Lời hát chầu văn với dung lượng khá lớn, tiềm ẩn giá trị văn chương nhưng lâu nay
chưa được giới nghiên cứu dành cho sự quan tâm đích đáng. Nghiên cứu lời hát chầu
văn không chỉ giúp người đọc khám phá ra thế giới nghệ thuật huyền ảo kì thú mà qua
đó có thể hiểu sâu hơn về Đạo Mẫu như cách quan niệm về thế giới chia làm nhiều
miền, phủ; cách quan niệm về trời, số mệnh, sống chết; sự giao tiếp với thần linh thông
qua hình thức lên đồng, quan niệm về nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh; những
ước nguyện mang tính hiện sinh.
8 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 374 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu một số đặc điểm của đạo Mẫu thông qua lời hát chầu văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(30)/2014: tr. 40-47
TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO MẪU
THÔNG QUA LỜI HÁT CHẦU VĂN
TRẦN THỊ THANH NHỊ
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Đạo Mẫu là một sản phẩm văn hóa độc đáo của Việt Nam. Đạo
Mẫu đề cập đến sự thờ phụng nữ thần mẹ tại, kéo theo niềm tin và thực hành
khá khác nhau: bao gồm việc thờ phụng nữ thần cũng như sự sùng bái tứ
phủ, kết hợp với nghi lễ lên đồng. Thông qua lời hát chầu văn người đọc có
thể hiểu đặc điểm của Nữ thần mẹ như khái niệm, nhận thức về thế giới, số
phận của con người và các vấn đề liên quan đến nghi lễ lên đồng.
Từ khóa: Đạo Mẫu Việt Nam, Thánh Mẫu, lên đồng, chầu văn
1. MỞ ĐẦU
Nhìn một cách khái quát, tổng hợp có thể nhận thấy bức tranh của các bộ phận, cấu trúc,
thành tố kiến tạo nên hệ tư tưởng mang tính chất triết học, tôn giáo Việt Nam trước khi
có ảnh hưởng của phương Tây gồm có Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng
Mẫu Các nhà nghiên cứu văn học đều đồng thuận là diện mạo tư tưởng Việt Nam
được hình thành bởi tam giáo (Nho, Phật, Lão), vô tình đánh giá thấp, thậm chí cho tín
ngưỡng Mẫu là mê tín dị đoan. Đây là một thiếu sót khá quan trọng vì hơn bất cứ một tư
tưởng triết học hay tôn giáo nào vừa kể trên (đều ảnh hưởng, tiếp nhận từ bên ngoài) thì
tín ngưỡng Mẫu xuất hiện và hình thành nên từ thực tế văn hóa bản địa.
2. HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC CHỊU ẢNH HƯỞNG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
Thường thì các văn bản ghi chép về thần linh như thần tích, thần phả, ngọc phả, truyện
thơ ban đầu xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian.
Trong thực tế lại có hiện tượng dòng chảy ngược là huyền thoại hóa, dân gian hóa các
văn bản thần tích, thần phả. Hiện tượng về các nữ thần, Thánh Mẫu cũng không nằm
ngoài quy luật ấy..., ví dụ: truyện kể dân gian về Liễu Hạnh khá phong phú (điều này có
thể kiểm chứng cụ thể trong Truyện cổ tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm)
sau này được ghi chép lại trong các tác phẩm như Việt Điện u linh tập (Lí Tế Xuyên),
Sự thờ cúng các vị thần tiên ở Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên), Nam Hải dị nhân
(Phan Kế Bính). Những chuyện kể dân gian về Thiên Ya Na cũng được Phan Thanh
Giản ghi chép, san định và cho khắc bia ở Tháp Bà Nha Trang. Truyện kể về Bà Chúa
Xứ, Bà Đen được Trịnh Hoài Đức ghi chép lại trong Gia Định Thành Thông chí.
