long đã đưa quan lại người Kinh lên để cai trị dần dần nhưng chưa đi vào ổn định. Đến thời Minh Mạng khi dân đã được “giáo hóa”, nhà vua đã tiếp tục lối cai trị đó, thậm chí còn tiến hành một cách cụ thể và mạnh mẽ hơn. Đến năm 1829, Minh Mạng bắt đầu áp dụng đối với các tỉnh biên giới phía Bắc. Việc duy trì các thổ tù theo chế độ thế tập, theo nhà vua, là quá tạm bợ, không phù hợp với tình hình mới, thậm chí nó còn rất nguy hiểm vì tình trạng phân tán quyền lực. Mặt khác, do ảnh hưởng của các thổ tù quá lớn nên nhân dân không thấm nhuần được đặc ân của triều đình, khiến cho đời sống của họ chậm cải thiện, mang tính cục bộ địa phương, mỗi khi các thổ tù chống lại triều đình thì không khỏi cầm vũ khí theo. Vì thế, khi Thổ ty Cao Bằng là Nguyễn Oánh can nhũng lạm bị tội đồ, quan Bắc Thành tâu xin đem số dân thuộc sự cai quản của Oánh cho Nguyễn Khản nối làm thổ ty, “vua muốn đổi thổ quan mà đặt lưu quan hạ lệnh cho trấn thần chọn đặt lý trưởng để thu nộp thuế khoá, không cho thế VÀI Ý KIẾN VỀ CHẾ ĐỘ LƯU QUAN CỦA VUA MINH MẠNG 79 tập nữa” [2, tr. 717]. Việc thổ ty phạm tội chỉ là cái cớ để Minh Mạng tiếp tục thực hiện chính sách mới của mình, nhằm xóa bỏ triệt để quyền lực của các thổ tù. Ở khu vực vùng núi phía Bắc tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, việc đặt lưu quan là một biện pháp cần sớm được thực hiện. Không chỉ để chăm lo đến đời sống nhân dân mà còn vì mục đích chính trị sâu xa hơn nữa, chống lại xu hướng li tâm, cát cứ và giữ vững những nơi xung yếu của Tổ quốc. Nhưng quan lại ở Bắc thành lại xin cho các thổ tù được thế tập, Minh Mạng tỏ ra không hài lòng, vua dụ rằng: “Đặt quan phân chức, nên có chương trình nhất định mà coi dân như một mới tỏ được ý nghĩa vương giả không để ai ra ngoài. Các trấn Tuyên Hưng ở hạt thành, nên đặt thổ tri châu, Tri huyện, không những ở bốn châu ấy mà thôi, sao lại chỉ xin cho bốn châu ấy mà nơi khác không nói đến”, “như việc xin cho tập quản thì lại hóa ra tạm bợ quá Vì bọn ấy tuy là dân biên thùy, nhưng đều là con của triều đình, há lại cứ noi theo thói tệ, không bàn đến kẻ hay người dở, cứ cho nhận làm của riêng anh em, con cháu thiện tiện nối nhau, lỡ có người không tốt, được thể làm càn thì có thêm lụy cho dân ta không? Thậm chí Nông Văn Vân ở Bảo Lạc đã cho làm thí sai thổ tri châu, có chức hàm rồi, mà lại xin thế tập, chả hóa ra phức tạp quá dư! Nay cứ các châu huyện thuộc các trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa trong thành hạt, theo công việc ít nhiều, dân số đông thưa, nên đặt thổ tri châu, tri huyện, huyện thừa, lại mục thì nghĩ định rõ ràng; không cứ thổ ty, hào mục, cứ ai trong hạt thanh liêm, tài năng cần cán vốn được dân tin phục thì chọn cử tâu lên không được như phép trước xưng là tập quan” [2, tr. 862]. Như vậy, việc đặt quan lại cai trị ở các vùng dân tộc thiểu số được Minh Mạng rất chú trọng, cân nhắc kĩ lưỡng, không được tùy tiện. Việc thế tập là một chính sách mang tính chất gia đình trị ở những vùng dân tộc thiểu số sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội, những người có tài sẽ không có cơ hội để phục vụ nhà nước. Đến năm 1835, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, sau một thời gian thực thi chế độ lưu quan đã cho hiệu quả thiết thực, ở những nơi còn khuyết đã được Minh Mạng chấn chỉnh và áp dụng toàn bộ trên khu vực rộng lớn. “Các thổ, phủ, huyện, châu thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Yên