Tiếp cận nền giáo dục khoa cử thời lê sơ

TIẾP CẬN NỀN GIÁO DỤC KHOA CỬ THỜI LÊ SƠ Lê Lợi, người anh hùng dân tộc đã đoàn kết toàn dân đánh đuổi giặc Minh, bình định thiên hạ, thu non sông về một mối, mở ra triều đại nhà Lê. Ngay từ buổi đầu, Lê Lợi đã chú trọng nâng đỡ hiền tài, tìm người ẩn dật, mở các khoa thi, xây dựng nền văn học nước nhà, củng cố chính sự quốc gia. Vua hết lòng chăm lo việc học hành, trực tiếp định ra chương trình học tập cho trường Quốc Tử giám ở kinh đô và các trường công, tư ở các lộ, phủ, châu. Năm 1429, Lê Lợi đã xuống chiếu yêu cầu “những người văn võ hào kiệt hoặc bị bỏ sót trầm trệ, không có chức tước, không ai tiến cử, hoặc vì thù hằn mà bị đè nén che giấu thì đến ngay chỗ thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến cử, xét ra thực có tài đức thì tấu trình để cất dùng, không kể là ngụy quan hay là sĩ thứ, lấy tài đức là hơn”(1). Vua mở ra khoa thi minh kinh bác học để chọn người tài giỏi, thông thạo kinh sử, đồng thời bắt các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống phải thi kinh sử. Đến năm 1431, vua lại cho mở khoa thi hoành từ để chọn những người văn hay, học rộng bổ làm quan. Bằng những chiếu dụ đó, mặc dù Lê Lợi chưa mở được các khoa thi tiến sĩ nhưng ông đã tập hợp được một tầng lớp nho sĩ trí thức tiến bộ giúp triều đình dựng nước, an dân, ổn định xã hội sau nhiều năm binh lửa chiến tranh. Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, Lê Thái Tông (1434-1442) đã không ngừng củng cố nhà nước phong kiến mới được hình thành bằng cách tăng cường đào tạo con cháu các quan văn võ từ lục phẩm trở lên, các quan phù đạo, thủ lĩnh ở các phiên trấn thông qua hình thức ưu tiên lập danh sách, cho đến Quốc Tử giám đọc sách chờ tuyển dụng. Cùng với việc sử dụng con em trong gia đình quan lại, quý tộc, vua cũng tổ chức ngay cuộc thi học sinh trong nước, lấy đỗ hơn 1.000 người và chia làm 3 hạng: hạng nhất, nhì được vào Quốc Tử giám tiếp tục học tập, hạng ba cho về học ở các nhà học địa phương, tất cả đều được miễn lao dịch để toàn tâm, toàn ý học tập. Những nho sinh ở các nhà lộ học từ 25 tuổi trở lên mà thi không đỗ phải về quê làm dân thường và chịu mọi lao dịch. Năm 1437, vua cho khảo sát thi viết và tính lấy đỗ 690 người bổ làm thuộc lại các nha môn. Nối theo chí hướng một lòng cầu hiền và hết mực sùng nho, trọng đạo của tiền nhân, Lê Thái Tông vẫn ngày đêm tìm kẻ anh tài, dùng người tuấn kiệt và ông nhấn mạnh muốn có người giỏi trước hết phải chọn người văn học, trong đó lấy khoa mục, thi tuyển làm đầu. Sau 10 năm hòa bình, ổn định, vua Lê Thái Tông quyết tâm thúc đẩy việc học hành thi cử vì chỉ có thông qua thi tuyển mới chọn được người thực tài, đó là một nhân tố rất quan trọng giúp nhà vua dựng xây đất nước. Năm 1438, vua cho tổ chức thi hương ở các đạo, năm 1439, thi hội tại sảnh đường kinh đô, ai trúng kỳ thi hội được gọi là tiến sĩ xuất thân (đỗ tiến sĩ được ra làm quan). Vua cũng định lệ 3 năm mở 1 khoa thi. Năm 1442, vua mở khoa thi đình tại kinh đô Thăng Long cho những người thi hội đã đỗ 4 trường. Đề thi do nhà vua đích thân ra, ai đỗ kỳ thi này được gọi là tiến sĩ và chia ra 3 bậc. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ gồm 3 người xuất sắc nhất được vinh danh tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân được gọi là hoàng giáp và cuối cùng là đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân được gọi là tiến sĩ. Cách phân cấp này gần giống như dưới thời vua Trần Duệ Tông (1374) nhưng cụ thể, tỉ mỉ hơn, đánh giá trình độ tiến sĩ xác đáng hơn. Ở buổi đầu thời Lê sơ, vua tôi chăm lo việc nước, chú trọng việc học hành thi cử, nhiều nhân tài được thể hiện và trọng dụng, tạo ra nền tảng vững vàng cho đất nước phát triển. Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi (1460-1497), việc học hành khoa cử càng được đề cao, nhà nước phong kiến Đại Việt bước vào giai đoạn cực thịnh. Nhằm kiểm soát chặt chẽ đạo đức của nho sinh và củng cố lòng trung thành của quan lại với nhà nước phong kiến, năm 1462, vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ “bảo kết hương thí” và “cung khai tam đại”. Quy định này yêu cầu các sĩ tử muốn tham dự các kỳ thi phải có sự đảm bảo và cam kết của quan lại địa phương về tư cách của thí sinh, đồng thời mỗi thí sinh phải có một bản khai lý lịch 3 đời. Nếu ai xuất thân trong những gia đình làm nghề cầm ca hát xướng thì không được dự thi.

docx6 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2421 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiếp cận nền giáo dục khoa cử thời lê sơ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIẾP CẬN NỀN GIÁO DỤC KHOA CỬ THỜI LÊ SƠ Lê Lợi, người anh hùng dân tộc đã đoàn kết toàn dân đánh đuổi giặc Minh, bình định thiên hạ, thu non sông về một mối, mở ra triều đại nhà Lê. Ngay từ buổi đầu, Lê Lợi đã chú trọng nâng đỡ hiền tài, tìm người ẩn dật, mở các khoa thi, xây dựng nền văn học nước nhà, củng cố chính sự quốc gia. Vua hết lòng chăm lo việc học hành, trực tiếp định ra chương trình học tập cho trường Quốc Tử giám ở kinh đô và các trường công, tư ở các lộ, phủ, châu.  Năm 1429, Lê Lợi đã xuống chiếu yêu cầu “những người văn võ hào kiệt hoặc bị bỏ sót trầm trệ, không có chức tước, không ai tiến cử, hoặc vì thù hằn mà bị đè nén che giấu thì đến ngay chỗ thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến cử, xét ra thực có tài đức thì tấu trình để cất dùng, không kể là ngụy quan hay là sĩ thứ, lấy tài đức là hơn”(1). Vua mở ra khoa thi minh kinh bác học để chọn người tài giỏi, thông thạo kinh sử, đồng thời bắt các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống phải thi kinh sử. Đến năm 1431, vua lại cho mở khoa thi hoành từ để chọn những người văn hay, học rộng bổ làm quan. Bằng những chiếu dụ đó, mặc dù Lê Lợi chưa mở được các khoa thi tiến sĩ nhưng ông đã tập hợp được một tầng lớp nho sĩ trí thức tiến bộ giúp triều đình dựng nước, an dân, ổn định xã hội sau nhiều năm binh lửa chiến tranh. Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, Lê Thái Tông (1434-1442) đã không ngừng củng cố nhà nước phong kiến mới được hình thành bằng cách tăng cường đào tạo con cháu các quan văn võ từ lục phẩm trở lên, các quan phù đạo, thủ lĩnh ở các phiên trấn thông qua hình thức ưu tiên lập danh sách, cho đến Quốc Tử giám đọc sách chờ tuyển dụng. Cùng với việc sử dụng con em trong gia đình quan lại, quý tộc, vua cũng tổ chức ngay cuộc thi học sinh trong nước, lấy đỗ hơn 1.000 người và chia làm 3 hạng: hạng nhất, nhì được vào Quốc Tử giám tiếp tục học tập, hạng ba cho về học ở các nhà học địa phương, tất cả đều được miễn lao dịch để toàn tâm, toàn ý học tập. Những nho sinh ở các nhà lộ học từ 25 tuổi trở lên mà thi không đỗ phải về quê làm dân thường và chịu mọi lao dịch. Năm 1437, vua cho khảo sát thi viết và tính lấy đỗ 690 người bổ làm thuộc lại các nha môn. Nối theo chí hướng một lòng cầu hiền và hết mực sùng