Tái hiện lại cuộc đời các thần nữ, không ít tác giả không dừng lại ở việc sưu tầm tái hiện
mà tiến hành san định (ghi chép lại, sáng tác thêm huyền thoại, truyền thuyết đã được
sưu tầm, ghi chép từ trước; thậm chí cao hơn là sáng tác thêm cho phù hợp với tư tưởng,
đặc biệt Nho giáo, phục vụ cho việc phong thần). Trong các nữ thần thì Liễu Hạnh là
một điển hình rõ nhất về điều này. Truyền thuyết về Liễu Hạnh được san định đầu tiên
phải kể đến là Vân Cát thần nữ trong tập Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), ngoài
TÌ M HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO MẪU THÔNG QUA LỜI HÁT CHẦU VĂN 41
các chi tiết dân gian, Hồng Hà nữ sĩ đã thêm vào nhiều tình tiết thơ họa hấp dẫn. Sau đó,
Nguyễn Công Trứ cũng tiến hành san định lại với cuốn Liễu Hạnh công chúa diễn âm,
và Kiều Oán Mậu là quyển Tiên phả dịch lục đã làm cho cuộc đời Liễu Hạnh có thêm
nhiều chi tiết li kì, hấp dẫn. Xu hướng khác nữa là phóng tác các tiểu thuyết mà tiêu
biểu là cuốn Bà chúa Liễu (Hoàng Tuấn Phổ), Liễu Hạnh công chúa (Vũ Ngọc
Khánh), Người nữ tì của bà chúa Liễu (Lưu Trọng Lư), Mẫu Thượng Ngàn (Nguyễn
Xuân Khánh).
Ngoài ra không thể không kể đến hệ thống các bài hát hầu văn gắn với các nghi lễ đạo
Mẫu có nhiều bài có giá trị văn chương: Hát văn (chầu văn, hát bóng) là một loại hình
nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi
thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.
Cùng với âm nhạc mang tính tâm linh và các lời văn kính cẩn, nghiêm trang nhưng
không kém phần bóng bẩy, trau chuốt, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý
nghĩa chầu thánh. Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như thơ thất ngôn, song
thất lục bát, lục bát, hát nói Tách khỏi phần nhạc, lễ, lời những bài hát chầu văn mang
tính văn chương đáng được ghi nhận với nội dung phản ánh phong phú và giàu giá trị
nghệ thuật. Qua những bài hát chầu văn, người đọc có thể thu nhận nhiều hiểu biết lí thú
về Đạo Mẫu.
2. SỰ PHẢN ÁNH ĐẶC ĐIỂM ĐẠO MẪU TRONG LỜI HÁT CHẦU VĂN
2.1. Thể hiện quan niệm, nhận thức về thế giới
Những tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tín ngưỡng thờ Mẫu đã
cho thấy tín ngưỡng Mẫu Tam phủ – Tứ phủ bước đầu đã chứa đựng những nhân tố
về vũ trụ luận nguyên sơ, Mẫu là một lực lượng sáng tạo và cai quản 4 miền của vũ trụ.
Nguyên nhân là do tư duy người Việt xưa muốn khống chế toàn khắp bốn phương tám
hướng không gian trời - đất – núi – nước, tất cả chúng đều nằm trong quyền năng cai
quản của Mẫu, không có khoảng không gian nào ma tà quỷ quái có thể xâm phạm đến.
Mẫu đệ nhất - Mẫu Thượng Thiên (gắn với không gian thiên phủ) là lực lượng sáng tạo
ra bầu trời với các quy luật vận hành vũ trụ, điều khiển mây, mưa, sấm, chớp, vận hành
mối giao hòa thiên thời – địa lợi, chủ của vòng quay thời gian thời tiết. Nhìn từ phương
diện vũ trụ quan có thể thấy quan niệm về Mẫu nói chung và Mẫu Thiên nói riêng, trong
quan niệm của dân gian về Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi, đó là
bốn vị Nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, vốn liên quan tới Thần mưa của tín ngưỡng
nông nghiệp. Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tối thượng, hô mưu gọi gió. Vì thế để
trừng phạt và cho nhân gian biết sức mạnh của mình bà đã: Làm cho chuyển đất động
trời / Ruộng đồng nứt nẻ, sông ngòi tiêu khô / Nước lan tràn hà hải mênh mông /
Sóng xô bão giật đùng đùng / Bờ kia cõi nọ nổi ong ào ào 1 (Giáng Tiên kì lục) [3].
