Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc – Những luận điểm sáng tạo lớn

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc chứa đựng trong đó những quan điểm sáng tạo, những giá trị lý luận và thực tiễn mang tính thời đại. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta trong sự kết hợp biện chứng vấn đề giai cấp, vấn đề dân tộc và vấn đề nhân loại. Đồng thời, chỉ rõ cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn chặt với sự nghiệp giải phóng giai cấp. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Những quan điểm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc tiếp tục soi sáng quá trình nhận thức và giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, khi sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, những biến chuyển trên thế giới ngày càng lớn, những vấn đề mới đặt ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều, đòi hỏi phải làm sáng tỏ, thì việc nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế cuộc sống trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta vì tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng và nhân dân ta. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân càng vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.

pdf7 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 548 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc – Những luận điểm sáng tạo lớn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 04(16)/2010: tr. 135-141 TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC – NHỮNG LUẬN ĐIỂM SÁNG TẠO LỚN VŨ ĐÌNH BẢY – ĐẶNG XUÂN ĐIỀU Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Nắm vững phương pháp luận biện chứng duy vật và quan điểm thực tiễn, Hồ Chí Minh đã có nhiều luận điểm sáng tạo khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong hệ thống di sản tư tưởng của Người, nội dung về con đường giải phóng dân tộc là nơi tập trung nhiều nhất những luận điểm sáng tạo và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - bậc vĩ nhân của dân tộc Việt Nam, là người học trò xuất sắc của C. Mác, Ph. Ăngghen và V. I. Lênin. Người đã vận dụng và phát triển đầy sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam nhằm giải đáp những yêu cầu về lý luận và thực tiễn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ đó, lí luận về cách mạng giải phóng dân tộc là một trong những nội dung quan trọng trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh và đây cũng là nơi tập trung nhiều luận điểm mới mẻ, sáng tạo trong quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin. Lịch sử phát triển của tư tưởng nhân loại cho thấy rằng bất cứ một học thuyết hay chủ nghĩa nào cũng đều nằm trong dòng chảy của tư duy nhân loại, đều kế thừa, phát triển trên tinh thần phủ định biện chứng những thành tựu trước đó và luôn gắn liền với mảnh đất hiện thực. Đó là một trong những phương pháp luận quan trọng được rút ra từ phép biện chứng duy vật. Đề cập đến vấn đề vận dụng chủ nghĩa Mác trong hoạt động thực tiễn, V. I. Lênin từng phát biểu rằng: “Chúng ta không hề coi lí luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lí luận đó chỉ đạt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống” [1, tr. 232]. Nắm vững phương pháp luận chung ấy, V. I. Lênin trong quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác đã có sự bổ sung và phát triển học thuyết Mác nhằm giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng nước Nga. Đến lượt Hồ Chí Minh, thấm nhuần lời căn dặn của các nhà kinh điển, Người nhận rõ chủ nghĩa Mác-Lênin là biểu hiện và kết tinh tinh hoa trí tuệ và tư tưởng của thời đại, của văn hoá nhân loại. Song, Người cũng đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm túc về nhận thức khoa học khi xem xét sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin ở phương Đông. Người đã viết: “...Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời điểm mình không thể có được... Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” [2, tr. 465]. Người còn cho rằng: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các nhà Xôviết đảm nhiệm” [2, tr. 465]. VŨ ĐÌNH BẢY - ĐẶNG XUÂN ĐIỂU 136 2. Như vậy, trên cơ sở trung thành với những chỉ dẫn của các nhà kinh điển về phương pháp luận vận dụng chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh đã có hệ thống những luận điểm rất quan trọng, đầy sáng tạo khi kiến giải về con đường giải phóng dân tộc nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong toàn bộ di sản của Người, tư tưởng về con đường giải phóng dân tộc có nhiều quan điểm bổ sung mới vào chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Một số luận điểm bổ sung mới quan trọng về vấn đề này, đó là: 2.1. Một là, những cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân Hồ Chí Minh đã phân tích, phê phán, lên án một cách sâu sắc, toàn diện và cụ thể chủ nghĩa đế quốc, thực dân, chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của nó đối với các nước thuộc địa. Ở thời đại của C. Mác và Ph. Ăngghen, dù thuộc địa chưa là hiện tượng phổ biến, điển hình nhưng các ông cũng đã có những công trình bước đầu phê phán sâu sắc chính sách thực dân của giai cấp tư sản Anh ở Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ... và