Để thực hiện được điều đó, pháp luật
phải quy định rõ và chặt chẽ tiêu chuẩn
người đứng đầu. Điều kiện tiên quyết
trong tiêu chuẩn người đứng đầu là phải
có tri thức sâu rộng về quản lí giáo dục.
Kiến thức và tầm nhìn về quản lí giáo
dục của người đứng đầu cơ sở giáo dục
phải được đặt lên hàng đầu trong tiêu
chí lựa chọn. Chính sự yếu kém về nhận
thức dẫn đến sự yếu kém trong công tác
chỉ đạo, ra quyết định, sự lúng túng
trong công tác qui hoạch cải cách giáo
dục của nước ta trong thời gian qua. Mặt
khác, người đứng đầu phải biết lắng
nghe, biết tập hợp sức mạnh khoa học từ
những nhà chuyên môn về giáo dục, về
quản lí hành chính, thống nhất trong
công tác qui hoạch và quyết đoán trong
công tác xây dựng, kiến thiết, quản lí,
vận hành cơ sở giáo dục đại học. Đồng
thời, cần phải quy định rõ nhiệm vụ,
quyền hạn, chế độ báo cáo, giải trình,
trách nhiệm của người đứng đầu và kèm
theo cơ chế kiểm soát hiệu quả để hạn
chế tình trạng lạm quyền của cá nhân
người có trách nhiệm. Đó là việc quy
định rõ quy trình bổ nhiệm hoặc thi
tuyển người đứng đầu thật chặt chẽ; quy
định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ báo
cáo, giải trình, trách nhiệm của người
đứng đầu, và đảm bảo cơ chế giám sát,
kiểm tra, xử lý với các vi phạm của
người đứng đầu.
9 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 576 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển giáo dục Đại học ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế - Trần Thị Bảo Khanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10(83) - 2014
76
PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM
TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
TRẦN THỊ BẢO KHANH *
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam
trước xu hướng hội nhập quốc tế và những giải pháp nhằm khắc phục những
nguyên nhân dẫn tới hạn chế của hệ thống giáo dục đại học. Theo tác giả,
những nguyên nhân của hạn chế trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay
là: chương trình giảng dạy chưa được công nhận trên phạm vi quốc tế; chưa có
bộ quy tắc chuẩn mực để đánh giá chất lượng; chính sách lương cho giáo viên
đại học còn bất hợp lý; chưa có các cơ quan, tổ chức độc lập với cơ quan quản
lý nhà nước về giáo dục làm nhiệm vụ phản biện, tư vấn về giáo dục.
Từ khóa: Giáo dục đại học; kiểm định chất lượng giáo dục, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện
nay, nền kinh tế tri thức với vai trò rất
quan trọng trong việc quyết định sự phát
triển kinh tế đang khiến cho tất cả các
quốc gia đặt chiến lược con người trở
thành mục tiêu hàng đầu. Cùng với sự
phát triển của cách mạng khoa học và
công nghệ, các quốc gia đang phải đối
mặt với rất nhiều cơ hội và thách thức
do toàn cầu hóa mang lại. Do đó, nguồn
nhân lực đã trở thành một tài sản quý
nhất, quan trọng nhất và quyết định nhất
cho sự tồn tại và phát triển của bất kỳ
một quốc gia nào. Khi “tri thức đã và
đang trở thành một nguồn lực kinh tế
chủ yếu của lợi thế cạnh tranh”(1) thì
nhiều quốc gia coi đổi mới hệ thống
giáo dục và đào tạo là chiến lược sống
còn trong chiến lược phát triển của
mình. Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao
vai trò của giáo dục và đào tạo, đặc biệt
là giáo dục đại học. Năm 1979, Bộ
Chính trị ban hành Nghị quyết số
14/NQ/TW ngày 11 tháng 1 năm 1979
về cải cách giáo dục đầu tiên sau khi
thống nhất đất nước.(*)Nghị quyết số 02 -
NQ/HNTW ngày 24 tháng 12 năm 1996
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa VIII về định hướng chiến lược
phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm
vụ đến năm 2000, tiếp tục đưa ra những
quan điểm hoàn thiện công tác giáo dục
đào tạo phù hợp với nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ
8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa IX về Đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục đại học, xác định “Chuyển
phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu
theo số lượng sang chú trọng chất lượng
(*) Thạc sĩ, Trường Đại học Công đoàn.
