KẾT LUẬN
Dạy học Làm văn ở trường phổ thông càng lúc càng tiến gần hơn và xem trọng dạy kĩ
năng thông qua thực hành. Quan niệm dạy học này đem lại hiệu quả cao hơn so với dạy
lí thuyết. Trên cơ sở về lí luận và thực tiễn như trên, chúng tôi đã tiến hành cách thức
rèn luyện kĩ năng sử dụng dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội cho học sinh cấp
TPPT và bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan.
Cách thức rèn luyện mà chúng tôi đưa ra bám sát theo từng bước như: tìm dẫn chứng,
lựa chọn dẫn chứng, trình bày dẫn chứng và phân tích dẫn chứng với các bài tập khá đa
dạng và với nhiều hình thức học tập khác nhau. Đó có thể là học lồng ghép trong các bài
học liên quan, tổ chức tìm kiếm dẫn chứng qua hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kĩ năng
qua bài tập trắc nghiệm, bài tập nhận diện, bài tập ứng dụng. Những hoạt động này
thiết nghĩ rằng nó có tính khả thi và hiệu quả khá cao mà không gây áp lực nặng nề đối
với học sinh. Các hoạt động này ngoài việc hình thành cho các em kĩ năng sử dụng dẫn
chứng còn góp phần kích thích tính sáng tạo, chủ động trong học tập của học sinh.
Thông qua các hoạt động khá đa dạng, các em tìm thấy được niềm vui của việc tự học,
tự rèn luyện. Đây là bước đầu đặt nền móng cho kĩ năng tự học suốt đời của các em về
sau.
8 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 544 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Rèn luyện kĩ năng sử dụng dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội - Tôn Nữ Quỳnh My, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 03(23)/2012, tr. 142-149
RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG
TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
TÔN NỮ QUỲNH MY
Trường THPT Hai Bà Trưng, Huế
TRẦN HỮU PHONG
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Dẫn chứng có một vai trò quan trọng trong văn nghị luận, đặc biệt
là nghị luận xã hội. Nó chính là yếu tố tạo nên sức thuyết phục mạnh mẽ,
giúp người viết, người nói đạt đến được mục đích giao tiếp. Ở trường Phổ
thông, chương trình Ngữ văn chưa có sự quan tâm đến vấn đề rèn luyện cho
học sinh kĩ năng sử dụng dẫn chứng. Vì thế, đây vẫn là cánh cổng còn bỏ
ngỏ. Kĩ năng này cũng lại là điểm yếu của học sinh trung học phổ thông hiện
nay. Bài viết này đề xuất một số cách thức để góp phần rèn luyện cho học
sinh kĩ năng sử dụng dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội. Đây là
những cách thức có tính khả thi cao và nếu thành công sẽ góp phần nâng cao
hơn nữa chất lượng học bộ môn Ngữ văn của học sinh ở bậc phổ thông.
Từ năm 2005, chương trình sách giáo khoa cấp trung học phổ thông (THPT) thay mới
hoàn toàn. Bộ môn Ngữ Văn cũng có rất nhiều điều đổi mới. Một trong số đó chính là
sự chú trọng vào dạng bài viết nghị luận xã hội (NLXH).
Từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành khung đề thi mới cho bộ môn
Ngữ văn, áp dụng cho cả kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi đại học. Trong đó luôn luôn
có câu 3 điểm là dạng bài về nghị luận xã hội. Điều này cùng với sự biên soạn của
chương trình giảng dạy (có nhiều bài viết về NLXH) đã cho thấy rõ sự chú trọng của
chương trình mới dành cho dạng bài viết này. Tuy nhiên, để viết được một bài nghị luận
xã hội không hề là vấn đề dễ dàng so với lứa tuổi học sinh THPT. Bởi vì đa số các em
thiếu kiến thức về đời sống, ít quan tâm đến các vấn đề thời sự, kĩ năng sống các em còn
yếu, suy nghĩ chưa được sự sâu sắc. Ngoài ra các em còn chưa được trang bị nhiều về kĩ
năng, phương pháp làm bài. Một trong số đó là kĩ năng sử dụng dẫn chứng. Để khắc
phục được điểm yếu này, người giáo viên cần có sự quan tâm đầu tư công sức để nâng
cao hơn nữa năng lực làm văn của học sinh, đặc biệt là làm văn nghị luận xã hội.