chuẩn cho mỗi nơi đặt một viên lưu quan, rồi bổ làm tri huyện, tri châu các hạt ấy. Còn các viên chức nguyên là thổ quan thì chuẩn cho theo với lưu quan mà thừa hành công vụ, để cho cùng ràng buộc lấy nhau, các giáo chức tại các châu” [3, tr. 43]. Chế độ lưu quan đã thực sự trở thành một chính sách quan trọng của nhà nước đối với các vùng dân tộc thiểu số và hoàn toàn có thể thay thế chế độ thổ tù trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên có một điều cần chú ý là các viên thổ quan mặc dù không còn quyền hành lớn nữa nhưng vẫn được sử dụng với công việc chính là hợp tác với lưu quan, chịu sự chi phối của lưu quan, nhằm giúp đỡ lưu quan trong việc quản lí nhân dân trong hạt. Sở dĩ triều đình vẫn sử dụng các viên thổ quan là vì họ là người dân bản địa, hiểu biết rõ về phong tục, ngôn ngữ và địa bàn sinh sống của nhân dân, sự có mặt của họ sẽ là một sự hỗ trợ rất hữu ích cho việc cai trị. Đặc biệt, sự kết hợp giữa quan lại của triều đình và thổ quan có một ý nghĩa rất lớn trong việc “giáo hóa” nhân dân, kìm hãm lỏng lẻo các thổ quan, sự thay đổi đột ngột như thế sẽ gây ra những xáo trộn khó lường, nếu không cẩn thận họ sẽ nổi dậy chống lại. Chế độ lưu quan không chỉ có tác dụng hạn chế quyền lực của các thổ tù NGUYỄN VĂN BA - THÁI QUANG TRUNG 80 mà còn có tác dụng tích cực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ tránh được tình trạng áp bức, bóc lột nặng nề của các tù trưởng. Với việc được thế tập thì bất kể là người có tài hay bất tài đều được quyền cai trị nhân dân. Nếu là người bất tài thì hậu quả sẽ đổ lên vai nhân dân vô tội và cuộc sống của họ sẽ bị chìm trong bóng tối của sự lạc hậu, không được mở mang tầm mắt. Mặt khác, chế độ lưu quan với nhiệm vụ thường xuyên báo cáo tình hình vùng dân tộc, các sự kiện chính trị, xã hội một cách nhanh chóng về triều đình để nhà vua có những chính sách kịp thời, “vận động đã nhanh, tin tức lại nhậy, có thể ngăn chặn được những cái chưa nảy mầm, tiêu trừ được những cái không yên tĩnh. Rồi thay đặt những kẻ đầu trưởng để cai trị vỗ về dân, khiến chúng noi khuôn theo phép, tai thấm, mắt nhuần, thì không quá ba năm, có thể biến đổi thói man thành phong tục người Kinh, lâu dài tuyệt được mối lo biên giới” [5, tr. 93]. Vì thế, mỗi khi biên gới có động tĩnh gì thì có tin cấp báo về triều đình liền và những chỉ dụ của nhà vua cũng được truyền đi nhanh chóng. Đối với các tỉnh thuộc tả, hữu trực lệ vốn ở gần kinh đô nên nhà vua rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1834, tuần phủ Trần Văn Bưu tâu: “Nhân dân châu Hướng Hoá, đạo Cam Lộ xin bỏ lối đặt thổ quan theo lối đặt lưu quan. Chia lập ấp, làng, dựng ra sổ đinh, sổ điền, nộp thuế thân và tiền đầu lõi, nhất thiết theo như lệ dân Kinh. Nay xét châu này có 15 tổng, nhân dân ở nơi rừng rú, chưa thành ấp, làng, dân số thì nơi nhiều, nơi ít khác nhau” [5, tr. 442-443]. Vua dụ rằng: “Châu này được đứng làm dân nơi biên thuỳ, thấm nhuần đức hoá đã lâu. Từ trước đến giờ ta vẫn lỏng lẻo coi là châu ky my mà thôi. Nay chúng đều xin theo làm dân Kinh, lời lẽ thiết tha thành khẩn, ta cũng đoái tình chuẩn y lời xin” [5, tr. 443]. Ở khu vực phía Nam vấn đề đặt chế độ lưu quan cũng được triều đình bắt đầu quan tâm. Quan lại triều đình dâng sớ xin đổi trấn Thuận Thành làm phủ Ninh Thuận, đình thần cho rằng trước đây: “Trấn Thuận Thành là nước Chiêm Thành xưa, thần phục triều đình hơn 200 năm nay, hàng năm dâng cống sản vật địa phương, nhân