Tìm hiểu ba vụ án cụ thể về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng trước thời kỳ hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân

Xã hội thay đổi và nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh đó những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội. Một trong số những mặt trái ấy là con người sống với nhau quá sòng phẳng mọi thứ đều quyết định bằng tiền, tình cảm giữa con người với con người ngày càng phai nhạt. Ngày xưa cha ông ta sống với nhau vì tình vì nghĩa, còn ngày nay đồng tiền đã dần dần lấp chỗ cho những tình cảm vốn rất chân thành trong mỗi con người. Vì tiền con người ta sẵn sàng làm tất cả, vì thế mà trong cuộc sống hiện đại này đã xảy ra rất nhiều vụ án về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng. Sau đây, bài tập nhóm chúng em xin đi vào tìm hiểu ba vụ án cụ thể về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng trước thời kỳ hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân để hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

doc16 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 2682 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu ba vụ án cụ thể về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng trước thời kỳ hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. LỜI MỞ ĐẦU Xã hội thay đổi và nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh đó những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội. Một trong số những mặt trái ấy là con người sống với nhau quá sòng phẳng mọi thứ đều quyết định bằng tiền, tình cảm giữa con người với con người ngày càng phai nhạt. Ngày xưa cha ông ta sống với nhau vì tình vì nghĩa, còn ngày nay đồng tiền đã dần dần lấp chỗ cho những tình cảm vốn rất chân thành trong mỗi con người. Vì tiền con người ta sẵn sàng làm tất cả, vì thế mà trong cuộc sống hiện đại này đã xảy ra rất nhiều vụ án về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng. Sau đây, bài tập nhóm chúng em xin đi vào tìm hiểu ba vụ án cụ thể về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng trước thời kỳ hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân để hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. B. NỘI DUNG I. Cơ sở lý luận Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày nay, vợ, chồng với tư cách là công dân, những tài sản do vợ, chồng có được từ trước khi kết hôn hoặc được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân, xét về mặt bản chất kinh tế và pháp lý thì những tài sản đó thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. mặt khác, việc thực hiện và áp dụng luật hôn nhân và gia đình năm 1986 ghi nhận quyền sở hữu riêng của vợ, chồng ở nước ta sau hơn 10 năm đã tạo được trong nhân dân sự nhận thức và ý thức tôn trọng tài sản riêng của vợ, chồng. Vì vậy, khoản 1 Điều 332 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã ghi nhận với tính chất chắc chắn, khẳng định: vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể với căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và ngiã vụ của vợ, chồng khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản riêng của mình…(Điều 32,33). Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ, chồng. Khoản 1 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “ Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân; tài sản được chia cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và điều 30 của Luật này, đồ dùng tư trang cá nhân”. So với Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định cụ thể, có nội dung “mới” về căn cứ xác lập dựa vào thời điểm tài sản đó phát sinh trước khi kết hôn; dựa vào sự định đoạt của chủ sở hữu tài sản đã chuyển dịch tài sản của mình cho mỗi bên vợ, chồng trên sự kiện chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có từ trước khi tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm đồ dung tư trang cá nhân. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm những tài sản mà vợ, chồng được chia tài sản chung cảu vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản riêng của vợ, chồng còn (có thể) bao gồm những tài sản mà vợ, chồng thoả thuận là tài sản riêng của một bên. 2. Quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng. Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng. Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, và định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”. Với tư cách là chủ sở hữu tài sản của mình, vợ chồng có toàn quyền sở hữu đối với tài sản riêng, không phụ thuộc bởi ý chí của bên người chồng, vợ kia. Đối với tài sản riêng của vợ, chồng, mỗi bên sẽ tự quản lí tài sản riêng của mình. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không uỷ quyền cho người khác quản lý thì bên người chồng, vợ kia có quyền quản lý tài sản riêng đó (khoản 2 Điều 33). Nghĩa vụ được thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng. Vợ, chồng với tư cách là chủ sở hữu tài sản riêng của mình, có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng đó một cách độc lập, không bị chi phối bởi ý chí của người chồng, vợ kia ( trừ trường hợp được quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Đồng thời, theo luật định, vợ, chồng cũng phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi của vợ, chồng liên quan tới tài sản riêng của mỗi bên. Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, “tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu cuả gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng”. Thứ hai, theo khoản 3 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “nghĩa vụ riêng về tài sản cuả mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của mỗi người đó”. Như vậy theo quy định của pháp luật, vợ, chồng phải bằng tài sản riêng của mình để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ sau đây: -Nghĩa vụ trả các khoản nợ mà vợ, chồng đã vay của người khác từ trước khi kết hôn mà không vì nhu cầu đời sống chung của gia đình. - Nghĩa vụ trả nợ mà vợ, chồng đã vay của người khác trong thời kỳ hôn nhân sử dụng vào mục đích riêng, không đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và lợi ích chung của gia đình - Nghĩa vụ trả các khoản nợ phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nợ phát sinh khi vợ, chồng đã tiến hành khai thác các hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân mà vợ, chồng không có thoả thuận những hoa lợi, lợi tức đó vẫn thuộc tài sản riêng của mỗi người. - Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi vợ, chồng là người quản lý di sản thừa kế mà đã có hành vi thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán , phá tán hoặc làm hư hỏng, mất mát di sản. - Các khoản nợ phát sinh khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản gắn liền với thân nhân vợ, chồng như các khoản chi phí cho con riêng của mình; hoặc chi phi cho người mà vợ, chồng là người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật dân sự và luật hôn nhân và gia đình. - Nghĩa vụ cấp dưỡng mà vợ, chồng phải thực hiện liên đới với các thành viên trong gia đình theo quy định taị Chương V và chương VII của luật hôn nhân và gia đình năm 2000. - Nghĩa vụ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng mà vợ, chồng là người được giao quản lý nhưng đã làm tiêu tán hoặc sử dụng không đúng mục đích. - Nghĩa vụ trả cá khoản nợ phát sinh dựa trên cơ sở vợ, chồng đã có hành vi tự mình tiến hành