3. KẾT LUẬN
Bay trên tổ chim cúc cu của Ken Kesey được xem là bức tranh toàn cảnh về con người,
về thời đại. Đọc tác phẩm, chúng ta nhận ra được những hiện thực đang tồn tại trong xã
hội, hiện thực mà đôi khi con người hoặc là vô tình, hoặc là cố ý làm ngơ để sống bình
yên trong cái trật tự hiện hành. Câu chuyện Bay lên tổ chim cúc cu tưởng chừng rất đơn
giản nhưng lại chất chứa đầy rẫy những phi lí trái ngang, hỗn loạn của cuộc sống. Trong
thế giới thu nhỏ đó, mọi giá trị đều mờ nhòe như một lớp sương dày đặc bao phủ lấy
cuộc sống của con người. Ở đó, cuộc đấu tranh giữa cái gọi là tỉnh và điên, giữa cá thể
và hệ thống, giữa tự do và trói buộc, giữa dân chủ và áp chế bất công, giữa quyền lực
thể chế và sự thỏa hiệp là cuộc đấu tranh không bao giờ dứt. Nó đặc trưng cho mối quan
hệ đối kháng giữa hai giai cấp thống trị và bị trị trong xã hội. Dân chủ, quyền lực là
ngôn từ hoa mĩ được đặt đúng giữa ranh giới của những cuộc đối kháng. Người thì dùng
mọi thủ đoạn để được nắm quyền lực trong tay, người thì cả cuộc đời đấu tranh vì dân
chủ. Có thể nói, Ken Kesey đã rất tài tình trong việc dung hòa ý thức tác giả và ý thức
nhân vật trong tiểu thuyết của mình, trưng bày và đối thoại với nhau, từ đó tạo ra khả
năngđối thoại liên văn bản với bất kì ý thức nào trong xã hội. Câu chuyện với kết thúc
mở, khơi gợi trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm, nhiều câu hỏi để ngỏ: Tôi là ai giữa
cuộc đời này? Tôi phải sống như thế nào? Giới hạn của tôi ở đâu? Tôi có đáng được
hạnh phúc?
8 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 412 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tính đối thoại trong tiểu thuyết bay trên tổ chim cúc cu của Ken Kesey qua thế giới nhân vật lưỡng phân - Lê Thị Trà My, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 66-73
TÍNH ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT
BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU CỦA KEN KESEY
QUA THẾ GIỚI NHÂN VẬT LƯỠNG PHÂN
LÊ THỊ TRÀ MY - THÁI PHAN VÀNG ANH
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Bay trên tổ chim cúc cu là thế giới của một bệnh viện tâm thần,
như một mô hình sống động của thế giới bên ngoài. Bằng việc sử dụng hình
thức trần thuật đối thoại/ trần thuật thông qua lời thoại của nhân vật, nhà văn
đã đan cài vào đó những lớp diễn ngôn, mở ra trường nhìn lớn lao về những
vấn đề nhân sinh, xã hội. Đúng như Bakhtin đã nói: “khu vực nhân vật” là
nơi thể hiện rõ nhất diễn ngôn đối thoại của tác phẩm. Trong khuôn khổ một
bài báo, chúng tôi tập trung làm rõ tính đối thoại trong tiểu thuyết Bay trên
tổ chim cúc cu của Ken Kesey qua thế giới nhân vật lưỡng phân: phân lập
tỉnh- điên, tự do - trói buộc, quyền lực thể chế - sự thỏa hiệp.
Từ khóa: tính đối thoại, diễn ngôn, nhân vật lưỡng phân, trần thuật đối
thoại, cảm quan hậu hiện đại.
1. MỞ ĐẦU
Nhân vật của Bay trên tổ chim cúc cu có thể gọi là kiểu “nhân vật lưỡng phân”. Nếu
lưỡng phân là phân ra thành hai, theo những nét đối lập thì với Ken Kesey, ý thức đối
lập đó là: tỉnh và điên, giữa tự do và sự trói buộc, giữa quyền lực thể chế và sự thỏa
hiệp. Lựa chọn một trong hai mặt mâu thuẫn đó là cuộc đấu tranh vật vã của các bệnh
nhân trong suốt cuộc đời.
2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT GẮN VỚI CẤU TRÚC LƯỠNG PHÂN
2.1. Phân lập tỉnh - điên
Ken Kesey đã rất tài tình khi xây dựng hai tuyến nhân vật: mụ y tá – bệnh nhân cùng
tồn tại, tạo ra đường biên nhập nhằng giữa chúng. Bởi trong thế giới của viện tâm thần,
người tưởng điên thì tỉnh, kẻ tưởng tỉnh lại điên.