(1) Peter Drucker (1995), “The information executives
truly need”, Harvard Business Review, Jan - Feb,
pp.54 - 62.
Phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam...
77
và hiệu quả”. Nghị quyết ra đời với định
hướng xây dựng nền giáo dục mở, thực
học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản
lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo
dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học
tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao
chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân
chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế
hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững
định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc
dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền
giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến
trong khu vực. Các quan điểm này là cơ
sở quan trọng để các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền thể chế hóa thành các qui
định cụ thể trong chiến lược cải cách
giáo dục, được thể hiện trong Luật Giáo
dục và Chiến lược phát triển giáo dục
giai đoạn 2009 - 2020 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
2. Thực trạng giáo dục đại học ở
Việt Nam trong hội nhập quốc tế
Từ Cách mạng tháng Tám đến nay,
nước ta đã tiến hành nhiều cuộc cải cách
giáo dục vào các năm: 1950, 1956, 1979
và 2002, nhưng về cơ bản đều tập trung
vào giáo dục phổ thông. Trong khi đó,
đào tạo đại học mới thực sự là lĩnh vực
cần cải cách mạnh mẽ nhất vì đó là
những nơi chịu trách nhiệm cuối cùng
của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm
ra xã hội. Giáo dục đại học có hai nhiệm
vụ là đào tạo nhân lực trình độ cao và
nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực
hiện cả hai nhiệm vụ này ở các trường
đại học hiện nay còn nhiều hạn chế. Tỷ
lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các
trường tương đối cao nhưng khả năng
hòa nhập của nhân lực được đào tạo vào
thị trường lao động còn hạn chế. Theo
thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
trong số khoảng 200.000 sinh viên tốt
nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm chỉ
50% kiếm được việc làm và trong số
này cũng chỉ có 30% làm đúng ngành
nghề được đào tạo. Báo cáo năng lực
cạnh tranh của Việt Nam 2009 - 2010 do
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung
ương (CIEM) phối hợp với Học viện
Năng lực cạnh tranh Châu Á của
Singapore (ACI) thực hiện nhận xét:
“Hệ thống giáo dục được mở rộng
nhưng không đáp ứng được yêu cầu về
mặt chất lượng, không gắn với thị
trường, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng
lao động có kỹ năng”. Điều này có ảnh
hưởng tiêu cực tới vị thế của hệ thống
giáo dục Việt Nam và khả năng cạnh
tranh trong thị trường nguồn nhân lực
chất lượng cao trong khu vực và trên thế
giới, hạn chế việc thu hút đầu tư nước
ngoài vào trong nước, gây khó khăn cho
quá trình phát triển kinh tế quốc gia.
Những nguyên nhân cơ bản khiến giáo
dục Việt Nam có nguy cơ không theo
kịp trình độ phát triển của hệ thống giáo
dục các quốc gia phát triển trên thế giới,
bao gồm:
Thứ nhất, chương trình và giáo trình
giảng dạy chưa được tiêu chuẩn hóa và
công nhận trên phạm vi quốc tế. Điều
này dẫn đến chỗ bằng cấp của nước ta
cũng chưa được thế giới công nhận về
chất lượng, sinh viên khó tham gia các
chương trình trao đổi giao lưu với các
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10(83) - 2014
78
trường đại học trên thế giới hoặc chuyển
ngang sang học tiếp tại các trường đại
học quốc tế hoặc xét học tiếp ở cấp độ
cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) đối với các sinh
viên đã tốt nghiệp trong nước.
Thứ hai, chưa có một bộ quy tắc
chuẩn mực và đầy đủ để đánh giá chất
lượng đào tạo, tiêu chí xếp loại các
trường, các ngành học để các quốc gia
khác dựa vào đó hợp tác làm việc với
các trường trong nước. Bệnh thành tích
có nguy cơ quay trở lại. Hệ thống thi cử
đánh giá thực lực khả năng của học sinh
còn bất cập; điều đó khiến học sinh học
lệnh, học tủ, quay cóp, dạy và học thêm;
làm mất nhiều thời gian của xã hội.
