Vài nét về hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn

In the description of phonetics - phonology of tonal systems language Pa then, the most notable feature is the tone of voice with breathing or the bar code virtually phenomenon. In fact, some tonal language Pa then not only be recognized on the pitch and lines, but also to any discrimination in breathing voice. The main criteria include areas such as special breathing or vocal sound virtually rules in different levels have helped to identify a system tonal key language Pa then plentiful numbers: 8-tones

pdf6 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 369 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài nét về hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Thu Quỳnh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 80(04): 31 - 36 31 VÀI NÉT VỀ HỆ THỐNG THANH ĐIỆU TIẾNG PÀ THẺN Nguyễn Thu Quỳnh* Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên TÓM TẮT Trong mô tả về ngữ âm - âm vị học của hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn, đáng chú ý nhất là đặc trưng của những thanh có chất giọng thở hoặc hiện tượng tắc thanh hầu. Trên thực tế, một số thanh điệu tiếng Pà Thẻn không chỉ được nhận diện về âm vực và đường nét, mà còn có sự phân biệt ở chất giọng thở. Chính những tiêu chí khu biệt như kèm chất giọng thở hoặc tắc thanh hầu ở những mức độ khác nhau này đã giúp xác định được một hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn với số lượng khá phong phú: gồm 8 thanh điệu. Từ khóa: dân tộc, ngôn ngữ, Pà Thẻn, ngữ âm, thanh điệu ĐẶT VẤN ĐỀ* Pà Thẻn (cũng còn có tên gọi khác là Pà Hưng, Mèo Đỏ, Mèo Hoa, Mèo Lài, Mán Pa Sèng, Mán Pa Teng, Bát Tiên Tộc...) là một trong 54 dân tộc ở nước ta, có dân số là 5.569 người (Nguồn: thống kê năm 1999), cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Với số dân thuộc loại rất ít, lại sống xen kẽ với các dân tộc khác (Kinh, Tày, Hmông), dân tộc Pà Thẻn hiện đang có nguy cơ mất dần những nét bản sắc trong văn hoá của mình hoặc bị pha trộn với các dân tộc khác. Tiếng Pà Thẻn cũng đứng trước tình trạng này: được sử dụng ít dần ở thế hệ trẻ, phạm vi giao tiếp có xu hướng bị thu hẹp, mức độ sử dụng ít đi, không có ngôn ngữ văn học Chính vì vậy việc nghiên cứu tiếng Pà Thẻn có thể góp một phần giúp ngôn ngữ này thoát khỏi sự tiêu vong. Tuy nhiên, việc tìm hiểu ngôn ngữ Pà Thẻn từ trước đến nay chưa nhận được nhiều sự quan tâm đúng mức. Người đầu tiên nghiên cứu về tiếng Pà Thẻn ở Việt Nam là Nguyễn Minh Đức với bài viết Bước đầu tìm hiểu tiếng nói và chữ viết Pà Hưng (Pà Thẻn) (1972). Trong bài viết này, tác giả đó đề cập đến một vài nét về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và chữ viết của ngôn ngữ Pà Thẻn. Tại hội thảo quốc tế về Việt Nam học (15 - 17/7/1998), các tác giả J. A. Edmondson, K. J. Gregerson và Nguyễn Văn Lợi cũng trình bày báo cáo với nhan đề Vài khía cạnh của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở miền cực bắc Việt Nam: Dân tộc * Tel:0975459119 Đồng, Thuỷ, Pà Thẻn của hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Mục đích của nhóm tác giả báo cáo này là tìm kiếm ngôn ngữ nguyên bản của các dân tộc ở miền cực bắc Việt Nam, trong đó có dân tộc Pà Thẻn. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin trình bày những hiểu biết ban đầu về hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn, một khía cạnh nhỏ trong ngữ âm tiếng Pà Thẻn - vấn đề mà lâu nay chưa được nhà nghiên cứu nào để tâm tìm hiểu. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU a. Thanh điệu và các tiêu chí khu biệt thanh điệu Trong ngữ âm học, thanh điệu được quan niệm là một âm vị siêu đoạn tính. Nó được biểu hiện trong toàn bộ âm tiết, chính xác hơn là trong toàn bộ phần thanh tính của âm tiết, là những biến đổi về độ cao của âm tiết kết hợp với các cấu âm đi kèm sự biến đổi này. Nói cách khác, thanh điệu là một đơn vị âm thanh tạo nên âm tiết, đồng thời có chức năng khu biệt ý nghĩa. Các thanh điệu có thể được phân biệt với nhau theo các tiêu chí âm vực và đường nét. Âm vực là độ cao của thanh điệu. Có nhiều cách khác nhau để xác định âm vực: dựa vào độ cao kết thúc của thanh điệu, hoặc dựa vào độ cao lúc mở đầu, hoặc căn cứ vào ấn tượng tổng quan Đường nét là sự biến thiên của cao độ theo thời gian (còn gọi là “âm điệu”). Đường nét này có thể bằng phẳng hoặc không bằng phẳng, đi lên hoặc đi xuống. Vai trò khu biệt nghĩa của thanh điệu chủ yếu thuộc về âm vực và đường nét. Tuy nhiên, ở một số thanh còn xuất hiện thêm những cấu Nguyễn Thu Quỳnh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 80(04): 31 - 36 32 âm bổ sung như hiện tượng nghẽn thanh hầu, kèm giọng thở Những hiện tượng này cũng được coi là tiêu chí để khu biệt thanh điệu. Hiện tượng nghẽn thanh hầu là hiện tượng căng đặc biệt ở thanh hầu. Khi phát âm, có cảm giác tức ở thanh hầu do luồng không khí bị nghẽn lại, âm thanh đang phát ra bị mất đi, nhường chỗ cho một tiếng “rặn” nhỏ. Hiện tượng kèm giọng thở là hiện tượng xuất hiện khi gốc lưỡi nhích về phía trước một chút, tạo nên sự mở rộng khoang yết hầu cùng với tính chất sâu hơn tạo nên âm sắc trầm (hay tối, đục) và cả tiếng thì thào (hay thở, hà hơi). b. Hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn * Hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn theo những tài liệu trước đây Trong bài viết Bước đầu tìm hiểu tiếng nói và vấn đề chữ viết Pà Hưng (Pà Thẻn) in trong Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1972), tác giả Nguyễn Minh Đức đã dành một phần để trình bày về thanh điệu. Theo ông, tiếng Pà Thẻn gồm có năm thanh điệu như sau: thanh 1 (bằng cao) - ɲi1 (đi), thanh 2 (bằng thấp) - ɲi2 (nông), thanh 3 (thanh trũng) - ɲi3 (râu), thanh 4 (thanh lên)- ɲi4 (nghẹn), thanh 5 (thanh xuống) -ɲi5 (mang). pi1 tóc Tác giả Lí Vân Binh (Trung Quốc) cũng dành một phần nội dung trong công trình Bàn về vị trí Pà Hưng trong ngôn ngữ Mèo - Dao (1995) để nói về thanh điệu Pà Hưng (Pà Thẻn). Điều được tác giả Lí Vân Binh rút ra là: Các phương