nho, trọng đạo của tiền nhân, Lê Thái Tông vẫn ngày đêm tìm kẻ anh tài, dùng người tuấn kiệt và ông nhấn mạnh muốn có người giỏi trước hết phải chọn người văn học, trong đó lấy khoa mục, thi tuyển làm đầu. Sau 10 năm hòa bình, ổn định, vua Lê Thái Tông quyết tâm thúc đẩy việc học hành thi cử vì chỉ có thông qua thi tuyển mới chọn được người thực tài, đó là một nhân tố rất quan trọng giúp nhà vua dựng xây đất nước. Năm 1438, vua cho tổ chức thi hương ở các đạo, năm 1439, thi hội tại sảnh đường kinh đô, ai trúng kỳ thi hội được gọi là tiến sĩ xuất thân (đỗ tiến sĩ được ra làm quan). Vua cũng định lệ 3 năm mở 1 khoa thi.  Năm 1442, vua mở khoa thi đình tại kinh đô Thăng Long cho những người thi hội đã đỗ 4 trường. Đề thi do nhà vua đích thân ra, ai đỗ kỳ thi này được gọi là tiến sĩ và chia ra 3 bậc. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ gồm 3 người xuất sắc nhất được vinh danh tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân được gọi là hoàng giáp và cuối cùng là đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân được gọi là tiến sĩ. Cách phân cấp này gần giống như dưới thời vua Trần Duệ Tông (1374) nhưng cụ thể, tỉ mỉ hơn, đánh giá trình độ tiến sĩ xác đáng hơn. Ở buổi đầu thời Lê sơ, vua tôi chăm lo việc nước, chú trọng việc học hành thi cử, nhiều nhân tài được thể hiện và trọng dụng, tạo ra nền tảng vững vàng cho đất nước phát triển. Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi (1460-1497), việc học hành khoa cử càng được đề cao, nhà nước phong kiến Đại Việt bước vào giai đoạn cực thịnh.  Nhằm kiểm soát chặt chẽ đạo đức của nho sinh và củng cố lòng trung thành của quan lại với nhà nước phong kiến, năm 1462, vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ “bảo kết hương thí” và “cung khai tam đại”. Quy định này yêu cầu các sĩ tử muốn tham dự các kỳ thi phải có sự đảm bảo và cam kết của quan lại địa phương về tư cách của thí sinh, đồng thời mỗi thí sinh phải có một bản khai lý lịch 3 đời. Nếu ai xuất thân trong những gia đình làm nghề cầm ca hát xướng thì không được dự thi. Quy chế tuyển chọn từ địa phương này đã chặt chẽ hơn trước và góp phần ổn định trật tự xã hội bởi vì nó đã loại bỏ được những người yếu kém về nhân cách và bắt buộc các gia đình muốn cho con cháu được học hành tấn tới thì phải tự giác chấp hành những quy định của nhà nước và của hương thôn, làng xã. Người nào bị xếp vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa thì tuy có học vấn, giỏi văn bài cũng không được tham dự các kỳ thi. Tiếc rằng, quy định mang tính tích cực đó của Lê Thánh Tông sau này đã bị các quan lại địa phương lợi dụng để nhũng nhiễu người dân, mặt khác quy định đó cũng thể hiện những hạn chế vì nó đã phân biệt đẳng cấp quá khắt khe, coi thường những người làm nghề ca hát và có nhiều trường hợp ông, cha làm sai mà con con cháu phải gánh tội nên có nhiều nhân tài lỡ mất cơ hội cống hiến cho dân, cho nước. Vua Lê Thánh Tông tích cực cải cách chế độ giáo dục khoa cử để tạo ra sự nghiêm túc trong các kỳ thi nên tuyển chọn được những người thực sự tài đức. Vua đã xuống chiếu quy định bắt buộc các thí sinh phải trải qua kỳ thi Hương để loại bớt những người yếu kém về văn chương, chữ nghĩa. Nếu ai mang theo tài liệu vào trường thi hoặc mượn người thi hộ sẽ bị tội theo pháp luật. Từ nay, các kỳ thi hương ở các lộ, phủ do quan lại địa phương tổ chức nhưng phải theo quy định thống nhất về nội dung do vua ban hành như sau: Trường