Tuy nhiên, tư tưởng về lẽ sống, nhất là
thế giới quan của L. Tônxtôi chưa được đặt
trên cơ sở khoa học, nó hoàn toàn thiếu vắng
quan điểm duy vật lịch sử. Khi mà C. Mác,
người cùng thời với ông, và sau đó là V.I.
Lênin, đã hiểu sự giải phóng tinh thần là “sự
chuyển hoá của cái tinh thần, cái quan niệm
thành cái hiện thực, là quá trình hiện thực
hoá tư tưởng và ngược lại, thông qua thực
tiễn của con người, loài người, thì L.
Tônxtôi lại chỉ thấy cái tinh thần “tự” giải
phóng, nghĩa là có tính “tự thân” của nó, để
có thể nối kết với cái tinh thần khác và nhờ
thế con người, loài người có thể nối kết với
nhau. Vì vậy, tư tưởng của L. Tônxtôi không
tránh khỏi bế tắc, thậm chí phi hiện thực,
không hoàn toàn tích cực; chẳng hạn có lúc
ông đã so sánh: “Tất cả chúng ta trên cõi đời
này đều như những con ngựa bất kham, bị
đặt vòng lên cổ, bị thắng vào cỗ xe. Thoạt
đầu ta quẫy cựa, ta muốn sống chỉ cho mình,
theo ý mình, ta bẻ gẫy càng xe, rứt đứt yên
cương, nhưng không thoát ra được, chỉ làm
mình mệt nhoài. Và chỉ khi ta đã mệt nhoài,
đã quên đi về ý chí của mình, và tuân phục ý
chí cao hơn và kéo xe đi - chỉ khi ấy ta mới
tìm thấy sự bình yên và phúc lạc”22. Chính
sự hạn chế về thế giới quan đã đưa L.
Tônxtôi đến hiểu biết chưa thật chính xác về
lẽ sống, nhất là lẽ sống, đường sống cơ bản
chân chính của con người, loài người.
8 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 484 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng của Lép Tônxtôi về lẽ sống, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TƯ TƯỞNG CỦA LÉP TÔNXTÔI VỀ LẼ SỐNG
PHẠM VĂN CHUNG*
Lẽ sống không phải là một mặt hay một
yếu tố nào đó của đời sống đạo đức, mà là
một quan hệ, hơn nữa là một hệ thống
những mối quan hệ cơ bản, bao trùm đời
sống đạo đức con người. Do tính đa diện, đa
chiều, rộng lớn và phức tạp của lẽ sống mà
khi nói về những gì liên quan đến mục đích,
lý tưởng, nguyên tắc sống hoặc về những
phương châm, phương thức mà con người
thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình
trong cuộc sống v.v.., người ta đều có thể
quy chúng về lẽ sống hoặc xem đó chính là
lẽ sống của con người. Cũng chính vì lý do
ấy mà việc biểu hiện lẽ sống, quan hệ đạo
đức hiện thực này trong nội dung một phạm
trù đạo đức học vẫn còn những điều bất cập,
về cơ bản chưa có được một quan điểm
thống nhất. Trong một số giáo trình đạo đức
học người ta đã đồng nhất lẽ sống với ý
nghĩa cuộc sống, hoặc coi lẽ sống là sự
thống nhất giữa nghĩa vụ và hạnh phúc v.v..
Vậy, quan niệm về lẽ sống như thế liệu có
phù hợp với thực tế đời sống đạo đức
không? Hay nói cách khác, cần giải đáp vấn
đề lẽ sống, nhất là bản chất của nó như thế
nào, nó có phải là ý nghĩa cuộc sống không,
hay giữa lẽ sống và ý nghĩa cuộc sống có
mối liên hệ như thế nào? Bài viết này sẽ
không giải đáp những câu hỏi này về
phương diện lý luận, đưa ra một định nghĩa
khái niệm (phạm trù) lẽ sống, mà bằng cách
phân tích, luận giải nội dung tư tưởng của
Lép Tônxtôi về lẽ sống thể hiện trong tác
phẩm “Đường sống” của ông.*
Lép Tônxtôi – nhiều người vốn chỉ biết
đến sự vĩ đại của ông trong tư cách một đại
văn hào Nga và thế giới. Nhưng sự vĩ đại
của L. Tônxtôi còn ở chỗ ông là một nhà tư
tưởng, một triết gia theo đúng nghĩa của từ
* TS. Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
này. Mới đây, Nhà xuất bản Tri thức Hà Nội
đã dịch và cho ra mắt tập sách của L.
Tônxtôi mang tên “Đường sống. Văn thư
nghị luận chọn lọc” dày hơn một nghìn
trang, trong đó thể hiện những tư tưởng,
quan điểm của L. Tônxtôi về nhiều lĩnh vực
như triết học, tôn giáo, giáo dục và đạo
đức... Tên tập sách “Đường sống. Văn thư
nghị luận chọn lọc” được đặt theo tên một
tác phẩm cùng tên là “Đường sống” cũng
nằm trong tập sách này. Tôi nhận thấy đây
là tác phẩm quan trọng, thể hiện rõ tư tưởng
của L. Tônxtôi về lẽ sống.
