Với nhân cách cùng tâm tư ấy chẳng bao giờ xa cũ; vẫn sẽ luôn là tấm gương, là ánh đuốc cho mỗi người hôm nay soi rọi lại mình, để rồi biết sống tốt hơn nữa cho đất nước, cho đồng bào
1. Nguyễn Thông (28 tháng 5 năm 1827- 7 tháng 7 năm 1884) tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu là Độn Am, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
Thân phụ là Nguyễn Hanh, người Tân Thạnh (tỉnh Gia Định), kết hôn cùng bà Trịnh Thị A Mầu nguyên quán ở Thừa Thiên, sinh hạ được hai trai là Nguyễn Thông và Nguyễn Hài.
Thuở nhỏ, hai anh em ông được cha dạy dỗ. Năm Nguyễn Thông mười tuổi thì mẹ mất, mười bảy tuổi thì cha mất, hai anh em phải vất vả kiếm sống. Rất ham học nhưng không có thầy, Nguyễn Thông cùng em tự học. Cũng may khi đó Nguyễn Nhữ Hiền vừa được bổ làm phủ ở Tân An, nên hai anh em đến xin thọ giáo. Nhưng cũng chẳng được lâu, vì thầy dạy phải trở về kinh.
10 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2187 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhớ - Nguyễn Thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Viết nhân ngày mất Nguyễn Thông 07-7-1884
Nhớ Nguyễn Thông
Với nhân cách cùng tâm tư ấy chẳng bao giờ xa cũ; vẫn sẽ luôn là tấm gương, là ánh đuốc cho mỗi người hôm nay soi rọi lại mình, để rồi biết sống tốt hơn nữa cho đất nước, cho đồng bào…
1. Nguyễn Thông (28 tháng 5 năm 1827- 7 tháng 7 năm 1884) tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu là Độn Am, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1827 tại làng Bình Thạnh, tổng Thạch Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
Thân phụ là Nguyễn Hanh, người Tân Thạnh (tỉnh Gia Định), kết hôn cùng bà Trịnh Thị A Mầu nguyên quán ở Thừa Thiên, sinh hạ được hai trai là Nguyễn Thông và Nguyễn Hài.
Thuở nhỏ, hai anh em ông được cha dạy dỗ. Năm Nguyễn Thông mười tuổi thì mẹ mất, mười bảy tuổi thì cha mất, hai anh em phải vất vả kiếm sống. Rất ham học nhưng không có thầy, Nguyễn Thông cùng em tự học. Cũng may khi đó Nguyễn Nhữ Hiền vừa được bổ làm phủ ở Tân An, nên hai anh em đến xin thọ giáo. Nhưng cũng chẳng được lâu, vì thầy dạy phải trở về kinh.
Năm 1844, Nguyễn Thông ra học ở Huế. Năm 1849, ông thi đậu cữ nhân nhưng thi hội bị đánh hỏng vì tập bài thi bị lấm mực. Biết văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên ôn tập đợi để thi khoa sau. Nhưng nhà nghèo không thể tiếp tục học, Nguyễn Thông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang. Sáu năm sau, năm 1855 ông ra Huế. Năm sau được thăng Hàn lâm viện tu soạn, vào làm trong nội các, tham gia soạn sách "Nhân sự kim giám" (Gương vàng soi việc người).
Năm 1859, khi Pháp xâm chiếm miền Đông Nam Kỳ, ông xin tòng quân và làm tham mưu cho Tôn Thất Hiệp coi việc cơ mật. Năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông được thăng từ Vệ úy lên Chưởng vệ, sung chức Phó đề đốc, cùng Trương Định chống giặc.
Năm 1862, triều đình Huế cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, ông đến Phước Tuy (Bà Rịa). Được Phan Thanh Giản đề cử, ông trở về Vĩnh Long giữ chức Đốc học và ở đây từ năm 1863 đến tháng 7 năm sau. Thời gian này, ông đã cho xây dựng lại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long và đồng thời liên lạc chặt chẽ với các tổ chức chống Pháp khắp ba tỉnh miền đông Nam Kỳ trong đó có Trương Công Định. Cùng trong thời gian này, ông cùng các bạn đồng môn đã tổ chức di dời mộ phần của thầy Võ Trường Toản từ Chí Hòa về Ba Tri (Bến Tre) vì không muốn để cho đối phương làm ô uế.
Năm 1867, ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cũng bị Pháp xâm chiếm, ông cùng với nhiều sĩ phu Nam Kỳ không chịu hợp tác, nên đã tị địa ra tại Bình Thuận.
