Sơ lược quá trình nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh trong giới nghiên cứu ở Việt Nam

Nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh quả là một vấn đề không đơn giản, bởi vì ngay trong chính kiến của Phan Châu Trinh cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, người đời sau nhận thức con đường cứu nước của ông cũng rất khó khăn. Mỗi người nhìn ở mỗi góc độ khác nhau, khai thác những khía cạnh khác nhau mà phát biểu khác nhau. Qua nhiều giai đoạn nhận thức với những ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí có khi còn mâu thuẫn nhau, tựu trung lại, chúng ta thấy có ba nhóm ý kiến như sau: Nhóm thứ nhất không bình luận về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh mà chỉ nhấn mạnh lòng yêu nước và hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân của ông, đó là đa số các học giả trong nước, những bạn bè, chí sĩ cùng sát cánh bên ông như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Nhóm thứ hai cho rằng chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh là hạn chế, là sai lầm, là thoả hiệp với Pháp, đại diện nhóm này là Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Kiệm. Nhóm thứ ba cho rằng chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh là thích hợp, là sáng kiến và cách mạng mà đại diện như Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Dương. Các ông đều cho rằng, những đề xướng cải cách của Phan Châu Trinh không hề mang tính thoả hiệp mà mang tính tiến công và có ý nghĩa sâu sắc của một cuộc cách mạng thực sự.

pdf7 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 664 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sơ lược quá trình nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh trong giới nghiên cứu ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 03(11)/2009: tr. 109-115 SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VỀ CHỦ TRƯƠNG CỨU NƯỚC CỦA PHAN CHÂU TRINH TRONG GIỚI NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM TRẦN THỊ KIM QUY Học viên Cao học, Trường ĐHSP - Đại học Huế Tóm tắt: Phan Châu Trinh là một chí sĩ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Vấn đề chủ trương cứu nước của ông đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập. Bài viết này giới thiệu một cách sơ lược quá trình nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. 1. MỞ ĐẦU Phan Châu Trinh là một trong những sĩ phu yêu nước tiến bộ tiêu biểu đầu thế kỷ XX. Chủ trương cứu nước của ông đã có tác động mạnh đến sự phát triển của lịch sử dân tộc và trở thành đối tượng nghiên cứu của sử học trong và ngoài nước. Từ trước đến nay có rất nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu về chủ trương cứu nước của cụ Phan Châu Trinh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh ngày càng được các học giả, các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm đánh giá lại vì nhiều khía cạnh của chủ trương này mang tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta hiện nay. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả cố gắng khái quát lại những điểm nổi bật nhất trong quá trình nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh qua các thời kỳ lịch sử. 2. NỘI DUNG Việc ghi chép lại cuộc đời và sự nghiệp cũng như một số nhận xét, đánh giá về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh đã có từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 và chủ yếu là do những người bạn cùng sát cánh với ông trong quá trình thực hiện đường lối cứu nước thực hiện. Có thể liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu như: Một lần hầu chuyện cụ Phan Chu Trinh của Nam Kiều; Phan Tây Hồ di thảo của Ngô Đức Kế (1927);, Chuyện lý trưởng Lê Cơ của Huỳnh Thúc Kháng (1932); Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng (1957), Tự phán của Phan Bội Châu (1957)... Trong thời kì đầu tiên này, việc nghiên cứu về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh mới chỉ là những phác họa, chủ yếu là những tâm sự gửi gắm tình cảm của mọi người đối với Phan Châu Trinh, nhưng rất quan trọng và đáng quý. Nguồn tư liệu ở đây là do những chiến hữu, bạn bè cùng thời của ông để lại nên có độ tin cậy và tính chính xác cao. Những người nghiên cứu sau này đều coi đây là những căn cứ đầu tiên để tìm hiểu và phát triển thêm những khía cạnh mới. Trong thời gian từ 1954 đến 1975, ở miền Bắc và ở miền Nam đều có những tác phẩm, những bài nghiên cứu về Phan Châu Trinh. TRẦN THỊ KIM QUY 110 Tại miền Bắc, trong điều kiện hoà bình, việc nghiên cứu về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh cũng như nghiên cứu về phong trào Duy tân bắt đầu được coi trọng, đầu tiên là Tập san Nghiên cứu Văn - Sử - Địa năm 1957-1958, tiếp đến là những công trình nghiên cứu khác như:, Lịch sử 80 năm chống Pháp của Trần Huy Liệu (1956 - tập I, 1958 - tập II);, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh của Tôn Quang Phiệt (1956); Lịch sử Việt Nam (1919-1920) của Hồ Song (1972) v.v... Trong các tác phẩm này, các tác giả tập trung đánh giá về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh, đa số đều cho rằng tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh hồi đầu thế kỉ XX là tư tưởng cải lương, xa rời thực tế, và nói chung là chưa đánh giá hết những đóng góp của cụ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX. Trong hai năm 1964-1965 đã diễn ra cuộc thảo luận đầu tiên ở miền Bắc về Phan Châu Trinh. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử từ số 66 đến 69/1964 và các số từ 70 đến 73/1965 đã có rất nhiều bài viết về Phan Châu Trinh, trong đó có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về chủ trương cứu nước của ông, đáng chú ý là bài Kết thúc cuộc thảo luận về Phan Chu Trinh của Văn Tạo trong Nghiên cứu Lịch sử số 76, năm 1965. Bài viết đã góp phần đánh giá một cách khái quát quá trình nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh trong giai đoạn này. Qua tổng hợp các ý kiến đánh giá trong giai đoạn này, có thể thấy những vấn đề cơ bản sau: Trước hết, về việc Phan Châu Trinh phản ánh một trào lưu tư tưởng nào của thời đại xã hội Việt Nam? Các tác giả đều nhất trí rằng Phan Châu Trinh là người đại diện cho phong trào cách mạng thuộc phạm trù dân tộc dân chủ chống đế quốc và chống phong kiến. Căn cứ vào tính chất và yêu cầu của thời đại, có thể thấy rằng Phan Châu Trinh tìm phương cứu nước, đề xướng dân quyền, yêu cầu mở mang dân trí, chống tệ hại của bọn vua quan phong kiến đương thời, có đả kích đến một mức độ nhất định chế độ thực dân phong kiến với lòng mong muốn nước nhà được phồn vinh, đều đã phản ánh đúng yêu cầu của thời đại, cố nhiên chưa phải là đầy đủ và toàn diện. Thứ hai, hầu hết mọi người tham gia thảo luận dẫu có phê phán mặt này mặt khác, đánh giá tác dụng hoạt động cứu nước của Phan Châu Trinh cao thấp có khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở chỗ Phan Châu Trinh trước hết là một nhà yêu nước. Đánh giá tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh, ông Tôn Quang Phiệt viết: "Phan-chu- Trinh là một người thành thực yêu nước và muốn giúp ích cho nước, nghĩa là muốn đuổi bọn cướp nước là thực dân Pháp, đánh đổ quan lại của chế độ thối nát Nam triều thành lập một nước Việt-nam độc lập dân chủ giầu mạnh" [1, 11], ông Duy Minh viết: "Xét chủ trương chính trị của Phan-chu-Trinh, chúng ta thấy có những thiếu sót, khuyết điểm. Nhưng đến cuộc đời cụ Phan, chúng ta thấy cụ là một người yêu nước chân chính" [2, 18]. Ngay một số người gần như phủ định hoàn toàn tác dụng tích cực của những hoạt động của Phan Châu Trinh cũng vẫn công nhận Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước, như tác giả Hưng Hà, sau khi phê phán Phan Châu Trinh vẫn mấy lần nhắc đi nhắc lại rằng: “Phan-chu-Trinh là một nhà yêu nước nhiệt thành” [3, 24]. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VỀ CHỦ TRƯƠNG CỨU NƯỚC CỦA PHAN C. TRINH... 111 Thứ ba, xoay quanh vấn đề “Phan Châu Trinh đại diện cho tầng lớp, giai cấp nào?” có rất nhiều lập luận khác nhau nhưng tất cả đều thừa nhận, tuy ở mức độ khác nhau là: "Phan- chu-Trinh là một sĩ phu phong kiến yêu nước, tiếp thu ý thức tư tưởng tư sản dân chủ mà đề xướng phong trào" [4, 15]. Lập trường đó bắt nguồn từ cơ sở xã hội ở trong nước là chủ yếu. Trên cơ sở xã hội đó ông đã tiếp thu lý luận dân chủ tư sản từ phương Tây tràn sang qua các tân thư, tân văn và đề xướng ra yêu cầu dân chủ tư sản ở Việt Nam. Thứ tư, bàn về lập trường phản đế, phản phong của Phan Châu Trinh thì trong cuộc thảo luận cũng có những phân tích trái ngược nhau nhưng rồi đã đi đến điểm chung rằng: "Phan Châu Trinh đã phản đế và phản phong, nhưng phản đế thì bạc nhược, còn phản phong thì không triệt để. Về mức độ thì ông nặng về phản phong hơn phản đế và đã có chủ trương ảo tưởng là dựa vào đế quốc Pháp để chống phong kiến. Ông coi nhiệm vụ chống phong kiến là chủ yếu, đó là điều không phù hợp với yêu cầu của lịch sử nên cả tác dụng phản đế và phản phong đều bị hạn chế" [4, 23]. Thứ năm, đối với nhận định về tác dụng và ảnh hưởng của Phan Châu Trinh đối với phong trào cách mạng đương thời thì cuối cùng tất cả đều cho là có tác dụng tích cực, do yêu cầu dân chủ tư sản mà ông đề xướng là phù hợp với yêu cầu của thời đại, phù hợp với bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, nó đã có tác dụng cổ vũ phong trào quần chúng, đề ra những cải cách trong phạm vi có thể của mình như cải cách phong tục, đẩy mạnh tân học, phát triển công thương. Rõ ràng từ sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, với ảnh hưởng của tư tưởng bạo động của Quốc tế Cộng sản thì cách nhìn nhận, đánh giá về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh bắt đầu có sự thay đổi theo một xu hướng mới, đó là xem con đường mà ông lựa chọn là cải lương và sai lầm. Ở miền Nam, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng có những bài viết, những đánh giá, tranh luận về các nhân vật, sự kiện lịch sử, mặc dù không phải tập trung ở những cuộc thảo luận sôi nổi như ở miền Bắc, mà chủ yếu là những tác phẩm được các tác giả tự xuất bản hay một số nhà in thời kỳ đó phát hành. Công trình nghiên cứu tiêu biểu nhất trong thời kỳ này là của tác giả Nguyễn Văn Xuân với Phong trào Duy Tân (1969). Trong tác phẩm này, tác giả giành phần lớn bàn về cuộc đời, tư tưởng và hoạt động của Phan Châu Trinh. Ngoài ra, tác giả còn nêu rõ vai trò của đoàn thể trong phong trào Duy tân mà trong đó Phan Châu trinh là người đã rút được bài học và hiểu được giá trị của nó. Đến đây chúng ta nhận thấy quan điểm của tác giả về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh khác hẳn với các quan điểm cùng thời kỳ này ở miền Bắc, tác giả cũng nêu thêm lý do vì sao có những nhận định chưa đúng về những đóng góp của các nhân vật hay các phong trào trong lịch sử. Theo tác giả, đó là do lối nghiên cứu phê phán, nhận định xưa vốn thiếu phương pháp, hệ thống, các nhà chính trị, nhà biên khảo chưa chịu nắm toàn bộ vấn đề và chưa nhận chân nguyên nhân, diễn tiến, bột phát v.v để theo dõi, sắp xếp. Tiếp đến là tác giả Phạm Văn Sơn với Việt-Nam cách mạng cận sử, Sài Gòn, 1963. Trong tác phẩm này, ban đầu cũng giống như các nhà nghiên cứu khác, ông cũng coi TRẦN THỊ KIM QUY 112 chủ trương này là cải lương, không tưởng nhưng ông cũng khẳng định: “Tuy nhiên không ai không nhận rằng cụ Tây-Hồ là người có tư-tưởng dân-chủ sớm hơn hết ở Việt- Nam lúc ấy, nhưng nói cho phải tư tưởng