Vài nét đặc trưng về tư duy văn hóa của người Trung Hoa và người Việt Nam qua thành ngữ chúc tụng

“Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc , ngôn ngữ tập trung tinh thần của nhân dân, thế giới quan của nhân dân” [3]. Thông qua ngôn ngữ, chúng ta hiểu biết thêm về văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đồng thời nhận ra chính mình, bởi “ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của một nền văn hóa dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất” [3]. Do vậy, sẽ là thiếu sót nếu nghiên cứu tìm hiểu đặc trưng tư duy văn hóa dân tộc của một quốc gia mà lại không nhắc đến thành ngữ. Thông qua việc nghiên cứu thành ngữ chúc tụng trong tiếng Hán và tiếng Việt chúng tôi đã thấy được những nét tương đồng về đặc trưng tư duy văn hóa của hai dân tộc Trung Hoa và Việt Nam, đồng thời có cơ hội đi sâu tìm hiểu những nét đặc trưng tư duy văn hóa mang sắc thái riêng biệt của từng dân tộc.

pdf8 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 561 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vài nét đặc trưng về tư duy văn hóa của người Trung Hoa và người Việt Nam qua thành ngữ chúc tụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 88-95 VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ TƯ DUY VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TRUNG HOA VÀ NGƯỜI VIỆT NAM QUA THÀNH NGỮ CHÚC TỤNG DƯƠNG THỊ KIM HẰNG - LIÊU LINH CHUYÊN Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế Tóm tắt: Ngôn ngữ sinh ra, biến đổi và phát triển luôn đồng hành cùng sự biến đổi phát triển của cuộc sống con người, là công cụ đắc lực giúp con người chuyển tải những tâm tư tình cảm, đồng thời phản ánh đặc trưng văn hóa của dân tộc một cách đa chiều và sâu sắc nhất. Trong cuộc sống, chúng ta luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến cho mọi người. Có lẽ không món quà nào có giá trị hơn những lời chúc chân thành trong các dịp trọng đại hay những cột mốc, sự kiện quan trọng của đời người. Việc chúc tụng đã ra đời và trở thành một nét văn hóa tốt đẹp từ bao đời nay của mỗi dân tộc. Điều đó đặc biệt được phản ánh đậm nét trong hệ thống thành ngữ tiếng Hán và tiếng Việt. Thông qua thành ngữ chúc tụng, hai ngôn ngữ đã phản ánh những nét tư duy văn hóa của mỗi dân tộc theo cách riêng, mang đặc điểm riêng của dân tộc mình. MỞ ĐẦU Theo “汉语应用词典” (Từ điển tiếng Hán ứng dụng) của Nhà xuất bản Thương vụ [10], “Từ điển Tiếng Việt thông dụng” do Nguyễn Như Ý chủ biên [8], và “Từ điển Tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên [1], khái niệm chúc tụng trong tiếng Hán và tiếng Việt đều mang ý “chúc mừng và ca ngợi”. Có thể nói chúc tụng là một trong những nghi thức giao tiếp không thể thiếu trong đời sống, thể hiện sự cầu mong tốt đẹp của người nói dành cho người nghe. Đó là sự chia sẻ, hoặc tôn vinh niềm vui với tinh thần đầy thiện chí, đồng thời cũng là một tín hiệu giao tiếp thể hiện sự tích cực trong việc duy trì mối quan hệ, giúp khoảng cách giữa người nói và người nghe xích lại gần hơn. Trong tâm lý của người Trung Hoa và người Việt Nam, những lời chúc là thói quen, là nhu cầu trong mối quan hệ với cộng đồng. Nó đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp của hai dân tộc được thể