Two new types of lyric characters in Tran Dang Khoa’s poems has been presented clearly by
the changes of the composing situations after his young days. These are the lyric character of
sodiers and that of deeply thoughts of innermost feelings. Both of these two types of characters
had the basis of composition before, but it only has its own face until the later period. This type
of lyric character has also presented more and more in Vietnamese poetry since 1975. It helps us
relize the changes in composing inspiration, as well as in the way Tran Dang Khoa to see and to
think in the new period of composition. Look at this, we can see several politic issues in
Vietnamese poetry
7 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 496 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân vật trữ tình trong thơ Trần Đăng Khoa sau thời niên thiếu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
51(3): 18 - 23 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
18
NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
SAU THỜI NIÊN THIẾU
Lê Hồng My (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên)
Vào những năm 1968 - 1970, hiện tượng
thơ Trần Đăng Khoa đã thu hút sự quan tâm
đặc biệt của những người sáng tác, phê bình
thơ và những người yêu thơ. Tên tuổi Trần
Đăng Khoa - “Em bé thi sĩ của Việt Nam” - đã
được giới thiệu rộng rãi trên báo chí trong và
ngoài nước. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật
trữ tình trong thơ thời niên thiếu của Trần
Đăng Khoa đã được khẳng định qua bài giới
thiệu: “Thơ em Khoa” của nhà thơ Xuân Diệu
(1973); bài báo khoa học: “Thế giới nghệ thuật
thơ Trần Đăng Khoa thời kỳ niên thiếu” của
nhà nghiên cứu Trần Đăng Xuyền (2003) và
qua nhiều tài liệu nghiên cứu khác. Tuy nhiên,
hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ sau thời
niên thiếu của Trần Đăng Khoa lại là vấn đề
mới chưa được nghiên cứu.
Đi sâu tìm hiểu thơ Trần Đăng Khoa sau
thời niên thiếu, chúng tôi nhận thấy: sự đổi
thay của hoàn cảnh và cảm hứng sáng tác của
tác giả đã làm hiện diện rõ hai “môtip” nhân
vật trữ tình mới trong thơ anh: nhân vật trữ
tình - người lính và nhân vật trữ tình suy tư,
chiêm nghiệm những nỗi niềm nhân thế. Cả
hai dạng nhân vật trữ tình này đều có tiền đề
từ trước nhưng đến chặng đường sáng tác sau
mới hiện lên rõ nét.
1. Người lính nơi biên cương và biển khơi
Anh bộ đội, chú bộ đội là hình ảnh sáng đẹp
trong thơ thời niên thiếu của Trần Đăng Khoa.
Các chú bộ đội trong thơ bé Khoa thật hiền,
thật vui, lại cực kỳ dũng cảm, mang vẻ đẹp
huyền thoại gắn liền với những chiến công
vang dội, những kỳ tích lẫy lừng.
Với tâm nguyện “Trận đánh cuối cùng
không thể thiếu tên tôi”, với tình yêu Tổ quốc
và lẽ sống thiêng liêng: “Cao hơn trang thơ là
cả cuộc đời, là Tổ quốc một còn, một mất”
(Thư thơ), Trần Đăng Khoa bước vào cuộc đời
quân ngũ khi cuộc chiến đấu giải phóng miền
Nam bước vào trận cuối. Mang “Màu áo lính
với niềm tâm sự lính”, cảm xúc về người lính
càng dồi dào, hình ảnh người lính càng đậm nét
trong thơ Trần Đăng Khoa. Người lính không
phải là nhân vật trữ tình duy nhất, song là hình
tượng nhân vật trữ tình nổi bật nhất trong thơ
sau thời niên thiếu của anh. Anh bộ đội từ vị trí
khách thể thẩm mĩ đã chuyển sang vai trò của
chủ thể trữ tình, từ “Người em yêu thương” đã
trở thành người sống “Cuộc đời lính”, “Hát
niềm tâm sự lính” trong thơ Trần Đăng Khoa.
