LỜI MỞ ĐẦU Trong nền kinh tế thị trường, khi mua bán hàng hóa là phương thức chủ yếu để dịch chuyển tài sản và quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác thì nhu cầu phải được pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua bán hàng hóa nói chung và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nói riêng, thông qua các quy định của pháp luật với những chế tài hữu hiệu ngày càng trở nên cấp thiết. Để tìm hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa em đã chọn đề bài “Tìm hiểu pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa” làm bài học cuối kì của mình. Với trình độ hiểu biết và kiến thức còn hạn chế, bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong thầy cô quan tâm chỉ bảo để bài làm của em có thể hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
15 trang |
Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 4472 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Trong nền kinh tế thị trường, khi mua bán hàng hóa là phương thức chủ yếu để dịch chuyển tài sản và quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác thì nhu cầu phải được pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua bán hàng hóa nói chung và hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nói riêng, thông qua các quy định của pháp luật với những chế tài hữu hiệu ngày càng trở nên cấp thiết. Để tìm hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa em đã chọn đề bài “Tìm hiểu pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa” làm bài học cuối kì của mình. Với trình độ hiểu biết và kiến thức còn hạn chế, bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong thầy cô quan tâm chỉ bảo để bài làm của em có thể hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
KHÁI QUÁT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA VÀ SỰ ĐIỀU CHỈNH CỦA PHÁP LUẬT
1, Vài nét về sự hình thành, phát triển hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam.
Mua bán hàng hóa tương lai được cho là bắt nguồn ở Ấn Độ vào khoảng những năm 2000 trước công nguyên, sau đó xuất hiện ở Hi lạp cổ đại. Phương thức mua bán của thị trường hàng hóa tương lai hiện đại bắt nguồn từ các hội chợ thời trung cổ tại Anh, Pháp vào khoảng thế kỉ XII. Tuy nhiên sở giao dịch các hợp đồng tương lai có tổ chức hiện đại đầu tiên lại là sở giao dịch lúa gạo Dojima tại Osaka, Nhật bản vào năm 1710. Ở hợp chủng quốc Hoa kì, thị trường hàng hóa tương lai đã hình thành vào đầu những năm 1800 thế kỉ XIX, ban đầu là ở Chi ca gô. Năm 1848, phòng thương mại Chicago đã được thành lập, thị trường giao dịch hợp đồng tương lai hiện đại đầu tiên trên thế giới được thành lập. Việc giao thương ban đầu là thông qua các hợp đồng kỳ hạn. Có thể thấy, hoạt động mua bán hàng hóa tương lai và sở giao dịch hàng hóa ban đầu ra đời trên cơ sở sự phát triển của hoạt động mua bán nông sản, nhằm bảo hiểm rủi ro cho những người sản xuất cũng như kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Ngày nay, việc mua bán không chỉ diễn ra đối với các hàng hóa nông sản mà chủ yếu là buôn bán, trao đổi và tự bảo hiểm các sản phẩm tài chính. Thị trường hàng hóa truyền thống đã bị thu hẹp, nhường chỗ cho thị trường tài chính tương lai và thị trường này hiện đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính toàn cầu. Mặc dù thị trường hàng hóa tương lai- nơi giao dịch các hợp đồng hàng hóa ở thời điểm hiện tại, nhưng giao hàng và thanh toán được diễn ra vào một thời điểm nhất định trong tương lai có sự phát triển khá thăng trầm. Điều này tác động đến pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa tương lai ở mỗi nước. Ví dụ như ở Đức: Phần thứ 50 Luật về sở giao dịch hàng hóa Đức (1896) có những quy định chung cấm giao dịch hàng hóa tương lai, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ và công ty sản xuất. Những giao dịch như vậy chỉ được coi là hợp pháp trong trường hợp được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bắt buộc phải được sự đồng ý của Bộ trưởng bộ Tài chính. Hay ở Australia, Luật trò chơi 1845 tuyên bố vô hiệu hóa tất cả hợp đồng hay thỏa thuận dù là lời hứa danh dự hay được viết ra trên giấy tờ để cá cược hoặc lừa đảo, kể cả các hợp đồng tương lai.
