2. Hai vụ việc có liên quan đến quyền liên quan
2.1. Vụ việc 1:
2.1.1. Tóm tắt vụ việc
Ngày 27/10/2008, tại TP.HCM, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã tổ chức họp báo công bố vụ kiện lớn nhất của hiệp hội này đối với nhãn hàng điện thoại di động Nokia vì đã sử dụng hàng chục ngàn ca khúc do các thành viên hiệp hội sản xuất với mục đích kinh doanh nhưng không xin phép.
Phía RIAV nêu ra là hãng điện thoại Nokia đã sử dụng 10.446 ca khúc của các thành viên trong hiệp hội vào mục đích kinh doanh, trục lợi (tặng thẻ mật mã để download miễn phí cho những khách hàng mua điện thoại Nokia dòng sản phẩm 5320 Express music). Các thành viên hiệp hội khẳng định, với một kho ca khúc (của hầu hết các nhà sản xuất băng đĩa nhạc VN hiện nay) tương đối lớn như vậy nhưng Nokia không có bất kỳ lời xin phép hay động thái thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho chủ sở hữu tác phẩm là các trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, trước khi đưa vào sử dụng .
11 trang |
Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 7163 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sưu tầm 2 vụ việc tranh chấp về quyền liên quan, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay tình trạng vi phạm những quyền này diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… Tình trạng này gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tìm hiểu những vụ việc tranh chấp về quyền liên quan sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về những khó khăn trong thực tế của việc bảo hộ quyền liên quan. Đây chính là lí do chúng em chọn đề tài “Sưu tầm 2 vụ việc tranh chấp về quyền liên quan. Vận dụng kiến thức đã học để phân tích và đưa ra quan điểm của nhóm về hướng giải quyết”. Với trình độ hiểu biết cũng như kiến thức còn hạn chế bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong thầy cô quan tâm chỉ bảo để bài làm của chúng em có thể hoàn thiện hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
Vài nét khái quát về quyền liên quan
Căn cứ pháp lí
Luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành giữa các chủ thể trong việc tạo ra, sử dụng và chuyển giao các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, gồm các quan hệ về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó quyền liên quan
được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật cụ thể sau:
- Các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc gia nhập: ví dụ như Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, chống sao chép bất hợp pháp bản ghi âm năm 1971; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát sóng năm 1961; Công ước Brussels về truyền tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá năm 1974.
- Bộ Luật Dân sự: Quyền tác giả và cụ thể hơn quyền liên quan được quy định tại phần thứ sáu Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Chương XXXIV quyền tác giả và quyền liên quan từ điều 736 đến điều 749- BLDS. Với các quy định chung của BLDS tạo cơ sở để các văn bản pháp luật khác điều chỉnh tới quyền tác giả và quyền liên quan được chi tiết hơn.
- Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và các nghị định liên quan: Quyền tác giả và quyền liên quan được quy định cụ thể rõ ràng tại luật sở hữu trí tuệ, chi tiết tại phần thứ hai quyền tác giả và quyền liên quan, bao gồm các Điều Luật từ Chương I đến chương VI, tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan trong thực tiễn. Bên cạnh đó thì quyền liên quan cũng được quy định trong các nghị định như: Nghị định 100/2006/ NĐ- CP của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan(sau đây gọi tắt là Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ) (hiện đã có Nghị định 85/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan tuy nhiên đến ngày 10/11/2011 Nghị định này mới có hiệu lực); Nghị định 47/2009/NĐ-CP của Chính Phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
- Ngoài ra, các luật chuyên ngành như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hoá, Luật Điện ảnh, Pháp lệnh Thư viện, Pháp lệnh Quảng cáo cũng có các quy định liên quan, phù hợp với từng chuyên ngành và các quy định tại Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan, Pháp lệnh Xử phạt Hành chính cũng có các quy định liên quan tới quyền tác giả và quyền liên quan tuỳ theo tính chất và phạm vi điều chỉnh của mỗi luật.
Như vậy, xét về mặt hệ thống, các quy định của Pháp luật Việt Nam quyền liên quan đã được ban hành khá đồng bộ, đủ sức điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền liên quan tại quốc gia và tạo tiền đề pháp lý cho hội nhập kinh tế quốc tế.
