Tổng công ty tưvấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - Công ty cổ phần 60 năm xây dựng và phát triển

Theo định hướng phát triển thuỷ lợi đến năm 2020 là lấy tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nước làm mục tiêu chính, ưu tiên xây dựng các hệ thống thủy lợi tiết kiệm nước, phát triển các tổ chức dùng nước của nông dân, của cộng đồng địa phương và của nhà đầu tư để bảo vệ, quản lý vận hành hiệu quả hệ thống thuỷ lợi và tiết kiệm nguồn nước, nâng hiệu suất sử dụng công suất thiết kế lên trên 90%. Tăng dần mức đảm bảo phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ v.v. Tăng năng lực phòng chống thiên tai, đảm bảo nhu cầu cấp thoát nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế. Cấp đủ nguồn nước để khai thác 4,5 triệu ha đất cây trồng hàng năm, tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ (3,32 triệu ha). Nâng dần tần suất đảm bảo tưới lên 85%. Mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp. Nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ về nghiên cứu đánh giá nguồn nước, quy hoạch, thiết kế, xây dựng thuỷ lợi và quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đạt mức trên trung bình của châu Á. Với định hướng phát triển thủy lợi nêu trên, đứng trước sự nghiệp của doanh nghiệp và đòi hỏi của người lao động thì HEC cần phải quyết tâm vững bước tiến lên. Trước hết là phải đào tạo, củng cố lại nguồn nhân lực xây dựng đội ngũ kỹ sư chuyên sâu trong các lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu mở rộng ngành nghề kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Để đảm bảo ổn định, phát triển bền vững của HEC, thì không thể thiếu nhiệm vụ ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh

pdf11 trang | Chia sẻ: nguyenlam99 | Lượt xem: 778 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổng công ty tưvấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - Công ty cổ phần 60 năm xây dựng và phát triển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TỔNG CÔNG TY TƯ VẤN XÂY DỰNG THỦY LỢI VIỆT NAM - CTCP 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN Võ Văn Lung Thạc sỹ - Chủ tịch HĐQT - Phó Tổng Giám đốc TCT 1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ LỊCH SỬ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN Tổng công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Việt Nam - CTCP (HEC), tiền thân là Phòng thiết kế đo đạc thuộc Nha Thủy lợi Bộ Giao thông Công chính, được thành lập ngày 06 tháng 4 năm 1955. Thực hiện Quyết định số 3075/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HEC đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự thay đổi và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước, HEC đã chuyển qua nhiều tên gọi khác nhau: Phòng thiết kế đo đạc; Cục Thiết kế thuỷ lợi, sau đó gọi là Cục Khảo sát thiết kế thuỷ lợi; Viện Thiết kế thuỷ lợi -Thuỷ điện; Viện Khảo sát thiết kế thuỷ lợi; Viện Khảo sát thiết kế thuỷ lợi Quốc gia; Công ty Khảo sát Thiết kế Thuỷ lợi I; Công ty Tư vấn xây dựng Thuỷ lợi I; Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - CTCP. Kể từ khi thành lập ngành thuỷ lợi trong Bộ Giao thông Công chính (1945 - 1955), qua các giai đoạn trực thuộc Bộ Thuỷ lợi Điện lực, Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc đến Bộ Thuỷ lợi (1958 - 1995), rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù tổ chức có thay đổi, tên gọi có khác nhau nhưng bất kỳ ở đâu và trong thời gian nào, các nhiệm vụ thuỷ lợi vẫn luôn được toàn thể người lao động HEC phấn đấu phát triển vì mục