Ở Việt Nam, từ xưa ở các vùng nông thôn đã xuất hiện hoạt động “bán lúa non”- hoạt động của những người nông dân bán những ruộng lúa của mình cho tư thương trước khi thu hoạch với gía cả được thỏa thuận vào thời điểm giao kết hợp đồng và giao hàng khi đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên quan hệ này chỉ dừng lại ở các quan hệ dân sự giữa người nông dân với tư thương. Đến thời Pháp thuộc, loại hình chợ đầu mối nông sản đã được hình thành, nhưng mô hình này chỉ thực sự xuất hiện hàng loạt thời gian gần đây theo chương trình phát triển chợ đến năm 2010 của Bộ thương mại. Hiện nay mô hình này phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy, không phải mọi chợ đầu mối đều hoạt động hiệu quả. Sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên hình thành ở Việt Nam là sàn giao dịch hạt điều do Hiệp hội cây điều Việt Nam phối hợp với Trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và 1 đối tác của Mĩ mở ra ngày 07/03/2002. Tiếp theo là sản giao dịch thủy sản Cần Giờ do Ủy ban nhân dân thành phồ Hồ chí Minh giao cho Cholimex- một doanh nghiệp chế biến thủy sản là chủ đầu tư. Giữa năm 2003, trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được hình thành.Tuy nhiên các sản giao dịch còn quá mới mẻ, hành lang pháp lí điều chỉnh hoạt đông này còn chưa đầy đủ, nhu cầu giao dịch qua sàn của các thương nhân còn chưa lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, rủi ro trong giao dịch cao…
Kể từ năm 2005 trở lại đây, các thương nhân Việt Nam đã tiến hành mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài. Nhưng do thiếu hiểu biết về luật pháp và quy tắc kinh doanh của các sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài, thiếu kinh nghiệm giao dịch, hạn chế về tiềm lực tài chính nên nhiều thương nhân Việt Nam đã chịu thua lỗ lớn trên các sở giao dịch nước ngoài.
2. Quan niệm về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được nhìn nhận đưới nhiều giác độ khác nhau:
Dưới giác độ kinh tế: mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là phương thức mua bán hàng hóa tương lai qua trung gian, trong hoạt động này, bên thực hiện dịch vụ sẽ được hưởng thù lao khi khách hàng tham gia vào các giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa; khách hàng ( hay bên bán, bên mua trong hợp đồng mua bán) sẽ bảo đảm được kế hoạch kinh doanh trong một thời gian nhất định, bảo hiểm rủi ro về giá hoặc có lợi nhuận hay chịu rủi ro trên cơ sở dự biến động giá cả hàng hóa trên thị trường vào thời điểm thực hiện giao dịch trong tương lai.
Dưới giác độ pháp lí: Xét về mặt khái niệm khó có thể tìm thấy định nghĩa về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa trong Luật mua bán hàng hóa tương lai hay Luật về sở giao dịch hàng hóa các nước. Tuy nhiên, có thể thấy dưới giác độ pháp lý, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hoạt đông thương mại, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, qua đó các bên giao dịch hướng tới đối tượng là hàng hóa thực, hữu hình; quyền không thực hiện các nghĩa vụ đã phát sinh hoặc hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đã được thiết lập qua sở giao dịch
Tóm lại, có thể xác định khái niệm mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa như sau: Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hoạt động mua bán hàng hóa tương lai qua trung gian, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, qua đó các bên mua bán 1 lượng nhất định của một loại hàng hóa xác định với giá cả thỏa thuận vào thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng ấn định vào một thời điểm trong tương lai; hoặc mua bán quyên chọn mua, quyền chọn bán một loại hàng hóa nhất định với giá cả ấn định và giiao hàng vào một thời điểm xác định trong tương lai. Việc mua bán này được thực hiện tập trung qua sở giao dịch hàng hóa, thông qua 1 hoặc nhiều chủ thể trung gian và phải tuân thủ các quy định pháp luật, quy tắc của sở giao dịch hàng hóa và nguyên tắc của một hoặc các chủ thể trung gian (3)
Theo khái niệm này,mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa có những đặc điểm sau:
Thứ nhất: mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hoạt động mua bán hàng hóa qua trung gian, đó là quan hệ giữa người bán với người mua hàng hóa thông qua một hoặc một số chủ thể thực hiện dịch vụ trung gian.
Thứ hai, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hoạt động mua bán hàng hóa tương lai, theo đó hàng hóa sẽ được chuyển giao cho người mua vào một thời điểm ấn định trong tương lai theo quy tắc của một sở giao dịch hàng hóa nhất định, nếu các bên không thanh toán hợp đồng bằng lệnh đối ứng.
