Tổ chức hoạt động học tập mang tính hợp tác ở các lớp học ngoại ngữ

Học tập mang tính hợp tác ngày càng trở nên phổ biến ở các lớp học ngoại ngữ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động học tập mang tính hợp tác không chỉ nâng cao kết quả học tập mà còn tạo hứng thú cho người học, làm cho người học cảm thấy tự tin hơn và giao tiếp được tốt hơn. Tuy nhiên, để tổ chức tốt các hoạt động học tập mang tính hợp tác cần phải có những nổ lực đáng kể của cả người dạy lẫn người học. Nếu được tổ chức tốt, hoạt động học tập mang tính hợp tác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của của việc học và dạy ngoại ngữ.

doc4 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 1382 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổ chức hoạt động học tập mang tính hợp tác ở các lớp học ngoại ngữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP MANG TÍNH HỢP TÁC Ở CÁC LỚP HỌC NGOẠI NGỮ IMPLEMENTING COOPERATIVE LEARNING IN FOREIGN LANGUAGE CLASSES ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HÀ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Tổ chức hoạt động học tập mang tính hợp tác là thiết yếu trong quá trình dạy và học ngoại ngữ. Hoạt động học tập mang tính hợp tác không chỉ giúp cho người học hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ mà còn phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và tinh thần hợp tác trong hoạt động tập thể. Bài viết này nhằm nêu lên những yếu tố cấu thành của hoạt động học tập mang tính hợp tác cũng như tầm quan trọng của nó trong việc dạy và học ngoại ngữ. Một số đề xuất cũng được đưa ra để giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động học tập mang tính hợp tác trong các lớp học ngoại ngữ. ABSTRACT Implementing cooperative learning is essential in the process of foreign language learning and teaching. Cooperative learning not only helps learners improve their language skills but also develops their creative thinking, interpersonal skills and cooperation in doing group work. This paper mentions the elements as well as the importance of cooperative learning. It also gives some suggestions to help teachers implement cooperative learning effectively. 1. Sơ lược về học tập mang tính hợp tác Quá trình học tập là một quá trình tương tác của các yếu tố: người dạy, người học và giáo trình. Sự tương tác giữa người học được chia thành ba mô hình: học tập mang tính tranh đua (competitive learning), học tập mang tính cá thể (individualistic learning) và học tập mang tính hợp tác (cooperative learning) (Roger & David,1994). Học tập mang tính hợp tác là một chiến lược giảng dạy (teaching strategy) trong đó người dạy sẽ tổ chức người học thành những nhóm nhỏ để thực hiện các hoạt động như thảo luận, đóng vai, giải quyết vấn đề, v.v. Mỗi thành viên không chỉ có trách nhiệm thực hiện các hoạt động của nhóm mà còn phải có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ các thành viên trong nhóm hoàn thành các hoạt động được giao (Jacobs & Hall, 2002). Học tập mang tính hợp tác khác học tập mang tính tranh đua ở những điểm sau: Học tập mang tính hợp tác Học tập mang tính tranh đua Có sự tương tác giữa người học Mỗi cá nhân có trách nhiệm với chính mình và với cả nhóm Các cá nhân phụ thuộc vào nhau một cách tích cực. Kỹ năng giao tiếp được chú trọng và phát triển Không có sự tương tác giữa người học Mỗi cá nhân chỉ có trách nhiệm với chính mình. Mỗi cá nhân làm việc độc lập. Kỹ năng giao tiếp không được chú trọng. Không nên hiểu học tập mang tính hợp tác đơn thuần là việc tổ chức người học thành từng nhóm và giao cho mỗi nhóm một hoạt động nào đó để thực hiện (Jacobs & Hall, 2002). Để hoạt động học tập thực sự mang tính hợp tác, cần phải bảo đảm rằng các thành viên trong nhóm phụ thuộc vào nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Katzenbach và Smith (1993) đã có lý khi dùng từ đội (team) thay cho nhóm (group). Từ đội được hiểu là một nhóm người có năng lực khác nhau nhưng cùng chung một mục đích, họ sẽ hỗ trợ cho nhau, cam kết hoàn thành công việc mà nhóm được giao. 2. Các yếu tố cấu thành của hoạt động học tập mang tính hợp tác 2.1. Sự phụ thuộc vào nhau một cách tích cực (Positive interdependence) Trong hoạt động học tập mang tính hợp tác, người học phải tham gia vào các hoạt động nhóm. Công việc của nhóm sẽ không được hoàn thành nếu không có sự đóng góp của từng cá nhân. Người học phải