nhất, thi 5 đoạn kinh nghĩa; trường nhì, thi chiếu, chế, biểu dùng thể tứ lục hay cổ thể; trường tam, thi thơ theo thể Đường luật, phú dùng cổ thể và văn tao tuyển (dạng Ly tao của Khuất Nguyên) dài 300 chữ trở lên; tứ trường, thi văn sách, hỏi về kinh sử và thời vụ dài 1000 chữ trở lên. Nếu ai phạm húy (2) của quốc triều sẽ không được đỗ. Nếu ai đỗ cả 4 trường trong kỳ thi hương gọi là hương cống (cử nhân thời Trần), nếu chỉ đỗ 3 trường gọi là sinh đỗ (tú tài thời Trần). Vua định bệ cứ 3 năm triều đình tổ chức thi hội một lần vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Tháng 201462, vua cho thi hội, các cử nhân trong nước có 4.400 người tham dự nhưng chỉ chọn đỗ được 44 người (xấp xỉ 1%). Trong các kỳ thi hội và đình do triều đình tổ chức, bao giờ vua Lê cũng cử các quan lại cao cấp (thượng thư), có uy tín, đạo đức tốt và đỗ đạt học vị tiến sĩ làm quan đề điệu (chủ khảo), giám thí (phó chủ khảo) và độc quyển. Nhà vua đích thân ngự ra điện Kính Thiên, tự tay ra đề thi văn sách cho các sĩ tử, thường hỏi về đạo trị nước của các đế vương hoặc cách dùng nho sĩ. Đề thi thiết thực gắn với việc dựng nước, trị dân; các sĩ tử đã được tự do tư tưởng, hết lòng bộc bạch, trình bày một cách thoải mái những suy nghĩ của mình về những vấn đề lớn mà nhà vua quan tâm. Sự hiểu biết và những chính kiến cá nhân đó đã trở thành những gợi ý hay và cũng là sự hiến kế cho nhà vua cách thức làm cho dân giàu, nước mạnh. Các giám sinh lúc đó chỉ chú tâm họa Kinh thi, Kinh thư mà không quan tâm đến Lễ ký, Chu dịch, Xuân thu nên vua bắt đầu cho đặt chức ngũ kinh bác học để cho mỗi người chuyên trị đi sâu vào một loại kinh sách để dạy học trò một cách toàn diện. Sang năm 1466, vua định lệ truyền lô xướng danh người đỗ, bộ lễ treo bảng vàng, ghi tên các tân tiến sĩ ở cửa Đông Hoa. Tiến sĩ được nhà vua trực tiếp đãi yến tiệc ở vườn Thượng uyển, ban phát áo, mũ, xiêm, đai, ngựa tốt để vinh quy bái tổ, sau đó được vua bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong triều hay ngoài lộ, phủ. Năm 1472, vua cũng định phẩm hàm, chức tước cho các tân tiến sĩ đỗ đệ nhất giáp: Người đỗ đầu cho chức tước chánh lục phẩm 8 tư, người đỗ thứ hai cho tòng lục phẩm 7 tư, người đỗ thứ ba cho chánh thất phẩm 6 tư (3). Chế độ ban cấp bổng lộc và chức tước cao cho những người đỗ đạt đã khuyến khích việc học tập ở thời Lê và vì sự trọng dụng hết lòng của nhà vua mà các nho sĩ cũng hết lòng tận tụy giúp triều đình chấn hưng đất nước. Đặc biệt, vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã quyết định khắc tên tiến sĩ khoa thi từ 1442 đến năm 1481 lên bia đá nhằm ca ngợi công đức, sự nghiệp nhà Lê, đề cao việc học hành thi cử, răn dạy các tiến sĩ đỗ đạt làm quan phải phục mệnh vua làm điều hay, việc thiện có ích cho dân, cho nước, chớ làm điều xằng bậy, tham nhũng, làm khổ muôn dân. Từ đây, vua cũng định lệ cứ 3 năm thi 1 lần theo trật tự thi hương, thi hội, thi đình và cho đổi cách gọi tam khôi thành tiến sĩ cập đệ (3 người đỗ cao nhất), chính bảng gọi là tiến sĩ xuất thân, phụ bảng là tiến sĩ đồng xuất thân. Năm 1489, vua cho tu sửa, mở rộng và phát triển Quốc Tử giám, đổi tên thành nhà Thái học, xây thêm nhà học và bí thư các để làm phòng học và kho chứa kinh sách, ván in. Vua Lê Thánh Tông chủ yếu tuyển dụng quan lại thông qua khoa bảng nhưng ông cũng chú trọng tìm kiếm hiền tài nhờ sự tiến cử và quy trình tiến cử đã được bổ sung một cách chặt chẽ, khách quan, tránh việc gây bè kéo