ngữ Pà Hưng cũng như các ngôn ngữ khác của tiếng Hmông - Miền đều vốn có bốn thanh điệu (theo các phạm trù A, B, C, D). Sau đó, trong quá trình phát triển, phần lớn các thanh điệu đều tự phân đôi. Có thể nói, đây là một nhận xét rất quan trọng trong việc phân xuất và miêu tả các âm vị thanh điệu tiếng Pà Thẻn. Nhận xét này có ý nghĩa định hướng, đòi hỏi sự tìm tòi, phân biệt kĩ lưỡng hơn hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn ở Việt Nam mà Nguyễn Minh Đức đã đề xuất. Trong Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam học tại Hà Nội (1998), các tác giả J. A. Edmondson, K. J. Gregerson và Nguyễn Văn Lợi khi trình bày: Vài khía cạnh của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số miền cực bắc Việt Nam: dân tộc Đồng, Thuỷ, Pà Thẻn của hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang đã chú ý miêu tả các thanh điệu tiếng Pà Thẻn Việt trong sự so sánh với tiếng Pà Thẻn ở Sanjiang, Lao Bao, Quảng Tây. Theo các tác giả của báo cáo này, ngôn ngữ gốc của tiếng Pà Thẻn có bốn thanh điệu. Bốn thanh điệu này phân tách thành tám (tức là A trở thành thanh điệu 1 và 2, B trở thành thanh điệu 3 và 4, C trở thành thanh điệu 5 và 6, D trở thành thanh điệu 7 và 8). Các tác giả cũng lưu ý đến hiện tượng tắc hay thu hẹp thanh hầu xuất hiện ở cuối các thanh 1, 3, 7 và giọng thở ở các thanh 2, 4, 6, 8. Có thể nói, những ý kiến rất tinh tế và xác đáng này sẽ là những gợi ý khi tìm hiểu về hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn Việt trên lát cắt đồng đại. Tuy nhiên, cũng có thể do dung lượng của một báo cáo nên phần trình bày về phần thanh điệu chưa thật sự kĩ lưỡng. Các giá trị của thanh điệu ở một đôi chỗ cũng khiến chúng ta nghi ngờ khi các tác giả cho rằng thanh 6 - thanh điệu có âm vực khá cao lại xuất hiện “giọng thở” như các thanh có âm vực thấp khác. * Những điểm cần thảo luận • Trong khuôn khổ một bài viết, hệ thống thanh điệu (cũng như các khía cạnh ngữ âm khác) chưa được Nguyễn Minh Đức khảo sát và miêu tả kĩ, các ví dụ đưa ra chưa thật sự phong phú; một số điểm cần xem xét thêm hoặc xem xét lại để có thể đưa ra giải thuyết hợp lí hơn. Chẳng hạn, thế tương liên, sự đối ứng giữa các thanh điệu của hệ thống mà Nguyễn Minh Đức trình bày chưa trọn vẹn. Nếu như thanh 1, thanh 2 (cùng là thanh điệu có đường nét bằng phẳng); thanh 4, thanh 5 (cùng là thanh điệu có đường nét không bằng phẳng) có sự đối lập nhau về cao độ (thanh 1, thanh 4: âm vực cao; thanh 2, thanh 5: âm vực thấp) tạo thành hai cặp thanh điệu thì thanh 3 không nằm trong thế đối xứng với thanh điệu nào. Điều đó có thể khiến cho chúng ta nghi ngờ về sự đầy đủ của hệ thống thanh điệu này. Có thể tác giả đã bỏ qua một vài đặc điểm cấu âm bổ sung khi phân biệt thanh điệu khiến hệ thống này chỉ gồm năm thanh chăng? Nguyễn Thu Quỳnh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 80(04): 31 - 36 33 • Nhóm tác giả J. A. Edmondson, K. J. Gregerson, Nguyễn Văn Lợi đã đề xuất hệ thống gồm tám thanh điệu tiếng Pà Thẻn, nhiều hơn ba thanh