Nhưng khi được công nhận, thờ phụng Thánh Mẫu đã trở thành phúc thần: Ban tài, ban
lộc, ban ngôi, ban quyền / ...Khuông phò ngọc ấn ba quân giới thần / Gia uy linh cứu
1 Dẫn chứng của bài viết này lấy từ sách Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
42 TRẦN THỊ THANH NHỊ
nhân độ thế / Trẻ cùng già ai nấy đội ơn (Địa tiên thánh mẫu văn). Phép màu làm gió
làm mưa / Đánh tan giặc giã giúp vua mấy kì (Mẫu sòng văn).
Mẫu đệ nhị - Mẫu Thượng Ngàn (gắn với không gian Nhạc phủ) là vị thần sáng tạo và
cai quản rừng núi – nguồn của cải vô tận; cũng là hóa thân của Thánh Mẫu toàn năng
trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Nếu Mẫu
Thượng Thiên (mà Liễu Hạnh công chúa là hiện thân) là người Trời thì Mẫu Thượng
Ngàn xuất xứ là người trần, là con gái hay cháu Vua Hùng, là đại diện tiêu biểu cho con
người gắn bó với núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, có tài phép, bảo hộ
mang lại yên ấm cho rừng núi, bản làng: Anh linh hiển hách chúa Sơn Trang / Cai quản
ba mươi sáu cửa ngàn /... Đủ muôn loài, xà giảo sài lang / Chim kêu vượn hót trên ngàn
/ Suối reo nước bạc cá vàng chầu lên / Đứng đôi bên lân rờn phượng múa / Sắp hai
hàng chầu chúa Sơn Trang (Văn Mẫu Thượng Ngàn). Để cai quản núi rừng rộng lớn,
Mẫu có một đội ngũ trợ thủ đắc lực là các Chầu: Dạy chim bạch yến ngâm thơ / Chim
ưng gõ mõ gà rừng tụng kinh / Công xòe cánh bên ghềnh múa quạt / Phượng gảy đàn
ca hát đêm thâu / Dạy voi kéo gỗ bắc cầu / Dựng đền Mẫu ngự, dựng đền Chúa chơi
(Chầu Thác Bờ - Phạm Văn Khiêm); các Cô: Mẫu ban coi sóc các tòa / Nhờ tay Cô Bé
thông già thêm xanh / ...Ơn Cô Bé bản mường thịnh thái / ...Ơn trên giáng phúc trừ tai /
Dân nhờ phúc ấy núi đồi nở hoa (Cô Bé Đông Cuông).
Mẫu đệ tam – Mẫu Thoải (gắn với không gian Thoải phủ) là lực lượng sáng tạo ra mọi
dòng sông suối, biển hồ; mà trước tiên là nguồn nước của nghề trồng lúa (nước) của cư
dân Việt. Bà là vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên
quan trực tiếp với thủy tổ người Việt buổi đầu dựng nước. Công lao của bà với nhân dân
được xưng tụng: Nương uy trời tế độ sinh linh / Đời đời nức tiếng thơm danh / Biển
vàng ghi tạc sử xanh dõi truyền / Kiêm ngũ phúc dâng lên cõi thọ / Nước thị trường
thánh chúa hưng long (Văn Mẫu Thoải).
Mẫu đệ tứ - Mẫu Địa (gắn với không gian Địa phủ), là người sáng tạo nên mọi đồng
ruộng, đất đai phì nhiêu, yếu tố cực kì quan trọng của nông nghiệp. Mẫu Thượng Thiên
mà hoá thân là Thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng. Mẫu Thượng Ngàn và
Mẫu Thoải đều có nguồn gốc Sơn thần và Thuỷ thần có liên quan tới các nhân vật nửa
lịch sử nửa huyền thoại của dân tộc, như Tản Viên, Hùng Vương, Âu Cơ (Mẫu Thượng
Ngàn) hay Lạc Long Vương, Kinh Dương Vương, Kinh Xuyên (Mẫu Thoải). Hệ thống
Tam Toà Thánh Mẫu cho thấy “có sự kết hợp, đan quyện giữa tư duy mang tính vũ trụ
luận (Trời, Đất, Nước), tư duy huyền thoại (Thiên Thần, Sơn Thần và Thuỷ Thần) và tư
duy lịch sử (Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương). Đây cũng là một khía cạnh tâm lý
mang đặc thù Việt Nam” [6, tr. 70]. Trong tư tưởng của người phương Đông xưa cấu
trúc không gian vũ trụ bởi năm yếu tố (năm hành) theo thứ tự: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa
- Thổ tương ứng với các phương hướng Tây, Đông, Bắc, Nam, trung tâm điều này để lại
dấu vết trong nhiều bài chầu văn: Tây phương thỉnh đức Kim tinh / Thần thông biến hóa
anh linh làm đầu / Chầu mộc tấn cõi tây lầu / Trên nguồn dưới bể vọng cầu cũng ghê /
Chầu thủy tấn cõi nam khê / Đằng vân giá vũ ngự về tòa chương / Chầu hỏa tấn cõi bắc
phương / ...Trung ương chầu thổ giữa trời / ...Năm bà năm cõi tòa vàng / Ngũ phương
TÌ M HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO MẪU THÔNG QUA LỜI HÁT CHẦU VĂN 43
ngũ hướng phép càng oai linh (Ngũ hành tiên nương). Trong đạo Mẫu, người Việt
Nam nhân hóa tự nhiên mang tính nữ, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái
con người mang nữ tính. Ở đây, việc tôn thờ Mẫu không chỉ dừng lại ở phương diện
hiện thân của bản thể tự nhiên mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên, hiện thân của
người Mẹ Tự Nhiên ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người:
Đức Đệ Nhất Kim tinh thần nữ / Giáng cõi trần gìn giữ báu châu / Bạc vàng chì kẽm
đồng thau / Tiên bà chỉ vẽ đuôi đầu cho dân / Đức Đệ Nhị Mộc tinh thần nữ / Giáng cõi
trần gìn giữ xanh hoa / Bốn mùa qua lại, lại qua / Trăm hoa đua nở trái hoa dân dùng /
...Đức Đệ Tam Thủy tinh thần nữ / Giáng cõi trần gìn giữ non sông / ...Vẽ cho dân biết
nước đục trong mà dùng / Đức Đệ Tứ hỏa phong thần nữ / ...Vẽ dân đưa lửa về nhà /
...Đức Đệ Ngũ Thổ Đức tiên nương /... Làm nồi làm trách cho dân về dùng /... Giúp dân
hồng lạc an lành dưới trên (Sự tích năm bà).
2.2. Quan niệm về trời, số mệnh, con người
Các tín đồ của tín ngưỡng Mẫu còn cho rằng số phận mỗi con người giàu sang, phú quý
hay nghèo hèn, khổ đau đã được định sẵn bởi "mệnh Trời", "mọi sự tại Trời", trời cho
thế nào thì con người nhận thế đó. Trời có quyền năng và sức mạnh to lớn trong việc
đưa lại cuộc sống bình yên cho con người. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào điện Mẫu, vai
trò của Ngọc hoàng hay ông Trời lại mờ nhạt hơn so với các Thánh Mẫu. Điều này
chứng tỏ màu sắc Đạo giáo đã bị tín ngưỡng Mẫu Việt hoá rất nhiều. Mặt khác, để cho
gần gũi và thân thiện hơn với con người, Ngọc Hoàng đã được chuyển hoá thành Cha
tương ứng với Mẹ trong điện Mẫu. Có nhiều nơi Đức vua cha (Ngọc Hoàng) được hoá
thân thành Tam vị đế thích ứng với Tam toà Thánh Mẫu như vua cha Bát Hải (Thuỷ phủ
- Nước), vua cha Ngọc Hoàng (Thiên phủ - Trời), vua cha Diêm vương (Địa phủ - Đất).
Điều đặc biệt là mặc dù Ngọc Hoàng được thờ trong điện Mẫu nhưng không bao giờ
giáng đồng như các vị Thánh khác trong điện. Mặc dù không giáng đồng để ban truyền
phán bảo nhưng giữa Ngọc Hoàng - ông Trời và con người vẫn có sự giao cảm linh ứng.
