Vài nét về quân đội thời các chúa Nguyễn (1558-1777)

Nhận thức được tầm quan trọng của quân đội đối với chính quyền và đời sống xã hội nên các chúa Nguyễn luôn quan tâm xây dựng và phát triển quân đội về mọi mặt. Từ tuyển quân; sắp đặt, bố trí nhiệm vụ cho từng loại quân, từng binh chủng cho đến trang bị vũ khí; rèn luyện và thưởng phạt binh sĩ, các chúa Nguyễn đã có được những đội quân tinh nhuệ. Đây chính là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo sự thống trị của giai cấp cầm quyền cũng như bảo vệ lãnh thổ Đàng Trong ở thế kỷ XVI – XVIII.

pdf8 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 384 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài nét về quân đội thời các chúa Nguyễn (1558-1777), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(22)/2012: tr. 79-86 VÀI NÉT VỀ QUÂN ĐỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558-1777) LÊ THỊ HOÀI THANH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Từ đầu thế kỷ XVI, chế độ phong kiến tập quyền của Đại Việt suy yếu. Đất nước bị phân chia với những chính quyền riêng biệt: Bắc triều (nhà Mạc) - Nam triều (nhà Lê) và sau đó là Đàng Ngoài (vua Lê chúa Trịnh) - Đàng Trong (chúa Nguyễn). Để có thể đứng vững với tư cách là một chính quyền độc lập, các chúa Nguyễn đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát triển quân đội trên tất cả các mặt: tuyển quân, tổ chức, rèn luyện, trang bị vũ khí, thưởng phạt binh sĩ nhằm tạo nên một quân đội mạnh góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chính quyền và lãnh thổ Đàng Trong. 1. MỞ ĐẦU Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng nhận cờ tiết chế của vua Lê vào trấn thủ Thuận Hóa. Tại đây, với hơn mười năm trấn trị bằng chính sách “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng” [4, tr. 28], Nguyễn Hoàng đã tạo lập được vị thế của mình trên vùng đất này. Để đến năm 1570, ông được vua Lê cho kiêm luôn chức trấn thủ Quảng Nam, đeo ấn Tổng trấn tướng quân và toàn quyền quyết định mọi công việc ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất và cũng đã kịp dặn hoàng tử thứ sáu rằng: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời’’ [4, tr. 37]. Nguyễn Phúc Nguyên lên thay cha cùng các hậu duệ đã hiện thực hóa tâm nguyện của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Một chính quyền riêng của dòng họ Nguyễn được thiết lập. Để đảm bảo sự tồn tại ở vùng đất với nhiều điều mới lạ, các chúa Nguyễn tích cực tổ chức bộ máy cai trị, tuyển chọn quan lại, tổ chức quân đội, phát triển kinh tế và không ngừng mở rộng đất đai về phương Nam. Trong tất cả những yếu tố trên thì quân đội là vấn đề được các chúa Nguyễn hết sức chú trọng. Trên cơ sở đó, các chúa Nguyễn tập trung thực hiện việc tuyển quân, tổ chức, rèn luyện, trang bị vũ khí và thưởng phạt binh sĩ để tạo nên một lực lượng quân đội mạnh cho chính quyền. 2. TUYỂN CHỌN BINH SĨ Khi nói đến quân đội thì trước hết phải nói đến con người. Bởi đây chính là nhân tố chủ thể trong mọi hoạt động. Ở Đàng Trong, vấn đề tổ chức một đội quân hùng hậu với những binh sĩ tinh nhuệ được ưu tiên lên hàng đầu. Do vậy, tuyển chọn binh sĩ là việc làm đầu tiên và thường xuyên của chính quyền chúa Nguyễn trong xây dựng lực lượng quân đội. Chúa Nguyễn thực hiện chính sách cưỡng bức binh dịch. Tất cả dân đinh từ 18 tuổi trở LÊ THỊ HOÀI THANH 80 lên đều phải ghi tên vào sổ đinh để trình lên phủ, huyện xét duyệt, trừ những người đau ốm, tàn tật hay con một. Phép duyệt tuyển của chính quyền Đàng Trong bắt đầu được thi hành vào năm 1632, quy định: cứ 6 năm một lần tuyển lớn, 3 năm một lần tuyển nhỏ. Đến năm duyệt tuyển, vào tháng giêng, chính quyền sai các tổng, xã làm sổ hộ tịch, chia làm chính hộ (dân chính quán ở xã) và khách hộ (dân ngụ cư), mỗi loại chia thành các hạng tráng, quân, dân, lão, tật, cố, cùng, đào. Trong đó, hạng tráng là hạng khỏe để sung vào quân đội và hạng quân là hạng người được ở nhà làm ruộng, khi quân ngũ thiếu thì gọi theo thứ tự trong sổ để bổ sung. Sau khi phân rõ các hạng như trên, đến tháng 6 nhà nước chính thức duyệt tuyển và quy định trong một tháng thì tuyển xong. Ở các địa phương, chúa Nguyễn cho lập các tuyển trường, có quan văn, võ từ trung ương cử đến phụ trách việc duyệt tuyển. Ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang đặt một trường, ba huyện Vũ Xương, Hải Lăng, Minh Linh đặt một trường, hai huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và châu nam Bố Chính đều mỗi nơi một trường, sáu phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Ninh, Phú Yên, Bình Khang mỗi phủ một trường. Năm 1708, chúa Nguyễn cho đặt thêm 1 trường ở phủ Bình Thuận và 1 trường ở phủ Gia Định. Đến thời điểm này, ở Đàng Trong có tất cả là 13 trường làm nhiệm vụ tuyển binh lính cho chính quyền. Các đời các chúa sau, cứ theo lệ mà tiến hành duyệt tuyển. Theo Đại Nam thực lục tiền biên, các chúa Nguyễn đã tiến hành duyệt tuyển vào những năm 1632, 1669, 1674, 1677, 1679, 1692, 1694, 1697, 1698, 1701, 1703, 1706, 1707, 1708 cho đến những năm gần cuối của chính quyền Đàng Trong như năm 1772. Tháng 12 năm 1707, chúa Nguyễn Phúc Chu định thể thức duyệt tuyển, trong đó có một số điều về tuyển chọn quân sĩ như sau: “Các quan viên, binh viên cùng các chức trong xã, thôn, phường, cứ theo tên trong bảng lần lượt mà chép vào sổ. Người nào từ 56 đến 59 tuổi thì tùy dân, xem hình thể già yếu thì cho làm lão hạng. Những quân hạng, dân hạng cũ thì chép trở về tráng hạng, nếu là người thấp nhỏ thì cứ cho làm quân dân hạng như cũ. Dân mới vào sổ, người nào nhỏ bé cao độ 3 thước trở xuống thì làm hạng nhiêu tật, hơi nặng thì cho làm hạng bất cụ. Như hạng nhiêu tật cũ, người nào khỏi tật thì trở lại làm bất cụ hay quân hạng, dân hạng. Khách hộ ở các thôn phường thì do tráng hạng, quân hạng theo lệ ghi vào sổ, tên nào trốn đi từ kỳ tuyển năm Quý Mùi trở lại không thấy mặt thì cho các chức xét thực trừ làm ngoại tịch” [4, tr. 121]. Đối với bộ phận bảo vệ phủ chúa, hộ vệ chúa, chính quyền chỉ lựa chọn con cháu tướng võ người huyện Tống Sơn, Thanh Hóa (quê hương của chúa) nhằm bảo đảm sự trung thành tuyệt đối. Với cách thức tuyển chọn như trên, các chúa Nguyễn có trong tay một lực lượng quân đội đông đảo. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần mở một cuộc duyệt binh lớn ở An Cựu với số binh lên đến hơn 20.000 người. Lực lượng binh lính được tuyển chọn đã trở thành bộ phận quan trọng của chính quyền, đóng vai trò to lớn trong việc bảo vệ đất Đàng Trong. VÀI NÉT VỀ QUÂN ĐỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558-1777) 81 3. CƠ CẤU TỔ CHỨC QUÂN ĐỘI Quân đội Đàng Trong bao gồm ba loại quân: túc vệ, chính quy và thổ binh. - Quân túc vệ: (còn gọi là thân quân) là lực lượng đóng ở chính dinh. - Quân chính quy: là