Để đánh giá chất lượng giáo dục đào
tạo một cách khoa học và chính xác, Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt đề án
xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng
giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục
(KĐCLGD) là hoạt động đánh giá và
công nhận mức độ thực hiện mục tiêu,
chương trình, nội dung giáo dục đối với
nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
KĐCLGD gồm: "kiểm định chất lượng cơ
sở giáo dục” áp dụng đối với tất cả các
cấp học và trình độ đào tạo, và “kiểm định
chất lượng chương trình giáo dục” chỉ áp
dụng đối với các chương trình giáo dục
các trình độ: trung cấp, cao đẳng, đại học,
cao học và nghiên cứu sinh.
Vì chưa có một hệ thống kiểm định
hoàn chỉnh nên công tác đánh giá chất
lượng giáo dục đào tạo thiếu tính khoa
học, nặng cảm tính. Những bất cập này
đã gây khó khăn không chỉ cho người
học khi lựa chọn sai môi trường, mà còn
không tạo được yếu tố cạnh tranh cần
thiết để phát triển.
Khởi động từ năm 2002, nhưng sau
hơn mười năm KĐCLGD ở Việt Nam
vẫn chưa thấy chuyển động rõ rệt, nếu
không muốn nói là chậm chạp và lúng
túng. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, kết quả triển khai KĐCLGD
đến nay mới chỉ có 366 trường đại học,
cao đẳng (chiếm 87% số trường trong
phạm vi cả nước) hoàn thành báo cáo tự
đánh giá. Trong đó, mới chỉ có khoảng
10% số trường được đánh giá ngoài.
Tương tự, trong số vài nghìn chương
trình giáo dục đại học cũng mới chỉ có
117 chương trình đã hoàn thành báo cáo
tự đánh giá theo các bộ tiêu chuẩn đánh
giá chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành, và chỉ có 14 chương trình
đã được đánh giá ngoài bởi các tổ chức
quốc tế.
Trong suốt quãng thời gian không
phải ngắn, “thành tựu” KĐCLGD chỉ
dừng lại ở góc độ ban hành các văn bản
pháp quy. Thực tế cho thấy, chúng ta
đang thiếu cả hai yếu tố quan trọng là
“thước đo” và “con người”. Đề án “Xây
dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD
đối với giáo dục đại học và trung cấp
chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020”
đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo phê duyệt theo Quyết định số
4138/QĐ - BGDĐT ngày 20 tháng 9
năm 2010. Theo đó, ở giai đoạn I (2011 -
2015), nhiệm vụ trọng tâm là khẩn
trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật, thành lập Hội đồng
quốc gia KĐCLGD và thành lập ba tổ
Phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam...
79
chức kiểm định của Nhà nước. Nhưng
cho đến nay, mới chỉ thành lập được hai
Trung tâm KĐCLGD tại Đại học Quốc
gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ
Chí Minh, hai Trung tâm này vẫn chưa
chính thức hoạt động. Nếu thiếu tinh
thần làm việc khẩn trương và khoa học
thì tiến độ thực hiện giai đoạn II (2016-
2020), với nhiệm vụ củng cố hệ thống
các tổ chức KĐCLGD, hình thành các tổ
chức kiểm định do tổ chức, cá nhân
thành lập, hoàn thiện các văn bản quy
phạm pháp luật, triển khai kiểm định các
trường và các chương trình giáo dục đại
học, rất khó khả thi. Rõ ràng, dù đã
được thống nhất về mục tiêu, về tính cấp
thiết cũng như yêu cầu và vạch rõ
chương trình hành động, nhưng hệ
thống KĐCLGD dường như mới chỉ vừa
rời vạch xuất phát.
Thứ ba, chính sách đầu vào của các
trường đại học sư phạm chưa cao, chất
lượng đào tạo chưa có được những ưu
tiên về mọi mặt, chính sách lương bổng
của giáo viên còn chưa đủ sức để thu hút
nhân tài. Hệ thống các phòng thí nghiệm,
nghiên cứu còn quá nghèo nàn, không hút
được các nhà nghiên cứu khoa học trẻ.