Ông Trời ở trên cao nhưng vẫn gần gũi, cứu giúp con người lúc nguy nan. Điều này
chứng tỏ người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng tín ngưỡng tin vào "mệnh
Trời" của Nho giáo. Lời nguyện cầu của con người có thể thấu đến trời, mỗi việc làm
của con người đều được trời chứng giám: Chí thành hữu cảm tất thông/ Sở cầu tất ứng
giáng lâm hộ trì (Đệ nhất hoàng tử văn). Mọi việc làm xấu tốt của con người đều được
chép ghi ở sách của Thiên Tào, Bắc Đầu để được ban ơn hay trừng phạt: Ông quan Đệ
Tứ trong Ngũ vị hoàng tử văn có nhiệm vụ ghi nhận lòng tốt và sự xấu xa của con người
nhân gian để quyết định thưởng phạt qua Thiên Tào, Bắc Đẩu: Mới gọi qua Nam Tào
Bắc Đẩu / Sổ nhân gian lão ấu chép biên / Người nào hiếu thuận thảo hiền / Tu nhân
tích đức sổ biên thọ trường / Bao nhiêu kẻ ngang tàng bạo ngược / Chỉ hại người không
trước thì sau / Lỗi lầm ông tha chi đâu.
Trong nhận thức dân gian cũng như trong quan niệm của người Việt, thể xác và linh hồn
vừa gắn bó, vừa tách biệt, chúng gắn bó khi sống và phân tách khi chết. Thể xác đã hoà
vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại - chuyển sang sống một thế giới khác. Người
Việt gọi thế giới ấy là cõi âm hay âm phủ. Con người tuy đã chết những vẫn có nhu cầu
44 TRẦN THỊ THANH NHỊ
như cuộc sống dương gian, vẫn cần ăn uống, nhà ở, sinh hoạt và phương tiện tiêu dùng
và giữa người sống và người đã chết có mối liên hệ mật thiết. Vì thế người Việt cho
rằng việc cúng tế tổ tiên là cần thiết, thông qua linh hồn tổ tiên sẽ phù hộ cho người
đang sống: Có không ở tại lòng ta / Không mà vẫn có ấy là phép thân / ... Có thì có tự
mảy may / Không thì cả thế gian này cũng không / Dẫu bạc chảy tiền dòng cũng hết /
Thác đi rồi còn biết chi đâu / Muốn nơi ta phải bắc cầu / Muốn ăn quả ngọt bảo nhau
vun trồng / Nay hóa nhật kỹ công ơn đức / Chữ thịnh tình lễ bạc kính dâng / Giãi bày
mấy khúc ca văn / Nguyện xin tiên tổ lai lâm hộ trình (Văn chầu tổ).
2.3. Những vấn đề liên quan đến nghi lễ hầu đồng
Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông Đồng bà Cốt.
Trong nghi lễ đó, hát vǎn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh: “Lên đồng là
một dạng cổ thuật/ nghi lễ được thực hành bởi những chủ thể cá nhân có tố chất ngây
thơ, trong sáng, thuần khiết, thanh sạch. Thoạt kì thủy, lên đồng chỉ được thực hiện bởi
những người còn nhỏ tuổi, về sau đối tượng này được mở rộng ra cả ở những người
trưởng thành nhưng phải có căn đồng” [2, tr. 54].
Các thanh đồng: Từ quan niệm cho rằng linh hồn những người đã mất cùng với thần
linh ma quỷ luôn hiện hữu ở đâu đó rất gần với con người, vẫn theo dõi, lắng nghe và có
khả năng tác động tới cuộc sống của người đang sống ở thế giới hiện thực nếu được cầu
viện tới. Bởi vậy đã xuất hiện nhiều phương thức liên lạc giữa người sống và người chết
(chẳng hạn như Hầu đồng của tín ngưỡng Mẫu) nhằm giải quyết nhu cầu đa dạng của
con người khi họ cảm thấy bản thân và cộng đồng ở thế giới thực tại không đủ sức giải
quyết. Họ cầu mong linh hồn người chết phù hộ cho mình sức khoẻ, bình an, gặp nhiều
may mắn. Đôi khi lời cầu của những người bình thường không thể thấu đến được thần
linh để giải quyết những việc khó khăn thì họ phải nhờ đến một lực lượng trung gian là
các thanh đồng. Thanh đồng – người đảm nhiệm nhiệm vụ giao tiếp với thế giới thần
linh: Đối với các tín đồ của tín ngưỡng Mẫu thì mỗi người sinh ra đã thuộc sự cai quản
của chư vị thần thánh và quân gia thị thần của thánh Mẫu, do đó họ có trách nhiệm thờ
phụng, cúng tế vị Thánh ấy. Từ nhận thức đó, người Việt đã đến với tín ngưỡng Mẫu,
đến với nghi lễ lên đồng hầu Thánh một mặt thể hiện niềm tin vào tín ngưỡng đó, mặt
khác là sự gửi gắm ý nguyện của con người đến các vị Thánh. Trong trí tưởng tượng
của người Việt, trước hết là các ông Đồng, bà Đồng thì Hầu đồng là hình thức họ có thể
giao tiếp với thần linh, không phải chỉ trong sự cầu khẩn và sự thành tâm của họ mà còn
bằng cuộc hành trình đưa các vị Thánh từ thế giới vô hình đến thế giới trần gian thông
qua chính bản thân họ dùng thể xác cho các Thánh ngự: Bây giờ đệ tử kêu cầu / Xin bà
nghĩ lại trước sau thương đồng / Bà lại hóa phép thần thông / Tiếp lộc cho đồng cứu trợ
bệnh nhân (Chầu đệ tam thoải phủ); Ngự lên đồng cứu tử độ sinh / ...Giá ngự lên cứu
dân độ thế / Nương uy trời sửa trí quân sinh / ...Ra tay cải tử hoàn sinh / Tà ma cũng
phục yêu tinh tiềm tàng / Giáng bản đàn trừ tà trị bệnh/ Phép anh linh hiển thánh cứu
dân (Đệ Bát hoàng tử văn).