các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình. - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh từ hành vi trái pháp luật của vợ, chồng. Để hiểu rõ hơn những vấn đề lý luận trên chúng ta cùng tìm hiểu qua ba vụ việc cụ thể sau: II. CÁC TÌNH HUỐNG Tình huống thứ nhất Địa điểm: Phường Mĩ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chủ thể: - Nguyên đơn: chị Trương Thị Bạch Tuyết, sinh năm 1965. - Bị đơn: anh Ngô Thanh Long, sinh năm 1962. Cả hai cùng trú tại số nhà 16 Phan Đình Phùng, phường Mĩ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nội dung tình huống: Năm 1984, chị Tuyết và anh Long kết hôn. Đến năm 1999, anh chị mâu thuẫn trầm trọng không thể hòa giải. Ngày 20/7/1999, chị Tuyết xin ly hôn, lúc đó anh chị đã có 3 đứa con. Khi tiến hành phân chia tài sản lúc ly hôn, anh chị đã thỏa thuận thống nhất được tài sản chung bao gồm: 1 xe Honda 50, 1 xe Wave, 1 xe Dream, 1 xe cúp 70, 1 tivi 21 inch, 1 tivi 17 inch, 2 thùng loa, 1 amply, 1 đầu máy video V8, 1 dàn karaoke, 1 đầu máy video Hifi, 1 tủ bàn thờ, 1 bộ salon gỗ cẩm lai, 1 giường hộp gỗ, 1 tủ kính, 1 tủ đựng quần áo 5 ngăn, 1 tủ kính để ly. Tuy nhiên, căn nhà số 16 Phan Đình Phùng, phường Mĩ Long, thành phố Long Xuyên mà hai vợ chồng đang ở thì chưa thống nhất được trong việc phân chia. Theo anh Long: tài sản chung vợ chồng còn có căn nhà 16 Phan Đình Phùng, có nguồn gốc của cha mẹ vợ khi xuất cảnh, vừa bán, vừa cho chung vợ chồng (có nhận 205 triệu của vợ chồng anh). Theo chị Tuyết: căn nhà số 16 Phan Đình Phùng của cha mẹ chị cho riêng chị năm 1991, giấy tờ sở hữu nhà đứng tên chị, không có tên anh Long nên không phải là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, anh chị yêu cầu tòa can thiệp giải quyết. Quyết định của Tòa án: Tại bản án sơ thẩm số 08/HNST ngày 13/11/2001, TAND tỉnh An Giang đã quyết định: Căn cứ vào Điều 40, 42, 45 Luật Hôn nhân gia đình năm 1986, khoản 1 điều 69 pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự tuyên xử về tài sản: - Chị Trương Thị Bạch Tuyết được li hôn với anh Ngô Thanh Long. - Con phải giải quyết theo thủ tục chung. - Về tài sản tranh chấp: Chị Tuyết được sở hữu căn nhà số 16, Phan Đình Phùng, phường Mỹ Long trị giá 333.064.790 đồng. Anh Long được sở hữu 2 xe máy (1 xe dream và 1 xe wave nhật) trị giá 30.000.000 đồng, ngoài ra 2 người được nhận một số tài sản khác trong số những tài sản chung đã thỏa thuận. Sau khi nhận được đơn kháng nghị của anh Ngô Thanh Long. Viện trưởng VKSNDTC xem xét, đề nghị Hôi đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Hủy phần quyết định phân chia tài sản của bản án phúc thẩm số 10/PTHNGD ngày 26/03/2002 của Tòa án phúc thẩm TNNDTC tại Tp. Hồ Chí Minh; giao hồ sơ cho TAND tỉnh An Giang xét xử lại theo trình tự sơ thẩm: Thấy rằng căn nhà số 16, Phan Đình Phùng có nguồn gốc của cha mẹ chị Tuyết cho riêng chị Tuyết. Trong thời gian vợ chồng chung sống, 2 vợ chồng đã sửa chữa lại căn nhà như vậy có căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng chỉ gồm giá trị phần sửa chữa căn nhà. Ý kiến của nhóm: Trước hết, cần nhận thấy căn nhà số 16 Phan Đình Phùng, theo chị Tuyết, là do cha mẹ chị cho riêng chị vào năm 1991, giấy tờ sở hữu nhà đứng tên chị, không có tên anh Long nên không phải là tài sản chung của vợ chồng. Điều này là không có căn cứ pháp lý, vì theo khoản 3 điều 5 nghị định số 70/2001/NĐ - CP ngày 30/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Hôn nhân và gia đình có nêu rõ: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng kí quyền sở hữu trước ngày nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng kí quyền sở hữu tài sản thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu của riêng mình thì có nghĩa vụ chứng minh.” Như vậy, ở đây, chị Tuyết muốn khẳng