dân-chủ của cụ bấy giờ còn rất hạn-chế" [5, 435-436]. Và một khía cạnh mới mẻ hơn so với các nhận định trước đó về Phan Châu Trinh, đó là Phạm Văn Sơn đã nhận thấy tiến bộ của cụ Phan sau thời gian ở Pháp về. Như vậy, tác giả đã nhận thấy vai trò và ảnh hưởng lớn lao của những chí sĩ yêu nước, đặc biệt là Phan Châu Trinh đối với phong trào Duy tân và phong trào chống thuế ở Trung Kỳ hồi đầu thế kỷ XX. Từ sau năm 1975 đến nay, trong điều kiện đất nước được thống nhất, việc nghiên cứu các nhân vật, sự kiện lịch sử cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh cũng có sự phân hóa theo hai giai đoạn rõ rệt với hai cách đánh giá khác nhau. Cụ thể như sau: Từ 1975 đến 1986: Trong giai đoạn này có rất nhiều tác phẩm đề cập đến quá trình hoạt động của Phan Châu Trinh với những đánh giá và nhận định về chủ trương cứu nước của ông và hầu hết đều cho đó là tư tưởng cải lương, bất bạo động. Tiêu biểu là Trần Văn Giàu với tác phẩm Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám (1975). Mặc dù trong tác phẩm này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định rằng “Phan Chu Trinh, nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ” [6, 437], nhưng trước đó, cũng trong tác phẩm này, phần “Vấn đề bạo động và cải lương” thì tác giả lại nhấn mạnh tư tưởng cải lương trong chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh và khẳng định đây là một ảo tưởng sai lầm, có hại cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam: “Ông đặt vấn đề lập dân chủ mà không cần đặt vấn đề diệt thực dân trước, làm như đất nước Việt Nam không phải là thuộc địa, mà là mâu thuẫn giữa nhân dân và chế độ quân chủ. Như thế là sai lầm, trái cựa, lộn ngược. Phan Chu Trinh không biết đâu là kẻ thù chính” [6, 117]. Trong thời gian này cũng có giáo trình để giảng dạy và học tập ở trường đại học như: Nguyễn Văn Kiệm với cuốn Lịch sử Việt Nam (Đầu thế kỉ XX-1918) (1976). Ở giáo trình này, tác giả mặc dù ca ngợi Phan Châu Trinh là một nhà nho yêu nước chân chính, có nhiều suy nghĩ tiến bộ, có những đóng góp to lớn vào cuộc vận động cứu nước đầu thế kỉ XX, nhưng mặt khác tác giả lại nhận định con đường cứu nước của Phan Châu Trinh là sai lầm, là mang tư tưởng cải lương. Trong suốt một thời gian dài vấn đề nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí còn có cái nhìn hơi định vị và cứng nhắc, tiêu biểu là tác phẩm Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên, 1985). Các tác giả của cuốn sách đều cho rằng chỉ có Phan Bội Châu mới có sự thay đổi về quan điểm lập trường trong chủ nghĩa yêu nước, còn Phan Châu Trinh thì trước sau đều kịch liệt phản đối con đường bạo động của Phan Bội Châu và vẫn dừng lại ở lập trường dân tộc tư sản cải lương. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VỀ CHỦ TRƯƠNG CỨU NƯỚC CỦA PHAN C. TRINH... 113 Từ 1986 đến nay: Bắt đầu từ năm 1986, nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh bắt đầu thay đổi, đặc biệt là sau khi tìm hiểu thêm những tư liệu về quãng đời hoạt động của Phan Châu Trinh không chỉ ở trong nước mà cả 14 năm hoạt động tại Pháp được Tiến sĩ Thu Trang (Công Thị Nghĩa) công bố trong cuốn sách Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp (1911-1925) (1983). Và cũng từ đây có rất nhiều bài báo, nhiều bài đánh giá, nhiều tác phẩm viết về Phan Chu Trinh trên quan điểm mới. Có thể kể đến các tác phẩm sau: Trước hết là tập hợp các báo cáo tại Hội thảo toàn quốc về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng (từ 8-9/9/1992) với sự tham gia của rất nhiều nhà nghiên cứu trong cả nước với hơn 40 bài viết và phát biểu, tham luận về Phan Châu Trinh với cách nhìn mới mẻ về tư tưởng cứu nước của ông và những cống hiến của ông trong phong trào giải phóng dân tộc, cụ thể đó là tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh. Tiếp