nhận thức rằng nổ lực của mỗi cá nhân là thiết yếu cho sự thành công của cả nhóm và của chính họ. Vì thế, họ phải dựa vào nhau, hổ trợ lẫn nhau để hoàn thành công việc. 2.2. Sự tương tác, hỗ trợ giữa các cá nhân trong nhóm (Interaction) Như đã nêu ở mục II.1, mỗi cá nhân là một mắc xích trong dây chuyền hoạt động của nhóm. Họ không thể làm việc độc lập như ở mô hình học tập mang tính tranh đua. Họ phải hợp tác với nhau, giúp đở lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc, trao đổi thông tin cũng như những quan điểm cá nhân. Người học phải biết vận dụng kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá để hoàn thành công việc được giao. 2.3. Trách nhiệm cá nhân (Individual accountability) Đặc điểm nổi bật của học tập mang tính hợp tác là người học hoạt động theo nhóm. Các thành viên trong nhóm phụ thuộc vào nhau nhưng mỗi người đều có trách nhiệm riêng. Hoạt động học tập mang tính hợp tác phải được tổ chức sao cho mỗi người đều phải có đóng góp nhất định vào hoạt động chung của nhóm. Sau khi tham gia vào một buổi học có hoạt động mang tính hợp tác, người học có thể tự mình thực hiện thành công một hoạt động tương tự. 2.4. Kỹ năng giao tiếp và kỹ năng hoạt động nhóm (Inteprsonal and small group skills) Học tập mang tính hợp tác sẽ tạo tình huống giao tiếp trong đó người học phải biết thể hiện quan điểm của mình, lắng nghe ý kiến của người khác, giải quyết những bất đồng ý kiến theo hướng xây dựng và thương lượng để đi đến quyết định thống nhất. Nhờ tham gia vào những hoạt động này mà kỹ năng giao tiếp của người học được cải thiện đáng kể. 2.5. Phản hồi và điều chỉnh (Group processing) Sau mỗi buổi học, các thành viên của nhóm phải đánh giá những hoạt động mà họ đã thực hiện - hoạt động nào đạt hiệu quả, hoạt động nào chưa phù hợp, hoạt động nào nên duy trì, hoạt động nào cần thay đổi. Quá trình này giúp duy trì quan hệ giữa các thành viên trong nhóm, củng cố và hoàn thiện các hoạt động đạt hiệu quả cao, điều chỉnh những hoạt động chưa phù hợp hoặc không hiệu quả. 3. Tầm quan trọng của hoạt động học tập mang tính hợp tác 3.1. Tạo tâm lý thoải mái cho người học Xuyên suốt quá trình học tập mang tính hợp tác là các hoạt động nhóm. Khi làm việc theo nhóm, người học cảm thấy thoải mái, không bị căng thẳng như lúc làm việc một mình. Họ được sự hỗ trợ, hợp tác của những người trong nhóm nên họ trở nên tự tin hơn và vì thế, việc học của họ sẽ đạt hiệu quả cao hơn. 3.2. Phát triển kỹ năng giao tiếp Bên cạnh việc đạt được mục tiêu học tập là phát triển kỹ năng ngôn ngữ, người học tham gia vào hoạt động học tập mang tính hợp tác còn có điều kiện để phát triển kỹ năng giao tiếp. Họ học đươc cách trình bày và bảo vệ quan điểm của mình, biết cách thuyết phục và thương lượng trong việc giải quyết vấn đề. Họ trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn trong giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp của họ vì thế mà ngày càng được hoàn thiện đáng kể . 3.3. Phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp và khả năng giải quyết vấn đề Trong các lớp học mang tính hợp tác, người học phải tham gia vào các hoạt động đóng vai, thuyết trình, thảo luận, tranh luận, giải quyết vấn đề, v.v. Các hoạt động này đòi hỏi người học phải sáng tạo, logic, linh hoạt và nhạy bén. Người học còn phải đánh giá các hoạt động mà nhóm mình thực hiện để có những điều chỉnh hợp lý. Các hoạt động nêu trên đã giúp người học phát triển tư duy sáng tạo cũnng như khả năng phân tích, tổng hợp và khả năng giải quyết vấn đề. 4. Một số đề xuất đối với việc tổ chức các hoạt động học tập mang tính hợp tác Để hoạt động học tập mang tính hợp tác đạt hiệu quả, chúng tôi xin có một số đề xuất sau: 4.1. Tạo hứng thú đối với các hoạt động học tập mang tính hợp tác cho người học Hoạt động học tập mang tính hợp tác sẽ không thành công nếu người học không tham gia hoặc tham gia một cách miễn cưỡng vào các hoạt động đó. Vì thế điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của hoạt động học tập mang tính hợp tác là hứng thú của người học. Hầu hết người học ở các lớp học ngoại ngữ đều đã quen và tỏ ra rất hứng thú với các hoạt động nhóm. Tuy nhiên vẫn còn một số tỏ thái độ thờ ơ hoặc bất hợp tác trong các hoạt động này. Một trong những biện pháp hiệu quả để gây hứng thú cho người học đối với hoạt động nhóm là tổ chức các trò chơi mang tính hợp tác. Các trò chơi không những gây hứng thú cho