định căn nhà thuộc sở hữu của riêng mình thì phải có nghĩa vụ chứng minh đó là tài sản do bố mẹ chị tặng cho riêng chị, chẳng hạn có giấy tờ xác nhận rằng căn nhà đó là do bố mẹ cho riêng mỗi mình chị… Chỉ dựa vào việc giấy tờ sở hữu nhà đứng tên chị mà không có tên chồng để khẳng định đó là tài sản riêng là không đúng. Mặt khác, do khi nhận căn nhà, vợ chồng anh Long chị Tuyết có trả cho bố mẹ chị Tuyết 205 triệu đồng là tiền của cả hai vợ chồng anh (có thể giá trị căn nhà là lớn hơn nhưng ở đây mang tính chất vừa bán vừa cho), nghĩa là căn nhà đã được “mua” bằng tài sản chung của hai vợ chồng. Song, khi tranh chấp, anh Long không có nghĩa vụ chứng mình căn nhà là tài sản chung. Nếu chị Tuyết không chứng minh được đó là tài sản riêng thì đương nhiên căn nhà đó là tài sản chung của hai vợ chồng. Như vậy, hướng giải quyết của Hội đồng TAND tối cao khi xét xử giám đốc thẩm cho rằng căn nhà là tài sản riêng của chị Tuyết và phần tài sản chung của vợ chồng chỉ gồm giá trị phần sửa chữa căn nhà chỉ dựa vào việc giấy tờ nhà đứng tên một mình chị Tuyết là chưa đúng pháp luật. 2. Tình huống thứ hai: Chủ thể: Nguyên đơn: Bà Võ Thị Hoàng Anh, sinh năm 1968, số 299 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, tạm trú tại 30/14 Calmete, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Bị đơn: ông Trần Văn Mười, sinh năm 1959. Địa chỉ 1830 Deer Fielcir, Corona, CA 91720 – USA, tạm trú tại 299 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Nội dung: Ông Mười là người Mỹ gốc Việt đăng kí kết hôn với bà Hoàng Anh ngày 27/8/1996 tại UBND Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó tháng 10 năm 2001, 2 vợ chồng mâu thuẫn và xin ly hôn. Lúc này hai người đang có 2 người con chung. - Vợ chồng ông Mười bà Anh thống nhất xác định số tài sản chung là: + 2 xe ô tô, 2 xe máy. + Số hàng còn tồn của công ty Phúc Anh do hai vợ chồng tạo lập là 224 xe gắn máy. + Vợ chổng còn nợ tổng cộng là 151.940 USD của ngân hàng Á Châu, ông Tư và bà Tuyết. Tài sản còn tranh chấp: Theo bà Anh: + Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng là tài sản chung của vợ chồng tạo lập, yêu cầu chia đôi. Theo ông Mười: + Căn nhà số 299 Lý Tự Trọng, quận 1 là tài sản riêng của ông mua trước hôn nhân rất lâu. Khi đó ông là người Việt Kiều nên đã nhờ bà Anh đứng tên làm thủ tục mua căn nhà trên vào năm 1993. Khi đó, bà Anh có viết một hợp đồng vay nợ 110.000.000 đồng đúng bằng số tiền kê khai trong giấy nộp thuế trươc bạ và thế chấp chính căn nhà số 299 Lý Tự Trọng với ông Mười. Ông Mười yêu cầu xác định căn nhà này là tài sản riêng của ông. + Bà Anh còn quản lý 108.000 USD là số vốn còn dư được thể hiện ở sổ sách, ông yêu cầu chia đôi. + Số vốn lưu động do ký quỹ khi thành lập công ty là 1 tỷ đồng, yêu cầu bà Anh hoàn lại cho ông. Vụ việc được đưa ra giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm 440/HNST ngày 02/04/2002, Tòa Án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: 1. Về quan hệ vợ chồng: Bà Võ Thị Hoàng Anh được ly hôn với ông Trần Văn Mười. 2. Về con chung: - Bà Hoàng Anh được tiếp tục trực tiếp nuôi 2 con chung: Trần Anh Phương, sinh ngày 29-11-1995 Trần Phương Phương, sinh ngày 18-10-1999 Vấn đề cấp dưỡng nuôi con, bà Anh không yêu cầu, nên không xét. - Ông Mười có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung. - Vì lợi ích mọi mặt của con, khi cần thiết có thể thay đổi việc cấp dưỡng nuôi con hoặc trực tiếp nuôi con. 3. Về tài sản: a, Công nhận sự thỏa thuận của bà Hoàng Anh và ông Mười được ghi tại BL số 141 – 142 ngày 17-12-2001 đối với các tài sản sau: - 4 chiếc xe: + Ông Mười nhận chiếc xe hơi hiệu Honda Accord và chiếc xe máy Dream II. + Bà Hoàng Anh nhận chiếc xe tải hiệu KIA và chiếc xe máy