V. I. Lênin cũng đã có một loạt các tác phẩm lớn về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, về quyền dân tộc tự quyết, về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản với phong trào giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, cả ba nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, chủ yếu mới đứng ở giác độ người cộng sản ở các chính quốc để luận bàn về vấn đề thuộc địa. Đến Hồ Chí Minh, Người đã bổ sung cho lý luận của ba ông bằng cái nhìn từ phía dân tộc bị áp bức mà mình là một đại diện trực tiếp. Những tác phẩm của Người, đặc biệt là “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” đã được dư luận đánh giá là những tài liệu “có một không hai” về chủ nghĩa thực dân. Có nhà nghiên cứu đã viết: “Sự phân tích về chủ nghĩa thực dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt hẳn những gì mà những nhà lí luận mácxit đề cập đến” [6, tr. 79]. Từ những luận điểm sáng tạo về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân, nhiều hệ luận có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc và cả đối với cách mạng vô sản ở chính quốc đã được rút ra, chẳng hạn như: - Chủ nghĩa tư bản đế quốc ngày nay đã tiến tới như một khoa học trong thống trị vô sản chính quốc và vô sản thuộc địa. Điều này thông qua hình ảnh “con đỉa hai vòi” trong cách miệu tả của Hồ Chí Minh. Từ đó cho thấy tính tất yếu của sự đoàn kết từ hai dòng thác cách mạng: cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa. - Nhận mạnh tầm quan trọng đặt biệt vào vai trò của cuộc cách mạng thuộc địa và niềm tin tưởng vào sức mạnh nội sinh các dân tộc bị áp bức. - Trong khi tin tưởng chắc chắn rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác là đúng đắn không chỉ ở phương Tây mà còn ở phương Đông, Người còn có dự báo đầy mẫn cảm rằng, chủ nghĩa cộng sản dễ áp dụng và cách mạng cộng sản chủ nghĩa dễ thành công hơn chính trong thực tiễn phương Đông, châu Á và Việt Nam. Một trong những cơ sở luận chứng cho giả thuyết đó là sức đoàn kết dân tộc, truyền thống cộng đồng đã tỏ ra rất gần gũi với bản chất của chủ nghĩa cộng sản. - Chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn của đất nước và đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân là một TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC... 137 trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho sự thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng. 2.2. Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc Thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trước khi nổ ra cách mạng tháng Mười chưa đề cập đến vai trò, vị trí của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Ngay bản thân C. Mác, Ph. Ăngghen vẫn chưa có nhiều điều kiện để luận bàn kĩ về vấn đề quan trọng này. Còn đối với Lênin, Người đã sớm thấy sức mạnh to lớn của phong trào giải phóng dân tộc, trong đó nhấn mạnh tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng vô sản chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Tuy nhiên, cũng như những người lãnh đạo Quốc tế cộng sản lúc bấy giờ, Lênin đặt cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản chính quốc giành được thắng lợi. Khi Quốc tế cộng sản được thành lập (1919), trong Tuyên ngôn của Quốc tế III ghi rõ: “Công nhân và nông dân không những ở An Nam, Angiêri, Bengan mà cả ở Ba Tư hay Ácmênia chỉ có thể giành được độc lập khi mà công nhân các nước Anh và Pháp lật đổ được Lôiit Gioócgiơ và Clêmăngxô, giành chính quyền nhà nước về tay mình”. Quan điểm này tiếp tục tồn tại và ảnh hưởng kéo dài đến Đại hội VI Quốc tế cộng sản (1928). Trong “Những luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa” (01/9/1928) có viết: “Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các tư bản tiên tiến”. Với chủ trương đó, Quốc tế cộng sản đã không thể phát huy được phong trào đấu tranh cách mạng ở các nước tư bản nói chung và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nói riêng. Không tán thành với chủ trương đó, tại Đại hội V Quốc tế cộng sản (6/1924), Nguyễn Ái Quốc đã trình bày quan điểm của mình: “Tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa... nọc độc và sức sống của bọn rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các nước thuộc địa hơn là chính quốc” [3, tr. 273-274]. Người chỉ trích, đã có nhiều người “...lại xem thường các thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí” [3, tr. 274]. Người đã phát hiện ra thuộc địa là mắt xích yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc. Trong khi đó, nhân dân thuộc địa luôn chứa đựng tinh thần yêu nước, căm thù bọn xâm lược và sẽ vùng dậy khi có thời cơ. Vì vậy, ngay từ năm 1924, Người đã sớm cho rằng: “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước”, và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn” [3, tr. 36]. Đây thực sự là một luận điểm mới mẻ và sáng tạo của Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới và là sự bổ sung kịp thời vào lý luận Mác-Lênin. Đặc biệt, đối với cách mạng Việt Nam, luận điểm này là cơ sở để VŨ ĐÌNH BẢY - ĐẶNG XUÂN ĐIỂU 138 Đảng ta tin tưởng và quyết tâm lãnh đạo quần chúng đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đó cũng chính là cơ sở của tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường giúp làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỉ XX. Đúng là trên thực tế, “sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam không phải giải quyết ở Pari như lời khẳng định của các lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp mà là ở Việt Nam, là kết quả của cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam [6, tr. 86]. 