Việc bảo tồn và truyền bá các giá trị văn chương được xem là những mặt quan trọng
trong hoạt động tiếp nhận. Từ lý thuyết tiếp nhận hiện đại trở về với những lời bàn của
cổ nhân trong lịch sử, chúng ta nhận thấy sự gặp gỡ không ít trong quan niệm xung
quanh về vấn đề này. Đây là những quan niệm hết sức đúng đắn, vừa có ý nghĩa xét về
mặt lịch sử - cụ thể cũng như lịch sử – phát triển. Vì thế chúng trở thành những di sản
quý giá đáng để cho chúng ta ngày nay kế thừa, học tập và phát triển trong xu thế hội
nhập văn hoá văn học.
10 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 470 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò bảo tồn và truyền bá văn chương của người đọc (từ lí thuyết hiện đại nghĩ về lời bàn xưa của cổ nhân), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
ISSN 1859-1612, Số 01(37)/2016: tr. 70-79
VAI TRÒ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỌC
(TỪ LÍ THUYẾT HIỆN ĐẠI NGHĨ VỀ LỜI BÀN XƯA CỦA CỔ NHÂN)
TRẦN THÁI HỌC
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Trường Đại học Sài Gòn
Tóm tắt: Bảo tồn và truyền bá văn chương là việc làm cần thiết để lưu giữ
và phát huy những giá trị thẩm mỹ đích thực đối với công chúng. Không
phải đến khi có lý thuyết tiếp nhận hiện đại mới ý thức được điều này, mà từ
trong lịch sử ông cha ta đã quan tâm và có những lời bàn thể hiện được quan
niệm thực sự đúng đắn và sâu sắc. Trong đó, không ít ý kiến cho đến nay
vẫn giữ nguyên những giá trị rất đáng học tập và kế thừa.
Từ khoá: người đọc, bảo tồn và truyền bá.
1. MỞ ĐẦU
Văn học bao gồm nhiều hoạt động, nhưng nhìn chung được tập trung ở hai hoạt động
chủ yếu là sáng tác và tiếp nhận. Cũng như hoạt động sáng tác, hoạt động tiếp nhận
được triển khai trên nhiều phương diện. Ngoài việc đọc để giải mã văn bản và nhằm thụ
hưởng những giá trị thẩm mỹ là khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định thì khâu tiếp theo
không kém phần quan trọng là bảo tồn và truyền bá các giá trị thẩm mỹ đó. Đây là việc
làm tự phát lại vừa tự giác; vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội trong hoạt
động tiếp nhận.
Sáng tác mà không có tiếp nhận thì trở nên vô nghĩa đã đành, mà ngay cả sản phẩm của
nó cũng không có lí do để tồn tại. Vai trò của tiếp nhận được thể hiện tập trung ở chủ
thể của nó là người đọc đã được chỉ rõ từ những năm 60 của thế kỷ XX. Khi lý thuyết
Mỹ học tiếp nhận ra đời, và cùng với quá trình lịch sử văn học, càng ngày vai trò của
người đọc càng được thừa nhận và khẳng định. Hiển nhiên trong thực tiễn, người đọc
xuất hiện và ảnh của nó vốn có từ lâu. Tuy không được xác định một cách cụ thể, nhưng
chắc chắn rằng, khi đã có nhà văn thì đồng thời cũng có người đọc. Mối quan hệ được
tạo nên từ nhu cầu giao tiếp thẩm mỹ đã làm cho hai loại chủ thể là nhà văn và người
đọc cùng xuất hiện và ảnh hưởng lẫn nhau, cùng nhau đồng hành trong sáng tạo, bảo
tồn và truyền bá các giá trị văn chương, mà từ xưa ông cha ta đã nhận thức được thông
qua những lời bàn về văn chương.
2. NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG
Bảo tồn giá trị, dù là giá trị vật chất hay giá trị tinh thần, thuộc về văn hóa hay văn
chương nghệ thuật đều là việc làm cần thiết, phải được quan tâm đúng mức cả trong nhận
thức và trong hoạt động thực tiễn. Giá trị là tài sản quý báu, nếu không được bảo tồn thì
dần dần sẽ mất đi, và như vậy sẽ không giữ được gì cho các thế hệ mai sau. Mọi giá trị
đều được thể hiện ở sản phẩm và thông qua sản phẩm, nhưng không phải sản phẩm nào
cũng mang giá trị, nhất là sản phẩm thuộc lĩnh vực tinh thần như văn chương nghệ thuật.
NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG 71
Không phải ngẫu nhiên, tác phẩm do nhà văn tạo ra trải qua thời gian phần nhiều bị người
đọc ít quan tâm, thậm chí lãng quên. Phải chăng, do quy luật sinh tồn của văn chương
nghệ thuật là luôn coi trọng chất lượng thẩm mỹ, lấy chất lượng làm chỗ dựa để phán
quyết số phận của tác phẩm và vị thế của chủ thể sáng tạo ra nó. Chất lượng tạo ra giá trị,
vì vậy nếu không có chất lượng hoặc chất lượng thấp thì sớm muộn tác phẩm sẽ bị đào
thải. Nhà xã hội học văn học nổi tiếng người Pháp Êxcacpi cho rằng: “Những tác giả, tác
phẩm được nhắc đến trong tài liệu giảng dạy, sách nghiên cứu, từ điển văn học chỉ
chiếm nhiều nhất là 1% những nhà văn và tác phẩm vốn có. Cũng theo báo cáo điều tra
của Trung tâm xã hội học văn học Boócđô ở Pháp, thì những tác phẩm xuất bản sau một
năm sẽ có 90% bị người đọc lãng quên, và sau hai mươi năm tỷ lệ đó đến 99%” [1, tr.