1. VAI TRÒ CỦA DẪN CHỨNG TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Trong nhà trường phổ thông, một thời gian dài Làm văn chỉ tập trung vào nghị luận văn
học. Nhưng hiện nay, với quan điểm mới muốn đem văn học đến thật gần với đời sống,
Làm văn trong nhà trường đã chú trọng nhiều hơn đến nghị luận xã hội.
Nếu nghị luận văn học bàn đến các vấn đề văn học thì nghị luận xã hội là loại văn bàn
về các vấn đề của đời sống xã hội. NLXH là bàn bạc, làm rõ cái đúng, sai; phải, trái; tốt,
xấu... về các vấn đề chính trị, đạo đức, lối sống, cách đối nhân xử thế... [1].
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
143
Nghị luận xã hội hướng tới mục đích là làm cho người đọc, người nghe nhận rõ về vấn
đề đưa ra nghị luận, làm cho họ hiểu vấn đề đó, nắm được mọi biểu hiện, mọi hệ quả
của nó đối với xã hội, làm cho họ tin rằng vấn đề đưa ra là thật, là xác đáng, là cần phải
đưa ra để bàn luận, khiến họ phải cùng suy nghĩ và tán đồng với giải pháp mà người viết
đưa ra trong bài. [2], [3]
Để đạt đến mục đích là thuyết phục được người nghe đồng tình với mình trong một vấn
đề xã hội nào đó thì người viết cần chứng minh lí lẽ của mình là đúng thông qua dẫn
chứng. Dẫn chứng là một trong hai thành phần của luận cứ. Trong văn nghị luận,luận cứ
có vai trò cụ thể hóa các luận điểm bằng hệ thống lí lẽ và dẫn chứng xác thực nhất. “Mối
quan hệ giữa luận điểm và luận cứ rất khăng khít, chặt chẽ. Luận điểm đứng được
chính là dựa vào luận cứ; còn luận cứ nêu ra là để phục vụ cho luận điểm.Trong nội bộ
các luận cứ, lí lẽ và dẫn chứng cũng soi sáng cho nhau. Lí lẽ tạo cho dẫn chứng khả
năng thuyết minh cho luận điểm; còn dẫn chứng thực tế lại làm cho lí lẽ có nội dung, có
sức nặng.” [5, tr. 18]
Nếu dẫn chứng vốn đã có vai trò rất quan trọng trong bài văn nghị luận nói chung thì
đối với văn nghị luận xã hội nó lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Bởi nghị luận
xã hội đòi hỏi bày tỏ ý kiến thái độ về những vấn đề của đời sống thực tế, của các sự
kiện, vấn đề mang tính thời sự cập nhật và phải làm sao để thuyết phục người nghe
đồng ý với mình về những vấn đề đó. Vì thế những dẫn chứng sống động từ thực tế
cuộc sống đi vào bài văn sẽ là những bằng chứng tạo nên chất sống của bài văn nghị
luận xã hội. Nếu thiếu đi dẫn chứng, bài văn nghị luận sẽ thiếu đi chất sống, sự tươi
mới, sự sinh động và tính thời sự cập nhật mà một bài nghị luận xã hội cần phải có. Có
được dẫn chứng tiêu biểu, cụ thể, cập nhật thì bài viết các em sẽ có hiệu quả thuyết phục
hơn rất nhiều nếu như chỉ có lí lẽ suông. Trong thực tế làm văn của học sinh phổ thông,
phần lớn các em lặp đi lặp lại một vài dẫn chứng quá cũ, không còn đem lại cảm xúc
mới mẻ và điều đó làm cho bài viết khô khan, thiếu đi sức tươi mới của một bài nghị
luận xã hội.Bài làm văn nghị luận xã hội nhất thiết phải có dẫn chứng thực tế. Dẫn
chứng sẽ góp phần tạo nên linh hồn của cả bài.
Dẫn chứng trong văn nghị luận xã hội có một số đặc trưng sau:
Thứ nhất là tính bách khoa. Nghị luận xã hội đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống. Từ
những vấn đề có tính chất vĩ mô to lớn của xã hội đến những điều rất cụ thể giản dị
trong đời sống hàng ngày; từ những tư tưởng tình cảm cao cấp của con người đến những
thói quen, cách xử sự rất gần gũi... đều có thể là đề tài mà nghị luận xã hội bàn đến. Vì
thế dẫn chứng trong nghị luận xã hội cũng rất đa dạng, phong phú mang tính bách khoa
rất cao.