tiêu hiện đại hóa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với bao thế hệ đã qua, HEC đã khảo sát thiết kế trên 800 công trình thuỷ lợi vừa và lớn góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày nay, thương hiệu HEC đã trở nên quen thuộc với các chủ đầu tư, nhà điều hành và các nhà thầu hoạt động trong lĩnh xây dựng các công trình thủy lợi. Điều này được thể hiện qua sự hiện diện của đội ngũ chuyên gia HEC ở hầu hết các công trình thủy lợi, các dự án trọng điểm của Nhà nước. Nhìn lại những năm đầu, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình lập lại trên miền Bắc, sự nghiệp khôi phục và chuẩn bị phát triển thuỷ lợi trên quy mô rộng lớn đã bắt đầu kể từ ngày 06-4-1955 khi Chính phủ lập Nha Thuỷ lợi thuộc Bộ Giao thông công chính và tiếp đó ngày 09-9-1955 Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc ra đời. Trong thời cơ lịch sử đó, Cục Thiết kế Thuỷ lợi được thành lập theo Nghị định số 922/TTg ngày 09-6-1956 do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký bổ nhiệm kỹ sư Trần Ngọc Hậu làm Giám đốc và kỹ sư Đào Trọng Kim làm Phó Giám đốc, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của công tác Khảo sát và Thiết kế Thuỷ lợi. Ngay từ những ngày đầu thành lập dưới sự chỉ đạo của Bộ các kỹ sư của HEC đã tập trung nghiên cứu các giải pháp để hạn chế lũ cho Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một số các công trình Thuỷ lợi từ nhỏ, vừa, đến lớn như các hồ Cấm Sơn, Núi Cốc v.v; các hệ thống trạm bơm ở Bắc Nam Hà; Bắc, Nam Thái Bình v.v được xây dựng. Thành quả thuỷ lợi trong những năm này đã tạo cơ sở cho ổn định sản xuất vụ mùa, mở ra vụ Chiêm - Xuân còn hạn hẹp, bấp bênh trở thành vụ sản xuất chính có năng suất cao. Nhờ có thuỷ lợi cùng các biện pháp nông nghiệp đã tạo ra những cánh đồng 5 tấn trên diện rộng từ đồng bằng đến trung du, miền núi, nhiều vùng ở tình trạng chiêm khê mùa thối đã trở thành vùng tưới tiêu chủ động năng suất cây trồng tăng cao, góp phần nâng cao điều kiện sống cho nhân dân khu vực hưởng lợi. HEC là doanh nghiệp tư vấn khảo sát, thiết kế hàng đầu trong lĩnh vực phát triển thuỷ lợi ở Việt Nam, nơi quy tụ được một đội ngũ lớn các chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật cao và chuyên sâu trong ngành thủy lợi. Ngoài ra, HEC còn khảo sát thiết kế nhiều dự án thuỷ lợi, thuỷ điện ở Lào, Campuchia và gửi chuyên gia sang làm việc ở các nước Châu Phi, Lào. Thông qua việc hợp tác với các đối tác có tên tuổi trên thế giới như: NIPPON KOEL, BCEOM, LUIS BERGER, KOLON, WB, ADB, v.v HEC đã dần tiếp cận được các công nghệ tiên tiến và hiện đại của Thế giới. Với kiến thức chuyên sâu, quy trình và trang thiết bị hiện đại, HEC luôn tin tưởng vào khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng dịch vụ tư vấn. Với định hướng phát triển của HEC trong lĩnh vực thủy lợi, HEC đã chủ động xây dựng mục tiêu phát triển nhằm đáp ứng hiệu quả nhất yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và phấn đấu trở thành một doanh nghiệp tư vấn tầm cỡ trong khu vực và Thế giới. HEC khẳng định một cách chắc chắn rằng tất cả sản phẩm do HEC cung cấp cho khách hàng đều đạt chỉ tiêu chất lượng đã đề ra với phương châm: “Chất lượng sản phẩm là mục tiêu hàng đầu và là thách thức lớn nhất đối với Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam - CTCP”. 