339]. Như vậy, gắn liền với việc bảo tồn là sự đào thải văn chương mà không ai khác,
chính do người đọc và người đọc đóng vai trò quyết định. Điều này diễn ra một cách tự
nhiên, theo “quy luật của tình cảm”, nằm ngoài sự kiểm soát của nhà văn và vượt qua mọi
thiết chế xã hội. Mọi giá trị văn chương còn lại đến hôm nay, dù chúng thuộc thể loại nào,
được sáng tác do ai và ra đời từ bao giờ, là văn học truyền miệng hay văn học viết đều
như vậy. Nhất là những tác phẩm ưu tú, mỗi khi đã đi vào tâm trí của người đọc thì chúng
sẽ trở thành những thực thể tinh thần được người đọc lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ
khác, từ không gian văn hóa này sang không gian văn hóa khác một cách tươi nguyên và
bền vững. Bàn về Lĩnh Nam chích quái, Vũ Quỳnh và Kiều Phú viết: “Than ôi! Lĩnh Nam
liệt truyện sao không khắc vào đá, viết vào tre mà chỉ sáng trong lòng người truyền tụng ở
bia miệng? Từ đứa trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc, đều truyền tụng và yêu dấu” [3, tr.
31]. Được như vậy là vì Lĩnh Nam chích quái tuy là tác phẩm sưu tập văn học dân gian,
bao gồm những truyện quái dị ở Lĩnh Nam, nhưng là tấm gương phản ánh một cách sinh
động về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng Việt cổ. Toàn bộ tập truyện
đã cho thấy “Cái hiện trạng của một thời làm nên nó” (Nhữ Bá Sĩ) và “thấm nhuần một
tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của văn học dân gian. Có thể ít nhiều thấy được ở đó thái độ
yêu ghét của nhân dân, yêu chính nghĩa, ghét phi nghĩa, yêu điều thiện, ghét điều ác, đề
cao những mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa người và người” [5, tr. 860].
Việc bảo tồn các giá trị văn chương không phải khi nào cũng diễn ra một cách tự nhiên,
mang tính tự phát mà còn được tiến hành một cách tự giác do ý thức được vai trò to lớn
và tầm quan trọng của văn chương đối với con người và cuộc đời. Trong Vân đài loại
ngữ, Lê Quý Đôn khẳng định: “Văn chương là gốc lớn của sự lập thân là việc lớn của sự
kinh thế” [2, tr. 81]. Cao Xuân Dục cũng xác nhận: “Văn chương là sự nghiệp lớn để trị
nước, là công việc bất hủ, làm một lúc nhưng truyền lại muôn đời”. Sau này, luận về kết
quả của văn chương, trong Việt - Hán văn khảo, Phan Kế Bính cũng cho rằng: “Văn
chương có khi rất thiêng liêng, có sức rất mạnh mẽ, có thể làm cho cảm động lòng
người, chuyển di phong tục, và có thể làm cho cải biến được cuộc đời nữa” [2, tr. 329].
Hiển nhiên, đó là loại văn chương cao quý, loại văn chương đáng thờ theo cách nói của
Nguyễn Văn Siêu. Đây không phải là quan niệm của cổ nhân chỉ bộc lộ qua phát ngôn
mà là sự đánh giá rút ra từ thực tiễn sáng tạo văn chương và vai trò của nó đối với việc
xây đắp nền văn hiến dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia độc lập ngay từ
những ngày đầu mới được thành lập đến suốt chiều dài lịch sử.
72 TRẦN THÁI HỌC – NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Đúng vậy, tự hào là một nước văn hiến, “lấy văn hiến giữ nước”, Ngô Thì Nhậm cho
rằng thơ ca Việt “thai nghén từ đời Lý, thịnh vượng ở đời Trần, dấy lên rầm rộ vào đời
Hồng Đức, đời Lê. Một bộ Toàn Việt thi lục về cổ thể thì không nhường thi ca đời Hán,
đời Tấn. Xét về cận thể thì không nhường thi ca các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh,
nhả ngọc phun châu, thật đáng gọi một nước thơ” [3, tr. 75]. Được như vậy vì sau nghìn
năm Bắc thuộc, vừa thoát khỏi ách cai trị của ngoại bang, ông cha ta đã nhanh chóng
khẳng định chủ quyền bằng sự nổ lực đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hàng trăm năm, gắn liền với việc xây dựng kinh tế, chống ngoại xâm là sự phát
triển văn hóa, văn học nghệ thuật. Trong quan hệ với văn hóa, từ xưa ông cha ta đã hiểu
rõ vai trò và ý nghĩa của văn chương đối với việc hình thành văn hóa cội nguồn và vun
đắp truyền thống dân tộc. Với lòng yêu nước và tinh thần độc lập tự cường, các thế hệ
đã nối tiếp nhau sáng tạo ra một kho tàng văn chương vô giá, góp phần to lớn trong việc
tôn tạo nền văn hiến Đại Việt ngày càng phát triển một cách phong phú và bền vững.
Đến thế kỉ XV, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tự hào khẳng định:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.”