Thứ 3, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa hướng tới đối tượng hàng hóa đặc thù, đó là hàng hóa thỏa mãn các điều kiện giao dịch qua sở; hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đối với hàng hóa tương lai phát sinh từ các giao dịch hàng thực tại đây.
Thứ tư, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa song song tồn tại hai mối quan hệ: quan hệ mua bán hàng hóa tương lai được thiết lập giữa người bán với người mua thông qua chủ thể trung gian; và quan hệ ủy thác (quan hệ môi giới) được thiết lập giữa khách hàng với thành viên sở giao dịch hay người môi giới, trừ trường hợp thành viên sở giao dịch hàng hóa hoạt động tự kinh doanh.
Thứ năm, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa bị chi phối bởi luật pháp điều chỉnh quan hệ này và quy tắc giao dịch của sở giao dịch hàng hóa, nguyên tắc giao dịch của thành viên sở giao dịch hay chủ thể trung gian mà khách hàng thiết lập quan hệ dịch vụ.
3. Ý nghĩa của hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa cho phép các nhà đầu tư tự phòng ngừa rủi ro trên thị trường hàng thực bằng việc giao kết những hợp đồng đối ứng trên sở giao dịch hàng hóa; Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa giúp các nhà đầu tư đầu cơ nhằm mục đích sinh lợi; Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn về giá cả hàng hóa trên thị trường hàng thực bằng việc tham chiếu giá cả trên thị trường giao dịch hàng hóa; Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nếu được quản lí tốt sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch, linh hoạt và ổn định. Tuy nhiên, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
II) THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA.
1. Khái niệm pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Là hoạt động mua bán hàng hóa đặc thù với những tính chất thể hiện rõ nét bản chất thương mại, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được điều chỉnh bởi hệ thống các quy phạm pháp luật độc lập. Có thể nói, pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong pháp luật về mua bán hàng hóa riêng và pháp luật thương mại nói chung. Pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hệ thống các quy tắc xử sự dó Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, thể hiện cụ thể ở các nhóm quy phạm: quy phạm về sở giao dịch hàng hóa; quy phạm về các chủ thể tham gia giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa; quy phạm về các hợp đồng có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa; quy phạm về quản lí nhà nước đối với sở giao dịch hàng hóa và các quy phạm pháp luật khác phát sinh trong quá trình các chủ thế thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
2. Nội dung cơ bản của pháp luật về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
2.1. Thực trạng pháp luật về Sở giao dịch hàng hóa.
Luật Thương mại 2005 không định nghĩa sở giao dịch hàng hóa nhưng Điều 6 Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 Quy định chi tiết Luật Thương Mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá( sau đây viết tắt là Nghị định 158/2006/NĐ-CP) quy định: “Sở Giao dịch hàng hóa là pháp nhân được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định của Nghị định này”. Quy định này đã xác định tư các pháp lí và hình thức tồn tại của sở giao dịch hàng hóa theo pháp luật Việt Nam, tuy nhiên việc xác định này còn quá chung chung.
Quy định về tổ chức và hoạt động của sở giao dịch hàng hóa
Theo tinh thần của LUậT THƯƠNG MạI 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành các nguyên tắc tổ chức hoạt động của sở giao dịch hàng hóa bao gồm: Nguyên tắc trung gian: nguyên tắc này thể hiện trong các thức giao dịch của sở giao dịch hàng hóa. Cụ thể, khách hàng muốn mua, bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa không được trực tiếp giao dịch với nhau mà phải ủy thác cho thành viên kinh doanh của sở giao dịch( Khoản 13 Điều 3 NĐ 158/2006/NĐ-CP); Nguyên tắc công khai tức là mọi thông tin liên qua đến chỉ số giao dịch các mức giá được khớp, biến động giá hàng hóa đều phải được ông bố công khai trong các phiên giao dịch của sở giao dịch ( Điều 38); Nguyên tắc đấu giá nghĩa là giá cả hàng hóa được hình thành trên cơ sở giao dịch thông qua việc so khớp các lệnh mua và lệnh bán trong phiên giao dịch theo nguyên tắc ưu tiên về giá về thời gian đặt lệnh ( Điều 37)
Cơ cấu tổ chức của sở giao dịch hàng hàng hóa:
Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra mô hình cơ cấu tổ chức quản lí sở giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên sở giao dịch hàng hóa là pháp nhân, tồn tại dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần nên cơ cấu tổ chức quản lí của sở giao dịch hàng hóa tuân theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005. Theo nghị định 158/2006/NĐ-CP, ngoài các bộ phận quản lí thông thường, cơ cấu tố chức của sở giao dich hàng hóa còn bao gồm 2 trung tâm là trung tâm thanh toán và trung tâm giao nhận hàng hóa. Hoạt động mua bán hàng hóa trên thị trường giao sau có tổ chức được thực hiện thông qua sở giao dịch hàng hóa. Đây là tổ chức được thành lập để cung cấp các tiện ích cho việc tiến hành các giao dịch kì hạn, quyền chọn, và một số giao dịch giao sau khác. Xuất phát từ vị trí, vai trò của sở giao dịch hàng hóa. Điều 67 luật thương mại quy định sở giao dịch hàng hóa có chức năng sau:
+ Cung cấp các điều kiện vật chất- kĩ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hóa.