Trong tập sách của L. Tônxtôi, tác phẩm
“Đường sống” không được in đầy đủ, chỉ là
tác phẩm trích, đặc điểm của tác phẩm là
gồm nhiều chương với những đoạn khác
nhau (khoảng 70 đoạn), được trình bày tách
biệt nhau và có đánh số thứ tự trong từng
chương, mỗi chương khoảng từ 6 đến 10
đoạn. Với đặc điểm này, bài viết không thể
thực hiện sự phân tích theo cấu trúc logic
của tác phẩm, mà lựa chọn cách tiếp cận là
từ sự phân tích, luận giải những đoạn nhất
định trong tác phẩm của L. Tônxtôi để vạch
ra nội dung tư tưởng của ông về lẽ sống,
nhất là về bản chất của lẽ sống. Đồng thời
để tránh sự lặp lại nhiều, tôi chỉ chọn những
luận điểm mà theo tôi là tiêu biểu, đặc trưng
nhất trong các đoạn để xem xét.
1. Nói về lẽ sống nói chung, về mối liên
hệ giữa thế giới quan và ý nghĩa cuộc sống,
L. Tônxtôi viết: “Cuộc sống của con người
và hạnh phúc của nó là ở sự hội nhập ngày
một đầy đủ hơn của linh hồn, bị thân xác
cách ly khỏi những linh hồn khác và khỏi
Thượng đế, với những gì mà nó bị cách ly.
Sự hội nhập ấy đạt được bằng cách linh hồn
biểu lộ qua tình yêu, ngày một tự giải phóng
khỏi thân xác. Vì vậy, ai hiểu được rằng, cả
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 4/2012
18
cuộc sống lẫn hạnh phúc sống của nó là ở sự
giải phóng linh hồn khỏi thân xác, thì cuộc
sống của người ấy, bất chấp mọi tai hoạ, khổ
đau và bệnh tật, không thể là cái gì khác, mà
chỉ là một hạnh phúc không thể huỷ hoại”1.
Có thể thấy, tư tưởng của Tônxtôi về lẽ sống
nói chung thể hiện ở quan niệm cho rằng, đó
là quá trình linh hồn của con người ngày
một tự giải phóng khỏi thân xác để đến lượt
nó lại hội nhập một cách ngày một đầy đủ
hơn vào những tâm hồn và thể xác khác, vào
Thượng đế. Thực ra, đây là một sự diễn đạt
không thật sáng rõ một tư tưởng rất sâu sắc
của Tônxtôi về lẽ sống của con người. Điều
mà Tônxtôi gọi là “sự tự giải phóng của linh
hồn khỏi thể xác” để con người có thể hội
nhập đầy đủ với linh hồn khác và Thượng
đế, có thể hiểu là quá trình con người bằng ý
chí, tư tưởng, tình cảm (tình yêu) và nhận
thức của mình chủ động sáng tạo ra thế giới
mới, ra chính cuộc sống của mình, và thông
qua đó, con người có thể liên kết nó với thế
giới xung quanh, với những người khác,
thành một thế giới tốt đẹp, hạnh phúc. Ở
đây, lẽ sống hiện ra là toàn bộ hoạt động
sống của của con người, hoạt động mà ở đó
con người xác định rõ được mục đích, ý
nghĩa cuộc sống lớn lao nhất, cuối cùng của
mình và cố gắng hành động để đạt được mục
đích ấy. Hiểu lẽ sống như thế cũng chính là
coi lẽ sống như là “đường sống” của con
người. Đó là con đường tự mình hoá thành
mình trong một thế giới ngày càng tốt đẹp,
hạnh phúc. Đúng là, nếu mọi người đều hiểu
rằng lẽ sống của mình chính là ở chỗ dựa
vào trí tuệ, đạo đức hay nói chung là vào đời
sống tinh thần lành mạnh của mình mà sáng
tạo ra một thế giới thật sự tốt đẹp, trong đó
con người sống với nhau thật hoà thuận,
thân ái, hạnh phúc, thì đó chính là một sự
hiểu biết, một cái nhìn hết sức sâu sắc và
chính xác về lẽ sống.
Trong quan niệm nói trên của L. Tônxtôi
về lẽ sống đã chứa đựng yếu tố thế giới
quan rất rõ. Đó là quan niệm của ông về mối
liên hệ giữa linh hồn (cái tinh thần) với thế
giới bên ngoài và ý nghĩa của cái tinh thần
đối với việc tạo dựng thế giới bên ngoài, đặc
biệt là sự tạo dựng quan hệ tốt đẹp giữa con
người với con người; đó còn là quan niệm
về xã hội, trong đó tồn tại mối liên hệ đặc
trưng là liên hệ hữu cơ giữa người và người.
Đồng thời, đối với L. Tônxtôi lẽ sống của
con người không thể tách rời việc nhận thức
được ý nghĩa cuộc sống của nó. Ý nghĩa ấy
theo ông là ở chỗ, “ai hiểu được rằng cả
cuộc sống lẫn hạnh phúc sống của nó là ở sự
giải phóng linh hồn khỏi thân xác, thì cuộc
sống của người ấy, bất chấp mọi tai hoạ, khổ
đau và bệnh tật, không thể là cái gì khác, mà
chỉ là một hạnh phúc không thể huỷ hoại”.
Nói cách khác, ý nghĩa cuộc sống trong
quan niệm của L. Tônxtôi là việc người ta
thấy được, có được niềm hạnh phúc trong
hoạt động sống và đặc biệt, khi ý nghĩa cuộc
sống gắn liền với thế giới quan, thì hạnh
phúc người ta có được là hạnh phúc lớn lao
nhất, không thể huỷ hoại được. L. Tôn xtôi
khẳng định: “Ai nhìn thấy cuộc sống của
mình ở sự giải phóng cái tôi tinh thần khỏi
thể xác, người ấy không thể bất mãn bởi cái
nó mong muốn luôn được thực hiện”2.