Có thể coi văn hiến Đại Việt là dòng chủ lưu được hợp thành từ nhiều nguồn mạch
truyền thống tạo nên sức mạnh bất diệt qua trường kỳ dựng nước và giữ nước. Trong
đó, văn chương được các thế hệ ông cha ta sáng tạo ra giữ một vị trí hết sức quan trọng,
vai trò và ý nghĩa của nó ngày càng trở nên to lớn bởi tài năng trong lĩnh vực này không
ngừng nảy nở và phát triển. Bàn về khoa cử, trong bài tựa Quần hiến phú tập, Nguyễn
Thiên Túng viết: “Nước ta từ đời Trần đến nay, nhiều vị có tài văn chương, đều ()
bước lên đỉnh cao khoa cử, làm rạng rỡ tên tuổi (...), các bậc hiền tài đi trước, các vị anh
tuấn tiếp sau, trong các khoa thi riêng, thi chung đều có nhiều bài hay, đến mức có thể
làm mẫu mực” [2, tr. 49]. Xét trong tương quan với nước láng giềng, Lê Quý Đôn cho
rằng: “Nước Nam ta hai triều nhà Lý, nhà Trần ngang vào khoảng triều nhà Tống, nhà
Nguyên. Lúc ấy tinh hoa nhân tài, cốt cách văn chương không khác gì Trung Hoa” [3,
tr. 95]. Đến thế kỉ XIX Cao Bá Quát nhận xét: “Nước ta từ sau Hàn Thuyên, các tác gia
mọc lên như rừng: Ôn Như Hầu làm thơ cổ cận khuôn mẫu ngang với Thiếu Lăng, Bằng
Quận Công đặt điệu cung từ, dong ruổi không nhường Hán, Ngụy; đến như văn hay của
truyện khúc đến nay ta được thấy Hoa Tiên và Kim Vân Kiều” [3, tr. 95]. Còn Phan Huy
Chú trong lời tựa Văn tịch chí đã cho thấy một cái nhìn bao quát với sự đánh giá đầy tự
hào: “Nước Việt ta tiếng tăm khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có sách vở đã từ lâu
lắm. Kể từ Đinh, Lê dựng nước, đăng đối với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần
rõ rệt. Đến Lý, Trần nối nghiệp bình trị, văn vật mở mang, về tham định thì có các thể
chiếu sắc thi ca. Trị bình nối đời, văn nhã đều đủ. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có,
văn chương nẩy nở như rừng, sách vở ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà
thành tro tàn, thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy. Đến khi nhà Lê dựng
nước, văn hóa lại càng thịnh, hơn ba trăm năm, chế tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng
đầu trung châu, điển chương làm rạng rỡ cả thời đại. Trong đó, lời bàn bạc của các bậc
vua sáng tôi hiền, soạn thuật của các nhà học rộng tài cao, tinh thần chứa chấp tiếng tăm
lừng lẫy, tóm lại mà xét, há chẳng phải là vườn văn đang hồi tươi tốt sao!” [2, tr. 187].
NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG 73
Thật ra, về văn chương, văn nhân tài tử nước Việt không đợi đến các thế kỉ sau mới có
những đánh giá như vậy mà cách đó hàng trăm năm về trước, cổ nhân đã nhận thấy điều
đó. Từ thế kỉ XV, trong đề tựa tập Thơ Việt âm mới san định, Lý Tử Tấn đã viết: “Nước
Việt ta, từ khi thành lập quốc đến nay, có nhiều nhà thơ nổi tiếng với đời. Như các vua
Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông triều Trần và các vị khác như Chu
tiên sinh hiệu là Tiều Ẩn, họ Phạm ở Hiệp Thạch, họ Lê ở Lương Giang, họ Nguyễn
hiệu là Giới Hiên, hai anh em họ Phạm hiệu là Kính Khê, đều có các tập thơ riêng lưu
truyền ở đời” [2, tr. 22]. Cũng trong lời tựa tập thơ trên, Phan Phu Tiên khẳng định:
“Nước ta là một nước văn hiến, các bậc văn nhân tài tử không phải không nhiều” [2, tr.
21]. Có thể nói, trải qua hàng trăm năm binh hỏa của những cuộc chiến giữ nước, kho
tàng văn chương Việt đã bị thiêu đốt, mất mát đi nhiều. Chúng còn bị tàn phá bởi chủ
trương truy quét và hủy diệt của giặc ngoại xâm với mưu đồ làm tổn hại và kìm hãm sự
phát triển nền văn hiến dân tộc. Để thực hiện mục đích đồng hoá và ngu dân, trong sắc
dụ của Minh Thành Tổ gửi tướng giặc Chu Năng còn ghi rõ: “Ta thường bảo các ngươi
rằng: Ở Yên Nam có văn bản văn tự gì, kể cả các câu ca lí dân gian, các sách dạy trẻ và
các bia xứ ấy lập ra, thì hễ thấy là phải hủy ngay lập tức, một mảnh, một chữ cũng
không để còn” [4, tr. 82]. Theo đó mà thi hành thì nền văn chương nói riêng và nền văn
hóa Việt nói chung, đã bị giặc Minh tàn phá khốc liệt đến mức nào. Ngoài ra, còn nhiều
nguyên nhân khác nữa, trong đó phải kể đến định kiến và quan niệm sai lệch, hẹp hòi
của tư tưởng phong kiến chính thống như thái độ coi khinh chữ Nôm rồi chủ trương
cấm in ấn, lưu truyền sáng tác bằng chữ Nôm đã tạo nên lực cản không ít đối với việc
bảo tồn và phát triển văn chương dân tộc... Nhìn lại thực trạng văn chương của ông cha
ta để lại, Phan Huy Chú phải kêu lên: “Than ôi! sách vở các đời từng bị tản mát, sách
mất khó sưu tầm, sách còn lại nhiều sai lẫn, đằng đẵng ngàn năm biết dựa vào đâu mà
khảo sát?” [2, tr. 188]. Có thể xem đây là nỗi niềm chung của các thế hệ người đọc
trước thực trạng di sản của ông cha để lại.