Tính chất điên và tỉnh tồn tại trong mỗi con người. Những suy nghĩ của mụ y tá thật sự
“điên” khi muốn một tay điều hành mọi hoạt động của bệnh viện. Mụ luôn mồm nói: “các
ông thuộc quyền quản lí của chúng tôi”, “trật tự, kỷ luật được duy trì chỉ nhằm mục đích
muốn tốt cho các anh” [4, tr. 265]. Những liệu pháp trị bệnh được sử dụng như công cụ để
khống chế tinh thần phản kháng của bệnh nhân. Mụ muốn điều hành tổ hợp hoạt động
như một bộ máy: “Ngồi trước mạng điều khiển, mụ mơ về một thế giới mà mọi thứ đều
hoạt động đồng bộ, chuẩn xác như bộ máy đồng hồ.” [4, tr. 42]. Chính khát vọng thái quá
trong việc thống trị thế giới người điên này đã khiến bà ta trở thành kẻ điên rồ nhất với
những suy nghĩ của mình. Tính điên nơi người tỉnh – mụ y tá, là dục vọng về quyền lực,
thống trị thế giới người điên bằng kĩ cương, nề nếp. Có thể nói, con người bất kể ai cũng
TÍNH ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYÊT BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU... 67
mang trong mình một căn bệnh “điên”: điên vì danh lợi, điên vì tình, điên vì quyền lực,
điên vì cô đơn, nhưng điên vì dục vọng cá nhân của mụ y tá trưởng đã biến thành điên
khùng bởi nó đã gây hại cho người khác với biết bao nhiêu hệ lụy.
Sự tỉnh táo, phi lí thay lại nằm ở những người điên. Ken Kesey đã xây dựng thành công
một thế giới của những người điên. Các bệnh nhân trong viện tâm thần là những con
người dị biệt từ ngoại hình cho đến tính cách và hầu như chẳng điên chút nào. Nhưng tất
cả họ đều tự nguyện hòa mình vào thế giới điên này một cách điên dại. Thay vì đấu tranh
chiến thắng số phận, họ lại chọn con đường buông xuôi đầu hàng nó, để rồi an phận, chấp
nhận sống như là tồn tại, sống với bản năng không hơn loài vật là bao. Tiêu biểu cho kiểu
sống thụ động của nhiều con người ngoài xã hội, thay vì đấu tranh trước sóng gió của
cuộc đời thì họ trốn chạy nó, biến mình thành kẻ đào tẩu của một kiếp người.
McMurphy bước chân vào bệnh viện cũng vì mục đích chạy trốn cuộc đời với tội danh
“thái nhân cách”, “tên cuồng dâm”. Nhưng chính McMurphy đã nhận ra sự tỉnh táo
trong mỗi con người ở trại thương điên này, khi anh nghe họ bàn luận về sự điên của
mình: “ở đâu thì chúng tôi cũng là thỏ thôi - chúng tôi ở đây vì chúng tôi không thể
thích ứng với địa vị thỏ của mình. Chúng tôi cần một con sói mạnh được việc kiểu như
mụ y tá này để học lấy vị trí của mình.” [4, tr. 91]. Hóa ra, những bệnh nhân không
những không điên mà còn tỉnh táo. Họ ý thức được sự điên loạn thật sự của mụ y tá
trưởng và cũng ý thức được sự điên loạn của bản thân. Suốt một thời gian dài, lòng tôn
kính mù lòa về sự hiện hữu của mụ y tá như một đấng cứu thế, cứu rỗi những linh hồn
bị khuyết tật đã khiến cho chính họ dần dần đánh mất ý thức làm người. Bromden sống
náu mình như một kẻ giả câm giả điếc, nhưng thực ra anh luôn ý thức một cách tỉnh táo,
có cái nhìn bao quát trước mọi sự việc diễn ra. Các bệnh nhân khác cũng cố gắng nấp
trong cái vỏ tâm thần, nhưng luôn ý thức được mình là ai trong thế giới đảo điên hiện
tồn. Harding nói: “Chúng ta là vật hi sinh cho chế độ mẫu hệ, anh bạn ạ.” [4, tr. 89]. Sự
tỉnh táo của các con con bệnh thể hiện trong những đoạn diễn giải, bộc lộ suy nghĩ trước
những sự kiện va đập vào nhau. Nổi sợ hãi khiến “Mỗi người tìm một đám sương mù
cho mình và chui vào đó” [4, tr. 162]. Đám sương mù do mụ y tá tạo ra không chỉ để
khống chế, làm mất phương hướng của con bệnh mà còn là nơi ẩn náu phần ý thức của
họ. Họ thích lẩn tránh vào đó, giả câm giả điếc trong mọi tình huống. Họ trở thành
những kẻ diễn trò chuyên nghiệp trong vai người điên. Nhưng trái lại, họ tỉnh táo hơn ai
hết. Bệnh điên chỉ nằm ở những kẻ luôn ảo tưởng sức mạnh và dùng mọi thủ đoạn để
nuôi dưỡng và làm thỏa mãn máu điên trong trái tim.