Quan niệm về nguyên nhân mắc bệnh và cách chữa bệnh: mắc bệnh có thể do nhiều
nguyên nhân gây nên: có thể là do kiếp trước gây lỗi lầm nên kiếp này phải gánh trả:
TÌ M HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO MẪU THÔNG QUA LỜI HÁT CHẦU VĂN 45
Tiền nhân vị liễu oan khiên / Tham sân tam nghiệp, liên miên tháng ngày / ...Minh Đồ
Họa lạc tháng ngày nhuộm nhơ / ...Mê mê sảng sảng trói vò chân tay / Chiêm bao mộng
hiện đêm ngày / Báo cho mà biết cô rày không dung (Cô Ba Tây Hồ); cũng có thể là do
các Thánh chấm đồng, có ý thu nhận làm con nhang đệ tử mượn thân xác để hành đạo
nhưng người đó chưa biết để ra trình đồng nên bị ốm: Bà bắt đồng ai gỡ cho ra / ...Bịnh
bà làm ai thấy cũng kinh / Bịnh làm thập tử nhất sinh / Cầu bà bà cứu bệnh lành như
xưa / ...Kẻ thiếu niên thanh tân lịch sự / Sai các nàng làm cớ trêu ngươi / Đem về hầu
hạ dong chơi / Vàng xanh trắng đỏ làm tôi chầu Bà / ...Bịnh làm khi ốm khi lành / Khi
phát bệnh quỷ khi sinh bệnh tà / Lâm bệnh bà khi mê khi tỉnh / Lúc nóng mình khi lạnh
chân tay / Bệnh làm đêm nặng hơn ngày / Cơm ăn chẳng được nước rày cầm hơi /
...Biết tay bà kêu van thời sống / Không biết bà tìm đống ma trơi (Văn chầu Lê Mại Đại
vương); Bệnh làm trăm chứng hiểm nghèo / ...Xem ra có số phải thờ / ...Ai lịch sự giá
ngự đồng chơi (Chầu Đệ Nhất); hoặc có điều gì sơ suất làm các Thánh, Cô nổi giận:
Cũng có kẻ lỡ chân nhiệm nhặt / các cô hầu theo bắt chẳng tha / Có phen nhiễu hại
nhân gia / Xuất thần nhập thánh ai mà chẳng kinh / Chúa nghe nói lôi đình nổi giận /
Từ rày không được nhiễu hại nhân gian (Văn chầu bà Lí Chiêu Hoàng).