Bước vào quân ngũ, Trần Đăng Khoa trực
tiếp nếm trải và thấu hiểu nỗi gian khổ của
cuộc đời người lính. Hiện lên rõ nhất, sâu đậm
nhất và cũng ám ảnh trong thơ Trần Đăng
Khoa là nỗi gian khổ của người lính biển. Các
anh hàng ngày phải đối mặt với bão tố, cá
mập, chim ác và kẻ thù để bảo toàn sinh mạng
và bảo vệ đảo. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn
gió của các anh có những khó khăn không
giống như những chiến trường khác. Doanh
trại của lính đảo giữa đại dương mênh mông
là: “Lều bạt chông chênh giữa nước giữa trời/
Đến một cái gai cũng không sống được”
(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài). Sống
giữa bốn bề sóng nước mà vẫn thiếu nước,
thèm nước ngọt, các anh phải kiên nhẵn đợi
từng giọt mưa rơi. Nỗi ao ước của những
người lính biển thật giản dị và cảm động:
“Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ/
Rồi khao nhau/ Bữa tiệc linh đình bày toàn
nước ngọt/ Ôi ước gì được thấy mưa rơi” (Đợi
mưa trên đảo Sinh Tồn). Có những nỗi gian
khổ các anh đã trải qua mà trong điều kiện sống
ở đất liền khó có thể hình dung nổi: “Đảo vẫn
chìm dưới ba mét nước/ Măng khô hết rồi. Chỉ
51(3): 18 - 23 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
19
thăm thẳm biển xanh/ Lưới chẳng có mà cá vờn
trước mặt/ Biết tìm đâu ra một bát canh” (Ghi
chép ở đảo Chìm). Ở đảo, mỗi năm các anh
phải đối mặt với hàng trăm cơn bão. Đi ngang
qua bão, mỗi người lính đảo giống như “Cây
bão táp” giữa phong ba. Khi đất nước bình yên,
người lính chiến trở thành “Lính thời bình”,
nhưng nỗi gian khổ, thử thách vẫn đồng hành
cùng cuộc đời người lính: “Đất nước không
bóng giặc/ Tưởng về gần mà xa/ Vẫn gian nan
làm bạn/ Vẫn gió sương làm nhà” (Lính thời
bình). Và trong gian khổ, các anh đã sống trọn
vẹn, sâu sắc cuộc đời người lính.
Lắng nghe tiếng nói trữ tình của người lính
trong thơ Trần Đăng Khoa, người đọc càng
thấu hiểu sự hi sinh lớn lao của những người
chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở nơi
biên cương và hải đảo xa xôi. Đồng thời, càng
thêm cảm phục và trân trọng các anh, những
con người trong gian khổ vẫn tìm thấy “Niềm
sung sướng lính”, vẫn hát “Niềm tâm sự lính”.
Những “Niềm tâm sự lính” được thể hiện
trong thơ Trần Đăng Khoa đã mở ra cả khoảng
sáng tâm hồn phong phú, cao đẹp của những
người lính trẻ. Trước hết là tình yêu Tổ quốc,
tình yêu lý tưởng. Các anh rất tự hào về trọng
trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Từ
biên giới Tây Nam đến quần đảo Trường Sa,
dù ở mặt trận nào, làm nhiệm vụ gì, các anh
cũng xác định rõ trách nhiệm của mình đối với
Tổ quốc. Người lính trên mặt trận biên giới
Tây Nam trước giờ ra trận nghĩ rằng, nếu có
ngã xuống trong trận chiến đấu ngày mai anh
cũng không hề hối tiếc bởi quê hương sẽ được
sống thanh bình, “Tiếng bước chân bầy trẻ
nhỏ” và “Tiếng rúc rích cười” sẽ rộn mãi buổi
hoàng hôn (Thư gửi mẹ). Anh lính hải quân
tạm biệt người yêu, tạm biệt thành phố rực rỡ
ánh đèn đến nơi “Trời khuya. Đảo vắng” vì
một tình yêu lớn lao hơn tình yêu đôi lứa:
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang
trắng” (Thơ tình người lính biển). Người lính
đảo Nam Yết hiên ngang trên chòi quan sát
giữa bốn bề bão tố vì anh biết, đảo là giọt máu
thiêng của Tổ quốc: “Ta đứng vững trên đảo
xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi
này” (Lính đảo hát tình ca trên đảo).