Thứ hai, dẫn chứng trong nghị luận xã hội mang tính thời sự cập nhật cao độ. Nghị luận
xã hội phải lấy nguồn dẫn chứng ngay từ những sự kiện đang diễn ra, xảy ra trong đời
sống của con người. Tính thời sự càng lớn thì tính thuyết phục, hấp dẫn càng tăng.
Thứ ba, dẫn chứng trong nghị luận xã hội có tính giãn nở. Nếu dẫn chứng trong nghị
luận văn học thường xác định được một phạm vi thì dẫn chứng trong nghị luận xã hội
TÔN NỮ QUỲNH MY – TRẦN HỮU PHONG
144
không thể xác định một phạm vi nào cụ thể, bởi nó hết sức đa dạng và phong phú như
chính cuộc sống đang vận động với muôn mặt đời thường phức tạp. Vì vậy, dẫn chứng
trong nghị luận xã hội có độ giãn nở, tức là linh hoạt và năng động hơn.
Dẫn chứng có một vai trò quan trọng như vậy nên học sinh trung học phổ thông cần
phải được rèn luyện kĩ năng sử dụng dẫn chứng. Nếu chúng ta thừa nhận tầm quan trọng
của dẫn chứng đối với văn nghị luận, đặc biệt là đối với nghị luận xã hội thì chúng ta
cũng cần thấy rằng kĩ năng sử dụng dẫn chứng từ việc tìm kiếm,lựa chọn, trình bày và
phân tích dẫn chứng là kĩ năng không thể không trang bị cho học sinh. Đây là kĩ năng
mà các em cần được rèn luyện.
2. THỰC TRẠNG VIỆC DẠY VÀ HỌC LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ RÈN LUYỆN
KĨ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
2.1. Thực trạng việc dạy
Trong phân phối chương trình (PPCT) Ngữ văn Trung học phổ thông (THPT) mặc dù
có nhiều tiết dành cho văn nghị luận nhưng không hề có bài học nào dạy cho học sinh
biết cách sử dụng dẫn chứng. Đây là một thực tế bất cập. Hầu hết ở tất cả các đáp án đề
thi của Sở, Bộ và các cấp luôn luôn có đòi hỏi kĩ năng sử dụng dẫn chứng, đặc biệt
trong bài viết nghị luận xã hội nhưng chương trình và sách giáo khoa (SGK) thì lại
không có bài học nào bàn về vấn đề này. Có nghĩa là kĩ năng này chúng ta đòi hỏi học
sinh phải có trong khi chúng ta ‘thả nổi’ để tự học sinh xoay sở. Đây là điểm cần phải
nghiên cứu lại để xử lí thoả đáng.
Về phía chủ quan, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng giáo viên không
chú ý việc rèn kĩ năng sử dụng dẫn chứng cho học sinh chính là sự nhận thức chưa đầy
đủ về tầm quan trọng của vấn đề. Chưa ý thức về sự cần thiết phải rèn luyện kĩ năng sử
dụng dẫn chứng cho học sinh. Một số giáo viên cho rằng làm văn nghị luận xã hội nghĩa
là tuỳ thuộc vào vốn sống, vốn hiểu biết riêng của mỗi em chứ giáo viên không thể đem
đến cho các em kiến thức về đời sống được. Suy nghĩ đó dẫn đến việc giáo viên ‘thả
nổi’ phần nghị luận xã hội để các em tự thân phải xoay sở. Trên thực tế, việc bàn luận
về một vấn đề xã hội rõ ràng tuỳ thuộc rất nhiều đến vốn hiểu biết, vốn sống, tâm hồn,
tính cách rất riêng của mỗi học sinh vì vậy ý bàn luận của các em có thể nông sâu,
rộng hẹp khác nhau. Nhưng để viết nghị luận xã hội không chỉ cần đến vốn sống, hiểu
biếtmà còn phải cần đến kĩ năng, phương pháp làm bài. Đề tài nghị luận xã hội hết
sức phong phú, đa dạng không thể nào đoán định trước được thế nhưng kĩ năng làm bài
thì có thể có một mẫu số chung nhất định. Vì vậy, quan niệm của một số giáo viên cho
rằng nghị luận xã hội là phần rất riêng của mỗi học sinh là quan niệm chưa chính xác, vì
nó chỉ mới chú ý đến phần nội dung mà chưa chú ý đến kĩ năng. Trong khi kĩ năng mới
chính là phương tiện thiết yếu mà các em có thể sử dụng để làm bài trước (về) bất kì
vấn đề nào.
