Những thể nghiệm về kỹ thuật tiểu thuyết của các nhà văn nữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Đặng Thị Ngọc Phượng

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại. Ngôn ngữ độc thoại rất ít, dù có cũng tồn tại dưới dạng phát ngôn ngắn gọn, rất khó nhận ra nếu không có các từ dẫn như “suy nghĩ” hay “nghĩ” ở trước đó. Đặc biệt, những diễn biến trong tâm lý nhân vật thông thường đó là lời phát ngôn cho tác giả. Chẳng hạn như đoạn Tuấn Ngọc tự giác: “cõi đời là bể khổ, đời người là giống cá ở trong bể mênh mông vô hạn. Cho nên gặp cảnh nghịch chớ khá ngã lòng, vì người có tài thì hoá công hay thử Kìa các bực hoà kiệt buổi xưa dễ mấy ai khỏi vong hoạn nạn, suy đó ta chẳng nên buồn rầu làm chi” [5; tr. 96]. Đó là quan niệm của tác giả về cuộc đời như một dạng phát ngôn nửa trực tiếp. Nhìn chung, ngôn ngữ nhân vật nói riêng và ngôn ngữ văn học nói chung thời kì này vẫn còn mang nhiều dấu ấn của nền Hán học dân tộc, có pha lẫn ngôn từ địa phương, lối nói có tính chất đăng đối nhưng cơ bản trong tiểu thuyết của Huỳnh Thị Bảo Hoà đó là một trong các tiêu chí để đánh giá nhân phẩm của nhân vật. Có thể nói rằng, trong bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ, ngôn ngữ tiểu thuyết đã tiến tới hoà nhập vào tiến trình hiện đại hoá văn xuôi. Ngôn ngữ trong các tiểu thuyết của các nhà văn nữ đang thoát dần khuôn sáo, ước lệ của ngôn ngữ trung đại hay câu chữ đối chọi, hành văn dài dòng, còn sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày cho vào trong tác phẩm của mình. Trong dòng văn học (1900-1930), tiểu thuyết nữ tuy chưa có được những cách tân, đột phá rõ rệt nhưng cũng đã chứng tỏ được sự cố gắng của mình qua tái hiện xung đột, khắc hoạ tính cách nhân vật, qua những hành động, suy nghĩ của nhân vật thể hiện qua ngôn ngữ. 3. KẾT LUẬN Tiểu thuyết của các nhà văn nữ thật sự mở ra một diện mạo mới cho văn xuôi quốc ngữ dầu thế kỷ XX. Trên phương diện nghệ thuật, có thể thấy tiểu thuyết của các nhà văn nữ giai đoạn này đã phát huy những thành tựu của giai đoạn trước đó, đồng thời cũng có một số cách tân đáng kể. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật kết cấu tác phẩm, tiểu thuyết nữ đã kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau của truyền thống và hiện đại. Về phương diện kết cấu, các nhà văn nữ tiếp tục phát huy những dạng kết cấu phổ biến trước đó như: kết cấu chương hồi, kết cấu theo hai tuyến nhân vật, kết cấu theo trình tự thời gian đơn tuyến, thủ pháp kết cấu tác phẩm theo tâm lý nhân vật. Ngôn ngữ tiểu thuyết mà các nhà văn nữ thể hiện trong tác phẩm là ngôn ngữ mang đậm hơi thở của đời sống. Chúng ta ghi nhận những thành quả nghệ thuật của các tác giả nữ, những đóng góp của họ vào quá trình hiện đại hoá văn học dân tộc, làm tiền đề, định hướng cho những sáng tác của các cây bút nữ sau này

pdf10 trang | Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 543 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những thể nghiệm về kỹ thuật tiểu thuyết của các nhà văn nữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Đặng Thị Ngọc Phượng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(37)/2016: tr. 16-25 NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Tiểu thuyết giai đoạn từ 1930-1945 là bộ phận quan trọng của tiểu thuyết hiện đại. Thế nhưng trong một thời gian dài, mảng tiểu thuyết của các nhà văn nữ ít được chú ý. Nghiên cứu tiểu thuyết nữ giai đoạn này để thấy được những cách tân đáng ghi nhận của các chị trên phương diện nghệ thuật: xây dựng nhân vật, kết cấu, cốt truyện, ngôn ngữ... Những thể nghiệm về kỹ thuật tiểu thuyết của các tác giả nữ đã đánh dấu một chặng đường mới của văn học; làm tiền đề, định hướng cho những sáng tác của các cây bút nữ sau này. Từ khoá: tiểu thuyết, nhà văn nữ, nghệ thuật 1. MỞ ĐẦU Những thập niên đầu thế kỷ XX văn xuôi Việt Nam đã có những bước chuyển động nhanh chóng trên tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc, tạo nên một diện mạo mới và mở ra khả năng hội nhập với các nước. Tiểu thuyết là một trong những thể loại đi tiên phong trong tiến trình này. Nhiều công trình đi trước đã làm rõ tiến trình vận động của tiểu thuyết Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX. Rất tiếc là trong các công trình đó ít đề cập đến những sáng tạo của những cây bút nữ. Một trong những sự đổi mới cần ghi nhận trong thi pháp tiểu thuyết nữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là sự đa dạng về kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ trần thuật. Bài viết này ghi nhận những đổi mới ban đầu của những cây bút nữ nhìn từ kỹ thuật viết tiểu thuyết. 2. NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX 2.1. Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật Trong tác phẩm văn học, nhân vật là yếu tố quan trọng đối với nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nó không chỉ là “nơi tập trung mọi giá trị tư tưởng hiện thực” mà còn là “công cụ khái quát hiện thực và phương tiện để tác giả hiện thực hoá quan niệm nghệ thuật về con người dưới một hình thức biểu hiện tương tự” [7; tr. 10]. Sự đa dạng của nhân vật tiểu thuyết là một trong những yếu tố đánh dấu bước phát triển và hiện đại hoá của tiểu thuyết thời kỳ này. Nhân vật được xây dựng trên cơ sở thẩm mỹ của đạo lý truyền thống nhưng cũng gắn bó chặt chẽ với lý tưởng thẩm mỹ và những nhân tố đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử xã hội đương thời. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết các nhà văn nữ bao gồm nhiều tầng lớp xã hội thời Pháp thuộc như: quan lại (các ông Phủ, ông Huyện, cai tổng), hương chức, viên chức, trí thức, thị dân, vô NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ 17 sản lưu manh, giới giang hồ “xã hội đen”, địa chủ, nông dân Thế giới nhân vật đông đúc dần với tầng lớp điền chủ, tầng lớp thượng lưu giàu có. Các ông Phán, bà Phán, thầy thông ngôn, viên chức lớn nhỏ, trí thức trung lưu, thị dân giàu có, thị dân lưu manh hoá, giới giang hồ xuất hiện trong các tiểu thuyết. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Phan Thị Bạch Vân đều là những người phụ nữ tài năng, tiến bộ nhưng gặp phải những bất hạnh trong cuộc sống lứa đôi, trong gia đình như Kiều Loan, Như Hoa Khi đã nhận thức được nguyên nhân của những bất hạnh đó chính là ràng buộc của lễ giáo phong kiến, họ đã chủ động tìm con đường tự lập thân để có thể sống một cuộc sống năng động, tự do. Những bộ tiểu thuyết như Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài được viết với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa cũng rất tiến bộ trong việc thể hiện người phụ nữ mới. Đó là người phụ nữ dám hy sinh vì nghĩa lớn như Thu Cận trong Giám hồ nữ hiệp. Họ biết làm kinh tế để hỗ trợ cho hoạt động chính trị và văn hoá. Những nhân vật trong Giám hồ nữ hiệp có những câu nói nổi tiếng: “Cách mạng có cứ gì con trai con gái”, “hai tiếng nô lệ ở trong thiên hạ này còn có dân tộc nào mà chịu mang không” [10; tr. 8]. Nhân vật Tú Anh trong Nữ anh tài rất có bản lĩnh trong tình yêu, hôn nhân và sự nghiệp, khác hẳn với những nhân vật bi kịch nữ như Kiều Loan, Như Hoa trong các tiểu thuyết Lâm Kiều Hoa, Kiếp hoa thảm sử. Trong tiểu thuyết Ngọc chìm đáy biển, Mộng Hiệp nữ sĩ đã miêu tả những xung đột trong nội tâm của cô Bích Ngọc và thầy Minh Tâm. Qua suy nghĩ của nhân vật, độc giả hiểu rõ hơn cuộc sống đời thường và những tâm tư tình cảm của lớp người trí thức trong xã hội đương thời. Bích Ngọc luôn đắn đo, suy nghĩ, tâm trí nàng giằng xé giữa sự lựa chọn cuộc sống nghèo nàn, thanh bạch với cuộc sống giàu sang “lầu cao cửa rộng, sản vật lúa ức, tiền muôn” [4; tr. 73] và phải sống chung với người mà cô không có cảm tình. Lắm khi Bích Ngọc cũng muốn nhận lời cầu hôn của Kiêm Triệu “một cự phú cầu hôn mà ta cứ từ chối mãi thì chẳng là ngu dại lắm sao” [4; tr. 60] nhưng nàng nghĩ lại, nếu “nhắm mắt mà thờ một kẻ không được tâm đầu ý hợp thì lại càng ngu dại hơn nữa” [4; tr. 61]. Nhưng thật ngang trái, người mà nàng tâm đầu ý hợp thì đã có vợ con, Hai người có cảm tình với nhau “gặp nhau thì thêm phần khắng khít, vãng lai thù tạc càng thêm mật thiết hơn xưa” [4; tr. 81]. Họ gần như “đã chìm đắm ở trong biển tình mà không hề tự biết vậy” [4; tr. 83]. Nhân vật Ngọc Lam trong Giọt lệ phòng đào của Nguyễn Thị Thanh Hà được thể hiện qua những giằng xé nội tâm đau đớn. Nàng yêu Cẩm Tâm, một người bạn văn chương nhưng bị sự ngăn cản bởi