Thực trạng một số kĩ năng mềm của sinh viên đại học sư phạm

Kết quả nghiên cứu này có thể xem là bức tranh khá khái quát để nhìn nhận chung về thực trạng kĩ năng mềm của SVĐHSP. Kết quả nghiên cứu này đặt ra những thách thức và nhiệm vụ khá quan trọng đối với lãnh đạo, giảng viên các trường ĐHSP trong công tác phát triển kĩ năng mềm cho SV một cách có hiệu quả. Điều này góp phần tạo nên một nền tảng thực sự vững chắc để SV có thể thực hiện hết trách nhiệm và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục trong một bối cảnh đầy thử thách ở tương lai.

pdf7 trang | Chia sẻ: truongthinh92 | Lượt xem: 2054 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng một số kĩ năng mềm của sinh viên đại học sư phạm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Số 39 năm 2012  _____________________________________________________________________________________________________________  THỰC TRẠNG MỘT SỐ KĨ NĂNG MỀM CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HUỲNH VĂN SƠN* TÓM TẮT Trong 20 kĩ năng mềm được đưa ra nghiên cứu, sinh viên (SV)tự đánh giá mình đạt mức cao với 18/20 kĩ năng mềm, đạt mức trung bình với 2/20 kĩ năng mềm. Điểm trung bình chung tự đánh giá của SV là 3,59. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lí và giảng viên chỉ đánh giá SV đạt mức trung bình ở tất cả 20/20 kĩ năng mềm với điểm trung bình chung là 3,23. Tuy vậy, xuất phát từ thực trạng hoạt động học tập của SV kết hợp với nhận định của cán bộ quản lí, giảng viên và kết quả quan sát có thể nhận định rằng, SV khá thuần thục ở một vài kĩ năng nhưng đa phần SV còn khó khăn, lúng túng khi thực hành các kĩ năng mềm. Từ khóa: kĩ năng mềm, kĩ năng mềm của sinh viên đại học sư phạm. ABSTRACT Education university students’ soft skills Of the 20 soft skills in the survey, students’ self-assess that they peaked at 18/20 of soft skills, an average 2/20 of soft skills. Grade point average of students with self- assessment is 3.59. Meanwhile, management and teaching staff assess that students’ average relative to 20/20 of soft skills with a 3.23 grade point average. However, from students’ learning activities along with identification of managers, trainers and observations, it can be noted that, students can be quite handy in a few skills but most students still encounter difficulties as they awkward in practicing the soft skills. Keywords: soft skills, soft skills of the education university students. 1. Đặt vấn đề Trước thách thức của thời đại và những đòi hỏi mới của công cuộc hội nhập, kĩ năng mềm đã trở thành hành trang cực kì quan trọng. Để tồn tại, phát triển, quản lí, làm chủ công việc, cuộc sống hiện đại với môi trường làm việc ngày càng năng động, nhiều sức ép và tính cạnh tranh thì kĩ năng “mềm” là một yếu tố không thể thiếu. Khi đất nước đang trên đà phát triển và giao lưu hội nhập quốc tế, xã hội đang có sự chuyển biến về những yêu cầu khác nhau đối với công việc, cuộc sống thì kĩ năng mềm của SV ngày nay đang là một vấn đề mang tính thời sự. Sinh viên đại học sư phạm (SVĐHSP) là lực lượng trí thức trẻ sẽ trở thành trụ cột của nền giáo dục quốc gia trong tương lai. Do đó, sự ảnh hưởng của SVĐHSP đối với sự phát triển của xã hội là không thể phủ nhận. Ngoài những thách thức của thời kì hiện đại, SVĐHSP còn phải đứng trước một thách thức to lớn: đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Do