Tìm hiểu tục ngữ Khmer từ góc nhìn so sánh không chỉ giúp chúng ta tìm
ra những cái giống và khác biệt về mặt nội dung giữa tục ngữ hai dân tộc mà còn
trong định hướng tìm đến bản sắc văn hóa của hai dân tộc. Tục ngữ Khmer có
giá trị về nhiều mặt, được đúc kết từ đời sống cộng đồng của dân tộc Khmer và về
cơ bản có những mối quan hệ tương đồng, gần gũi với tục ngữ người Việt.
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu nội dung tục ngữ Khmer (qua so sánh với tục ngữ Việt), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Kiều Tiên
_____________________________________________________________________________________________________________
91
TÌM HIỂU NỘI DUNG TỤC NGỮ KHMER
(Qua so sánh với tục ngữ Việt)
NGUYỄN THỊ KIỀU TIÊN*
TÓM TẮT
Bài báo này bước đầu tìm hiểu những nội dung phản ánh của tục ngữ Khmer, gồm
những tri thức về thiên nhiên, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, về các mối quan hệ
trong gia đình, xã hội, là những lời khuyên răn về lối sống, về cách ứng xử của nhân dân
Khmer được thực hiện theo phương pháp so sánh với tục ngữ Việt.
Từ khóa: tục ngữ, Khmer, tục ngữ Khmer.
ABSTRACT
A study of Khmer proverbs content
(Through the comparison with Vietnamese proverb)
The article is an initial study of contents expressed through Khmer proverbs,
including knowledge of nature, experience in labour and production, family relationships,
society, advice on lifestyle, behaviours of Khmer people conducted by a comparison with
Vietnamese proverbs.
Keywords: proverb, Khmer, Khmer proverb.
1. Mở đầu
Tục ngữ của mỗi dân tộc nói chung
và tục ngữ Khmer nói riêng đều có giá trị
về nhiều mặt, được đúc kết từ đời sống
cộng đồng của từng dân tộc và từ những
mối quan hệ với cộng đồng các dân tộc
anh em. Lí giải mối quan hệ đó để tìm ra
những nét riêng mang bản sắc văn hóa
của từng dân tộc qua tục ngữ là việc làm
cần thiết.
Tục ngữ Khmer là tài sản vô giá, là
tinh hoa của dân tộc Khmer từ ngàn đời
truyền lại và luôn được bồi đắp theo dòng
chảy của thời gian, của những biến động
trong đời sống văn hóa, xã hội. Vấn đề
tìm hiểu, nghiên cứu tục ngữ Khmer cho
đến nay, mặc dù đã đạt được những kết
quả nhất định nhưng thực tế đòi hỏi phải
* ThS, Trường Đại học Trà Vinh
chuyên sâu hơn. Trong đó có những vấn
đề về nội dung của tục ngữ Khmer mà
hiện nay chưa được nhìn nhận một cách
thỏa đáng, thậm chí còn bỏ ngõ. Đó là
nghiên cứu phân loại nội dung tục ngữ
Khmer, như Sơn Phước Hoan đã từng
xác định trong tác phẩm Thành ngữ và
tục ngữ Khmer; hay làm rõ pho kinh
nghiệm trong lao động, trong đời sống
hằng ngày, trong quan hệ xã hội của
nội dung tục ngữ Khmer mà các tác giả
trong tác phẩm Người Khmer tỉnh Cửu
Long đề cập...
Người Khmer cùng với người Việt,
người Hoa và các dân tộc anh em khác là
chủ nhân của vùng đất phương Nam. Qua
mấy trăm năm tồn tại và giao lưu, nhưng
mỗi dân tộc đều giữ gìn và phát huy bản
sắc văn hóa riêng của mình. Những điểm
khác nhau như là sự tất yếu xuất phát từ
bản sắc dân tộc, nền văn hóa các dân tộc.
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
92
Tuy nhiên, trong tục ngữ của người
Khmer và người Việt còn có những điểm
tương đồng như là bản chất chung trong
quá trình sáng tạo folklore nhân loại,
cũng như quá trình cộng cư, điều kiện
lịch sử và những quan hệ giao lưu văn
hóa mang lại.
2. Nội dung
2.1. Điểm qua một số công trình
nghiên cứu nội dung tục ngữ Khmer với
hướng tiếp cận so sánh
Khi nghiên cứu văn học dân gian
Khmer nói chung, tục ngữ Khmer nói
riêng, các nhà nghiên cứu bước đầu có đề
cập những sự giống và khác nhau về nội
dung phản ánh với tục ngữ người Việt.
Nhưng nhìn chung, hiện chưa có công
trình nào đặt tục ngữ của hai dân tộc
trong hệ thống để nghiên cứu, so sánh,
đối chiếu. Bởi vậy, thành tựu của việc so
sánh tục ngữ Khmer và tục ngữ Việt đang
còn trong giai đoạn khởi đầu, kết quả thu
được chưa nhiều.