hiện sâu sắc trong ngôn ngữ, đặc biệt trong thành ngữ. Tính cách chân tình cởi mở, tinh tế trong giao thiệp là đặc điểm chung của hai dân tộc Việt - Trung. Điều đó được thể hiện qua việc sử dụng thành ngữ trong các hành vi giao tiếp khác nhau, đặc biệt là thành ngữ chúc tụng. Thành ngữ chúc tụng tiếng Hán phong phú, đa dạng, đáp ứng được mọi nhu cầu trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ của con người. Chúng tôi đã dựa vào cuốn “汉语成语分类辞典” (Từ điển phân loại thành ngữ tiếng Hán) của tác giả Lý Tấn Lâm, Trần Tụng Cầm [8] và cuốn “汉大成语辞典” (Đại từ điển thành ngữ Hán) [11] tiến hành thống kê, kết quả có được 203 thành ngữ tiếng Hán gồm các nội dung như sau: 1. Chúc tết, ví dụ: “大吉大利” (đại cát đại lợi), “百年大吉” (bách niên đại cát); 2. Chúc trung thu, như: “上和下睦” (thượng hòa hạ mục, trên thuận VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ TƯ DUY VĂN HÓA... 89 dưới hòa) “团团圆圆” (đoàn đoàn viên viên, sum họp đoàn viên); 3. Chúc ngày nhà giáo “诲人不倦” (hối nhân bất quyện, tạm dịch dạy không mệt mỏi); 4. Chúc trong công việc kinh doanh, như “马到成功” (mã đáo thành công); 5. Chúc hợp tác ngoại giao, như “万古常青” (vạn cổ thường thanh, mãi mãi xanh tươi); 5. Chúc mừng hôn nhân “早生贵子” (sớm sinh quý tử); 6. Chúc thọ “寿比山岳” (thọ tỉ sơn nhạc, thọ tựa như núi); 7. Chúc sinh nhật “青春常在” (thanh xuân thường tại); 8. Chúc học hành tấn tới, như “金榜提名” (kim bảng đề danh); 9. Chúc tân gia “乔迁之喜” (kiều thiên chi hỉ, tạm dịch chúc hỷ tân gia); 10. Chúc lên đường “一路顺风” (nhất lộ thuận phong); 11. Chúc phát triển giàu mạnh “欣欣向荣” (hân hân hướng vinh, tạm dịch: phát triển đi lên)... Đối chiếu với thành ngữ chúc tụng tiếng Hán, dựa vào cuốn “Từ điển thành ngữ tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Như Ý [6] và “Tân từ điển thành ngữ tiếng Việt” của tác giả Kiều Văn [5] có kèm theo ví dụ cụ thể, chúng tôi đã thống kê được 145 thành ngữ bao gồm thành ngữ chúc tụng trong các loại sau đây trong tiếng Việt: 1. Chúc tết, như “an khang thịnh vượng”; 2. Chúc công việc kinh doanh “mã đáo thành công”; 3. Chúc hợp tác ngoại giao “trường tồn”; 4. Chúc tình yêu hôn nhân “con bồng con bế” ; 5. Chúc thọ “trường sinh bất lão” ; 6. Chúc học hành “tấn tới”; 7. Chúc sinh nhật “cầu được ước thấy”; 8. Chúc tân gia “của cải đầy nhà ; 9. Chúc lên đường “đi đến nơi về đến chốn”; 10. Chúc sinh nở “mẹ tròn con vuông” ; 11. Chúc đất nước “dân giàu nước mạnh”... 1. ĐẶC TRƯNG TƯ DUY - VĂN HÓA THỂ HIỆN TRONG THÀNH NGỮ CHÚC TỤNG TIẾNG HÁN Ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải đặc trưng tư duy văn hóa dân tộc một cách sâu sắc nhất. Đơn vị từ vựng thực hiện đầy đủ nhất chức năng này là thành ngữ, bởi thành ngữ chính là kết tinh văn hóa của một dân tộc. Qua nghiên cứu thành ngữ chúc tụng tiếng Hán, chúng tôi đã thấy rõ được điều đó. Lấy ví dụ như trong thành ngữ chúc công việc “马到成功” (mã đáo thành công) xuất hiện hình ảnh “con ngựa”. Ngựa là con vật được người dân Trung Hoa yêu quý, thường xuất hiện trên các bức tranh ảnh treo trong gia đình của họ. Hình ảnh ngựa toát lên một vẻ ngoài vừa phóng khoáng, mạnh mẽ, quyết đoán, lại vừa ung dung tự do tự tại Đó cũng là một trong những đặc trưng tính cách – tinh thần – văn hóa của người dân Trung Hoa. “Mã đáo thành công” là câu