2. NHỮNG THÀNH TỰU VÀ TRƯỞNG THÀNH Kể từ khi thành lập đến nay, HEC luôn đảm bảo và kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm tư vấn của mình. Và, nhất là từ năm 2001 trở lại đây hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 : 2000, năm 2009 nâng cấp thành ISO 9001 : 2008 thì sản phẩm tư vấn của mình càng được những người lao động của HEC quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, trải qua các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, phức tạp, diễn biến mưa lũ ngày một cực đoan nhưng những công trình do HEC thiết kế vẫn được đảm bảo vận hành an toàn cùng năm tháng. Ngoài tư vấn đảm bảo công năng, HEC đã dần kết hợp đảm bảo cả công năng lẫn cảnh quan tạo ra diện mạo mới bền đẹp cho công trình. 2.1 Những công trình cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế Để đạt được mục tiêu trên, một loạt các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ đã được khảo sát thiết kế và xây dựng phát huy hiệu quả to lớn. Một số các công trình thủy lợi tiêu biểu do HEC thiết kế đã làm thay đổi bộ mặt của vùng hưởng lợi, đẩy lùi nghèo đói góp phần vào công việc hiện đại hóa nông nhiệp và phát triển nông thôn, có thể kể ra các công trình tiêu biểu như: Hệ thống đại thủy lợi Bắc Hưng Hải, Hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn, Hồ và Thủy điện Kẻ Gỗ, Hệ thống thủy lợi Yên Lập, Tiêu úng Vân Đình, Hồ Núi Cốc, Hệ thống Thuỷ lợi Thạch Nham, Tân Giang, Cam Ranh, Phú Ninh, Sông Quao, Ayun Hạ v.v Đặc biệt, trong những năm gần đây một loạt các công trình lớn tưới cho hàng chục ngàn ha, cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp đã và đang được khảo sát thiết kế và xây dựng, điển hình như: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), Hồ Định Bình (Bình Định), Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh), v.v Dưới đây là hình ảnh một số hồ chứa nước lớn điển hình phục vụ đa mục tiêu. Hồ chứa nước Tân Giang - Ninh Thuận Tưới: 3000ha; cấp nước sinh hoạt, chậm lũ Hồ chứa nước Cam Ranh - Khánh Hòa Tưới: 2300ha; cấp nước sinh hoạt cho 70.000 hộ dân Hồ chứa nước Easuop Thượng - ĐăkLăk Tưới: 9455ha; cấp nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi, cải tạo khí hậu; phát điện N=1600KW Hồ chứa nước Định Bình - Bình Định Tưới: 27.660ha; giảm lũ hạ du; Nuôi trồng thủy sản; phát điện; tạo nguồn: 3m3/s Hồ chứa nước Cửa Đạt - Thanh Hóa Giảm lũ với tần suất 0,6%; Tưới: 86.862ha; phát điện 97MW ; Sinh hoạt, công nghiệp: 7,715m3/s Hồ chứa nước Tả Trạch - Thừa Thiên Huế Tưới: 25.900ha; chống lũ, đẩy mặn; phát điện 16,5MW; cấp nguồn nước cho bắc, nam Sông Hương 2.2 Đê điều - Phòng chống giảm nhẹ thiên tai Là nước thuộc khu vực có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa bình quân năm khá cao và tỷ lệ vùng núi chiếm tới ¾ diện tích lãnh thổ. Với đặc điểm về hình thái khí hậu và địa hình nêu trên nên hình thành dòng chảy cũng như thiên nhiên phức tạp từ khi hình thành đồng bằng châu thổ. Để bảo vệ cuộc sống và điều kiện canh tác, ông cha ta đã đắp bồi, hình thành nên những tuyến đê. Qua hàng ngàn năm, nước ta đã xây dựng và củng cố được gần 6.000 km đê sông, trên 2.000 km đê biển để chống lũ lụt cho lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hệ thống bờ bao hơn 8.000 km ở đồng bằng Sông Cửu Long, chống lũ đầu mùa bảo vệ lúa hè thu cùng với hệ thống thoát lũ ra biển Tây đã đưa đồng bằng Sông Cửu Long từ một vụ lúa bấp bênh lên hai vụ lúa đông xuân và hè thu có năng suất cao. Trong đó HEC đã tham gia thiết kế, cải tạo nâng cấp nhiều hệ thống đê sông, đê biển điển hình như đê Hà Nội, đê sông Mã, đê Sông Thái Bình v.v... Đặc biệt đối với tuyến đê trên địa bàn nội đô Hà Nội, nhờ có đề xuất giải pháp xén trạch, chuyển thành đê bê tông đã biến hơn 6km đê nội thành vốn ô nhiễm, mất mỹ quan, giao thông chật hẹp chuyển thành con đường gốm sứ sạch đẹp tạo cơ sở hạ tầng giao thông cho thủ đô. Đê Hà Nội Bảo vệ 335.000 ha đất tự nhiên và 4 triệu hộ dân Kè Phú Gia - Hà Nội Bảo vệ chống sạt lở bờ 2.3 Tham gia phát triển thuỷ điện Tiền thân là Viện Khảo sát thiết kế Thuỷ lợi - Thuỷ điện. HEC đã tham gia thiết kế nhiều công trình thuỷ điện như: Thác Bà, Khe Diên, Hoà Bình, Kè Gỗ, Đá Bàn, Thác Bay, Định Bình, Cửa Đạt, Nước Trong v.v... Nhà máy thủy điện Thác Bà - Yên Bái Phát điện 108MW, điều tiết lũ Đập bê tông và Nhà máy thủy điện Nước Trong - Quảng Ngãi Phát điện 16,5MW Thủy điện Cửa Đạt - Thanh Hóa Phát điện 97 MW Thủy điện Định Bình – Bình Định Phát điện 6,60MW 2.4 Phát triển khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực Ngoài việc chủ trì xây dựng các quy trình quy phạm, Tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn ngành. HEC đã không ngừng hoàn thiện trong quá trình phát triển, tự vươn lên, tự đổi mới, theo đó nhiều thành tựu nghiên cứu công nghệ mới được ứng dụng vào lĩnh vực tư vấn thiết kế và thực tế xây dựng như: Áp dụng công nghệ đập hỗn hợp nhiều khối; công nghệ đập đá đắp chống thấm bằng bản mặt BTCT; công nghệ đập bê tông trọng lực truyền thống; công nghệ đập bê tông đầm lăn RCC; công nghệ chống thấm bằng tường lõi BTCT cho đập vật liệu địa phương; công nghệ Xi phông lửng; công nghệ tràn băng qua kênh; Biện pháp thi công kênh qua vùng đất cao lanh; áp dụng cửa van quạt điều khiển tự động vào đập dâng nước và mới đây là áp dụng đập phím đàn Piano kết hợp với việc sử dụng bê tông tự đầm. 2.4.1 Công nghệ đập hỗn hợp nhiều khối Đập đất với chiều cao không lớn có yêu cầu điều kiện địa hình địa chất không cao, dễ dàng cơ giới hoá, kỹ thuật thi công đơn giản, giá thành thấp, nên đã được xây dựng phổ biến. Qua thống kê thấy hình thức mặt cắt đập đã xây dựng rất phong phú: đập đồng chất, đập có tường nghiêng sân phủ chân khay, đập có tường tâm v.v... Trong các năm gần đây, ở khu vực miền Trung đã xuất hiện thêm kết cấu đập hỗn hợp nhiều khối có hệ thống tiêu nước kiểu ống khói kết hợp thảm tiêu nước nằm ngang. Kết cấu đập này ra đời sau khi có hàng loạt các sự cố đập ở khu vực, điển hình là: Đập Suối Trầu (3 lần), Suối Hành và Am Chúa v.v... Nguyên nhân của các sự cố được xác định chủ yếu do điều kiện địa chất, vật liệu đất đắp đập khu vực có những tính chất cơ lý đặc biệt: trương nở, co ngót, tan rã, lún ướt và sự phân bố rất không đồng đều của vật liệu đắp theo diện và độ sâu. Đập hỗn hợp nhiều khối sử dụng được nhiều loại vật liệu, trong đó có cả hỗn hợp đất đá đào móng công trình đầu mối, nhờ đó mà giảm bớt được việc khai thác vật liệu tại mỏ. Với việc phân vùng vật liệu hợp lý sẽ phát huy các ưu điểm, hạn chế tối đa các nhược điểm, giải quyết các tồn tại về tính chất đặc biệt đất đắp đập trong khu vực: trương nở, co ngót, tan rã, lún ướt. Theo đó, điều kiện làm việc của đập (thấm, trạng thái ứng suất, ổn định cục bộ, ổn định tổng thể v.v...) được cải thiện, độ ổn định và tuổi thọ công trình đuợc nâng cao. Cho đến nay, kết cấu đập này đã trở thành một xu thế lựa chọn mặt cắt đập trong khu vực. Các đập đã xây dựng theo loại hình này đã chứng tỏ được tính an toàn, kinh tế so với các loại đập đã xây dựng trước đây. 2.4.2 Công nghệ đập đá đắp chống thấm bằng bản mặt bê tông (CFRD) Trước đây đối với các đập có chiều cao lớn được xây dựng trên nền địa chất là đá lại ở vùng sẵn vật liệu đất đá, thường được lựa chọn loại đập đá đổ lõi giữa chống thấm, điển hình của loại đập này là: Hoà Bình, Đại Ninh, Hàm Thuận Đa My, Yaly. Đập đá