Tuy nhiên, trải qua sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, kho tàng văn học, nhất là văn học
dân gian và văn học trung đại còn lại những gì cho hậu thế, trước hết, phải kể đến công
lao sáng tạo của nhà văn, sau đó là công lao lưu giữ, bảo tồn của người đọc .
Việc bảo tồn đang nói ở đây là một hoạt động tự giác, xuất phát từ thái độ trân trọng đối
với di sản của tiền nhân và sự ý thức được về vai trò, ý nghĩa của văn chương đối với
con người và xã hội. Tất nhiên, công lao và hiệu quả bảo tồn thuộc loại này chủ yếu do
người đọc là những văn nhân, học giả, những danh nho vốn đọc nhiều và hiểu biết một
cách sâu rộng. Việc bảo tồn đòi hỏi phải tiến hành từ khâu sưu tầm, lựa chọn đến khâu
chỉnh lý, bổ sung và lưu giữ nên phải tập trung tâm huyết, phát huy tài năng mới đạt
được. Chẳng hạn như Phan Phu Tiên với Việt âm thi tập ; Lý Tử Tấn với tập thơ Việt
âm mới san định, Hoàng Đức Lương với bộ sách Trích diễm thi tập; Vũ Quỳnh và Kiều
Phú với Lĩnh nam chích quái; Lê Quý Đôn với Vân đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục và
Kiến văn tiểu lục; Đặng Huy Trứ với Vũ Kinh trích chú là những ví dụ cụ thể. Có
những tác phẩm trải qua nhiều thời kỳ được tiếp tục bổ sung, chỉnh lý nhiều lần nên
không ngừng được hoàn thiện và nâng cao cả về nội dung và hình thức, qua đó đã cho
thấy thái độ nghiêm túc và ý thức rất cao của cổ nhân đối với văn bản thơ văn. Đó cũng
74 TRẦN THÁI HỌC – NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
là lòng yêu quý đối với di sản của các thế hệ người đọc, để rồi quá trình sưu tầm và bảo
tồn – nói như Phan Phu Tiên và Lý Tử Tấn: “Mong không còn phải thở than về việc bỏ
sót mất hạt châu giữa biển cả”. Bàn về bộ Quần hiền phú tập, Nguyễn Công Cơ viết:
“Vào thời Diên Ninh, các ông Hoàng, Nguyễn tuyển chọn và biên soạn, cũng đã tương
đối kĩ; song xuất xứ xét còn thiếu rành mạch rõ ràng. Lại qua sương gió thời gian, sách
cũ nát, mối mọt cắn phá (). Bởi vậy, đọc bản cũ Quần hiền phú tập, các học giả
không khỏi nghi ngờ. Nay ông Nguyễn tước Xương 1 phái hầu người phường Đông
Các, huyện Thọ Xương, đậu tiến sĩ mùa đông năm Đinh Sửu () tìm hiểu những bài kí
cổ kính rêu phủ, mài tấm bia xưa để viết lại, sưu tầm những sách lạ chốn hoang vắng
mua về cất giữ; dù một mẫu văn cũng quý tựa tác phẩm hay. Năm ngoái ông đã cho
khắc in Truyền kì diễn nghĩa2 và soạn Đề cương tập chú3, đó đều là những tác phẩm
hoàn hảo mà không hoa hòe hoa sói, thể hiện được tính cách của Vị Khiêm vậy ()
Nay ông lại thu thập Quần hiền phú tập để hiệu giải và khảo đính, tuy nối tiếp theo việc
người trước, song cũng do công ông sưu tầm thư tịch mới thành. Ông đã tham khảo
những chỗ các bản chép giống nhau, so sánh những chỗ khác nhau, biên tập nên bộ sách
() để mọi người được tìm đọc thưởng thức” [2, tr. 69]. Đánh giá về công lao và đóng
góp của ông Nguyễn , Nguyễn Công Cơ khẳng định: “Bộ tuyển tập phú này, nếu không
có các bậc hiền xưa thì không có nghệ thuật thần diệu; nhưng các bậc hiền đó nếu
không có ông Nguyễn thì cũng không có cách gì để lại văn phú cho đời sau được (nhấn
mạnh - TTH)” [2, tr. 70].
3. NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ TRUYỀN BÁ CÁC GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG
Văn chương trở nên “giai thiên cổ” (Nguyễn Du), được “truyền lại muôn đời” (Cao
Xuân Dục), làm “mẫu mực cho ngàn vạn đời sau” (Ninh Tốn) là vì giá trị và ý nghĩa
của nó được người đọc tiếp nhận và truyền bá.
Truyền bá cũng như bảo tồn các giá trị văn chương đều là việc làm của hoạt động tiếp
nhận. Tuy có khác nhau, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ gắn bó với nhau, ảnh
hưởng lẫn nhau. Nếu không bảo tồn các giá trị văn chương thì theo thời gian vì nhiều lí
do mà chúng càng ngày càng bị thất lạc, mất mát nên việc truyền bá sẽ kém hiệu quả.
Ngược lại bảo tồn mà không truyền bá thì các giá trị văn chương sẽ không phát huy
được ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng.
Việc truyền bá các giá trị văn chương cũng được nhiều đối tượng thực hiện và diễn ra
bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng sớm nhất và có lẽ phổ biến hơn cả vẫn là hình
thức truyền miệng mà ngày xưa Vũ Quỳnh và Kiều Phú trong lời tựa sách Lĩnh Nam
chích quái gọi là “truyền tụng ở bia miệng”. Từ khi xuất hiện chữ viết đến nay, việc
truyền bá văn chương mặc dù chủ yếu bằng văn bản qua in ấn và phát hành, nhưng hình
thức truyền miệng chẳng những không mất đi mà còn vẫn phát huy ảnh hưởng của nó
1 Tức Nguyễn Trù, tên tự là Loại Phủ, đỗ tiến sĩ năm 1697, làm quan đến chức Hình bộ Hữu thị lang, khi
mất được phong tặng Công bộ Tả thị lang. Tước Xương Phái hầu đã biên tập hiệu đính lại bộ Quần hiền
phú tập và đem khắc in vào năm 1728.
