Những vùng thẩm mỹ trong tiểu thuyết Đỗ Bích thúy - Nguyễn Thị Thu Hà

4. KẾT LUẬN Có thể nói, Đỗ Bích Thuý đã sống, gắn bó máu thịt và cũng khắc khoải khôn nguôi về vùng đất Hà Giang và Hà Nội. Những vùng đất ấy đã đi vào trang viết của Đỗ Bích Thúy một cách tự nhiên, như một điều tất yếu và trở thành vùng thẩm mỹ trong sáng tác của nhà văn. Chị đã vừa viết về Hà Giang với tình yêu của đứa con dành cho quê hương máu thịt vừa viết về Hà Nội với tất cả cảm xúc đắm say nhất. Miền thẩm mỹ vào trang văn của chị cũng đi ra từ nỗi nhớ. Lịch sử, cuộc sống, con người Hà Giang hay một góc đô thị Hà Nội đều hiện lên sinh động, đáng yêu, đáng quý trong nỗi nhớ và tấm lòng yêu thương tha thiết của nhà văn. Chính vùng thẩm mỹ này đã góp phần chi phối cách xử lí đề tài, thể hiện chủ đề, xây dựng nhân vật, sử dụng thủ pháp nghệ thuật Vậy nên, tìm hiểu về vùng miền thẩm mỹ là đã mở cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Đỗ Bích Thuý. Nhà văn, ở một góc độ nào đó, giống như nhà thám hiểm địa lí, mang trong mình khát vọng cháy bỏng là khám phá những vùng đất mới. Mở rộng đề tài, miền sáng tác và thể hiện đến tận cùng vùng thẩm mỹ đó là niềm đam mê chân chính, đẹp đẽ của mỗi nhà văn. Đỗ Bích Thúy, hôm qua và hôm nay, dẫu viết về cuộc sống và con người miền núi hay đô thị thì cũng đang kể câu chuyện của mình và những người quanh mình với những gì thân thuộc nhất. Những trang viết về Hà Giang hay Hà Nội đều là kết quả của quá trình nghiệm sinh và đầm đìa kí ức.

pdf10 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 497 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những vùng thẩm mỹ trong tiểu thuyết Đỗ Bích thúy - Nguyễn Thị Thu Hà, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(37)/2016: tr. 26-35 NHỮNG VÙNG THẨM MỸ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ BÍCH THÚY NGUYỄN THỊ THU HÀ - LÊ THỊ HƯỜNG Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Tiểu thuyết chính là thể loại khẳng định được tài năng, phong cách và bản lĩnh nghệ thuật của Đỗ Bích Thúy. Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy được khơi gạn từ suối nguồn cảm xúc mãnh liệt về những vùng thẩm mỹ đặc trưng. Trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn, những vùng thẩm mỹ đã chi phối cách xử lí đề tài, thể hiện chủ đề, xây dựng nhân vật, các thủ pháp nghệ thuật... Tác giả cũng thể hiện chân xác, sinh động ngôn ngữ đặc trưng của những vùng thẩm mỹ thông qua ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Những vùng thẩm mỹ trong tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy cho thấy tình yêu quê hương xứ sở và nỗi niềm trăn trở của “người đàn bà viết văn bước ra từ dòng sông Nho Quế”. Từ khóa: vùng thẩm mỹ, Đỗ Bích Thúy, tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy, cảm hứng sáng tạo 1. MỞ ĐẦU Trong dàn hợp xướng các nhà văn nữ, Đỗ Bích Thúy đã góp một “tiếng đàn môi”. Ngòi bút Đỗ Bích Thuý lấp lánh tài hoa ở nhiều thể loại. Với tiểu thuyết, Đỗ Bích Thuý đã khẳng định được tài năng, phong cách và bản lĩnh nghệ thuật của mình. Bóng của cây sồi, Cánh chim kiêu hãnh, Cửa hiệu giặt là mở ra một thế giới nghệ thuật đa dạng, hòa kết bởi nhiều thanh âm của cuộc sống. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, Đỗ Bích Thuý đóng góp không nhỏ cho thành tựu đa dạng của văn học Việt Nam đương đại. Nhìn lại hành trình sáng tạo, có thể thấy Đỗ Bích Thuý đã tạo nên một khuôn mặt văn chương. Những trang viết của chị luôn mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp nghĩ suy của đồng bào dân tộc sống trên núi đá, trở thành một di sản nho nhỏ, không thể thiếu khi người ta nhắc đến Hà Giang. Nhà văn cũng mở rộng biên độ cảm hứng bằng cách viết nhiều về cuộc sống đô thị Hà Nội hôm nay với bao trăn trở, suy ngẫm. Dù viết về đề tài nào, văn Đỗ Bích Thuý cũng mềm mại, dung dị, khéo và đẹp. Đó là những trang viết vừa mộc mạc, vừa tinh tế, giọng văn da diết, trầm buồn chất chứa nỗi lòng ưu tư và những rung cảm chân thành của một nhà văn luôn gắn bó với đời. 2. NHỮNG VÙNG MIỀN THẨM MỸ TRONG CẢM HỨNG SÁNG TẠO Trong thế giới văn chương, các nhà văn thường có một “vùng sáng tác” nhất định. Giá