Năm 1995, tác phẩm Thành ngữ và
tục ngữ Khmer do Nxb Giáo dục phát
hành dày 144 trang, đây là kết quả của
hoạt động sưu tầm và nghiên cứu lâu dài
của Sơn Phước Hoan. Tác giả đã tiến
hành dịch sát nghĩa từng câu thành ngữ,
tục ngữ Khmer trong sự đối sánh về mặt
cấu trúc, vần, nhịp với tiếng Việt. Và ở
một số trường hợp, tác giả đã dẫn trích
những câu tục ngữ Việt có nghĩa tương
đồng để người đọc dễ hiểu. Điều này
không chỉ có ý nghĩa về sự tiện dụng mà
còn có ý nghĩa về mặt khoa học. Tác giả
bước đầu đã có sự so sánh tục ngữ của
hai dân tộc. Đó là những tương đồng về
nội dung, về cách nhìn nhận, đánh giá sự
vật, hiện tượng... và những sự khác biệt
trong việc lựa chọn chất liệu làm nên tục
ngữ hai dân tộc.
Trong Một số câu tục ngữ, ca dao
tiếng Khmer – Việt có nội dung gần
giống nhau, do Nxb Văn hóa dân tộc
phát hành năm 2006, khi giới thiệu
những câu tục ngữ Khmer, Trần Thanh
Pôn đã có sự liên hệ với những câu tục
ngữ Việt có nội dung gần giống. Cũng
theo hướng nghiên cứu này, năm 2010,
nhóm tác giả Kim Sơn, Lâm Qui, Ngọc
Thạch, Trần The đã biên soạn và sưu tầm
những câu thành ngữ - tục ngữ - câu đố
Khmer trong tác phẩm Thành ngữ, Tục
ngữ và Câu đố Khmer-Việt, tập 1, do
Nxb Giáo dục phát hành với 144 trang.
Đây là một cố gắng đáng ghi nhận của
nhóm tác giả khi đã chọn lọc những câu
tục ngữ, thành ngữ, câu đố của người
Khmer có ý nghĩa tương ứng với những
câu tục ngữ, thành ngữ, câu đố của người
Việt. Với những công trình này, các tác
giả đã cung cấp cho những nhà nghiên
cứu nguồn tư liệu quan trọng trong
nghiên cứu so sánh tục ngữ Khmer và tục
ngữ Việt.
Về các bài viết liên quan, năm
1997, trong bài “Về tính biểu trưng của
thành ngữ, tục ngữ Khmer Nam Bộ”
đăng trên Tạp chí Khoa học, Trường Đại
học Sư phạm TPHCM, Phạm Tiết Khánh
khi điểm qua nội dung cơ bản của những
câu thành ngữ, tục ngữ Khmer có chứa
hình ảnh các con vật đã có sự liên hệ với
các câu thành ngữ, tục ngữ Việt chứa
hình ảnh những con vật tương ứng. Qua
sự đối sánh đó, tác giả đã chỉ ra những
tương đồng và dị biệt trong việc sử dụng
các hình ảnh biểu trưng về loài vật trong
thành ngữ, tục ngữ hai dân tộc.
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Kiều Tiên
_____________________________________________________________________________________________________________
93
Năm 2007, trên Tập san Giáo dục
đào tạo Sóc Trăng, Lê Đức Đồng trong
bài “Những nét tương đồng gần gũi giữa
thành ngữ, tục ngữ Khmer và thành ngữ,
tục ngữ Việt” đã đề cập những nét tương
đồng trong tình cảm, cách nghĩ, cách
đánh giá, nhìn nhận sự việc, hiện tượng
của người Khmer và người Việt qua
những nét tương đồng trong nội dung
phản ánh của thành ngữ, tục ngữ. Theo lí
giải của tác giả, nguyên nhân của hiện
tượng này là do sự giao thoa văn hóa
giữa hai dân tộc cùng cộng cư trên mảnh
đất đồng bằng sông Cửu Long, trong đó
có sự tương đồng về kinh nghiệm trồng
trọt, sinh hoạt và đối nhân xử thế.
Trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, năm
2009, trong bài viết “Dấu ấn văn hóa –
dân tộc qua chất liệu biểu trưng của tục
ngữ người Việt”, Nguyễn Văn Nở đã tiến
hành khảo sát so sánh các câu tục ngữ
Việt và tục ngữ các nước, trong đó có tục
ngữ Khmer qua những nét dị biệt hoặc sử
dụng chất liệu khác nhau trong những
câu tục ngữ tương đồng về nội dung biểu
đạt. Đến năm 2010, trong Kỉ yếu Hội
thảo Ngôn ngữ học toàn quốc do Nxb
Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành, bài
báo “Logic ngôn giao trong thành ngữ,
tục ngữ Khmer” đã đề cập các câu tục
ngữ Việt có nghĩa tương đồng khi khảo
sát tục ngữ Khmer về quan niệm của
đồng bào Khmer trong việc vận dụng
ngôn ngữ khi giao tiếp. Qua đó, chúng ta
thấy được sự tương đồng cũng như sự dị
biệt trong lối thể hiện, trong những nội
dung được chú ý phản ánh, những hình
ảnh được chọn dùng làm chất liệu biểu
trưng trong thành ngữ, tục ngữ của người
Việt và người Khmer.