người dì, lại bị tên Bạc Nhân lừa gạt nhiều phen. Cuối cùng vì mưu kế của Bạc Nhân mà nàng phải trả giá bằng cả tính mạng. Nàng đau đớn: “Em đã nói rằng, thân em đã gửi cho anh thì em phải sống chết theo anh, em phải sống chết giữ trọn chữ trinh, mà tạ lòng của anh. Nay nợ duyên lở dở, loan phượng phân ly, anh một trời, em một biển; cái cảnh phòng không lạnh ngắt, cái chăn đơn, cái gối chiếc, cái cảnh khổ đó có lẽ anh chịu nổi chứ em không tài nào chịu đặng, em phải sầu thảm rồi gầy mòn mà thác” [2; tr. 51]. Dưới ngòi bút của các nhà văn nữ, xung đột trong thế giới nội tâm của nhân vật được thể hiện khá sâu sắc, với những giằng xé, đau đớn trong tâm hồn 18 ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG để đến đỉnh điểm câu chuyện, tác giả mới để cho nhân vật được nói lên nỗi niềm sâu kín tận đáy lòng. Các nhà văn nữ chú ý đến xây dựng nhân vật qua sự kiện, hành động, tạo ra được tính cách cho nhân vật. Đó là hình ảnh của nàng tiểu thơ Tú Anh, Ngọc Liên, hai bậc nữ lưu có tư chất, phẩm hạnh tốt, có chí hướng tân tiến, thành lập hội để “chư tập văn nhơn” Cùng với cách để cho nhân vật tự thể hiện mình qua những diễn biến của tâm lý, tác giả Mộng Hiệp đã xây dựng khá thành công hình ảnh của nhân vật với những suy tư, trăn trở của riêng mình. Tiểu thuyết của các nhà văn nữ thể hiện niềm đam mê của họ đối với văn chương. Tuy nhiên, trong những đóng góp ấy có không ít hạn chế. Tác giả chưa đi sâu khai thác yếu tố tâm lý, miêu tả tâm lý nhân vật chưa sâu sắc, sự thay đổi về tư tưởng nhân vật còn gượng ép. Các nhân vật trong các tiểu thuyết không đi đến cùng trong sự đấu tranh của mình, còn mang tính nửa vời. Trong tiểu thuyết Sóng tình, nhân vật Minh Tiên rất yêu Kiều Anh, vui mừng trước cái chết của Đình Ái do chính bàn tay mình gây ra. Nhưng đến khi đứng trước toà, trước dư luận, đặc biệt trước vợ mình thì Minh Tiên không dám chấp nhận mà đổ hết lỗi cho Kiều Anh. Hay tình yêu của Vân và Nhân trong Vì một chữ tình không đi đến kết thúc tốt đẹp, họ đành chấp nhận chia tay vì gia đình Vân ép gả cô cho Đức để trả ơn nghĩa. Nhà văn không để cho nhân vật phát triển theo quy luật phát triển tâm lý mà theo ý hướng mang tính giáo dục, nên tác phẩm của bà mang tính luận đề khá rõ. Các nhân vật được thể hiện trong tiểu thuyết khá đa dạng, phong phú. Họ là những người con gái xinh đẹp, có học thức như nàng Minh Phụng trong Vì nghĩa quên mình, nàng Ngọc Hương trong Nhi nữ tạo anh hùng của Huỳnh Thị Bảo Hoà hay những nhi nữ sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí, có tinh thần yêu nước như nàng Nguyệt Anh trong Thẹn phận tủi hồng của Lưu Thị Việt Nga, nàng Trần Thị trong Tấm gương trung hiếu của Phan Thị Ngọc Sương. Họ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, vì hoàn cảnh phải sớm gánh vác gia đình. Thị Nghĩa trong Tình cốt nhục của Nguyễn Thị Công, mẹ mất sớm, cha già yếu, một mình nàng vất vả, vừa chăm lo cha già vừa lao động kiếm tiền, động viên em ăn học nên người. Thật là “gương chị thương em, đời nầy tưởng ít có thay”. Thế nhưng cũng có những bậc nữ lưu như cô Ngô Như Liêng, con ông quan Phủ Ngô Thơ Hương, vừa trẻ trung, xinh đẹp, vừa có học thức nhưng lại là người đối nhân xử thế tệ bạc, suốt ngày chỉ biết trang điểm lại thường vô cớ quát mắng kẻ tôi tớ trong nhà, không biết kính trọng cha mẹ chồng. Cũng như các nhà văn nam giới, các cây bút văn xuôi nữ giai đoạn này không tránh khỏi những non nớt, vụng về trong xây dựng nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên thuộc về lịch sử. Một thời gian dài trong quá khứ, dưới sự chi phối của áp lực phong kiến, vai trò của người phụ nữ bị xem nhẹ, không có quyền tham gia các hoạt động xã hội. Vươn lên và tự khẳng định, gây ấn tượng cho người đọc, đó không phải là điều dễ dàng với người cầm bút. Đặc biệt lại càng khó khăn đối với các cây bút nữ đã từng chịu nhiều trói buộc, kỳ thị nghiệt ngã của xã hội, của gia đình. Nhiều ấn phẩm của các cây bút nữ gợi mở nhiều suy nghĩ, làm NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ 19 rung động người đọc bởi những tình cảm chân thành, trong sáng và hấp dẫn bởi những nét vẽ tài hoa, độc đáo khi xây dựng nhân vật. 2.2. Sự đa dạng về kết cấu Mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất, hoàn chỉnh được tạo nên từ nhiều yếu tố. Để tạo nên chỉnh thể đó nhà văn phải suy nghĩ tổ chức các yếu tố trong tác phẩm sao cho có tính nghệ thuật. Cách tổ chức các yếu tố bên trong và bên ngoài tác phẩm như vậy gọi là kết cấu. Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm; là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung tác phẩm. Tiểu thuyết của các nhà văn nữ thường sử dụng kết hợp nhiều dạng kết cấu khác nhau. Bên cạnh một dạng kết cấu chính giữ vai trò chủ đạo, các nhà văn có xu hướng lồng ghép thêm một số kết cấu phụ trợ nhằm đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Người đọc có thể nhận thấy trong các tác phẩm, nhà văn đồng thời sử dụng nhiều dạng kết cấu khác nhau như: kết cấu chương hồi, kết cấu theo thời gian đơn tuyến, kết cấu theo hai tuyến nhân vật và cả dạng kết cấu đảo lộn trật tự thời gian, kết cấu theo diễn biến tâm lý của nhân vật. Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn được xây dựng theo mô hình truyền thống với 15 hồi, đầu mỗi hồi đều có hai câu thơ khái quát toàn bộ nội dung chính. Hồi thứ nhất Cơn ngộ biến học đường lỡ bước Lúc sa cơ phú hộ từ hôn. Hồi thứ hai Cuộc phong vân Âu địa chiến tranh Chí hồ thỉ Nguyễn gia ứng mộ. .... Tiểu thuyết mở ra cảnh gia đình Tuấn Ngọc vì oan ức mà rơi vào bi kịch tan gia bại sản, xã hội không trọng dụng nên đăng ký tòng quân sang Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tại đây, anh đã gặp nàng Bạch Lan vừa đẹp người vừa đẹp nết, trải qua quá trình bao biến cố hai người mới đến được với nhau. Chưa được bao lâu thì Tuấn Ngọc phải về nước, vợ chồng chịu cảnh kẻ Âu người Á. Vượt ngàn khó khăn, bằng ý chí quyết tâm, cuối cùng vợ chồng mới được đoàn tụ. Thời gian diễn biến của câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian nên rất dễ tóm tắt được nội dung tác phẩm. Ở tác phẩm Tây phương mỹ nhơn, người đọc đã tìm thấy một Huỳnh Thị Bảo Hoà rất riêng, rất tài năng. Tài năng của bà được thể hiện qua việc vận dụng và phát huy những mặt ưu của kết cấu truyền thống, đồng thời có sự sáng tạo riêng. Huỳnh Thị Bảo Hoà đã khai thác kết cấu tiểu thuyết chương hồi nhưng không phải sao nguyên. Đối với tiểu thuyết chương hồi bao giờ cũng có hạ hồi phân giải nhưng ở “Tây phương mỹ nhơn” 20 ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG chỉ có hai câu thơ tóm tắt nội dung chính của các hồi mà không có hạ hồi phân giải. Chính sự linh động như vậy mà đã hạn chế sự cứng nhắc, nhàm chán cho người đọc. Tiểu thuyết của Đạm Phương cũng có những thay đổi đáng kể. Mặc dù nội dung tư tưởng tiểu thuyết bà mang nặng sắc thái đạo lý truyền thống, nhưng cốt truyện và kết cấu tác phẩm đã có những bước biến đổi đáng ghi nhận. Những câu chuyện trong tiểu thuyết của Đạm Phương đã được thu nhận từ hiện thực đời sống của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Bước đầu, tác giả thoát khỏi lối vay mượn cốt truyện của thời kỳ văn học trung đại, tiến dần đến việc phản ảnh hiện thực cuộc sống. Trong tiểu thuyết Kim Tú Cầu, Đạm Phương đã thoát khỏi lối tiểu thuyết chương hồi trước đó mà dụng công tạo nên một kết cấu khá éo le, hấp dẫn. Nếu so sánh với một số tác giả cùng thời chúng ta dễ dàng nhận thấy kết cấu tiểu thuyết của Đạm Phương đã xóa bỏ dấu vết của tiểu thuyết chương hồi để chuẩn bị cho sự vận động và phát triển của tiểu thuyết hiện đại. Ở tác phẩm Kim Tú Cầu tác giả đã tổ chức truyện thành các phần và được đánh dấu bằng các số I, II, III, IV. Ở Hồng phấn tương tri, kết cấu được chia thành Chương I, II, Nếu so với kết cấu chương hồi trong tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hoà thì cách tổ chức cốt truyện của Đạm Phương có phần mới hơn. Đa số những tiểu thuyết nữ trong thời gian này sử dụng kết cấu chương hồi thường kết hợp thêm một dạng kết cấu tác phẩm khác là dạng kết cấu theo thời gian đơn tuyến. Mỗi chương,mỗi hồi trong tiểu thuyết chương hồi thường giải quyết một vấn đề, một câu chuyện nhỏ trong toàn bộ tác phẩm. Các chương, hồi liên kết với nhau theo một trật tự thời gian, thường là thời gian tuyến tính. Kết cấu theo trình tự thời gian giúp xâu chuỗi các sự kiện, các sự việc trong từng chương, hồi nhằm xây dựng tổng thể nội