2.2. Thực trạng việc học
Trong thực tế, phần lớn học sinh cho rằng cái khó khi viết bài văn nghị luận xã hội
chính là phải xác định chính xác vấn đề mà đề bài yêu cầu làm sáng tỏ.
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
145
Cái khó thứ hai mà học sinh gặp phải chính là không thể có được dẫn chứng trong bài
văn nghị luận xã hội. Phần lớn bài viết của học sinh đều có mắc lỗi về kĩ năng sử dụng
dẫn chứng, hoặc là không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu hoặc không
phân tích dẫn chứng.
Chúng tôi đã thống kê các loại lỗi này qua bài viết thực tế của học sinh như sau.
Đề bài số 1 (nghị luận xã hội) - lớp 12- chương trình Chuẩn. Lớp khảo sát: 12b7 và
12b10 trường THPT Hai Bà Trưng (năm học 2011-2012).
Lớp Số lượng học sinh
Lỗi không có
dẫn chứng
(%)
Lỗi về chọn
dẫn chứng
(%)
Lỗi về trình
bày dẫn chứng
(%)
Lỗi không phân
tích dẫn chứng
(%)
12b7 45 52 14 7 10
12b10 30 43 12 5 4
Từ những số liệu thực tế trên, chúng tôi nhận thấy lỗi lớn nhất của học sinh chính là
chưa có sự quan tâm đến việc sử dụng dẫn chứng để làm rõ, mạnh, vững chắc cho lí lẽ
và luận điểm trong bài viết của mình. Ở những bài đã có quan tâm đến việc sử dụng dẫn
chứng thì các em vẫn còn mắc các lỗi như lựa chọn dẫn chứng chưa thích hợp, tiêu biểu;
trình bày dẫn chứng chưa tốt; chưa phân tích dẫn chứng để làm rõ cho ý muốn nhấn
mạnh...
3. MỘT SỐ CÁCH THỨC ĐỂ RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG
TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Trước khi tiến hành một số cách thức rèn luyện, chúng tôi xác định rõ với học sinh
những yêu cầu cơ bản của dẫn chứng trong văn nghị luận xã hội.
Thứ nhất, dẫn chứng phải phù hợp và tiêu biểu cho vấn đề đang được nói đến.
Thứ hai, dẫn chứng phải cụ thể, cần phải xác định rõ con người, sự việc, tư tưởng, lời
nói... trong những trường hợp cụ thể cần trích dẫn nguyên văn.
Thứ ba, dẫn chứng phải sinh động, mang tính cập nhật cao từ đời sống đang vận động.
Thứ tư, dẫn chứng phải có tính phổ cập rộng rãi, phải được nhiều người biết đến, được
mọi người thừa nhận. [4 ]
Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành các cách thức sau để rèn luyện kĩ năng sử dụng dẫn
chứng trong bài văn NLXH cho học sinh THPT.
3.1. Tổ chức tìm kiếm nguồn tư liệu dẫn chứng từ cuộc sống
Tìm kiếm nguồn tư liệu là khâu đầu tiên và hết sức quan trọng để tạo cơ sở cho việc sử
dụng dẫn chứng trong bài văn NLXH. Để tổ chức cho học sinh tìm kiếm được nguồn tư
liệu phong phú, chúng tôi tiến hành hoạt động ngoại khóa với các bước như sau:
Bước 1: Nêu yêu cầu cụ thể với học sinh, hướng dẫn các em cách thực hiện. Chia nhóm
để thực hiện công việc.
TÔN NỮ QUỲNH MY – TRẦN HỮU PHONG
146
Trước hết giáo viên nên nói rõ cho học sinh biết mục đích của công việc: đó là tìm kiếm
nguồn tư liệu dẫn chứng minh họa cho các dạng bài viết nghị luận xã hội.
Tiếp đó giáo viên cần nói rõ nội dung công việc: tìm kiếm qua mọi nguồn tư liệu, có thể
qua báo chí, qua sách, qua mạng Internet... về những tấm gương người thật việc thật,
những con người đã vượt qua những thử thách lớn lao trong cuộc đời để thành công và
làm cho mọi người phải ngưỡng mộ khâm phục sự thành công đó. Bên cạnh những tấm
gương người tốt việc tốt trong đời sống, học sinh cũng có thể sưu tầm những thông tin
về những vụ việc tiêu cực gây xôn xao dư luận mang tính thời sự cao. Ngoài ra học sinh
còn có thể sưu tầm danh ngôn, những câu chuyện ngụ ngôn mang tính kinh điển... theo
từng chủ đề.