cánh, tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Năm 1484, vua ra sắc chỉ rằng: từ nay trở đi, quan các nha môn trong ngoài có khuyết mà vâng lệnh bảo tiến cử thì người tiến cử phải ghi rõ về tài năng, kiến thức, đức độ và đề xuất đáng bổ vào chức gì. Sau này người được tiến cử mà không có tài đức, bỉ ổi, tham nhũng thì người tiến cử sẽ bị truy xét, trị tội nặng. Trước khi Lê Thánh Tông lên ngôi, việc thi tuyển có một số tiến bộ nhưng chưa đi vào nề nếp, hiện tượng mang theo tài liệu hoặc nhờ người thi hộ còn phổ biến cho nên nhiều người học mà chất lượng còn rất kém, gây ra sự nhiễu loạn trong học đường. Năm 1485, vua ra lệnh tổ chức cho khảo thí trước kỳ thi hương phải nghiêm để chọn người văn hay, chữ tốt. Nếu thi phúc hạch mà có ai bỏ quyển trắng hoặc văn chữ quá kém thì sẽ niêm phong để tra xét. Nếu để lọt từ 1 đến 4 người dốt nát mà được đỗ do tiêu cực thì quan thừa hiến ở các lộ phủ bị cách chức. Từ đời Hồng Đức, quy chế học hành, thi cử được thắt chặt, chất lượng được nâng cao, nhân tài được quan tâm nuôi dưỡng, có điều kiện được phát triển. Vua cho những học trò thi đỗ trong các đợt khảo thí, có đạo đức tốt thì được giảm 1/2 phần thuế và tha lao dịch, và cũng định luật khảo khóa theo định kỳ 3 năm, 6 năm, 9 năm cho quan lại cấp thấp ở các nha môn, nếu ai đỗ cả 3 đợt khảo xét thì mới được thăng chức. Các quan lại già yếu, kém cỏi sẽ bị thải về quê. Nếu ai cố tình chạy chức, chạy quyền sẽ bị trị tội nặng. Nhà vua đề ra chức nhất phẩm tân quan (chức quan danh dự) để truy tặng cho các vị công thần khai quốc có mặt trong hội thề Lũng Nhai bị hy sinh mà chưa được nhận chức tước, bổng lộc gì của triều đình. Từ 1492, vua tăng cường các quan trong Hàn lâm viện (mỗi ty 4 người) làm khảo quan tại các ty thừa tuyên: Hải Dương, Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc trong các kỳ thi hương để tránh những sự thông đồng, tiêu cực của các quan địa phương. Lê Thánh Tông là một minh quân, ông luôn đề cao trí thức, trọng đãi người tài đức, khoa bảng. Năm 1496, sau quy định cấp chức của quan lại, các cấp phải căn cứ vào bằng cấp, đạo đức và thử thách qua quá trình làm việc. Nhất thiết phải đỗ đạt mới được bổ làm quan. Năm 1497, vua Lê Thánh Tông băng hà, vua Lê Hiến Tông được nối ngôi. Ngay khi nhận chức, ông đã chú ý cải cách giáo dục, xuống chiếu cầu hiền và có sắc chỉ phải chọn tiến sĩ xuất thân liêm khiết, siêng năng, cương trực, làm việc giỏi để bổ nhiệm vào cấp sự trong 6 khoa. Những chức vụ quan trọng như giám sát ngự sử hoặc tổng binh không được trao cho người yếu kém, dù xuất thân quý tộc. Từ đây, thể lệ trường thi được quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn. Trường thi thời này được chia ra 4 khu rộng, có rào bao quanh xen kẽ những tháp có lính canh suốt ngày, nếu có họ hàng dự thi thì quan chấm trường không được làm khảo quan. Bài thi của thí sinh được khảo quan chép lại sau đó các quan chấm thi chấm theo bài chép lại đó để đề phòng việc các thí sinh đánh dấu bài thi. Thí sinh nào vi phạm quy định trường thi phải xung vào quân bản phủ 3 năm và suốt đời không được dự thi. Dưới thời các vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, nền giáo dục khoa cử đạt đến đỉnh cao, tạo ra một tầng lớp trí thức nho học rất giỏi kinh sử. Ngoài các khoa thi lớn mang tầm quốc gia để tuyển chọn cử nhân, tiến sĩ, nhà Lê còn có nhiều khoa thi đột xuất để tìm kiếm nhân tài: Khoa hoành từ là khoa thi trên cấp thi hương, dưới