cửa miệng ngày xưa thường dùng để chúc cho sự thành công thuận lợi trong mọi việc . Trong dịp trung thu, người Trung Hoa thường dùng các thành ngữ như “上下和睦” (thượng hạ hòa mục), “和家欢乐”, “和家一堂” (hòa gia hoan lạc/ hòa gia nhất đường, tạm dịch gia đình vui vẻ) với hàm ý chúc gia đình luôn hòa thuận. Trong công việc kinh doanh, hợp tác ngoại giao, chủ trương giữ thái độ hòa khí thể hiện trong thành ngữ “和气生财” (hòa khí sinh tài), “和睦共处” (hòa mục cộng xử, tạm dịch là sống chung hòa mục). Thành ngữ chúc tụng đã phần nào phản ánh tư tưởng “Trung Dung” của văn hóa Trung Hoa. Tư tưởng “Trung Dung” chủ trương duy trì thái độ trung lập, hài hòa trong mọi quan hệ đối nhân xử thế cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, tư tưởng “hòa” đặc biệt DƯƠNG THỊ KIM HĂNG – LIÊU LINH CHUYÊN 90 được người dân Trung Hoa coi trọng. Mạnh Tử đã nói: “天时不如地利, 地利不如人 和” (thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa), nghĩa là thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Điều này nói lên được tầm quan trọng của việc duy trì duy hòa khí trong quan hệ giữa người với người, giữa người với xã hội, với môi trường. Nếu đi ngược lại điều này thì mối quan hệ sẽ trở nên mâu thuẫn căng thẳng, nảy sinh xung đột trong gia đình cũng như xã hội. Có thể nói, người Trung Hoa tôn trọng chữ “hòa” bởi Trung Hoa là một đất nước đất rộng người đông, sự xung đột giành quyền lợi giữa người với người rất dễ xảy ra, việc nảy sinh các loại mâu mâu thuẫn trong gia đình cũng như xã hội là điều không thể tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, việc cố gắng tìm biện pháp tránh những xung đột về lợi ích, tạo mối quan hệ hòa thuận là vô cùng cần thiết. Đạo Trung Dung với tư tưởng “以和为贵” (dĩ hòa vi quý) [9] ra đời như một cứu cánh. Ở một mức độ nào đó tư tưởng này đã ảnh hưởng tích cực đến nhân sinh quan của người dân Trung Hoa, trở thành tư tưởng văn hóa quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử văn hóa Trung Hoa. Thành ngữ “早生贵子” (sớm sinh quý tử) và “乘龙配凤” (thừa long phối phụng, sánh phượng cỡi rồng) để chúc trong hôn nhân đã phần nào thể hiện rõ tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ của người dân. Trung Hoa là đất nước có nền phong kiến kéo dài và nặng nề nhất tại Châu Á. Người đàn ông được coi là trung tâm, nắm mọi quyền lực trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Người phụ nữ không có bất kỳ một vị trí nào đáng kể. Vậy nên đối với họ, việc không có con trai là một điều bất hiếu đối với dòng họ tổ tiên. Khổng Tử từng nhận định “不孝有三,无子为大” (“bất hiếu hữu tam, vô tử vi đại”, có nghĩa là bất hiếu có 3 điều, trong đó không có con trai là điều bất hiếu lớn nhất). Tư tưởng này đã hằn sâu vào trong tâm thức của người dân Trung Hoa và vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, không dễ gì xóa bỏ. Qua thành ngữ chúc tụng, đặc biệt là chúc tết, chúc trung thu, chúc thọ, chúng ta cảm nhận được một đời sống tinh thần phong phú của người dân Trung Hoa. Đáng lưu ý là, qua văn hóa chúc thọ, văn hóa cộng đồng làng xã của đời sống dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đã hiện lên rõ nét. Nét văn hóa này lại gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ hàng nghìn năm. Đặc trưng của đất nước