Như vậy, những công trình nghiên
cứu theo hướng so sánh tục ngữ Khmer
và tục ngữ Việt đến nay chỉ dừng lại ở
việc khảo sát những tương đồng và dị
biệt trên phương diện sử dụng chất liệu
biểu trưng và một số nội dung phản ánh
của tục ngữ hai dân tộc. Ngoài ra, việc
nghiên cứu này cũng chưa được tiến hành
có hệ thống để có thể đi đến những kết luận
mang tính khoa học và thuyết phục hơn.
2.2. Nội dung phản ánh của tục ngữ
Khmer
2.2.1. Tục ngữ về quan hệ thiên nhiên và
lao động sản xuất
Từ xưa, con người đã sống hòa
nhập với tự nhiên. Cuộc sống hòa nhập
đó giúp con người nhận thức ngày càng
tốt hơn về tự nhiên để có thể thích nghi
và phát triển đời sống của chính mình.
Đó là những hiểu biết về dự đoán thời
tiết, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn
nuôi, phát triển sản xuất Vì phụ thuộc
rất nhiều vào tự nhiên nên những hình
ảnh của: gió, mưa, sấm, chớp cũng đi
vào tục ngữ Khmer và tục ngữ Việt
thường xuyên, thể hiện quan niệm của
con người về thế giới tự nhiên.
Lao động nông nghiệp của người
Việt và người Khmer phụ thuộc rất nhiều
vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Vì thế
người nông dân phải luôn theo dõi, chú ý
diễn biến của các hiện tượng thời tiết
từng ngày để có sự điều chỉnh kịp thời
trong sản xuất. Từ việc quan sát các hiện
tượng tự nhiên (như gió, mưa, sấm chớp,
trăng, sao) và đặc điểm sinh học của
một số động vật, thực vật, người dân đã
rút ra những nhận xét, những phán đoán
về thời tiết. Và có lẽ tác động lớn nhất
của thiên nhiên đối với sản xuất nông
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
94
nghiệp và đời sống là mưa, nắng, bão,
lụt Vì thế, trong vốn tục ngữ Việt,
những dự đoán này không ít: Cóc nghiến
răng, đang nắng thì mưa; Chuồn chuồn
bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay
vừa thì râm; Gió heo may, chẳng mưa
dầm thì bão giật
Tuy nhiên, trong tục ngữ Khmer,
những câu tục ngữ về dự báo thời tiết lại
rất ít: Kiến bay trời mưa; Nếu nghe trời
gầm đừng vội đổ nước đi; Chó sủa chưa
bao giờ cắn, trời gầm ầm ầm chưa bao
giờ mưa... Và hầu hết những dự đoán thời
tiết trong tục ngữ Khmer đều về hiện
tương mưa. Sự khác biệt này có thể được
lí giải từ địa hình cư trú và sản xuất chủ
yếu của người Khmer. Người Khmer ở
giai đoạn đầu sống chủ yếu trên các
giồng (Dải đất phù sa nổi lên cao,
thường là ven sông) và cùng với “buổi
đầu cư trú, cư dân còn thưa thớt, nhu cầu
tự cung tự cấp cao và đất trên giồng
thích hợp với việc làm rẫy” [10, tr.28].
Chính vì thế mà lũ, lụt, hạn hán dường
như không phải là nỗi ám ảnh đối với
người Khmer.
Như đã đề cập, với địa hình cư trú
và điều kiện dân cư, bên cạnh nền nông
nghiệp gắn với lúa nước, nguồn lợi kinh
tế khác cũng không kém phần quan trọng
đối với người Khmer là hoa màu: “Mảnh
đất để trồng rẫy được người Khmer gọi
là Chomka. Đất Chomka thường là các
phum trồng trọt trên giồng hoặc các
mảnh đất gò gần nơi cư trú. Ngoài ra,
hoa màu còn được trồng dưới ruộng ().
Loại hoa màu được người Khmer trồng
phổ biến là các loại đậu, khoai, rau”
[10, tr.28]. Vì vậy, tục ngữ Khmer có rất
nhiều câu đề cập việc canh tác những loại
hoa màu này. Đó là những kinh nghiệm
chăm sóc, lượng nước, làm đất, làm cỏ,
dự đoán sản lượng: Làm vườn phải biết
chăm sóc, làm ruộng phải biết xem cỏ;
Trồng dừa phải chăm sóc, muốn được
dừa ăn phải đốt gốc; Hành xem nước,
dưa hấu xem dây... Còn trong kho tàng
tục ngữ người Việt, những câu tục ngữ có
nội dung này cũng rất phong phú: Nắng
sớm đi trồng cà/ Mưa sớm ở nhà phơi
lúa; Tháng giêng trồng cà, tháng ba
trồng đậu; Tháng giêng trồng trúc, tháng
lục trồng tiêu...
Bên cạnh hoa màu, trong canh tác
lúa, người nông dân nói chung chú ý
nhiều đến giống má, lượng nước, kinh
nghiệm làm đất: Nên tìm giống tốt, gieo
sạ lưu lại; Mạ theo đất, gái theo trai;
Làm ruộng nhờ nước, đánh giặc nhờ
cơm; Làm ruộng phải xem cỏ, cưới gả
con cháu phải xem dòng họ... (Tục ngữ
Khmer); Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen;
Không nước không phân chuyên cần vô
ích; Công cấy công bỏ, công làm cỏ công
ăn... (Tục ngữ Việt).