dung câu chuyện. Cuốn tiểu thuyết tiêu biểu dạng kết cấu này là Sóng tình của Cẩm Tâm. Những cuốn tiểu thuyết của Cẩm Tâm là một bộ liên hoàn, bởi vì mỗi quyển chưa hẳn là một câu chuyện hoàn chỉnh mà có cốt truyện và tình tiết truyện được liên thông từ cuốn này sang cuốn khác. Mỗi tác phẩm có thể là một chương, một hồi được xâu chuỗi với nhau bằng một khoảng thời gian. Kết cấu tiểu thuyết Ngọc chìm đáy biển được viết theo thời gian đơn tuyến. Thầy giáo Minh Tâm và cô giáo Bích Ngọc tình cờ gặp nhau trong chuyến dạo chơi. Khi gặp tai nạn trên biển, Bích Ngọc đã ra sức cứu thầy Minh Tâm. Từ đó, họ gặp gỡ, trò chuyện cùng nhau. Họ rất tâm đầu ý hợp, dần dần nảy sinh tình cảm. Nhưng vì nhiều lý do cách trở mà họ không đến với nhau được. Cổ Nguyệt Hương, Một đời mấy thân, Nữ anh tài cũng có kết cấu như vậy. Tiểu thuyết của các nhà văn nữ còn chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi (cổ điển) Trung Quốc, điều này thấy rõ nhất là ở cốt truyện tài tử giai nhân và lối kết cấu theo ba công đoạn quen thuộc: hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên. Lối kết cấu này có thể tìm thấy ở các tiểu thuyết như: Tây phương mỹ nhơn, Lương duyên túc đế Các đôi trai tài gái sắc sau khi gặp gỡ, hẹn hò bỗng nhiên gặp gia biến hoặc cảnh ngộ éo le khiến họ phải xa cách nhau. Sau bao thử thách, gian truân họ lại đoàn tụ, hưởng hạnh phúc bên nhau. Những thử thách này là thước đo cho phẩm chất tốt đẹp của nhân vật. Việc cho các nhân NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ 21 vật phiêu lưu qua nhiều vùng đất cũng giúp cho tác giả mở rộng được phạm vi hiện thực được phản ánh. Tiểu thuyết của các nhà văn nữ thường sử dụng lối kết cấu theo tuyến nhân vật. Nhân cách của các nhân vật thuộc hai tuyến được miêu tả đối lập nhau.Tuyến nhân vật phản diện luôn được miêu tả là những con người tham lam, độc ác, phản trắc, sẵn sàng dùng thủ đoạn đê hèn để đạt được mục đích. Tuyến nhân vật chính diện được miêu tả là những cá nhân luôn ý thức về trách nhiệm đối với đất nước và sẵn tấm lòng nhân ái cứu giúp người hoạn nạn. Dạng kết cấu tác phẩm theo hai tuyến nhân vật rất phù hợp để các nhà văn nữ thể hiện đạo lý. Càng ở giai đoạn sau, bên cạnh kết cấu theo hai tuyến nhân vật, các nhà văn đã chú ý sử dụng những dạng kết cấu khác như kết cấu tâm lý, kết cấu đảo lộn trật tự thời gian trong tác phẩm của mình. Với lối kết cấu tâm lý, tiểu thuyết Sóng tình của Cẩm Tâm đi sâu khai thác những độc thoại của nhân vật. Toàn bộ câu chuyện là diễn biến phức tạp của cuộc hành trình tâm lý của nhân vật. Một nhân vật luôn có những dằng xé, đấu tranh giữa cuộc sống giàu và nghèo, giữa tình yêu và sự nghiệp. Những hành động và đối thoại của các nhân vật ít được tác giả chú ý mà chủ yếu là tâm lý nhân vật được khai thác triệt để. Lối kết cấu theo tâm lý nhân vật làm cho tác phẩm tránh được sự đơn điệu mà những tiểu thuyết khai thác đề tài đạo lý thường gặp. Việc vận dụng lối kết cấu tác phẩm theo tâm lý của nhân vật là một cố gắng đáng kể của các nhà văn nữ. Ở một số tiểu thuyết, lối kết cấu theo tâm lý nhân vật đã được nhà văn nữ chú ý sử dụng tạo nên những nét cách tân cho nghệ thuật tiểu thuyết nữ. 2.3. Cốt truyện Cốt truyện là một phương diện của lĩnh vực hình thức nghệ thuật, tạo ra một trường hành động cho các nhân vật, cho phép tác giả thể hiện và lý giải tính cách của chúng. “Cái dệt nên cốt truyện là hành động của các nhân vật” [1; tr. 113] và cốt truyện được xây dựng bằng nhiều biện pháp kết cấu khác nhau. “Lối kết cấu bằng trình tự liên tiếp trước sau của các sự kiện, ở những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thực sự, khiến cho người đọc luôn thấy sự mới mẻ qua từng tình tiết” [1; tr. 117]. Cách xây dựng cốt truyện thời kỳ này rất đơn giản, theo mạch thẳng thời gian, giúp người đọc dễ theo dõi, dễ nhớ, phù hợp với đặc điểm tâm lý, tính cách của người dân Nam Bộ. Tác phẩm Vì nghĩa quên mình của Huỳnh Thị Bảo Hoà kể lại những hành động của nàng Minh Phụng và chàng Phi Hùng vì quốc dân, đồng bào mà “quên mình”, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để làm thức tỉnh lòng yêu nước của dân tộc. Tình cốt nhục của Nguyễn Thị Công đề cập đến hoàn cảnh nghèo khó của gia đình