Để bảo vệ Tổ quốc, quê hương, các anh
sẵn sàng chấp nhận hi sinh những khát vọng
cá nhân chính đáng và thiết thực nhất: “Hôm
nay em đến giảng đường/ Anh hằng khao
khát/Thế hệ anh, mấy lớp người đi cứu nước/
Có bao anh chưa tới được lớp mười/ Có bao
anh nằm lại dọc đường rồi/ Những con suối
không tên, những ngọn đồi không tuổi” (Em
vào đại học). Và trong tâm hồn người lính
luôn dấy lên niềm tự hào, kiêu hãnh về cả một
thế hệ có lý tưởng sống đẹp, xứng đáng với Tổ
quốc. Anh nhìn vào đồng đội, soi vào lòng
mình, càng thấy vững tin vào lý tưởng và con
đường đã chọn: “Nếu anh lại trẻ trung mười
tám tuổi/ Và Tổ quốc lại một lần lên tiếng gọi
anh đi/ Anh lại bằng lòng vượt mọi hiểm nguy/
Với Độc lập, Tự do cho tất thảy mọi người/
Thế hệ anh đã sống một thời/ Xứng đáng để
thế hệ sau kiêu hãnh” (Về làng). Trần Đăng
Khoa đã viết tiếp bài ca người lính với tình
yêu Tổ quốc, tình yêu lý tưởng, tình yêu đồng
đội sâu sắc thiêng liêng. Hình tượng nhân vật
trữ tình trong thơ anh tỏa sáng vẻ đẹp lý tưởng
của những người lính trẻ trong giai đoạn lịch
sử đất nước sang trang.
Tìm hiểu “Niềm tâm sự lính” trong thơ Trần
Đăng Khoa, không thể không nói tới tình yêu
cuộc đời, tình yêu đôi lứa. Những bài thơ về
tình đời, tình yêu của người lính làm cho hình
tượng nhân vật trữ tình người lính trong thơ
anh hiện lên rất “Đời”, rất “Thực” và cũng rất
lãng mạn trẻ trung: “Chúng tôi rất đông/ Mười
tám đôi mươi/ Sâu sắc và vô tư như bầu trời/
Tỉnh táo và đắm say như bầu trời/ Màu áo lính
51(3): 18 - 23 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
20
hát niềm tâm sự lính” (Lính đảo Chìm). Và từ
những lồng ngực trẻ đó, lời ca yêu đời đã bay
lên, trong thăm thẳm rừng đêm, trong mịt mùng
biển cả: “Nào hát lên cho mây nước biết/ Rằng
chúng ta là những con người”; “Nào hát lên
cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong
ngực ta đây” (Lính đảo hát tình ca trên đảo).
Trải qua gian khổ, đối mặt với cái chết,
người lính càng hiểu rõ giá trị của sự sống, của
tuổi trẻ, càng thêm trân trọng sự sống - sự sống
trong muôn nỗi buồn vui vốn có: “Có điều gì hồi
hộp thế rừng ơi/ Hãy nói giùm ta, rằng ta rất
yêu người/ Dù có người từng làm ta đau khổ”
(Ngày mai ra trận). Vì thế mà một vầng trăng
giữa rừng biên giới, một lối ngõ nhỏ chốn quê
xa..., tất cả đều mang lại cho người lính tình đời,
tình người tha thiết.
Người lính nơi đảo xa “Gió biển mặn bạc
bao màu áo”, “Cơn sốt rét rừng vẫn còn run
trong da”, thèm từng bát canh rau, từng làn
mưa bụi... vẫn yêu đảo, yêu biển vô cùng. Xa
nhà, xa quê, các anh cùng: “Chia nhau tin
vui”, “Chia nhau nỗi nhớ nhà”. Không có
nước ngọt, không có rau xanh, các anh vẫn
“Hát vỗ nhịp vào báng súng”. Rừng sâu, đảo
xa với trở thành những mảnh đất “hoá tâm
hồn” của các anh: “Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo
thân yêu/ Dẫu không có mưa chúng tôi vẫn
sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên
đại dương gió bão/ Chúng tôi như hòn đá
ngàn năm trong đập trái tim người” (Đợi mưa
trên đảo Sinh Tồn).