Spacy - Đối với số hàng tồn + nợ phải thu và nợ phải trả: + Ông Mười nhận toàn bộ số hàng tồn là 224 xe gắn máy các loại trị giá 919.378.000 đồng + 10.812 USD. Đồng thời, ông có trách nhiệm trả nợ tổng cộng la 151.940 USD. - Ông Mười có trách nhiệm hoàn lại cho bà Anh 4.500 USD tiền chênh lệch tài sản. b, Đối với các tài sản không thống nhất: - Căn nhà số 299, Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, tp. Hồ Chí Minh: bà Hoàng Anh được nhận căn nhà này và có trách nhiệm hoàn lại cho ông Mười 1/2 giá trị nhà theo giá của thời điểm thi hành án. - Bác yêu cầu của ông Mười về việc đòi bà Hoàng Anh số tiền 54.000 USD. Ngày 15-4-2002 ông Mười kháng cáo với nội dung: xin đoàn tụ, xin nuôi con và xin xem lại toàn bộ phần tài sản. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 34/ HNPT ngày 18-9-2002 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Bác kháng cáo của ông Trần Văn Mười, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 440/ HNST ngày 2-4-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Nhận xét của nhóm: Theo nhóm chúng tôi, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra những quyết định không thỏa đáng khi chia tài sản. Thứ nhất, về căn nhà số 299 Lý Tự Trọng: mặc dù căn nhà này do bà Hoàng Anh đứng tên làm thủ tục nhưng tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bà đều không chứng minh được nguồn gốc số tiền để mua căn nhà đó. Về phía ông Mười, mặc dù toàn bộ số tiền mua căn nhà là của ông. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì không có cơ sở để kết luận đây là tài sản riêng của ông trước khi kết hôn. Do vậy, căn cứ vào quy định của Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về việc xác định tài sản của riêng vợ, chồng thì căn nhà số 299 Lý Tự Trọng không phải là tài sản riêng của bà Hoàng Anh cũng như của ông Mười. Ngoài ra, việc chứng minh tài sản riêng còn có thể dựa vào sự thừa nhận của bên kia hoặc bằng các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu của vợ chồng ( ở đây là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà). Nếu vợ chồng không chứng minh được đó là tài sản riêng của mình thì xác định là tài sản chung vợ chồng để chia ( khoản 3 Điều 27) Với các căn cứ trên, có cơ sở để kết luận căn nhà số 299 đường Lý Tự Trọng là sở hữu chung của ông Mười và bà Anh, ông Mười có công sức đóng góp nhiều hơn. Theo điểm a khoản 2 Điều 95 quy định: “ Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.” Để đảm bảo tính công bằng, sự phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động; không phải trường hợp nào khi quyết định, Tòa án đều “ chia đôi” tài sản chung của vợ chồng cho mỗi bên, mà vẫn cân nhắc và xem xét đến “ công sức” đóng góp, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên,… cho thấu tình đạt lý. Tòa án chỉ quyết định “ chia đôi” tài sản chung vợ chồng cho mỗi bên khi xét thấy công sức tạo lập, phát triển tài sản chung của vợ, chồng ngang nhau; ngược lại Tòa án vẫn có thể quyết định chia phần “nhiều hơn” hoặc “ít hơn” cho mỗi bên vợ chồng khi ly hôn. Nhưng trong trường hợp này, khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tòa án chia căn nhà 299 Lý Tự Trọng theo tỉ lệ bằng nhau, mỗi bên vợ,chồng được hưởng 1/2 giá trị căn nhà mà không xem xét đánh giá đúng về nguồn gốc sở hữu, công sức đóng góp của mỗi bên là không thỏa đáng, không đảm bảo quyền lợi về sở hữu cho đương sự. Theo nhóm chúng tôi, mặc dù không có đóng góp trong việc mua căn nhà nhưng trong quá trình sự dụng căn nhà trong cuộc sống hôn nhân bà Hoàng Anh cũng đã có công sức duy trì, quản lý và bảo dưỡng căn nhà và để đảm bảo cho quyền lợi của hai con sau này nên bà sẽ được hưởng 1/3 giá trị căn nhà. Còn lại 2/3 giá trị căn nhà đó sẽ thuộc về ông Mười vì công sức đóng góp của ông Mười rõ ràng là nhiều hơn bà Anh rất nhiều. Thứ hai, về số tiền tồn quỹ 108.539 USD: Ông Mười đã khai và xuất trình chứng cứ là sổ ghi chép của bà Hoàng Anh thì từ khi bắt đầu kinh doanh ( tháng 6-1994) vốn ban đầu là 58.000 USD, đến tháng 12-1998 sau khi đã trừ các khoản chi phí, số vốn là 184.182 USD. Đến tháng 12-2000 số vốn còn 121.035 USD. Tiếp theo đến tháng 4-2001 số vốn còn 108.539 USD. Sổ ghi chép này do bà Hoàng Anh quản lý và ghi chép liên tục. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh, giải trình về số tiền vốn tồn quỹ này hiện đang ở đâu, có còn hay không, phải thuộc về phía bà Hoàng Anh. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm lại cho rằng nghĩa vụ chứng minh là của ông Mười nên đã bác yêu cầu của ông Mười là không đúng. 3. Tình huống ba: Địa điểm: phòng 106, N35 số 39 Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội. Chủ thể: - Chị Nguyễn Thu Lan, 42 tuổi; - Anh Trần Huấn Dũng, 42 tuổi Nội dung tình huống: Chị Nguyễn Thu Lan và anh Trần Huấn Dũng kết hôn hợp pháp ngày 08-02-1985. Năm 1998, mâu thuẫn phát sinh. Năm 2001, chị Lan xin ly hôn, anh Dũng đồng ý ly hôn. Về con chung : có 1 cháu là Trần Hoàng Bảo, sinh ngày 11 tháng 08 năm 1986. Tài sản chung: + 1 số đồ dùng sinh hoạt hiện chị Lan đang quản lý có tổng trị giá 34.180.000 đồng, + 1 xe máy anh Dũng đang quản lý trị giá 20.000.000 đồng, + 1 mảnh đất đã bán năm 2000 trị giá 31.654.000 đồng + số tiền tiết kiệm chung của 2 vợ chồng là 100.000.000 đồng, Về nợ chung : 2 bên xác nhận tổng số nợ là 2 lạng vàng + 1300 USD + 4.000.000đồng. Tài sản riêng tranh chấp: Nhà ở, vợ chồng anh chị đang ở tại nhà P106-N35 tập thể Viện 108, số 39 Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội. Về nguồn gốc nhà đang ở: Mẹ anh Dũng là bà Trần Thị Tâm làm việc tại Viện 108. Năm 1985, chị kết hôn cùng anh Dũng, vợ chồng chị về ở với gia đình chồng tại 24 Phan Chu Trinh. Năm 1986, bà Tâm được cơ quan cấp nhà tại P106-N35 tập thể Viện 108, số 39, Trần Khánh Dư, Hà Nội, có diện tích 40,02m2. Sau đó năm 1990 bà Tâm đã cho anh Dũng căn nhà trên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đứng tên anh Trần Huấn Dũng. Năm 1995, chị Lan và anh Dũng đã đập toàn bộ tường, xây lại toàn bộ nội thất trong căn hộ thành phòng ở chi phí sửa nhà hết 74.000.000đồng. Đến năm 1998, mâu thuẫn nảy sinh giữa hai vợ chồng. Năm 2001, chị Lan đâm đơn xin li hôn ra tòa. Theo anh Dũng, bà Tâm thì căn nhà trên là tài sản mà bà Tâm tặng cho riêng cho anh Dũng vì vậy đây là tài sản riêng của anh Dũng. Theo chị Lan, đây là tài sản chung của hai vợ chồng được bố mẹ chồng tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân vì vậy khi li hôn chị xin được chia 1/2 căn nhà. Vì vậy đã xảy ra tranh chấp, yêu cầu tòa án giải quyết. Quyết định của tòa án: Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 62 ngày 26-03-2001, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử : - Công nhận thuận tình ly hôn giữa chị Lan và anh Dũng. - Về con: Công nhận sự thoả thuận giữa chị Lan và anh Dũng; giao cho chị Lan trực tiếp nuôi con chung là Trần Hoàng Bảo sinh ngày 11-08-1986. Buộc anh Dũng góp phí tổn nuôi con 200.000đồng/1 tháng đến khi con trưởng thành hoặc có sự thay đổi khác. - Về tài sản chung: chia cho chị Lan số đồ dùng sinh hoạt mà chị đang quản lí có trị giá 34.180.000 đồng, chia cho anh Dũng chiếc xe máy mà anh đang quản lí trị giá 20.000.000 đồng. Giá trị mảnh đất đã bán năm 2000 là 31.654.000 đồng và số tiền tiết kiệm chung của 2 vợ chồng là 100.000.000 đồng chia đôi cho 2 người=65.827.000 đồng. Chị Lan phải trả chênh lệch cho anh Dũng 8.940.000đồng. - Về nợ chung: Anh Dũng phải trả nợ 700 USD + 2 lạng vàng. Chị