đó, họ phải là những người có đủ * TS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM 22 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Huỳnh Văn Sơn  _____________________________________________________________________________________________________________  “nội lực” để có thể tiếp tục công cuộc đổi mới này và thúc đẩy nó diễn ra một cách hiệu quả. Để làm được điều đó, SVĐHSP phải có nhiều kĩ năng quan trọng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, nhiệm vụ giáo dục và nhiệm vụ phát triển nhân cách người học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào được tiến hành một cách bài bản và toàn diện về kĩ năng mềm của SVĐHSP nói chung và SV các trường sư phạm nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu thực trạng một số kĩ năng mềm của SVĐHSP là vấn đề thiết thực và cần thiết cho công tác đào tạo nguồn giáo viên tương lai. 2. Giải quyết vấn đề Nghiên cứu về thực trạng một số kĩ năng mềm của SVĐHSP được tiến hành với 1000 SV tại một số trường ĐHSP và khoa sư phạm của một vài trường đại học (ĐH) ở khu vực phía Nam: - Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM); - Khoa Sư phạm, Trường ĐH Đồng Tháp; - Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ; - Khoa Sư phạm, Trường ĐH Tiền Giang; - Khoa Sư phạm, Trường ĐH Thủ Dầu Một. SVĐHSP được chọn nghiên cứu là SV chính quy cử nhân sư phạm hệ bốn năm (cụ thể là SV năm thứ hai và thứ ba). Có thể thấy rằng, SV tỏ ra tự tin khi tự đánh giá mức độ 20 kĩ năng mềm mà đề tài đưa ra. Chỉ có hai kĩ năng được xếp ở mức trung bình đó là kĩ năng quản lí tài chính và kĩ năng thủ lĩnh nhóm. Có 18 kĩ năng được SV xếp ở mức cao. Xét dưới góc độ điểm số thì đây là một dấu hiệu tích cực, một sắc màu tươi sáng trong bức tranh về kĩ năng mềm của SV. Tuy nhiên, khi so sánh với tự đánh giá của SV về mức độ hiểu biết đối với kĩ năng mềm và nhất là so sánh với đánh giá của cán bộ quản lí, giảng viên - những người trực tiếp quản lí và giảng dạy SV thì lại có khoảng “chênh” đáng kể, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu (xem bảng 1). Bảng 1. Tự đánh giá của SV và đánh giá của giáo viên về mức độ một số kĩ năng mềm của SV Tự đánh giá của SV Đánh giá của giảng viên STT Kĩ năng ĐTB ĐLC ĐTB ĐLC 1 Tự đánh giá 3,52 0,78 3,08 0,76 2 Hoạch định mục tiêu cuộc đời 3,71 0,83 2,98 0,79 3 Quản lí thời gian 3,53 0,87 3,01 0,78 4 Quản lí cảm xúc 3,57 0,88 3,11 0,70 5 Thiết lập quan hệ xã hội 3,65 0,85 3,19 0,73 6 Tư duy sáng tạo 3,61 0,85 3,19 0,86 7 Giải quyết vấn đề 3,64 0,81 3,16 0,75 23 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Số 39 năm 2012  _____________________________________________________________________________________________________________  8 Làm việc nhóm 3,57 0,79 3,43 0,72 9 Thích ứng 3,63 0,79 3,31 0,78 10 Vượt qua áp lực 3,55 0,84 3,12 0,76 11 Thủ lĩnh nhóm 3,18 0,94 3,01 0,83 12 Tư duy tích cực 3,58 0,87 3,36 0,81 13 Xây dựng và thể hiện sự tự tin 3,68 0,83 3,39 0,76 14 Quản lí tài chính 3,49 0,87 3,33 0,94 15 Tìm kiếm và xử lí thông tin 3,58 0,82 3,38 0,87 16 Thuyết trình 3,58 0,85 3,31 0.80 17 Thuyết phục 3,62 0,86 3,21 0,88 18 Học và tự học suốt đời 3,74 0,89 3,16 0,86 19 Động viên và chia sẻ 3,75 0,78 3,50 0,84 20 Tổ chức hoạt động 3,56 0,89 3,28 0,76 Đánh giá chung 3,59 0,54 3,23 0,51 SV cho rằng mình có khả năng tốt nhất ở các kĩ năng: động viên chia