Giáo viên yêu cầu học sinh tóm tắt lại tin, bài mà mình sưu tầm được trong một đoạn
văn khoảng 8 đến 10 câu. Đặc biệt, cuối mỗi tin, bài học sinh phải tự mình viết lên điều
mà em rút ra được từ tin,bài trên là gì.Tất cả được sắp xếp một cách hệ thống để có thể
dễ dàng khi sử dụng. Giáo viên cũng có thể hướng dẫn các em bảng thống kê sắp xếp
theo chủ đề như sau:
DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Tài năng - ý chí Ứng xử xã hội Hiện tượng tiêu cực
Giáo viên có thể hướng dẫn các em cụ thể tận tình để các em dễ dàng tiến hành.Có thể
cung cấp cho các em một số địa chỉ trang web, một số từ khóa... để các em có thể dựa
vào đó khai thác thông tin trên mạng. Chia học sinh thành nhóm làm việc theo đơn vị tổ.
Tổ trưởng sẽ là nhóm trưởng có trách nhiệm tập hợp và sắp xếp tất cả sản phẩm mà tổ
viên đã thực hiện. Tổ trưởng cũng có trách nhiệm trao đổi, tổ chức thảo luận trong
nhóm để thống nhất cách sắp xếp các sản phẩm sưu tầm theo cách hợp lí nhất. Sau đó
có trách nhiệm nộp lại cho giáo viên.
Bước 2: Thu sản phẩm, phân loại, đánh giá, nhận xét và cho điểm
Đến ngày hẹn, giáo viên thu sản phẩm. Đến đây sẽ là công việc của người giáo viên.
Giáo viên xem kĩ từng tin, bài của học sinh; đánh giá nhận xét (có thể ghi vào phiếu
nhận xét từng em một để công khai thông báo rút kinh nghiệm trước lớp). Đây là công
việc đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên trì. Vì các em có thể nộp bài nhiều cách nên
giáo viên cũng phải vừa đọc qua giấy, qua USB và cả qua mail... Những sản phẩm có
chất lượng giáo viên có thể tuyển chọn để dành riêng, những sản phẩm mang tính chất
làm đối phó giáo viên lưu tâm để đánh giá và trả về với yêu cầu các em làm lại bài
khác.Trong quá trình chấm, giáo viên lựa chọn những bài tốt, tiêu biểu để tuyển chọn
thành tập chung cho mỗi lớp.
Bước 3: Nhận xét đánh giá trước lớp về kết quả của quá trình sưu tầm
Căn cứ vào những gì đã ghi chép trong quá trình chấm, giáo viên tổ chức nhận xét ưu
điểm, nhược điểm trong công việc của các em trước cả lớp. Giáo viên cũng công bố
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
147
điểm mà mình đã đánh giá đối với các bài đã đạt yêu cầu để khuyến khích động viên cả
lớp.
Bước 4: Tuyển chọn, tổng hợp các bài viết có chất lượng và chuyển lại cho học sinh làm
tư liệu
Giáo viên tuyển chọn, lựa lại trong số tất cả các bài học sinh đã nộp những tin, bài có
chất lượng. Tập hợp lại thành một tập, phân loại sắp xếp theo các chủ đề. Sau đó, giáo
viên chuyển tập tư liệu đó lại cho lớp và yêu cầu các em photo để làm tư liệu học tập.
Đến đây xem như đã hoàn thành một qui trình của hình thức sưu tầm tư liệu học tập
nhưng quan trọng là học sinh phải biết vận dụng tư liệu đã sưu tầm đó vào trong thực tế
làm bài của mình. Trong quá trình dạy - học, Giáo viên nhắc nhở các em ý thức về việc
vận dụng đó để nâng cao chất lượng bài làm dạng bài NLXH.
3.2. Tổ chức rèn luyện cách lựa chọn dẫn chứng cho bài văn nghị luận xã hội
Ở khâu này, chúng tôi bước đầu soạn một số bài tập trắc nghiệm nhanh để rèn luyện kĩ
năng lựa chọn dẫn chứng.