Nội dung quyền liên quan.
Quyền liên quan được giải thích tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 100/2006/NĐ-CP là: “ Quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mạng chương trình được mã hóa”.
Chủ thể của quyền liên quan là cá nhân, tổ chức đóng vai trò sử dụng tác phẩm, tạo ra những sản phẩm sáng tạo để công chúng có thể thưởng thức các tác phẩm văn học một cách hiệu quả, ấn tượng. Bao gồm: Người biểu diễn; Tổ chức phát sóng; Nhà xuất bản ghi âm, ghi hình.
Đối tượng bảo hộ quyền liên quan bao gồm những đối tượng sau: cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. (Điều 17 Luật SHTT Nội dung quyền liên quan chính là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể của quyền liên quan. Quyền và nghĩa vụ này được quy định cụ thể trong Luật SHTT và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Để hiểu sâu hơn về quyền liên quan cũng như vấn đề bảo hộ quyền liên quan, chúng ta cùng đi vào xem xét 2 vụ việc sau:
2. Hai vụ việc có liên quan đến quyền liên quan
2.1. Vụ việc 1:
2.1.1. Tóm tắt vụ việc
Ngày 27/10/2008, tại TP.HCM, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã tổ chức họp báo công bố vụ kiện lớn nhất của hiệp hội này đối với nhãn hàng điện thoại di động Nokia vì đã sử dụng hàng chục ngàn ca khúc do các thành viên hiệp hội sản xuất với mục đích kinh doanh nhưng không xin phép.
Phía RIAV nêu ra là hãng điện thoại Nokia đã sử dụng 10.446 ca khúc của các thành viên trong hiệp hội vào mục đích kinh doanh, trục lợi (tặng thẻ mật mã để download miễn phí cho những khách hàng mua điện thoại Nokia dòng sản phẩm 5320 Express music). Các thành viên hiệp hội khẳng định, với một kho ca khúc (của hầu hết các nhà sản xuất băng đĩa nhạc VN hiện nay) tương đối lớn như vậy nhưng Nokia không có bất kỳ lời xin phép hay động thái thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho chủ sở hữu tác phẩm là các trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc, trước khi đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, Nokia không đồng ý với những cáo buộc trên của RIAV, đại diện phát ngôn của nhãn hàng này cho rằng: “Nokia đã ký kết một hợp đồng thương mại với FPT mua các mã kích hoạt để khách hàng Nokia tải các bài hát từ dịch vụ âm nhạc trực tuyến hiện tại của FPT. Dịch vụ và website âm nhạc trực tuyến được FPT online sở hữu và điều hành. Nokia tôn trọng mọi quyền sở hữu trí tuệ và như một phần trong những thảo luận về hợp đồng kinh doanh với FPT, Nokia luôn nhấn mạnh rằng phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền” . Nokia đã giải thích cho RIAV rằng Nokia không phải là chủ sở hữu và không kiểm soát nội dung hiện có trên dịch vụ âm nhạc trực tuyến hiện tại của FPT. Nokia đã yêu cầu FPT trực tiếp giải quyết vấn đề này với RIAV, đồng thời khuyến khích RIAV và FPT đạt được một giải pháp hữu nghị. Tuy nhiên, một thời gian sau Nokia vẫn chưa cung cấp cho RIAV bản hợp đồng giữa họ với FPT online.
Phía RIAV khẳng định, họ không cần biết FPT online liên quan gì trong vụ việc này mà chỉ biết đến Nokia là đối tượng xâm hại tác quyền của họ bởi doanh nghiệp này đã sử dụng các bản ghi âm của RIAV trong đợt khuyến mãi dòng điện thoại Nokia Xpress Music mà chưa được sự đồng ý của RIAV. Sở dĩ RIAV chưa kiện FPT vì đơn vị này vẫn còn nhiều vi phạm khác về mặt bản quyền.