Bàn luận một cách sâu hơn về ý nghĩa
cuộc sống trong mối liên hệ với thế giới
quan, L. Tônxtôi cho rằng: “Đời người, đầy
rẫy những khổ đau thân xác, bất cứ giây
phút nào cũng có thể bị cắt đứt cái cuộc đời
ấy để không phải là trò nhạo báng thô thiển
nhất, phải có ý nghĩa nào đó để cho nó
không bị huỷ hoại bởi những khổ đau, hay
bởi sự sống lâu hay chết sớm”. “Và một ý
nghĩa như thế có trong đời người. Ý nghĩa
ấy - ở sự nhận thức đầy đủ hơn và hơn nữa
Thượng đế trong ta”3. Có thể thấy rõ trong
luận điểm này, L. Tônxtôi nhận thấy cái đau
đớn của con người về mặt thân xác, nhất là
đối với cái chết, khi người ta đứng trước một
thực tế là mình sẽ vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời,
người thân và biết bao điều quý giá, niềm
vui khác và đó là nỗi đau không cùng, có thể
sánh với tính vô cùng của vũ trụ. Vì thế, nó
nhất định phải được an ủi, thậm chí được
Tư tưởng của Lép Tônxtôi 19
biện hộ bằng những gì tương ứng và điều
người ta đương nhiên phải nghĩ đến, cầu đến
là Thượng đế. L. Tônxtôi cho rằng có
Thượng đế ở trong mỗi chúng ta, vì vậy ý
nghĩa của đời sống con người là ở chỗ tìm
được sự giải quyết, đền bù cho những nỗi
đau vô cùng tận ở ngay trong bản thân mình.
Như thế, ở đây ý nghĩa cuộc sống liên quan
đến thế giới quan ở mức độ rộng lớn, sâu sắc
hơn, đó là quan niệm về cuộc sống con ngư-
ời được đặt trong quan hệ với toàn bộ vũ trụ
nói chung. Nói cách khác, trong tư tưởng
của L. Tônxtôi về lẽ sống, quan niệm về ý
nghĩa cuộc sống không tách rời thế giới
quan.
2. Bàn về mục đích cuộc sống trong mối
liên hệ giữa thế giới quan trong lẽ sống của
con người, L. Tônxtôi viết: “Thế gian này
không phải là trò đùa, không phải là nơi thử
thách và không phải là trạm trung chuyển
sang một thế giới tốt hơn, vĩnh hằng; thế
giới nơi chúng ta đang sống là một trong
những thế giới vĩnh hằng, tuyệt diễm và đầy
niềm vui mà chúng ta không chỉ có thể, mà
còn có nhiệm vụ bằng những nỗ lực của
mình làm cho nó diễm lệ hơn và chứa chan
niềm vui hơn cho những người sống cùng
chúng ta và cho tất cả những ai sẽ sống sau
chúng ta ở đây”4. L. Tônxtôi cho rằng, con
người muốn xác định được mục đích sống,
đúng đắn, thực sự thì phải hiểu được cái thế
giới mà mình đang sống thực ra là gì. Và
theo ông, thế giới trước hết là thế giới con
người, là thế gian, nơi con người đang sống,
rằng cái thế gian này không phải là trò đùa,
không phải là nơi thử thách và không phải là
trạm trung chuyển sang một thế giới nào
khác tốt hơn, vĩnh hằng, trái lại chỉ có “cái
thế giới nơi chúng ta đang sống là một trong
những thế giới vĩnh hằng, tuyệt diễm và đầy
niềm vui”. Trong thế giới quan của L.
Tônxtôi thể hiện rõ cái nhìn hiện thực, vì
theo ông, không có một thế giới nào khác
ngoài thế giới con người đang sống, thậm
chí ngay cả Thượng đế cũng chỉ tồn tại trong
thế giới này. Chẳng hạn ông viết: “Nếu
Thiên đường không ở trong ngươi, thì ngươi
không bao giờ vào được Thiên đường”5.
Đặc biệt, trong thế giới quan của L. Tônxtôi
còn thể hiện rõ niềm tin vững vàng, mãnh
liệt và đầy lạc quan của ông vào thế giới con
người, một thế giới mà theo ông nó vốn có
tính vĩnh hằng, diễm lệ và đầy niềm vui,
ngay cả khi con người đang chịu đựng
những khổ đau và bất hạnh. Với thế giới
quan, niềm tin tưởng ấy, lẽ sống được L.
Tôn xtôi quan niệm ở đây là lẽ sống chân
chính, tốt đẹp của con người. Bởi vì, không
có một thế giới quan lành mạnh, chứa đầy
niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống con
người, thì làm sao có thể sống, vạch ra con
đường sống tốt đẹp trong trong thế giới ấy,
vì thế giới ấy.
Chính vì sống trong thế giới với niềm tin
tưởng lớn lao vào tính hiện thực, sự tốt đẹp
của nó, cho nên L. Tônxtôi cho rằng, “chúng
ta không chỉ có thể, mà còn có nhiệm vụ
bằng những nỗ lực của mình làm cho nó
diễm lệ hơn và chứa chan niềm vui hơn cho
những người sống cùng chúng ta và cho tất
cả những ai sẽ sống sau chúng ta ở đây”.