Năm 1867, Nguyễn Thông đuợc cử làm Án sát Khánh Hòa rồi Quảng Ngãi. Thời gian này ông dâng sớ lên triều đình, để biện bạch cho Phan Thanh Giản, đồng thời dâng bốn bản điều trần về kế sách hưng thịnh quốc gia cho vua Tự Đức. Tuy nhiên, tất cả đều không được chấp nhận vì sự gièm pha của các đại thần khác chánh kiến trong triều.
Năm 1870, ông tham gia chấm thi trường Thừa Thiên, kết thân với Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản, Đỗ Đăng Đệ...rồi làm Biện lý Bộ Hình, Bố chánh Quảng Ngãi.
Ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thông đã tích cực thi hành những biện pháp để bài trừ nạn tham ô, hà hiếp dân chúng của bọn cường hào ác bá địa phương. Việc làm này của ông đã đụng chạm tới quyền lợi của một số đại thần trong triều, vì vậy không lâu sau ông bị cách chức, tống giam và bị xử trượng, sau nhờ dân chúng kêu oan tới vua, mới được giải tội.
Năm 1873, ông xin về dưỡng bệnh tại Sơn Trung (Bình Thuận), kết bạn cùng các thân hào trí thức địa phương, đồng thời thực hiện các hoạt động khai khẩn.
Năm 1874, triều đình cho phục chức, làm việc trong Bộ Lễ nhưng khi đến Huế, ông lại bị bệnh nên phải cáo về.
Năm 1876, ông lại được triệu về kinh, giữ chức Tu nghiệp Quốc Tử Giám. Thời gian này ông cùng với các quan trong triều như Bùi Ước, Hoàng Duy Tân khảo duyệt bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhân đó soạn Việt sử cương giám khảo lược.
Năm 1877, triều đình chấp thuận kế hoạch khai hoang vùng La Ngư, Ba Dầu (Bình Tuy) ngày nay nên cử ông về làm Doanh điền sứ Bình Thuận. Năm 1880, ông cùng bạn bè, đồng chí lập Đồng Châu Xã, khuyến khích dân địa phương phát triển nghề nông và ra sức giáo dục lớp tuổi trẻ.
Năm 1878, bệnh cũ tái phát, ông xin nghỉ dài hạn. Năm 1880, được mật chỉ cùng với các quan địa phương xử vụ nổi dậy của người thiểu số, xử vụ lưu dân từ trong Nam ra. Cũng năm này, ông thành lập Đồng Châu xã và xây dựng Ngọa Du Sào để có nơi làm thơ, đọc sách.
Năm 1881, Nguyễn Thông được bổ làm Phó sứ điển nông kiêm đốc học tỉnh Bình Thuận. Năm sau thăng Hồng lô tự khanh. Năm 1883, kinh thành thất thủ, Tự Đức băng hà, ông ra Huế thọ tang vua.
Tháng 4 năm 1884, Ngọa Du Sào văn tập của ông ra đời; tháng 6 cùng năm, ông viết di chúc...
Nguyễn Thông mất ngày 7 tháng 7 năm 1884 (tức ngày 27 tháng 8 năm Giáp Thân), thọ 57 tuổi.
Mộ phần của ông đặt ở đồi Ngọc Lâm, sát chân núi Ngọc Sơn, đối diện với Tháp Chăm Pôshanư, Lầu ông Hoàng và Bửu Sơn Tự thuộc phường Phú Hài, trên con đường từ Phan Thiết đi Mũi Né.
2. Gia đình
Ông kết hôn với bà Ngô Thị A Thúy (Ngô Thị Tý), cháu cố của Ngô Nhân Tịnh, sinh hạ được hai người con trai là Nguyễn Trọng Lỗi và Nguyễn Quý Anh; và ba người con gái. Ngoài ra, ông còn có một người con trai và một người con gái với người vợ kế họ Đoàn.
Người con trai lớn Nguyễn Trọng Lỗi là một chí sĩ của phong trào Đông kinh Nghĩa thục, người có công thành lập Công ty sản xuất nước mắm Liên Thành và ngôi trường Dục Thanh, nơi có gian nhà Ngọa Du Sào mà Nguyễn Thông đã sống những ngày cuối đời.
3. Các tác phẩm chính
-Khâm Định nhân sự kim giám.