Trong thế giới nhỏ bé này, dường như người tỉnh không biết là mình điên, người điên
không biết là mình tỉnh. Riêng McMurphy, hắn luôn cố gắng lí giải những phi lí diễn ra
trước mắt: “Qua ngạc nhiên là sao tụi bay ở đây bình thường thế.” [4, tr. 91]. Bromden
có thể ngạc nhiên khi khám phá ra sự tỉnh táo và sự hiền minh tồn tại trong mỗi con
người, nhưng McMuphy không hề ngạc nhiên khi phát hiện ra vỏ bọc giả câm giả điếc
của Bromden: “Thủ lĩnh, mày giật mình khi tao nói có thằng nhọ đang tới. Vậy mà
chúng bảo mày điếc” [4, tr. 117]. McMurphy là tên tỉnh táo lạc vào thế giới người điên,
anh quá tỉnh nên không nhận ra sự điên loạn lại tồn tại trong chính những con người
68 LÊ THỊ TRÀ MY – THÁI PHAN VÀNG ANH
được coi là bình thường. Cuộc đối đầu giữa McMurphy và Ratched thật ra là cuộc đối
đầu giữa hai người tỉnh luôn xem đối thủ là một kẻ điên.
Điên và tỉnh tồn tại trong chính bản thân mỗi con người và tồn tại trong cách nhìn nhận
về người khác. McMurphy đủ tinh tế để nhận ra y tá trưởng là: “con mụ ăn xác thối” [4,
tr. 101]. Còn những hành động đấu tranh cho quyền lợi của McMurphy khiến anh ta bị
nhìn nhận như một kẻ phi lý và điên khùng. Tuy nhiên, trạng thái khùng điên của
McMurphy lệch ra khỏi con mắt của kẻ bạo ngược được coi là sự đảm bảo cho tự do
của con người trước cái qui luật ngặt nghèo của các cấu trúc thống trị, quan hệ quyền
lực. J. Lacan khẳng định: “không thể hiểu được sự tồn tại của con người nếu không đặt
tương quan nó với sự khùng điên cũng như không thể là người mà lại không có yếu tố
điên rồ bên trong bản thân.” [1, tr. 54]. Ken Kesey đối lập quyền lực với những con
người ngoài lề, bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ tổn thương tinh thần hay bệnh tật, tội phạm
- một cách thể hiện các dạng khùng điên trong mỗi con người trong xã hội.
Sự đối lập giữa khùng điên và tỉnh táo thể hiện trong phát ngôn của nhân vật. Ken
Kesey đã mượn lời của nhân vật để bộc lộ nhân sinh quan hư vô chủ nghĩa. Trong tiểu
thuyết, giọng điệu của các con bệnh chất chứa tính chất cực đoan về mặt nhận thức và
màu sắc hư vô về mặt nhân sinh. Harding ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được đắm chìm
trong nhạc, rượu, điệu van của hai cô gái: “Đây không phải là sự thực. Đó là tác phẩm
hỗn hợp của Kafka, Mark Twain và Martini.” [4, tr. 401]. Sự mâu thuẫn, hoài nghi trong
mỗi câu nói của những bệnh nhân vừa thể hiện sự điên loạn vừa rất tỉnh táo. “Những
chuyện này không xảy ra,” “Các em thực ra không hề có ở đây. Rượu này cũng
không có, chẳng có cái gì ở đây tồn tại hết.” [4, tr. 394]. Nhưng các con bệnh cũng quá
tỉnh táo để tự ý thức về bản thân, rằng họ không đủ sức để bước ra thế giới bên ngoài,
bởi vì nơi đó không dung chứa những tội lỗi, sự xấu hổ, nỗi sợ hãi, tự hạ mình ngay
từ lúc họ sinh ra. “Cái cảm giác xã hội đang chỉ thẳng vào mặt tớ và một nghìn giọng
nói đồng thanh hét lên: Xấu hỗ chưa! Nhục nhã chưa! [4, tr. 4 07]. Mỗi bệnh nhân
trong trại tâm thần đều mang trong mình lòng thù hận, sự bất mãn về số phận, nhưng
trong trái tim họ luôn có chỗ cho tình yêu. Đối lập với cuộc sống ô hợp, bát nháo, đầy
bất công, phi lí là khao khát yêu thương, đồng cảm của con người. Nhưng sự vô tình,
tàn nhẫn của người đời biến họ thành những kẻ điên khi nào không biết, và họ coi đó là
giải pháp tốt nhất để được yên ổn sống cho qua kiếp người. Nghĩ thấu đáo hơn, ta thấy
đó là thói tật căn cốt của phần đông con người trong xã hội hậu công nghiệp này. Con
người sẵn sàng buông lơi một bàn tay yếu ớt, mất giá trị, để nắm một bàn tay khác chắc
chắn hơn. Nói bệnh viện tâm thần là một thế giới thu nhỏ của xã hội bên ngoài bởi sự
hỗn loạn giữa các ý thức, sự đảo điên mọi giá trị đặc biệt là sự nhập nhằng giữa điên
loạn và tỉnh táo trong chính bản thân mỗi con người.