lực lượng đóng ở các dinh. - Quân thổ binh: (còn gọi là thuộc binh, tạm binh) là lực lượng đóng ở các địa phương. Mỗi loại quân trên đều chia thành cơ, đội, thuyền, trong đó thuyền là đơn vị thấp nhất. Các đơn vị quân đội không có số lượng nhất định: mỗi thuyền có thể gồm từ 30 đến 60 người, mỗi đội có thể gồm từ 2 đến 5-6 thuyền. Số đội, số thuyền ở mỗi cơ lại khác nhau, có cơ 400 hay 500 người nhưng cũng có cơ lên đến hàng ngàn người [1, tr. 39]. Ngoài số binh trên còn có một bộ phận chiếm số lượng không nhỏ là binh lính làm các công việc như cắt cỏ ngựa; giữ từ đường, phủ, vườn, kho, lăng mộ; thợ đúc các cục, thợ súng, thợ rèn, thợ sơn, thợ mộc, thợ hỏa công, thợ tàu thủy Các hạng tạp binh ấy tổng cộng cũng lên đến 2519 người. [2, tr. 190] Về binh chủng, quân đội ở Đàng Trong gồm có bộ binh, thủy binh, pháo binh và tượng binh. Bộ binh: là lực lượng cơ bản, trấn giữ ở các dinh và địa phương. Chẳng hạn, vào năm 1701, quân bộ binh Quảng Bình chia đặt 26 sở tuần trên chính lũy từ Ông Hồi đến Mỗi Nại với các đơn vị như sau: “2 thuyền Tân chí, Đại an thuộc đội Tả tiệp, 3 thuyền Phú nhị, Hậu súng, An nhất thuộc cơ Tả kiên, 4 thuyền Tả hùng, Hữu hùng, Hậu đao nhất, Hậu đao nhị, thuộc cơ Hữu kiên, 5 thuyền Tả nhất, Quảng nhất, Súng nhị, An nhị, Tiền kiên súng thuộc cơ Tả bộ, 5 thuyền Chí nhất, Chí nhị, Tráng súng, Kiên súng, Nhuệ súng, thuộc cơ Hữu bộ, các đao thuyền và các súng thuyền thuộc Trung cơ” [4, tr. 114]. Ngoài ra, bộ binh còn giữ vai trò quan trọng trong các cuộc giao chiến với quân Trịnh, Champa, Chân Lạp và các thế lực phản loạn trong lãnh thổ. Thủy binh: Việc bảo vệ Đàng Trong trước những cuộc tấn công của quân Trịnh cũng như các thế lực xâm lược từ phía biển đông đã đặt ra nhu cầu buộc chính quyền phải quan tâm xây dựng và phát triển một lực lượng thủy binh mạnh. Kế thừa truyền thống về thủy quân của tổ tiên kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm của người Champa, các chúa Nguyễn có điều kiện để phát triển loại hình binh chủng này. Số lượng thuyền chiến của thủy binh đã được phản ánh qua một số tư liệu của người nước ngoài. Theo linh mục De Choisy, Đàng Trong (năm 1685 hoặc 1686) có 131 chiến thuyền, mỗi thuyền có 2 người lái, 3 cai đội, 6 người đốt lò, 2 tay trống và 60 tay chèo [6, tr. 68-69]. Còn theo Thomas Bowyear, năm 1695, lực lượng thủy quân của chúa Nguyễn Phúc Chu gồm: 200 chiến thuyền lớn, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo, 100 chiến thuyền từ 50 đến 75 tay chèo [1, tr. 40]. Hình thức thuyền chiến khá đẹp: “Đầu thuyền ngồi một vị quan, đuôi thuyền đứng một người cầm lái, giữa thuyền sáu mươi bốn quân nhơn đứng chèo; giữa khoang thuyền có bốn cọc nạng sơn son, trên bắc ngang một cây mõ gỗ, một lính ngồi gõ mõ làm nhịp cho những người đứng chèo; thuyền cạy qua tả là qua tả, bát qua hữu là qua hữu, miệng hò lơ, chân dậm ván, đều răm rắp theo nhịp mõ chẳng chút đơn sai Thuyền dài mà hẹp như hình long chu, mũi rất cao, đuôi thuyền sơn đỏ” [5, LÊ THỊ HOÀI THANH 82 tr. 132]. Tượng binh: ở Đàng Trong, số lượng voi nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tượng binh. Theo một báo cáo của Hà Lan, chính quyền có đến 600 voi vào năm 1624 [6, tr. 72]. Pháo binh: Chúa Nguyễn cho sản xuất súng và mua các loại súng từ các thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan để đáp ứng cho sự phát triển của pháo binh. Pháo