Vậy, làm thế nào để thế giới con người trở
nên “diễm lệ hơn và chứa chan niềm vui
hơn”? L. Tônxtôi trả lời: “Chỉ những gì là
điều phúc và điều thiện cho mọi người, đó
mới là chân phúc và chân thiện” và “chỉ nên
mong muốn cái phù hợp với hạnh phúc của
mọi người. Ai hướng hoạt động của mình tới
đích ấy sẽ thu được hạnh phúc cho mình”6.
Tư tưởng của L. Tônxtôi về mục đích cuộc
sống cho thấy mối liên hệ giữa mục đích
cuộc sống với nghĩa vụ, trách nhiệm của con
người. Bởi vì, mục đích cuộc sống chính là
mục đích của những việc (nhiệm vụ) người
ta nhất định phải làm. Tuy nhiên, mục đích
cuộc sống với tư cách là yếu tố của lẽ sống
không phải là những mục đích của mỗi công
việc cụ thể, mà là của toàn bộ những công
việc ấy, đó là làm cho thế giới trở nên diễm
lệ, cho con người cả hôm nay và mai sau có
nhiều niềm vui. Như vậy, trong quan niệm
của L. Tônxtôi về lẽ sống yếu tố mục đích
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 4/2012
20
cuộc sống cũng không tách rời yếu tố thế
giới quan.
3. Trong những đoạn nói về nghĩa vụ
trong mối liên hệ với hạnh phúc và ý nghĩa
cuộc sống trong lẽ sống, L. Tônxtôi viết như
sau: “Không thể nói rằng sự phụng sự
Thượng đế là sứ mệnh của cuộc sống. Sứ
mệnh của cuộc sống con người bao giờ cũng
là và sẽ là hạnh phúc của nó. Nhưng bởi vì
Thượng đế muốn cho con người được hạnh
phúc, thành thử khi con người đạt được hạnh
phúc của mình thì nó làm cái mà Thượng đế
muốn ở nó, nó thực hành ý nguyện của
người”7. Trong luận điểm này, tư tưởng của
L. Tônxtôi về nghĩa vụ (sứ mệnh) trong mối
liên hệ với hạnh phúc của con người là rõ
ràng. Điều đáng nói là, trong khi tỏ ra có
khuynh hướng tôn giáo, L. Tônxtôi vẫn phủ
nhận việc con người có nghĩa vụ (sứ mệnh)
phụng sự Thượng đế để khẳng định nghĩa vụ
thực sự của con người là “bao giờ cũng là và
sẽ là hạnh phúc của nó”. Bởi vì, L. Tônxtôi
quan niệm hạnh phúc chính là sự sống, là
cuộc sống của con người trên trần gian.
L. Tônxtôi hiểu rằng: “Được hạnh phúc,
có sự sống vĩnh cửu, sống trong Thượng đế,
được cứu rỗi - Tất cả cái đó chỉ là một - là
sự giải quyết nhiệm vụ của cuộc sống. Và
hạnh phúc ấy gia tăng, con người cảm thấy
mình thu nhận được ngày một mạnh mẽ hơn
và sâu sắc hơn niềm hoan lạc nơi thiên giới.
Và không có giới hạn cho hạnh phúc ấy, bởi
vì hạnh phúc ấy là tự do, là sự toàn năng, là
sự thoả mãn hoàn toàn mọi ý nguyện”8.
Chưa bàn đến nội dung và ý nghĩa tôn giáo
trong luận điểm trên, có thể thấy rõ trong
quan niệm của L. Tônxtôi tất cả những gì
con người mong muốn, hướng đến hay nói
chung, là hạnh phúc, chỉ có thể có được nhờ
sự nỗ lực không ngừng nhằm giải quyết
những nhiệm vụ do cuộc sống đặt ra. Chính
việc giải quyết những nhiệm vụ ấy đã làm
thành con đường sống của con người. Nếu
không có những nhiệm vụ hoặc không thực
hiện những nhiệm vụ ấy, thì con người
không thể đạt được những mong muốn,
nguyện vọng của mình, tức là không thể tiến
lên, cũng có nghĩa là không có đường sống,
và do đó không thể có hạnh phúc. L.
Tônxtôi khẳng định rõ hơn rằng, “nếu cuộc
sống không mang lại niềm vui cho ai đó, thì
chỉ bởi vì họ không làm những gì cần làm để
cho cuộc sống trở thành một niềm vui không
ngớt”9. Cần thấy rằng, ở đây, nghĩa vụ được
L. Tôn xtôi nói đến với tư cách là một yếu tố
đạo đức, đồng thời là yếu tố cấu thành của lẽ
sống, không phải là mọi việc cần phải làm
trong cuộc sống con người, mà là những
việc cần phải làm “để cho cuộc sống trở
thành niềm vui”, nghĩa là nghĩa vụ phải
hướng thẳng đến hạnh phúc của con người.
L. Tônxtôi hiểu lẽ sống không phải là con
đường sống bất kỳ nào, mà là đường sống
lớn lao, cơ bản của con người, bởi vì con
đường ấy hướng đến cuộc sống vĩnh cửu,
đến Thượng đế, đến sự thoả mãn hoàn toàn
mọi ý nguyện, tức là hướng đến hạnh phúc
lớn lao nhất. Con đường sống ấy không tách
rời thế giới quan, nghĩa là những nhiệm vụ
mà con người đặt ra để thực hiện, nhằm đạt
được hạnh phúc liên quan đến toàn bộ đời
sống của nó trong quan hệ với toàn bộ thế
giới xung quanh, thậm chí với toàn bộ vũ
trụ.