sẻ, học và tự học suốt đời, hoạch định mục tiêu cuộc đời, xây dựng và thể hiện sự tự tin, thiết lập quan hệ xã hội. Khi được hỏi về vấn đề này, bạn M.M, SV Trường ĐH Bình Dương cho biết: “Em tự thấy mình có khả năng chia sẻ và động viên người khác tốt. Bằng chứng là mỗi khi bạn bè có chuyện buồn, họ thường tìm đến với em để tâm sự. Có lúc em thấy mình giống như nhà tư vấn tâm lí vậy mặc dù em không học tâm lí” [phụ lục phỏng vấn]. Trong khi đó, bạn M.K, SV Trường ĐHSP TPHCM chia sẻ: “Ngay từ những năm cấp 3, em đã tự xây dựng cho mình một kế hoạch cuộc đời trong tương lai và bây giờ em vẫn đang đi theo kế hoạch đó. Em nghĩ, biết hoạch định cho mình một mục tiêu rõ ràng, cụ thể và phù hợp thì điều đó cũng giống như kim chỉ nam để cho ta đi theo vậy” [kết quả phỏng vấn]. Đó là những suy nghĩ, tâm sự và chia sẻ của SV. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn vào thực tế môi trường giáo dục ĐH ngày nay sẽ thấy những mảng màu ngược lại. Kĩ năng động viên và chia sẻ là khả năng mà con người có thể thông cảm, thấu hiểu, giúp đỡ và nâng đỡ người khác trong những lúc họ gặp khó khăn, bối rối hay bế tắc. Khả năng này không chỉ được thể hiện trong mối quan hệ bạn bè thân thiết mà còn được bộc lộ trong các hoạt động học tập, nhất là những hoạt động nhóm. Trong khi SV tự cho rằng mình có kĩ năng động viên, chia sẻ cao thì một trong những tồn tại khá nổi bật đó là khả năng hợp tác, làm việc nhóm của SV hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, một số SV tự cho rằng mình rất tự tin và luôn sẵn sàng thể hiện bản thân thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ SV ngại tham gia vào các hoạt động xã hội, e dè trước đám đông và không dám thể hiện mình. Ngoài ra, khi SV nghĩ rằng khả năng hoạch định mục tiêu cuộc đời của mình tốt thì trong thực tế, vẫn còn không ít SV thi ĐH là do định hướng của người khác, chạy theo trào lưu mà không biết ngành mình học sẽ làm được gì sau khi ra 24 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Huỳnh Văn Sơn  _____________________________________________________________________________________________________________  trường... Tất nhiên, đây không phải là một sự mâu thuẫn và đối lập hoàn toàn mà là những góc cạnh trái chiều, giống một tấm gương để phản chiếu những gì SV tự nhìn nhận, tự đánh giá. Đối với những kĩ năng được SV xếp ở nhóm giữa bao gồm: kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng thích ứng, kĩ năng thuyết phục, kĩ năng tư duy sáng tạo và kĩ năng tư duy tích cực, kĩ năng xử lí thông tin, kĩ năng thuyết trình cũng là những kĩ năng mềm hết sức căn bản và cần thiết đối với SV sư phạm. Khi được hỏi sâu về thực trạng của các kĩ năng này, SV đã có những chia sẻ một cách thực tế và khá thú vị. Bạn N.C, Trường ĐH Tiền Giang cho biết: “Đôi khi trong cuộc sống, em cũng gặp phải những khó khăn, bối rối. Những lúc như vậy, em thường tìm đến bạn bè hay những anh, chị lớn tuổi hơn để xin ý kiến của họ. Em nghiệm ra rằng cứ mạnh dạn chia sẻ thì người khác sẽ lắng nghe và cho mình những lời khuyên có giá trị” [kết quả phỏng vấn]. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến theo chiều ngược lại như ý kiến của bạn K.O, SV Trường ĐH Bình Dương: “Có lúc em cũng không hiểu nổi mình nữa. Mỗi khi có chuyện gì quan trọng là em cứ cuống cả lên không biết phải giải quyết sao cả. Những lúc như vậy, em cứ bối rối và lúng túng. Lo thì lo mà không giải quyết được việc gì cả” [kết quả phỏng vấn]. Kĩ năng thích ứng được SV tự đánh giá với điểm trung bình là 3,63. Trong thực tế, đa phần các trường ĐH đều trú đóng tại các thành phố lớn hay các khu vực trung tâm của các tỉnh, thành và phần lớn SV đến từ những tỉnh thành khác. Đối với những SV này, kĩ năng thích ứng là hết sức quan trọng. SV phải biết thích ứng với nơi ở mới, điều kiện mới, môi trường mới và cuộc sống mới thì mới có thể đảm bảo được việc học tập. Không chỉ vậy, tất cả SV đều phải làm quen với phương pháp học ở ĐH, với những người bạn mới, thầy cô mới. Đó là những khó khăn ban đầu mà mỗi SV phải nỗ lực để vượt qua thì mới có thể học tập tốt được. Một tín hiệu vui là SV cho rằng kĩ năng này của mình khá tốt và cũng được biểu hiện ra bên ngoài đó là đa phần SV đều nhanh chóng thích nghi được với môi trường sống mới và môi trường học tập mới. Tuy vậy, đâu đó cũng vẫn còn một bộ phận SV không dễ dàng làm quen với cái mới nên thường thiếu chủ động, cởi mở trước những người lạ và những hoạt động phong trào. Các kĩ năng như: kĩ năng thuyết phục, kĩ năng tư duy sáng tạo và kĩ năng tư duy tích cực được SV cho điểm trung bình lần lượt là 3,62 - 3,61 - 3,58, đều nằm trong mức khá cao. Tương tự như các kĩ năng khác, những kĩ năng này là rất cần thiết và có giá trị, nhất là đối với SVĐHSP. Khi ra trường và tham gia giảng dạy, các thầy cô giáo giống như một người “nhạc trưởng”, cần phải tạo được uy tín và có sức thuyết phục cao thì mới có thể chỉ huy được cả một “dàn nhạc”. Đồng thời, người “nhạc trưởng” ấy phải không ngừng sáng tạo để tìm ra cái hay, cái mới và phải giữ cho mình một tư tưởng lạc quan để lan truyền, để tạo ảnh hưởng tích cực đến các thành viên khác. Làm được như vậy, hình ảnh của người giáo viên trong mắt học trò sẽ là rất mẫu mực, rất đậm nét và có thể trở thành một hình mẫu để học sinh noi theo. 25 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Số 39 năm 2012  _____________________________________________________________________________________________________________  Những SV được hỏi cho rằng mình có khả năng thuyết phục người khác mà bằng chứng là mỗi khi mình cần sự giúp đỡ của ai đó thì có thể nhờ người khác làm giúp, hay khi làm việc nhóm, mình có thể thuyết phục được người khác theo quan điểm của mình. Riêng với khả năng sáng tạo, có lẽ đây là một tồn tại khá phổ biến trong đội ngũ SV khi mà giáo dục của nước ta vẫn chưa thực sự phát huy được hết tính tích cực của người học, chưa thật sự đặt người học vào vị trí trung tâm và chưa khuyến khích tinh thần sáng tạo, tinh thần phản biện ở người học. Chính thực tế đó đã khiến cho khả năng sáng tạo trong SV chưa được phát huy đúng mức như nhận định của cô T.M ở Trường ĐHSP TPHCM: “Các bạn SV ngày nay rất năng động và đầy nhiệt huyết. Ngoài việc học, các bạn còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, các hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội. Nhưng có lẽ, so với SV thế giới thì SV chúng ta còn thua kém về khả năng sáng tạo, nhất là những sáng tạo trong học tập và những ý tưởng đột phá. Điều này không phải là lỗi của SV mà do ảnh hưởng của lối giáo dục từ chương của chúng ta” [kết quả phỏng vấn]. Kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin, kĩ năng thuyết trình cũng được SV đánh giá với 3,58 điểm. Đối với nghề sư phạm thì không thể không