2 Tức Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ
3 Nguyên tên sách là Sách học đề cương tập chú.
NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG 75
trong đời sống văn học. Tuy nhiên, cũng như nhiều phương diện khác của hoạt động
tiếp nhận, vấn đề vai trò của người đọc đối với việc lưu giữ và truyền bá các giá trị văn
chương rất ít được cổ nhân phát ngôn một cách trực tiếp, mà chỉ gián tiếp bộc lộ qua
sáng tác, qua những lời bình, lời bạt và đề tựa là chủ yếu.
Khi Nguyễn Du viết: “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ” (thơ làm xong cỏ cây cùng thơ
được truyền đến ngàn năm) thì trong chủ ý của thi nhân chẳng những viết thơ cho người
đọc mà còn tin ở khả năng của người đọc, chứ không phải ai khác, sẽ làm cho thơ “giai
thiên cổ” rồi. Có thể nói rằng, chủ ý và niềm tin như vậy, chúng ta thường thấy ở những
nhà văn lớn mà sáng tác của họ bao giờ cũng gắn với cuộc đời, bao giờ cũng hướng về
con người và hậu thế. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và sau này Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí
Minh đều là những nhà văn như vậy.
Khác với hình thức lưu truyền bằng miệng trong dân gian, hình thức truyền bá thông qua
các lời bình, lời đề tựa và lời bạt là của các danh nhân, sĩ phu, nho sĩ được thể hiện bằng
văn bản qua các thời kỳ lịch sử. Dù họ làm gì và giữ vị trí nào trong xã hội, nhưng khi
phát ngôn đều với tư cách là người đọc, đều từ góc nhìn của người tiếp nhận để bình giá
và giới thiệu tác phẩm. Thực chất việc phê bình đánh giá của cổ nhân trong các bài viết
như vậy chủ yếu không ngoài mục đích truyền bá giá trị văn chương đến với các thế hệ
người đọc. Trong lời tựa Trích diễn thi tập, Hoàng Đức Lương nêu rõ: “Việc bình luận
thơ cũng như đong lường sự vật, đó là việc vui thích mọi người, cốt được truyền bá rộng,
chỉ mong sự miễn thứ của mọi người đời sau (nhấn mạnh - TTH)” [2, tr. 30]. Nói người
đời sau, nhưng cụ thể là người đọc hậu thế không những là đối tượng quan tâm của nhà
văn trong sáng tác và giao tiếp thẩm mĩ, mà còn là đối tượng quan tâm nhiều nhất của
những ai muốn bảo tồn và truyền bá văn chương bằng những việc làm khác nhau. Việc
san định một tập sách là nhằm “mong mọi người sau hiểu thấu” là “để giảng giải cho các
bạn trẻ say này” (Vũ Quỳnh); việc ghi lại những sự tích đời xưa, từ những truyện của bậc
thánh hiền cho đến những truyện người đời là “muốn truyền lại cho mọi người”, là “cố
gắng truyền lại những điều nghe rộng thấy nhiều cho đầy đủ đến các đời sau” (Kiều Phú);
viết lời tựa cho tập phú của các bậc hiền tài rồi đưa khắc in là “để truyền mãi mãi về sau”
(Nguyễn Thiên Túng); hay lời tựa cho tập thơ của chính mình cũng không ngoài mục đích
“để chờ người hiểu ta đời sau” (Ngô Thì Chí). Không chỉ trong nước mà đi ra nước ngoài,
gặp được tác phẩm hay và bổ ích là mang về “rồi đưa khắc ván in ghi lại” nhằm giữ mãi
để “sau này cháu con truyền nhau mà học tập” (Đặng Huy Trứ)
Cũng như bảo tồn di sản, quá trình truyền bá cũng trải qua việc chọn lọc, mà do đó chủ
thể của nó chính là người đọc. Tất nhiên, đây là loại người đọc có trình độ học vấn, có
vốn sống và vốn văn hóa cao. Họ đọc tác phẩm không chỉ để thưởng thức mà còn để
phân tích, đánh giá nhằm qua đó mà chọn ra được những giá trị văn chương đích thực
để truyền bá. Có thể xem đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu không những
góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn chương cổ mà còn lưu giữ được
nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt và trình độ nghệ thuật cao. Chẳng hạn như
Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Việt điện u linh, Trích diễm thi tập, Quốc âm thi tập,
Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Quần hiền phú tập, Vân đài loại ngữ,
76 TRẦN THÁI HỌC – NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Quế Đường thi tập, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Phan Trần, và nhiều tác phẩm
văn thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm khác.
Việc truyền bá văn chương so với truyền bá các loại hình nghệ thuật khác có phần thuận
lợi vì chất liệu của nó là ngôn từ. Cái chất liệu phi vật chất, vật thể ấy tuy không tạo
dựng được một thế giới hình tượng trực tiếp, nhưng lại có khả năng cho người đọc một
chân trời nghệ thuật bằng sự suy tưởng vô hạn. Việc truyền bá dù bằng miệng hay văn
bản, dù trong không gian hay theo thời gian thì tác phẩm văn chương vẫn là sản phẩm
tinh thần có khả năng lan tỏa nhanh và phát huy ảnh hưởng sâu rộng hơn cả trong đời
sống văn hóa xã hội. Hiển nhiên, để cho hoạt động này có hiệu quả thì không chỉ dựa
vào lợi thế của đặc trưng văn chương mà còn đòi hỏi trách nhiệm và tài năng của những
người tham gia trong lĩnh vực này nữa.