4. Trong tư tưởng của L. Tônxtôi về lẽ
sống, quan niệm về hạnh phúc gắn liền với ý
nghĩa cuộc sống có một vị trí đặc biệt. Có
thể thấy, trong “Đường sống” quan niệm của
L. Tônxtôi về hạnh phúc có nhiều nội dung
hơn so với những quan niệm khác. Tuy
nhiên, vì ở đây chúng ta chỉ bàn về hạnh
phúc với tư cách là yếu tố của lẽ sống, cho
nên sẽ không đi sâu xem xét riêng quan
niệm này. L. Tônxtôi hiểu rằng, hạnh phúc
chính là mục đích thực sự, toàn vẹn của
cuộc sống con người và vì thế việc người ta
có được hạnh phúc, tìm được hạnh phúc
chính là ý nghĩa cuộc sống của họ. Trong
một tác phẩm khác, “Về cuộc sống” cũng
được in trong tập sách này, L. Tônxtôi đã
từng nói về hạnh phúc với tư cách là mục
đích và ý nghĩa cuộc sống như sau: “Bất kỳ
Tư tưởng của Lép Tônxtôi 21
ai sống trên đời cũng sống chỉ vì mong
muốn được hưởng điều tốt đẹp, hạnh phúc.
Người nào không cảm thấy ước muốn hạnh
phúc cho mình, người đó sẽ không cảm thấy
mình đang sống. Con người không thể hình
dung được cuộc sống nếu thiếu ước muốn
hạnh phúc cho mình. Sống đối với mỗi
người có nghĩa là mong ước hạnh phúc và
đạt hạnh phúc, mong ước và đạt hạnh phúc -
đó chính là sống”10. Tất nhiên, cuộc sống
của con người có vô vàn mục đích, cũng vì
thế, có thể tìm thấy vô số những giá trị, ý
nghĩa của cuộc sống, L. Tônxtôi không phủ
nhận tất cả điều đó, nhưng điều ông muốn
nói đến ở đây là cái mục đích, ý nghĩa đích
thực đằng sau rất nhiều mục đích, ý nghĩa
ấy, đó chính là hạnh phúc của con người.
Chỉ khi con người tìm thấy, có được hạnh
phúc, nó mới có đời sống xứng đáng, đúng
nghĩa con người của nó. L. Tônxtôi nói rõ
hơn điều này trong “Đường sống” như sau:
“Cuộc sống, cho dù nó là thế nào, vẫn là cái
phúc mà không có cái phúc nào khác cao
hơn. Nếu chúng ta nói cuộc sống là cái ác,
thì ta nói như thế chỉ trong sự so sánh với
một cuộc sống khác, tốt đẹp hơn, được
tưởng tượng ra, nhưng thực ra chúng ta
không biết và không thể biết một cuộc sống
nào khác tốt đẹp hơn, cho nên cuộc sống, dù
nó có là thế nào, vẫn là cái hạnh phúc cao
nhất khả thể đối với con người”11. Và
“chúng ta hay coi thường hạnh phúc của
cuộc sống này, tưởng là ở nơi nào đó, vào
lúc nào đó sẽ có được một hạnh phúc lớn
hơn. Nhưng cái hạnh phúc lớn hơn như thế
không thể có ở đâu và lúc nào, bởi lẽ chúng
ta trong cõi người của ta đã được ban tặng
một hạnh phúc vĩ đại đến thế - sự sống, mà
không có và không thể có cái gì cao hơn
nó”12. Điều đặc sắc là ở đây L. Tônxtôi
không chỉ quan niệm rằng hạnh phúc chỉ có
thể là hạnh phúc trần gian, mà còn hiểu hạnh
phúc với nghĩa toàn diện, bao quát nhất của
từ này, đó là sự sống, cuộc sống. Cuộc sống
của con người bao gồm cả niềm vui, sự sung
sướng lẫn đau khổ, bất hạnh, nhưng đó mới
là sự sống, là cuộc sống và người ta không
thể tìm thấy một thứ hạnh phúc nào khác
ngoài cuộc sống này.
L. Tônxtôi nói rõ hơn: “Người ta bảo
những ai làm điều thiện không cần được đền
thưởng. Cái đó đúng nếu nghĩ rằng sự đền
thưởng không ở trong ta và không là bây
giờ, mà mai sau. Nhưng nếu không có sự
đền thưởng, nếu cái thiện không đem lại
niềm vui cho con người, thì con người sẽ
không làm điều thiện. Vấn đề chỉ ở chỗ làm
sao hiểu được phần thưởng chính thực là ở
đâu. Phần thưởng chính thực không ở ngoại
giới và trong tương lai, mà ở nội giới và
trong hiện tại: ở việc tâm hồn ta trở nên tốt
đẹp hơn. Sự đền thưởng và động cơ làm cái
thiện là ở đó”13. Luận điểm này cho thấy lẽ
sống không tách rời hạnh phúc và quan
niệm về hạnh phúc của con người. Mặt
khác, khi nói rằng hạnh phúc là cái mà ngư-
ời ta được đền thưởng sau khi đã làm việc
thiện, L. Tônxtôi còn cho thấy hoạt động
đạo đức của con người là hoạt động hướng
theo những mục đích đạo đức, cái thiện, chứ
không phải là những mục đích xã hội khác.
Và như vậy, trong lẽ sống, yếu tố mục đích
cuộc sống được hiểu là mục đích đạo đức,
cho nên, lẽ sống, đường sống là hoạt động
hướng thiện, không ngừng hướng thiện. L.