2.1.2 Nhận xét của nhóm
Nhóm em tìm hiểu vụ việc này qua những bài báo có liên quan trên mạng. Do tính phức tạp của vụ việc và những thông tin trái ngược của những chủ thể có liên quan trong vụ việc nên nhóm chỉ tập trung phân tích và đi vào nhận xét hành vi của các chủ thể dựa trên kiến thức đã học.
Tại khoản 6 điều 4 Nghị định của Chính phủ số 100/2006/NĐ-CP giải thích: “Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác.”. Xem xét tình huống trên ta thấy:
Về Phía RIAV:
RIAV- Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN là tổ chức định hình lần đầu âm thanh , do đó RIAV có đầy đủ các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình theo Điều 30 luật SHTT và các bên sử dụng bản ghi âm, ghi hình phải xin phép RIAV, trừ trường hợp quy định tại Điều 33- luật SHTT.
Trong tình huống trên, RIAV đã thực hiện đúng quyền của nhà sản xuất ghi âm, ghi hình trong việc được khởi kiện quyền dân sự về quyền liên quan đến quyền tác giả việc NOKIA đã sử dụng các ca khúc của mình để kinh doanh, thương mại mà không trả tiền nhuận bút, thù lao cho RIAV theo khoản 1 Điều 44 Nghị định 100/2006 NĐ- CP.
Về phía NOKIA .
Thứ nhất, việc sử dụng 10.446 ca khúc của các thành viên trong hiệp hội RIAV vào mục đích kinh doanh, trục lợi (tặng thẻ mật mã để download miễn phí cho những khách hàng mua điện thoại Nokia dòng sản phẩm 5320 Express music: đây là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh, thương mại, là một biện pháp sử dụng hình thức khuyến mại để khách hàng mua dòng điện thoại NOKIA 5320 Express music.
Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao: 1.Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Và Điều 35 nghị định số 100/2006/NĐ-CP: Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác.
Do đó ,việc NOKIA sử dụng các bản thu âm của RIAV, quá trình sử dụng này NOKIA không cần phải xin phép RIAV nhưng NOKIA phải trả tiền bản quyền, tiền nhuận bút, thù lao cho RIAV. Việc hợp đồng giữa NOKIA và FPT hoàn toàn tách riêng trong tranh chấp giữa NOKIA và RIAV. Hợp đồng này không ảnh hưởng tới việc RIAV kiện NOKIA. NOKIA đã sử dụng các bản thu âm mà RIAV đã thực hiện lần đầu tiên, mang dấu ấn riêng của RIAV nên khi sử dụng các bản thu âm này vào mục đích khuyến mại cho khách hàng NOKIA phải trả tiền thù lao, nhuận bút cho RIAV.
NOKIA đã sử dụng 10.446 ca khúc nhằm mục đích khuyến mại nên NOKIA phải trả tiền thù lao, tiền nhuận bút cho RIAV. RIAV đã kiện NOKIA ra tòa, NOKIA sẽ phải trả tiền thu lao, tiền nhuận bút thỏa đáng cho RIAV. Ngoài ra, NOKIA còn bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng về hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại đã công bố không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu theo khoản 1điều 36, nghị định 47/2009/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thứ hai, về lời phát ngôn của đại diện của Nokia đó là: “tôn trọng mọi quyền sở hữu trí tuệ và như một phần trong những thảo luận về hợp đồng kinh doanh với FPT, Nokia luôn nhấn mạnh rằng phải tuyệt đối tuân thủ mọi luật địa phương về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền”: Nhưng trên thực tế họ không làm đúng như vậy, khi thực hiện chương trình Nokia Music, Nokia đã không tìm đến chủ sở hữu của các tác phẩm âm nhạc ghi âm này là các hãng sản xuất băng, đĩa nhạc để thương thảo về bản quyền mà tìm đến một đơn vị thứ 3. Trong khi đơn vị thứ 3 này không hề có tư cách pháp nhân là đại diện cho quyền tác giả của các tác phẩm âm nhạc ghi âm này. Nokia là một thương hiệu toàn cầu chẳng lẽ không quan tâm và tuân thủ những gì mà luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của nhà nước sở tại đã quy định? Có thể nói rằng vì mục đích lợi nhuận, Nokia đã cố tình phớt lờ khía cạnh luật pháp.