trị vùng thẩm mỹ chỉ thực sự được nảy sinh khi nhà văn đó gắn bó máu thịt hoặc có một xúc cảm thẩm mỹ đặc biệt để viết nên những tác phẩm mang dấu ấn đặc trưng riêng biệt cho mình. Ở Thạch Lam là phố huyện nghèo nàn, xơ xác, buồn vắng hoặc vùng ngoại ô tối tăm của Hà Nội; ở Nguyên Hồng là phố cảng Hải Phòng chói chang màu phượng vĩ; Hoàng Cầm với vùng văn hoá Kinh Bắc; Nguyễn Ngọc Tư đi về trên mảnh đất miền NHỮNG VÙNG THẨM MỸ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ BÍCH THÚY 27 Tây Nam bộ... Trên hành trình sáng tạo, Đỗ Bích Thúy đã định vị được những vùng thẩm mỹ riêng của mình, đó là quê hương Hà Giang và chốn đô thành Hà Nội. 2.1. Hà Giang - từ quê hương máu thịt đến những trang văn Nói đến vùng thẩm mỹ trong sáng tác Đỗ Bích Thuý trước hết phải nói đến Hà Giang- nơi có thiên nhiên, văn hoá và con người với những dấu ấn riêng biệt, không thể trộn lẫn với vùng khác. Vùng thẩm mỹ này đã góp phần tạo nên dấu ấn trong phong cách sáng tạo của Đỗ Bích Thuý. Cảm hứng sáng tạo của Đỗ Bích Thúy được khơi nguồn từ vương quốc tuổi thơ (Freud). Có một miền Hà Giang gắn liền với tuổi thơ và luôn sống động trên những trang văn của Đỗ Bích Thúy. Sinh ra, lớn lên, trải đời mình với những năm tháng tinh khôi nhất ở miền sơn cước, Đỗ Bích Thúy thông thuộc từng cánh rừng, thung lũng, vách đá, hiểu cặn kẽ cách sống, nếp nghĩ của đồng bào dân tộc nơi đây. Yêu tha thiết quê mình, “người con của núi” đã miệt mài viết, trải lòng trên trang sách và trở thành một trong những nhà văn viết về miền núi hay nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Vùng thẩm mỹ Hà Giang trở đi trở lại trên trang viết trong nỗi nhớ khôn nguôi, nỗi trăn trở, ưu lo của người con xa xứ. “Đỗ Bích Thúy đã tạo nên một khuôn mặt văn chương viết về Tây Bắc không lẫn với bất kì cây bút nào..., là đóa hoa văn Tây Bắc trong bàng bạc sương mù tháng Ba núi non địa đầu Tổ quốc” [6]. So với các tác giả văn xuôi miền núi đương đại, Đỗ Bích Thúy đã tìm được “lối riêng” và mang đến cho văn xuôi miền núi một “hương vị lạ”. Nếu Cao Duy Sơn viết nhiều về lũng Cô Sầu (Trùng Khánh - Cao Bằng), Phạm Duy Nghĩa mở rộng đường biên khắp núi rừng Tây Bắc thì Đỗ Bích Thúy gắn liền với Hà Giang. Núi rừng trùng trùng điệp điệp bao quanh mảnh đất Hà Giang đã phủ bóng xuống trang văn Đỗ Bích Thúy. Không gian đại ngàn ấy trở thành nền cảnh để những câu chuyện về lịch sử, văn hoá, cuộc sống, con người Hà Giang được kể một cách chân thực, tinh tế và sâu sắc. Cảm xúc văn chương của Đỗ Bích Thuý được khơi gạn từ vùng thẩm mỹ ấy. Chị đã viết về thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, con người Hà Giang trong tâm thế của người trong cuộc. Cùng viết về Việt Bắc và Tây Bắc - “hai miền đất vàng của văn chương miền núi, nơi ngưng tụ nguồn mạch chính của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam” [2] nhưng nếu Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp là người miền xuôi đi thực tế, kiếm tìm cảm hứng và vốn sống, tư liệu để viết; Cao Duy Sơn, Vi Hồng là nhà văn dân tộc Tày viết cuộc sống của đồng bào mình thì Đỗ Bích Thúy là người miền xuôi nhưng sinh ra, lớn lên, trải nghiệm cùng cuộc sống của đồng bào nên chị viết về miền núi với những cảm xúc riêng, không trộn lỗn với bất cứ nhà văn nào. Miền núi Hà Giang mãi mãi là một phần quan trọng trong đời người và đời văn Đỗ Bích Thuý: “Sở dĩ tôi không ngừng viết về miền núi vì đó là mảnh đất của tôi, mỗi khi viết về nó, đắm chìm trong thế giới ấy, tôi lại như người đi xa được trở về nhà... Cái tâm trạng ấy, nói thực lòng, tôi chưa bao giờ cảm thấy khi viết về một đề tài khác, mảnh đất khác” [1]. Hiện thực đời thường ở miền núi xuất hiện dày đặc trong văn xuôi Đỗ Bích Thúy như một dấu ấn đặc biệt làm nên phong cách của nhà văn. Các truyện ngắn như Vết chân 28 NGUYỄN THỊ THU HÀ – LÊ THỊ HƯỜNG ngựa trên đường mòn, Gió lùa qua cửa, Con dê bốn mắt, Váy ướt cuốn vào bắp chân,v.v...