Cách chữa bệnh: chủ yếu là bằng bùa phép và tàn hương nước thải. Trong ý nghĩa biểu
tượng văn hóa thế giới: “Bùa được xem như vật có hiển hiện hoặc tàng ẩn một sức
mạnh thần diệu: nó thực hiện cái mà nó biểu trưng, một mối quan hệ đặc biệt giữa
người mang nó với sức mạnh mà nó biểu thị. Nó cố định và tập trung mọi sức mạnh...
hoạt động ở mọi phương diện vũ trụ... nó đặt con người vào trung tâm các sức mạnh ấy,
làm tăng sinh lực của nó, làm cho nớ trở nên ảnh hưởng hữu thực hơn... Tùy theo hình
thức và hình ảnh mà chúng thể hiện, người ta cho rằng bùa có năng lực truyền cho
chúng ta sức khỏe, trí khôn, sự tươi vui trong cuộc sống” [1, tr. 109]. Để xin trừ tà chữa
bệnh các tín đồ xin bùa thiêng: Kẻ xin phép nhiệm, người cầu bùa thiêng / Nén hương
bát nước khấn nguyền / Lễ kêu cô Chín dâng lên Thánh Tòa/ Tàn hương nước thải ban
ra / Uống vào đỡ bệnh cả nhà bình yên (Cô Chín văn). Bên cạnh bùa thì nước: Cô về
trắc giáng điện tòa / Đem nước chín giếng ban cho mọi người / Lòng trần đã rửa sạch
rồi / Tu nhân tích đức muôn đời hiển vinh (Cô Chín Giếng) hoặc tàn nhang nước thải
của thánh cũng được xem là thuốc trị bách bệnh: Thuốc bà ba vị thần tiên / Giấy trắng,
nước thải, tàn hương lại lành (Chầu Quế Văn).
Đặc biệt trong dòng Thánh liên quan đến Trần triều thì có cách chữa bệnh lạ hơn là xin
dấu thánh và đổi gươm thánh. Gươm có ý nghĩa trong việc biểu hiện sức mạnh và trừ tà
ma: “là công cụ chân lí hành động... là biểu tượng sức mạnh sáng suốt của tinh thần,
dám cắt đứt vấn đề ở điểm xung yếu của nó: sự mù quáng kiêu căng và những sự đề cao
giá trị sai lạc, mâu thuẫn và đối nghịch. Thanh gươm là biểu tượng của quyền lực có
thể cho được sống hoặc bắt phải chết... biểu trưng cho sức mạnh thái dương” [1, tr.
369] vì thế các con nhang đệ tử: Người xin dấu cửa đền sân miếu/ Kẻ ra vào lĩnh chiếu
đổi gươm/ Đem về tu thiết tĩnh đường/ Đêm ngày vọng bái đèn hương khẩn cầu/ Đặng
sống lâu bách niên trường thọ/ Lợi lộc tài đôi chữ kiêm thu (Văn thờ nhị vị công chúa).
46 TRẦN THỊ THANH NHỊ
Người muốn khỏi bệnh ngoài các phương pháp trên còn phải biết thành tâm sám lỗi,
biết lễ bái cầu nguyện và trả lễ để các đấng Thánh thần chứng giám: Thỉnh tu lễ sám tội
căn / Thỉnh giáng hội đồng cô Thoải ngự chơi / Thành tâm tiến bản văn mồi / Tây Hồ cô
Thoải ngự vui tức thì (Cô Ba Tây Hồ); Biết ra lễ bái thỉnh mời / Chầu bà trắc giáng về
nơi bản đền /...Lễ bà nón thắm hài xanh (Chầu Quế Văn). Lễ vật dâng cho các Bà, các
Cô là chiếc nón trắng, đôi hài xanh: Hài cườm nón trắng tiến dâng / Lâm râm khấn
nguyện cô chứng tâm lòng thành (Cô Ba Bông).