binh đã tham gia trong những cuộc chiến đấu với quân Trịnh. Đại Nam thực lục tiền biên đã ghi nhận: ở trận đánh năm 1627, quân của chúa Nguyễn bắn đại bác về phía đối phương, góp phần đưa đến những thắng lợi đầu tiên. Như vậy, có thể thấy quân đội ở Đàng Trong có bước phát triển mạnh mẽ, bao gồm nhiều binh chủng được tổ chức quy cũ. Trong chiến trận, các binh chủng đã có sự phối hợp chặt chẽ để tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp quân đội chúa Nguyễn hoàn thành được những mục tiêu đặt ra. 4. CÁCH THỨC ĐÀO LUYỆN BINH SĨ Chính quyền chúa Nguyễn luôn coi trọng việc rèn luyện trong quân đội nhằm đào tạo một đội quân có chất lượng cao. Do đó, binh sĩ Đàng Trong được luyện tập với các hình thức thi, thao diễn ở các binh chủng. Thủy binh: tháng 5/1642, chúa Nguyễn Phúc Lan ra lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân, cứ đến kỳ tháng 7 thì diễn phép bơi chèo. Chúa Nguyễn còn tổ chức quân thủy tập luyện vào tháng 4 năm 1690; tháng 8/1701; cuối mùa xuân năm 1702; hè năm 1708. Một buổi thao diễn thủy binh ở Đàng Trong đã được diễn ra như sau: “Tất cả có mười lăm thuyền chiến trên sông, có thuyền thếp vàng, có thuyền sơn son màu lửa, chúa ngự trên ngai đặt ở bờ sông có hai ngàn binh sĩ hai bên, tất cả đều mặc nhung phục như nhau, cùng mang võ khí như nhau. Thuyền chiến thì cứ một cặp ba chiếc, thẳng hàng ngay lối, không để lọt một đốt ngón tay, tiến lui đều đặn cả trong khúc vòng cũng vậy, điều hòa rất mực” [3, tr. 57]. Tượng binh: chính quyền chúa Nguyễn cho diễn trận voi ở những năm 1694, 1698, trong đó các cơ chia phiên thao diễn trận pháp, mỗi ngày mỗi lượt. Hòa thượng Thích Đại Sán đến Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã thuật lại rằng: “Lúc dàn trận, voi sắp từng hàng 10 con, đứng ở phía Tây Phía đông, 500 quân cầm đao thương và đuốc châm lửa, xoay mặt về phía voi đứng Cờ lệnh trên đài phất lên. Ba quân múa đao thương, nhắm hàng voi xông tới. Hỏa khí đốt lên, khói bay mù mịt, voi vẫn đứng yên. Bỗng chốc, trống đánh liên hồi, các quân phấn dõng xông vào voi, bọn nài bổ câu liêm vào đầu, võ sĩ đâm vào đùi. Bầy voi chạy thẳng đến rượt đuổi. Quân lính lui tránh, mỗi con voi lấy vòi quấn một bù nhìn bằng rơm đem về. Thớt voi nào chạy hơi chậm, liền bị thương đâm búa bổ, chảy máu đứt da, đến nỗi có con mệt quá, phục qụy không thể dậy nổi. Tan trận, lấy đó phân hơn thua” [5, tr. 92]. Năm 1700, chúa Nguyễn lại cho lập phép trận diễn voi: Sai viên thống lãnh dẫn voi vào trường theo thứ tự mà bày hàng. Nhạc bộ đánh trống ba hồi, rồi gãy đàn thổi sáo hát khúc Thái bình. Hát xong đánh ba tiếng chuông thì thống lĩnh dẫn voi tới và chúa đến duyệt. VÀI NÉT VỀ QUÂN ĐỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558-1777) 83 Pháo binh: Cách thức tập luyện súng của các đội pháo binh đã được Bénige Vachet (là giáo sĩ đến Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Tần) miêu tả: “Đúng 9 giờ, toàn bộ đội binh, không có kiếm nhưng có súng, đến dưới một hành lang có mái ở phía trên bên kia ngôi nhà có đường nhìn ra cánh đồng: đó là để người này sau người kí bắn 4 phát súng cách điểm bắn 300 bước chân. Các mô bắn hình vuông, đường kính khoảng 10 mét, ở giữa có một cái bia bắn làm như bia bắn của chúng ta nhưng bề cao lớn hơn bề rộng, chấm đen nằm ở giữa chỉ rộng 4 lóng tay, tất cả mọi phát súng bắn trúng điểm đen sẽ được kịp thời ban