đã khắc họa đời sống miền núi trước những tác động của nền kinh tế thị trường ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ở thể loại tiểu thuyết, nhà văn dành nguyên Bóng của cây sồi để tái hiện rõ nét, đầy đủ hơn những mảng màu sáng tối của cuộc sống đời thường. Sau bức tranh hiện thực đời thường ấy là bài ca đầy nhân văn về tình đời, tình người. Vẫn tiếp tục mạch nguồn sáng tạo về đề tài dân tộc, miền núi, Đỗ Bích Thúy đã khai thác đề tài chiến tranh, lí giải con đường đến với cách mạng của đồng bào các dân tộc Hà Giang với những sắc thái đa dạng. Ngược dòng lịch sử, với Cánh chim kiêu hãnh, nhà văn hào sảng cất tiếng ca tri ân quá khứ và mảnh đất Hà Giang máu thịt của mình. Kết cấu tuyến tính góp phần không nhỏ trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh. Các sự kiện lịch sử, những thăng trầm trong số phận nhân vật lần lượt được mở ra, đưa người đọc ngược chiều lịch sử, đến với đồng bào các dân tộc Hà Giang trong chiến tranh để hiểu thấu những đau thương mất mát nhưng cũng muôn phần đẹp đẽ trong cuộc sống, tính cách và phẩm giá của con người nơi đây. Dẫu chưa thoát khỏi lối viết truyền thống nhưng kết cấu của Cánh chim kiêu hãnh không đơn thuần là kết cấu sự kiện. Cách sắp đặt thời gian và các sự kiện, tình tiết không theo tuần tự, cách kể linh hoạt, đa dạng nên ít nhiều tránh được sự nhàm chán và cũng tạo ra cái mới trong hình thức. Đằng sau những sự kiện lịch sử là chiều sâu tâm lí. Lịch sử - chiến tranh khúc xạ qua trường nhìn của một nhà văn nữ giàu ý nghĩa nhân bản, nhân văn. Viết về miền núi, Đỗ Bích Thúy quan tâm đến số phận người phụ nữ. Những người đàn bà miền núi đi vào trang văn Đỗ Bích Thúy với những gì chân thật nhất. Căn nguyên sâu xa xô đẩy cuộc đời người phụ nữ bất hạnh đến bi kịch nghiệt ngã chính là những định kiến hẹp hòi và tập tục, lề thói đáng sợ ngay chính trong ngôi nhà của mình. Đàn bà ở Lao Chải chịu áp lực ghê gớm khi lấy chồng thì phải sinh cho gia đình chồng một đứa con trai. Bà Mẩy lấy chồng, đẻ liên tiếp mười hai đứa con gái. “Mỗi lần mẹ đẻ một chị gái là bố lại chém vào cột nhà một nhát, đến khi có Phù cây cột không bị chém nữa” [7, tr. 37]. Cuộc đời của những người đàn bà miền núi chỉ lẩn quẩn sau cái bóng của người đàn ông. Hình ảnh những người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn ngay chính trong ngôi nhà của mình không chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết Bóng của cây sồi mà còn tạo thành “ma trận đàn bà miền núi” trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy nói chung: Mai (Cạnh bếp có cái muôi gỗ), Nhẻo (Như một con chim nhỏ), Kía (Gió không ngừng thổi), mẹ già (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá)... Viết về những người phụ nữ miền núi, Đỗ Bích Thúy đi vào thế giới bên trong nhiều khát vọng của họ. Để khơi sâu vào chiều sâu tâm hồn, nhà văn thường xóa nhòa các chiều thời gian, quá khứ- hiện tại đồng hiện nhằm bộc lộ rõ tâm trạng của nhân vật. Thời gian đồng hiện có khi đi liền với những trường đoạn độc thoại nội tâm, qua đó, nhà văn có thể lấn sâu vào thế giới bên trong nhân vật để miêu tả chân thực những diễn biến tâm lí cũng như mong ước, khát vọng của họ. Đoạn cuối của tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh thể hiện rõ tài năng của Đỗ Bích Thúy trong việc sử dụng kiểu thời gian đồng hiện để khắc họa một cách tinh tế, sâu sắc tâm lí của nhân vật Mai trong những giây NHỮNG VÙNG THẨM MỸ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ BÍCH THÚY 29 phút cuối đời. Trong khoảnh khắc chập chờn giữa đôi bờ sinh tử, hồn của Mai đuổi theo chuỗi dài những hình ảnh trong quá khứ và hiện tại. Ước muốn ngày nào được là con chim kiêu hãnh bay trên trời cao trở lại, Mai cảm thấy mình trôi bồng bềnh trên cao cùng sải cánh của con chim lớn. Đám mây dưới lưng vỡ vụn, Mai rơi xuống và cảm nhận hơi ấm của rừng, nghe cả tiếng dòng sông Gâm. Tiếng gọi của đứa con thơ từ miền xa thẳm nào đó vọng lại trong tưởng tượng như dao cứa trái tim. Mai cố quay lại với con nhưng không thể: “Thằng Dí mỗi lúc một xa dần, nhỏ tí như một cái chấm phía sau, phía sau nữa là một cái chấm khác lớn hơn. Cái chấm ấy đứng bên cửa chuồng ngựa, có một đôi mắt đã da diết nhìn theo Mai khi Mai vĩnh viễn rời khỏi căn bếp sặc mùi men rượu và những trận đòn không nương tay. Và đôi mắt ấy, sẽ còn da diết mỗi khi nghĩ về Mai sau này”[8, tr.168]. Vậy