Tiếp theo, Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toàn án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. (Khoản 10 Điều 70).
Quốc hội còn có quyền hạn “Quyết định trưng cầu ý dân”(Khoản 15 Điều 70) . Quốc hội theo Hiến pháp 2013 còn có điểm mới trong hoạt động đối ngoại. Tại Khoản 14 Điều 70 quy định “Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; ”
Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là một sự cần thiết có ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của cơ quan nhà nước và toàn bộ đất nước. Những điểm mới trong chính sách đối ngoại là nền tảng hiến định cho việc tạo lập hành lang pháp lý theo hướng chuẩn mực, hoàn thiện hơn cho việc bảo đảm, thực thi chủ quyền quốc gia, thực thi chính sách đối ngoại. thời gian tới.
8 trang |
Chia sẻ: thuychi20 | Lượt xem: 1048 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những điểm mới về Quốc hội theo Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp năm 1980, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Trong toàn bộ hệ thống cơ quan tạo thành bộ máy nhà nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa, Quốc hội theo quy định của Hiến pháp là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội Việt Nam có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến sự phát triển của quốc gia; Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Trải qua 5 bản Hiến pháp Việt Nam ( năm 1946, 1959, 1980,1992,2013) Quốc hội đã dần được hoàn thiện và có những điểm mới tích cực trong cơ cấu tổ chức, vị trí ,chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Để có những nhận thức sâu hơn về điểm mới của Quốc hội Việt Nam trong Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp năm 1980, em đã chọn đề tài: Những điểm mới về Quốc hội theo Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp năm 1980” làm bài tập học kì của mình.
NỘI DUNG
I.Khái quát chung về Quốc hội
1. Tính chất,chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.
Quốc hội Việt Nam là một cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan này có ba chức năng chính: Lập pháp; Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Các nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội Việt Nam được quy định trong Điều 70 Hiến pháp 2013.
2. Cơ cấu tổ chức và kì họp của Quốc hội
Thành phần nhân sự của cơ quan này là các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, do cử tri Việt Nam bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Thông qua các đại biểu và thông qua quốc hội, nhân dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước.
Quốc hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Cơ quan này có các đơn vị trực thuộc là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội Việt Nam họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường theo quyết định của mình, hoặc khi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc khi có ít nhất 1/3 tổng số Đại biểu Quốc hội yêu cầu. Các cuộc họp của Quốc hội đều công khai, một số được truyền hình trực tiếp, phát sóng tòan quốc và ra nước ngòai. Quốc hội Việt Nam cũng có thể họp kín theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Thành viên của Chính phủ không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự các phiên họp tòan thể của Quốc hội. Đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.Đứng đầu Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội.
Những điểm mới về Quốc hội theo Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp năm 1980
Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được quy định đầy đủ, chặt chẽ và hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến đầu những năm 30 của thế kỷ này.
Những điểm mới về vị trí và tính chất, chức năng và vai trò của Quốc hội
Vị trí và tính chất của Quốc hội trong bộ máy nhà nước
Trong bộ máy nhà nước, Quốc hội có vị trí quan trọng đặc biệt . Theo Hiến pháp năm 2013, vị trí, chức năng của Quốc hội được quy định tại Điều 69- Điều đầu tiên của chế định Quốc hội (Chương V), tương ứng với Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83. So sánh hai Điều này,ta thấy cả hai Điều đều quy định cùng một nội dung: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” Tuy nhiên, có một nội dung thay đổi cơ bản, đó là “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” được sửa đổi, bổ sung thành “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp...”. Quốc hội trong Hiến pháp 2013 không được quy định là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến. Sự thay đổi này là phù hợp trong nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước chẳng những thông qua các cơ quan đại diện là Quốc hội và Hội đồng nhân dân và qua các cơ quan nhà nước mà còn bằng hình thức dân chủ trực tiếp như: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân”-Điều 29 Hiến pháp 2013. Bằng quyền lập hiến của mình, nhân dân giao cho quốc hội thực hiện một số quyền lập hiến như quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất 2 phần 3 tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp; thảo luận thông qua Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu biểu quyết tán thành.( Điều 120 Hiến pháp 2013). Việc xác định vị trí của Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp như Hiến pháp 2013 là xuất phát từ đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Đồng thời kế thừa tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp năm 1946 và kinh nhiệm của nhân loại.