Ngoài ra, người nông dân còn chú ý
đến yếu tố thời vụ và kinh nghiệm trong
dự đoán sản lượng qua hình dáng của cây
lúa, qua biểu hiện của thời tiết: Ngẩng
lép, cúi chắc hạt; Trời mưa tốt lúa, trời
nắng tốt vườn... (Tục ngữ Khmer); Nắng
tốt dưa, mưa tốt lúa; Muốn ăn lúa tháng
năm, xem trăng rằm tháng tám... (Tục
ngữ Việt).
Ngoài những điểm tương đồng trên,
tục ngữ người Khmer và người Việt đều
có những lời khuyên cho việc lựa chọn
loại hình sản xuất phù hợp với vốn đất
đai của người nông dân: Đất nhiều làm
ruộng, đất ít trồng rau (Tục ngữ Khmer);
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Kiều Tiên
_____________________________________________________________________________________________________________
95
Đất thiếu trồng dưa, đất thừa trồng cau
(Tục ngữ Việt).
Nhân dân ta vốn siêng năng, cần cù
và yêu lao động. Họ không chỉ biết trồng
trọt mà còn biết chăn nuôi. Vì vậy, trong
tục ngữ người Việt, kinh nghiệm đúc kết
từ nghề này vô cùng phong phú. Đối
tượng quan tâm của tục ngữ Việt khi nói
về chăn nuôi không tản mạn mà tập trung
vào kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia
cầm. Kinh nghiệm nuôi và chọn giống
vật nuôi thường xuất phát từ cách lựa
chọn những bộ phận cụ thể như mõm,
chân, tai, mắt, đuôi, bụng... của vật nuôi:
Làm ruộng có năm, nuôi tằm có lứa;
Nuôi heo ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng; Gà
đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà
trắng chân chì mua chi giống ấy
Tuy nhiên, trong tục ngữ Khmer,
nội dung này không được chú ý nhiều.
Về việc nên nuôi gì và tập tính của vật
nuôi, có những câu: Muốn giàu cho buôn
gạo, muốn nghèo cho giết bò; Vịt giống
lùn, thích ở thấp... Ngoài ra, chúng tôi
chưa tìm thấy những câu về kinh nghiệm
chọn giống vật nuôi. Những câu tục ngữ
Khmer có sử dụng hình ảnh động vật
hoặc đặc tính nào đó của con vật không
phải để giúp người nông dân chọn giống
hay giúp họ chăn nuôi tốt hơn mà hầu hết
thiên về phản ánh con người trong các
mối quan hệ: Chó sủa không bao giờ
cắn; Đừng bắt chước con cá chhđô, loại
cá tự ăn con mình...
Như vậy, tục ngữ về lao động sản
xuất một mặt là những dự đoán về tình
hình thời tiết ảnh huởng đến sản xuất,
mặt khác là những kinh nghiệm sản xuất
lâu đời được truyền từ thế hệ này sang
thế hệ khác. Tất cả những kinh nghiệm
ấy đã đồng hành cùng nhân dân hai dân
tộc trong suốt quá trình lao động.
2.2.2. Phản ánh các mối quan hệ gia
đình, xã hội
Tục ngữ ra đời trong lao động và
trong hoạt động giao tiếp giữa con người
với con người. Những hành động, cách
ứng xử giữa người – người bắt nguồn từ
cái gốc văn hóa của họ. Nhiều nét đẹp
ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và
xã hội được lưu truyền qua các thế hệ, trở
thành đạo lí, thành lối sống và đã được
phản ánh trong tục ngữ của các dân tộc nói
chung và dân tộc Khmer, Việt nói riêng.
Trước hết, tục ngữ phản ánh các
mối quan hệ trong gia đình, bởi gia đình
là tế bào của xã hội. Trong đó, quan hệ
vợ chồng được xem là hạt nhân cơ bản.
Chính vì thế, cả tục ngữ Khmer lẫn tục
ngữ Việt đều đề cao mối quan hệ này:
Gái ngoan làm quan cho chồng; Làm
ruộng phải có trâu, làm giàu phải có vợ...
(Tục ngữ Việt); Thương thân cần lựa
thức ăn, vợ chồng thương yêu phải biết
chiều nhau; Canh không ngon miễn canh
nóng, vợ đen cũng được miễn biết làm
ăn... (Tục ngữ Khmer).
Tuy chế độ phụ hệ đã được xác lập
trong cấu trúc gia đình Khmer song tàn
dư của chế độ mẫu hệ vẫn chưa hoàn toàn
được xóa sạch. Điều này được thể hiện
trong cách gọi người đứng đầu phum sóc
(đều có từ “me” (mẹ) đứng đầu), các vị
thần hộ mệnh gia đình đều là nữ, hay tục
ở rể, làm nhà bên vợ: Của còn nhờ phụ
nữ khéo tay, gia đình sum vầy nhờ vợ
hiền; Đừng học cách nói vượt, vợ giận
quá, đừng trả lời ngược; Của nhiều thì
có nhiều phúc, vợ tốt thì có nhiều bạn...