đổ lõi giữa có một số nhược điểm: Khối lượng lớn do yêu cầu mái xoải hơn, tính ổn định và biến dạng phức tạp do chịu tác dụng của áp lực lỗ rỗng trong khối lõi, đường bão hoà trong đập cao; không có khả năng cho nước tràn qua trong thi công dẫn đến yêu cầu cho chi phí dẫn dòng cao, tốc độ thi công bị hạn chế trong mùa mưa, từ đó dẫn đến giá thành đập cao, thời gian thi công thường kéo dài và bị động. Xu thế trong các thập kỷ gần đây loại hình đập CFRD đã gần như thay thế loại hình đập đá đắp lõi giữa chống thấm. Nhiều quốc gia đã nghiên cứu và áp dụng loại đập này, trong đó là Trung Quốc là nước đi đầu trong việc phát triển loại đập CFRD và đạt nhiều thành tựu trong kỹ thuật xây dựng. Đập CFRD cấu tạo từ đá đắp là chính, chống thấm bằng bản mặt BTCT nằm ở mái thượng lưu. Do chống thấm bằng bản mặt bê tông nên hầu như hạn chế được dòng thấm đi qua; thân đập là đá đắp nên đường bão hòa thấp, không có áp lực nước lỗ rỗng - một yếu tố làm giảm sức kháng cắt khối đập - vì vậy đập có độ ổn định cao hơn, mái dốc lớn, tiết kiệm được vật liệu xây dựng, có ý nghĩa rất lớn về mặt giảm chi phí xây dựng, thời gian thi công ngắn, giảm nhẹ được cường độ thi công công trình. Khi động đất xẩy ra, do đại bộ phận đập đều khô nên khả năng kháng chấn tốt hơn. Trước khi xây dựng công trình đầu mối Thuỷ Lợi Cửa Đạt, ở Việt Nam đã xây dựng 2 công trình Thủy điện Tuyên Quang và thủy điện Quảng Trị đều là công trình do Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) quản lý. Công trình đầu mối Thuỷ Lợi Cửa Đạt là công trình đầu tiên của ngành Thuỷ lợi được áp dụng công nghệ này. Đập chính có chiều cao lớn nhất 118,75m, đây là đập có chiều cao lớn nhất nước ta hiện nay. Trong quá trình nghiên cứu thiết kế HEC đã có sự hợp tác với các chuyên gia của Bộ Nông Nghiệp & PTNT, Trường Đại Học Thuỷ Lợi, Viện KHTL cùng với các chuyên gia Trung Quốc, Canada, Pháp v.v... Trong quá trình xây dựng, có xẩy ra các tình huống phức tạp, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ kỹ sư HEC, sự cộng tác tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước nên đã giải quyết tốt các tình huống xẩy ra. Qua đây cũng đã rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm, cũng như các ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến mới để áp dụng cho các công trình kế tiếp như: giải pháp đắp cát mịn phía trên lớp bản mặt bê tông, giải pháp xử lý thoát không, bố trí hai lớp cốt thép, sử dụng bọt xốp ở khe co giãn v.v 2.4.3 Công nghệ đập bê tông trọng lực truyền thống Cùng với các loại đập vật liệu địa phương, đập bê tông cũng được xây dựng để ngăn sông suối tạo hồ chứa nước, khi điều kiện tự nhiên thích hợp và đảm bảo tính kinh tế. Loại hình đập này đã được áp dụng từ lâu ở các nước trên Thế giới. Ở nước ta, công nghệ thiết kế và thi công đập bê tông trọng lực tạo hồ chứa vẫn còn nhiều mới mẻ. Năm 1993, Bộ Thuỷ lợi chỉ đạo HEC tiến hành khảo sát lập Luận chứng Kinh tế Kỹ Thuật công trình thuỷ lợi Tân Giang, trong đó phương án công trình đầu mối được Bộ Thuỷ Lợi phê duyệt là đập bê tông trọng lực. Trong giai đoạn TKKT, HEC đã nghiên cứu 2 phương án đập bê tông: Bê tông đầm lăn và bê tông truyền thống và Bộ đã duyệt theo phương án bê tông đầm lăn. Tuy nhiên, do có khó khăn về vật liệu độn, giá thành tro bay đưa đến tuyến xây dựng không rẻ hơn giá xi măng, điều kiện cung ứng và chất lượng tro bay còn nhiều bất cập nên Bộ đã cho phép thay đổi hình thức kết cấu đập Tân Giang từ phương án bê tông đầm lăn sang bê tông truyền thống. Trong quá trình thiết kế, ngoài các vấn đề về nghiên