nông nghiệp chủ yếu là sinh hoạt cộng đồng, phổ biến những mô hình làng xã, các tập thể người sống cùng nhau tạo nên một cộng đồng người gắn kết với nhau, tương trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh điều kiện. Do đó chúng ta thấy các thế hệ trong gia đình Trung Hoa luôn sống cùng nhau dưới một mái nhà, thế hệ trước chăm sóc chỉ bảo dạy dỗ thế hệ sau, thế hệ sau kính trọng hiếu thuận với thế hệ trước. Đó là phương thức sống mà người dân Trung Hoa hay gọi là “tứ đại đồng đường”, là nét đẹp văn hóa vẫn còn được lưu giữ và phát triển trong cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, thành ngữ chúc tụng tiếng Hán còn phần nào phản ánh tư duy nhận thức, văn hóa tâm linh của người Trung Hoa. Chẳng hạn, người dân Trung Hoa lấy hình ảnh con rồng để làm con vật sùng bái, mang tính chất thiêng liêng được tôn thờ ở những nơi uy nghi, trầm mặc như đền đài, lăng tẩm. Trong nhận thức tư duy của họ, rồng là con vật biểu tượng cho sự quyền uy, cho sức mạnh. Người Trung Hoa đã tưởng tượng ra VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ TƯ DUY VĂN HÓA... 91 một hình ảnh tổng quát mọi ưu điểm và đặt nó tại vị trí rất cao trong tâm tưởng. Nó biểu trưng cho sự may mắn và cao quý. Bởi vậy, rồng là hình ảnh rất thân thuộc gắn bó với đời sống văn hóa như lễ tết, cưới hỏi, khai trươngvà đi vào các lĩnh vực nghệ thuật như thơ ca, hội họa, thiết kế mỹ thuậtĐất nước Trung Hoa từ đó được coi như quê hương của văn hóa rồng. 2. ĐẶC TRƯNG TƯ DUY VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT QUA THÀNH NGỮ CHÚC TỤNG TIẾNG VIỆT Ngôn ngữ không chỉ là những đơn vị dùng để giao tiếp đơn thuần mà nó còn là đơn vị văn hóa, ở nó chứa đựng những đặc trưng tư duy văn hóa của từng dân tộc. Thành ngữ là đơn vị ngôn ngữ thể hiện rõ nhất điều này. Chẳng hạn, tính biểu trưng của những bộ phận cơ thể của con người trong thành ngữ chúc tụng tiếng Việt như “bền gan vững chí”, “một lòng một dạ” ở một góc độ nhất định đã phần nào phản ánh văn hóa nhận thức của người Việt Nam. Văn minh Việt Nam là văn minh lúa nước. Cuộc sống của người Việt gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Đối với người Việt, con người và vũ trụ được quan niệm nằm trong một thể thống nhất (thiên địa vạn vật nhất thể) cho nên vũ trụ thế nào thì con người như thế ấy. Con người được xem là một “tiểu vũ trụ”, các mô hình nhận thức đúng với vũ trụ thì cũng sẽ đúng với lĩnh vực con người. Từ xưa, người Việt Nam đã quan niệm trong vũ trụ có âm dương và cấu trúc theo Ngũ hành (thủy – hỏa – kim – mộc – thổ). Con người cũng vậy, bao gồm phần âm – phần dương, và cấu trúc gồm 5 tạng, 5 phủ, 5 giác quan, 5 chất cấu tạo nên cơ thể đều hoạt động theo nguyên lý Ngũ Hành. Trong đó, bộ phận Can (gan) thuộc Ngũ tạng và lòng , dạ đều là những bộ phận hết sức quan trọng, được người Việt đưa vào thành ngữ nhằm biểu trưng cho tâm lý tình cảm của con người [2], [4]. Để biểu thị sự vững chãi, người Việt dùng dùng yếu tố “gan” trong thành ngữ như“bền gan vững chí”. Để biểu thị sự chung thủy, người Việt dùng yếu tố “lòng, dạ” trong thành ngữ “một lòng một dạ”. Việc lấy quy luật vận động trong vũ trụ để nhận thức con người đã chứng minh rằng ngay từ thời xa xưa, tổ tiên người Việt đã có sự vận dụng