(Tục ngữ Khmer), Giàu vì bạn, sang vì
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
96
vợ; Gái có công thì chồng chẳng phụ...
(Tục ngữ Việt). Vì người vợ có vai trò
quan trọng như thế nên dân gian cũng có
không ít những lời khuyên cho việc chọn
vợ, chọn chồng: Lấy vợ chọn tông, lấy
chồng chọn giống... (Tục ngữ Việt); Làm
ruộng phải xem cỏ, cưới gả con cháu
phải xem dòng họ; Làm ruộng thất, thất
chỉ một năm, lấy vợ, gả chồng sai, sai cả
đời... (Tục ngữ Khmer).
Ngoài ra, nền văn hóa Việt Nam từ
khi lấy Nho giáo làm quốc giáo, chịu ảnh
hưởng văn hóa Trung Hoa đã du nhập tư
tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm
“đa thê”. Xã hội Việt Nam xưa đã ngầm
định vai trò, trách nhiệm của người vợ
trong gia đình qua tục ngữ: Đàn ông xây
nhà, đàn bà xây tổ ấm; Xem bếp biết nết
đàn bà/ Vào nhà thì biết trong nhà đói
no...
Gia đình người Khmer Nam Bộ là
quan hệ một vợ một chồng, người chồng
là người quyết định chính trong gia đình,
chủ yếu là trong sản xuất và giao tiếp xã
hội; người vợ quyết định trong việc quản
lí gia đình, nuôi dạy con cái và nội trợ.
Nên người đàn ông đôi lúc cũng tự cho
mình quan trọng hơn, không chịu thua
kém vợ: Thua vợ bị hạ nhục, thua kiện
hết tài sản; Đừng trông trời, trông sao,
đừng nghĩ rằng mẹ không mắc nợ, đừng
nghĩ rằng vợ không ngoại tình...
Nhưng cũng đã có những người phụ
nữ Việt và Khmer phản ứng mạnh mẽ
chế độ đa thê: Đói lòng ăn nắm lá sung,
chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng;
Hai vợ, ba bò, một voi, làm cho khổ thân.
Tóm lại, tục ngữ Việt và tục ngữ
Khmer đều dành những tình cảm trân
trọng để nói về mối quan hệ vợ chồng,
đặc biệt là vai trò không thể thiếu của
người vợ trong gia đình. Nhân dân lao
động Việt và Khmer đã có cách nhìn
đúng đắn và nhân ái về người phụ nữ nói
chung, về người vợ nói riêng.
Trong tất cả các quan hệ giữa người
– người, bên cạnh tình cảm vợ chồng thì
quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối
quan hệ thiêng liêng, được người đời tôn
vinh nhiều nhất. Về phương diện này,
quan niệm giữa các dân tộc không có
nhiều sự khác biệt. Và nội dung phản ánh
về quan hệ cha mẹ và con cái trong tục
ngữ Khmer và tục ngữ Việt cũng thế: Mẹ
cha với con, như hình với bóng; Con
ngoan là phước của cha mẹ... (Tục ngữ
Khmer); Có cha có mẹ thì hơn/ Không
cha không mẹ như đờn đứt dây; Có nuôi
con mới biết lòng cha mẹ; Con biết nói,
mẹ hói đầu (Tục ngữ Việt).
Gia đình có ý nghĩa rất lớn đối với
việc hình thành tính cách của trẻ. Vì thế,
mọi hành động thường ngày của cha mẹ
đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình
thành nhân cách của con cái. Cha mẹ
không chỉ che chở, bảo vệ con cái mà còn
là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối
sống cho con cái noi theo: Cha mẹ trông
đi con dại/ cha mẹ trông lại thì con khôn;
Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha
mẹ trăm đường con hư... (Tục ngữ Việt);
Con không cha mẹ, không ai giáo dục...
(Tục ngữ Khmer).
Có một điều lí thú là, cả tục ngữ
Việt lẫn tục ngữ Khmer đều có những
câu tương tự nhau về tri thức nuôi dạy
con cái: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ
từ thuở ban sơ mới về; Thương cho roi
cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi... (Tục ngữ
Việt); Phải chiều con lúc lên năm, phải
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Kiều Tiên
_____________________________________________________________________________________________________________
97
biết giáo dục lúc lên mười, đến tuổi mười
sáu cần ghi nhớ, lời xưa đã dặn con là
bạn; Dạy con, phải tự giáo dục mình làm
gương (Tục ngữ Khmer).