Tônxtôi khẳng định: “Chỉ có sự tự hoàn
thiện không ngừng mới cho ta niềm vui đích
thực không ngừng và luôn luôn gia tăng.
Mọi bước đi trên con đường này mang theo
nó phần thưởng, và phần thưởng ấy được
trao tức khắc, và không gì có thể tước
đoạt”14.
5. Trong khi nói về mối liên hệ giữa
nghĩa vụ, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống và
thế giới quan, L. Tôn xtôi còn nói cả về tình
yêu như một yếu tố khác của lẽ sống. Mặc
dù vấn đề tình yêu không được L. Tônxtôi
nói nhiều trong tác phẩm “Đường sống”, mà
ở những tác phẩm khác trong tập sách của
ông, nhưng cũng đủ thấy nó là một yếu tố
hữu cơ của lẽ sống. Trước hết, khi quan
niệm tình yêu không tách rời hạnh phúc,
nhất là hạnh phúc lớn lao nhất của con
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 4/2012
22
người, L. Tônxtôi cho rằng: “Để chắc chắn
được hạnh phúc, chỉ cần một điều: hãy yêu
thương tất cả - cả những người thiện lẫn kẻ
ác. Hãy yêu thương không ngừng, bạn sẽ
không ngừng được hạnh phúc”15. Ông còn
khuyên nhủ: “Người ta nói: “Yêu thương
những người gây cho ta ác cảm - để làm
gì?” Để có niềm vui. Bạn hãy thử và sẽ biết
cái đó có đúng hay không”16. Thoạt nghe và
nếu như tách đoạn này ra khỏi những đoạn
khác trong tác phẩm của L. Tônxtôi sẽ rất
khó chấp nhận quan điểm trên của ông về
tình yêu. Tuy nhiên, nếu không tuyệt đối
hoá, mà cần đứng từ góc nhìn nhất định sẽ
thấy quan điểm của L. Tônxtôi không chỉ có
yếu tố hợp lý, mà còn thể hiện tính nhân đạo
cao của ông. Quan điểm của L. Tônxtôi
hoàn toàn phù hợp với quan niệm đúng đắn
của ông về cuộc sống con người, đó là mối
liên hệ biện chứng giữa niềm vui và đau
khổ, giữa hạnh phúc và bất hạnh. Theo đó,
lẽ nào trong cuộc sống của mình, chúng ta
lại chỉ biết yêu cái thiện, hoàn toàn ghét bỏ
cái ác khi ta khẳng định rằng ta yêu chính
cuộc sống? Song, cần thấy rằng trong quan
điểm này của L. Tônxtôi, ranh giới của phải
và trái, chân lý và sai lầm có thể rất nhỏ hẹp,
vì thế có lẽ chỉ có những tâm hồn, trí tuệ và
tư tưởng cao cả mới có chỗ đứng và đứng
vững ở đây.
L. Tônxtôi viết tiếp: “Chúng ta không biết
và không thể biết chúng ta sống để làm gì.
Vì vậy chúng ta sẽ không thể biết được ta
cần phải làm cái gì và không nên làm cái gì,
nếu mà trong ta không có ước vọng hạnh
phúc. Ước vọng ấy chỉ ra đúng đắn chúng ta
cần làm cái gì, nhưng với một điều kiện là
chúng ta hiểu cuộc sống của mình không
phải như là cuộc sống của một sinh thể, mà
như là cuộc sống của một linh hồn trong
thân thể. Và cái hạnh phúc mà hồn ta ao ước
ấy, được ban cho chúng ta trong tình yêu”17.
Ông còn nói: “Không ai mệt mỏi bao giờ
trong việc làm điều thiện cho mình. Song cái
thiện lớn nhất - đó là làm cái mà hồn ta
mong muốn, mà hồn ta thì luôn luôn chỉ
mong muốn một điều: yêu và được yêu. Hãy
nhìn thấy cuộc sống của mình trong sự gia
tăng tình yêu ấy, và bạn sẽ thấy hạnh phúc
của bạn luôn luôn ở trong quyền năng của
bạn”18. Qua những luận điểm này L. Tônxtôi
cho thấy rõ hơn rằng, nghĩa vụ của con
người chỉ có thể được xác định khi người ta
hiểu được ý nghĩa cuộc sống, tức là biết
sống để làm gì. L. Tônxtôi cũng trả lời luôn
câu hỏi ấy khi cho rằng, sống là phải có ước
vọng hạnh phúc và thoả mãn ước vọng hạnh
phúc. Nhưng L. Tônxtôi còn bàn sâu sắc
hơn rằng, không thể thấy được ý nghĩa cuộc
sống, hạnh phúc nếu không có thế giới quan,
cụ thể là quan niệm về con người với tư
cách là một thực thể có tâm hồn (tinh thần),
mà đối với L. Tônxtôi trong cái tâm hồn,
tinh thần đó của con người chứa đựng điều
lớn lao nhất của nó, đó chính là tình yêu.
Chính tình yêu giúp con người vươn lên để
hiểu cuộc sống, có ước vọng hạnh phúc, tìm
ra được ý nghĩa cuộc sống và do đó có thể
biết cần phải làm gì, không làm gì. Đồng
thời, ở đây tình yêu với tư cách một yếu tố
của lẽ sống được hiểu chính là một động lực
đạo đức cơ bản của hoạt động sống của con
người. Bởi vì, tình yêu được xem là cái thiện
lớn nhất.