theo đó là những tác phẩm, những chuyên luận của các nhà nghiên cứu ở trong nước có những đánh giá thật cụ thể về Phan Châu Trinh, tiêu biểu như: Huỳnh Lý với cuốn Phan Chu Trinh - thân thế và sự nghiệp (1993). Trong tác phẩm này, Giáo sư Huỳnh Lý cũng đã đề cập đến chủ trương cứu nước của cụ Phan và tư tưởng dân chủ tiến bộ của cụ. Nổi bật là Tuyển tập Phan Chu Trinh (1995) do Nguyễn Văn Dương biên soạn dựa trên công trình của một nhóm các nhà nghiên cứu Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Huế do Nguyễn Văn Dương chủ trì, triển khai từ năm 1977. Qua Tuyển tập này, người đọc thấy Phan Châu Trinh không chỉ là người nhìn xa trông rộng, kiến thức hơn người, mà còn là người nhiệt thành, khẳng khái và quả quyết. Năm 1996, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho phát hành cuốn Tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Phan Chu Trinh của Đỗ Thị Hòa Hới. Đây là một cuốn sách có giá trị lớn trong việc đánh giá về tư tưởng dân chủ tiến bộ của Phan Chu Trinh vì nó góp phần làm sáng tỏ thêm nguồn gốc, nội dung, thực chất cũng như hạn chế lịch sử trong tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh. Trong cuốn Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam của Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Văn Hồng (1998) cũng như cuốn Đại cương Lịch sử Việt Nam của Giáo sư Đinh Xuân Lâm chủ biên (1999) cũng đã khẳng định rõ tư tưởng dân chủ tiến bộ của Phan Châu Trinh. Vào năm 2001 và 2003 bà Phan Thị Minh, cháu ngoại của Phan Châu Trinh đã lần lượt cho xuất bản cuốn Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Tập 1, 2. Đây là kết quả của quá trình dày công sưu tầm tài liệu về Phan Châu Trinh trong nguồn thư khố tại Pháp của bà. Những vấn đề mới về Phan Châu Trinh dần được hé lộ và nó bổ sung cơ sở cho việc nhận thức và đánh giá về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, nhân kỉ niệm 130 năm ngày sinh của Phan Châu Trinh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam và Uỷ ban nhân dân thị xã Tam Kì đã tổ chức TRẦN THỊ KIM QUY 114 buổi tọa đàm vào ngày 13/9/2002 với chủ đề “Phan Châu Trinh - chí sĩ yêu nước, nhà canh tân đầu thế kỉ XX”. Kỉ yếu tọa đàm này đã tập hợp những tham luận, những bài phát biểu của các nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn và các đại biểu xung quanh những tư tưởng canh tân cứu nước của Phan Châu Trinh mở đầu cho phong trào cách mạng dân chủ ở nước ta mà ngày nay còn để lại nhiều bài học có giá trị sâu sắc. Mới đây nhất, ngày 23/3/2006, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học tưởng niệm 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các báo cáo và một số phát biểu tại Hội thảo đã phản ánh những góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau trong nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh. Những đánh giá qua các hội thảo và những tác phẩm sau này cho thấy những mặt tiến bộ, tích cực trong chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh mà trước đây các nhà nghiên cứu chưa chú ý đến hoặc chưa nhận thức rõ ràng. Từ những nhận định, đánh giá này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, một cách nhìn toàn diện hơn, không chỉ về chủ trương cứu nước mà còn về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Châu Trinh. 