người học mà còn giúp cho họ quen với các nguyên tắc hợp tác khi làm việc theo nhóm. Hoạt động đóng vai, tranh luận cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo hứng thú cho người học. Giáo viên còn có thể gây hứng thú cho người học qua việc thiết kế các hoạt động ngoại khoá sao cho người học vừa cảm thấy hứng thú và thoải mái trong các hoạt động đó lại vừa nhận thức được tầm quan trọng của tính hợp tác trong công việc. 4.2. Phân nhóm một cách hợp lý Một vấn đề mà giáo viên thường gặp khi phân nhóm là người học thích được phân nhóm với những người ngang bằng về trình độ. Điều này có nghĩa là nếu để cho người học tự lập nhóm thì sẽ có sự chênh lệch về trình độ giữa các nhóm và vì thế, nhóm của những người yếu sẽ mất tự tin và khó hoàn thành công việc được giao. Do vậy, tiêu chí để phân nhóm là sự chêch lệch về trình độ giữa các thành viên trong nhóm. Giáo viên phải giữ vai trò chủ động trong việc phân nhóm sao cho các thành viên của nhóm được học hỏi lẫn nhau. Theo các nhà giáo học pháp, số lượng thành viên lý tưởng cho mỗi nhóm là 4-5 người. Nhưng với thời lượng của mỗi tiết học và số lượng người học ở các lớp ngoại ngữ của chúng ta hiện nay, mỗi nhóm có thể gồm 6-7 thành viên. Con số này có thể được xem là vượt chuẩn so với một lớp học ngoại ngữ lý tưởng. Tuy nhiên, giáo viên có thể khắc phục hạn chế này bằng cách thiết kế các hoạt động sao cho mỗi thành viên đều có cơ hội được đóng góp vào công việc của nhóm. 4.3. Thiết kế và điều khiển tốt các hoạt động nhóm Các hoạt động nhóm phải được thiết kế sao cho các cá nhân thể hiện được trách nhiệm của mình đối với công việc được giao. Khối lượng công việc phải tương ứng với số lượng thành viên của nhóm. Một hoạt động được thiết kế tốt là hoạt động mà sẽ không được hoàn tất nếu thiếu đi sự đóng góp của bất kỳ thành viên nào trong nhóm. Để đảm bảo cho mỗi cá nhân đều có những đóng góp tích cực vào hoạt động của nhóm, giáo viên có thể yêu cầu mỗi thành viên của nhóm đảm nhận các vai trò khác nhau như trưởng nhóm, thư ký, người dẫn chương trình, v.v. Giáo viên cũng có thể chỉ định một người bất kỳ báo cáo kết quả làm việc của nhóm. Người học sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động nhóm khi họ nhận thức rằng họ chỉ thành công khi cả nhóm thành công và rằng sự thành công của nhóm không thể thiếu đi sự đóng góp của từng cá nhân. Khi các nhóm làm việc, giáo viên phải đi đến từng nhóm để quan sát và hỗ trợ. Giáo viên phải theo dõi sát sao hoạt động của từng nhóm để có thể đưa ra đánh giá chính xác về sự đóng góp của mỗi cá nhân cũng như hoạt động chung của cả nhóm. Sau mỗi buổi học, giáo viên phải yêu cầu người học đánh giá các hoạt động mà họ đã tham gia để có những điều chỉnh cần thiết cho các hoạt động tiếp theo. 5. Kết luận Học tập mang tính hợp tác ngày càng trở nên phổ biến ở các lớp học ngoại ngữ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động học tập mang tính hợp tác không chỉ nâng cao kết quả học tập mà còn tạo hứng thú cho người học, làm cho người học cảm thấy tự tin hơn và giao tiếp được tốt hơn. Tuy nhiên, để tổ chức tốt các hoạt động học tập mang tính hợp tác cần phải có những nổ lực đáng kể của cả người dạy lẫn người học. Nếu được tổ chức tốt, hoạt động học tập mang tính hợp tác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của của việc học và dạy ngoại ngữ. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cohen, Elizabeth G. Designing groupwork: Strategies for the heterogeneous classroom. Teachers College Press, New York, 1994. Johnson, D.W., Johnson, R.T., & Holubec, E.J. Circles of learning, 4 th edition Interaction Book Company, Edina, 1993. Johnson, D. W. & Johnson, R. T. Learning Together and Alone: Cooperative, Competitive, and Individualistic Learning. Interaction Book Company, Edina, 1994. Jacobs, G. M. & Hall, S. Methodology in language teaching: An anthology of current practice. Cambridge University Press, Cambridge, 2002. Katzenbach, J. R. & Smith, D. K. The wisdom of teams. Harvard Business School Press, Boston, 1993. Oxford, R.L. Language learning strategies: What every teacher should know. Newbury House, New York, 1990 Roger, T. & David, W.J. An overview of cooperative learning. Brookes Press, Baltimore, 1994.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • dochoc_tap_mang_tinh_tranh_dua_competitive_learning_hoc_tap_mang_tinh_ca_the_individualistic_learning_v.doc