Thứ ba, hợp đồng giữa Nokia và FPT online: Hợp đồng này nếu có cũng là hợp đồng vi phạm pháp luật, nên những ràng buộc của Nokia với FPT online đều không có giá trị về mặt pháp lý. Một hợp đồng được lập ra để tiêu thụ hàng gian thì hợp đồng ấy đương nhiên vô hiệu. Nếu vụ kiện được tòa án thụ lý thì Nokia là bị đơn còn FPT online, nếu có, chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thứ tư, hành vi “Nokia đã yêu cầu FPT trực tiếp giải quyết vấn đề này với RIAV và khuyến khích RIAV và FPT đạt được một giải pháp hữu nghị”. Nhóm em cho rằng Nokia không thể đá trái bóng trách nhiệm này cho FPT online. Bởi, cho đến thời điểm sau đó Nokia vẫn không trình ra hợp đồng ký kết giữa họ với FPT online. Mặt khác, ta không cần biết đến FPT online liên quan gì trong vụ việc này mà chỉ biết đến Nokia là đối tượng xâm hại tác quyền của RIAV, vi phạm điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ.
Qua những hành vi trên ta thấy, Nokia là đơn vị trực tiếp vi phạm quyền liên quan đối với những sản phẩm của RIAV do đó Nokia có trách nhiệm trả tiền bản quyền và bồi thường thỏa đáng cho phía RIAV.
Trong những năm gần đây ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ phá sản với vô vàn khó khăn và thách thức. Không chỉ khốn đốn với nạn băng đĩa lậu tồn tại từ lâu, sự phát triển chóng mặt của công nghệ số và Internet mang đến tiện ích cho người sử dụng nhưng cũng mở ra các lối đi khác cho nạn xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Các vụ kiện tụng diễn ra nhiều hơn, các bên cam kết bồi thường nhưng rồi sau đó lại vi phạm. Qua vụ kiện trên ta thấy, khi kiện tụng, ngoài việc bồi thường, điều quan trọng đầu tiên là bên sai phạm phải có thái độ thành khẩn, thể hiện thiện chí tôn trọng pháp luật. Việc kiện khi đã họp báo đưa ra công luận, nó không còn là chuyện riêng của cá nhân hoặc của một đơn vị nữa mà đó còn là việc đấu tranh cho sự công bằng của công lý, để thiết lập kỷ cương cho xã hội.
2.2 Vụ việc 2
2.2.1. Tóm tắt vụ việc.
Ngày 9/8/2006 ,Công ty TVPlus kí hợp đồng mua bản quyền phát sóng độc quyền cuộc thi “Hoa hậu Thế giới 2006” tại Việt Nam với hãng Zeal Television của Anh (hãng độc quyền cung cấp bản quyền phát sóng chương trình Hoa hậu Thế giới 2006 trên phạm vi toàn thế giới). Sau đó, Cty ký hợp đồng nhượng lại bản quyền phát sóng độc quyền này cho VTV trong thời hạn 1 năm (từ ngày 1/9/2006 đến ngày 31/8/2007). Theo đó thì: Chương trình Hoa hậu thế giới 2006 do Công ty TVPlus nắm bản quyền (Nhà tài trợ: Nhãn hàng Eversoft Total Defence), phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng các chương trình: “Hoa hậu Bãi biển” (phát sóng 22 giờ 50 ngày 25/9, kênh VTV3); “Hoa hậu Tài năng” (được phát sóng 22 giờ 50 ngày 29/9, kênh VTV3); Đêm chung kết (phát sóng 20 giờ - 22 giờ ngày 1/10 trên kênh VTV3). Và cuối cùng là chương trình “Bình chọn Hoa hậu Khu vực châu Á – Thái Bình Dương” (Phát sóng lúc 20 giờ ngày 30/9 trên VTV1).