Trong thời gian qua, nhiều học sinh
trung học phổ thông có học lực xếp loại
giỏi không mấy “mặn mà” với ngành sư
phạm trước hết là bởi cơ hội tìm việc
làm sau khi ra trường đã và đang trở nên
khó khăn. Đây cũng là hệ quả của việc
tuyển sinh tràn lan, thiếu sự tính toán.
Số lượng giáo viên hiện nay đã không
còn trong tình trạng thiếu trầm trọng
như nhiều năm trước. Hiện tượng “bão
hòa” về nhu cầu tuyển dụng giáo viên
bắt nguồn từ việc “cung” vượt “cầu”.
Tình trạng trên là khá phổ biến ở các
vùng đồng bằng, nhất là vùng thành
phố, thị xã. Sau 4 năm miệt mài học tập,
ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại
học, nhiều sinh viên sư phạm cảm thấy
hoang mang về tương lai của mình. Một
bộ phận trong số này đã phải chuyển
sang làm nghề khác, gây lãng phí không
nhỏ về kinh phí đào tạo và thời gian học
tập của sinh viên.
Bên cạnh đó, mặc dù lao động sư
phạm là loại hình lao động có nhiều nét
đặc thù, nghề giáo viên vẫn được xem là
“nghề cao quý nhất”, nhưng so với nhiều
ngành nghề khác, chế độ lương bổng phụ
cấp của giáo viên vẫn còn thấp. Đồng
lương eo hẹp khiến nhiều giáo viên
không yên tâm công tác, phải “chân
trong, chân ngoài” vất vả mưu sinh. Điều
này đã tác động không nhỏ đến sự định
hướng của phụ huynh và việc chọn
trường dự thi của học sinh. Nhất là trong
thời điểm hiện nay, việc chọn trường dự
thi đối với những học sinh thực sự có
năng lực đã trở nên thực dụng hơn.
Thứ tư, chưa có các cơ quan, tổ chức
trung gian khách quan làm việc độc lập
với các cơ quan quản lý nhà nước về
giáo dục để có các ý kiến phản biện, kịp
thời chấn chỉnh cũng như góp ý thực sự
mang tính khoa học, có tác dụng tư vấn,
khuyến nghị cho các dự thảo cải cách
giáo dục. Trong nhiều năm qua, giáo
dục và đào tạo gặp khó khăn nhiều nhất
trong việc đánh giá và kiểm tra do
chúng ta cứ luẩn quẩn với cách đánh giá
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10(83) - 2014
80
truyền thống, nêu thành tích, ít tìm ra
nguyên nhân tồn tại của chính mình. Do
vậy, hàng năm mỗi trường đều có rất
nhiều loại tổng kết, báo cáo nhưng vẫn
không tìm ra nguyên nhân của yếu kém,
lạc hậu. Chất lượng đầu ra (chất lượng
sinh viên tốt nghiệp) cũng như chất
lượng đào tạo của hệ thống chưa đáp
ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế
xã hội và chưa đáp ứng được sự kỳ vọng
của người sử dụng các dịch vụ mà các
trường đại học cung cấp.
3. Một số giải pháp phát triển giáo
dục đại học ở Việt Nam
Quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy
cuộc chạy đua phát triển nguồn nhân lực
tại các quốc gia, khu vực trên thế giới.