có hai kĩ năng này. Quá trình giảng dạy là quá trình liên tục tìm kiếm và xử lí thông tin. Đồng thời, hoạt động dạy học cũng là một dạng hoạt động thuyết trình với những nét đặc trưng riêng. Là SVĐHSP, các bạn cần phải rèn luyện cho mình những kĩ năng này để có thể phục vụ đắc lực cho công việc trong tương lai. Nói về khả năng tìm kiếm và xử lí thông tin của mình, bạn Q.K, SV Trường ĐH Tiền Giang cho biết: “Em nghĩ rằng kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin của mình khá tốt. Khi được giao một nhiệm vụ học tập nào đó, em thường chủ động lên thư viện, internet để tìm những dữ liệu cần thiết cho bài tập và kết quả mà em đạt được thường khá cao” [kết quả phỏng vấn]. Bạn T.V, SV Trường ĐHSP TPHCM thì chia sẻ về kĩ năng thuyết trình của mình như sau: “Em khá tự tin mỗi lần thuyết trình trước lớp hay nói chuyện trước đám đông. Bạn bè nhận xét em là một người ăn nói có duyên, thu hút được người khác. Còn bản thân em thì thấy rằng nếu mình chuẩn bị thật kĩ từ trước thì khi thuyết trình sẽ tự tin hơn. Lúc trước, em cũng không tự tin lắm khi đứng trước nhiều người nhưng cứ nói nhiều, thuyết trình nhiều thì mình sẽ quen hơn” [kết quả phỏng vấn]. Những kĩ năng được SV xếp ở vị trí kế tiếp, đó là: kĩ năng quản lí cảm xúc, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tổ chức hoạt động, kĩ năng vượt qua áp lực, kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng quản lí tài chính, kĩ năng thủ lĩnh nhóm. Đây cũng là những khó khăn trong thực tế mà SV thường gặp phải. Đối với những người trẻ tuổi, cụ thể là SV thì việc quản lí cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực và đặc biệt là cảm xúc giận dữ là một điều không dễ dàng bởi tuổi trẻ thường đi liền với sự sôi nổi. Hậu quả của điều này đôi khi là rất nguy hiểm, có thể phá hỏng các mối quan hệ xã hội và ảnh hưởng đến chuyện học hành. Tương tự như vậy, kĩ năng làm việc nhóm là một yêu cầu thiết yếu đối với SV không chỉ trong môi 26 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Huỳnh Văn Sơn  _____________________________________________________________________________________________________________  trường học đường mà còn ở ngoài xã hội. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu một người không biết làm việc chung với người khác thì họ sẽ mất đi rất nhiều cơ hội đóng góp cho tập thể và cơ hội để khẳng định, thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, kĩ năng vượt qua áp lực và quản lí tài chính cũng hết sức cần thiết. Trước những khó khăn, áp lực xuất phát từ việc học hay từ các mối quan hệ, nếu SV không biết cách để vượt qua thì nó sẽ có những tác động tiêu cực đến hoạt động học tập và cuộc sống của bản thân. Ngoài ra, yêu cầu quản lí tài chính là một điều không thể thiếu đối với SV khi còn đi học, mặc dù chưa có nhiều các khoản thu chi nhưng đây cũng là cơ hội để SV thực hành việc nắm “tay hòm chìa khóa” cho chính mình và cho gia đình sau này. Một cơ sở không kém phần quan trọng khi nghiên cứu về kĩ năng, đó là dựa vào sự đánh giá của một yếu tố khách quan bên cạnh sự đánh giá chủ quan của chủ thể. Trong trường hợp này, yếu tố khách quan đó chính là đội ngũ cán bộ quản lí và giảng viên các trường ĐH - những người thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với SV. Điểm trung bình chung 20 kĩ năng mà SV tự đánh giá là 3,59 - nằm ở phía đầu của khoảng “cao”, hay