Tuy nhiên, khi đài VTV3 mới chỉ phát sóng được 2 buổi thi Hoa hậu bãi biển và Hoa hậu tài năng thì VTC đã "nhanh chân" hơn, thu lại chương trình đêm chung kết từ kênh StarWorld và phát vào trưa 1/10 trên VTC1. Sự việc nêu trên của VTV đã vi phạm vào bản quyền phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam ( VTV) và gây ra thiệt hại trực tiếp cho VTV cùng với phía đối tác của VTV là các nhà tài trợ và quảng cáo.
Ngày 2/10/2006, Tvplus đã chính thức gửi báo cáo tới Zeal Television (Anh) về vụ việc Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (KTS VTC) khai thác trái phép bản quyền chương trình này trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Ngày 3-10, TV Plus đã nhận được thư trả lời của Zeal Television xác nhận việc TV Plus được độc quyền khai thác bản quyền phát sóng cuộc thi Hoa hậu thế giới 2006 tại Việt Nam.
Chiều (4/10), VTC đã chủ động “đàm phán” với các bên liên quan để giải quyết vụ việc. Tại cuộc họp các bên đã thống nhất với nhau giải quyết vụ vi phạm trên quan điểm hòa giải. VTC cũng đã thừa nhận vi phạm trong vụ việc này. VTC cam kết sẽ đền bù những thiệt hại cho các đối tác của TV Plus trong vụ việc này.
Nhận xét của nhóm
Do giữa hai bên đã có chọn cách thương lượng, đàm phán để giải quyết vụ việc nên trong bài làm của mình chúng em sẽ không đi tìm hướng giải quyết mà đi vào phân tích, nhận xét hành vi của các bên trong vụ việc trên.
Trước hết ta khẳng định: Việt Nam đã tham gia vào công ước quốc tế về bản quyền và phát sóng nên chúng ta cần phải tôn trọng nghiêm túc và triệt để vấn đề bản quyền đã được quy định trong các Điều ước quốc tế mà nước ta đã kí kết cũng như pháp luật quốc gia điều chỉnh về vấn đề này .
Trong vụ việc trên ta thấy: Công ty Tvplus đã kí hợp đồng mua bản quyền phát sóng độc quyền cuộc thi “Hoa hậu Thế giới 2006” tại Việt Nam với hãng Zeal Television của Anh (hãng độc quyền cung cấp bản quyền phát sóng chương trình Hoa hậu Thế giới 2006 trên phạm vi toàn thế giới) và sau đó đã ký hợp đồng nhượng lại bản quyền phát sóng độc quyền này cho VTV trong thời hạn 1 năm (từ ngày 1/9/2006 đến ngày 31/8/2007). Điều 31 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “ Quyền của tổ chức phát sóng
Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
A, Phát sóng , tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
B, Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;
C, Định hình chương trình phát sóng của mình.”
Và theo Điều 13 công ước Rome năm 1961 cũng quy định: “ quyền tối thiểu của các tổ chức phát sóng
Các tổ chức phát sóng có quyền ủy thác hoặc cấm
a,Tái phát sóng các buổi phát sóng của họ;
b, Định hình các buổi phát sóng của họ;
c,Sao chép:
Các bản định hình của các buổi phát sóng của họ, không có sự thỏa thuận;
Các bản định hình các buổi phát sóng của họ thực hiện theo quy định của Điều 15 nhưng không phục vụ mục đích khác với mục đích đã nêu trong các quy định đó.”
Như vậy, Đài Truyền hình Việt Nam hoàn toàn được phát sóng độc quyền chương trình Hoa hậu thế giới 2006 trên tất cả các hệ thống truyền hình, bao gồm truyền hình quảng bá, truyền hình cáp và truyền hình kĩ thuật số, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi đài VTV3 mới chỉ phát sóng được 2 buổi thi Hoa hậu bãi biển và Hoa hậu tài năng thì VTC đã "nhanh chân" hơn, thu lại chương trình đêm chung kết từ kênh StarWorld và phát vào trưa 1-10 trên VTC1.