2.3. Con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh và những lãnh tụ cách mạng lớn khác đều có chung mục tiêu, lí tưởng cách mạng là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tuy nhiên, tùy theo bối cảnh lịch sử, đặc điểm của hoàn cảnh thực tiễn mà mỗi người có những cống hiến riêng và để lại dấu ấn của mình trong các chặng đường của lịch sử. Sống trong thời đại chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, mâu thuẫn về xã hội và đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản nổi lên gay gắt. Kết quả của quá trình nghiên cứu lý luận cách mạng và dấn mình vào thực tiễn của phong trào đấu tranh cách mạng đã giúp C. Mác và Ph. Ăngghen sáng tạo ra vũ khí tinh thần cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Phương hướng cách mạng mà hai ông đã vạch ra là: Giải phóng giai cấp đi đến giải phóng nhân loại với khẩu hiệu nổi tiếng: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Trong khi đó, đối với V. I. Lênin, Người sống trong thời kì chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa với trình độ phát triển giữa các nước không có sự đồng đều. Ngoài mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, đã bắt đầu xuất hiện và diễn biến ngày càng gay gắt mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Với hoàn cảnh thực tiễn ấy, Lênin đã bảo vệ và tiếp tục phát triển học thuyết khoa học và cách mạng của C.Mác và Ph. Ăngghen về con đường cách mạng vô sản, lí luận về thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đã lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản Nga thành công với con đường đi từ giải phóng giai cấp đến giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại với khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Đối với Hồ Chí Minh, thời đại mà Người đang sống và hoạt động cách mạng là thời đại chủ nghĩa thực dân đế quốc đẩy mạng sự tranh cướp thuộc địa, khiến mâu thuẫn giữa các nước và tập đoàn đế quốc chủ nghĩa với nhau giữa nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc thực dân ngày càng diễn ra gay gắt. Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trên cơ sở đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn của thời đại và dân tộc, Người đã vạch ra con đường đầy sáng tạo của cách mạng Việt Nam là: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp) giải phóng con người với khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công!”. Như vậy, có thể nói, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải vận dụng quan điểm và phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác để xem xét sự khác nhau cơ bản giữa kết cấu kinh tế và kết cấu giai cấp - xã hội giữa phương Tây với phương Đông. Theo Người, nếu phân hoá giai cấp đã trở nên rõ rệt và đối kháng giai cấp từ sự phân hóa ấy là sâu sắc và gay gắt ở phương Tây trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC... 139 ở phương Đông và Việt Nam lại không hẳn là như vậy. Ở đây, nổi bật lên mâu thuẫn dân tộc và xã hội với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân từ bên ngoài xâm lược vào chứ không phải là mâu thuẫn giai cấp. Do đó, nếu giải phóng giai cấp và đấu tranh giai cấp như một đặc trưng nổi bật và là một đòi hỏi bức xúc ở phương Tây tư bản chủ nghĩa, thì ở phương Đông, trong đó có Việt Nam lại nổi lên đặc trưng khác, đó là giải phóng dân tộc, là giải quyết mâu thuẫn dân tộc với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân xâm lược để giành độc lập, xóa bỏ tình trạng thuộc địa và phụ thuộc dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân. Hay nói cách khác, đối với Việt Nam, không phải giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết vấn đề dân tộc như ở các nước tư bản phương Tây. Mà ngược lại, chỉ có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp, giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp và tạo tiền đề cho giải phóng giai cấp. Xuất phát từ luận điểm sáng tạo ấy, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc. Theo đó, nếu trước kia Mác cho rằng giai cấp vô sản trước hết phải trở thành dân tộc, rằng đấu tranh để giải phóng giai cấp là tiền đề để giải phóng dân tộc (nếu xóa bỏ được trình trạng người bóc lột người thì sẽ xóa bỏ trình trạng dân tộc này áp bức dân tộc khác) thì Hồ Chí Minh coi giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng giai cấp bị áp bức bóc lột trong xã hội Việt Nam. Nếu dân tộc không được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của giai cấp tư bản đế quốc thì muôn đời cũng không giải phóng được nhân dân lao động. Nguyên lý đó dựa trên thực tế xã hội Việt Nam: sự phân hóa và đấu tranh giai cấp trong nội bộ xã hội bị chi phối và phụ thuộc vào mâu thuẫn lớn hơn: giữa dân tộc Việt Nam và giai cấp thống trị ngoại bang – mâu thuẫn đối kháng cao nhất. Bên cạnh đó cũng cần nói thêm rằng, quá trình giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc phải đứng trên lập trường giai cấp, đó là lập trường của giai cấp công nhân. Đây được xem là nguyên tắc bất di bất dịch không được phép xa rời. Chính vì thế, một mặt, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhưng mặt khác, theo Người, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [4, tr. 314], rằng “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [5, tr. 128]. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc tất yếu gắn với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc được đặt trong quỹ đạo thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Điều cần đặc biệt nhấn mạnh là Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề then chốt đó trên cơ sở không chỉ là vận dụng sáng tạo mà có sự phát triển lý luận mác- xít về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng ở chính quốc, giữa giai cấp và dân tộc, giữa quốc gia và quốc tế, giữa Việt Nam với thế giới. 2.4. Cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng không ngừng, từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa Nắm vững phương pháp luận biện chứng duy vật và học thuyết về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời xuất phát từ đặc điểm của xã hội Việt Nam là một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến với mâu thuẫn chủ yếu giữa một bên là toàn thể nhân VŨ ĐÌNH BẢY - ĐẶNG XUÂN ĐIỂU 140 dân Việt Nam với bên kia là bọn thực dân đế quốc, Hồ Chí Minh đã nêu luận điểm về tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là một cuộc cách mạng không ngừng, từ cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Hay nói cách khác, “con đường đi của cách mạng Việt Nam là từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Khi đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thì hòa bình phát triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn đảo lộn về chính trị giành chính quyền như cách mạng vô sản ở các nước tư bản phát triển” [6, tr. 86-87]. Đặc biệt, nét sáng tạo trong lý luận cách mạng không ngừng của Hồ Chí Minh là sự không ngừng của cuộc cách mạng đã được thực hiện ngay trong hoàn cảnh rất đặc biệt và chưa từng có trong tiền lệ lịch sử, đó là từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ngay khi chỉ mới hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc ở một nửa đất nước. Sau hiệp định Giơnevơ, việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau cho hai miền đã thực sự là nét đặc sắc trong quá trình vận dụng lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhiều nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác đã công nhận và khẳng định Việt Nam là đất nước đầu tiên áp dụng mô hình này và đó thật sự là một sự đóng góp cực kì đặc sắc vào kho tàng lí luận cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Luận điểm sáng tạo này cũng thể hiện sinh động về sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở trong tiến trình cách mạng của nước ta. 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc chứa đựng trong đó những quan điểm sáng tạo, những giá trị lý luận và thực tiễn mang tính thời đại. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta trong sự kết hợp biện chứng vấn đề giai cấp, vấn đề dân tộc và vấn đề nhân loại. Đồng thời, chỉ rõ cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn chặt với sự nghiệp giải phóng giai cấp. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam... Những quan điểm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc tiếp tục soi sáng quá trình nhận thức và giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, khi sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, những biến chuyển trên thế giới ngày càng lớn, những vấn đề mới đặt ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều, đòi hỏi phải làm sáng tỏ, thì việc nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế cuộc sống trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta vì tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng và nhân dân ta. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân càng vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC... 141 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] V. I. Lênin (1978). Toàn tập, tập 4. NXB Tiến bộ, Mátxcơva. [2] Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [3] Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, tập 2, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, tập 9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [6] Võ Nguyên Giáp (Chủ biên) (2000). Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Title: HO CHI MINH'S THOUGHTS ON THE WAY OF NATIONAL LIBERATION - THE GREAT CREATIVE ARGUMENTS Abstract: Mastering methodological dialectic materialism and practical perspective, Ho Chi Minh has many creative arguments when applying Marxism-Leninism to solve practical problems of Vietnam's revolution. In legacy systems of thought of him, the way the content of national liberation is focusing most creative arguments and is of great significance for the cause of national liberation. ThS. VŨ ĐÌNH BẢY ThS. ĐẶNG XUÂN ĐIỀU Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf17_262_vudinhbay_dangxuandieu_21_dang_xuan_dieu_4514_2021110.pdf
Tài liệu liên quan