2.4. Những ước nguyện hướng đến mang tính hiện sinh
Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng, đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của
con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần
phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực,
phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này niềm
tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện, mang tính phương tiện, còn mục đích
sống của con người mới là quan trọng. Trong phần kết thúc của nhiều bài chầu văn bao
giờ cũng là lời cầu xin. Niềm mong cầu lớn nhất là thiên xuân thọ trường, ước muốn
được sống lâu là điều mà mọi người đều hướng đến trước nhất. Suy cho cùng, hơn tất cả
mọi thứ, được sống trên đời là điều hạnh phúc lớn lao nhất khôn gì sánh bằng: Độ cho
đồng hưởng lộc thiên xuân / Chữ rằng Phật giáng lưu ân / Thâng giáng lưu phúc thiên
xuân thọ trường (Văn công đồng); Vận bốn mùa âm dương tuyết thảo / Lòng chí thành
cầu đảo bình an / Mẫu về giáng hạ điện trung / Phù hộ đệ tử thiên xuân thọ trường
(Tam tòa thánh mẫu văn). Đi cùng sống lâu là an vui sức khỏe, an vui: Chiêu tài tiếp
lộc muôn vàn / Ngự đồng cứu độ thế gian lạ thường /... Ban cho lộc về, cho đệ tử nay /
Lộc này lộc thánh tốt thay /... Giàu sang số hệ bởi trời / Cầu được mạnh khỏe yên vui
trong nhà (Văn công đồng); Chúng đệ tử đèn hương phụng sự / Dốc một lòng không
dám đơn sai / Ơn bà phát lộc, tiếp tài / Trẻ già mạnh khỏe, gái trai sum vầy (Văn Mẫu
phủ Dày); Lạy chầu xin giáng phúc cho / Từ rày đệ tử gồm no khang trù / Tứ thời bát
tiết vô ngu / Chư tai nạn ách tống đưa hải ngoài / Chữ rằng thiện giả thiện lai / Đệ tử
cầu tài tài đáo tại gia / Thờ Phật thờ Thánh trên tòa / Ban cho bốn chữ vinh hoa thọ
trường (Cửu trùng thánh Mẫu văn). Và điều không thể không mong cầu trong cuộc
sống là có cuộc sống vật chất đầy đủ, sang giàu: Một nguyện giáng phúc trừ tai / Đồng
gia nam nữ ai ai thịnh cường / Hai nguyện buôn bán trăm đường / Tiền tài lưu loát bạc
vàng đề đa / Nguyện thứ ba ông hầu cập đệ / Hộ tiểu tôi phú quý sang giàu / Bốn
nguyện quốc phú dân an / Can qua ninh tỉnh dân an thái bình (Đệ Ngũ vương quan
văn). Nhiều người còn hướng đến các Mẫu để cầu nhân duyên: Hai cô đều giáng phúc
lưu ân / Cát đằng duyên hợp Tấn Tần (Văn thờ nhị vị công chúa) và cầu con cái: Cầu
bà bà cho có con / Có nam có nữ vuông tròn nhiều thay. Sinh thời vua Đồng Khánh khi
còn tiềm long đã cầu xin Mẫu được làm vua và được Mẫu cho như ước nguyện.
3. KẾT LUẬN
Lời hát chầu văn với dung lượng khá lớn, tiềm ẩn giá trị văn chương nhưng lâu nay
chưa được giới nghiên cứu dành cho sự quan tâm đích đáng. Nghiên cứu lời hát chầu
văn không chỉ giúp người đọc khám phá ra thế giới nghệ thuật huyền ảo kì thú mà qua
TÌ M HIỂU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO MẪU THÔNG QUA LỜI HÁT CHẦU VĂN 47
đó có thể hiểu sâu hơn về Đạo Mẫu như cách quan niệm về thế giới chia làm nhiều
miền, phủ; cách quan niệm về trời, số mệnh, sống chết; sự giao tiếp với thần linh thông
qua hình thức lên đồng, quan niệm về nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh; những
ước nguyện mang tính hiện sinh...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Jean Chevaliev, Alain Gheerborant (2002). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới,
NXB Đà Nẵng.
[2] Nguyễn Ngọc Mai (2003). Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, NXB Văn hóa thông
tin, Hà Nội.
[3] Ngô Đức Thịnh (2010). Đạo Mẫu Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
Title: LEARNING SOME CHARACTERISTICS OF MOTHER GODDESS IN THE “CHAU
VAN” LYRICS
Abstract: Mother Goddess is a product of the unique culture of Vietnam. Mother Goddess
refers to the worship of mother goddesses in Vietnam, draws together fairly disparate beliefs
and practices: these include the worship of goddesses as well as the cult of the Four Palaces,
associated with “len dong” ritual. Through “chau van” lyrics the reader can understand
characteristics of Mother Goddess as the concept, the perception of the world, heaven, human
destiny and the issues relating to “len dong” ritual.
Keywords: Vietnam cult form, Mother goddess, To mount the medium, Chau van
ThS. TRẦN THỊ THANH NHỊ
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
ĐT: 0978 821 814, Email: Thanhnhidh@gmail.com
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 23_370_tranthithanhnhi_08_tran_thi_thanh_nhi_van_6937_2020432.pdf