Vai trò công nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Công nghiệp nông thôn là một bộ phận quan trọng cấu thành kinh
tế nông thôn. Phát triển công nghiệp nông thôn được xem là yếu tố cơ bản
nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Sự phát
triển của nó tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở khu
vực nông thôn.
5 trang |
Chia sẻ: linhmy2pp | Lượt xem: 351 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò công nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 01(13)/2010: tr. 80-84
VAI TRÒ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TRONG QUÁ TRÌNH
CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
LÊ VĂN SƠN
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế
Tóm tắt: Công nghiệp nông thôn là một bộ phận quan trọng cấu thành kinh
tế nông thôn. Phát triển công nghiệp nông thôn được xem là yếu tố cơ bản
nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Sự phát
triển của nó tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở khu
vực nông thôn.
1. MỞ ĐẦU
Công nghiệp nông thôn là bộ phận quan trọng của kinh tế nông thôn. Phát triển công
nghiệp nông thôn được xem là chìa khóa của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Sự
phát triển của nó tác động sâu sắc đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội ở
nông thôn theo hướng bền vững, là bước đệm mang tính chất quá độ làm tiền đề cho
phát triển đại công nghiệp.
2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
2.1 Quan niệm về công nghiệp nông thôn
Công nghiệp nông thôn là một khái niệm khá mới mẻ được các nhà nghiên cứu chú ý
trong những năm gần đây. Tùy theo mục đích nghiên cứu mà các tác giả tiếp cận khái
niệm này trên những bình diện khác nhau như kinh tế lãnh thổ, kinh tế ngành, kinh tế tổ
chức, kinh tế xã hội hoặc kinh tế cộng đồng làng xóm. Mỗi cách tiếp cận chỉ nhấn mạnh
và làm rõ một khía cạnh của công nghiệp nông thôn mà không xét nó với tư cách là một
bộ phận cấu thành kinh tế công nghiệp phân bố ở nông thôn và có quan hệ tác động qua
lại một cách chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn. [1]
Theo cách tiếp cận của kinh tế học chính trị thì công nghiệp nông thôn là một bộ phận
của công nghiệp cả nước được phân bố ở nông thôn bao gồm các cơ sở sản xuất công
nghiệp với quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu, cùng với các ngành tiểu thủ công nghiệp
thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức sản xuất khác nhau gắn bó chặt
chẽ với sự phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn do chính quyền địa phương quản lý về
mặt nhà nước.[6]
Với khái niệm này, công nghiệp nông thôn được hiểu là một bộ phận của ngành công
nghiệp phân bố ở địa bàn nông thôn, phân biệt với công nghiệp thành thị. Công nghiệp
nông thôn phân bố ở nông thôn không phải chỉ đứng chân ở nông thôn mà còn phải có
quan hệ chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn thông qua các yếu tố
đầu vào của quá trình sản xuất cũng như đầu ra cho thị trường sản phẩm.
VAI TRÒ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA
81
Về ngành nghề, công nghiệp nông thôn bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp phục
vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống cư dân ở nông thôn như các ngành sản xuất, sửa
chữa nông cụ, chế biến nông sản, sản xuất hàng gia dụng, sản xuất vật liệu xây dựng
ở nông thôn.
Xét về sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, các cơ sở công nghiệp nông
thôn tồn tại trong nhiều thành phần kinh tế với các hình thức tổ chức sản xuất mà chủ
yếu là hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn.
Xét về quy mô, các cơ sở công nghiệp nông thôn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lượng
vốn và lao động ít, năng suất lao động thấp.
Về mặt quản lý nhà nước, các cơ sở công nghiệp nông thôn chịu sự quản lý trực tiếp của
chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là cấp quận, huyện, xã vì công nghiệp nông thôn
gắn bó rất chặt chẽ với sự phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn.
Với khái niệm trên, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có các đặc điểm sau
thuộc phạm trù công nghiệp nông thôn:
- Thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ tính thuần nông sang cơ cấu
kinh tế nông - công - dịch vụ, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên.
- Tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cư
dân nông thôn.
- Thu hút lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, phân công
lại lao động trên địa bàn nông thôn.
- Thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh.
- Phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương và ngành
công nghiệp của cả nước.