dân ở lẫn lộn với tỉnh Bình Thuận. Khoảng niên hiệu Gia Long (1802- 1819) mới đặt ra quan chức, viên dịch, thấy thấm nhuần tai mắt, dần thành thói Kinh; nếu thêm vào đó bằng chính trị và giáo hoá, dùng lối người Kinh thay thói người Hời thì không ngoài vài mươi năm, tưởng có thể không khác gì người Kinh vậy. Nay đương lúc nước nhà đã thống nhất, thanh danh văn hoá đã mở mang đến như các phủ đất mới mở cũng đã bỏ thổ quan đặt lưu quan, mọi việc đều được sắp xếp đâu ra đó. Thế mà một hạt Thuận Thành phong tục vẫn nguyên như cũ, hình như chỉ tạm ràng buộc, e chưa hợp với nghĩa đồng đều chung một phong tục. Vậy xin đặc cách sai quan Kinh một phen kinh lý để cho sự thể được giống như người Kinh” [4, tr. 492-493]. Chế độ lưu quan của vua Minh Mạng đã có tác dụng nhất định đối với các dân tộc thiểu số, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, trong đó dân tộc Mường ở Hòa Bình và miền tây Thanh – Nghệ là biểu hiện rõ hơn cả. Chỉ nói riêng vùng Mường Hòa Bình, từ lâu đời đã hình thành 4 mường với quyền lực về chính trị, kinh tế rất mạnh là “Bi – Vang – Thàng – Động” [6, tr. 16]. Với biện pháp chia nhỏ các mường ra thành các huyện, xã thì vai trò của các lang cun, lang đạo không còn được như trước nữa. Hơn nữa, Minh Mạng còn chú ý đến nguồn gốc của việc hình thành quyền lực đó là do các khu vực cư trú truyền VÀI Ý KIẾN VỀ CHẾ ĐỘ LƯU QUAN CỦA VUA MINH MẠNG 81 thống cùng với quyền thế tập. Từ đó nhà vua đã kết hợp xóa bỏ chế độ thế tập và chia nhỏ hoặc làm xáo trộn hoặc hình thành khu hành chính mới làm cho quyền lực truyền thống dần mất đi, chính sách này trước mắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xã hội ở những khu vực kể trên. Chế độ lưu quan của vua Minh Mạng sẽ là một bài học cho chính cách dân tộc và chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Bên cạnh những thành công nhất định, nó vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra, và sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, nếu những chính sách trên đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng ngược lại, nó sẽ là bước cản, nếu thiếu nhất quán trong quá trình thực hiện. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Văn Tạo (1999). Sử học và hiện thực, Mười cuộc cải cách đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Tập 2. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2001). Đại Nam thực lục, T2. NXB Giáo dục, Hà Nội. [3] Nguyễn Sỹ Giác (1993). Đại Nam điển lệ toát yếu. NXB TP Hồ Chí Minh. [4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2001). Đại Nam thực lục, T3. NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2001). Đại Nam thực lục, T4. NXB Giáo dục, Hà Nội. [6] Nguyễn Minh Tường (1997). Vua Minh Mạng với tư tưởng củng cố nền thống nhất quốc gia. Tạp chí Xưa và Nay, Số 286. Title: SOME COMMENTS ON THE OFFICIAL KEEPING REGIME OF MINH MANG KING Abstract: Vietnam is a country of many ethnic groups. Building solidarity among peoples is an urgent demand in the state's management policies of all time. Study the official keeping regime of Minh Mang King is an important lesson in the national policy and official policy of the Party and our country today. NGUYỄN VĂN BA Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP- Đại học Huế. TS. THÁI QUANG TRUNG Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf17_254_nguyenvanba_thaiquangtrung_13_thai_quang_trung_271_2021039.pdf
Tài liệu liên quan