là, quá khứ, hiện tại và tương lai cùng đồng hiện, soi chiếu vào nhau, gói ghém được tất cả nỗi niềm của Mai trước khi đi về cõi khác. Sử dụng kiểu thời gian hồi ức, Đỗ Bích Thúy đã tạo ra những áng văn đẹp biểu hiện dòng cảm xúc dâng trào trong tình cảm của nhân vật. Qua những dòng kí ức miên man, những trường thương nhớ, nhân vật tự phơi bày thế giới nội tâm phức tạp, đầy biến động của mình. Nhà văn chiếm lĩnh mọi ngõ ngách tâm trạng của nhân vật và biểu hiện nó một cách tinh tế, giàu cảm xúc, có khả năng khơi gợi niềm đồng cảm của người đọc. Vì thế, kiểu thời gian hồi ức vừa là phương tiện hữu hiệu soi tỏ chiều sâu nội tâm nhân vật vừa thể hiện tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn. Có thể nói, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hà Giang đã gây cảm hứng, cảm xúc mãnh liệt trong suối nguồn sáng tác của Đỗ Bích Thúy. Chính vùng thẩm mỹ này góp phần tạo nên thế giới hình tượng nghệ thuật phong phú, đa dạng trong các tác phẩm và tự thân đã góp phần quan trọng tạo nên tư tưởng nghệ thuật và phong cách Đỗ Bích Thúy. Vùng thẩm mỹ Hà Giang là minh chứng cho tình yêu vô bờ mà nhà văn dành riêng cho quê hương của mình. 2.2. Hà Nội - từ chốn ngụ cư đến những trang văn “hóa tâm hồn” Hà Nội- mảnh đất ngàn năm văn hiến đã, đang và sẽ là nguồn cảm hứng bất tận trong suối nguồn sáng tác của các nghệ sĩ, trong đó có các nhà văn. Trong số những nhà văn đương đại viết về Hà Nội, Đỗ Bích Thuý là cái tên mới nhưng đã để lại dấu ấn trên văn đàn. Bằng độ lùi nhất định về không gian, thời gian cộng với những quan sát giàu trực cảm, những trải nghiệm quý giá, Đỗ Bích Thuý, nhà văn xuất thân từ miền núi đã phân thân bản ngã văn chương, vừa viết về quê hương máu thịt, vừa viết về chốn ngụ cư thương nhớ. Đỗ Bích Thuý khẳng định ngọn nguồn cảm xúc của những tác phẩm viết về Hà Nội chính là tình yêu với cuộc sống và con người chốn nơi đây: “Nhưng tôi yêu Hà Nội và tôi sẽ viết về nó với tình yêu ấy, với nỗi xúc động run rẩy khi nghĩ về nó, như khi người đàn ông đem lòng yêu một cô gái, anh ta nhất định phải tìm cách thổ lộ” [3]. Một số truyện ngắn (Chiếc hộp khảm trai, Sương khói mịt mờ, Đàn bà đẹp, Trong đám đông có một ánh mắt), tản văn (Nhớ Hà Nội, Chuyển nhà, Dâu da xoan, Hồn nhiên và thanh bình....) và đặc biệt là tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là của chị đã mang đến một bức tranh đời sống phố thị đa dạng, những mảng màu trong quá trình đô thị hóa có lúc chói gắt, có lúc xám xịt nhưng vẫn ẩn chứa những nốt trầm truyền thống đáng quý. 30 NGUYỄN THỊ THU HÀ – LÊ THỊ HƯỜNG Trong Cửa hiệu giặt là, Đỗ Bích Thuý viết về phần đời đã qua bằng tất cả cảm xúc đắm say của một người đã biết thế nào là tình yêu Hà Nội. Cũng là kí ức về phố phường Hà Nội nhưng nếu Phố vẫn gió (Lê Minh Hà), Dằng dặc triền sông mưa (Đỗ Phấn) chất chứa kỷ niệm về Hà Nội thời thơ ấu; Ba ngôi của người(Nguyễn Việt Hà) xuyên thời gian để cảm nhận sự đổi thay của thành phố thì Cửa hiệu giặt là ánh lên cái nhìn hài hước, hóm hỉnh qua tình yêu với một góc phố nhỏ Hà Nội. Lại nữa, cũng viết Hà Nội thời đô thị hóa nhưng nếu Đỗ Phấn nhìn nhận các vấn đề của đô thị một cách thấu triệt để thấy một Hà Nội đang rệu rã, những giá trị văn hóa của mảnh đất ngàn năm đang bị xâm lấn, dồn đuổi một cách quyết liệt và thô bạo (Chảy qua bóng tối, Rừng người) thì Đỗ Bích Thúy viết về sự nhốn nháo, thay đổi của Hà Nội từ góc nhìn nữ giới, nhẹ nhàng, trầm lắng. Hà Nội của Thúy dẫu có xô bồ, đứt gãy các giá trị văn hóa nhưng tận sâu vẫn cất giữ những vẻ đẹp trầm mặc, bình yên. Cũng như nhiều tác phẩm viết về đô thị khác, nhân vật chủ yếu của Cửa hiệu giặt là là tầng lớp thị dân gồm cả người Hà Nội gốc và dân nhập cư với muôn hình vạn trạng cuộc đời, số phận, tính cách cùng xuất hiện. Bằng kết cấu lắp ghép, Đỗ Bích Thúy đã ghép những mảnh đời cạnh nhau, vừa tương hợp vừa đối lập để làm nên một góc nhỏ Hà Nội vừa xô bồ, vừa trầm lắng. Chừng ấy con người, chừng ấy mảnh đời cứ mặc nhiên sống, làm việc, vui buồn sướng khổ dựa vào nhau, gắn với nhau, tạo nên một góc Hà thành thu nhỏ. Từ một không gian hẹp, một ô cửa nhỏ, nhà văn đã phóng chiếu cái nhìn