Như vậy, công nghiệp nông thôn là một khái niệm mang tính lịch sử gắn liền với sự
phát triển của kinh tế nông thôn. Do đó, phát triển công nghiệp nông thôn là một nội
dung quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
2.2. Vai trò của công nghiệp nông thôn
Công nghiệp nông thôn là bộ phận kinh tế gắn bó chặt với kinh tế nông thôn cũng như
với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của nó thúc đẩy quá trình chuyển dịch
cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội ở nông
thôn nói chung.
Thứ nhất, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn là một khu vực của nền kinh tế gắn liền với địa bàn nông thôn. Nó là
một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
trong nông - lâm - ngư nghiệp, cùng với các ngành tiểu - thủ công nghiệp, công nghiệp
chế biến và phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ... tất cả có quan
LÊ VĂN SƠN
82
hệ hữu cơ với nhau trong cơ cấu kinh tế vùng và lãnh thổ và trong toàn bộ nền kinh tế
quốc dân.
Kinh tế nông thôn có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều ngành nghề sản xuất, nhiều
thành phần kinh tế ở các quy mô khác nhau, trong đó chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ. Tất
cả các nhân tố đó có quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển.
Sự phát triển của công nghiệp nông thôn tạo ra nhiều ngành nghề sản xuất vật chất phi
nông nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, tăng tỷ trọng
công nghiệp trong tổng thể kinh tế nông thôn. Sự phát triển của công nghiệp nông thôn
sẽ khôi phục và phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống đồng thời tạo ra nhiều
ngành nghề mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn.
Sự phát triển đa dạng của ngành nghề ở nông thôn sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển ngành
dịch vụ ở nông thôn. Sự phát triển của công nghiệp nông thôn sẽ cung cấp nông cụ,
nâng cao năng suất lao động sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp cho quá trình thu
hoạch, bảo quản, chế biến nông sản tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.[2]
Sự phát triển của công nghiệp nông thôn sẽ giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi theo hướng chuyên môn hoá, thực hiện thâm canh tăng năng suất lao động và
nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.
Thứ hai, góp phần thực hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp,
nông thôn
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn hiện
nay, phát triển công nghiệp nông thôn là nội dung quan trọng đặc biệt vì nó làm biến đổi
cơ bản cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa dạng hoá ngành nghề nhằm khai thác có
hiệu quả các nguồn lực sẵn có ở nông thôn như tài nguyên đất đai, khoáng sản, các vùng
nguyên liệu, nguồn vốn, nguồn lao động và kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất
của nhân dân.
Nông thôn là vùng lãnh thổ rộng lớn, có nhiều tài nguyên như khoáng sản, đất đai do đó
việc sử dụng máy móc khai thác các nguồn tài nguyên sẽ hiệu quả hơn và bảo vệ môi
trường sinh thái. Sự tồn tại các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản sẽ nâng cao hiệu
quả kinh tế của các vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường tính bền vững của các khu
chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Mặt khác, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp có
xu hướng giảm dần thì phát triển công nghiệp nông thôn sẽ huy động và sử dụng hiệu
quả nguồn vốn nhàn rỗi ở nông thôn vào các ngành sản xuất phi nông nghiệp, sử dụng
lao động dôi dư từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyển sang.
Sự phát triển của công nghiệp nông thôn sẽ tác động nhanh đến quá trình đô thị hoá tại
chỗ, tạo việc làm cho nhân dân ngay tại địa bàn nông thôn. Sự phát triển đó tạo ra quá
trình phân công lại lao động tại chỗ hiệu quả hơn, lúc đó nông dân có thể “ly nông bất
ly hương” đồng thời giảm sức ép di dân đến các đô thị lớn. [4]
Khi các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sẽ tăng nhanh thu nhập của nông thôn.
Sự phát triển của các ngành nghề và làng nghề tạo điều kiện cho đội ngũ thợ thủ công
VAI TRÒ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA
83
và các nghệ nhân phát huy khả năng tay nghề và tạo thu nhập cho họ. Bên cạnh đó, các
cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có thể thu hút thêm lao động của các hộ
thuần nông vừa học nghề vừa làm thêm để tăng thu nhập, từng bước chuyển dịch cơ cấu
lao động tại nông thôn theo hướng hiệu quả hơn.