Về tính chất, tại Điều 6 Hiến pháp 1980 khẳng định“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Hiến pháp năm 2013 tính chất này tiếp tục được khẳng định rõ ràng, mạnh mẽ ,khúc chiết hơn và nhấn mạnh tại điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Khoản 1) “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ...”(Khoản 2 )
Với vị trí và tính chất như trên, Quốc hội đóng vai trò chủ quyền Nhà nước và chủ quyền nhân dân. Mọi quyền lực nhà nước được tập trung vào Quốc hội. Mọi công việc trọng đại của đất nước và của nhân dân có ý nghĩa toàn quốc đều do Quốc hội quyết định.
Chức năng và vai trò của Quốc hội
Hiến pháp 2013 có sự đổi mới về cách thể hiện, không dài dòng như Hiến pháp 1980. Cụ thể, Hiến pháp 2013 đã xác định vị trí của Quốc hội là cơ quan “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. So với Hiến pháp 1980, có những đổi mới về vai trò và chức năng của Quốc hội. Có sự phân biệt giữa quyền lập hiến và quyền lập pháp: “Thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”(Điều 69 Hiến pháp 2013 ) mà không quy định như Hiến pháp 1980: “Có quyền lập hiến và quyền lập pháp”
Hiến pháp 2013 quy định “Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” mà không liệt kê “Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, . Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước” như Hiến pháp năm 1980. .Quy định liệt kê như vậy tưởng là cụ thể nhưng rất trừu tượng, chỉ phù hợp với quan niệm Quốc hội là một thiết chế có toàn quyền trong mô hình tập quyền xã hội chủ nghĩa trước đây. Hiến pháp 2013 quy định “Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” sẽ là cơ sở hiến định sau này Luật cụ thể hóa phù hợp với vai trò của Quốc hội trong từng thời kỳ mà không phải một Quốc hội có toàn quyền như Quốc hội theo Hiến pháp 1980. Quốc hội theo Hiến pháp 2013 thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước chứ không phải thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước như trong Hiến pháp 1980.
Có thể nói, chức năng và vai trò của Quốc hội được Hiến pháp 2013 quy định phù hợp hơn đối với một Quốc hội của nhà nước pháp quyền, khắc phục được một bước những yếu tố của một Quốc hội có toàn quyền trong mô hình nhà nước tập quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho Quốc hội hoạt động thực quyền có hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình được nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội
Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội so với Hiến pháp 1980.
Thứ nhất, Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội quyết định “mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” (Khoản 3, Điều 70). Quy định như vậy rõ ràng, khả thi, phù hợp hơn với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của đất nước và xác định rõ hơn quyền quyết định của Quốc hội với quyền quản lý, điều hành của Chính phủ.
Thứ hai, Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội “quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia”, đồng thời bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc “quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ” (Khoản 4, Điều 70).
Thứ ba, bổ sung “Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước” (Khoản 5, Điều 70)
Thứ tư, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ; sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án toàn án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. (Khoản 7, Điều 70).
Thứ năm, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc giám sát, quy định tổ chức và hoạt động, quyết định nhân sự đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập; quyết định thành lập, bãi bỏ các cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, bãi bỏ các cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật (Khoản 2, 6, 7, 9, Điều 70).
Thứ sáu, bổ sung quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (Khoản 8, Điều 70).
Thứ bảy, sửa đổi quy định về thẩm quyền phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế, theo đó, Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội (Khoản 14, Điều 70). Ngoài ra Quốc hội còn bổ sung quy định “ Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân , hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước” Khoản 12 Điều 70)
Tiếp theo, Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toàn án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. (Khoản 10 Điều 70).