toàn cảnh quá trình chuyển dịch nội tại trong đời sống phố thị. Quá trình đô thị hóa đã, đang tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến quan niệm, lối sống của người dân cũng như để lại nhiều hệ lụy đáng buồn. Cùng với Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp và nhiều nhà văn khác, Đỗ Bích Thúy đã góp tiếng nói để cùng truyền đi thông điệp về tính bền vững trong quá trình phát triển của Hà Nội hôm nay. Đọc Cửa hiệu giặt là, người đọc hẳn sẽ ngạc nhiên khi vẫn gặp đâu đó những điều tinh tế, xưa cũ như trong văn Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Khải. Bằng cái nhìn nữ tính, Đỗ Bích Thúy đã lồng ghép vào bức tranh phố thị trong quá trình đô thị hóa một Hà Nội xưa lắm, bình yên, trầm mặc với những nốt trầm truyền thống. Nếu Hà Nội của Vũ Bằng hiện lên đậm đặc bản sắc văn hóa từ không gian thiên nhiên đẹp đẽ, tinh tế chuyển mình qua mười hai tháng trong một năm đến không gian sinh hoạt văn hóa cổ truyền (Thương nhớ mười hai); Thạch Lam ấm cúng với những món ăn tinh tế, những ký ức ấm áp về phố cổ Hà thành(Hà Nội băm sáu phố phường); Tô Hoài là 36 phố phường rộn ràng tiếng leng keng tàu điện với tà áo dài tha thướt của thiếu nữ Hà Nội (Chuyện cũ Hà Nội) thì Hà Nội của Đỗ Bích Thúy cũng có những khoảnh khắc nên thơ, trầm mặc. Hà Nội thanh tịnh, bình an, thảnh thơi đến lạ lùng khi nắng sớm xiên qua ô cửa nhỏ, soi vào tận đáy chén nước chè trong vắt, những tiếng kinh vẳng trong những buổi sớm mùa đông hay trong đêm vắng, khói trà vẩn trong sương sớm, những chiếc lá long não khô xác quẹt trên hè phố lẹt xẹt; khi gặp đâu đó những cái ban thờ nhỏ sau cây đa có những rễ dài, buông xuống như tấm mành mà người nhang khói là bà hàng nước hay ông cắt tóc... Kết cấu lắp ghép của tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là thể hiện quan niệm mới về hiện thực của Đỗ Bích Thúy. Đó là một hiện thực không toàn vẹn, một hiện thực rời rạc, một cuộc sống đang ngổn ngang, bừa bộn. Mỗi mảnh vụn hiện thực tự nó là một câu chuyện, một NHỮNG VÙNG THẨM MỸ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ BÍCH THÚY 31 tâm điểm và có giá trị tự thân. Cũng với kiểu kết cấu lắp ghép này, Đỗ Bích Thúy ngầm thể hiện một ý thức về khả năng hữu hạn của con người trong việc nhận thức thế giới. Nhà văn không còn là “người thư kí trung thành của thời đại” mà chỉ có thể nhận thức được từng mảnh vỡ và tái hiện nó theo cách nhìn, cách cảm của mình mà thôi. Mô hình cấu trúc này cũng kích thích khả năng tiếp nhận tích cực, chủ động, sáng tạo của người đọc. Sức vẫy gọi của câu chuyện nằm ở những khoảng trống, những mảng ghép và đặc biệt ở đoạn kết văn bản.Trong quá trình dựng truyện, đoạn kết luôn luôn là một vấn đề được các nhà văn quan tâm. Tạo được kết thúc hay nghĩa là nhà văn đã có một “cú đấm nghệ thuật” khiến độc giả “đo ván”. Chính kết thúc bỏ ngỏ, không hoàn kết ấy vẫy gọi người đọc cùng tham gia trò chơi chữ nghĩa với nhà văn. Bao chuyện đời, chuyện người, chuyện hôm qua và hôm nay cứ ngổn ngang đan cài vào cuộc sống hàng ngày lắm nhọc nhằn, lo toan của con người nơi phố cổ. Trên nẻo đường mưu sinh ấy, bao số phận đã bình thản đi qua nhưng lắm con người cũng bị cái xô bồ, cạm bẫy chốn phố phường nuốt chửng. Quan niệm, lối sống, nếp nghĩ suy của các thành viên trong gia đình, trước cơn cuồng phong của cuộc đời, cũng nảy sinh sự xung đột. Từ mảnh đất miền núi, Đỗ Bích Thúy đã thay đổi vùng thẩm mỹ. Tuy vậy, chị viết về hiện thực đô thị Hà Nội trong tâm thế chủ động để bổ sung, làm giàu hiện thực trong sáng tác của mình chứ không thay thế cái hiện thực sở trường(miền núi). Từ góc nhìn của Đỗ Bích Thúy, Hà Giang hay Hà Nội cũng đang trở mình mạnh mẽ, nhiều khởi sắc nhưng cũng tiềm ẩn những điều bất ổn. Dịch chuyển vùng thẩm mỹ từ đại ngàn núi đá Hà Giang đến không gian Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, Đỗ Bích Thúy vẫn viết về thân phận đàn bà đa đoan, chịu nhiều thiệt thòi thậm chí lâm vào bi kịch bằng giọng thương cảm, xa xót, vẫn giữ cái nhìn nhân hậu, bao dung, bản lĩnh trước cuộc đời. Hòa âm làm nên bè trầm cho bài ca Hà Nội chính là hình ảnh những người đàn bà. Mẹ chồng Oanh, trên