cấp thi hội, khoa sĩ vọng (tuyển cử) chọn người để bổ tri huyện như người đỗ hương cống. Đặc biệt, nhà Lê còn mở khoa đông các để tuyển chọn những tiến sĩ giỏi nhất bổ vào các sảnh, viện, cục trong triều đình. Từ năm 1502, Lê Hiến Tông quy định bảng vàng được treo ở nhà Thái học Quốc Tử Giám chứ không treo ở cửa Đông Hoa nữa. Từ đây, bảng vàng bia đá được gắn với nhau ngay trong khuôn viên Quốc Tử Giám, có tác dụng thôi thúc, nhắc nhở tầng lớp trí thức phải rèn luyện không ngừng về tài và đức để không làm hổ thẹn cái danh kẻ sĩ và không phụ lại sự trọng đãi của nhà vua. Từ khi Lê Uy Mục và Lê Tương Dực lên ngôi, phong tục suy đồi, kỷ cương rối loạn vì vua bạo ngược, gian dâm, giết người tôn thất, chuyên quyền độc đoán, chèn ép các sĩ phu, bọn gian nịnh được tin dùng, triều Lê dần sa sút. Năm 1527, Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi nhà Lê. Thời Lê sơ trải 100 năm, qua 10 đời vua, kết thúc. Mặc dù vậy, thời Lê sơ được xem là một thời thịnh trị của chế độ phong kiến Việt Nam, được đánh dấu bởi những chiến công cực kỳ hiển hách của quân dân Đại Việt đánh tan giặc Minh xâm lược, xây dựng nên một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, đạt nhiều đỉnh cao sánh ngang với các vương triều phương Bắc trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó chế độ học tập, khoa cử và trọng dụng hiền tài được đặc biệt chú trọng và trở thành mẫu mực cho thời sau. Trước đây, khi nói đến nền giáo dục, khoa cử thời Lê sơ, có người nghi ngờ tính chất độc lập, sáng tạo của nó và cho rằng nền giáo dục đó nhiều lắm cũng chỉ là sự sao chép, mô phỏng của nền giáo dục Trung Hoa. Việc đồng nhất hai nền giáo dục như trên là thiếu cơ sở khoa học và thiếu tính thuyết phục. Bản thân nền giáo dục nước ta dựa trên những quy luật phát triển riêng của nó mà thời đại Lý-Trần được xem là thời kỳ dựa trên tư tưởng của tam giáo đồng nguyên. Thời Lê sơ đánh dấu sự kết thúc của quá trình tiếp thu, thâu hóa các khuynh hướng giáo dục từ bên ngoài sau khi đã vượt ra khỏi cái bóng của nho, phật, lão để dựng nên một cột mốc mới trong lĩnh vực tri thức hết sức phức tạp và thường xuyên biến động để nền giáo dục, khoa cử Đại Việt có một nội dung riêng, một vị trí độc lập ngang bằng với các quốc gia. Dẫu rằng vua tôi nhà Lê sùng nho, trọng đạo, nhưng thời Lê sơ được xem là giai đoạn mà nền giáo dục khoa cử đã chín muồi về nội dung và hình thức. Cũng như sự nghiệp giáo dục của bất kỳ quốc gia nào thời đó, giáo dục, thi cử nước ta tập trung thực hiện mục tiêu dạy làm người và truyền bá đạo làm người mà cái đạo đó nhất định phải hướng tới xây dựng những chuẩn mực đạo đức vừa mang tính chất riêng của con người gia đình, vừa mang tính chất con người xã hội phù hợp với những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam và phù hợp với những giá trị văn hóa thời đại. Chính vì lẽ đó mà một số nội dung tích cực của đạo nho đã được các ông vua thời Lê tiếp thu triệt để nhưng theo một nhân sinh quan và một hệ quy chiếu hoàn toàn khác, đó là: Lấy con người Việt Nam và tổ quốc Việt Nam là trung tâm, lấy dân tộc Việt Nam làm gốc. Thông qua việc dạy con người học trong sách vở, học qua sự trao truyền giữa các thế hệ, học ở đời kết hợp với việc học qua thầy, qua bạn mà nền giáo dục khoa cử thời Lê sơ đã hướng con người đến chữ nhân, đưa con người về chữ hiếu, dẫn con người đến chữ trung, khuyên con người về chữ nghĩa, đó là những giá trị hằng xuyên và bất biến của bất kỳ xã hội nào.  