trong nghiên cứu của Nguyễn Minh Đức. Sự khác nhau này có lẽ là do nhóm tác giả J. A. Edmondson đã phát hiện ra những hiện tượng cấu âm bổ sung như tắc hoặc thu hẹp thanh hầu, chất giọng thở xuất hiện kèm theo những tiêu chí âm vực và đường nét. Những hiện tượng cấu âm bổ sung này thực chất thuộc hiện tượng ngữ âm đã được gọi là “phonation”. Phonation là khái niệm dùng để chỉ những đặc trưng: hạ thấp thanh quản kèm theo sự mở rộng của lỗ mũi, co hẹp (hay mở rộng) thanh quản, dây thanh căng (hay không căng, chùng), lưỡi nhích lên phía trước (hay lùi lại phía sau), tăng cường (hay làm yếu đi) sự cộng hưởng ở khoang miệng, thuần chất (hay hà hơi), hiện tượng khép chặt hay tắc khe thanh (tắc họng, tắc thanh quản) Những đặc trưng cấu âm này thường được thực hiện chủ yếu ở khoang thanh hầu và phần ngay trên của khoang yết hầu với sự tham gia của dây thanh, gốc lưỡi và khẩu mạc. ấn tượng về sự nghẽn giọng (tắc thanh hầu) có cơ sở cấu âm là hai dây thanh khép hẳn lại rồi bật mở, không cho luồng hơi thoát qua tự do. Hiện tượng kèm chất giọng thở xuất hiện khi gốc lưỡi nhích về phía trước một chút, tạo nên tính chất sâu và sự mở rộng của khoang yết hầu. Trên thực tế, tiếng thở (thì thào) trong khoang yết hầu xuất hiện khi phát âm các thanh điệu có cao độ thấp. Sự tăng cường thể tích của khoang yết hầu làm cho các thanh điệu này càng trở nên thấp hơn. Theo nhóm tác giả J. A. Edmondson, hiện tượng nói trên (cụ thể là tắc thanh hầu và giọng thở) được xem là một tiêu chí để khu biệt thanh điệu. Các tác giả đã chỉ ra ba thanh điệu có hiện tượng tắc thanh hầu và bốn thanh điệu có kèm giọng thở. Đây là một việc làm có ý nghĩa và hết sức cần thiết bởi có thể, có các thanh điệu cùng tiêu chí cao độ và đường nét, chỉ khác nhau ở hiện tượng tắc hay không tắc thanh hầu, có hay không có giọng thở. Tuy nhiên trong hệ thống thanh điệu của J. A. Edmondson, thanh 5 (55) không thấy được nhắc đến cùng với những đặc trưng cấu âm này. Điều đó cũng có thể khiến chúng ta băn khoăn: Liệu có sự đối lập giữa những nét ngữ âm: tắc thanh hầu/ không tắc thanh hầu, kèm giọng thở/ không kèm giọng thở trong hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn? Ngoài ra, hệ thống thanh điệu mà nhóm J. A. Edmondson trình bày có một số thanh gần gũi nhau không chỉ về đường nét, âm vực mà còn cùng có hiện tượng tắc thanh hầu hay giọng thở, chẳng hạn thanh 4 và thanh 8, thanh 3 và thanh 7. Theo chúng tôi, có thể các thanh điệu này của tiếng Pà Thẻn còn có sự phân biệt khác nữa, chẳng hạn về cách thức tắc thanh hầu và chất lượng giọng thở kèm theo hiện tượng xiết chặt hay chặt vừa của dây thanh, hoặc hiện tượng dây thanh tách ra hầu như toàn bộ chiều dài hay chỉ một đoạn. • Khi miêu tả về hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn, cả Nguyễn Minh Đức và nhóm J. A. Edmondson đều dựa vào tiêu chí về âm vực và đường nét. Sự khác nhau của các tác giả là ở chỗ: Theo Nguyễn Minh Đức, thanh điệu tiếng Pà Thẻn có sự phân biệt về đường nét bằng phẳng hay không bằng phẳng; còn