Trách nhiệm, trước tiên được thể hiện ở thái độ của cổ nhân đối với di sản. Không phải
ngẫu nhiên mà ông cha ta quá than tiếc với sản phẩm được tiền nhân sáng tạo nên đã bị
thiêu đốt vì binh lửa và thất lạc, mất mát qua thời gian. Từ thế kỷ XV, Phan Phu Tiên
trong đề tựa tập Thơ Việt âm mới san định đã viết: “Mấy đời gần đây, các bậc vua chúa,
các quan công khanh và sĩ đại phu, chẳng ai mà không để tâm trí vào việc học thuật,
sớm tối ngâm vịnh, diễn tả nỗi lòng và đều có thi tập lưu hành ở đời, nhưng do binh lửa
mất cả, tiếc thay!” Lý Tử Tấn cũng có nỗi niềm tương tự. Ông rất tự hào về nước Việt ta
có nhiều nhà thơ nổi tiếng và có nhiều tập thơ riêng lưu truyền ở đời, nhưng rất xót xa
“Vì binh lửa, số còn lại chỉ được vài trong hàng trăm, hàng ngàn bài mà thôi”. Cả hai
ông coi những bài thơ, bài văn của ông cha ta còn lại là những “hạt châu giữa biển cả”,
phải cố công tìm kiếm, tập hợp lại, không để bỏ sót. Thái độ trân trọng di sản của tiền
nhân chẳng những xuất phát từ đạo lý truyền thống mà còn do nhận thức được vai trò to
lớn của văn chương đối với việc vun đắp nền văn hiến và khẳng định chủ quyền dân tộc.
Càng ý thức rõ điều đó thì càng băn khoăn lo lắng và nêu cao trách nhiệm đối với việc
bảo vệ và truyền bá văn chương. Hoàng Đức Lương cảm khái: “Than ôi! Một nước văn
hiến, trải mấy ngàn năm xây dựng, lẽ nào không có một cuốn sách để làm chứng tích,
mà phải tìm đọc xa xôi qua thơ ca đời Đường, như thế chẳng đáng đau xót lắm sao” [2,
tr. 29]. Có thể xem đây là nỗi băn khoăn, trăn trở đối với những ai có tinh thần dân tộc,
có khả năng gánh vác trách nhiệm phục hưng và đẩy mạnh sự phát triển văn chương,
văn hóa Việt. Tất nhiên, hoạt động trong lĩnh vực này như trên đã nói ngoài trách nhiệm
đòi hỏi phải có tài năng. Về mặt này, chỉ qua một số lời bình, lời nhận xét và đánh giá
đối với tác giả, tác phẩm cũng đủ cho thấy người đọc xưa uyên bác và tinh tế như thế
nào trong việc thẩm định và quảng bá văn chương.
Trong bài tựa Quần hiền phú tập (Tập phú của các bậc hiền tài), Nguyễn Thiên Túng
viết: “Nước ta từ đời Trần đến nay, nhiều vị có tài văn chương, đều qua phú để gửi gắm
chí khí, nắm bắt vẻ đẹp và bước lên đỉnh cao khoa cử, làm rạng rỡ tên tuổi. Phú của họ
làm tuy khác với phong cách Ly Cao, song về nhập đề, thể dụng nghị luận, kết thúc thì
hoàn toàn giống, quý ở chỗ làm sát đề, đưa ý khéo léo, hạ vần lưu loát và có nhạc điệu,
sự việc miêu tả trúng chỗ, làm người đọc vừa ý, thuận tai (). Triều Lê ta chấn hưng
văn học, mở khoa thi chọn kẻ sĩ, cân nhắc thành nếp, kì thi tam trường, lấy thơ phú để
NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG 77
xét thí sinh (). Làm phú, nếu trong lòng không sẵn vốn kiến thức, không thể viết
được. Cố gượng viết, bài văn chỉ là sự sắp xếp chữ mờ mịt trước mắt vậy mà thôi! ()
Tập sách này thật quý. Đem công bố nơi khoa trường, có thể giúp sức bút thêm rong
ruổi, tranh đua cùng họ Ban, họ Mã mà không nhọc tâm thần vậy” [2, tr. 49]. Chỉ với
đoạn văn ngắn gọn mà thâu tóm trong đó nhiều điều rất đáng quan tâm. Đó là vai trò
của phú trong thi chọn nhân tài, là đặc trưng thể loại và điều kiện sáng tác phú thành
công Cuối cùng tác giả khẳng định giá trị tập phú của các bậc hiền tài và đề cao sự
ảnh hưởng của nó với khoa trường. Với nội dung trình bày và cách viết súc tích như thế,
dễ gì ai cũng làm được.
Còn đề tựa tập thơ Tàng Chuyết của người bạn là Mai Doãn Thường (hiệu Mai Hồ) Lê
Hữu Kiều viết: “Thơ cốt để nói chí hướng của mình. Sau khi Tam bách thiên4 ra đời các
nhà thơ đều ngâm vịnh tính tình cả, duy cổ nhân tính tình chân thật, khoáng đạt cho nên
điệu cười, tiếng nói cũng có thể thành văn chương, tình và cảnh đều thấu đáo, thơ như
thế thật là trác việt, không thể theo kịp được () Đến thơ cận thể nhà Đường, thì đúc
kết thể tỉ, thể hứng trong tự sự mô tả đường nét bên ngoài để làm nổi lên cái thần, nói có
một câu có thể tỏ được trăm ý, xem kĩ lưỡng có thể biết được muôn cảnh. Nghệ thuật
thơ văn đến thế thật là thần diệu! () Làm thơ nếu lập ý không linh hoạt sẽ mắc vào
bệnh câu nệ; cách điệu không trang nhã sẽ mắc vào bệnh quê mùa; đặt câu không sắc
sảo sẽ mắc vào bệnh tầm thường, dung tục. Thơ văn há có thể nói là dễ làm được sao?”