6. Trong tư tưởng về lẽ sống, L. Tônxtôi
còn vạch ra một tính chất quan trọng của lẽ
sống, đó là tính liên tục của lẽ sống. L.
Tônxtôi viết: “Có thể làm tốt hơn lên từng
khoảnh khắc của cuộc đời, bất kể nó được
ban cho từ bàn tay nào, thuận lợi hay bất
thuận lợi của số phận, đó chính là nghệ thuật
sống và là ưu thế chính thực của một sinh
linh có trí tuệ”19. L. Tônxtôi hiểu lẽ sống
không chỉ là quan niệm, hiểu biết đúng đắn
về cuộc sống, không phải chỉ làm những
việc tốt hoặc đạt được những thành công
thật lớn lao trong cuộc sống, mà còn phải
làm cho nó tốt lên trong từng khoảnh khắc
trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghĩa là lẽ sống
là con đường đi của đời người và nó có
những bước đi lớn nhỏ, khác nhau và chúng
liên quan, phụ thuộc vào những điều kiện
Tư tưởng của Lép Tônxtôi 23
hoàn cảnh khác nhau. Lẽ sống được hiểu
như vậy, còn là một quá trình liên tục, liên
tục làm điều tốt. Nó đòi hỏi người ta “hãy
mang theo tất cả lên đường khi từ những
năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trư-
ởng thành khắc khổ; hãy mang theo tất cả
những xúc cảm của tâm hồn nhân loại đừng
bỏ nó lại dọc đường rồi sau đó lại nhặt lên”
(Gôgôn trong “Những linh hồn chết”). Nói
cách khác, đó chính là tư tưởng của L. Tôn
xtôi về tính liên tục của lẽ sống và đương
nhiên, nó không tách rời tính gián đoạn,
những khủng hoảng, đau thương, mất mát,
thất vọng, chán chường vốn không tránh
được trên đường đời, nhưng là tạm thời.
(Cần thấy thêm là, L. Tônxtôi cho rằng
trong lẽ sống, cụ thể là lẽ sống tốt đẹp còn
có cả yếu tố là nghệ thuật sống và lẽ sống
được xem như là đặc trưng (ưu thế) cho con
người - “một sinh linh có trí tuệ”).
Sở dĩ L. Tônxtôi thấy tính liên tục của lẽ
sống là vì ông hiểu cuộc sống chính là cuộc
hành trình không ngừng để đi đến hạnh phúc
và hạnh phúc ấy không phải chỉ là cái luôn
luôn ở phía trước con người, tức là cái thuộc
về tương lai gần hoặc xa, mà nó còn luôn có
được trong mỗi khoảnh khắc của đời người.
Đặc biệt, tính liên tục của lẽ sống được quy
định bởi điều là: “Không gì xác nhận một
cách hiển nhiên đến thế cái chân lý nói rằng
công việc của cuộc sống con người là sự
hoàn thiện mình”, “chỉ một điều không mất
đi bao giờ ý nghĩa mừng vui của mình: ý
thức về sự chuyển biến của ta hướng tới thể
hoàn thiện” và “chỉ có sự tự hoàn thiện
không ngừng mới cho ta niềm vui đích thực,
không ngừng và luôn gia tăng”20.
Ngoài ra, tư tưởng của L. Tônxtôi về lẽ
sống còn bao hàm những khía cạnh nội dung
khác nữa, như các vấn đề nguyên tắc sống,
cách sống, ý chí, lý tưởng và nguyện vọng
sống, cả thiện và ác v.v... Đồng thời, L.
Tônxtôi thấy lẽ sống có các kiểu khác nhau
như lẽ sống chân chính và không chân
chính. Chẳng hạn ông cho rằng, “đời sống
chân chính là đời sống tinh thần” hay “ai
nhìn thấy cuộc sống của mình trong sự hoàn
thiện tinh thần, người ấy không thể bất mãn,
bởi vì cái anh ta muốn luôn luôn ở trong
quyền năng của anh ta”21. Tuy nhiên, những
khía cạnh này được L. Tônxtôi nói đến
không có nhiều nội dung và chưa thật nổi
bật như những khía cạnh đã được nêu lên để
phân tích, bàn luận ở trên.
***
Từ toàn bộ sự trình bày ở trên có thể thấy,
tư tưởng của L. Tônxtôi về lẽ sống được thể
hiện trong tác phẩm “Đường sống” của ông
rất rõ ràng. Lẽ sống ấy bao gồm những
phương diện, khía cạnh nội dung như sau: a)
Tônxtôi nói chủ yếu về là lẽ sống chân
chính, lớn lao, mang tính lý tưởng, liên quan
đến đời sống của toàn thể nhân loại; b) Lẽ
sống không tách rời, trái lại được đặt trên
nền tảng thế giới quan, và thế giới quan này
là quan niệm về toàn bộ đời sống con người,
loài người, thậm chí toàn bộ vũ trụ; c) Lẽ
sống bao hàm nghĩa vụ; d) Lẽ sống không
tách rời mục đích, ý nghĩa cuộc sống và
hạnh phúc; e) Lẽ sống còn bao gồm cả
những quá trình như tình yêu, lý tưởng, ý
chí, nguyện vọng, nguyên tắc, cách thức
sống của con người, cả thiện và ác v.v...
Trong lẽ sống, thế giới quan chiếm vị trí đặc
biệt, nó là yếu tố mang tính chất nền tảng,
bao trùm, quy định các yếu tố khác. Chính
việc thấy được và thể hiện mối liên hệ chặt
chẽ giữa các yếu tố cơ bản của đời sống đạo
đức như đã xem xét trên kia, L. Tônxtôi đã
làm nổi bật tư tưởng của ông về lẽ sống.