Chẳng những thế, nền giáo dục đó đã dạy và rèn luyện con người sống một cách hướng thiện, chính trực, thẳng thắn, công minh, thanh cao, trong sạch dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Vượt qua chiều rộng của không gian, chiều sâu của thời gian, tinh thần nhân văn và nhân đạo trong nền giáo dục đã trở thành sức mạnh vô song để củng cố lòng tin, điều chỉnh hành vi của con người, cung cấp cho họ những chuẩn mực để rèn luyện ý chí, nghị lực hình thành thái độ trước cuộc đời, thể hiện sự yêu - ghét và khí phách, cốt cách của những con người có tri thức, có khả năng nhận thức được chân lý.  Ở một quốc gia quân chủ chuyên chế phương Đông, các vua nhà Lê là người đứng đầu và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục, khoa cử. Triều đình coi việc giáo dục, mở khoa thi kén kẻ sĩ là việc làm đầu tiên trong phép trị nước, là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của nhà nước phong kiến, gắn với sự hưng vong của triều đại, đồng thời là lĩnh vực trọng yếu để giữ vững cơ đồ, mở mang giáo hóa, sắp xếp chính sự, gìn giữ kỷ cương, xây dựng, củng cố nền tảng chính trị của chế độ, do đó phải được thực hiện nghiêm chỉnh, công khai, nghiêm ngặt, thường xuyên, nhằm lựa chọn được những người tài đức xứng đáng.  Mục tiêu cuối cùng của nền giáo dục, khoa cử đó là khẳng định, bảo vệ củng cố, ca ngợi và duy trì chủ nghĩa tôn quân phong kiến, chứng minh cho sự trường tồn của chế độ phong kiến là hợp quy luật, làm cho hệ tư tưởng phong kiến và những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc cùng những tinh hoa của văn hóa nhân loại chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần; củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, tạo ra sự đoàn kết toàn dân, giữ vững và mở rộng sự ảnh hưởng của chế độ phong kiến Việt Nam, đào tạo được một tầng lớp quan lại từ trung ương đến địa phương có đủ năng lực, đạo đức, bản lĩnh để trị quốc. Giáo dục thời Lê luôn luôn gắn liền với việc thi cử để chọn lựa nhân tài và mở nền nhân văn, khai hóa thiên hạ. Triều đình hết lòng chuộng kẻ sĩ và tin dùng kẻ sĩ, giao cho họ nhiều trọng trách lớn lao để họ thỏa chí trung thành cống hiến cho đất nước. Những bài giảng, đề thi trong các cuộc thi đình thường gắn với những nội dung bàn về việc trị quốc, bình thiên hạ.  Kết cấu giai cấp trong xã hội thời Lê sơ đã có sự thay đổi rõ nét, vì với một nền giáo dục, khoa cử phát triển mạnh mẽ, sau hàng trăm năm đã tạo ra một tầng lớp trí thức nho sĩ đông đảo được trang bị một nền học thuật mới, phần lớn trong số họ đã được bổ sung vào bộ máy nhà nước và trở thành một lực lượng quan trọng góp phần giải quyết những vấn đề mà thời đại đặt ra.  Đặc biệt, từ năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng bia tiến sĩ ở nhà Thái học, đó là một việc làm chưa từng có và có ý nghĩa nhân văn hết sức to lớn. Xuất phát từ việc coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia, quyết định vận mệnh thịnh suy của đất nước cho nên các bậc đế vương triều Lê đều chú trọng đến việc gây dựng hiền tài, kén chọn kẻ sĩ, coi bồi dưỡng nguyên khí là việc đầu tiên của sự nghiệp trị quốc. Sau mỗi kỳ thi tiến sĩ, thì dựng bia ghi danh tiến sĩ là một sự kiện quan trọng của triều đình vì nó không chỉ nhằm khuyến khích nhân tài, đề cao học vấn, lưu truyền thiên thu cho hậu thế, tạo truyền thống khoa bảng ham học cho muôn đời con cháu mà còn củng cố huyết mạch cho đất nước, chỉ đường dẫn lối cho các sĩ phu, răn đe những thói xấu, ca ngợi những điều hay, khuyên con người rèn luyện tâm tính, tu nhân, tích đức, không làm điều gì hổ thẹn đến danh tiết của người quân tử-kẻ sĩ.  