[2, tr. 70]. Đây mới đoạn văn trình bày quan niệm của tác giả và cũng là quan niệm
chung của nhà nho về thơ. Nhưng chỉ chừng ấy ý như đã nêu trên cũng đã cho thấy, tác
giả phải là người tài cao học rộng mới có thể phát biểu được như vậy. Đi vào cụ thể, Lê
Hữu Kiều viết tiếp: “Năm Bính Dần, tôi () nhận được tập thơ của ông Mai Doãn
Thường (), tôi thắp đèn để xem, thấy ý thơ linh hoạt mới lạ, phong cách và văn thơ
đẹp đẽ, trang nhã, câu đặt sắc sảo, mới mẻ, dùng chữ tinh tế sáng sủa, nói cao mà không
phải là phù phiếm, nói gần mà không phải là quê mùa. Cũng như trong mình sẵn điệu
nhạc thiều, gặp đám đàn ca liền tưng bừng tấu khúc, cũng như trong tay cầm hoa đẹp,
đến đâu cũng gieo rắc cảnh xuân. Nhiều bài thơ như những bài Học đường nhàn hứng,
Thẩm ước đồ đã phô bày hết mọi nét quý báu. Ngoài ra những bài tức cảnh, nhân cảm
hứng mà diễn tả nỗi lòng hoặc thấy việc mà sáng tác đều là những bài đáng ghi chép để
lại cho đời sau” [2, tr. 71]. Ca ngợi thơ và cũng là ca ngợi nhân cách cao thượng của
bạn, qua đó Lê Hữu Kiều muốn chỉ ra mối quan hệ giữa bản chất người với việc sáng
tác thơ văn. Bằng sự cảm nhận tinh tế và cách diễn đạt giàu hình ảnh, tác giả bài tựa đã
tạo được sự hấp dẫn và sức lôi cuốn người đọc đến với tập thơ.
Nói về bộ sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (hiệu Quế Đường) - một tác giả lớn
của nước ta ở thế kỉ XVIII, trước khi bình sách, Trần Danh Lâm giới thiệu: “Lê Quế
Đường, người huyện Duyên Hà, không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy
xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì về viết ngay thành sách, sách chứa
đầy bàn, đầy tủ, kể ra khôn xiết. Trong đám sách ấy có bộ Vân đài loại ngữ là bộ sách
tinh tuý nhất” [2, tr. 79]. Chỉ qua mấy dòng, Trần Danh Lâm đã cho thấy được tầm vóc
4 Tam bách thiên: Ba trăm bài Kinh Thi (thật ra là 305 bài)
78 TRẦN THÁI HỌC – NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
của nhà bác học Lê Quý Đôn và vị trí cũng như giá trị của bộ sách. Tác giả viết tiếp:
“Vân đài loại ngữ chia làm chín quyển, phân loại rành mạch, nghị luận rõ ràng: Trên từ
thiên văn, dưới đến địa lí, giữa là nhân luân; cái học cách vật trí tri, thành ý chính tâm,
đến công tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều có đủ cả, có thể phát minh được
nghĩa sâu xa của các bậc tiên thánh và bắc cầu chỉ lối cho kẻ hậu học. Sau Lục kinh và
Luận ngữ, Mạnh Tử; ông thật là người biết lập ngôn chăng? (...) một hôm trong khi trò
chuyện, ông đưa cho ta xem bộ Vân đài loại ngữ. Ta đọc đi đọc lại hai ba lần thấy văn
chương thật tao nhã, ý tứ rộng rãi sâu xa: suy rộng ra thấy thấu hết lẽ tinh vi của trời
đất, tóm hết sự vật xưa nay, đem ra để sửa sang việc đời giúp rập nhà nước thì sự nghiệp
xa rộng, to lớn khó có thể lường được. () Những bậc hiền xưa có nói: “Thông hiểu
các lí của trời, của đất, của người mới gọi là nho”. Bộ sách này của Lê Quế Đường có lẽ
cũng gọi được là thông hiểu cả trời, cả đất, cả người chăng?” [2, tr. 80]. Đúng vậy, câu
hỏi nhưng cũng là lời khẳng định thay cho lời kết của bài viết về một công trình đồ sộ
mang tính bách khoa thư thời xưa: Vân đài loại ngữ. Phải là một thức giả có kiến văn
rộng trên các lĩnh vực thiên văn, địa lí, nhân luân, Trần Danh Lâm mới có một tầm nhìn
và lời bình uyên bác, chuẩn xác đến như vậy. Ông cũng rất xứng là người “bắc cầu chỉ
lối cho kẻ hậu học” đọc tác phẩm.