ông Văn - Đống. Vợ chết, “Nhà thì xiêu, vách lại đổ”, “cơm ăn có đâu no đủ, ăn mặc có đâu kín thân”, chỉ có người con gái là Thị Nghĩa giỏi giang, hiếu thảo, chăm sóc cha, nuôi em ăn học thành tài. Hầu hết, các tác phẩm của các nhà văn nữ đều xây dựng những tình tiết tạo nên cao trào của tác phẩm. Cách giải quyết vấn đề của họ nhẹ nhàng, thể hiện tấm lòng nhân ái, phúc hậu của người phụ nữ. Cẩm Tâm đã tạo nên những tình tiết kịch tính, nhầm lẫn trong tác 22 ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG phẩm để đem đến kết thúc có hậu cho câu chuyện. Ông bà huyện lên Sài Gòn tìm Nga nhưng lại nhìn lầm cô đào hát Đào Hoa là con mình, đem về gả cho Hữu Tâm như đã hứa hôn. Đào Hoa biết ông bà Huyện nhầm nhưng cô vẫn im lặng, cô muốn trả ơn cho Thanh Vân đã cứu cô thoát khỏi cuộc sống khổ ải, hơn nữa cô cũng cảm tình với Hữu Tâm. Sự nhầm lẫn ấy đã tạo nên một kết thúc truyện có hậu. Thanh Vân và Nga nên vợ nên chồng, Đào Hoa nên duyên với Hữu Tâm. Đó là ước mơ của tác giả, muốn thoả hiệp giữa cái mới và cái cũ. Tác giả chưa dám bứt phá ra khỏi những giáo lý lúc bấy giờ. Con cái không có quyền quyết định tình yêu hôn nhân của mình mà chịu sự chi phối rất lớn từ gia đình, từ những quy chuẩn đạo đức xã hội đương thời. Trong Nữ anh tài của Hoàng Thị Tuyết Hoa, khi Tú Anh phát hiện người bạn Vân Đạt đã mua chuộc người đưa thư để đánh đổi bức thư của Hồng Minh gửi cho nàng thì nàng chỉ đòi lá thư mà không trừng phạt hoặc tố cáo anh ta. Lần thứ hai, Vân Đạt lại thuê côn đồ, đón đường nhằm hãm hại nàng với màn kịch rất hoàn hảo: “Chủ tôi là thầy Hồ Văn Đạt, nhơn muốn cầu hôn với tiểu thơ mà không đặng, nên hồi sáng nầy, khi nghe tiểu thơ ra tỉnh, thì bảo chúng tôi giả làm côn đồ, chừng nầy ra đón xe tiểu thơ mà giả bộ hãm hại. Chủ tôi trú trong lùm xa kia để đợi khi có tiếng kêu la tiếp cứu, thì sẽ chạy đến mà đánh chúng tôi để tiếng ơn cùng tiểu thơ” [6; tr. 31]. Khi đã tường tận mọi việc, nàng đã không đánh đập hay la mắng mà còn rộng lòng nhân mà tha cho chúng: “Thôi ta lấy lòng nhơn mà tha cho chúng bây một phen, và hãy về mà nói với chủ bây là Vân Đạt từ rày khá tu tỉnh lại, nếu còn thói quen ấy nữa thì đừng trách ta sao độc thủ nghen” [6; tr. 32]. Cả hai lần bị hại nàng đều không truy bắt, không tố cáo mà dùng lời khuyên răn, nhắn nhủ để Vân Đạt tu sửa nhưng hắn không nghe mà còn hành động bất nhân Mỗi câu chuyện đã thoát khỏi lối vay mượn cốt truyện của thời kỳ trung đại. Những tác phẩm của các nhà văn nữ đã đi sâu phản ánh hiện thực đời sống của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Tiểu thuyết Kim Tú Cầu viết về mảnh đất xứ Huế: “Hồi ba bốn mươi năm về trước, ở xứ Kinh, thuộc về con đường Đông Ba, đi xuống dạo Ao Hồ, ngả Tả Duệ, thời phần nhiều phủ đệ các đức ông, đức bà ở rất đông, nhà cửa lâu đâì chồng chập, nào rạp hát, trường gà, đua ngựa đánh quần” [3; tr. 341]. Hồng phấn tương tri dẫn dắt người đọc đến với mảnh đất Quảng Bình: “Từ hồi nàng đến Đồng Hới được vài tuần, thì trong tỉnh đã nhiều người biết tiếng, tài sắc và đức hạnh của nàng, tranh nhau phùng nghinh; nàng thường lấy sự thù tạc làm phiền, nhưng không sao khước đặng” [3; tr. 377]. Điểm mới trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, kết cấu tác phẩm của các nhà văn nữ là ở phần kết thúc truyện. Bên cạnh nhiều tác phẩm viết theo lối kết thúc có hậu, cũng xuất hiện vài tác phẩm có kết thúc bất ngờ, “không có hậu”, đi ngược với “truyền thống”. Điển hình là tác phẩm Ngọc chìm đáy biển của Mộng Hiệp nữ sĩ. Nàng Bích Ngọc sắc nước hương trời, thông minh trí tuệ, thương mến thầy Minh Tâm. Hai người có tình cảm sâu đậm nhưng không ai bày tỏ cùng ai. Đến khi thầy Minh Tâm lên Sài Gòn, làm chủ bút tờ báo Việt Nam dân báo thì ở Bạc Liêu, cô Bích Ngọc ôm niềm đau thương nhớ, lại gặp cảnh éo le ngang trái mà liều chết, giữ trọn mối chung tình. NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ 23 Cốt truyện là một đặc trưng nghệ thuật xây dựng tác phẩm của các nhà nữ. Đa số những tiểu thuyết được dựng lên trong những tình huống, biến cố, sự kiện tác động đến nhân vật và đó là điểm tựa để nhân vật bộc lộ những diễn biến bên trong của chính mình theo dòng chảy suy tưởng và cảm xúc. 2.4. Ngôn ngữ Ngôn