Cuộc sống dẫu muôn vàn gian khổ, nhưng
những người lính đảo vẫn hát tình ca. Không
có phông màn bởi “Chẳng phông màn nào chịu
nổi gió Trường Sa”. Không có khán giả vì:
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc/ Người
xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu”, nhưng
điệu tình ca “Cứ ngân lên chót vót”. Cảnh “Sư
cụ hát tình ca” trong bài thơ Lính đảo hát tình
ca trên đảo là cảnh tượng chưa từng có trong
thơ. Đây là “bức tranh” độc đáo, cảm động và
xiết bao tự hào về tinh thần lạc quan yêu đời
trẻ trung của người lính được Trần Đăng Khoa
thể hiện bằng cả trái tim mình.
Đến với thơ Trần Đăng Khoa, không ít
người đã: “... lắng sóng từ hai phía” cùng trái
tim người lính biển: “Biển ồn ào, em lại dịu
êm/ Anh như thân tàu lắng sóng từ hai phía/
Biển một bên và em một bên...” (Thơ tình
người lính biển). Hình ảnh: “Anh đứng gác.
Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em
một bên” đã kết đọng vẻ đẹp tình yêu trong
tâm hồn người lính: hòa hợp tình cảm và
nhiệm vụ, tình yêu biển và tình yêu em, tình
yêu lứa đôi và tình yêu đất nước. Nhân vật trữ
tình - người lính trong thơ Trần Đăng Khoa đã
tự hát về tình yêu của “anh”, một tình yêu
thủy chung, bền chặt, vượt qua mọi thử thách:
“Vòm trời kia có thể sẽ không em/ Không biển
nữa. Chỉ mình anh với cỏ/ Cho dù thế thì anh
vẫn nhớ/ Biển một bên và em một bên” (Thơ
tình người lính biển).
Nhân vật trữ tình - người lính trong thơ
Trần Đăng Khoa phản ánh toàn diện, chân
thực cuộc sống và tâm hồn người chiến sĩ ở
thời kì sau những ngày chống Mĩ. Tâm hồn
người lính đã được soi sáng từ nhiều góc độ,
nhiều cung bậc: trong cuộc chiến, phút bình
yên; khi ồn ào, lúc trầm lắng... Từ đó, người ta
nhận ra những tâm hồn vô cùng thuần khiết,
trong sáng nhưng không hề bằng phẳng đơn
điệu; họ vừa thực tế vừa lãng mạn, trẻ trung
hồn nhiên trong cuộc sống hàng ngày; vừa rất
chín chắn, sâu sắc trong tình cảm, suy nghĩ. Đó
là lớp thanh niên có lý tưởng cao đẹp, tự hào về
Tổ quốc, về trọng trách được giao phó; dù ở
nơi biên cương hay hải đảo xa xôi, các anh đều
sống lạc quan, yêu đời, yêu tuổi trẻ. Trần Đăng
Khoa đã đóng góp vào thơ Việt Nam bức chân
dung sáng đẹp về người lính; góp phần làm
phong phú thêm nguồn cảm hứng thơ dào dạt
xuôi chảy suốt hơn nửa thế kỉ thơ Việt Nam.
51(3): 18 - 23 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
21
2. Con người suy tư những nỗi niềm
nhân thế
Nhân vật trữ tình trong thơ Trần Đăng
Khoa thời thơ ấu là cậu bé cả nghĩ. Em nghĩ
về nỗi vất vả mẹ đã trải qua: “Nắng mưa từ
những ngày xưa/ Đọng trong đời mẹ bây giờ
chưa tan” (Mẹ ốm); nghĩ về quê hương: “Mái
gianh ơi hỡi mái gianh/ Biết bao mưa nắng
mà thành quê hương” (Khúc hát người anh
hùng). Đúng là: “Thơ Khoa hồn nhiên đấy mà
vẫn đầy trầm tư khi chạm vào nỗi đau nhân
thế” (Trần Đăng Xuyền).