2.2. Tự do và trói buộc
Văn chương thời đại nào cũng hướng đến tìm kiếm tự do cho con người. Nhưng muốn
thoát khỏi sự ràng buộc, những chế định khắt khe của chế độ độc tài kìm hãm tự do, con
người cần phải tự giải phóng cho mình.
TÍNH ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYÊT BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU... 69
Những ngày đầu bước chân vào viện tâm thần, McMurphy luôn nằm trong trạng thái đa
nghi, ngờ vực, lo lắng. Tâm trạng đó xuất phát từ sự hoài nghi đối với thái độ chấp nhận
trói buộc của đám bệnh nhân. Điều làm cho Mc Murphy ngạc nhiên nhất khi mới bước
chân vào bệnh viện “Đó là không ai cười”. McMurphy trốn chạy án tù khổ sai không
ngờ lại bị giam cầm trong một không gian cứng đờ, tù túng. Đó là mảnh đất do những
kẻ có quyền lực với chế độ độc tài quản lí, khiến anh ta hoảng hốt. Ở đó, tồn tại một chế
độ quan liêu bất khoan dung, kiểm soát những kẻ bị vô thừa nhận bằng thuốc men, bằng
sốc điện, phân thây, mổ não. Sự giam giữ con người bởi những thế lực kia làm tăng
thêm sự khủng hoảng về danh tính của con người ngay từ trong suy nghĩ. Những
nguyên tắc được đặt ra khắt khe đến mức trói buộc cả những phản xạ tự nhiên của con
người, bệnh nhân cười cũng không dám cười, nhìn cũng không dám nhìn: “Tôi nhắm
mắt lại, bởi khi nhắm mắt người ta khó nhận biết ta hơn” [4, tr. 8]. Thậm chí Bromden
bấu víu vào những cục kẹo cao su dính vào dưới gầm giường vào mỗi tối để khỏi lạc
dưới lớp sương mù quyền lực.
Mang vẻ ngoài suồng sã nhưng McMurphy cũng mang thân phận không khác gì các con
bệnh ở trại tâm thần. Điều khác biệt giữa họ là dù bất cứ ở đâu, McMurphy cũng không
cho phép có sự bó buộc, kìm kẹp. Trong mảnh đất mà quyền lực làm cho ngu muội đó,
hắn luôn tìm mọi cách để có được mối quan hệ nới lỏng và cởi mở hoàn toàn. Trong
cuộc chiến giữa tự do và trói buộc, vũ khí của McMurphy chỉ là niềm tin và sự gan dạ.
Mụ y tá thì khác, mụ có cả Liên hợp đứng đằng sau cộng với bản tính độc tài, tàn ác.
Mỗi khi bà ta phun sương là các con bệnh đều cảm nhận được sắp có biến cố lớn xảy ra,
cuốn trôi họ trong lớp sương mù bồng bềnh, vô định. Ngay từ điểm xuất phát đã có
thểthấy rằng, đây là cuộc chiến không cân sức.