+ Sở giao dịch hàng hóa có chức năng điều hành các hoạt động giao dịch.
+ Có chức năng niêm yết với mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.
Như vậy, bước đầu Điều Luật đã xác định sở giao dịch hàng hóa có ba chức năng cơ bản như trên đã phân tích. Đây là cơ sở để các sở giao dịch hàng hóa khi được hình thành xác định cho mình chức năng, nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện.
Quy định về hàng hóa giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa
Hàng hóa giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa là các mặt hàng được sở giao dịch hàng hóa cho phép thực hiện mua bán qua sàn giao dịch của sở với những tiêu chuẩn và điều kiện nhất định. Có thể thống kê được gần 100 loại hàng hóa được mua bán trên các sở giao dịch hàng hóa hiện nay. Tại các sàn giao dịch kì hạn trên thế giới tập trung vào một số nhóm hàng hóa chính là hàng hóa nông phẩm, kim loại, năng lượng. như ngũ cốc và hạt có dầu, gia súc và thịt, cà phê…Không phải tất cả các loạt hàng hóa được phép mua bán qua sở giao dịch hàng hóa. Luật thương mại không quy định cụ thể về hàng hóa được giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa mà giao cho Bộ trưởng bộ Thương mại quy định về vấn đề này. Tại điều 68 của Luật thương mại quy định: “ Danh mục hàng hóa giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa do Bộ trưởng Bộ thương mại quy định.Việc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Thương mại ( nay là Bộ trưởng Bộ Công thương) ban hành danh mục hàng hóa giao dịch tại sở giao dịch hàng hóa có nhiều điểm thuận lợi. Theo danh mục hàng hóa được phép mua bán qua sở giao dịch hàng hóa ( ban hành kèm theo quyết định 4361/QĐ-BCT ngày 18/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc công bố Danh mục hàng hóa được phép giao dịch trên sở giao dịch hàng hóa Việt Nam hiện nay là cà phê, cao su và thép. Đây là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên việc khống chế 8 loại hàng hóa trong 3 nhóm hàng như trên chưa hẳn đã làm thị trường giao dịch hàng hóa sôi động do nhu cầu giao dịch của các nhà kinh doanh rất phong phú đa dạng. Vì thế trong tương lai, Danh mục này cần sử đổi theo hướng mở rộng hơn nữa các loại hàng hóa được phép giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư
Quy định về điều kiện thành lập và chấm dứt hoạt động đối với sở giao dịch hàng hóa:
Theo quy định của Nghị định 158/2006/NĐ-CP, chủ thể có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa là Bộ trưởng Bộ Thương mại ( nay là Bộ trưởng bộ Công thương). Các điều kiện thành lập sở giao dịch hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 8 NĐ và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Hồ sơ đề nghị thành lập; thủ tục cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép thành lập được quy định cụ thể từ Điều 7 đến Điều 14 NĐ và Thông tư 03/2009/TT-BTC (mục I đến mục V). Như vậy, để thành lập, tổ chức và hoạt động của sở giao dịch hàng hóa được thực hiện trên thực tế phải đợi quy định chi tiết của Chính phủ mới có thể triển khai được.
2.2. Thực trạng pháp luật về các chủ thể tham gia giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa.
- Quy định về khái niệm các chủ thể tham gia giao dịch.