Như vậy, theo tư tưởng của L. Tônxtôi, lẽ
sống bao gồm toàn bộ đời sống đạo đức, đặc
biệt, đó chính là đường sống, hơn nữa là con
đường cơ bản của cuộc sống hướng đến
hạnh phúc cao nhất, lớn lao nhất của con
người, con đường đòi hỏi người ta phải xác
định được mục đích, động cơ, những nguyên
tắc sống dựa trên một thế giới quan chân
chính. Có thể nói, chính từ “đường sống”
được đặt tên cho tác phẩm của ông đã nói
lên rất rõ điều này. L. Tônxtôi quan niệm lẽ
sống hay đường sống của con người không
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam - 4/2012
24
phải là con đường hoặc những quy luật lịch
sử khách quan ở bên ngoài chi phối con
người, trái lại ông hiểu đó chính là con
đường do con người chủ động xác lập, lựa
chọn và quyết tâm thực hiện nó đến cùng.
Lẽ sống, đường sống ấy không phải chỉ là
đường sống của mỗi cá nhân, mà còn của cả
tập đoàn, cộng đồng xã hội, hơn thế, của cả
loài người. Đây thực sự là một tư tưởng lớn
lao của một nhà tư tưởng đã gắn số phận của
mình với toàn bộ sự tiến bộ và văn minh
chung của loài người.
Tuy nhiên, tư tưởng về lẽ sống, nhất là
thế giới quan của L. Tônxtôi chưa được đặt
trên cơ sở khoa học, nó hoàn toàn thiếu vắng
quan điểm duy vật lịch sử. Khi mà C. Mác,
người cùng thời với ông, và sau đó là V.I.
Lênin, đã hiểu sự giải phóng tinh thần là “sự
chuyển hoá của cái tinh thần, cái quan niệm
thành cái hiện thực, là quá trình hiện thực
hoá tư tưởng và ngược lại, thông qua thực
tiễn của con người, loài người, thì L.
Tônxtôi lại chỉ thấy cái tinh thần “tự” giải
phóng, nghĩa là có tính “tự thân” của nó, để
có thể nối kết với cái tinh thần khác và nhờ
thế con người, loài người có thể nối kết với
nhau. Vì vậy, tư tưởng của L. Tônxtôi không
tránh khỏi bế tắc, thậm chí phi hiện thực,
không hoàn toàn tích cực; chẳng hạn có lúc
ông đã so sánh: “Tất cả chúng ta trên cõi đời
này đều như những con ngựa bất kham, bị
đặt vòng lên cổ, bị thắng vào cỗ xe. Thoạt
đầu ta quẫy cựa, ta muốn sống chỉ cho mình,
theo ý mình, ta bẻ gẫy càng xe, rứt đứt yên
cương, nhưng không thoát ra được, chỉ làm
mình mệt nhoài. Và chỉ khi ta đã mệt nhoài,
đã quên đi về ý chí của mình, và tuân phục ý
chí cao hơn và kéo xe đi - chỉ khi ấy ta mới
tìm thấy sự bình yên và phúc lạc”22. Chính
sự hạn chế về thế giới quan đã đưa L.
Tônxtôi đến hiểu biết chưa thật chính xác về
lẽ sống, nhất là lẽ sống, đường sống cơ bản
chân chính của con người, loài người.
Nhưng dù sao, với một cái nhìn khá toàn
diện về đời sống đạo đức con người và nhất
là khi đặt nó trên một cơ sở thế giới quan có
nhiều điểm hợp lý để xem xét, L. Tônxtôi đã
bàn về vấn đề lẽ sống của con người một
cách chính diện và rất sâu sắc. Đây là đóng
góp quan trọng của ông vào lịch sử tư tưởng
đạo đức học của nhân loại, mà hiếm thấy ở
những nhà tư tưởng khác. Hơn nữa, trong
chiều sâu tư tưởng của L. Tônxtôi, lẽ sống
chân chính của con người là sự sáng tạo
không ngừng ra thế giới của tình yêu, hoà
bình vĩnh viễn giữa con người với con
người. Chính điều này làm cho L. Tônxtôi
trở nên vĩ đại và sống mãi với thời gian. Tư
tưởng của L. Tônxtôi về lẽ sống chân chính
rất có ý nghĩa đối với hiện nay khi vấn đề
đặt ra không chỉ là xây dựng lẽ sống chân
chính, cao đẹp của mỗi cá nhân, mà đặc biệt
còn là cho cả một dân tộc, cộng đồng, thậm
chí của loài người trong xu thế toàn cầu hoá,
hội nhập quốc tế ngày càng rộng lớn và sâu
sắc./.
____________________________
Chú thích
1. Lép Tônxtôi, 2010. “Đường sống. Văn thư, nghị
luận chọn lọc”, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr. 909.
2. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 914.
3. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 914.
4. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 910.
5. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 911.
6. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 916.
7. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 910.
8. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 916.
9. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 923.
10. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 184.
11. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 909.
12. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 910.
13. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 917.
14. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 916.
15. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 918
16. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 919.
17. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 918.
18. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 918.
19. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 910.
20. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 915- 916.
21. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 914 và 916.
22. Lép Tônxtôi, “Đường sống”, Sđd, tr. 927.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 30760_103179_1_pb_7843_2012780.pdf