Các con bệnh cũng khát khao tự do nhưng nỗi khiếp hãi trước sự tàn ác, những mưu mô
quỉ quyệt đã vùi lấp ý chí và sức mạnh ít ỏi của họ. Những viên nhộng trắng đục có cài
con chíp, những liệu pháp sốc điện và giải phẫu thùy não một cách vô cớ đã khiến họ mắc
kẹt giữa những trói buộc. Trong thời đại này, bên cạnh những chuẩn mực đạo đức của xã
hội bao giờ cũng tồn tại một dạng đạo đức ngoài khuôn khổ. Con người luôn bị đặt mấp
mé giữa hai giới hạn đó. Thiện và ác luôn luôn tồn tại song hành, cái ác đôi lúc lại chiếm
vị trí thắng thế, khống chế kẻ mạnh và là phương tiện điều khiển cái thiện. Cái thiện chỉ
tìm được vị thế của mình khi con người biết đấu tranh. Nhận thức được rằng, khi con
người đạt được tự do trong tâm hồn, họ sẽ tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của thể
xác, nên việc đầu tiên mà kẻ nổi loạn dẫn đường - McMurphy hướng đến là khơi thông ý
thức cho các con bệnh. Nếu trước đó, bệnh nhân còn không dám cười, không dám ăn to
nói lớn thì giờ đây họ thả sức tung hoành trong sự đối kháng. “Tiếng cười âm vang suốt
cả tối, và vừa chia bài vừa buông những lời đùa cợt” [4, tr. 113]. Sự chuyển động trong
tâm hồn của Bromden cho thấy sự thay đổi trong ý thức của anh ta: “Lần đầu tiên sau
nhiều năm, tôi được nhìn thấy những con người không bị viền đen bao bọc” [4, tr. 216].
Các con bệnh cũng bắt đầu tìm thấy sức sống bên trong con người mình, họ đã biết cảm
nhận, biết thổn thức với những rung động tự nhiên nhất: “Mùa thu. Mới đây thôi, ngoài
kia còn tràn trề mùa xuân, rồi rực rỡ nắng hè, vậy mà giờ đã sang thu – thật là buồn cười
biết mấy.” [4, tr. 218]. Sự chuyện động của thiên nhiên hay chính là sự chuyển động trong
70 LÊ THỊ TRÀ MY – THÁI PHAN VÀNG ANH
tâm hồn con người, đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong ý thức của anh ta. Càng
sống lâu trong tù túng và trói buộc, ý thức phản kháng của con người càng trở nên mạnh
mẽ. Đó là khi các bệnh nhân trong những lần đối kháng với y tá trưởng để dành quyền lợi
nhỏ bé mà bấy lâu bị cấm đoán bởi những nguyên tắc vô lí: Cheswick phản đối khi phòng
ngủ bị khóa: “Đấy là tội đáng chết à? Những người bình thường vẫn ngủ muộn vào thứ
Bảy và Chủ nhật” [4, tr. 222]. Trong cuộc họp, khi yêu cầu trả lại thuốc lá cho bệnh nhân:
“Tôi đâu phải là trẻ con mà người ta giấu thuốc lá đi như giấu kẹo! Chúng tôi yêu cầu
phải làm gì đó” [4, tr. 229]. “Tôi muốn nhìn thấy những cánh tay, tôi muốn nhìn thấy
những cánh tay không giơ lên” [4, tr. 190]. Tất cả đều ý thức được hành động của mình
“giơ tay không còn để xem trận bóng mà để chống lại mụ Y tá Trưởng, chống lại phòng
điên mà mụ muốn dành cho McMurphy, chống lại tất cả những gì mụ đã nói, đã làm, đã
áp bức, đè nén chúng trong bao năm qua.” [4, tr. 191]. Đặc biệt, sự phản kháng thể hiện rõ
ở nhân vật McMurphy. Anh tự do hoạt động và làm những gì mình thích ở trong viện tâm
thần, bất chấp mọi nguyên tắc, trật tự, kỉ cương mà viện đặt ra. Hắn hát “hát vô tư cứ như
cả đời hắn chưa từng biết lo phiền.” [4, tr. 127]. Khi mụ y tá ngang nhiên tước đi đặc
quyền dành phòng tắm để bệnh nhân chơi bài trong ngày, cơn giận giữ của McMurphy đã
khiến anh đấm nát vụn tấm kính. Tấm kính là chỗ chia cắt ranh giới của thế giới thống trị
với thế giới bị trị. Hành động có chủ ý của McMurphy không đơn giản là phá hoại, cũng
không chỉ là thách thức trêu ngươi mà nó còn có ý nghĩa phá tan bức tường quyền lực,
xóa nhòa ranh giới của tự do và trói buộc.