ngữ là chất liệu cơ bản, là “yếu tố thứ nhất” của văn học. Thông qua ngôn ngữ, nhà văn xây dựng những hình tượng văn học, tái hiện lời nói và thế giới tư tưởng của con người. Nếu ngôn ngữ sử thi là ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, giàu kịch tính với lối nói ví von, khoa trương thì ngôn ngữ tiểu thuyết gần gũi với đời sống, bởi tiểu thuyết là cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư, là miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời. Khảo sát tiểu thuyết của cây bút nữ, hầu hết các tác phẩm đều sử dụng ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu, giúp người đọc có cảm giác thân thuộc, gần gũi. Cách diễn đạt nhẹ nhàng, dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện: “Một buổi chiều chúa nhựt trời êm biển lặng, làn nước bích gió đùa, cảnh mùa thu mây cuốn. Một nàng tha thước (thướt) bóng hồng, đậm đà vẻ ngọc, dáng điệu rất thanh tao, thân thể thêm vừa vặn, đương ngồi trong một chiếc thuyền nan, tấp dựa một gò cát nổi lên giữa mặt bể” [4; tr. 3]. Cách viết tỉ mỉ, thể hiện sự quan sát tinh tế. Ngôn từ của Cẩm Tâm trong tiểu thuyết khá gần gũi với lời ăn tiếng nói lúc bấy giờ, không xa lạ với tầng lớp bình dân trong xã hội. Những tác phẩm của chị khá ngắn, thường chỉ khoảng 30 trang, nội dung đơn giản, không nhiều kịch tính cũng như nhân vật. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Đạm Phương phản ánh tính giao thời rõ nét nhất ở sự pha trộn giữa lớp ngôn từ mới và lớp ngôn từ cổ, giữa cách hành văn hiện đại và lối hành văn biền ngẫu. Nhiều khi sự pha trộn đan xen này xuất hiện ngay trong một câu văn. Những hình thức mới mẻ về ngôn ngữ cùng hiện diện bên cạnh các hình thức ngôn ngữ vốn có trong văn học trước kia không hẳn đã là nhược điểm. Bởi trong giai đoạn giao thời thì cả hai đều có vai trò cần thiết, làm nên những món ăn tinh thần phù hợp thị hiếu người đọc lúc bấy giờ. Những năm đầu thế kỷ XX, ngôn ngữ của tiểu thuyết vẫn còn mang dấu ấn của câu văn biền ngẫu. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách vẫn còn ảnh hưởng của loại câu văn này. Thế nhưng khi đọc tiểu thuyết của Đạm Phương, người đọc nhận thấy rằng ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ thuần Việt lại hiện hữu trong tác phẩm của bà. Trong Hồng phấn tương tri có câu: “Ngoài mặt nàng gượng gạo làm dáng tươi tỉnh, bỏ cái thơ vào túi áo, mà trong lòng bấy giờ phần lo, phần sợ, phần buồn, phần yêu, rối rít như tơ, không sao kể cho xiết” [3; tr. 386]. Hay ở Kim Tú Cầu: “Người đàn ông nóng nảy, chạy lui chạy tới, rồi nói rằng: Vậy thời ta sang tả ngạn bên kia sông, đuổi bắt nó đã, nếu không được ta lui về nhờ nhà sư chỉ hộ cho” [3; tr. 345]. Ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Tây phương Mỹ nhơn có tính nhịp điệu rất rõ ràng. Tạo nên những câu trần thuật ngắn, người viết phải có khả năng giản lược tối đa câu chữ và các thành phần không cần thiết để có được câu văn rất cô đọng và vẫn 24 ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG đảm bảo lượng thông tin cần thiết. Đặc biệt, những đoạn tác giả miêu tả cảnh sắc hoặc kể lời văn ngắn gọn, đối nhau vừa tạo tâm thế gấp gáp vừa tạo sự nhịp nhàng cho người đọc. Ngôn ngữ dẫn dắt của tác giả biến chuyển nhịp nhàng như lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong đó xuất hiện các từ địa phương như “nhơn”, “chi”, “bịnh”, “lịnh công” Đoạn Tuấn Ngọc chưa hiểu chuyện chi, những cũng cứ thiệt khai rằng: nàng Bạch Lan ấy chính là vợ tôi, chẳng hay quan hỏi có chuyện chi?” [5; tr. 185] rồi “Đương còn nghi ngại, thì quan lại hối rằng”, “Chừng ấy Tuấn Ngọc mới tin là thiệt” [5; tr. 186] Tần số các từ địa phương lặp lại rất nhiều cho thấy sự thâm nhập của các yếu tố đời thường vào nội dung tiểu thuyết. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại. Ngôn ngữ độc thoại rất ít, dù có cũng tồn tại dưới dạng phát ngôn ngắn gọn, rất khó nhận ra nếu không có các từ dẫn như “suy nghĩ” hay “nghĩ” ở trước đó. Đặc biệt, những diễn biến trong tâm lý nhân vật thông thường đó là lời phát ngôn cho tác giả. Chẳng hạn như đoạn Tuấn Ngọc tự giác: “cõi đời là bể khổ, đời người là giống cá ở trong bể mênh mông vô hạn. Cho nên gặp cảnh nghịch chớ khá ngã lòng, vì người có tài thì hoá công hay thử Kìa các bực hoà kiệt buổi xưa dễ mấy ai khỏi vong hoạn nạn, suy đó ta chẳng nên buồn rầu làm chi” [5; tr. 96]. Đó là quan niệm của tác giả về cuộc đời như một dạng phát ngôn nửa trực tiếp. Nhìn chung, ngôn ngữ nhân vật nói riêng và ngôn ngữ văn học nói chung thời kì này vẫn còn mang nhiều dấu ấn của nền Hán học dân tộc, có pha lẫn ngôn từ địa phương, lối nói có tính chất đăng đối nhưng cơ bản trong tiểu thuyết của Huỳnh Thị Bảo Hoà đó là một trong các tiêu chí để đánh giá nhân phẩm của nhân vật. Có thể nói rằng, trong bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ, ngôn ngữ tiểu thuyết đã tiến tới hoà nhập vào tiến trình hiện đại hoá văn xuôi. Ngôn ngữ trong các tiểu thuyết của các nhà văn nữ đang thoát dần khuôn sáo, ước lệ của ngôn ngữ trung đại hay câu chữ đối chọi, hành văn dài dòng, còn sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày cho vào trong tác phẩm của mình. Trong dòng văn học (1900-1930), tiểu thuyết nữ tuy chưa có được những cách tân, đột phá rõ rệt nhưng cũng đã chứng tỏ được sự cố gắng của mình qua tái hiện xung đột, khắc hoạ tính cách nhân vật, qua những hành động, suy nghĩ của nhân vật thể hiện qua ngôn ngữ. 3. KẾT LUẬN Tiểu thuyết của các nhà văn nữ thật sự mở ra một diện mạo mới cho văn xuôi quốc ngữ dầu thế kỷ XX. Trên phương diện nghệ thuật, có thể thấy tiểu thuyết của các nhà văn nữ giai đoạn này đã phát huy những thành tựu của giai đoạn trước đó, đồng thời cũng có một số cách tân đáng kể. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật kết cấu tác phẩm, tiểu thuyết nữ đã kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau của truyền thống và hiện đại. Về phương diện kết cấu, các nhà văn nữ tiếp tục phát huy những dạng kết cấu phổ biến trước đó như: kết cấu chương hồi, kết cấu theo hai tuyến nhân vật, kết cấu theo trình tự thời gian đơn tuyến, thủ pháp kết cấu tác phẩm theo tâm lý nhân vật. Ngôn ngữ tiểu thuyết mà các nhà văn nữ thể hiện trong tác phẩm là ngôn ngữ mang đậm hơi thở của đời sống. Chúng ta ghi nhận những thành quả nghệ thuật của các tác giả nữ, NHỮNG THỂ NGHIỆM VỀ KỸ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ 25 những đóng góp của họ vào quá trình hiện đại hoá văn học dân tộc, làm tiền đề, định hướng cho những sáng tác của các cây bút nữ sau này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lại Nguyên Ân (1999). 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. [2] Nguyễn Thị Thanh Hà (1928). Giọt lệ phòng đào, NXB Xưa nay, Sài Gòn. [3] Lê Thanh Hiền (1999). Tuyển tập Đạm Phương nữ sĩ, NXB Văn học, Hà Nội. [4] Mộng Hiệp nữ sĩ (1927). Ngọc chìm đáy biển, Nhà in Xưa nay, Sài Gòn. [5] Thy Hảo Trương Duy Hy (2003). Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên, NXB Văn học, Hà Nội. [6] Hoàng Thị Tuyết Hoa (1929). Nữ anh tài, Bảo tồn - Nữ lưu thơ quán xuất bản, Sài Gòn - Gò Công. [7] Nhiều tác giả (2004). Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội. [8] Hồ Thị Quế (1926). Cổ Nguyệt Hương, NXB Xưa nay, Sài Gòn. [9] Nguyễn Thị Truyện, Trần Thái Nguyên (1927). Lưu duyên túc đế, Nhà in Nguyễn Văn Của, Sài Gòn. [10] Phan Thị Bạch Vân (1928). Lâm Kiều Loan, Bảo Tồn, Sài Gòn. Title: THE EXPERIMENTS ON METHODS OF WRITING NOVELS OF VIETNAMESE WOMAN WRITERS IN FIRST HALF OF 20TH CENTURY Abstract: The novel of period 1930-1945 is an important part of the modern novel. But in a long time, novels of woman writers have received little attention. Doing research of female novels in this stage we can see the remarkable innovation of the women in terms of art: character building, structure, content, language... The technical experiments on novels written by woman authors marked a new way of literature; premises oriented for writings of woman writers later. Keywords: novels, woman writers, art TS. ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG Khoa Giáo dục Mầm non, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0914 313 085, Email: hongnhung22071996@gmail.com (Ngày nhận bài: 03/10/2015; Hoàn thành phản biện: 16/10/2015; Ngày nhận đăng: 12/3/2016)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf31_479_05_dang_thi_ngoc_phuong_8538_2020296.pdf
Tài liệu liên quan