Toàn cầu hóa đã làm cho các nền kinh tế
phát triển nhanh chóng hơn và trở thành
một thị trường toàn cầu, tương tác và
phụ thuộc lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt
với nhau. Đóng góp chủ yếu vào điều
này phụ thuộc vào kiến thức và các kỹ
năng của lực lượng lao động. Trên thực
tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo và các
kỹ năng của lực lượng lao động là vũ
khí cạnh tranh quan trọng trong thế kỷ
XXI. Việc hội nhập quốc tế sẽ tạo điều
kiện và thúc đẩy việc thiết lập cơ cấu lao
động theo định hướng thị trường, đó là
cần có những lao động có trình độ
chuyên môn kỹ thuật cao, trong khi
những lao động không có chuyên môn
kỹ thuật phải được cắt giảm. Người lao
động nếu không tích cực cập nhật cái
mới, học tập nâng cao trình độ, chuyên
môn nghiệp vụ thì sẽ bị đào thải khỏi
môi trường làm việc chuyên nghiệp. Do
đó, để tham gia vào quá trình hội nhập
giáo dục toàn cầu, trước mắt hệ thống
giáo dục đại học ở nước ta cần thực hiện
được các giải pháp sau:
3.1. Xây dựng hệ thống kiểm định
chất lượng giáo dục
Mục đích của việc xây dựng hệ thống
kiểm định chất lượng giáo dục là hàng
năm đánh giá, xếp hạng các trường đại
học tại Việt Nam; qua đó, chính thức
hóa các tiêu chí lựa chọn và xếp hạng
các trường đại học. Sự xếp hạng cũng
cần dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau
như trường có chất lượng đào tạo tốt
nhất, trường có các đề tài nghiên cứu có
tính ứng dụng trong thực tế tốt nhất,
trường có cơ quan quản lý sinh viên tốt
nhất Việc kiểm định này cần giao cho
một tổ chức độc lập nằm ngoài Bộ Giáo
dục và Đào tạo để đảm bảo tính khách
quan. Định kỳ 2 năm một lần việc đánh
giá, xếp hạng được thực hiện dựa trên
kết quả kiểm soát quá trình và đánh giá
tổng thể, kết quả xếp hạng được công bố
rộng rãi trên các kênh thông tin đại
chúng. Kết quả xếp hạng cho biết chất
lượng và uy tín của các cơ sở giáo dục
đại học, là căn cứ để các trường đại học
và tổ chức quốc tế tham khảo về hệ
thống giáo dục đại học Việt Nam; từ đó,
tạo cơ hội giao lưu hợp tác trong lĩnh
vực giáo dục, đào tạo và phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao trên bình
diện quốc tế. Đồng thời, cần xây dựng
cơ chế đánh giá chất lượng đào tạo qua
khả năng hòa nhập của nhân lực được
đào tạo vào thị trường lao động. Muốn
thực hiện điều này, các cơ quan quản lý
Phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam...
81
nhà nước về giáo dục cần có sự phối
hợp chặt chẽ với cơ quan sử dụng nhân
lực và các doanh nghiệp.
Để hướng đến một nền giáo dục chất
lượng và chuyên nghiệp, ngành giáo dục
cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, bộ
tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời chú
trọng đào tạo các chuyên gia, kiểm định
viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn
là vị “quan tòa” liêm chính, là chuyên
gia tư vấn, sẵn sàng giúp các cơ sở giáo
dục giải quyết khó khăn. Các nhà quản
lý cũng phải coi kiểm định chất lượng
như là một giải pháp hiệu quả bảo đảm
chất lượng giáo dục, chứ không phải là
việc làm mang tính đối phó hoặc báo
cáo thành tích nhất thời. Bên cạnh đó,
cần sớm xây dựng hệ thống giám sát,
kiểm định lại việc KĐCLGD nhằm ngăn
ngừa những tiêu cực.
3.2. Quảng bá hình ảnh, uy tín cho
hệ thống giáo dục đại học Việt Nam
Tổ chức các triển lãm giáo dục hàng
năm là cuộc biểu dương lực lượng của
ngành giáo dục. Điều đó giúp các học
sinh nắm được đầy đủ thông tin về các
trường mình dự kiến thi, là cơ sở để các
trường tạo nguồn sinh viên có chất
lượng trong tương lai. Để giúp cơ quan
quản lý nhà nước về cải cách giáo dục
cần thành lập một Hội đồng cố vấn giáo
dục gồm có cả các chuyên gia giáo dục
quốc tế ở các nước phát triển. Các
chuyên gia này có thể giúp Việt Nam
tiến nhanh hơn vào quá trình hội nhập
giáo dục quốc tế thông qua những kiến
thức và kinh nghiệm của họ. Mặt khác,
cần khuyến khích các trường mở rộng
các chương trình liên doanh, liên kết đào
tạo, để sinh viên có thể học ngay tại
trong nước lấy bằng nước ngoài, hạn
chế việc chảy ngoại tệ ra nước ngoài để
học tập. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập,
cần nâng cao trình độ tiếng Anh cho
giảng viên và sinh viên Việt Nam. Muốn
thực hiện được cần có chính sách thu
hút và ưu đãi về địa điểm, điều kiện cơ
sở vật chất để mời các tổ chức hàng đầu
về giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên.