theo J. A. Edmondson, đường nét của các thanh điệu đều bằng phẳng (đi lên, đi xuống hoặc đi ngang). Xuất phát từ quan niệm của mình, Nguyễn Minh Đức đã miêu tả thanh 3 là một thanh “trũng”, xuất phát cao hơn thanh 4, đi xuống thấp nhất so với các thanh điệu khác rồi lại tiếp tục đi lên. Cao độ kết thúc của thanh 3 xấp xỉ với điểm xuất phát của thanh 4. Trên thực tế, ấn tượng về đường nét “trũng” của Nguyễn Minh Đức có thể do hiện tượng tắc thanh hầu đem lại. Khi phát âm âm tiết có âm này, khe thanh có giai đoạn khép lại nhưng không quá chặt ở một âm vực không quá thấp, sau đó mở ra để lại ấn tượng về một sự diễn tiến thoáng qua của âm vực cao (J.A. Edmondson gọi đây là hiện tượng “nhả âm thứ sinh”). Có thể đây là cơ sở để Nguyễn Minh Đức hình dung thanh này có tính chất “trũng”. * Miêu tả và phân loại hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn Miêu tả các thanh điệu tiếng Pà Thẻn: Bằng cảm thụ thính giác và dựa trên kết quả nghiên cứu bằng máy của nhóm tác giả Nguyễn Thu Quỳnh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 80(04): 31 - 36 34 Nguyễn Văn Lợi, có thể nhận thấy, các thanh điệu tiếng Pà Thẻn có những biểu hiện về cao độ (âm vực) và diễn biến cao độ (đường nét) theo thời gian như sau: • Thanh 1: xuất phát ở cao độ rất cao, đường nét đi ngang và kết thúc ở cao độ tương tự như lúc xuất phát; trường độ tương đối dài; có thể được kí hiệu bằng các số 55. Ví dụ: ta33 pi55 (rận); ɡwi55 (móng); kɛ55 te55 (cánh); ʔa43 ʔo55 (anh); vɔ21 βɯ55 (chúng tao); ʑɯ55 (gạo); zɛ 55 (thuốc); kɔ55 (cháo) • Thanh 2: xuất phát ở cao độ trung bình, đường nét đi ngang và kết thúc ở cao độ tương tự như lúc xuất phát; trường độ dài; có thể được kí hiệu bằng các số 33. Ví dụ:tɤ33 kɔ33 (sừng); tɤ33 ɬɯ33 ŋa33 (ngà); phĩ33 tɕɯ33 (mỏ); ʔa33 khuŋ33 mĩ24 (mắt); ve33 ɡɛ33 (lợi); bo33 (lúa); di33 (vải); li33 (cày); pɤ33 (hoa) Đường nét bằng phẳng của thanh 2 gần giống như thanh 1, sự đối lập còn lại ở đây là cao độ. Thanh 2 có cao độ thấp hơn. Giá trị âm vị học của đặc trưng này được khẳng định trong các cặp từ tối thiểu có thanh 1 và thanh 2 như sau: ko55(cũ) ∼ ko33(xa), pɤ55 (nằm) pɤ33(hoa), ka43 tɕɔ55 (năm) ∼ ʔa33 tɕɔ33 (cái nồi) • Thanh 3: xuất phát ở cao độ xấp xỉ thanh 1, đường nét đi ngang khi mới xuất phát sau đó đi xuống ở cao độ xấp xỉ như thanh 2 kèm theo hiện tượng tắc thanh hầu ở cuối giai đoạn phát âm; trường độ tương đối dài; có thể được kí hiệu bằng các số 53. Ví dụ: ta33 kɯ53 (ếch); ta33 kɯ33 lũ53(dòi); ta33 ɬɯ53 (rết); ɲi53 (khâu, may); tɕa53 (cười); lɔ53 (lột); dã53 (đan); tɕe53 (nhớ) Thanh 1 và thanh 3 có các đường nét cao độ tương tự nhưng thanh 3 đi xuống còn thanh 1 bằng phẳng. Giá trị âm vị học của đặc trưng này được khẳng định trong các cặp từ tối thiểu có thanh 1 và thanh 3 như sau: tɤ55 (ra) ∼ ʔa43 tɤ53 (bà ngoại), ʔa43 thɛ55 (than) ∼ thɛ53 hĩ53 (thường) • Thanh 4: xuất phát ở cao độ thấp, đường nét lúc đầu bằng phẳng đi ngang, sau đó đi lên và kết thúc ở cao độ cao hơn cao độ kết thúc của thanh 2 và thanh 3; trường độ dài; có thể được kí hiệu bằng các số 24. Ví dụ: ta33 ɡɛ 33 kwɔ24(gấu); ta33 ɸe24 (tê tê); ta33 mũ24 (chim); pi33 mĩ24 (lông mày); ɕũ43 ʑa43 βje24 (xương sườn); kho24 (khố); ʔa33 ɸi24 (lược) • Thanh 5: xuất phát ở cao độ tương đối cao, thấp hơn thanh 1 và thanh 3 một chút, đường nét hơi đi xuống thoai thoải, kết thúc ở cao độ thấp hơn thanh 2 và thanh 3 một chút, có hiện tượng tắc nhẹ ở thanh hầu ở cuối giai đoạn phát âm; trường độ ngắn hơn thanh 3 một chút; có thể được kí hiệu bằng các số 42. Ví dụ: m53 hĩ42 (hôm nay); kɛ55 hĩ42 (hôm qua); tɤ33 pa42 (thân cây); ʔa33 tɕhɤ42 pa42 (gốc); ʔa33 la43 tɔ42 (sống dao); pja42 (năm - 5) • Thanh 6: xuất phát ở cao độ xấp xỉ thanh 5 một chút, đường nét thoạt đầu bằng phẳng sau đó hơi đi xuống, kết thúc ở cao độ xấp xỉ với cao độ lúc xuất phát, kèm theo tiếng nghẽn ở thanh hầu ở cuối giai đoạn phát âm; trường độ ngắn; có thể được kí hiệu bằng các số 43. Ví dụ: ʔa43 ɕi43 (tro); pĩ43 (gỗ); ka43 te55 (buổi sáng); tɕo43 bo33 (bông lúa); pje43 tɕɤ55 (cà); ta33 kwɤ43 (diều hâu); tɤ33 tɤ43 (đuôi) Thanh 3 và thanh 6 cùng có cao độ kết thúc và cùng có tắc thanh hầu. Sự đối lập ở đây là ở cao độ xuất phát: thanh 3 có cao độ xuất phát cao hơn. Giá trị âm vị học của đặc trưng này được khẳng định trong các cặp từ tối thiểu có thanh 3 và thanh 6 như sau: ʔa43 tɤ53 (bà ngoại) ∼ tɤ33 tɤ43 (đuôi), ta33 ka53 (con dúi) ∼ʑo43 ka43 (nôn)... Sự thể hiện của thanh 5 và thanh 6 gần giống nhau. Nét khác nhau cơ bản để phân biệt giữa hai thanh điệu này là ở chất lượng của hiện tượng tắc thanh hầu. Thanh 6 dây thanh có hiện tượng xiết chặt tạo ra hiện tượng tắc nghẽn hoàn toàn. Thanh 5 tắc thanh hầu nhẹ, dây thanh khép chưa thật chặt, chưa đến mức tắc hoàn toàn. Giá trị âm vị học của đặc trưng này được khẳng định trong các cặp từ tối thiểu có thanh 5 và thanh 6 như sau: ʔa33 hĩ42 (mặt trời) ∼ pa43 hĩ43 (ná), ʔa33 tɕɤ42 (giỏ) ∼ tɕɤ43 (rượu), ʔa43 ɬɔ42 (óc) ∼ lɔ43 (ngắn)... • Thanh 7: xuất phát ở cao độ thấp xấp xỉ thanh 4, đường nét đi xuống khá bằng phẳng với độ dốc vừa phải; trường độ ngắn; kết thúc ở cao độ rất thấp có kèm chất giọng thở; có thể được kí hiệu bằng các số 21. Ví dụ: ʔa43 ko21 pa42 (cành); ta33 nĩ21 (chuột); ta33 kĩ21 (chuồn chuồn); βe33 ta33 ma21 (mật ong); tɤ33 pɯ21 (tay); ʔa33 tɕo21 (cối); tɕĩ21 (lạnh)... • Thanh 8: xuất phát ở cao độ trung bình, xấp xỉ cao độ xuất phát của thanh 2, đường nét đi Nguyễn Thu Quỳnh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 80(04): 31 - 36 35 xuống khá bằng phẳng với độ dốc vừa phải; trường độ dài; kết thúc ở cao độ rất thấp có kèm chất giọng thở; có thể được kí hiệu bằng các số 31. Ví dụ: mã31 hĩ42 (mùa); ʔa33 βjɔ31 pa42 (ngọn); ʔa43 βje31 (ớt); ko31 pe33 (đùi); ʔa33 pɔ31 (búa); ʔa33 mɔ31 (lưới); ʔa33 kɔ31 ʑi31(cái ghế) Thanh 7 và thanh 8 có sự thể hiện gần giống nhau. Cùng là thanh có âm vực rất thấp có kèm giọng thở. Hai thanh này chỉ phân biệt ở cao độ xuất phát (thanh 8 cao hơn thanh 7 một chút) và ở chất lượng giọng thở. Trong thanh 8, dây thanh tách ra một đoạn