Và tục ngữ của hai dân tộc một lần
nữa gặp nhau trong việc quy trách nhiệm
cho người mẹ khi con cái hư hỏng: Con
hư tại mẹ, cháu hư tại bà (Tục ngữ Việt);
Rìu ngang tại cán, con hư tại mẹ (Tục
ngữ Khmer). Dù việc đánh giá này còn
mang tính quy chụp nhưng nếu nhìn ở
phương diện tích cực thì đã ngầm khẳng
định vai trò của người phụ nữ trong gia
đình. Nếu tục ngữ Việt cho rằng: Chết
cha ăn cơm với cá/ Chết mẹ đội đá lên
đường thì tục ngữ Khmer cũng khẳng
định: Thà mất cha đừng để mất mẹ; Thà
chìm xuồng giữa sông đừng để cháy nhà.
Nếu tình thương yêu, lòng vị tha
của đấng sinh thành dành cho con cái vô
cùng rộng lớn thì ở chiều ngược lại, chữ
“hiếu” vẫn như mạch ngầm chảy suốt
cuộc đời của mỗi người con. Trong quan
niệm của người Khmer, tu báo hiếu là
một truyền thống tốt đẹp. Chữ hiếu trong
tục ngữ Khmer là sự kết hợp giữa niềm
tin dân gian và tinh thần Phật pháp cùng
với những gốc rễ sâu xa trong luân lí
nhân bản truyền thống của dân tộc. Theo
họ, người con có hiếu phải biết vâng lời
dạy bảo của cha mẹ, phải biết thương
yêu, cung kính, phụng dưỡng cha mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ
như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng
thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là
đạo con; Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ
cha kính mẹ mới là chân tu... (Tục ngữ
Việt); Khinh mẹ trái lời Phật dạy; Giống
người dù thấp hèn đến đâu cũng không
bỏ tình mẹ cha, lời nói của con người dài
hơn đường đi, lúa để lâu năm hư gạo
(Tục ngữ Khmer).
Bên cạnh đó, tình cảm giữa anh chị
em ruột là tình cảm không thể tách rời:
Anh em như chân với tay. Sự hòa thuận
trong anh chị em là cái gốc của sức mạnh
và niềm hạnh phúc gia đình: Em thuận
anh hòa là nhà có phúc. Tục ngữ Việt
đưa ra cách xử thế khi có mối bất hòa
trong anh chị em: Cắt dây bầu dây bí, ai
nỡ cắt dây chị dây em. Còn tục ngữ
Khmer phản ánh quan hệ anh chị em ruột
không nhiều nhưng cũng phần nào khẳng
định tình cảm tốt đẹp đó: Buôn gần tốt
hơn bán xa, buôn sát bên nhà bảo vệ em
gái. Ngoài ra, nếu tục ngữ Việt khuyên
con người: Khôn ngoan đối đáp người
ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
thì tục ngữ Khmer đã thừa nhận sự khác
biệt của mỗi người: Tre một cây cũng
khác lóng, anh em một nhà cũng khác ý.
Ngoài ra, trong tục ngữ hai dân tộc
cũng có nhiều câu nói về quan hệ bà con
và láng giềng. Trong đó, dân gian luôn đề
cao mối quan hệ giữa các thành viên
trong dòng họ: Chim có tổ, người có tông
(Tục ngữ Việt); Âm thanh nhắc cho biết
ngôn ngữ, tính tình cho biết dòng họ;
Tiếng nói thể hiện dân tộc, tính nết thể
hiện giống nòi (Tục ngữ Khmer).
Cơ cấu tổ chức của xã hội
Việt Nam trước đây còn tồn tại đến ngày
nay gồm bốn yếu tố: gia đình, họ hàng,
làng xã và đất nước. Trong đó, dòng họ
trở thành một thành tố của văn hóa làng
Việt Nam. Trong xã hội người Khmer,
người dân sống tập trung thành những
cụm dân cư lớn nhỏ tùy thuộc và diện
tích của các giồng. Đó là môi trường
“phum”, “sóc” với những hộ gia đình có
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
98
quan hệ huyết thống, thân tộc, hôn nhân.
Dù hiện nay môi trường này đã được mở
rộng và thay đổi ít nhiều nhưng sự gắn
kết giữa các đơn vị trong cộng đồng vẫn
còn nguyên vẹn: Cãi trong dòng họ như
tự cởi đồ cho người xem, cãi nhau trong
xã hội như mở kho báu cho kẻ trộm.
Dù đề cao quan hệ họ hàng, huyết
thống nhưng trong tư duy của người Việt
và người Khmer đều trọng sự gần gũi,
thân thiết, sự giúp đỡ lẫn nhau hơn là
quan hệ máu mũ: Bán anh em xa mua
láng giềng gần (Tục ngữ Việt); Bà con
gần nếu không thân như kẻ lạ; Bà con và
bạn bè, nếu bà con không cần, bạn thân
tốt hơn (Tục ngữ Khmer).
Ngoài ra, trong quan hệ gia đình,
tục ngữ Việt còn phản ánh những mối
quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, chị em
dâu, chị dâu - em chồng, sui gia, anh em
họ: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên
chồng; Chị em dâu như bầu nước lã; Dâu
dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng; Dâu
là con, rể là khách; Con cô, con cậu thời
xa, con chú con bác thật là anh em; Làm
sui một nhà biết ra cả họ... Nhưng những
quan hệ này không phổ biến trong tục
ngữ Khmer bởi yếu tố mẫu hệ còn khá
mạnh trong xã hội người Khmer.
Trong các mối quan hệ xã hội, con
người luôn đề cao tính chất giáo huấn,
đạo làm người, ý thức trân trọng những
giá trị truyền thống dân tộc. Và truyền
thống này cũng xuất hiện nhiều trong các
câu tục ngữ tục ngữ Việt và Khmer. Về
truyền thống “tôn sư trọng đạo”: Một chữ
nên thầy, một ngày nên nghĩa; Không
thầy đố mày làm nên (Tục ngữ Việt);
Người tự học như người lạc đường giữa
đêm khuya; Học trò giỏi nhờ thầy dạy dỗ
uốn nắn hằng ngày (Tục ngữ Khmer).
Về việc phản ánh mối quan hệ giữa
các tầng lớp trong xã hội, dù còn mang tư
tưởng buông xuôi, chấp nhận số phận
nhưng cũng có những câu tục ngữ mang
tư tưởng phản kháng: Con vua thì phải
làm vua, còn con nhà nghèo khổ bắt cua
mỗi ngày (Tục ngữ Việt); Con kẻ thấp
trở thành người hầu của vua, con lưu
manh thành người thông thái, người
nghèo khó sẽ có của cải; không nên xem
thường bất cứ một ai... (Tục ngữ Khmer).
Đối với người Khmer, những tín đồ
của Phật giáo Nam tông, quan hệ xã hội
của họ còn là mối quan hệ với ngôi chùa,
mà sư là hiện thân của Phật. Trong tâm
thức người Khmer, sư tăng luôn được tôn
trọng tuyệt đối: Muốn biết học từ Acha1,
muốn được hoa quả phải chăm sóc cây.
2.2.3. Phản ánh cách ứng xử và kinh
nghiệm sống của nhân dân
Tục ngữ là “pho sách giáo khoa
hướng dẫn cách suy nghĩ về những
trường hợp của cuộc sống mà nhân dân
ta hay gặp phải trong các quan hệ với
giới tự nhiên và các quan hệ xã hội thời
xưa” [1, tr.182]. Và cách suy nghĩ, hành
động này thể hiện tư tưởng nhân đạo
chân chính của nhân dân lao động. Họ đề
cao đức tính thật thà, cần cù, yêu lao
động đồng thời phê phán những thói hư
tật xấu trong dân chúng cũng như những
bất công trong xã hội và khát khao luân
lí, chính nghĩa của nhân dân.
Qua tục ngữ của hai dân tộc, chúng
ta thấy hình ảnh của những con người cần
cù, siêng năng, kiên trì trong lao động,
trong cuộc sống: Có làm thì mới có ăn,
không dưng ai dễ mang phần đến cho...
(Tục ngữ Việt); Công việc hoàn thành
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Nguyễn Thị Kiều Tiên
_____________________________________________________________________________________________________________
99
nhờ cố gắng, không phải sinh ra đã có
ngay; Giận cố gắng nhịn, nghèo cố gắng
làm (Tục ngữ Khmer).
Đó còn là đức tính cần kiệm, lo xa:
Buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè hà
tiện; Của đầy kho không lo cũng hết;
Làm khi lành để dành khi đau... (Tục ngữ
Việt); Nhỏ từng giọt như nước thốt nốt
sáng sớm dậy cũng đầy ống; Muốn thông
minh phải cố gắng, thắt chặt lưng quần
làm ăn khá; Việc nghèo khó đừng tính dễ,
việc tiêu sài thật vô cùng, phải từ từ đừng
vội phóng, sợ không tới nơi như mong
muốn (Tục ngữ Khmer). Đó là lối sống
đạo đức, nhân nghĩa, tương thân tương ái:
Lá lành đùm lá rách; Thương người như
thể thương thân... (Tục ngữ Việt); Đừng
ăn no chỉ một mình, không tính đến người
khác, người ta đói khổ nên để họ cùng ăn
cho no (Tục ngữ Khmer).
Là đức tính trọng danh dự: Chết
vinh hơn sống nhục; Đói cho sạch, rách
cho thơm; là tính thiết thực: Ăn lấy chắc,
mặc lấy bền; là sự căn cơ: Liệu cơm gắp
mắm (Tục ngữ Việt); Bỏ thịt chụp lấy
xương, lúc nhai thấy cứng mới quay tìm
thịt; Chín đầu ăn đầu, chín đuôi ăn
đuôi (Tục ngữ Khmer).
Để làm tròn trách nhiệm phản ánh
mọi mặt đời sống xã hội, tục ngữ không
chỉ biết phản ánh những nét đẹp truyền
thống của con người mà quan trọng hơn,
còn dành một vị trí đáng kể để nhắc nhở
những gì chưa tốt trong một bộ phận cư
dân. Cái xấu xuất hiện trong mọi khía
cạnh của đời sống, trên những phạm vi và
mức độ khác nhau. Nhắc nhở, phê phán
cái ác, cái xấu cũng là đề cao cái thiện,
cái đẹp của con người.