có thể nói là khá cao thì đội ngũ cán bộ quản lí và giảng viên cho 3,23 điểm - mức “trung bình”. Trong khi SV tự cho rằng 18/20 kĩ năng mềm mà đề tài đưa ra là “cao”, chỉ có 2 kĩ năng ở mức “trung bình” thì cán bộ quản lí và giảng viên cho rằng tất cả 20/20 kĩ năng mềm mà đề tài đưa ra thì SV mới chỉ đạt được ở mức “trung bình”. Nhận định chung về thực trạng này, cô N.H ở Trường ĐHSP TPHCM cho biết: “Không thể phủ nhận việc SV có quan tâm nhiều hơn đến kĩ năng mềm. Bằng chứng là các khóa huấn luyện kĩ năng mềm luôn thu hút đông đảo SV tham gia. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì kĩ năng mềm của SV vẫn còn nhiều hạn chế. Có những kĩ năng mềm rất căn bản và cần thiết với SV như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề nhưng SV vẫn chưa nắm vững nên vẫn còn lúng túng khi tham gia vào các hoạt động chung hay khi gặp phải những vấn đề trong học tập, cuộc sống”. Rõ ràng, theo nhận định của cán bộ quản lí và giảng viên thì mức độ kĩ năng mềm của SV mới chỉ dừng lại ở mức “trung bình” và cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa. 3. Kết luận Nhìn chung, trong số 20 kĩ năng mềm mà đề tài đưa ra, SV có thể khá thuần thục ở một vài kĩ năng nhưng đa phần SV còn khó khăn, lúng túng khi thực hành. Do đó, có thể nhận định rằng, mức độ kĩ năng mềm của SV nhìn chung còn chưa cao. Kết quả nghiên cứu này có thể xem là bức tranh khá khái quát để nhìn nhận chung về thực trạng kĩ năng mềm của SVĐHSP. Kết quả nghiên cứu này đặt ra những thách thức và nhiệm vụ khá quan trọng đối với lãnh đạo, giảng viên các trường ĐHSP trong công tác phát triển kĩ năng mềm cho SV một cách có hiệu quả. Điều này góp phần tạo nên một nền tảng thực sự vững chắc để SV có thể thực hiện hết trách nhiệm và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục trong một bối cảnh đầy thử thách ở tương lai. 27 Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TPHCM   Số 39 năm 2012  _____________________________________________________________________________________________________________  TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thanh Bình (2007), Giáo trình giáo dục kĩ năng sống, Nxb ĐHSP Hà Nội. 2. Daniel Goleman (1998), Trí tuệ xúc cảm trong công việc, Nxb Tri thức, Hà Nội. 3. Phương Liên, Minh Đức (2009), Kĩ năng sống để làm chủ bản thân, Nxb Trẻ, TPHCM. 4. Huỳnh Văn Sơn (2009), Nhập môn kĩ năng sống, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Huỳnh Văn Sơn (2009), Bạn trẻ và kĩ năng sống, Nxb Lao động - Xã hội. 6. Huỳnh Văn Sơn (2010), Mô hình kĩ năng sống hiện đại, Trường Đội Lê Duẩn, Hà Nội. 7. Huỳnh Văn Sơn (2011), Thực trạng kĩ năng sống của sinh viên một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2010, mã số B.2010. 19.64, Trường ĐHSP TPHCM. 8. Huỳnh Văn Sơn (chủ biên) (2011), Kĩ năng làm việc nhóm, Nxb Trẻ, TPHCM. 9. Huỳnh Văn Sơn (2012), Kĩ năng mềm cho SV đại học sư phạm, Nxb Giáo dục. 10. Huỳnh Văn Sơn (2012), “Thực trạng kĩ năng giải quyết vấn đề của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong thực tập sư phạm đợt một theo hình thức gửi thẳng”, Đề tài khoa học cơ sở năm 2012, mã số CS.2012.19.56, Trường ĐHSP TPHCM. (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 23-5-2012; ngày phản biện đánh giá: 01-6-2012; ngày chấp nhận đăng: 08-8-2012)  28

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf03_huynh_van_son_3531.pdf