Một là: Những người có nhu cầu, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa (gọi chung là khách hàng): Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của sở giao dịch hàng hóa, thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa thông qua việc ủy thác cho thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa( Khoản 13 điều 3 Nghị định 158/NĐ-CP). Ngoài ra, thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa có quyền hoạt động tự doanh, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa cho chính mình nhằm mục đích lợi nhuận( Khoản 2 Điều 3 Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Những người có nhu cầu mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa có thể chia thành hai loại là nhà bảo hộ hay bảo hiểm về giá hàng hóa(hedgen) và nhà đầu cơ về giá hàng hóa (spesculators).
Hai là: Thương nhân kinh doanh (gọi là thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa): Luật thương mại 2005 không quy định về thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa, nhưng Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định về thành viên này khá chi tiết. Theo đó, thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005, phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật và có quyền nhận ủy thác mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa cho khách hàng cũng như hoạt động tự doanh.
Ba là: Thương nhân môi giới của sở giao dịch hàng hóa: Theo Luật thương mại 2005 và Nghị định 158/2006/NĐ-CP, thành viên môi giới của sở giao dịch hàng hóa phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005, thỏa mãn các điều kiện Luật định, thực hiện hoạt động môi giới mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
- Quy định về điều kiện trở thành chủ thể giao dịch:
Thứ nhất, đối với người có nhu cầu mua, bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nhưng không được đặt lệnh trực tiếp lên sở giao dịch hàng hóa mà phải ủy thác cho thương nhân kinh doanh của sờ giao dịch hàng hóa. Để trở thành chủ thể của quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, đối với tổ chức thì phải là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp, đối với cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa có quyền hoạt động tự doanh, mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa cho chính mình nhằm mục đích lợi nhuận ( Khoản 2 điều3 Nghị định 158/2006/NĐ-CP) khi đó họ phải thỏa mãn các điều kiện mà pháp luật đặt ra với tư cách khách hàng mà không phải tư cách chủ thể thực hiện dịch vụ trung gian. Cùng với điều kiện về chủ thể, khách hàng tham gia mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa phải thỏa mãn điều kiện về vốn.
Thứ hai, đối với thương nhân kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa thì phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại điều 21 Nghị định 158/2006/NĐ-CP bao gồm: Điều kiện về hình thức tồn tại(Không phải là cá nhân mà tồn tại dưới hình thức các tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn…); điều kiện về vốn( vốn pháp định đối với thành viên kinh doanh là 75 tỷ đồng trở lên); Điều kiện về trình độ của người quản lí điều hành(Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định giám đốc hoặt tổng giám đốc phải có bằng đại học, cử nhan trở lên có năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lí doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp)
Cùng với các điều kiện trên, chủ thể muốn trở thành thành viên kinh doanh phải được sự chấp thuận của sở giao dịch hàng hóa.
Thứ ba, đối với thương nhân môi giới thì Điều 19 Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định, điều kiện trở thành thành viên môi giới của sở giao dịch hàng hóa tương tự như thành viên kinh doanh nhưng điều kiện về vốn pháp định là 5 tỷ đồng.
- Quy định về quyền và nghĩa vụ vủa các chủ thể tham gia giao dịch:
Đối với khách hàng: Luật thương mại 2005 và Nghị định 158/2006/NĐ-CP không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, nhưng quy định việc khách hàng muốn mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa phải ủy thác cho thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa, như vậy họ có các quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Đối với thành viên kinh doanh sở giao dịch hàng hóa: Theo Nghị định 158/2006/NĐ-CP, thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa tham gia mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa có các quyền cơ bản sau:
Một là: Nhận ủy thác của khách hàng để tiến hành mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa cho khách hàng.
Thứ hai: Theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2006/NĐ-CP, thành viên kinh doanh có quyền hoạt động tự doanh. Ngoài ra còn có các quyền và nghĩa vụ khác với tư cách bên nhận ủy thác theo quy định của pháp luật và Điều kệ hoạt động của sở giao dịch hàng hóa ( Điều 164,165 Luật thương mại 2005; Khoản 3 Điều 23 Nghị định 158/2006/NĐ-CP).