Cuối cùng, xin được dẫn thêm một dẫn chứng nữa là lời tựa của Đặng Huy Trứ cho tập
thơ của bạn vong niên là tú tài Trương Bằng Hiên. Mở đầu, Đặng Huy Trứ phát biểu
quan niệm của mình về thơ: “Ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ. Thơ là chỗ gửi gắm
của chí. Tiếp xúc với sự vật, có suy nghĩ thì thơ nảy sinh; có ấp ủ, tìm hỏi lòng, trúng
với độ cao thấp, buột miệng ra là hợp với âm luật, tóm lại đều là âm hưởng, tiết tấu của
tự nhiên vậy” [2, tr. 278]. Tiếp sau đó, tác giả đã khéo léo dẫn dắt người đọc đến với thơ
Trương Bằng Hiên bằng việc trình bày cảm nhận của mình về tập thơ ông tặng. Đặng
Huy Trứ viết: “Tôi mở ra đọc, thấy ý tứ trung hậu tràn trề ngoài lời lẽ: Hoặc muốn học
trò trở nên tốt đẹp mà thành câu, cái chí của tiên sinh là mong tác thành cho họ hoặc
nhân xem cấy lúa mà đặt lời, cái chí của tiên sinh là mong làm chỗ dựa cho dân; hoặc
gặp ngày giỗ gia tiên mà sầu ngâm, cái chí của tiên sinh là tưởng nhớ cội nguồn; hoặc
thăm dấu xưa mà hoài vịnh, cái chí của tiên sinh là noi theo người hiền thuở trước.
Ngoài ra, thưởng ngoạn núi sông, phẩm đề trăng gió đều đặt chí ở con đường hướng về
trước. Ý thơ viên mãn mà rộng rãi, khí thơ hùng mạnh mà thẳng ngay, lời thơ gọn mà
đẹp, vị thơ đậm mà tươi, nếu chẳng phải con người trời phú cho tâm hồn bình dị xúc
cảm thì sao có thể làm thơ được như thế” [2, tr. 279]. Nhìn chung, quan niệm về thơ của
Đặng Huy Trứ không khác gì lắm so với quan niệm về thơ của nhiều nhà nho trước đó;
và ngay cả cách nói của ông “thơ là để nói chí” cũng vậy. Nhưng cái căn cốt trong quan
niệm không phải là ở chỗ câu chữ mà nằm trong hàm nghĩa của nó. Cứ theo cách đánh
giá của Đặng Huy Trứ về cái chí trong thơ của Trương Bằng Hiên như đã nêu trên, thì
đó không phải là tinh thần cá nhân thuần túy mang tính chủ quan của thi nhân, mà là
một phẩm cách cao đẹp có tính mục đích, xuất phát từ hiện thực khách quan. Chí là lẽ
đạo, việc đời có quan hệ gắn bó truyền thống quá khứ, với hiện tại và tương lai. Một cái
chí như vậy, thiết nghĩ may ra chỉ những bậc danh nho đức lớn mới có được. Vì thế “thơ
để nói chí” không phải là nhắc lại một quan niệm cũ xưa mà rõ ràng đã bao hàm một nội
NGƯỜI ĐỌC LÀ NHÂN TỐ BẢO TỒN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN CHƯƠNG 79
dung mới so với trước. Là nhà văn hóa của nước ta ở thế kỉ XIX, Đặng Huy Trứ hiểu rất
rõ vai trò của văn chương đối với văn hóa. Chính ông đã để lại cho đời sau một khối
lượng tác phẩm lớn và hết sức phong phú, với gồm 12 tập thơ và 4 tập văn thuộc nhiều
thể loại khác nhau. Dù sáng tác hay truyền bá, với tư cách là nhà văn hay người đọc thì
mục đích của Đặng Huy Trứ cũng như những bậc lớn xưa nay là để giáo hóa, hơn thế
là để hành đạo cứu đời. Và thời nào cũng vậy, việc làm của họ bao giờ cũng đầy trách
nhiệm và thể hiện rõ tài năng.
4. KẾT LUẬN
Việc bảo tồn và truyền bá các giá trị văn chương được xem là những mặt quan trọng
trong hoạt động tiếp nhận. Từ lý thuyết tiếp nhận hiện đại trở về với những lời bàn của
cổ nhân trong lịch sử, chúng ta nhận thấy sự gặp gỡ không ít trong quan niệm xung
quanh về vấn đề này. Đây là những quan niệm hết sức đúng đắn, vừa có ý nghĩa xét về
mặt lịch sử - cụ thể cũng như lịch sử – phát triển. Vì thế chúng trở thành những di sản
quý giá đáng để cho chúng ta ngày nay kế thừa, học tập và phát triển trong xu thế hội
nhập văn hoá văn học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phương Lựu (chủ biên) (2002). Lý luận văn học, Tập 1, NXB Đại học Sư phạm.
[2] Vũ Thanh - Nguyễn Cử - Phan Trọng Thưởng – Trần Nho Thìn (sưu tầm và tuyển
chọn) (2007). 10 thế kỉ bàn luận về văn chương, Tập 1, NXB Giáo dục.
[3] Nguyễn Minh Tấn (chủ biên) (1981). Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới.
[4] Lã Nhâm Thìn (chủ biên) (2012), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, Tập 1,
NXB Giáo dục.
[5] Nguyễn Huệ Chi – Trần Hữu Tá (2004). Từ điển văn học, NXB Thế giới.
Title: ROLES OF READERS’ PRESERVATION AND SPREADING OF LITERATURE
(FROM MODERN THEORY TO ANCIENT WORDS)
Abstract: Preservation and spreading of literature is an essential thing to preserve and promote
the true aesthetic value to the public. Not until there is modern reception theory are we aware of
this, but from history, our forefathers have been interested and had comments reflecting real
conception right and profoundly.
Keywords: preservation and spreading, readers
PGS. TS. TRẦN THÁI HỌC
Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
ThS. NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Khoa Xã hội, trường Đại học Sài Gòn
(Ngày nhận bài: 01/02/2016; Hoàn thành phản biện: 25/5/2016; Ngày nhận đăng: 26/5/2016)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 31_485_tranthaihoc_nguyenthithanhbinh_11_tran_thai_hoc_987_2020302.pdf