Ranh giới giữa tự do và trói buộc tưởng chừng rất mong manh nhưng thực ra đó là một
quá trình đấu tranh nghiệt ngã. Bromden hay những bệnh nhân trong viện tâm thần, có
người mất gần nửa cuộc đời cũng không thể nào vượt qua ranh giới ấy. Các bệnh nhân
luôn cho mình là những kẻ khuyết tật về tâm hồn cũng như thể xác, họ chấp nhận thân
phận là thỏ trong thế giới này. Chưa bao giờ họ cho mình được quyền bước qua ranh
giới của tự do. Qui củ, áp bức, trói buộc là một phần của cuộc đời họ. Ngược lại, kẻ nổi
loạn McMurphy lại đánh giá quá cao khả năng của mình. Anh khao khát lập lại trật tự
mới bằng cách phá hoại cái trật tư cũ - trói buộc tự do con người. Nhưng ở đời không
phải lúc nào cái thiện cũng thắng cái ác, không phải chân lí nào cũng trường tồn mãi
mãi. Cái chết của McMurphy là biểu hiện cho sự thất bại của cái thiện trước cái ác ở
một phương diện nào đó. Kết thúc cuộc chiến giữa tự do và trói buộc, chân lí cuối cùng
rút ra cho mỗi con người đó là: hãy là chính mình và phải biết làm chủ chính mình trước
mọi tình huống trong đời, thậm chí phải khôn ngoan: “để giữ được thằng bằng và để thế
giới không làm mình phát điên thì phải biết cười vào mũi tất cả những gì đang làm khổ
mình.” [4, tr.330]. Chỉ có như vậy, con người mới có khả năng đứng vững trong xã hội
này. Thế giới viện tâm thần cũng chẳng khác gì một gánh xiếc được điều khiển bởi một
thế lực vô hình, để đạt được những mục đích đen tối mà sẵn sàng trói buộc khao khát tự
do của những bệnh nhân khuyết tật đáng thương. Để đạt đến sự tự do thì con người phải
có ý thức nỗ lực truy tìm niềm vui, hạnh phúc trong tâm hồn. Vì tự do chỉ chiến thắng
được những trói buộc khi lòng người thực sự muốn.
TÍNH ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYÊT BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU... 71
2.3. Quyền lực, thể chế và sự thỏa hiệp
Quyền lực đối với Radched như một thứ hàng rào dây thép gai bao quanh mụ, bất cứ ai
đều phải run sợ. Đội ngũ y bác sĩ không dám nắm giữ nó, còn các con bệnh không dám
tới gần nó, không dám thoát ra khỏi nó bởi nó có thể nổ tung và tàn sát bất cứ ai. Chính
vì vậy, trước khi McMurphy xuất hiện thì sự thỏa hiệp, an phận luôn là tâm lí chung của
những con người ở trại tâm thần. Ngay cả những phương pháp chữa bệnh bằng Cộng
đồng trị liệu vốn gây cho họ những tổn thương tinh thần ngày càng nặng nề hơn thì họ
vẫn cố gắng tự an ủi nó tốt và vẫn cứ mu muội tự nhấn chìm mình trong trong lớp
sương mù của quyền lực. Quyền lực thể hiện ở sức mạnh quyền thế của diễn ngôn.
Trước khi McMurphy xuất hiện, thì lời của mụ y tá trưởng thể hiện vị thế của quyền
lực: “Ông thuộc quyền quản lí của tôi... của bệnh viện. Thuộc quyền quản lí và khống
chế” [4, tr. 197]. Hay đó là giọng của tụi hộ lí thể hiện sự cao ngạo, quyền uy đối với
con bệnh: “Chùi đi, đừng đứng giương mắt mà nhìn như con bò vô tích sự! Đây! Đây
nữa!” [4, tr. 131].
Thông thường, cái lí trong diễn ngôn của kẻ mạnh luôn giữ vị trí áp đảo so với cái lí
trong diễn ngôn của kẻ yếu, kẻ mạnh luôn cho mình cái quyền áp đặt, vu khống kẻ yếu,
buộc họ phải phục tùng vô điều kiện. Sự phục tùng đó lại là do sự bất bình đẳng về
quyền thế gây ra. Những bệnh nhân chấp nhận vị thế thấp kém của mình vì họ nhận
thức được vị trí của mụ y tá trong phân khoa, thấy được vai trò của y tá trưởng trong
việc duy trì hoạt động của bộ máy Liên hợp: “Dưới sự lãnh đạo của mụ, bên trong phân
khoa chúng tôi hầu như luôn là một thế giới của kỹ cương khuôn phép Mụ hợp tác
với bọn người giống hệt mụ mà tôi gọi là “Liên hợp”, một cơ cấu tổ bố, mưu toan đưa
thế giới bên ngoài vào kỹ cương.” [4, tr. 41]. Bromden luôn đấu tranh, giằng xé giữa
một bên là đấu tranh cho quyền lợi và một bên là sự thỏa hiệp với quyền lực:
“McMurphy đã ngầm gắn dây vào nó, nhấc nó lên chầm chậm để lôi tôi khỏi đám
sương mù ra giữa đồng không, để bầy thú cùng nhảy vào xâu xé. Chính là tại hắn, gắn
dây Không. Không đúng. Tự tôi đã giơ nó lên.” [4, tr. 194].