Đối với thành viên môi giới: Được quy định tại Khoản 2 điều 69 Luật thương mại. Nghị định 158/2006/NĐ-CP nhắc lại tinh thần này khi quy định: “ Chỉ các thành viên môi giới mới được thực hiện các hoạt động môi giới mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa”
- Quy định về chấm dứt tư cách chủ thể giao dịch: Việc chấm dứt tư cách của chủ thể giao dịch đối với các chủ thể khác nhau là khác nhau, nhưng theo tinh thần của Nghị định 158/2006/NĐ-CP, có thể chia thành:
+ Chấm dứt tư cách chủ thể hợp đồng ủy thác giao dịch hay chủ thể hợp đồng môi giới. Khách hàng và thành viên kinh doanh chỉ chấm dứt tư cách chủ thể hợp đồng ủy thác giao dịch khi hợp đồng ủy thác hết hiệu lực hoặc bị hủy bỏ. Đối với chủ thể hợp đồng môi giới thì khi thực hiện thành công công việc của mình, hợp đồng môi giới sẽ hết hiệu lực, quan hệ môi giới chấm dứt và tư cách chủ thể giao dịch của các bên cũng chấm dứt.
+ Hai là: Đối với thành viên kinh doanh và thành viên môi giới của sở giao dịch hàng hóa thì sẽ chấm dứt tư cách thành viên trong các trường hợp được quy định tại Điều 24 Nghị định 158/2006/NĐ-CP.
2.3. Các loại hợp đồng có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
- Quy định về khái niệm cũng như nội dung của các loại hợp đồng.
Điều 64 của Luật Thương mại quy định:
“ 1. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
2. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.
3. Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó”
Theo quy định này, có hai loại hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hợp đồng kì hạn và hợp đồng tuyển chọn. Đây là hai loại hợp đồng chính trong thị trường hàng hóa giao sau có tổ chức mà luật về thị trường hàng hóa giao sau của các nước đều quy định. Việc định nghĩa hợp đồng kì hạn và hợp đồng quyền chọn của Luật thương mại là tương đối cụ thể, rõ ràng đầy đủ yếu tố của từng loại hợp đồng trên thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật các nước. Tuy nhiên về hình thức của hợp đồng thì chưa được Luật quy định cụ thể. Theo quy định của Điều 24 Luật thương mại thì hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định phải lập thành văn bản. Như vậy, hợp đồng kì hạn và hợp đồng quyền chọn có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản, hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, tùy thuộc vào các bên lựa chọn và phụ thuộc vào quy định của sở giao dịch hàng hóa.
Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định cụ thể về nội dung cơ bản. thời điểm phát sinh và chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa làm cơ sở cho việc xác lập hợ đồng của các bên khi giao kết. Đây cũng là một hạn chế khi áp dụng quy định của Luật vào thực tiễn giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Ngoài hai loại hợp đồng trên còn có hợp đồng môi giới và hợp đồng ủy thác giao dịch. LUậT THƯƠNG MạI 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra khái niệm hợp đồng môi giới và hợp đồng ủy thác giao dịch mà các văn bản pháp luật này chỉ đề cấp đến nội dung của hợp đồng ủy thác. Cũng giống như các hợp đồng dịch vụ khác, hợp đồng môi giới và hợp đồng ủy thác là thỏa thuận giữa bên làm dịch vụ và bên thuê dịch vụ về việc thực hiện công việc nhất định để hưởng 1 khoản thù lao. Theo Nghị định 158/2006/NĐ-CP, nội dung của hai hợp đồng này do các bên thỏa thuận. Luật pháp Việt Nam chỉ quy định về nội dung của lệnh ủy thác giao dịch, bao gồm: loại giao dịch, hàng hóa giao dịch, giá cả, hợp đồng giao dịch ( Khoản 2 Điều 46 Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Đây là nội dung của hợp đồng kỳ hạn được quy định trong hợp đồng ủy thác giao dịch. Đến thời điểm hiện tại, sở giao dịch hàng hóa đầu tiên ở Việt Nam vừa được cấp giấy phép thành lập và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vận hành, vì thế hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa chưa diễn ra trên thực tế; thành viên kinh doanh và thành viên môi giới theo Nghị định cũng chưa xuất hiện.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Đây là nội dung quan trọng nhất của một giao dịch hàng hóa qua sở giao dịch. Đây cũng là vấn đề mà các bên khi giao kết hợp đồng quan tâm hàng đầu ngoài các vấn đề cơ bản khác của hợp đồng.
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kì hạn.
Khoản 1 Điều 65 của Luật thương mại quy định: “ Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán”. Tương tự như quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, ở đây, bên bán giao hàng theo đúng thỏa thuận ghi tại hợp đồng, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng do bên bán giao tại thời điểm giao hàng và thanh toán tiền hàng. Quy định này nhằm ràng buộc các bên phải thực hiện đúng nghĩa vụ về giao hàng và thanh toán cho nhau theo thỏa thuận tại hợp đồng. Trường hợp thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng và thanh toán sẽ được coi là một trong những căn cứ để xác định vi phạm hợp đồng của các bên.