3. KẾT LUẬN Nhận thức về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh quả là một vấn đề không đơn giản, bởi vì ngay trong chính kiến của Phan Châu Trinh cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, người đời sau nhận thức con đường cứu nước của ông cũng rất khó khăn. Mỗi người nhìn ở mỗi góc độ khác nhau, khai thác những khía cạnh khác nhau mà phát biểu khác nhau. Qua nhiều giai đoạn nhận thức với những ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí có khi còn mâu thuẫn nhau, tựu trung lại, chúng ta thấy có ba nhóm ý kiến như sau: Nhóm thứ nhất không bình luận về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh mà chỉ nhấn mạnh lòng yêu nước và hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân của ông, đó là đa số các học giả trong nước, những bạn bè, chí sĩ cùng sát cánh bên ông như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... Nhóm thứ hai cho rằng chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh là hạn chế, là sai lầm, là thoả hiệp với Pháp, đại diện nhóm này là Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Kiệm... Nhóm thứ ba cho rằng chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh là thích hợp, là sáng kiến và cách mạng mà đại diện như Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Dương... Các ông đều cho rằng, những đề xướng cải cách của Phan Châu Trinh không hề mang tính thoả hiệp mà mang tính tiến công và có ý nghĩa sâu sắc của một cuộc cách mạng thực sự. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài nghiên cứu cùng với nhiều tư liệu mới, những trước tác được tìm thấy, cùng với sự hoàn thiện dần của phương pháp luận trong nghiên cứu lịch sử, những nhà nghiên cứu cũng đã có cái nhìn thống nhất về chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh. Tất cả đều thấy được chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh trong thời điểm lịch sử đó là tiến bộ, là tích cực, là sự lựa chọn hợp quy luật phát SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VỀ CHỦ TRƯƠNG CỨU NƯỚC CỦA PHAN C. TRINH... 115 triển thông thường mà nhân loại đã trải qua và có tác dụng nhất định đối với phong trào cách mạng thời đó. Chủ trương cứu nước này xuất phát từ động cơ yêu nước, thương dân sâu sắc. Tình yêu ấy đã thúc giục ông phất lên ngọn cờ dân chủ. Ông là người Việt Nam đầu tiên đề xướng dân chủ - dân quyền. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy được những hạn chế trong chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh và với hạn chế này đã làm cho chủ trương của ông khởi xướng cuối cùng bị thất bại, đó là những hạn chế về giai cấp và thời đại mà bản thân ông cũng như những người yêu nước cùng thời như Phan Bội Châu không vượt qua được. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Tôn Quang Phiệt (1965), Phan Chu Trinh, tư cách con người và chủ trương chính trị, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 70. [2] Duy Minh (1964), Đánh giá Phan Chu Trinh, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 69. [3] Hưng Hà (1964), Tư tưởng quốc gia cải lương của Phan Chu Trinh, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 68. [4] Văn Tạo (1965), Kết thúc cuộc thảo luận về Phan Chu Trinh, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 76. [5] Phạm Văn Sơn (1963), Việt Nam cách mạng cận sử, Sài Gòn. [6] Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập II, NXB Khoa học Xã hôi, Hà Nội. [7] Phan Châu Trinh toàn tập, Tập 1,2,3, NXB Đà Nẵng, 2005. [8] Huỳnh Lý (1993), Phan Chu Trinh - thân thế và sự nghiệp, NXB Đà Nẵng. Title: A CURSORY STUDY ON AWARENESS PROCESS OF PHAN CHAU TRINH'S POLICY OF NATIONAL SALVATION OF VIETNAMESE RESEARCHERS Abstract: Phan Chau Trinh is a strong-willed patriotic scholar of Vietnamese nation at the beginning of the 20th centuries. His policy of national salvation has been mentioned by a lot of researchers at home and abroad. This article introduces a cursory study on the awareness process of Phan Chau Trinh's national salvation policy from before the August revolution in 1945 to present of the Vietnamese researchers. TRẦN THỊ KIM QUY GV Trường THCS Phong Điền, Thừa Thiên Huế. ĐT: 0916.880775.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf21_341_tranthikimquy_18_tran_thi_kim_quy_8699_2021188.pdf
Tài liệu liên quan