quy luật loại suy khi tư duy nhận thức các lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt ở người Việt, thế giới tâm lý tình cảm của con người nói chung được biểu thị một cách tượng trưng, ước lệ bằng bộ phận chứa đựng trong bụng, tức là “lòng người”, như trong thành ngữ “một lòng một dạ”... Trong khi đó, ngôn ngữ của các dân tộc khác rất hiếm lấy “lòng người” để biểu trưng cho tâm lý – tình cảm con người. Qua thành ngữ, bản sắc dân tộc và đặc trưng văn hóa tư duy nhận thức riêng của người Việt hiện ra rõ nét. Thành ngữ chúc tụng tiếng Việt, cụ thể là thành ngữ chúc thọ, hay chúc tết cũng giúp chúng ta cảm nhận được đặc trưng của một nền văn hóa nông nghiệp mang tính cộng đồng cao được ghi dấu bên trong. Người Việt Nam rất coi trọng vấn đề con cái, họ luôn quan niệm “đông con hơn đông của” nên trong lời chúc cho các cặp vợ chồng luôn mang hàm ý “con bồng con bế”. Người Việt cũng rất coi trọng cái tình, thể hiện qua thành ngữ chúc tụng tình yêu hôn nhân như “tình sâu nghĩa nặng”. Trong bất cứ tình huống nào, cái tình cũng được đặt lên trên cái lý, đó chính là bản sắc văn hóa Việt Nam được gìn giữ và phát huy từ ngàn xưa đến nay. DƯƠNG THỊ KIM HĂNG – LIÊU LINH CHUYÊN 92 Những thành ngữ như “mẹ tròn con vuông” - chúc trong sinh nở và “ba vuông bảy tròn” - chúc trong công việc cũng phản ánh đặc trưng văn hóa tư duy nhận thức của người Việt Nam. Người Việt Nam quan niệm rằng tròn tượng trưng cho trời, vuông tượng trưng cho đất. Trời và đất giao hòa làm một thể hiện sự hài hòa, trọn vẹn, hoàn chỉnh. Vậy nên thành ngữ “mẹ tròn con vuông” dùng để chúc cho người phụ nữ ở giai đoạn khó khăn nhất, với mong muốn họ sinh con một cách an toàn, cả con và cả mẹ đều mạnh khỏe. Quan niệm trời tròn đất vuông vốn là quan niệm không phù hợp với thế giới quan khoa học nên đây chỉ có thể là quan niệm của những dân tộc có nền văn minh nông nghiệp gắn với cách tư duy trực quan cảm tính, điều đó đặc biệt phản ánh cách tư duy tri nhận “dân gian” mang dấu ấn riêng của người Việt Nam. Cũng giống như thành ngữ chúc tụng tiếng Hán, thông qua thành ngữ chúc tụng tiếng Việt “chồng loan vợ phượng”, hay “sớm sinh quý tử”, quan điểm tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” của người Việt phần nào đã bộc lộ, bởi Việt Nam cũng giống như một số nước Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.., từng là một nước phong kiến kéo dài hàng nghìn năm và chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến Trung Hoa. Cho đến nay tư tưởng hạn chế này vẫn ăn sâu vào tiềm thức, chi phối suy nghĩ của phần đông người dân Việt Nam, và nó vẫn là vấn đề không dễ dàng gì để xóa bỏ được. 3. NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT VỀ ĐẶC TRƯNG TƯ DUY VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TRUNG HOA VÀ NGƯỜI VIỆT NAM QUA THÀNH NGỮ CHÚC TỤNG TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT Qua thành ngữ chúc tụng của tiếng Hán và tiếng Việt hiện diện trên các lĩnh vực, chúng ta cảm nhận được nét đẹp của văn hóa chúc giữa hai dân tộc. Đời sống tinh thần hết sức phong phú của dân tộc Trung Hoa và Việt Nam đã được thể hiện. Ta dễ dàng nhận thấy sự tương đồng về văn hóa hai dân tộc ở nhiều phương diện, chẳng hạn như về tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Có thể nói tư tưởng phong kiến của Trung Hoa mà cụ thể là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân Trung Hoa mà còn ảnh hưởng đến hầu hết các dân tộc Châu Á khác. Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi đó, thể hiện qua thành ngữ như “chồng loan vợ phượng”, “sớm sinh quý tử” . Bên cạnh đó, những thành ngữ chúc hôn nhân như “早生贵子” (tảo sinh quý tử, sớm sinh quý tử) trong tiếng Hán và “sớm sinh quý tử”, “con bồng con bế”, “con cháu đầy đàn” trong tiếng Việt đã phản ánh đặc trưng của hai dân tộc có nền văn hóa gắn với nông nghiệp lúa nước: chủ yếu cần sức mạnh tay chân trong lao động, cần phải có một lực lượng đông đảo tham gia vào công việc. Hai dân tộc Trung Hoa và Việt Nam luôn có tư tưởng là phải sinh con cái để nối dõi tông đường và họ luôn tâm niệm rằng “đông con hơn đông của”, vậy nên đối với họ, sinh con đẻ cái là một vấn đề rất quan trọng. Tư tưởng đó đã phản ánh rõ nét trong thành ngữ chúc của hai dân tộc. Qua những thành ngữ “始终如一” (thủy chung như nhất), “情深意重” (tình thâm ý trọng) trong tiếng Hán và “thủy chung như nhất”, “trước sau như một”, “tình sâu nghĩa nặng”, ta cũng thấy được cả hai dân tộc đều luôn đề cao chữ “tình”. Như chúng VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ TƯ DUY VĂN HÓA... 93 tôi đã đề cập đến, cả hai dân tộc đều dựa vào nền nông nghiệp lúa nước là chính, mà nền nông nghiệp đó được xây dựng trên nền tảng văn hóa cộng đồng vững chắc, những con người trong cộng đồng luôn nương tựa, giúp đỡ, “tối lửa tắt đèn có nhau”, từ đó mà họ luôn coi trọng tình cảm, thậm chí luôn đặt cái “tình” lên trên hết. Những thành ngữ chúc trong tiếng Hán như “上和下睦” (thượng hòa hạ mục), “和气生财” (hòa khí sinh tài), “和睦共处” (hòa mục cộng xử, tạm dịch là quan hệ hòa mục) và “chồng hòa vợ thuận”, “chung sống hòa bình” trong tiếng Việt đã phản ánh tư tưởng Trung Dung và triết lý Âm Dương có ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống và cách đối nhân xử thế của người Trung Hoa và người Việt Nam. Cả hai dân tộc đều luôn đề cao yếu tố “hòa” trong gia đình cũng như trong giao tiếp xã hội. Ngoài ra, những thành ngữ chúc tết, chúc thọ của tiếng Hán và tiếng Việt cũng thể hiện rõ nét một đặc trưng văn hóa nông nghiệp mang tính cộng đồng cao. Trung Hoa và Việt Nam là hai dân tộc láng giềng có nhiều sự tương đồng trong ngôn ngữ cũng như về văn hóa, tuy nhiên mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng khác biệt tạo nên bản sắc của riêng mình. Điều đó làm nên hiện tượng mà chúng ta gọi là “ô trống” trong ngôn ngữ và văn hóa. Chúng ta có thể thấy văn hóa chúc tụng của người dân Trung Hoa thể hiện đậm nét trong thành ngữ, đặc biệt là văn hóa chúc trong lễ tết trung thu và ngày lễ nhà giáo, làm nên một nét văn hóa riêng mà trong thành ngữ tiếng Việt không thấy phản ánh. Như chúng ta biết, qua thành ngữ có thể hiểu phần nào cách tư duy tri nhận của một cộng đồng, chẳng hạn như thành ngữ chúc sinh nở “mẹ tròn con vuông” của tiếng Việt phản ánh cách tri nhận riêng biệt của người Việt Nam mà không thấy trong thành ngữ chúc của tiếng Hán. Giữa các ngôn ngữ có sự tương đồng trong việc sử dụng những hình ảnh có tính biểu trưng đối với từng hiện thực khách quan cụ thể thì đồng thời