-Dương chính lục
-Việt sử thông giám cương mục khảo lược
-Kỳ xuyên thi sao
-Kỳ xuyên vǎn sao
-Ngọa du sào tập
Nhìn chung thơ văn của Nguyễn Thông là tấm lòng ưu ái đối với những người xấu số, sự quan tâm đến nghề làm ruộng và gắn bó với đời sống của nông dân. Ông ca ngợi và xót thương những người hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Nổi bật và bao trùm là tấm lòng yêu mến quê hương mà ông phải lìa bỏ vì không chịu sống trên đất kẻ thù đã chiếm đóng…
Nhờ ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, lại sớm sống gần gũi những người dân cần cù, lam lũ, thuần phác; nhờ ông có năng khiếu thơ văn, có vốn học thức, được đi nhiều và nhạy cảm trước những vấn đề chính trị, xã hội... Nên hầu hết trước tác của ông đều thiên về tả thực, giàu chất trữ tình, mang tính tố cáo cao. Do vậy, người đọc dễ dàng bắt gặp cái đẹp của những ý tứ, ngôn từ tinh tế, đậm đà tình cảm cao cả, không sa đà viễn vông hay sáo rổng …
Tuy đôi lúc trong thơ văn ông, cũng không tránh khỏi nỗi buồn hiu hắt của một nhà nho cảm thấy bất lực trước vận mệnh tồn vong của non sông, của dân tộc mà ông yêu mến. Từ những gì vừa kể phần nào giúp ta hình dung, Nguyễn Thông sống vào thời kỳ phong kiến Việt Nam có nhiều biến cố.
Nổi bật là cuộc đối đầu giữa dân tộc ta với thực dân bên ngoài. Là cuộc sống quá đổi bần hàn của người dân, vì giặc ngoại xâm, thiên tai gây mất mùa triền miên; vì nạn sưu thuế cao và bọn tham quan cường hào khiến loạn lạc xảy ra nhiều nơi (các cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Dương, Lê văn Khôi, Nông Văn Vân, Lê Duy Cự vv..)
Trước thực tại rối ren đó, một số quan lại yêu nước như Nguyễn Tư Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông …cùng những trí thức nặng lòng với non sông như Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Trị , Học Lạc vv…sinh lòng ngao ngán bởi một triều đình chỉ giỏi nghi kỵ, bóc lột, đàn áp…nhưng lại tỏ ra hèn nhát, bất lực, không đoàn kết được dân tộc ….
Cho nên, mặc dù có nhiều cuộc kháng chiến anh dũng của những Trương Định, Nguyễn Trung Trực,Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân …và một số trung thần dốc sức chống đỡ như Tôn Thất Hiệp, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu …Nhưng cuối cùng, đất nước Việt cũng mất dần vào tay ngoại xâm .
Có thể nói đa phần, những áng thơ văn của Nguyễn Thông đều bộc lộ nhiều nỗi đau xót này. Xin trích một ít để ta cùng cảm thông những gì luôn nung nấu nơi tim ông:
…Quê nhà khói lủa mù xông
Biết bao cay đắng trong lòng bà con …
(Ngày tết năm Đinh Mão, 1867)
Mịt mù khói lửa trời Nam
Biết anh đâu nhỉ để bàn nỗi riêng?
(Gửi Hồ Huấn Ngiệp)
Chiến địa trời Nam máu hãy tanh
Mười năm yên ngựa nhớ Mai Đình
Ai hay mường mán nơi mưa khói
Có khách giang hồ thích dạo quanh.
(Ở xứ Bình Hòa, gặp Hà Lăng)
Quặn thắt hơn vì triều đình cứ mãi nhân nhượng, nên phía Nam thực dân Pháp mặc sức thao túng, hoành hành; còn phía Bắc, thêm nhiều cuộc nổi dậy :
…Quân ra Bắc, lương đem qua núi
Tướng Nam về ngại nói việc binh
Ngâm thơ ngoài ải một mình,
Nằm nghe mưa nhỏ xung quanh mái thềm!
(Đọc Thu hoài của Tùng Đường)
Bên cạnh, thiên tai cùng sưu thuế cao càng đẩy dân tình thêm khốn đốn, lầm than :
Khe lạnh, mưa tràn, nước lụt lui
Khôn tìm bờ bến-nước phăng trôi
Ruộng bồi mép biển thành ao hết,
Vườn quế chân non hóa bãi bồi !
(Ghi cảnh Lệ Giang -Giản Chi dịch)
…Thời tiết thường thay đổi luôn
Mùa màng được mất khó lường đón ra
Huyện quan dù có quen ta
Thuế sưu nếu thiếu, chẳng tha chút nào
(Trích “Trồng Trọt” . Lê Thước & Phạm Khắc Khoan dịch)
Song song những tình cảm thâm sâu dành cho dân, cho nước. Ở Nguyễn Thông ta còn nhận ra một trái tim bình dị, đôn hậu, nhiều khăng khít với xóm làng. Sau đây là một đoạn thơ ông làm khi rời nhà đi “tị địa” :
…Người thì khuyên gắng uống ăn
Người thì bịn rịn nói toàn nhớ thương
Rượu đưa gượng uống vị lòng
Đầm đìa đôi má ròng ròng lệ sa …
(Thuật mối cảm hoài )
Trái tim ấy cũng không hề thiếu nghĩa tình đối với người vợ trẻ mà ông phải bỏ lại, để rảnh tay lo việc quân, việc nước :
Màn the mộng quyện lệ đầm
Tóc xanh ai để lược trâm biếng cài.