Ngoài ra theo Khoản 2 điều 65 của Luật thương mại khi các bên có thỏa thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệnh giữa giá thỏa thuận trong hợp đồng và giá thị trường do sở giao dịch công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện. Việc xác định giá thị trường của hàng hóa tại thời điểm thực hiện hợp đồng làm căn cứ để tính khoản chênh lệch phải do sở giao dịch công bố, không chấp nhận gía do các chủ thể khác công bố.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 luật thương mại 2005, nghĩa vụ của bên bán phải thanh toán một khoản tiền bằng khoản chênh lệch giữa giá thị trường do sở giao dịch công bố tại thời điểm thực hiện hợp đồng với giá thỏa thuận trong hợp đồng khi không thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo thỏa thuận về thanh toán bằn tiền và không giao hàng.
Như vậy, bên mua hoặc bên bán đều phải thanh toán một khoản tiền cho bên kia khi không thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các bên chủ động khi thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng. Đồng thời đó cũng là căn cứ xác định khoản tiền mà các bên phải trả, tránh trường hợp tùy tiện khi tính mức tiền phải thanh toán cho bên kia của bên mua hoặc bên bán.Quy định tại điều 65 của Luật đã xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc giao hàng và thanh toán theo hợp đồng, nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền khi thỏa thuận hình thức thanh toán và việc không thực hiện giao hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng kì hạn.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn.
Đối với hợp đồng quyền chọn, quyền và nghĩa vu của các bên trong hợp đồng rất đặc biệt. Tại điều 66 của Luật Thương mại 2005 tập trung vào quy định quyền và nghĩa vụ trả tiền cho quyền mua hoặc bán và thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa của các bên theo hợp đồng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66: nghĩa vụ của bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là phải thanh toán khoản tiền mua quyền chọn cho bên kia theo đúng số tiền mà các bên đã thỏa thuận. Chỉ khi đã thanh toán số tiền đó thì bên mua mới trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 66, bên giữ quyền mua có quyền hàng hoá nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hóa đã giao kết trong hợp đồng, do đó ngay cả khi bên giữ quyền mua không mua hàng hóa như đã giao kết trong hợp đồng thì đó không phải là vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp “ bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hóa cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hóa để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thỏa thuận trong hợp đồng và giá thị trường do sở giao dịch hàng hóa công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện”
Khoản 3 điều 66 Luật thương mại 2005cũng đặt ra các quy định về quyền và nghĩa vụ của bên giữ quyền chọn bán và bên mua tương tự như quyền và nghĩa vụ của bên giữ quyền chọn mua và bên bán quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật thương mại 2005.
Ngoài ra khoản 4 Điều 66 Luật thương mại 2005, còn bảo vệc quyền của bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chon bán khi quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực bằng việc quy định hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.
Có thể thấy, quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn của luật thương mại mới chỉ dừng lại ở các quyền và nghĩa vụ cơ bản, đặc trưng cho bản chất của hai loại hợp đồng này. Những quyền và nghĩa vụ khác phát sinh khi hai bên thực hiện hợp đồng thì chưa được pháp luật quy định cụ thể. Bởi vậy, đây cũng là khó khăn khi các bên thỏa thuận để xác lập một hợp đồng kì hạn hoặc hợp đồng quyền chọn và hạn chế cho việc xác định các vi phạm về quyền và nghĩa vụ của các bên dẫn đến vi phạm hợp đồng.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng môi giới và hợp đồng ủy thác giao dịch:Vấn đề này chưa có quy định cụ thể nhưng chủ yếu do các bên tự thỏa thuận.