Đây sẽ là nơi đào tạo nguồn cho các
sinh viên có thể tham gia các khóa giao
lưu tại nước ngoài.
3.3. Tăng cường giao quyền tự chủ
cho các trường đại học
Chức năng cơ bản trong quản lý nhà
nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo là
thực hiện việc định hướng phát triển, tạo
lập khung pháp lý và kiểm tra, thanh tra,
giám sát việc thực thi pháp luật, tạo môi
trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo
dục và đào tạo. Tuy nhiên, thực tế việc
thực hiện các chức năng này lại có xu
hướng sa đà các công việc cụ thể, làm
thay công việc vốn thuộc trách nhiệm
của từng trường đại học, làm thui chột
sức sáng tạo và tính năng động vốn có
của các trường đại học. Việc quản lý
theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” đối với các
trường đại học dẫn tới biên chế tăng liên
tục mà kết quả, mục tiêu cải cải giáo dục
chưa đạt được. Quản lý các trường đại
học mang tính “xin - cho” gây ra sự
thiếu minh bạch, thiếu công bằng trong
giáo dục. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào
tạo cần làm đúng chức năng quản lý nhà
nước của mình, giao quyền tự chủ đầy
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10(83) - 2014
82
đủ và tự chịu trách nhiệm cho các
trường đại học.
Đổi mới tư duy giáo dục đại học
trong quản lý nhà nước để tiến đến trao
quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách
nhiệm cao của các trường đại học chính
là động lực của phát triển. Đó là yêu cầu
tất yếu từ chính các trường đại học trong
cả nước hiện nay, như quyền tự chủ tài
chính, nhân sự, công tác tuyển sinh và
nhất là xây dựng chương trình. Với chủ
trương “đào tạo theo nhu cầu” thì việc
xây dựng chương trình phải xuất phát từ
nhu cầu của xã hội. Chỉ có như vậy, các
trường đại học mới có thể tự quyết định
trong đầu tư cơ sở vật chất và chuyên
môn hóa sâu về lĩnh vực đào tạo của
mình. Ở các trường phổ thông có thể
dùng chung một chương trình, một bộ
sách giáo khoa, một phương thức đào
tạo; còn ở mỗi trường đại học có những
đặc thù riêng. Mỗi trường đại học là một
trung tâm trí tuệ, có hiểu biết sâu về lĩnh
vực đào tạo của mình, thấu hiểu nhất các
vấn đề của nội bộ nhà trường. Nhà
trường là nơi có hiểu biết và cập nhật
nhanh nhất các thông tin trong lĩnh vực
chuyên môn mà họ đào tạo. Họ cần
được trao quyền tự chủ đầy đủ để phát
huy cao nhất tính năng động và sáng tạo
của tập thể nhà trường, để các hoạt động
của nhà trường đạt được hiệu quả cao.
Trường cần được tự quyết định nội dung
đào tạo về chuyên môn, nội dung
chuyên môn cũng phải thay đổi kịp thời
để theo kịp với thực tiễn. Vì vậy, nhà
trường cần được trao quyền tự quyết
định nội dung đào tạo về chuyên môn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức
năng quản lý nhà nước của mình thông
qua các tổ chức kiểm định chất lượng
theo phương thức “hậu kiểm” - kiểm tra
chặt chất lượng đầu ra trong khi mở
rộng đầu vào. Do vậy, giáo dục đại học
chỉ có thể phát triển nhanh, mạnh và
đúng hướng khi các trường đại học được
trao quyền tự chủ đầy đủ. Sự quản lý
nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo
không can thiệp quá sâu vào các công
việc cụ thể của trường. Từng trường đại
học phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về
các hoạt động của mình theo đúng luật
pháp và chịu sự kiểm tra, thanh tra của
Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự giám sát
của người dân.