vẫn tồn tại những trường hợp sử dụng những hình ảnh biểu trưng khác cho cùng một hiện thực khách quan. Điều này cũng phản ánh đặc trưng văn hóa, tâm lý thói quen tư duy của từng dân tộc. Ví dụ: để chúc hôn nhân được bền lâu, người Trung Hoa dùng thành ngữ “白头偕老” (đầu bạc đến già) với hình ảnh “đầu bạc” để biểu trưng. Người Việt cũng có cách chúc tương tự như “đầu bạc răng long” hay “tóc bạc răng long”, “kết tóc xe tơ”. Tuy nhiên, nếu ở thành ngữ tiếng Hán chỉ xuất hiện yếu tố “đầu” và hình ảnh “đầu bạc”, thì trong thành ngữ tiếng Việt ngoài hình ảnh “đầu bạc”, còn xuất hiện hình ảnh “răng long”, “tóc bạc”. Đối với người Việt Nam, các yếu tố, bộ phận của con người đều là những thứ gần gũi nhất, đặc biệt người Việt Nam luôn coi “cái răng, cái tóc là gốc con người” nên yếu tố răng và tóc được đưa vào thành ngữ gắn với hình ảnh khác nhau để biểu trưng cho nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong thành ngữ chúc tụng chúng tôi đang nghiên cứu, hình ảnh “tóc bạc”, “răng long” là những quá trình lão hóa được dùng để biểu trưng sự bền lâu trong hôn nhân. Nếu như trong thành ngữ chúc tình yêu hôn nhân, để biểu thị sự thủy chung, thành ngữ Hán dùng bộ phận Tim “一心一意” (nhất tâm nhất ý), “心心相印” (tâm tâm tương ấn),“同心同德” (đồng tâm đồng đức), thì thành ngữ Việt DƯƠNG THỊ KIM HĂNG – LIÊU LINH CHUYÊN 94 sử dụng yếu tố “lòng” và “dạ” để biểu trưng tình cảm thủy chung, trước sau như một, với thành ngữ “một lòng một dạ”. Yếu tố “lòng” trong thành ngữ tiếng Việt, ngoài biểu trưng cho tâm lý, tình cảm nó còn biểu trưng cho sự hợp tác như “chung sức chung lòng”. Điều đó nói lên rằng, đối với việc biểu trưng tâm lý, tình cảm, mỗi dân tộc chọn những bộ phận cơ thể khác nhau để “định vị” theo quan niệm của mình. Ngược lại, cùng một bộ phận cơ thể có thể được “phân công chức năng” biểu trưng các hiện tượng tâm lý hay thực tế khác nhau. Điều này phản ánh những quan niệm, thói quen tâm lý của từng dân tộc. Như đã nói, để thể hiện toàn bộ những trạng thái tâm lý tình cảm người Việt có thói quen lấy “lòng người” để biểu trưng chung khái quát, trong khi đó thì người Trung Hoa lại quen cách lấy những yếu tố, bộ phận cụ thể để biểu trưng [3]. Tuy có những điểm tương đồng về tư duy nhận thức đối với hiện thực khách quan, nhưng mỗi dân tộc vẫn có cách nhìn nhận sự việc khác nhau, trong mức độ hay cách thức biểu đạt. Chẳng hạn để chúc cho tình yêu, người Trung Hoa sử dụng thành ngữ “江 枯石栏” (giang khô thạch lạn, sông cạn đá nát), “海枯石烂” (hải khô thạch lạn, biển cạn đá nát) và trong tiếng Việt cũng có thành ngữ tương tự “sông cạn đá mòn”, “biển cạn đá mòn”. Tuy nhiên, ở thành ngữ Việt Nam chỉ là ở mức độ “mòn”, còn ở thành ngữ chúc tiếng Hán lại đạt đến mức độ “nát”, mạnh hơn nhiều lần. Điều này chứng tỏ về phương diện tình cảm, người Trung Hoa thường có thói quen biểu đạt với một cường độ mạnh hơn người Việt Nam. Tương tự với thành ngữ chúc lên đường, “一路平安” (nhất lộ bình an) trong tiếng Hán và “thượng lộ bình an” trong tiếng Việt, có thể thấy người Việt Nam đã vay mượn thành ngữ “一路平安” rồi thay chữ “nhất” thành chữ “thượng”. “Thượng” có nghĩa là “lên”, hàm ý lên đường may mắn bình an. Người Việt theo thói quen diễn đạt thường nói lên đường may mắn hay thượng lộ bình an chứ ít khi nói “nhất lộ bình an”. Điều này chứng tỏ trong quá trình tiếp xúc giao lưu vay mượn thành ngữ Hán nhằm bổ sung cho nhu cầu biểu đạt ngày càng phong phú của dân tộc mình, người Việt đã không vay mượn một cách rập khuôn cứng nhắc mà khéo thay đổi sao cho phù hợp với đặc trưng biểu đạt của dân tộc. KẾT LUẬN “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, ngôn ngữ tập trung tinh thần của nhân dân, thế giới quan của nhân dân” [3]. Thông qua ngôn ngữ, chúng ta hiểu biết thêm về văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đồng thời nhận ra chính mình, bởi “ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hóa dân tộc nào. Chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của một nền văn hóa dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất” [3]. Do vậy, sẽ là thiếu sót nếu nghiên cứu tìm hiểu đặc trưng tư duy văn hóa dân tộc của một quốc gia mà lại không nhắc đến thành ngữ. Thông qua việc nghiên cứu thành ngữ chúc tụng trong tiếng Hán và tiếng Việt chúng tôi đã thấy được những nét tương đồng về đặc trưng tư duy văn hóa của hai dân tộc Trung Hoa và Việt Nam, đồng thời có cơ hội đi sâu tìm hiểu những nét đặc trưng tư duy văn hóa mang sắc thái riêng biệt của từng dân tộc. VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ TƯ DUY VĂN HÓA... 95 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Phê (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng. [2] Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [3] Nguyễn Đức Tồn (2008), Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Khoa học Xã hội. [4] Nguyễn Đức Tồn (2009), Đặc trưng tư duy của người Việt qua ẩn dụ tri nhận trong thành ngữ, tạp chí ngôn ngữ, (số 1). [5] Kiều Văn (2003), Tân từ điển thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục. [6] Nguyễn Như Ý (1993), Từ điển thành ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa. [7] Nguyễn Như Ý (1997), Từ điển tiếng Việt thông dụng, NXB Giáo dục. [8] 李晋林,陈颂琴, 2001,《汉语成语分类辞典》,吉林教育出版社。 [9] 莫彭龄 , 2001,《汉语成语与汉文化》, 江苏教育出版社。 [10] 商务印书馆,2000,《汉语应用词典》。 [11] 王 瑞祥, 1996, 《汉大成语大词 典》,汉语大词典出版社。 Title: SOME CULTURAL AND THINKING CHARACTERISTICS OF CHINESE AND VIETNAMESE PEOPLE THROUGH EXPRESSIONS OF PRAISE Abstract: Language’s birth, transformation and development always accompany the transformation and development of human life. They are also effective tools to help people convey emotional feelings, and reflect multidimensionally and deeply the cultural characteristics of a nation. In life, we always wish good things for people. Perhaps there are no gifts more valuable than the heartfelt wishes for the happy occasions, holidays or milestones, important events in life. The praise was born and has become a good culture of each nation for many passing years. This is especially reflected in the bold expression system in Chinese and Vietnamese. Through expressions of praise, the two languages have their own ways which carry their countries’ specific characteristics to reflect the cultural traits of the two nations. ThS. DƯƠNG THỊ KIM HẰNG TS. LIÊU LINH CHUYÊN Khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf7_91_duongthikimhng_lieulinhchuyen_14_duong_thi_kim_hang_dhnn_2653_2020912.pdf
Tài liệu liên quan