cứu bố trí tổng thể, tối ưu mặt cắt, xử lý nền, dẫn dòng thi công, phân khoảnh đổ v.v lần đầu tiên đã nghiên cứu áp dụng cấp phối bê tông thường có trộn tro bay để giảm nhiệt thuỷ hoá, phụ gia chống thấm và nhiều phụ gia khác phục vụ chặn dòng vào tháng 9 năm 2001. Năm 2003, đập đã trải qua thử thách mùa lũ đầu tiên an toàn. Như vậy, đập bê tông trọng lực Tân Giang là đập được xây dựng lần đầu tiên ở Việt Nam hoàn toàn bằng công nghệ thiết kế, thi công trong nước và là đập bê tông cao nhất thời điểm bấy giờ. Có thể đánh giá đây là một bước đột phá của ngành Thuỷ Lợi Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế. Sự ra đời đập bê tông trọng lực Tân Giang là tiền đề cho sự ra đời của nhiều đập bê tông trọng lực truyền thống và RCC tiếp theo trong ngành như: đập bê tông Sông Lòng Sông (45m), đập bê tông Định Bình (56 m), Nước Trong (72,5 m) và nhiều đập khác của ngành điện lực. 2.4.4 Công nghệ đập bê tông trọng lực đầm lăn RCC Đập bê tông đầm lăn (RCC) là loại đập kết hợp được ưu điểm về kết cấu của đập bê tông truyền thống và ưu điểm về công nghệ thi công của đập đất. Đập RCC có ưu điểm thi công nhanh, công trình đưa vào khai thác sớm, lượng dùng xi măng thấp hơn so với đập bê tông truyền thống, nhiệt độ trong khối đập cũng được giảm nhỏ. Vì vậy, trên cơ sở thành tựu công nghệ đập bê tông truyền thống đã đạt được, HEC đã chủ trương ứng dụng rộng rãi giải pháp công nghệ thiết kế, thi công đập bê tông đầm lăn vào thiết kế đập. Đập bê tông được áp dụng công nghệ RCC đầu tiên trong ngành thủy lợi ở Việt Nam là đập Định Bình, Nước Trong tương lai là đập Tân Mỹ, Sông Chò 1, Đồng Điền cũng sẽ kiến nghị áp dụng công nghệ này. Kể từ khi thiết kế đập RCC đầu tiên là đập Định Bình, đến đập Nước Trong mặt cắt đập đã được thay đổi nhiều về phân vùng vật liệu cũng như biện pháp thi công trên cơ sở tối ưu hóa. Và, điều căn bản hơn là HEC đã sử dụng được phần mềm Abaqus - Mỹ để tính toán, phân tích nhiệt trong quá trình thi công và vận hành. Nhờ vậy, đã chủ động trong việc bố trí phân vùng vật liệu cũng như khống chế chiều cao lên đập. 2.4.5 Công nghệ chống thấm bằng tường lõi BTCT cho đập vật liệu địa phương Đập vật liệu địa phương tuy có ưu điểm giá thành hạ, yêu cầu về tình hình địa hình, địa chất nền móng không cao, song không phải tại vị trí dự kiến xây dựng công trình nào cũng có đầy đủ vật liệu đất đắp đập, đặc biệt vật liệu đắp khối chống thấm, đập Tràng Vinh (Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình. Để khắc phục sự khan hiếm vật liệu đất đắp khối chống thấm, HEC đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ chống thấm bằng tường lõi BTCT trong đập. Đập có chiều cao lớn nhất là 30m, năm 2003 hoàn thành đã đưa vào khai thác sử dụng an toàn, đây là đập có tường lõi BTCT đầu tiên ở Việt Nam. 2.4.6 Công nghệ đập tràn kiểu phím đàn Piano Đối với khu tưới Văn Phong thuộc dự án hồ chứa nước Định Bình (Bình Định) đã có nhiều giải pháp, hình thức kết cấu đập. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng các dạng đập dâng truyền thống thì phải xây lắp 20 cửa van, nhưng vẫn bị ngập một đoạn đường Quốc lộ 19 và phải di dân tương đối nhiều. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng khi vận hành của các cửa van khi mưa bão bị mất điện. Đây chính là động lực để các kỹ sư HEC nghiên cứu áp dụng hình thức tràn phím đàn Piano để nâng cao năng lực xả qua tràn và giảm qui mô cũng như số lượng cửa van (từ 20 cửa xuống 10 cửa), đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả, tiết kiệm được kinh phí xây dựng và kinh phí vận hành công trình. Không những thế cũng trong công trình này, HEC đã cùng các bên có liên quan đã áp dụng thành công công nghệ bê tông tự đầm, nhờ vậy công trình thi công đảm bảo chất lượng và mỹ quan với chi phí thấp hơn. Hiện nay, công trình đã được xây dựng xong với hình thức đẹp và bề thế, tạo dựng diện mạo mới cho vùng quê hương người anh hùng dân tộc Quang Trung. 