2.4. Thực trạng pháp luật về quản lí nhà nước đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan có thẩm quyền quản lí hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công thương) ( Điều 68, 72 LUậT THƯƠNG MạI 2005; Khoản 2 Điều 4 Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là hoạt động đầu tư phức tạp, diễn ra trên thị trường tập trung quy mô lớn và mang tính chuyên nghiệp, do vậy đòi hỏi Nhà nước phải có cách thức quản lí phù hợp đối với hoạt động này. Cụ thể, Nhà nước có thể lựa chọn một trong hai cách thức sau: Quản lý vĩ mô đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa; Quản lí vi mô đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đưa ra các quy định về xử lý vi phạm đối với sở giao dịch hàng hóa và thành viên sở giao dịch hàng hóa. Đối với sở giao dịch hàng hóa có thể có các hành vi vi phạm ở các khâu như khâu nhận lệnh, khớp lệnh hay trong quá trình tổ chức, vận hành các giao dịch sở giao dịch có các hành vi thiếu minh bạch, gây rò rỉ thông tin….tất cả những hành vi vi phạm này đều bị xử lí nghiêm ngặt. Đối với thành viên sở giao dịch hàng hóa. Trước hết là thành viên kinh doanh, thì thành viên kinh doanh có thể vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện trở thành thành viên ( vi phạm điều 21 Nghị định 158/2006/NĐ-CP hoặc hoạt động với tư cách thành viên kinh doanh khi chưa được sở giao dịch chấp thuận ( vi phạm điều18 Nghị định 158/2006/NĐ-CP ) hoặc vi phạm các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng ủy thác giao dịch, hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ( vi phạm điều 23 Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Đối với thành viên môi giới, thì thành viên môi giới có thể vi phạm các quy định về tư cách thành viên hay các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng môi giới ( vi phạm Điều 19, Điều 20 NĐ Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Tất cả những vi phạm này được xử lý theo các quy định về hợp đồng, trường hợp cần thiết có thể bị xử lý bằng các quy phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên cũng giống như sở giao dịch hàng hóa, các hành vi vi phạm này bị áp dụng chế tài dân sự để điều chỉnh ( Điều 52 Nghị định 158/2006/NĐ-CP và nếu cấu thành tội phạm sẽ bị áp dụng chế tài hình sự. các chế tài này được quy định cụ thể tại Bộ luật dân sự năm 2005, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2002 sửa đổi bổ sung năm 2007,2008, Bộ Luật hình sự ban hành năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009)
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỂ MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM.
Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa phải phù hợp với đặc thù của nền kinh tế thị trường Việt Nam, phải căn cứ vào thực trạng pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động này ở Việt Nam. Bên cạnh đó việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa phải phù hợp với thói quen kinh doanh và văn hóa kinh doanh của người Việt Nam, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể:
Nên đổi quy định về khái niệm “ mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa”: theo hướng đưa ra những dấu hiệu đặc trưng của hoạt động này.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của sở giao dịch hàng hóa: sửa đổi quy định về khái niệm cũng như cơ cấu tổ chức của sở giao dịch hàng hoá. Nên sửa đổi quy định về thủ tục thành lập và ban hành quy định hướng dẫn về thủ tục chấm dứt hoạt động đối với sở giao dịch hàng hóa. Đồng thời bổ sung thêm các chức năng của sở giao dịch hàng hóa.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa: Hủy bỏ các quy định về thành viên môi giới, bổ sung chức năng môi giới hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa cho thành viên kinh doanh của sở giao dịch. Sửa đổi điều kiện trở thành thành viên kinh doanh của sở giao dịch, cụ thể là điều kiện về vốn pháp định và điều kiện về trình độ của người quản lí điều hành….
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về các hợp đồng liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa: Thứ nhất, sửa đổi tên gọi và bổ sung nội hàm khái niệm “hợp đồng kỳ hạn”, bổ sung nội hàm khái niệm “hợp đồng quyền chọn”; Thứ hai, Đặc biệt lưu ý đến nội dung và các vấn đề liên quan đến các loại hợp đồng khi phê chuẩn Điều lệ hoạt động, quy tắc giao dịch của sở giao dịch hàng hóa.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lí nhà nước đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa: Xây dựng cơ quan quản lí chuyên biệt đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở Việt nam; Có cơ chế kiểm tra giám sát hiệu quả hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa đề phòng tránh tiêu cực có thể phát sinh; Đồng thời cần ban hành đầy đủ các chế tài đối với các hành vi vi phạm hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, rà soát để sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa vào thực tiễn nền kinh tế Việt Nam cần:
Thúc đẩy sự ra đời và hoạt động bền vững của sở giao dịch hàng hóa.
Xây dựng vận hành các thiết chế bổ trợ cho hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Nâng cao kiến thức kĩ năng, của các thương nhân và những chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa
KẾT LUẬN
Có thể thấy, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa đã được quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa có ý nghĩa lí luận và thực tiễn quan trọng
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Học kỳ thương mại 2- Tìm hiểu pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.doc