thưởng” [3, tr. 59]. Tháng 3/1696, chúa Nguyễn Phúc Chu sai dựng trường pháo, triệu các quan văn võ cùng các đội trưởng, văn chức và tam ty đến diễn tập. Bắn trúng thì được thưởng tiền theo thứ bậc.Từ đây, mỗi năm đều làm theo lệ này. Ngoài ra, chúa Nguyễn còn tổ chức thao diễn bộ binh (như vào các năm 1653, 1701, 1709), cho binh sĩ tập phép cưỡi ngựa, bắn cung, nỏ Tháng 5 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần ra lệnh các nội đội trưởng chuẩn bị thi ngựa và bảo các bề tôi rằng: “Binh phải nhờ vào sức ngựa, ngày thường diễn tập cũng là giảng võ đấy” [4, tr. 92] nên chúa sai sửa chữa đường quan, đắp đài mã ngựa để tập luyện. Nhờ vậy, quân kỵ xạ đều tài giỏi. Những buổi thao diễn, luyện tập, thi thố tài năng của tướng lĩnh cũng như binh sĩ ở mọi binh chủng là hoạt động hết sức có hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ tác chiến cho các đội quân. 5. TRANG BỊ VŨ KHÍ CHO BINH SĨ VÀ CÁC BINH CHỦNG Trong quá trình xây dựng và phát triển quân đội, các chúa Nguyễn rất chú trọng đến việc trang bị vũ khí cho binh sĩ và các binh chủng. Binh sĩ Đàng Trong có súng ngắn, gươm, cung, nỏ, khiên. Cũng giống như các triều đại trước, súng đạn, thuyền chiến, gươm, giáo là những mặt hàng thuộc độc quyền của nhà nước. Những thợ thủ công giỏi và binh lính được trưng tập vào các công xưởng để sản xuất vũ khí. Trong tổ chức chính quyền buổi đầu, ngoài 3 ty Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sử, còn có Ty Lệnh sử Đồ gia gồm các chức Câu kê, Cai hợp, Thủ hợp, mỗi chức 3 người, lại viên 24 người với nhiệm vụ “giữ việc thu phát dây thau, khối sắt, đồ đồng, ngà voi, chiêng đồng, phát cho các cục để làm khí giới thuyền ghe, sửa sang tường thành nhà cửa và giữ các tích dầu, sơn, than gỗ, vàng thếp, cùng là kho quân khí” [2, tr. 144]. Súng là một trong những loại vũ khí được nhà nước tập trung sản xuất. Năm 1631, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đặt Ty Nội pháo tượng, hai đội Tả, Hữu pháo tượng với số lượng thợ là: Ty Nội pháo tượng có 1 thủ hợp, 1 ty quan, 38 người thợ; hai đội Tả Hữu pháo tượng thì 12 ty quan, 48 người thợ. Mặt khác, để tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật của phương Tây trong chế tạo súng, chúa Nguyễn tạo điều kiện thuận lợi cho Joao da Cruz (người Bồ Đào Nha) đến định cư và mở xưởng đúc súng tại Phường Đúc ở thế kỷ XVII. Xưởng đúc súng của Joao da Cruz đã sản xuất các loại súng tay và đại bác cho chính quyền. Đồng thời, nhằm gia tăng hơn nữa số lượng vũ khí để trang bị cho quân đội Đàng LÊ THỊ HOÀI THANH 84 Trong, các chúa Nguyễn không chỉ tập trung chế tạo trong nước mà còn thông qua con đường thương mại nhằm mua súng, gươm, giáo và các nguyên liệu như đồng, thiếc, chìđể sản xuất súng đạn. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc trao đổi những hàng hóa như kỳ nam, tiêu, đường, bạc, ngà voi, thì vũ khí là một mặt hàng được các chúa đặc biệt quan tâm, như nhà nghiên cứu Li Tana đã nhận xét: “thư từ gửi cho chính phủ Nhật Bản hay các văn kiện về mối quan hệ giữa các chúa Nguyễn với Macao tất cả đều để lộ mối bận tâm chính yếu của họ Nguyễn là tiền và khí giới” [6, tr. 60]. Đẩy mạnh hoạt động ngoại thương với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Anh.., vốn là những nước có trình độ sản xuất vũ khí cao, là cơ hội thuận lợi để chính quyền Đàng Trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình. Đối