Tuy nhiên, trong tiểu thuyết những diễn ngôn quyền lực vẫn thể hiện ở những người
không có “quyền thế”. Họ nhất thời tạo ra được “ưu thế” trong quá trình đối đáp. Trong
các cuộc họp, luôn diễn ra sự phản ứng gay gắt của y tá trưởng trước sự nổi loạn của
đám bệnh nhân. Giọng điệu của mụ y tá thể hiện sức mạnh quyền lực đối với kẻ dưới,
nhưng tiếc thay, McMurphy không bao giờ chấp nhận sự bất bình đẳng đó. Anh ta luôn
đứng ngang hàng với đám hộ lí y tá bác sĩ, đối đáp tự do với họ để thể hiện thái độ bất
thỏa hiệp, bất hợp tác:
“Được rồi, chúng tôi sẽ chơi ăn diêm, ăn cúc quần Nhưng bà hãy vặn nhỏ cái loa chết
tiệt kia đi.” [4, tr. 146]. Giọng điệu của McMurphy còn thể hiện thái độ thách thức của
hắn trước quyền lực: “lúc nào tôi cũng nghe đích xác câu này về nguyên tắckhi người
ta biết tôi sắp sửa phá tan nguyên tắc bây giờ.” [4, tr. 38]. Quyền lực dường như vô giá
trị đối với kẻ nổi loạn McMurphy, diễn ngôn quyền lực của mụ y tá trưởng không thể áp
đặt cho hắn. Quyền lực và đối kháng là một cuộc chiến không phân thắng bại tư khi
72 LÊ THỊ TRÀ MY – THÁI PHAN VÀNG ANH
McMurphy xuất hiện. Vì vậy, quyền thế trong lời đối đáp của các nhân vật luôn luôn
hoán đổi cho nhau. Đó là sự phản kháng của McMurphy trước mọi qui tắc, kỉ cương:
“Được rồi, được rồi, vứt mẹ bài đó đi, tụi tôi đã nghe cả rồi. Tôi và một vài người đã
quyết định” [4, tr. 189].
Đối với đám hộ lí, McMurphy cũng thể hiện thái độ đùa cợt và phá rối: “Ồ, tao đâu
muốn phá công việc của mày.”; “Nhìn vào đây, cậu bé. Bột gì trong thùng này?” [4, tr.
131]. Cách McMurphy làm để lập lại trật tự đó là phá tan cái trật tự hiện hành, gây rối
dưới mọi hình thức.
Nói đến quyền lực là nói đến sự bất đồng, hay bao hàm sự đối kháng vì chúng luôn luôn
đi đôi với nhau. Bất đồng nảy sinh khi có sự bất bình đẳng về quyền thế, sự áp bức bất
công. Mức độ phản kháng ngày càng gay gắt không chỉ là trong ý thức, mà còn trong thái
độ, hành động cụ thể của các con bệnh. Trong giờ làm việc, McMurphy cùng đám bệnh
nhân “ngồi nhìn chiếc ti vi câm lặng như cái hộp gỗ, một mụ đàn bà năm mươi tuổi cứ
gào thét lải nhải đằng sau gáy họ về kỷ luật, trật tự và hình phạt” [4, tr. 197]. Đó là thái độ
chống đối trước áp bức trước kẻ nắm quyền lực độc tài. Bởi thật vô lí khi kẻ cầm quyền
luôn tìm mọi cách khống chế người khác để giành phần thắng về phía mình. Và mâu
thuẫn đối kháng là điều không thể tránh trong mọi trường hợp. Sự thỏa hiệp chỉ diễn ra
khi một trong hai bên có sự nhượng bộ. Nếu lúc trước, các bệnh nhân không sống thật với
cá tính vốn có của mình, họ thu mình lại trong một lớp vỏ giả câm giả điếc, tuân thủ chấp
hành vô điều kiện mọi qui tắc một cách ngoan ngoãn, thì khi có sự xuất hiện của Mc
Murphy, mọi chuyện đã đổi khác. Vị thế của đôi bên thay đổi liên tục, có khi phần thắng
thuộc về đội ngũ y tá bác sĩ, đôi lúc lại giành cho đám bệnh nhân nổi loạn.
Hai bình diện tưởng như ổn định nhất dưới sự vận hành của tự nhiên và con người đó là
thời gian và kỷ cương pháp luật đều bị kiểm soát dưới bàn tay của một người phụ nữ.