ngắn, lưỡi hơi nhích về phía trước. Thanh 7 cấu âm sâu hơn khi dây thanh tách ra hầu như toàn bộ chiều dài, lưỡi nhích lên phía trước nhiều hơn khiến giọng thở của thanh 7 sâu hơn, rõ rệt hơn. Trong trường hợp này, hiện tượng kèm giọng thở là một tiêu chí quan trọng để khu biệt thanh điệu. Giá trị âm vị học của đặc trưng này được khẳng định trong các cặp từ tối thiểu có thanh 7 và thanh 8 như sau: tɛ21 ɕi43 (mồ côi) ∼ ʔa33 tɛ31 (cái bát), tɤ21 (củi) ∼ tɤ31 tɕɤ43(dâng rượu)... Phân loại thanh điệu tiếng Pà Thẻn: Từ những mô tả ở trên, các thanh điệu tiếng Pà Thẻn có thể được khu biệt theo những tiêu chí khác nhau: hoặc theo âm vực, hoặc theo âm điệu, hoặc theo hiện tượng tắc thanh hầu, hoặc theo hiện tượng kèm giọng thở. Về âm vực, có thể phân biệt hai loại thanh căn cứ vào những nét khu biệt: thanh điệu có âm vực cao: thanh 1, thanh 3, thanh 4; thanh điệu có âm vực thấp: thanh 2, thanh 5, thanh 6, thanh 7, thanh 8. Về đường nét, có thể phân biệt hai loại thanh căn cứ vào những nét khu biệt: thanh điệu bằng đi ngang: thanh 1, thanh 2, thanh điệu bằng đi lên hoặc đi xuống: thanh 3, thanh 4, thanh 5, thanh 6, thanh 7, thanh8. Trong thanh điệu bằng đi lên hoặc đi xuống, có thể phân biệt: thanh điệu có kèm hiện tượng tắc thanh hầu: thanh 3, thanh 5, thanh 6; thanh điệu không kèm hiện tượng tắc thanh hầu: thanh 4, thanh 7, thanh 8 Dựa vào tiêu chí tắc thanh hầu nhẹ hoặc mạnh, có thể tiếp tục phân biệt thanh 5 và thanh 6. Dựa vào tiêu chí kèm giọng thở sâu và không sâu, kết hợp với âm vực, có thể phân biệt thanh 7 và thanh 8. KẾT LUẬN Nếu như ngữ điệu là đặc trưng của câu, trọng âm là đặc trưng của từ thì thanh điệu là đặc trưng của âm tiết. Không phải ngôn ngữ nào cũng có thanh điệu. Thanh điệu có chức năng khu biệt ý nghĩa nên thanh điệu tiếng Pà Thẻn được xem là âm vị chân thực. Hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn gồm có 8 thanh. Các thanh được khu biệt theo các tiêu chí: âm vực, âm điệu, hiện tượng kèm giọng thở hoặc hiện tượng tắc thanh hầu; trong đó đáng chú ý là hiện tượng kèm giọng thở. Thanh có dây thanh tách ra hầu như toàn bộ chiều dài, lưỡi nhích lên về phía trước nhiều hơn sẽ có cấu âm và chất giọng thở sâu hơn thanh được phát âm với dây thanh chỉ tách ra một đoạn ngắn và lưỡi hơi nhích về phía trước. Ở những thanh cùng có hiện tượng tắc thanh hầu thì sự phân biệt là ở chỗ: thanh được phát âm với dây thanh khép chưa thật chặt, chưa đến mức tắc hoàn toàn là thanh tắc thanh hầu nhẹ; thanh có dây thanh xiết chặt là thanh tắc thanh hầu hoàn toàn. Từ kết quả nghiên cứu, bước đầu tác giả bài viết đề nghị hệ thống thanh điệu tiếng Pà Thẻn gồm 8 thanh: Thanh 1(55), Thanh 2 (33), Thanh 3 (53ʔ), Thanh 4 (24), Thanh 5 (42ʔ), Thanh 6 (43ʔ), Thanh 7 (21), Thanh 8 (31). TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lí Vân Binh (1995), Bàn về vị trí Pà Hưng trong ngôn ngữ Mèo Dao, Luận văn thạc sĩ Đại học Dân tộc trung ương, Trung Quốc. [2]. Nguyễn Văn Chỉnh (1971), Từ điển Mèo - Việt, Nxb KHXH, H. [3]. Hoàng Cao Cương (2002), “Bước đầu tìm hiểu về biểu diễn âm vị học tiếng Việt”, Những vấn đề ngôn ngữ học (Kỉ yếu Hội nghị khoa học 2001), Phòng Thông tin Ngôn ngữ học, H, tr. 37 - 48. [4]. Khổng Diễn, Bùi Minh Đạo (chủ biên) (2003), Dân tộc học Việt Nam - thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, Nxb KHXH, H. [5]. Trần Trí Dõi (1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb ĐHQG, H. [6]. Lê Duy Đại, Triệu Đức Thanh (chủ biên) (2004), Các dân tộc ở Hà Giang, Nxb Thế giới - Trung tâm Thông tin văn hoá các dân tộc, H. [7]. Edmondson J. A., Gregerson K. J., Nguyễn Văn Lợi (2001), “Vài khía cạnh của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số miền cực bắc Việt Nam: Dân tộc Nguyễn Thu Quỳnh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 80(04): 31 - 36 36 Đồng, Thuỷ, Pà Thẻn của hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang”, Việt Nam học (Kỉ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất - 1998), Nxb Thế giới, H, tr. 47 - 64. [8]. Ninh Văn Hiệp (chủ biên) (2006), Văn hoá phong tục Pà Thẻn - bảo tồn và phát huy, Nxb VHDT, H. [9]. Tô Hoá Long (1990), Hiện đại Miền ngữ nghiên cứu, Nxb Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc. [10]. Nguyễn Văn Lợi (1993), “Lịch sử tộc người Mèo - Dao qua cứ liệu ngôn ngữ”, Tạp chí Ngôn ngữ, (4), tr. 25 - 41. [11]. Nguyễn Văn Lợi, Lý Toàn Thắng (2001), “Về sự phát triển của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thế kỉ XX”, Tạp chí Ngôn ngữ, (2), tr. 1 - 11. [12]. Hoàng Văn Ma (2002), Ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam (một số vấn đề về quan hệ cội nguồn và loại hình học), Nxb KHXH, H. [13]. Phan Hữu Dật (1999), “Pà - Tẻn và mối quan hệ Mèo - Dao ở Việt Nam”, Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb ĐHQG, H, tr. 568 - 577. [14]. Nguyễn Thu Quỳnh (2008), Từ ngữ xưng gọi trong tiếng Pà Thẻn, Hội thảo Ngữ học trẻ - Xuân 2008, thành phố Vinh - Nghệ An. [15]. Lại Văn Toàn (2002), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ những năm 90, Thông tin KHXH, H. [16]. Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt, Nxb ĐHQG, H. [17]. Zinder L. S. (1960), Ngữ âm học đại cương (sách dịch), Nxb Trường Đại học Tổng hợp Lêningrad. SUMMARY ABOUT THE SYSTEM TONAL LANGUAGE PA THEN Nguyen Thu Quynh* College of Education - TNU In the description of phonetics - phonology of tonal systems language Pa then, the most notable feature is the tone of voice with breathing or the bar code virtually phenomenon. In fact, some tonal language Pa then not only be recognized on the pitch and lines, but also to any discrimination in breathing voice. The main criteria include areas such as special breathing or vocal sound virtually rules in different levels have helped to identify a system tonal key language Pa then plentiful numbers: 8-tones. Keywords: ethnic, language, Pa then, phonectic, tone * Tel:0975459119

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbrief_33205_37031_3082012145344tap80so04_nam2011_split_6_1192_2052490.pdf