tám mươi tuổi, thức dậy từ sáng sớm, “ăn mặc chỉnh chu, tóc chải gọn gàng, khăn nhung vấn cẩn thận, ngồi bằng trên chiếc giường nhỏ thơm tho, sạch sẽ để tụng kinh bằng một thứ giọng thanh và trong đến kinh ngạc”[9, tr.36]. Đặc biệt, Hà Nội ngàn xưa vẫn vẹn nguyên trong hình ảnh của bà Minh, người đàn bà cất giữ kí ức đẹp đẽ về văn hóa thủ đô. Bà đã đi qua tuổi xuân “lộng lẫy và kiêu kì ” với bao thăng trầm của thời cuộc, khốn khó đời thường nhưng vẫn giữ vẹn vẻ đẹp đài các, đoan trang, quý phái, thanh lịch của người Tràng An: “Áo nhung the màu mận chín ở bên trong, áo lụa mỡ gà họa tiết thêu tay mặc ngoài. Quần lụa đen óng Vòng ngọc xanh lục bảo đeo cổ, vòng ngọc đeo tay nạm vàng tây, nhẫn ngọc trai trắng” [9, tr. 105].... Hình ảnh bà Minh gợi nhớ đến người đàn bà mang tên Quỳ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng hay bà Hiền trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải. Ba tác phẩm viết về ba người đàn bà Hà Nội ở ba khoảng thời gian khác nhau nhưng có nhiều điểm chung. Cả ba người đàn bà đều đẹp, đằm thắm, thuần hậu, đảm đang, cực khéo tề gia nội trợ, là hiện thân của văn hóa Hà Nội được chưng cất qua ngàn đời. Vũ Bằng, Nguyễn Khải và nay là Đỗ Bích Thúy đã xây dựng thành công hình ảnh người Hà Nội, những hạt bụi vàng trong bể trầm tích của văn hóa xứ sở, để người đọc hôm nay và mai sau thêm yêu, thêm quý giá trị văn hóa chốn này. Đằng sau những lát cắt về Hà Nội hôm nay là tấm lòng của người viết và thông điệp về cái đẹp, cái thiện trong cuộc đời. 32 NGUYỄN THỊ THU HÀ – LÊ THỊ HƯỜNG 3. NGÔN NGỮ ĐẶC TRƯNG CỦA NHỮNG VÙNG THẨM MỸ 3.1. Ngôn ngữ người kể chuyện Nét hấp dẫn đặc biệt trong ngôn ngữ trần thuật của Đỗ Bích Thúy chính là tính chất giàu hình ảnh trong lời tả (đan xen với lời kể). Qua trang văn của chị, cuộc sống, con người và thiên nhiên hiện lên chân thực, sinh động như nó vốn có. Nhà văn đã huy động vốn từ ngữ phong phú để tạo dựng những không gian nghệ thuật đặc trưng. Không gian miền núi với những âm thanh, mùi vị, màu sắc, hình ảnh thân thuộc hiện lên sống động qua dày đặc các từ tượng hình, tượng thanh gợi cảm. Nhà văn tinh tế ghi lại những âm thanh của núi rừng: tiếng sương rơi “lộp độp”, “lách tách”, “lẹt đẹt trên đá phiến”; tiếng gió “xao xác”, “vun vút”; “tiếng nước chảy từ máng vầu đổ vào bể, đầy tràn, rơi xuống vũng nước nhỏ lách tách”; “những cành mận cọ vào nhau lào xào”; “tiếng mưa quất vào những tàu cọ inh tai nhức óc”; tiếng gà “the thé”; “tiếng chim ríu rít trên cao”, “loạt soạt dưới gốc sung”; tiếng hổ gầm, đập vào vách núi “ùm ùm”; tiếng cò lửa “xoe xóe”,... Màu sắc, hình ảnh của núi rừng hiện lên chân xác, đầy ám ảnh qua hệ thống tính từ: nước sông “đỏ ngầu”, “xanh biếc”; ánh trăng với rất nhiều màu sắc, trạng thái “ở ngoài sông ánh trăng màu vàng, ở trong suối ánh trăng màu trắng”, “ánh trăng đỏ, rồi vàng sẫm, càng lên cao càng nhạt dần, rồi chỉ còn óng ánh bạc”, “ánh trăng thượng tuần nhợt nhạt”, trăng nhô lên trên cao “đỏ rực”; ánh mặt trời “đỏ hồng”, “tím sẫm”, “vàng đượm”; cây sồi với thớ gỗ “sần sùi, săn chắc, ngoằn ngoèo”, lá sồi “khô trắng” rụng chồng lên nhau; dải ruộng bậc thang “hun hút”; đá cuội dưới sát mép sông “lổn nhổn”, “màu đỏ bầm”, “rêu bám lại trên mặt đá cuội lấp lửng đáy sông”; “mùa lau ra bông kéo dài hàng tháng, sau đó thì khô gốc khô cành, cả triền đồi chuyển sang màu vàng sậm”; “mấy cây trám nếp sai trĩu trịt, quả nào quả nấy vàng óng”; “hoa mận trong vườn nở tung, trắng xóa”; sương phủ trắng rừng, cỏ mần trầu “xanh nõn”, những thân ngô “xanh pha tím mập mạp nõn nà”, chuối rừng mọc lẫn với cây giang “dày đặc, ken kín” Mùi vị đặc trưng, đa dạng của miền núi cũng được nhà văn chú ý khắc họa: gió mang mùi cỏ tranh cháy “mằn mặn, nồng nồng”, mùi trám chín, “mùi của ngọn khói mỏng tang, đốt bằng cành dẻ khô”, mùi hoa bạch yến “thơm ngát” Với hệ thống từ tượng hình, tượng thanh phong phú, Đỗ Bích Thúy đã gợi được không khí đặc trưng vùng núi đá Hà Giang. Chất thơ, chất họa, chất nhạc, chất điện ảnh đan cài trong trang văn của chị. Tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn đem lại cho người đọc cảm giác như được sống, được thở cùng