Với một nền kinh tế nông nghiệp, tiểu nông lạc hậu tự cấp tự túc là chủ yếu, trong đó kinh tế thương mại và thủ công nghiệp rất kém phát triển, ở thời Lê sơ (TK XV), con đường duy nhất và cũng là danh giá nhất cho người nông dân có thể thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn là học tập và thi cử. Nếu may mắn đỗ đạt thì được trọng dụng, được bổ nhiệm làm quan, được “xuất thân” khỏi lũy tre làng hòa nhập vào xã hội rộng lớn hơn. Một ước mơ rất chính đáng và tốt đẹp nhưng rất nhiều người không thực hiện được.  Có thể nói rằng, nền giáo dục, khoa cử thời Lê sơ đã được định hình và phát triển rực rỡ từ năm 1442 đến năm 1526. Trong thời gian đó, tổ chức được 26 kỳ thi, tuyển được 998 tiến sĩ (4), đó là những người tài giỏi và một số trong những tiến sĩ này là những nhân tài kiệt xuất (Nguyễn Trực, Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận), góp phần làm rạng rỡ lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chính họ là những người trao truyền, giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông để lại và biến chúng trở thành bất tử. Những tiến sĩ ấy là sản phẩm của một thời thịnh trị và phát triển đến đỉnh cao của nền văn hóa, giáo dục dân tộc. Tuy nhiên, do hạn chế tất yếu của thời đại phong kiến mà nền giáo dục, khoa bảng của triều Lê sơ cũng chỉ phát huy được trong một chừng mực nhất định, bởi vì nó chỉ được phát triển tập trung ở đô thị, hướng vào đào tạo con quan, nhà giàu là chủ yếu. Trong nền giáo dục phong kiến đó, luôn luôn có sự phân biệt đẳng cấp, cấm phụ nữ và con cháu những người làm nghề cầm ca được tham gia; nội dung đào tạo chủ yếu nhằm vào thi, thư, Bắc sử, chú trọng nhiều đến dạy đạo lý mà chưa quan tâm đúng mức đến truyền đạt kiến thức khoa học. Cách truyền đạt cổ điển, thiếu tính sáng tạo, chủ yếu dùng cách đối thoại, lục vấn, hoài nghi, trọng từ chương, học thuộc lòng, khuôn sáo, ưa hư văn. Có những giai đoạn bị lũng đoạn, tiêu cực trong giáo dục thi cử. Số tiến sĩ đỗ đạt thấp (khoảng 1%), số còn lại không được trọng dụng, chủ yếu làm nghề dạy học ở các hương thôn, làng xã và nhiều nhà nho nghèo mang trong lòng tâm trạng bất mãn với triều đình. Chính những nhà nho nghèo đó sẽ là một lực lượng đáng kể trong các cuộc đấu tranh với triều đình phong kiến sau này.  Sau thời Lê sơ, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ suy thoái, các thế lực phong kiến (Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn) tranh giành nhau quyền bính, đưa đất nước vào cảnh nội chiến tương tàn, nền giáo dục khoa cử thời hậu Lê diễn tiến theo một chiều hướng đa dạng và phức tạp hơn. _______________ 1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.102. 2. Trong bài thi, các thí sinh phải tránh tên gọi của vua và hoàng tộc. Nếu ai sơ ý mắc phải lỗi này là “phạm húy” và bị đánh trượt ngay. 3. Nhất phẩm là quan cao nhất, cửu phẩm là quan thấp nhất. Lục phẩm, thất phẩm là quan bậc trung. Người thường nếu có tài đức cũng chỉ được phong đến quan tam phẩm.  4. Đỗ Văn Minh, Quốc Tử giám, trí tuệ Việt, In lần 3, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.46-47. Tác giả: Phạm Ngọc Trung  Nguồn: Tạp chí VHNT số 306, tháng 12-2009

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxTiếp cận nền giáo dục khoa cử thời lê sơ.docx