Thứ ba, tạo điều kiện vật chất cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn
Một yếu tố quan trọng của công nghiệp nông thôn là các làng nghề. Các làng nghề là
nơi tập trung nhiều thợ thủ công lành nghề, có kinh nghiệm sản xuất có thể tạo ra nhiều
loại sản phẩm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của sản xuất và đời sống. Các làng nghề đã
góp phần tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động. Hiện nay, ở nước ta
có khoảng 2.790 làng nghề với 53 nhóm nghề, gần 12 triệu lao động tham gia với mức
thu nhập bình quân từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng/tháng. [5]
Có thể nói công nghiệp nông thôn mà trung tâm của nó là các làng nghề truyền thống đã
tạo nên sự lan toả trong quá trình phát triển, đa dạng hoá ngành nghề trong công nghiệp
nông thôn. Các làng nghề không những tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người
dân mà còn bảo tồn được nét văn hoá truyền thống của dân tộc thể hiện trong từng sản
phẩm thủ công mỹ nghệ qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân. [6]
Thứ tư, hạn chế chênh lệch trong phát triển giữa nông thôn và thành thị
Mặc dù dân số của khu vực nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước, song năng lực
sản xuất ở khu vực này còn rất hạn chế, chỉ tạo ra khoảng 30% giá trị trong GDP. Do
đó, phát triển công nghiệp nông thôn là tạo sự công bằng trong cơ hội phát triển của
nông thôn so với thành thị. Đồng thời nó còn phát huy có hiệu quả các nguồn lực tại
chỗ, tạo việc làm, thu nhập góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân
dân khu vực nông thôn, giảm dần sự chênh lệch quá xa giữa nông thôn và thành thị.
Thứ năm, làm tiền đề cho sự phát triển của đại công nghiệp
Khi nghiên cứu quá trình phát triển công nghiệp ở các nước trên thế giới theo mô hình
công nghiệp hóa cổ điển ở Anh, K.Marx đã chỉ ra con đường phát triển của nó là: từ các
cơ sở thủ công riêng lẻ đến tập trung thành công trường thủ công, công trường thủ công
phát triển sẽ sinh ra đại công nghiệp cơ khí. Công nghiệp nông thôn ở một số nước đang
phát triển cũng phát triển theo xu hướng đó.
Ở Việt Nam, công nghiệp nông thôn phát triển sẽ làm vùng đệm, gia công cho các cơ sở
công nghiệp lớn, trở thành nhóm công nghiệp phụ trợ cho đại công nghiệp hoặc bản
thân nó sẽ thành đại công nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp nông thôn là bước quá
độ chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ [3].
3. KẾT LUẬN
Công nghiệp nông thôn có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội
nông thôn. Phát triển công nghiệp nông thôn là một yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm
góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông
thôn. Sự phát triển của nó sẽ thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn
LÊ VĂN SƠN
84
theo hướng công nghiệp hóa góp phần giải quyết một số vấn đề kinh tế xã hội ở nông
thôn, nâng cao hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn cũng như
quá trình xây dựng nông thôn mới giàu có, văn minh, hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đặng Ngọc Dinh (1997). Vấn đề phát triển công nghiệp nông thôn ở nước ta. NXB
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Nguyễn Mạnh Dũng (2004). Phát triển ngành nghề ở nông thôn. NXB Nông nghiệp,
Hà Nội.
[3] Kenichi Ohno, Nguyễn Văn Thường (2005). Hoàn thiện chiến lược phát triển công
nghiệp Việt Nam. NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.
[4] Đỗ tiến Sâm (1994). Xí nghiệp hương trấn ở nông thôn Trung Quốc, quá trình hình
thành và phát triển. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5] Lê Văn Sơn (2009). Bảo tồn và phát triển làng nghề ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tiến trình
đổi mới”. Đại học quốc gia Hà Nội.
[6] Lê Văn Sơn (2009). Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế. Luận
văn Thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
Title: THE ROLE OF RURAL INDUSTRY IN THE PROCESS OF INDUSTRIALIZATION
AND MODERNIZATION IN AGRICULTURE AND RURAL AREAS
Abstract: Rural industry is an important component of rural economic. Developing rural
industry is considered as key factor for improving rural industrialization. It impacts on socio-
economic development in the rural areas.
ThS. LÊ VĂN SƠN
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế.
ĐT: 0914.146690. Email: levanson.hce@gmail.com.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 19_295_levanson_14_le_van_son_1683_2021142.pdf