Sóng xuân e cánh đào trôi,
Chi đôi trăng sáng, lẻ loi thuyền về.
(Đưa vợ Ngô Vũ Khanh về Nam. Thanh Xuân dịch)
Nặng lòng với cả nấm mồ quạnh quẽ của người em còn ở nơi đất khách:
Nạn giặc bao giờ hết,
Nấm mồ ngày cách xa
Một chung trên nhúm cỏ,
Dòng lệ lúc chiều tà …
(Từ biệt mộ người em . Phạm Thiều dịch )
Nguyễn Thông cũng làm nhiều thơ nói về bằng hữu, nhất là đối với những người làm được nhiều việc cho nước, cho dân mà bị gièm pha hoặc ở nơi thường khi mịt mù khói lửa :
…Bị tạm trích, danh kia vẫn chói
Tiếc mình chưa vạch thói gièm pha
Bá Lăng ông có đi qua
Làm thinh chớ nói mình là cựu quan.
(Mừng ông Trần Tử Mẫn …)
Hùm beo từng ở từng ở Ba Phan
Mịt mù đường tới miền Nam xa vời
Chiến tranh nên vắng bóng người,
Lại thêm xâu thuế tháng ngày mòn hao.
Dân tình dân tỉnh tính sao,
Gió xuân gởi tới khi nào giặc yên ?
Nhớ nhau, ngày tới trăng lên,
Hai nơi ta, bạn nỗi niềm giống nhau.
(Phụng họa “Thuật hoài” của Tuần phủ họ Bùi)
Cho những ai vì “nghĩa lớn” phải vong thân . Như các bài viết về Phan văn Đạt, Trương Định, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy vv… Xin dẫn 2 bài :
Gió tây thổi một đêm lấp ngõ
Trại đóng quân, đại thọ đổ rồi
Trí mưu đầy đất chôn vùi,
Ba quân sùi sụt khóc người cựu ân
Nhận dấu áo mà chôn tướng kĩnh
Thịt xương tan chính khí còn đây
Mỗi năm bạn cũ nhớ ngày,
Thăm mồ rưới rượu, nhớ ai ngậm ngùi.
(Điếu ông Nguyễn Duy …)
Gió táp, mưa sa, máu chiến trường
Ngậm ngùi năm ấy, cảnh thê lương
Đành rằng một tướng theo ông Phó
Ai ngở bè tiên có bác Trương
Lửa địch thiêu cây trơ nhánh trụi
Sấm xuân dục trúc nẩy chồi non
Lo đời , thầy Giả tơ vò khúc
Ngoảnh cổ bao lần phía cố hương.
(Kính họa bài thơ”Gia định cố thành”. Phạm Triều dịch)
Và ông cũng không quên cảm thán cho những dân lành vô tội, phải bỏ mình vì lằn tên, mũi đạn :
Trải năm tháng bao lâu ai rõ
Mà mồ hoang bãi cỏ gần xa
Ngôi thì đất lở phơi ra ,
Ngôi thành bụi rậm , ai mà ngó coi …
Cho cả những người còn sống nhưng kể như đã chết , vì bọn tham quan ô lại cứ bòn rút :
Những nắm xương tuy nay yên chỗ
Còn kiếp người đau khổ ai thương ?
Tham quan ô lại một phường,
Nuôi thân bằng máu, bằng xương dân lành.
Tay dệt cửi mà mình rét cóng
Chân đi cày mà bụng đói dài.
Dẫu còn thoi thóp chút hơi,
Xem ra chẳng khác bọn người cửu nguyên.
(“Nghĩa địa làm phú”. Hoàng Tạo dịch)
Vâng . Như tôi đã viết ở trên , nhân dân ta thời bấy giờ chịu lắm tai ách . Chỉ tính riêng điều vừa nói thôi, qua thơ Nguyễn Thông, cũng đủ cho ta nhói tận đáy lòng .Đủ biết người xưa cho rằng quan tham cùng chính sách hà khắc, hãm hại người còn hơn cọp dữ; đâu phải là lời nói quá …
Ngẫm, càng thêm kính yêu ông, tuy thân làm quan ở nơi nhiều nghi kỵ , độc đoán, chính kiến, bè phái …vậy mà Nguyễn Thông dám thốt lên những lời lẽ tố cáo gay gắt như thế thật không dễ chút nào .