Quốc hội còn có quyền hạn “Quyết định trưng cầu ý dân”(Khoản 15 Điều 70) . Quốc hội theo Hiến pháp 2013 còn có điểm mới trong hoạt động đối ngoại. Tại Khoản 14 Điều 70 quy định “Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; ”
Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là một sự cần thiết có ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của cơ quan nhà nước và toàn bộ đất nước. Những điểm mới trong chính sách đối ngoại là nền tảng hiến định cho việc tạo lập hành lang pháp lý theo hướng chuẩn mực, hoàn thiện hơn cho việc bảo đảm, thực thi chủ quyền quốc gia, thực thi chính sách đối ngoại... thời gian tới.
Cơ cấu tổ chức của Quốc hội
Theo quy định của Hiến pháp năm 1980 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội được thay thế bằng Hội đồng nhà nước. Hội đồng nhà nước vừa là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội vừa là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc định ra thiết chế này nhằm tinh giản bộ máy nhà nước và hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên trên thực tế Hội đồng nhà nước đã bộc lộ những hạn chế làm nó không phát huy hết vai trò của mình. Để khắc phục hạn chế đó thì Hiến pháp 1992 và nay là Hiến pháp 2013 đã phân định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhà nước cho hai cơ quan khác nhau. Chức năng của nguyên thủ quốc gia do chủ tịch nước đảm nhiệm, Ủy ban thường vụ Quốc hội được xác định là cơ quan thường trực của Quốc hội.
Điều 71 của Hiến pháp 2013 so với Điều 85 Hiến pháp 1980 thì trường hợp đặc biệt để rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kì của Quốc hội được quy định rõ ràng hơn, tại Khoản 3 Điều 71 Hiến pháp 2013 ghi rõ:”Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.”
Hiến pháp 2013 đã quy định vị trí, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, chức năng và một số thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành những Điều mới so với Hiến pháp 1980 là Điều 73, Điều 74.
Hiến pháp năm 2013 có hẳn một điều quy định về Ủy ban lâm thời, đó là Điều 78, nội dung như sau: “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra một vấn đề nhất định”.
Kỳ họp Quốc hội
Theo Điều 85 Hiến pháp 1980, việc triệu tập kì họp Quốc hội là do Hội đồng Nhà nước. Theo hiến pháp 2013, tại Khoản 2” Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập Kỳ họp Quốc hội.
Hiến pháp 2013 còn có những điểm mới về hình thức của kì họp Quốc hội như : tại Điều 83 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ “Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.” “Kì họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới được triệu tập chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch Quốc hội” , còn theo Hiến pháp 1980, kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa do Chủ tịch Hội đông Nhà nước khai mạc. Chủ tịch hội đồng Nhà nước chủ tọa các phiên họp cho đến khi bầu Chủ tịch Quốc hội khóa mới .
Luật, nghị quyết của Quốc hội có bổ sung một số điểm tại Điều 85 Hiến pháp 2013: Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. Với Luật, pháp lệnh phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước đề nghị xem xét lại pháp lệnh. Việc quy định những điểm này trong Hiến pháp 2013 là phù hợp với thực tế hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan Nhà nước khác.
Đại biểu Quốc hội
Theo Hiến pháp 2013, nhiệm vụ quyền hạn của Đại biểu Quốc hội đã được quy định cụ thể hơn, phù hợp hơn và có những bổ sung như sau : Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Tổng kiểm toán nhà nước. Đại biểu Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đó có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.
Ngoài ra, Hiến pháp 2013 còn bổ sung một số điểm sau: “Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu, có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hộiNhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động của Đại biểu Quốc hội” (Điều 82) Quy định mới nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của đại biểu và khẳng định rằng, dù là đại biểu chuyên trách hay đại biểu kiêm nhiệm thì dứt khoát cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Cũng tại khoản 1 Điều 82 có một quy định mới, đại biểu Quốc hội “có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội”.
KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu những điểm mới về Quốc hội theo Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1980, có thể thấy sự đổi mới trong vị trí tính chất, chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức của Quốc hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự ổn định phát triển của Quốc hội và của cả Đất nước. Do kiến thức của em còn hạn chế nên bài làm không tránh khỏi sai sót, rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô giáo. Em xin chân thành cảm ơn!
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- hien_phap_1174.docx