nhịp thở của từng mảnh đất được tái hiện trong các tiểu thuyết. Không chỉ giàu hình ảnh, đượm chất thơ, ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy còn mộc mạc, giản dị, gần gũi với ngôn ngữ đời sống. Khi viết về lịch sử, cuộc sống và con người vùng cao, chị nói bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc, giản dị của đồng bào. Đặc biệt, khi viết về đô thị, ngôn ngữ đời thường ùa vào trang văn chị một cách tự nhiên. Cửa hiệu giặt là xuất hiện lớp từ ngữ chuyên môn, trong đó phần nhiều là lớp từ đặc trưng thời đại kĩ thuật số, công nghệ thông tin: kiểu thông tin điện tử, trang wed, chat, nick, gmail, forward, báo điện tử, điện thoại có 3G, truyền hình cáp và những từ ngữ vốn chỉ mới xuất hiện gần đây: báo lá cải, câu veiw, showbiz, phim Hàn Quốc Như vậy, ngôn ngữ thời hiện đại đã chi phối phát ngôn của người kể chuyện. NHỮNG VÙNG THẨM MỸ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ BÍCH THÚY 33 Thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện, bức tranh đô thị Hà Nội thời hiện đại hiện lên rõ nét hơn, tường tận hơn. 3.2. Ngôn ngữ nhân vật Qua quan sát, lựa chọn, vận dụng các phương tiện lời nói, Đỗ Bích Thúy đã tái hiện ngôn ngữ đối thoại của nhân vật một cách sinh động, chân thật nhất có thể. Nhà văn đã tái hiện ngôn ngữ đối thoại phù hợp với văn hóa giao tiếp của từng vùng thẩm mỹ. Trong hai tiểu thuyết Bóng của cây sồi và Cánh chim kiêu hãnh, Đỗ Bích Thúy đã vận dụng rất hiệu quả ngôn ngữ đối thoại mang đậm hơi thở và nhịp sống vùng cao. Với lối tư duy trực giác, đồng bào dân tộc thiểu số thường kiệm lời, không thích nói vòng vo, dài dòng nên họ thường sử dụng lời nói không có chủ ngữ và đề cập trực tiếp đến nội dung cần hỏi, cần giải đáp. Đây là lời đối thoại của Mai và Chúng trong lần gặp gỡ đầu tiên: “Thằng trai hỏi: - Bây giờ làm gì tiếp? - Về nhà. Ăn đòn. Đi ngủ. - Làm sao mà ăn đòn? - Cỏ dính đầy bùn thế kia, ngựa không ăn được. Lại nát hết cả lúa nữa”[8, tr. 8] Ngôn ngữ giao tiếp của người dân tộc thiểu số ngắn gọn, mộc mạc, dung dị, hóm hỉnh. Trong Cánh chim kiêu hãnh, chuyện vợ chồng được Chúng diễn tả bằng từ ngữ hồn nhiên, chân mộc theo cách cảm, cách nghĩ của người dân tộc nhưng tràn đầy tình yêu thương: “Tối nay cho cáo ăn thịt nhé”, “Hay là cho cáo ăn thịt nhé. Chờ đến tối lâu lắm. Lâu thế thì chết mất”, “Chồng nhớ quá, thèm quá, phải về ăn thịt một cái không thì chết mất” Thông qua cách nói năng, Đỗ Bích Thúy cũng đã cá thể hóa tính cách nhân vật một cách chân xác. So với hai tiểu thuyết viết về miền núi thì Cửa hiệu giặt là xuất hiện ngôn ngữ đối thoại dày đặc hơn. Đỗ Bích Thúy đã chắt lọc ngôn ngữ đời sống phố thị một cách tinh tường để đưa vào tiểu thuyết thứ ngôn ngữ rất đời, rất hiện sinh của người đô thị thời hiện đại. Và lời phát ngôn nào cũng thể hiện một đặc điểm tính cách cụ thể, luôn va đập, cọ xát. Đỗ Bích Thúy đã lùa thứ ngôn ngữ đối thoại chát chúa, thô nhám, tếu táo của người đô thị hiện đại vào tiểu thuyết một cách rất tự nhiên. Những khẩu ngữ, tiếng lóng, từ mới phát sinh được các nhân vật ưa thích sử dụng. Hiện tượng tạo láy bằng cách “iếc” hóa nhằm mục đích phủ định, mỉa mai cũng hiện diện trong lời thoại của các nhân vật: cửa hàng cửa hiếc, chả tham thiếc gì sất, than thiếc, đồng tính đồng tiếc, thuốc thiếc gì, nhẽ nhiếc gì, bụng biếc, đùi điếc, đi làm đi liếc, Nhan nhản trong lời phát ngôn của các nhân vật là những cách nói năng suồng sã, chòng ghẹo, cãi vã chao chát chỏng lỏn theo kiểu facebook: bẻ chân bẻ tay làm tăm xỉa răng bây giờ, xin xin cái mả bố nhà mày, vả vào mồm bây giờ, vuốt cái thằng bố mày ấy, mày cứ đánh đĩ mồm như thế, xin mấy cái răng cửa giờ, đanh đá như mèo cái, cái đồ thối mồm, bà thì bà cho mày ra bã chuyến này, đau hết cả lòng mề, mặt mày già đau già đớn thế kia, gi gỉ gì gi cái gì cũng biết, Qua lời ăn tiếng nói của các nhân vật, Đỗ Bích Thúy muốn xới lên một mảng ngôn từ 34 NGUYỄN THỊ THU HÀ – LÊ THỊ HƯỜNG của thanh niên mới lớn cũng như những người lao động nghèo ở đô thị hiện nay. Qua chuỗi hội thoại tưởng như vụn vặt, không đầu không cuối ấy, đời sống đô thị với vô vàn những câu chuyện ngổn ngang chất chứa sự hỗn tạp của