với thủy binh, chúa Nguyễn tập trung trang bị đại bác cho các chiến thuyền. Theo giáo sĩ Bénigne Vachet, khoảng năm 1674, các chiến thuyền ở Đàng Trong khá to lớn, mỗi chiếc có đến 30 mái chèo với ba khẩu đại bác ở mũi và hai khẩu ở hai bên [1, tr. 40]. Hay năm 1695, dưới thời Nguyễn Phúc Chu, Thomas Bowyear được mục kích thủy quân của chúa và ông đã mô tả lại rằng: chúa Nguyễn có 200 chiến thuyền lớn, mỗi chiếc có từ 16-22 khẩu đại bác [1, tr. 40]. Trên thuyền, binh lính còn sử dụng giáo và câu liêm có cán dài để làm khí giới. Để đảm bảo chất lượng của các loại vũ khí, chính quyền thường xuyên cho quan quân kiểm tra súng ống, đạn dược, như vào các năm 1653, 1665, 1699, 1701, 1709. Chẳng hạn, năm 1709, chúa Nguyễn Phúc Chu “sai các quan văn võ và tam ty kiểm duyệt khí giới, voi ngựa, thuốc đạn công và tư” [4, tr. 123]. Như vậy, trang bị vũ khí cho binh sĩ và các binh chủng là vấn đề được các chúa Nguyễn hết sức quan tâm. Vũ khí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự lớn mạnh của quân đội Đàng Trong. Tất nhiên, yếu tố quyết định vẫn là con người nhưng nếu có được những vũ khí hiện đại thì quân đội sẽ chiến đấu một cách hiệu quả hơn, góp phần đưa đến thắng lợi nhanh chóng hơn. 6. CHẾ ĐỘ THƯỞNG PHẠT ĐỐI VỚI TƯỚNG LĨNH VÀ BINH SĨ Bên cạnh việc rèn luyện binh sĩ, trang bị vũ khí, các chúa Nguyễn đã tiến hành khen thưởng và thực hiện chế độ cấp lương bổng, ruộng đất cho các tướng lĩnh và binh sĩ. Đối với những tướng tài, các chúa đều trọng dụng và có chế độ đãi ngộ thích hợp. Sau những cuộc giao chiến, chính quyền đều sai quan đem vàng, lụa thưởng cho các tướng. Nếu lập được chiến công lớn thì họ còn được thăng chức. Ví như, sau thắng lợi năm 1672, Nguyên soái Hiệp đã được thưởng 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc và 50 tấm gấm. Năm 1674, Thống binh Nguyễn Dương Lâm thắng trận và được giữ chức Trấn thủ dinh Thái Khang, kinh lý việc biên phòng. Năm 1680, chúa Nguyễn trích một phần quan điền trang và quan đồn điền để cấp cho các tướng có công làm ruộng ngụ lộc: chưởng cơ 5 mẫu, cai cơ 4 mẫu, cai đội 3 mẫu, nội đội trưởng 3 mẫu rưỡi, ngoại đội trưởng 2 mẫu rưỡi. [4, tr. 92]. Ngoài ra, sau khi mất, họ cũng được ban ruộng thờ, phu giữ mộ, chẳng hạn năm 1694, Nguyễn Phúc Chu truy cấp cho Nguyễn Hữu Tiến 19 mẫu tự điền và 100 tự dân và Nguyễn Hữu Dật 3 VÀI NÉT VỀ QUÂN ĐỘI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN (1558-1777) 85 mẫu tự điền và 100 tự dân [4, tr. 108]. Hay năm 1768, Nguyễn Phúc Thuần truy cấp cho Thiếu úy Tôn Thất Hiệp 300 người tự dân và 500 mẫu tự điền [4, tr. 172]. Đối với binh lính: chúa Nguyễn định lệ phép cấp ruộng. Những xã có ruộng công nhiều thì quân lính được cấp khẩu phần điền thổ nhiều hơn dân thường (có thể gấp 3 dân thường như ở huyện Lệ Thủy, Khang Lộc). Bên cạnh đó, quân túc vệ, quân chính quy còn có lương và quân thổ binh thì chỉ được miễn trừ sưu thuế. Trong các cuộc diễn tập thi ngựa, bắn cung, bắn súng, thao diễn bộ binh, thủy binh những ai luyện tập tốt đều được thưởng theo thứ bậc bằng tiền hoặc vàng, lụa. Cách khen thưởng này nhằm khuyến khích binh sĩ chăm chỉ tập luyện hơn. Song song với việc ban hành chế độ bổng lộc cũng như khen thưởng những người có công, các chúa Nguyễn còn đề ra những hình phạt nghiêm khắc đối với tướng lĩnh và binh sĩ vi phạm để xây dựng một đội quân có kỷ luật chặt chẽ. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ với chính quyền, nếu binh sĩ nào bỏ trốn thì đều có hình phạt rõ ràng: thuyền nào có lính trốn thì trình lên, quan công đường dinh ấy bắt Tướng thần, Xã trưởng xã có người trốn lính, giao cho sai nhân điệu về, sai nhân về nã binh lính ở xã nào thì thu được ở xã ấy một số tiền hành lý, xã lớn (100 người trở lên) 1 quan, xã vừa (50 người trở lên) 5 tiền, xã nhỏ (dưới 50 người) 3 tiền [2, tr. 183] và lính trốn sẽ bị xử tội. Ngoài ra, chính quyền còn quy định: thuyền nào hà khắc với lính mới thì đội trưởng phải phạt; cấm các quan cai đội đem quân lính sửa sang nhà riêng, vườn riêng, ai trái lệnh thì bãi chức, không cấp ngụ lộc. Không chỉ đối với binh sĩ mà các tướng lĩnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ; có mưu phản đều cũng bị trừng phạt, như tướng Nguyễn Hữu Hào thời chúa Nguyễn Phúc Trăn do lần chần làm hỏng việc quân đã bị truất làm dân thường. Hay năm 1709, Nội hữu phò mã Tống Phước Thiệu (con Nội tả Chưởng dinh Tống Phước Trí) mưu phản cũng bị chúa Nguyễn miễn chức tước. Tóm lại, các chúa Nguyễn đã thực hiện một chế độ thưởng phạt thích đáng nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu, rèn luyện cũng như thiết lập nề nếp đối với tướng lĩnh và binh sĩ ở Đàng Trong. 7. KẾT LUẬN Nhận thức được tầm quan trọng của quân đội đối với chính quyền và đời sống xã hội nên các chúa Nguyễn luôn quan tâm xây dựng và phát triển quân đội về mọi mặt. Từ tuyển quân; sắp đặt, bố trí nhiệm vụ cho từng loại quân, từng binh chủng cho đến trang bị vũ khí; rèn luyện và thưởng phạt binh sĩ, các chúa Nguyễn đã có được những đội quân tinh nhuệ. Đây chính là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo sự thống trị của giai cấp cầm quyền cũng như bảo vệ lãnh thổ Đàng Trong ở thế kỷ XVI – XVIII. LÊ THỊ HOÀI THANH 86 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Đình Cai (1971), 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Đăng Trình xuất bản, Sài Gòn. [2] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [3] Phan Thanh Hải (2006), Diện mạo đô thị Huế thế kỷ XVII – XVIII qua sự mô tả của một số nhân chứng người nước ngoài, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4, tr. 55-65. [4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế - Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam. [6] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, bản dịch của Nguyễn Nghị, NXB Trẻ, Tp HCM. Title: SOME SKETCHES OF NGUYEN LORDS’ MILITARY (1558–1777) Abstract: Since the beginning of the 16th century, the feudalistic centralized regime of Dai Viet impaired. The country was divided with separate administrations: Northern dynasty (Mac) – Southern dynasty (Le) and then Dang Ngoai (Le king – Trinh lord) – Dang Trong (Nguyen lord). To stand firmly as an independent administration, Nguyen lords especially concentrated on the construction and development of military on all aspects: recruitment, organization, training, armament, rewarding and punishment of soldiers in order to create a strong military to contribute to the cause of protecting administration and territory Dang Trong. ThS. LÊ THỊ HOÀI THANH Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0913.540.607. Email: fuongthaohoa@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf11_146_lethihoaithanh_14_le_thi_hoai_thanh_3879_2020930.pdf