Dạng bài tập đầu tiên là trắc nghiệm ghép đôi (trắc nghiệm xứng - hợp): Trong mỗi
phiếu bài tập có hai cột, một cột là những đề bài làm văn nghị luận xã hội với các kiểu
bài và dạng đề khác nhau; một cột là những dẫn chứng được lấy từ nguồn tập hợp dẫn
chứng mà học sinh đã sưu tầm được ở trên. Học sinh phải đọc kĩ và tìm cách ghép
những câu ở cột này với câu ở cột khác sao cho phù hợp. Số câu trong hai cột có thể
bằng nhau hoặc khác nhau. Thông thường cột dẫn chứng có số lượng câu nhiều hơn để
giúp học sinh thấy được rằng với mỗi đề bài có thể có nhiều dẫn chứng khác nhau miễn
sao nó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần có của dẫn chứng.
Dạng bài tập thứ hai là dạng bài trắc nghiệm đúng- sai. Chúng tôi đưa ra nhiều đoạn văn
có sử dụng dẫn chứng và yêu cầu học sinh nhận xét dẫn chứng như thế đã tốt chưa, có
đáp ứng được các yêu cầu về dẫn chứng và có đem lại sức thuyết phục cho đoạn văn
hay không.
Với hai dạng bài tập này, chúng ta có thể bước đầu rèn luyện cho các em kĩ năng lựa
chọn dẫn chứng. Biết lựa chọn dẫn chứng đúng, tiêu biểu sẽ làm tăng sức thuyết phục,
nâng cao chất lượng của bài viết.
Ngoài hình thức làm bài tập trắc nghiệm với hai dạng như trên, chúng tôi cũng tận dụng
những giờ trả bài đặc biệt là trả bài làm văn NLXH để lồng ghép nội dung rèn luyện kĩ
năng lựa chọn dẫn chứng. Chúng tôi thường tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Phát hiện và phân tích lỗi
Sau khi nêu ra một số ví dụ mắc lỗi, giáo viên đưa ra đoạn văn có mắc lỗi về lựa chọn
dẫn chứng và yêu cầu học sinh phát hiện lỗi.
Bước 2: Học sinh trực tiếp sửa lỗi
TÔN NỮ QUỲNH MY – TRẦN HỮU PHONG
148
Trên cơ sở các giải pháp mà học sinh đưa ra, giáo viên tổ chức thảo luận để tìm ra được
giải pháp tối ưu nhất. Việc tổ chức thảo luận để chọn ra dẫn chứng nào phù hợp nhất sẽ
giúp cho học sinh ý thức rõ nhất về sự lựa chọn dẫn chứng cho bài văn nghị luận xã hội.
Giáo viên cần tổ chức cho học sinh phân tích một cách đầy đủ các giải pháp đưa ra, chỉ
ra điểm hợp lí hoặc chưa hợp lí để đi đến sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Bước 3: Nêu đoạn văn đã sử dụng tốt dẫn chứng
Trong tất cả các bài làm của học sinh đương nhiên sẽ có những bài viết tốt, sử dụng tốt
dẫn chứng để khẳng định lí lẽ và tăng sức thuyết phục của vấn đề. Giáo viên khi chấm
bài cần lưu ý những bài văn đó để làm mẫu nêu gương cho toàn lớp.
3.3. Tổ chức rèn luyện cách trình bày và phân tích dẫn chứng trong bài làm văn
nghị luận xã hội
Ở khâu này, chúng tôi tổ chức rèn luyện qua các bước như sau:
- Bước 1: Nhận diện cách trình bày và phân tích dẫn chứng
Ở bước này, chúng tôi đưa ra một số đoạn văn có sử dụng dẫn chứng theo dạng so sánh.
Cùng một chủ đề,có hai đoạn văn cùng sử dụng dẫn chứng. Những dẫn chứng được
chọn trong các đoạn văn này đều đạt yêu cầu về dẫn chứng nghị luận xã hội. Cùng một
đề tài, một luận điểm, một dẫn chứng nhưng có cách trình bày khác nhau, phân tích
khác nhau. Học sinh sẽ đọc các đoạn văn và tư duy tìm ra những điểm khác nhau về
cách trình bày và phân tích dẫn chứng trong đoạn văn đó.