Tục ngữ phê phán thói lười biếng,
dửng dưng, thờ ơ, ích kỉ: Cháy nhà hàng
xóm bình chân như vại... (Tục ngữ Việt);
Việc sai là ở người làm, kẻ ở không
chẳng bao giờ sai; Việc ai nấy biết;
Đừng nằm chờ số mạng đừng ỷ vào tiền
kiếp, gắng làm đừng ở không, phải học
cho biết đủ nghề (Tục ngữ Khmer).
Những lối sống thiển cận, hư hỏng:
Ếch ngồi đáy giếng; Bần cùng sinh đạo
tặc... (Tục ngữ Việt); Con ếch ở trong
giếng nước, tưởng trời cao chỉ bằng nắp
vung, kẻ không có trí thức, cứ cho mình
là người giỏi nhất; Kẻ đam mê ba loại:
chơi gái, rượu và các loại cá độ làm cho
tài sản tiêu tan (Tục ngữ Khmer).
Hay lối sống thủ đoạn, hoài nghi,
kiêu ngạo: Con ếch chết vì miệng; Nọc
người bằng mười nọc rắn... (Tục ngữ
Việt); Chết vì cá tính như dao tự gọt cán;
Đừng khoét lỗ để tự hạ thân, đừng ẩn
mình tìm mưu kế, đừng làm phật lòng vì
sự nghi ngờ (Tục ngữ Khmer).
Từ đó, trên nền tảng tư tưởng đạo
đức dân gian và tôn giáo, cả hai dân tộc
đều đưa ra những lời khuyên về cách ứng
xử phù hợp: Chọn mặt gởi lời, chọn
người gởi của; Giúp lời không ai giúp
của, giúp đũa không ai giúp cơm; Làm
phúc được phúc, làm ơn được ơn;(Tục
ngữ Việt); Đừng sống như ếch, đừng chết
như rắn; Thua thành phật, thắng thành
thù; Đừng như con bướm quên thân sâu...
(Tục ngữ Khmer).
Như vậy, quan niệm sống, cách đối
nhân xử thế được thể hiện trong tục ngữ
Khmer và Việt đều hướng con người đến
cái tốt, cái đẹp. Và những quan niệm này
được bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng Phật
giáo, dù mức độ đậm nhạt khác nhau.
Bên cạnh đó, trong tục ngữ Việt còn có
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM Số 55 năm 2014
_____________________________________________________________________________________________________________
100
những câu chịu ảnh hưởng của Nho giáo
(Sống chết có số, giàu sang do trời...) mà
tục ngữ Khmer không có.
3. Kết luận
Tìm hiểu tục ngữ Khmer từ góc
nhìn so sánh không chỉ giúp chúng ta tìm
ra những cái giống và khác biệt về mặt
nội dung giữa tục ngữ hai dân tộc mà còn
trong định hướng tìm đến bản sắc văn
hóa của hai dân tộc. Tục ngữ Khmer có
giá trị về nhiều mặt, được đúc kết từ đời
sống cộng đồng của dân tộc Khmer và về
cơ bản có những mối quan hệ tương
đồng, gần gũi với tục ngữ người Việt.
Nhưng xét trên phương diện nội dung,
tục ngữ Khmer và tục ngữ Việt cũng có
những khác biệt thuộc về bản chất của
ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc. Và
điều này không nhằm phản bác nhau mà
để khẳng định bản sắc văn hóa của mỗi
dân tộc qua tục ngữ.
1 Acha: Người đã tu học lâu năm, có thể còn tu hoặc đã hoàn tục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri (1975), Tục ngữ Việt Nam, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
2. Lê Đức Đồng (2007), “Những nét tương đồng gần gũi giữa thành ngữ, tục ngữ
Khmer và thành ngữ tục ngữ người Việt”, Tập san Giáo dục Đào tạo Sóc Trăng, 2-
2007.
3. Sơn Phước Hoan (1999), Thành ngữ và tục ngữ Khmer, Nxb Giáo dục.
4. Phạm Tiết Khánh (2007), “Về tính biểu trưng của thành ngữ, tục ngữ Khmer Nam
Bộ”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, 11(45).
5. Nguyễn Văn Nở (2002), “Logic ngôn giao trong tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Ngôn
ngữ & Đời sống, (3).
6. Nguyễn Văn Nở (2009), “Dấu ấn văn hóa – dân tộc qua chất liệu biểu trưng của tục
ngữ người Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, (3).
7. Nguyễn Văn Nở (2010), “Logic ngôn giao trong thành ngữ, tục ngữ Khmer”, Kỉ
yếu Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Trần Thanh Pôn (2006), Một số câu tục ngữ, ca dao tiếng Khmer – Việt có nội dung
gần giống nhau, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
9. Kim Sơn, Lâm Qui, Ngọc Thạch, Trần The (2010), Thành ngữ tục ngữ và câu đố
Khmer-Việt, tập 1, Nxb Giáo dục.
10. Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến
Tuyết (1987), Người Khmer tỉnh Cửu Long, Sở Văn hóa - Thông tin Cửu Long xuất
bản.
(Ngày Tòa soạn nhận được bài: 01-10-2013; ngày phản biện đánh giá: 18-12-2013;
ngày chấp nhận đăng: 20-02-2014)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 10_7272.pdf