Ta thấy, nếu phía VTC có ký hợp đồng phát sóng chương trình “Hoa hậu Thế giới” với nhà cung cấp dịch vụ nào cũng có bản quyền phát sóng chương trình này thì rõ ràng họ được phép phát sóng chương trình này. Tuy nhiên đó chỉ là giả sử bởi “ phía Zeal Television cũng đã xác nhận việc TV Plus được độc quyền khai thác bản quyền phát sóng cuộc thi Hoa hậu thế giới 2006 tại Việt Nam” nên bất kể đơn vị nào khác truyền phát sóng lại mà không được phép của đơn vị đã mua bản quyền thì họ đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng, Khoản 10, Điều 35 Luật SHTT chỉ rõ: “cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp” thì sẽ được xem là có “hành vi xâm phạm” đến các quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, VTC phải có trách nhiệm bồi thường về các thiệt hại cho VTV bởi hành vi vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của họ và gây ra thiệt hại trực tiếp cho VTV bởi lẽ sự độc quyền phát sóng không còn nữa, có nghĩa là đã họ đã vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ.
Thực tế vấn đề vi phạm bản quyền ở nước ta còn diễn ra thường xuyên và khi đó các bên liên quan thường không đưa vụ việc ra Tòa án để giải quyết mà chỉ giải quyết bằng phương pháp thỏa thuận để giải quyết tranh chấp. Từ đó thấy được ý thức thực thi bản quyền còn bị xem nhẹ. Chủ yếu là cam kết không tái phạm, cam kết đền bù tổn thất cho bên bị thiệt hại... và sau khi đền bù ổn thỏa thì mọi chuyện lại lắng xuống. Vấn đề thưa kiện thực sự không được chú trọng, Pháp luật được đề ra nhưng không được coi trọng và không được thực thi nghiêm túc chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm bản quyền phát sóng vẫn liên tiếp diễn ra.
Trong trào lưu truyền hình trả tiền phát triển nhanh chóng như hiện nay, chuyện sống còn với một kênh truyền hình chính là vấn đề định hình kênh và có bản quyền phát sóng các chương trình hấp dẫn. Tuy nhiên vấn việc vi phạm về độc quyền phát sóng lại diễn ra thường xuyên, điển hình như vụ việc trên. Do đó đã đến lúc, các đơn vị kinh doanh truyền hình phải thực hiện nghiêm túc vấn đề bản quyền phát sóng và nên xem đó là chủ trương và chiến lược kinh doanh. Bởi nếu không, sẽ phải đối mặt với kiện thưa đồng nghĩa với việc mất uy tín kinh doanh trong và ngoài nước. Nên chăng, có sự phối hợp tốt hơn giữa các đầu mối cung cấp bản quyền, và các nhà đài nên bắt tay nhau bàn thảo, thương lượng việc mua bản quyền phát sóng các chương trình của nước ngoài; vừa giảm chi phí, vừa có thể phục vụ được đại đa số người dân.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Từ các vụ việc tìm hiểu trên, chúng ta có thể thấy trong thời kỳ phát triển công nghệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền liên quan đến quyền tác giả cần được quan tâm đến nhiều hơn trong việc sử dụng và bảo hộ các đối tượng của quyền liên quan. Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng đối tượng của quyền liên quan và các chủ sở hữu quyền liên quan cần nâng cao pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm tránh các vụ việc tranh chấp về quyền liên quan, tạo môi trường lành mạnh để kinh doanh hiệu quả hơn.
Với thời đại phát triển về công nghệ hiện nay, pháp luật về sở hữu trí tuệ cần hoàn thiện hơn nữa các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan để phù hợp với pháp luật quốc tế và tạo hành lang pháp lý quan trọng cho cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện một cách hiệu quả.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật sở hữu trí tuệ, Nxb. CAND, Hà Nội 2009.
Bộ luật dân sự năm 2005.
Luật sở hữu trí tuệ năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Nghị định số 100/2006/ NĐ- CP của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.
Nghị định số 47/2009/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định 85/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan
Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, chống sao chép bất hợp pháp bản ghi âm năm 1971.
Công ước Brussels về truyền tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá năm 1974
Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Sưu tầm 2 vụ việc tranh chấp về quyền liên quan Vận dụng kiến thức đã học để phân tích và đưa ra quan điểm của nhóm về hướng giải quyết (9diem).doc