Ratched luôn ảo tưởng về sức mạnh của bản thân nên luôn tìm mọi cách để đạt được
mục đích khống chế bộ máy điều hành bệnh viện cũng như các bệnh nhân ở đó. Ratched
tin rằng quyền lực sẽ trở nên tuyệt đối khi nó nằm trong tay mụ ta. Thời gian luôn là áp
lực lớn cho tham vọng mù quáng nên Ratched tìm mọi cách xoay chuyển sự vận hành tự
nhiên của thời gian, rút ngắn đến mức có thể. Ratched luôn cảm thấy căng thẳng, đôi lúc
quẩn bách điên cuồng trước sự việc không theo ý muốn. Rõ ràng, nếu con người trong
xã hội hiện đại luôn tự tin trước sức mạnh và biết tận hưởng cuộc sống thì sang thời hậu
hiện đại, cuộc sống càng thoải mái bao nhiêu họ càng rơi vào những trạng thái bất ổn, lo
lắng, hay nghi ngại về chỗ đứng của mình trước sự tác động của các yếu tố bên ngoài
bấy nhiêu.
3. KẾT LUẬN
Bay trên tổ chim cúc cu của Ken Kesey được xem là bức tranh toàn cảnh về con người,
về thời đại. Đọc tác phẩm, chúng ta nhận ra được những hiện thực đang tồn tại trong xã
hội, hiện thực mà đôi khi con người hoặc là vô tình, hoặc là cố ý làm ngơ để sống bình
yên trong cái trật tự hiện hành. Câu chuyện Bay lên tổ chim cúc cu tưởng chừng rất đơn
giản nhưng lại chất chứa đầy rẫy những phi lí trái ngang, hỗn loạn của cuộc sống. Trong
TÍNH ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYÊT BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU... 73
thế giới thu nhỏ đó, mọi giá trị đều mờ nhòe như một lớp sương dày đặc bao phủ lấy
cuộc sống của con người. Ở đó, cuộc đấu tranh giữa cái gọi là tỉnh và điên, giữa cá thể
và hệ thống, giữa tự do và trói buộc, giữa dân chủ và áp chế bất công, giữa quyền lực
thể chế và sự thỏa hiệp là cuộc đấu tranh không bao giờ dứt. Nó đặc trưng cho mối quan
hệ đối kháng giữa hai giai cấp thống trị và bị trị trong xã hội. Dân chủ, quyền lực là
ngôn từ hoa mĩ được đặt đúng giữa ranh giới của những cuộc đối kháng. Người thì dùng
mọi thủ đoạn để được nắm quyền lực trong tay, người thì cả cuộc đời đấu tranh vì dân
chủ. Có thể nói, Ken Kesey đã rất tài tình trong việc dung hòa ý thức tác giả và ý thức
nhân vật trong tiểu thuyết của mình, trưng bày và đối thoại với nhau, từ đó tạo ra khả
năngđối thoại liên văn bản với bất kì ý thức nào trong xã hội. Câu chuyện với kết thúc
mở, khơi gợi trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm, nhiều câu hỏi để ngỏ: Tôi là ai giữa
cuộc đời này? Tôi phải sống như thế nào? Giới hạn của tôi ở đâu? Tôi có đáng được
hạnh phúc?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến (2003). Văn học hậu hiện đại thế giới- Những vấn
đề lí thuyết, NXB Hội nhà văn trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
[2] M. Bakhtin (1992). Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), NXB Văn
hóa thông tin và thể thao, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
[3] M. Bakhtin (1998). Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử, Lại Nguyên
Ân, Vương Trí Nhàn dịch), NXB Giáo dục.
[4] Nguyễn Anh Tuấn - Lê Đình Chung dịch (2011). Bay trên tổ chim cúc cu- Ken
Kesey, NXB Văn học.
[5] Todorov Tzetan (Đào Ngọc Chương dịch) (2004). Mikhail Bakhtin – Nguyên lí đối
thoại NXB Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
Title: DIALOGISM IN ONE FLEW OVER THE CUCKOO’S NEST BY KEN KESEY
Abstract: One Flew over the Cuckoo’s Nest is set in a mental hospital, as a lively model of the
outside world. By using dialogue/script dialogue in narrative writing, Ken Kesey has created
different layers of discourses, opening up a great viewpoint on problems of life and society. As
Bakhtin said, characters clearly express script dialogue of the work. In the framework of an
article, we would like to place a focus on the dialogism in One Flew over the Cuckoo’s Nest by
Ken Kesey expressed in the world of two dimensional characters: separation between sanity
and insanity, freedom and bondage, constitutional power and agreement.
Keywords: dialogism, discourse, two dimensional character(s), script dialogue, postmodern
aesthetics
LÊ THỊ TRÀ MY
Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
ĐT: 01254 064 575, Email: myvinhhien@gmail.com
TS. THÁI PHAN VÀNG ANH
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 27_440_lethitramy_thaiphanvanganh_11_tra_my_vang_anh_7823_2020368.pdf