2.4.7 Nghiên cứu ứng dụng các phần mềm tiên tiến Nhận thức được rằng trong thời đại bùng nổ tin học và ứng dụng công nghệ hiện nay, muốn cạnh tranh và hội nhập quốc tế thì HEC phải tự đào tạo và trang bị các phần mềm chuyên dụng. Nhờ việc trang bị và sử dụng thuần thục các phầm mềm này đã góp phần tạo dựng nên thương hiệu của HEC. a) Geostudio 2007 - Canada: Tính toán thấm, ứng suất cho đập đất và đập bê tông, tính toán lún cho đập đất trong quá trình thi công và vận hành để xác định chiều cao phòng lún thích hợp, tính toán ổn định cho đập đất, mái dốc và ổn định nền móng các công trình thủy lợi. b) SEEP 3D - Canada: Tính toán thấm không gian 3D, dùng cho các công trình có tính phức tạp về điện kiện thấm như các đoạn mà địa chất nền biến đổi lớn và chiều cao đập thay đổi lớn theo chiều dọc đập (đoạn vai đập và các công trình có độ dốc vai đập lớn). c) Quake - Canada: Tính toán ứng suất của công trình chịu động đất và tính toán hóa lỏng của đập đất, các kết quả ứng suất được chuyển sang Modun Slope để đánh giá hệ số ổn định của công trình. d) SAP 2000 - Mỹ: Tính toán kết cấu cho các công trình để kiểm tra điều kiện ổn định và bố trí thép cho kết cấu. e) Abaqus - Mỹ: Phân tích ứng suất của tai van (gối cửa van cung) và ứng suất trong đập bê tông bằng mô hình không gian 3D. f) Phase II - Canada: Tính toán tình hình ứng suất phân bổ xung quanh tuy nen khi đào và khi đã gia cố, tính toán xác định kết cấu chống đỡ và kết cấu gia cố áo tuy nen. g) Plaxis - Hà Lan: Tính toán ứng suất, biến dạng, ổn định của công trình, mái đào đắp, đập trên nền đất theo mô hình vật liệu đàn hồi tuyến tính và đàn hồi không tuyến tính có xét đến sự tương tác giữa công trình và đất đá xung quanh công trình. h) Abaqus - Mỹ: Tính toán mô phỏng bài toán nhiệt thủy hóa của bê tông có xét đến quá trình thi công và ảnh hưởng của môi trường xung quanh trong quá trình thi công và vận hành. Từ đó tính toán xác định phân bố ứng suất của bê tông trong giai đoạn thi công và vận hành và đề ra biện pháp khống chế nhiệt cho bê tông. 3. NHỮNG TRĂN TRỞ Trải qua những thời kỳ hoàng kim về việc tập trung đầu tư phát triển thủy lợi, cho đến nay các công trình thủy lợi, thủy điện lớn đã cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh. Hiện tại, chỉ còn lại các dự án có quy mô nhỏ và vừa, lại trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công nên nguồn kinh phí đầu tư cho thủy lợi không được dồi dào. Hơn nữa, các đơn vị tư vấn được thành lập nhiều nên tạo ra sự cạnh tranh quá khốc liệt. Vì thế, nguồn công việc mà HEC tiếp cận được ngày càng khó khăn. Trong khi đó lực lượng lao động lành nghề được đào tạo bài bản, giầu kinh nghiệm đã dần về nghỉ theo chế độ. Lực lượng kỹ sư mới được tiếp nhận tuy có trình độ tin học, ngoại ngữ khá nhưng chưa đạt độ chín về kinh nghiệm, lực lượng kỹ sư chuyên sâu để đáp ứng trình độ hội nhập quốc tế chưa đạt được yêu cầu như kỳ vọng. Với nguồn công việc giảm, thu nhập thực tế của người lao động có xu thế chưa ổn định, thậm chí giảm thấp. Từ đó dẫn đến tình trạng chẩy máu chất xám chưa thể hạn chế. Mặt khác, khi nguồn công việc trong nước giảm thấp, HEC có thể phải cơ cấu, xắp xếp lại nguồn nhân lực thì