Lan phải trả nợ 600 USD + 4.000.000đồng. - Về tài sản chanh trấp: Căn nhà tại P106-N35 tập thể Viện 108, số 39 Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội là tài sản riêng của anh Dũng được bố mẹ cho riêng. Theo công sức đóng góp trong việc sửa chữa nhà, anh Dũng phải hoàn trả cho chị Lan 3/5 chi phí tiền sửa nhà = 44.400.000 đồng. Chị Nguyễn Thu Lan được lưu cư tại phòng thứ 3 (phía tay phải đứng từ cửa sắt chính nhìn vào) thời hạn lưu cư 12 tháng (kể từ ngày tuyên án phúc thẩm). Lối đi, diện tích phụ sử dụng chung. Sau khi xử sơ thẩm, chị Lan kháng cáo yêu cầu xác định căn nhà P106-N35 tập thể Viện 108, số 39 Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội là tài sản chung của hai vợ chồng và được chia 1/2 căn nhà. Tại Bản án phúc thẩm số 24 ngày 05-03-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bỏ kháng nghị của chị Lan, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.Ngoài ra Bản án còn tuyên về án phí chia tài sản cho các đương sự. Ý kiến của nhóm: Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã giải quyết đúng về quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi con chung, tài sản và nợ chung, tài sản riêng của chị Lan và anh Dũng nhưng việc phân chia nhà đất là chưa hợp lý. Theo như tình tiết của vụ án thì tòa xử căn nhà P106-N35 tập thể Viện 108, số 39 Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội là tải sản riêng của anh Dũng, theo lời của anh Dũng và mẹ anh Dũng. Điều này cần phải xem xét kỹ vì anh Dũng và mẹ có thể thông đồng lẫn nhau để lấy căn nhà vì khi ly hôn điều tất nhiên là bà mẹ nào cũng bảo là tài sản cho riêng con trai mình, chẳng ai nhận là cho chung vợ chồng. Do đó cần phải điều tra kỹ lưỡng và phải có giấy tờ chứng cứ cụ thể chứng minh được là ngôi nhà là bà cho riêng con trai mình là anh Dũng. Thêm nữa sau khi ly hôn, chị Lan được giao nuôi con lại không có chỗ ở nào khác nên phải xem xét để chia một phần diện tích của căn nhà và được khấu trừ vào khoản công sức của chị Lan đã đóng góp. Tòa có thể chia cho chị Lan 1/2 căn nhà P106-N35 tập thể Viện 108, số 39 Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội để ở và nuôi con, tiền nhà được khấu trừ vào tài sản mà chị Lan được chia hoặc giao toàn bộ căn nhà này cho chị Lan, tiền nhà chị Lan tự thanh toán cho anh Dũng, làm như thế sẽ hợp lý hơn. C. KẾT LUẬN Thông qua ba tình huống mà nhóm chúng em đã phân tích ở trên, mong rằng bạn đọc sẽ hiểu hơn vấn đề ly hôn có tranh chấp tài sản. Một lưu ý quan trọng ở đây đó là, nhiều người do quá chủ quan, tin tưởng vợ, chồng mình mà giao toàn bộ tài sản cho một bên khi tài sản đó phải đăng ký quyền sử dụng. Hay là trong nhiều trường hợp không đăng ký kết hôn, để rồi khi phân chia tài sản khi ly hôn gây nên sự thiệt thòi lớn cho các bên chủ thể. Nhưng điều quan trọng chúng tôi mong muốn là trong các vụ ly hôn, trước khi ra tòa mọi người hãy cùng ngồi lại suy nghĩ và quyết định thật sáng suốt chuyện ly hôn vì sẽ có nhiều hậu quả không tốt sau này. Nếu có thể thỏa thuận được thì vợ, chồng nên tự thỏa thuận với nhau sẽ có tình, có nghĩa hơn phù hợp với đạo đức của người Việt Nam chúng ta. Bên cạnh đó ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy các quy định của pháp luật hiện hành về tài sản vợ chồng vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý, chúng ta cần có những quy định cụ thể hơn để khi giải quyết các vụ tranh chấp dễ dàng hơn. Qua đây cũng hi vọng người dân nên có sự hiểu biết về pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chính mình.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTìm hiểu ba vụ án cụ thể về tranh chấp tài sản riêng của vợ chồng trước thời kỳ hôn nhân và trong thời kỳ hôn nhân.doc
Tài liệu liên quan