cuộc đời dường như đang bày ra trước mắt người đọc. Qua đó, cách sống, quan niệm sống, cá tính của nhân vật hiện lên sinh động, đa dạng như ngoài đời. Việc cập nhật, lựa chọn và tái hiện đa dạng ngôn ngữ đời thường miền núi và đô thị trong ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật thể hiện tư duy hướng vào đời tư, bám sát hiện thực đời sống của tác giả. Lớp ngôn ngữ đối thoại đã thổi hồn cho tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy và cũng in dấu sự tìm tòi, đổi mới của nhà văn trong quá trình sáng tạo. 4. KẾT LUẬN Có thể nói, Đỗ Bích Thuý đã sống, gắn bó máu thịt và cũng khắc khoải khôn nguôi về vùng đất Hà Giang và Hà Nội. Những vùng đất ấy đã đi vào trang viết của Đỗ Bích Thúy một cách tự nhiên, như một điều tất yếu và trở thành vùng thẩm mỹ trong sáng tác của nhà văn. Chị đã vừa viết về Hà Giang với tình yêu của đứa con dành cho quê hương máu thịt vừa viết về Hà Nội với tất cả cảm xúc đắm say nhất. Miền thẩm mỹ vào trang văn của chị cũng đi ra từ nỗi nhớ. Lịch sử, cuộc sống, con người Hà Giang hay một góc đô thị Hà Nội đều hiện lên sinh động, đáng yêu, đáng quý trong nỗi nhớ và tấm lòng yêu thương tha thiết của nhà văn. Chính vùng thẩm mỹ này đã góp phần chi phối cách xử lí đề tài, thể hiện chủ đề, xây dựng nhân vật, sử dụng thủ pháp nghệ thuật Vậy nên, tìm hiểu về vùng miền thẩm mỹ là đã mở cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Đỗ Bích Thuý. Nhà văn, ở một góc độ nào đó, giống như nhà thám hiểm địa lí, mang trong mình khát vọng cháy bỏng là khám phá những vùng đất mới. Mở rộng đề tài, miền sáng tác và thể hiện đến tận cùng vùng thẩm mỹ đó là niềm đam mê chân chính, đẹp đẽ của mỗi nhà văn. Đỗ Bích Thúy, hôm qua và hôm nay, dẫu viết về cuộc sống và con người miền núi hay đô thị thì cũng đang kể câu chuyện của mình và những người quanh mình với những gì thân thuộc nhất. Những trang viết về Hà Giang hay Hà Nội đều là kết quả của quá trình nghiệm sinh và đầm đìa kí ức. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phong Điệp (2009). Nhà văn Đỗ Bích Thúy, viết trong những mong manh, Báo Văn nghệ (2). [2] Phạm Duy Nghĩa (2010). Văn xuôi về dân tộc và miền núi từ 1986 đến nay, toquoc.vn. [3] Nguyễn Thu Phương (2013). Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Không có tình yêu thì sống làm sao?, phunuonline.com.vn. [4] G.N. Pôxpêlôp (1998). Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Trần Đình Sử (1998). Tuyển tập (Tập 2), NXB Giáo dục, Hà Nội. [6] Nguyễn Văn Thọ (2013). Nhà văn Đỗ Bích Thuý - Người ở phố nhớ rừng, phongdiep.net. [7] Đỗ Bích Thúy (2011). Bóng của cây sồi, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh. NHỮNG VÙNG THẨM MỸ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ BÍCH THÚY 35 [8] Đỗ Bích Thúy (2014). Cánh chim kiêu hãnh, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh. [9] Đỗ Bích Thúy (2014). Cửa hiệu giặt là, NXB Phụ nữ, Hà Nội. Title: ESTHETIC ASPECTS IN NOVELS WRITTEN BY DO BICH THUY Abstract: Novel is the wriring form that affirms talent, style and esthetic skills and spirits of Do Bich Thuy. Her artistic world takes it source from the overwhelming emotion of typical esthetic aspects. In the writer’s creative inspiration, the esthetic aspects rule over the dealing with topics, showing themes, building characters, artistic methods and so on. The auther also shows the typical language of these esthetic aspects precisely and lively in the language of the narrator and characters. The esthetic aspects in Do Bich Thuy’s novels show the love for motherland and the concerns of a female writer walking up from Nho Que River . Keywords: Esthetic aspects, Do Bich Thuy, Do Bich Thuy’s novels, Creative inspiration... NGUYỄN THỊ THU HÀ Học viên Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0914 856 535, Email: thuhahoasen@gmail.com TS. LÊ THỊ HƯỜNG Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế (Ngày nhận bài: 19/4/2015; Hoàn thành phản biện: 21/4/2015; Ngày nhận đăng: 12/6/2015)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf31_480_nguyenthithuha_lethihuong_06_nguyen_thi_thu_ha_2872_2020297.pdf
Tài liệu liên quan