Trong hành trình cuộc đời, Trần Đăng
Khoa đã đi nhiều nơi, đến với nhiều vùng đất
khác nhau. Sau những ngày lên mặt trận biên
giới Tây Nam, ra đảo Trường Sa, anh sang
học tập tại nước Nga và sau này còn đi xa hơn
nữa. Có điều kiện đi nhiều, Trần Đăng Khoa
đã trải nghiệm và chứng kiến bao nỗi thăng
trầm nhân thế: vinh quang, thất bại, hạnh
phúc, khổ đau... Và thơ anh sau thời niên thiếu
cũng xuất hiện ngày càng đậm nét motip nhân
vật trữ tình suy tư, chiêm nghiệm những nỗi
niềm nhân thế, về nỗi buồn vui đắng ngọt của
cuộc đời. Thơ Trần Đăng Khoa có hình ảnh
người lính trẻ đa tình, lãng mạn. Song, bên
cạnh đó, còn có hình ảnh chàng trai thất tình,
thất vọng. Trong tình yêu, có khi người ta phải
chịu âm thầm đau khổ vì một “mối tình câm” -
lời yêu không thể ngỏ. Cũng bị giăng mắc
trong một mối tình vô vọng như thế, người
con trai trong bài thơ Gửi em ở Ninh Bình
mang nỗi buồn thấm thía: “Em vẫn lúng liếng
hát/ Về phương trời nào xa xôi/ Đâu biết ta
buồn như đá/ Đâu biết đá buồn như người”.
Nhưng cũng có người tìm thấy “bạn vàng” rồi
mà tình duyên vẫn trắc trở. Mang tâm trạng
“Anh đến tìm hoa thì hoa kia đã nở”, chàng
trai trong bài thơ Hoa xương rồng nở cố nén
nỗi buồn sâu kín. Biết rằng tất cả đã quá muộn
màng mà không cách nào làm nguôi ngoai nỗi
nhớ, không nỡ trách cứ, chẳng thể thở than.
Tất cả chỉ là do duyên phận. Có lẽ, đó cũng là
một trong những bi kịch muôn đời của tình
yêu lứa đôi.
“Vị đắng” tình yêu làm tê buốt trái tim
“anh” trong bài thơ Về làng lại do một
nguyên nhân khác: Chiến tranh. Có người
lính từ mặt trận trở về, cùng nỗi đau thương
tật là nỗi buồn về tình cảm riêng tư: “Anh lại
về làng quê ta đây em/ Chiếc gậy tre đi trước
một bước.../ ... Những trận đánh chỉ còn là kỉ
niệm/ Cỏ chiến hào giờ chắc đã lên tươi/
Người yêu anh đi lấy chồng rồi/ Bế con người
đến đón anh dưới bóng trúc/Anh nghe tiếng
nàng cười và nàng khóc...” (Về làng). Tiếng
cười và giọt nước mắt của người yêu xưa vẫn
thấm vào anh nỗi xót xa; dù người lính đã cố
nén lòng để vượt qua bi kịch chiến tranh bằng
nghị lực vốn có và sự trải nghiệm cuộc đời.
Điều đáng lưu ý là: trong thơ Trần Đăng
Khoa, tâm trạng của nhân vật trữ tình gặp
phải bi kịch tình yêu do hoàn cảnh chiến
tranh không phải bao giờ cũng trĩu buồn. Nỗi
buồn của anh được san sẻ bởi tấm lòng của
Mẹ, bởi kỉ niệm về Em (Hoa xương rồng nở).
Nghị lực và tình quê đã giúp anh đứng vững
và bước tiếp trên đường đời (Về làng). Vì thế,
một số bài thơ của Trần Đăng Khoa tuy có vị
đắng tình yêu nhưng vẫn hướng người ta tới
trái ngọt của đời.
Nỗi niềm suy tư của nhân vật trữ tình trong
thơ Trần Đăng Khoa còn hướng tới số phận
con người trong những mối quan hệ phổ quát,
muôn đời. Đứng trước những đền đài, di tích
văn hóa hoặc nghĩa trang, bia mộ... nhân vật
trữ tình hay suy tư chiêm nghiệm về số phận
mỏng manh của con người trước Tạo hóa và
những mối quan hệ trong cõi đời, cõi người
mang màu sắc triết học đã từng ám ảnh bao
nhiêu thế hệ thi nhân. Trước chùa Giải oan, Ở
nghĩa trang Văn Điển, Qua Bôrôđinô,
51(3): 18 - 23 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
22
Matxcơva - Mùa đông 1990, Không đề, Qua
Xuzđan, Chiều Riazan, Với bạn, Ninh Bình,
Đỉnh núi là những bài thơ thấm đẫm nỗi
niềm nhân thế, tâm trạng nhân vật trữ tình chất
chứa suy tư.