3.4. Nâng cao trình độ quản lý của
người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học
Trong các cơ sở giáo dục đại học,
lãnh đạo không chỉ cần giỏi về chuyên
môn, mà còn cần phải có trình độ cao về
quản lý, lãnh đạo, đặc biệt là về quản lý
nhân sự trong sử dụng, bố trí, sắp xếp,
qui hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, sa
thải Lãnh đạo các trường đại học phải
có tâm, có tầm, phải tạo được sự ủng hộ
của cấp trên, tạo được niềm tin của cấp
dưới và phải thực sự dũng cảm trong
thực hiện cải cách giáo dục. Để thực
hiện điều đó, người đứng đầu cần có tư
duy đổi mới. Chẳng hạn, cần thay xu
hướng xét hồ sơ lý lịch, dựa vào bằng
cấp khi tuyển dụng giảng viên đại học
bằng việc tuyển chọn coi trọng đánh giá
năng lực nhân sự trên các khía cạnh kiến
thức, kỹ năng, kinh nghiệm và sự phù
hợp về tâm lý của cá nhân với tính chất
Phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam...
83
công việc thông qua các bài thi lý
thuyết, thực hành, xử lý tình huống và
trắc nghiệm tâm lý. Hoặc cần có tư duy
đổi mới trong việc thu hút và tìm kiếm
nguồn nhân lực giảng viên theo nguyên
tắc “việc tìm người” thay cho nguyên tắc
“người tìm việc” nhằm đảm bảo được
đội ngũ giảng viên có chất lượng cao.
Để thực hiện được điều đó, pháp luật
phải quy định rõ và chặt chẽ tiêu chuẩn
người đứng đầu. Điều kiện tiên quyết
trong tiêu chuẩn người đứng đầu là phải
có tri thức sâu rộng về quản lí giáo dục.
Kiến thức và tầm nhìn về quản lí giáo
dục của người đứng đầu cơ sở giáo dục
phải được đặt lên hàng đầu trong tiêu
chí lựa chọn. Chính sự yếu kém về nhận
thức dẫn đến sự yếu kém trong công tác
chỉ đạo, ra quyết định, sự lúng túng
trong công tác qui hoạch cải cách giáo
dục của nước ta trong thời gian qua. Mặt
khác, người đứng đầu phải biết lắng
nghe, biết tập hợp sức mạnh khoa học từ
những nhà chuyên môn về giáo dục, về
quản lí hành chính, thống nhất trong
công tác qui hoạch và quyết đoán trong
công tác xây dựng, kiến thiết, quản lí,
vận hành cơ sở giáo dục đại học. Đồng
thời, cần phải quy định rõ nhiệm vụ,
quyền hạn, chế độ báo cáo, giải trình,
trách nhiệm của người đứng đầu và kèm
theo cơ chế kiểm soát hiệu quả để hạn
chế tình trạng lạm quyền của cá nhân
người có trách nhiệm. Đó là việc quy
định rõ quy trình bổ nhiệm hoặc thi
tuyển người đứng đầu thật chặt chẽ; quy
định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ báo
cáo, giải trình, trách nhiệm của người
đứng đầu, và đảm bảo cơ chế giám sát,
kiểm tra, xử lý với các vi phạm của
người đứng đầu.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chiến lược phát
triển giáo dục Việt Nam 2009 - 2020.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Đề án
đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn
2006 - 2020.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Đề án
Xây dựng và Phát triển hệ thống kiểm định chất
lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và
trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020
kèm theo Quyết định số 4138/ QĐ - BGD&ĐT
ngày 20 tháng 9 năm 2010.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Qui hoạch
phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn
2011 - 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số
6639/QĐ - BGD&ĐT ngày 29 tháng 12 năm
2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn
kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa X, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, tr.45.
6. Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Sơn (2002), Trí thức giáo
dục đại học Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
8. Quốc Hội, Luật Giáo dục đại học 2012.
9. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số
1216 - QĐ/TTg, ngày 22 tháng 7 năm 2011
“Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt
Nam giai đoạn 2011 - 2020”.
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10(83) - 2014
84
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 23582_78903_1_pb_0647_2009725.pdf