Xin dẫn thêm đôi dòng để cùng chia sẻ một tâm hồn thanh cao, không bao giờ chịu lùi bước trước cái xấu :
Đang độ thu về qua bến sông
Dưới đê ruộng nếp đã đơm bông
Dân cày vốn sợ quan đòi thuế ,
Báo trước họ tên, tránh bận lòng
(Đi Tư Châu , ghé nhà ô. Nguyễn Tử Mỹ )
Hay gửigắm tình ý qua bài “Thả chim đa đa” :
…Cành Nam nay thả mày về lại
Bạn cũ gà rừng mặc sức chơi
Bên suối uống ăn nên cẩn thận,
Chút thân đừng để lọt tay ai !
Chính từ tấm lòng “khổ cùng cái khổ của dân” , “làm việc gì cũng phải hợp lòng dân”…cho nên khi vua Tự Đức cầu lời nói thẳng, ông mạnh dạn điều trần 4 việc nội trị : “Chọn nhân tài bổ làm quan , cải tiến việc võ lược, Sửa đổi thuế đất & thổ sản , chú trọng điều khoan hậu .”
Cảm nhận , bản tấu này tính đến nay đã ngoài trăm năm , song vẫn còn nhiều giá trị.Tiếc là do khuôn khổ bài viết, tôi chỉ xin trích một điều cơ bản nhất. Biết đâu nó sẽ gợi được ít nhiều những gì cần làm cho công cuộc cải cách, mở cửa của ta hôm nay:
4. Trích giới thiệu:
Chọn nhân tài bổ làm quan
“Thời xưa chọn kẻ sĩ, phải xem xét rõ ràng, chắc chắn rồi mới bổ làm quan. Vì chức quan mà chọn người, không vì người mà chọn chức quan....
Thế mà nay những học trò sơ học non nớt, những con nhà quyền quí vênh váo, những bọn lại điển tầm thường; không xét hạnh kiểm, không lường tài năng, chỉ căn cứ vào phẩm hàm của cha ông mà giao ngay cho trách vụ trọng yếu. Làm quan không có đủ tư cách mà cho giữ chức điều khiển, không trong sạch mà cho giữ quyền tài chánh , không giỏi phán đoán mà cho giữ việc can răn, quen thói nể nang mà cho làm việc điều bổ quan chức.
Như thế muốn quan lại xứng chức, nhân dân thỏa lòng & chính sự mở mang, phỏng có được không ?
Gần đây, có tệ bỏ chức nghiệp để đi cầu cạnh thanh danh, kết nhiều bè bạn để nhờ đề cử. Đã là thân nhơ bẩn mà muốn danh được đồn vang…Thần trộm thấy, thói cầu cạnh thịnh hành thì đạo liêm sỉ bị tổn thất, phép lựa chọn càng thả lỏng thì quan lại kém cỏi …
Từ nay xin, mỗi lần chức vụ có khuyết thì Bộ Lại phải xét trước những người đáng được điều bổ. Phẩm hàm ngang nhau thì xét hạnh kiểm . Hạnh kiểm ngang nhau thì xét tài năng. Tài năng ngang nhau thì xét công trạng …Sau khi đã nhận chức, nếu có người nào làm công việc không chạy hoặc làm điều tham ô, thì Bộ ấy phải chịu trách nhiệm .
Có như thế, ở triều đình không có người bất tài, quan lại không có người lạm chức …”
Buồn sao những lời lẽ tâm huyết đó,cũng giống như nhiều đề nghị canh tân khác của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Tư Giản, Bùi Viện …đều không được vua nhà Nguyễn nghe theo. Tệ hơn thế, chính vì tấm lòng thẳng ngay này, mà nhiều lần ông phải khốn đốn bởi bọn xôi thịt, hủ lậu và dốt nát …Lời vu cáo của Lê Doãn khiến ông bị giáng chức, bị phạt roi đến nỗi phải lâm bệnh thổ huyết là một minh chứng.
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Tham khảo:
1.Theo Phả hệ của Nguyễn Thông, in trong “Nguyễn thông, con người và tác phẩm” của Ca Văn Thỉnh và Bảo Dịnh Giang. NXB TP. HCM, 1984
2.Nhiều người soạn, Tự điển Văn học (bộ mới). NXB Thế Giới, 2004, tr.1189
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nhớ Nguyễn Thông.doc