- Bước 2: Phân tích cách trình bày và phân tích dẫn chứng
Sau khi học sinh đọc kĩ các đoạn văn ví dụ, chúng tôi yêu cầu học sinh trả lời theo các
câu hỏi sau và từ đó rút ra được kinh nghiệm về cách trình bày dẫn chứng cũng như
phân tích dẫn chứng.
+ Dẫn chứng thường nằm ở vị trí nào trong đoạn văn?
+ Loại dẫn chứng nào thì nên trình bày theo kiểu trực tiếp? Loại dẫn chứng nào thì
phải trình bày theo kiểu gián tiếp?
+ Có cần phải phân tích dẫn chứng sau khi đã nêu dẫn chứng? Tác dụng của việc
phân tích sau khi đã trình bày dẫn chứng là gì?
- Bước 3: Ứng dụng viết đoạn văn nghị luận xã hội có sử dụng dẫn chứng
Đây có thể xem là bước cuối cùng hoàn thành quá trình rèn luyện kĩ năng sử dụng dẫn
chứng cho học sinh. Đến đây học sinh phải ứng dụng tất cả những gì mình học được để
viết hoàn chỉnh một đoạn văn nghị luận xã hội có sử dụng dẫn chứng.
KẾT LUẬN
Dạy học Làm văn ở trường phổ thông càng lúc càng tiến gần hơn và xem trọng dạy kĩ
năng thông qua thực hành. Quan niệm dạy học này đem lại hiệu quả cao hơn so với dạy
lí thuyết. Trên cơ sở về lí luận và thực tiễn như trên, chúng tôi đã tiến hành cách thức
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỬ DỤNG DẪN CHỨNG TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
149
rèn luyện kĩ năng sử dụng dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội cho học sinh cấp
TPPT và bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan.
Cách thức rèn luyện mà chúng tôi đưa ra bám sát theo từng bước như: tìm dẫn chứng,
lựa chọn dẫn chứng, trình bày dẫn chứng và phân tích dẫn chứng với các bài tập khá đa
dạng và với nhiều hình thức học tập khác nhau. Đó có thể là học lồng ghép trong các bài
học liên quan, tổ chức tìm kiếm dẫn chứng qua hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kĩ năng
qua bài tập trắc nghiệm, bài tập nhận diện, bài tập ứng dụng... Những hoạt động này
thiết nghĩ rằng nó có tính khả thi và hiệu quả khá cao mà không gây áp lực nặng nề đối
với học sinh. Các hoạt động này ngoài việc hình thành cho các em kĩ năng sử dụng dẫn
chứng còn góp phần kích thích tính sáng tạo, chủ động trong học tập của học sinh.
Thông qua các hoạt động khá đa dạng, các em tìm thấy được niềm vui của việc tự học,
tự rèn luyện. Đây là bước đầu đặt nền móng cho kĩ năng tự học suốt đời của các em về
sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê A (chủ biên) - Nguyễn Trí (2001). Làm văn (Giáo trình đào tạo giáo viên Trung
học cơ sở hệ Cao đẳng sư phạm), NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2] Nhiều tác giả (2009). Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội, tập một, NXB
Giáo dục Việt Nam.
[3] Nhiều tác giả (2009). Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội, tập hai. NXB
Giáo dục Việt Nam
[4] Nguyễn Quang Ninh - Trần Hữu Phong - Nguyễn Thị Ban (2000). Luyện cách lập
luận trong đoạn văn nghị luận cho học sinh phổ thông. NXB Đại học Quốc gia Hà
Nội.
[5] Trần Đình Sử (chủ biên) - Phan Trọng Luận - Nguyễn Minh Thuyết (2000). Làm văn
12. NXB Giáo dục, Hà Nội.
Title: TEACHING THE SKILLS TO USE EVIDENCE IN SOCIAL DISCOURSES
Abstract: Evidence plays an important role in discourses, especially the social discourses. It is
the compelling factors that help the writer, the speaker acquire the purpose of communication.
At high schools, we have paid no attention to teaching students how to use evidence in
Vietnamese literature syllabus. Therefore, this is still a topic left open. This article proposes a
number of ways to help students with the skills to use evidence in the literature of social
discourses. These are ways that are feasible and, if successful, will contribute to further
enhancement of the quality of students’ Vietnamese literature learning at schools.
ThS. TÔN NỮ QUỲNH MY
Trường THPT Hai Bà Trưng, Huế
TS. TRẦN HỮU PHONG
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 7_98_tonnuquynhmy_tranhuuphong_20_quynh_my_3315_2020919.pdf