đời sống những kỹ sự tâm huyết, gắn bó với HEC, với sự nghiệp tư vấn thủy lợi sẽ ra sao? Thương hiệu HEC được bồi đắp bởi bao thế hệ người lao động trong suốt 60 năm qua sẽ như thế nào? Đây là những trăn trở, day dứt của những người lãnh đạo và những người có tâm huyết với HEC hiện nay. 4. VƯỢT QUA THỬ THÁCH, VỮNG BƯỚC TIẾN LÊN Theo định hướng phát triển thuỷ lợi đến năm 2020 là lấy tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nước làm mục tiêu chính, ưu tiên xây dựng các hệ thống thủy lợi tiết kiệm nước, phát triển các tổ chức dùng nước của nông dân, của cộng đồng địa phương và của nhà đầu tư để bảo vệ, quản lý vận hành hiệu quả hệ thống thuỷ lợi và tiết kiệm nguồn nước, nâng hiệu suất sử dụng công suất thiết kế lên trên 90%. Tăng dần mức đảm bảo phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ v.v.... Tăng năng lực phòng chống thiên tai, đảm bảo nhu cầu cấp thoát nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế. Cấp đủ nguồn nước để khai thác 4,5 triệu ha đất cây trồng hàng năm, tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ (3,32 triệu ha). Nâng dần tần suất đảm bảo tưới lên 85%. Mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp. Nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ về nghiên cứu đánh giá nguồn nước, quy hoạch, thiết kế, xây dựng thuỷ lợi và quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đạt mức trên trung bình của châu Á. Với định hướng phát triển thủy lợi nêu trên, đứng trước sự nghiệp của doanh nghiệp và đòi hỏi của người lao động thì HEC cần phải quyết tâm vững bước tiến lên. Trước hết là phải đào tạo, củng cố lại nguồn nhân lực xây dựng đội ngũ kỹ sư chuyên sâu trong các lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu mở rộng ngành nghề kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Để đảm bảo ổn định, phát triển bền vững của HEC, thì không thể thiếu nhiệm vụ ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Để tạo đà cho sản xuất, kinh doanh phát triển thì cần có sự đột phá các khâu chính như sau: 1) Về việc làm: thay đổi tư duy, phương thức tiếp cận các chủ đầu tư để tìm kiếm việc làm, mở rộng cập nhật thông tin thị trường để được đấu thầu và thắng thầu; 2) Về tổ chức thực hiện: Nâng cao hơn nữa về chất lượng khảo sát thiết kế, thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị các phần mềm chuyên dụng, trang thiết bị bổ trợ từ đó góp phần củng cố, nâng cao uy tín và thương hiệu HEC; 3) Nghiệm thu, thanh toán: Tăng cường khâu nghiệm thu, thanh toán với các chủ đầu tư, từ đó tạo nguồn để chi trả chi phí, đảm bảo hài hòa lợi ích người lao động, nhà đầu tư và tăng cường tích lũy vốn nhằm tạo sự ổn định tư tưởng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ba khâu đột phá này củng cố và hỗ trợ lẫn nhau tạo đà cho nhau phát triển từ đó đưa HEC vươn lên. Xây dựng bộ máy từ Tổng công ty đến các đơn vị theo hướng tinh gọn, năng động và chuyên nghiệp. Dựa trên cơ sở mô hình sản xuất hiện nay và chiến lược phát triển của ngành cũng như nhu cầu của xã hội để định hướng hoạt động, cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nhân sự cho phù hợp. Với truyền thống 60 năm qua, cán bộ người lao động của HEC sẽ quyết tâm phấn đấu để tiếp bước những thế hệ đi trước làm tốt hơn nữa sự nghiệp xây dựng và phát triển, tạo dựng thế và lực mới đưa HEC ngày càng lớn mạnh góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. TÀI LIỆU THAM KHẢO Nội san của HEC các năm 2005 đến 2008.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfhec_60_nam_7461.pdf
Tài liệu liên quan