Trước tượng đá mang hình Mỵ Châu trong
khu di tích thành Cổ Loa, “Anh” suy tư về bi
kịch tình yêu đôi lứa và bi kịch trong lịch sử
đất nước: “Nhớ vận nước có một thời chìm
nổi/ Bắt đầu từ một tình yêu”; “Có những lỗi
lầm phải trả bằng cả một kiếp người/ Nhưng
lỗi lầm em phải trả bằng máu của toàn dân
tộc/ Máu vẫn thắm qua từng trang tập đọc/ Vó
ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay...”
(Trước đá Mỵ Châu). Khi đến chùa Giải Oan,
“Tôi” day dứt bởi sự chiêm nghiệm: “Có bao
nỗi oan mà đời không giải nổi/ Nên ngôi chùa
còn mãi đến hôm nay/ Biết kêu ai? Tiếng kêu
quá nhỏ/ Trời thì cao mà đất thì dày” (Trước
chùa Giải Oan). Còn khi đứng trước nghĩa
trang Văn Điển, “Ta” thấm thía đến tận cùng
sự ngắn ngủi của đời người: “Cái chết vẫn
rình ta ở khắp mọi nơi, sau từng ngưỡng cửa/
Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần
bờ/ Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc/ Chỉ tích
tắc khôn lường ta đã hóa người xưa.../...
Trước thiên nhiên, con người như khách trọ/
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến thoáng lìa
xa/ Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này
tháng khác/ Thì cũng chỉ là một thoáng giữa
sân ga” (Ở nghĩa trang Văn Điển). Trước
những hàng bia đá câm lặng, anh cảm nhận rõ
quy luật vừa phũ phàng cay nghiệt vừa công
bằng độ lượng của tạo hóa: “Người hạnh phúc
và người đau khổ/ Đều gặp nhau trắng toát ở
nơi này/ Đều dài rộng như nhau vuông cỏ
biếc/ Đều ấm lạnh như nhau trong cơn gió heo
may...”. Bài thơ có sự tiếp nối mạch cảm xúc
từ Văn chiêu hồn của Nguyễn Du đến Thăm
mả cũ bên đường của Tản Đà và có thêm chất
triết luận nên không chỉ tác động vào tình cảm
mà còn khơi sâu vào nỗi niềm suy tư của
người đọc.
Qua Bôrôđinô, nơi Napônêông đã đại bại
trong cuộc chiến tranh với Nga năm 1812,
nhân vật trữ tình suy ngẫm về sự thành bại trong
chiến tranh (Qua Bôrôđi nô); đến Riazan, quê
hương của nhà thơ Nga Êxênin, “anh” suy ngẫm
về “hồn nước Nga xưa” và nước Nga nay
(Chiều Riazan); giữa Mátxcơva, trái tim của
những con người nhân hậu, “anh” suy ngẫm về
một tình yêu lớn: “Chỉ tình yêu, giữa dập vùi
và đen bạc/ Vẫn giữ cho ta Ngọn lửa để làm
Người/ Nếu thế giới này không còn tình yêu
nữa/ Thì biết đâu trái đất đã tan rồi”
(Mátxcơva - Mùa đông 1990).
Nhân vật trữ tình trong thơ Trần Đăng
Khoa còn hướng suy ngẫm tới các phạm trù
mang tầm phổ quát, bao trùm cả con người và
vạn vật, cả thời gian và không gian, cả vật
chất và tinh thần, về các mối tương quan: còn
- mất, hữu hạn - vô hạn, khoảnh khắc - vô
cùng... “Anh” thấy rằng, ở thế giới này không
chỉ có đời người ngắn ngủi, hạnh phúc mong
manh mà “Trái đất cũng mỏng manh và đáng
thương biết mấy”! Tất cả đều trong vòng
quay nghiệt ngã của tạo hóa (Matxcơva -
Mùa đông 1990); và cả nhà thơ cũng không ở
ngoài quy luật đó: “Biết bao thành lũy quanh
ta/ Nhắp đi, ngoảnh lại đã là khói sương/ Nói
gì đến chuyện văn chương.../ Con đường đi
mãi, con đường vẫn xa/ Viết sao cho hết niềm
người/ Uống sao cho cạn nỗi đời đắng cay”
(Với bạn). Không biết khi viết những dòng
thơ này, Trần Đăng Khoa có nhớ đến “Thầy
thơ” Xuân Diệu của mình không, nhưng ý
thức về sự tàn phai rơi rụng của tạo vật trong
thơ anh cứ phảng phất nỗi ngậm ngùi trong
“Thơ thơ” ngày trước. Cái “Tôi” trong thơ
anh nhìn ra nhân thế, soi vào đời mình, càng
thấm thía cảm giác về sự hữu hạn của mỗi cá
nhân trước cuộc đời. Trong dòng chảy nghiệt
51(3): 18 - 23 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
23
ngã của thời gian, người ta “Hoặc vằng vặc
sáng, hoặc heo hút tàn”. Nhưng muốn sáng
lên đâu phải dễ! Đâu phải ai cũng tìm đúng
“Bản thể” hay có được khoảnh khắc huy
hoàng, chói sáng trong đời.
Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian,
trước dấu tích của ngàn xưa, tâm trạng của
nhân vật trữ tình chất chứa muôn nỗi suy tư về
mối liên hệ còn - mất, hiện hữu - hư vô trong
cõi trường cửu: “Thành xưa đổ bóng vào trời/
Khói sương lãng đãng một thời đã xa/ Tháng
năm lừng lững đi qua/ Chỉ còn mấy đỉnh tháp
già ngẩn ngơ/ Chiều buông ngọn khói hoang
sơ/ Tiếng chuông ngàn tuổi tỏ mờ trong mây/
Người xưa hồn ở đâu đây/ Nhìn ra chỉ thấy
tuyết bay trắng chiều” (Qua Xuzđan).
Đọc những bài thơ chất chứa nỗi niềm nhân
thế của Trần Đăng Khoa, có thể nhận thấy nhân
vật trữ tình trong thơ anh có xu hướng “hồi cố”,
đồng điệu với tâm trạng của thi nhân xưa; vì
thế, chất trữ tình trong những bài thơ này
thường sâu lắng, giàu sức gợi, phảng phất
không khí cổ thi. Tuy nhiên, nếu cổ nhân chiêm
nghiệm, suy ngẫm nhằm đạt tới cõi “vô vi”
trong tâm thức thì nhân vật trữ tình trong thơ
Trần Đăng Khoa lại chiêm nghiệm, suy ngẫm
để tìm ra bản thể, chân lý và ý nghĩa cuộc sống
của Con Người. Điều này khẳng định một nỗ
lực đáng kể của Trần Đăng Khoa trên hành
trình thơ của anh.
Nhân vật trữ tình suy tư chiêm nghiệm nỗi
niềm nhân thế trong thơ Trần Đăng Khoa vừa
tiếp nối, vừa phát triển Chất suy tư - một đặc
điểm đã có trong thơ anh từ thời niên thiếu.
Dạng nhân vật trữ tình này cũng xuất hiện ngày
một nhiều trong thơ Việt Nam sau 1975.
Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Trần
Đăng Khoa sau thời niên thiếu đã phản ánh sự
chuyển biến trong cảm hứng sáng tác cũng như
trong cáí nhìn và suy cảm của Trần Đăng Khoa
trên một chăng đường sáng tác mới. Soi vào đó
người ta còn nhận ra được những vấn đề có ý
nghĩa về hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ
Việt Nam sau 1975
51(3): 3 - 7 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
24
Summary
Two new types of lyric characters in Tran Dang Khoa’s poems has been presented clearly by
the changes of the composing situations after his young days. These are the lyric character of
sodiers and that of deeply thoughts of innermost feelings. Both of these two types of characters
had the basis of composition before, but it only has its own face until the later period. This type
of lyric character has also presented more and more in Vietnamese poetry since 1975. It helps us
relize the changes in composing inspiration, as well as in the way Tran Dang Khoa to see and to
think in the new period of composition. Look at this, we can see several politic issues in
Vietnamese poetry.
Tài liệu tham khảo
[1]. Xuân Diệu (1973), “Thơ em Khoa”, Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa, 2006.
[2]. Trần Đăng Khoa (1998), Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, NXB Thanh niên.
[3]. Trần Đăng Khoa (1985), Bên cửa sổ máy bay, NXB Tác phẩm mới.
[4]. Trần Đăng Xuyền (2003), “Thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa thời kỳ niên thiếu”, Tạp chí
Văn học, Số 4.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- brief_1045_9526_5_7174_2053144.pdf