Nhận diện một số hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc

Bản chất của các hiện tượng folklore thường là tích hợp nhiều lớp biểu tượng và nhiều giá trị. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc là sự xếp chồng các tầng ý nghĩa, các lớp văn hóa, các yếu tố tôn giáo và yếu tố thần thoại hòa quyện và thấm đượm vào nhau tạo nên một mẫu hình anh hùng văn hóa mẫu mực thời kì Văn Lang – Âu Lạc hào hùng và kì vĩ, biểu lộ sức mạnh vô song của cả cộng đồng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hình tượng nhân vật bị bao bọc bởi nhiều lớp vỏ phức tạp, song bản chất anh hùng, cái cốt chất phác, kì vĩ vẫn được lưu truyền, giữ gìn nối tiếp qua các thế hệ. Qua các lễ hội đã cho chúng ta thấy rõ hình tượng nhân vật tồn tại và in sâu như thế nào trong tâm thức, đời sống tâm linh của nhân dân. Những tín ngưỡng dân gian, phong tục, lễ hội dân gian từ ngàn năm vẫn tồn tại, sóng đôi với truyền thuyết, thổi hồn vào truyền thuyết làm nên sức sống bền bỉ của truyền thuyết về các nhân vật anh hùng văn hóa thời kì Văn Lang – Âu Lạc. Chuỗi truyền thuyết về các vị thần này không ngừng được đắp bồi theo dòng lịch sử. Và cho đến nay những nhân vật anh hùng văn hóa này vẫn luôn sống trong cõi vô thức và trong cõi hữu thức của nhân dân ta.

pdf9 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 733 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhận diện một số hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(30)/2014: tr. 5-13 NHẬN DIỆN MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA TRONG TRUYỀN THUYẾT THỜI KÌ VĂN LANG – ÂU LẠC ĐẶNG THỊ LAN ANH Trường Đại học Hải Dương Tóm tắt: Một số nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc hoặc có cốt cách thần thoại hoặc có gốc tích từ nhân vật thần trong thần thoại đã chuyển hóa thành nhân vật trong truyền thuyết, có lai lịch, nguồn gốc xuất thân cụ thể. Các nhân vật này thoát thai từ trong thần thoại nhưng đã được nhào nặn lại, móc nối với những sự kiện, nhân vật lịch sử của đời sau để trở thành những hình tượng mới, mang đặc trưng của thời đại dựng nước. Nghiên cứu và phân tích hình tượng các nhân vật này, chúng ta sẽ dần bóc tách những lớp văn hóa trùm lên nhau qua các thời kì lịch sử và bóc tách những lớp văn hóa cổ xưa nhất của hình tượng. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc là sự xếp chồng các tầng ý nghĩa, các lớp văn hóa, các yếu tố tôn giáo và yếu tố thần thoại hòa quyện và thấm đượm vào nhau tạo nên một mẫu hình anh hùng văn hóa tiêu biểu thời kì Văn Lang – Âu Lạc. Từ khóa: Anh hùng văn hóa, Truyền thuyết, Văn Lang – Âu Lạc 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Truyền thuyết là những truyện kể dân gian có cái lõi lịch sử mang màu sắc huyền ảo, nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Truyền thuyết dân gian cho đến ngày nay vẫn chưa bao giờ mất đi sức sống mãnh liệt và vai trò độc đáo của mình đối với cộng đồng, luôn được cộng đồng nâng niu, bảo vệ như một tài sản linh thiêng, quý báu bậc nhất. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà khoa học đối với việc tìm hiểu truyền thuyết dân gian thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc. Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc chính là “thời kỳ anh hùng” của lịch sử Việt Nam với đầy đủ những đặc trưng của “thời kỳ anh hùng” theo định nghĩa của Friedrich Engels. Điều này khích lệ chúng tôi áp dụng các lý thuyết mới vào việc nghiên cứu và soi sáng nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ của truyền thuyết dân gian thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc, trong đó đặc biệt chú ý hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong chuỗi truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc. 2. NGUỒN CỘI CỦA HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỀN THUYẾT THỜI VĂN LANG- ÂU LẠC Theo các nhà nghiên cứu, nhiều truyền thuyết về anh hùng văn hóa thời kì Văn Lang – Âu Lạc vốn thoát thai từ thần thoại. Một số nhân vật vốn từ các nhân vật thần trong thần thoại đã chuyển hóa thành nhân vật trung tâm trong truyền thuyết. Do vậy, khi nhận diện hình tượng nhân vật, nếu chỉ xét trong khuôn khổ và đặc trưng của thể loại truyền thuyết thì hiển nhiên là thiếu hụt. Nghiên cứu và phân tích hình tượng các nhân vật anh 6 ĐẶNG THỊ LAN ANH hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc, chúng tôi sẽ dần bóc tách những lớp văn hóa trùm lên nhau qua các thời kì lịch sử và bóc tách những lớp văn hóa cổ xưa nhất của hình tượng. Thần thoại theo Marx nói đó là vẻ đẹp “một đi không trở lại” của loài người khi xã hội nguyên thuỷ kết thúc. E.M.Meletinsky đã định nghĩa thần thoại như sau: “Thần thoại có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Thường người ta hiểu đó là những truyện về các vị thần, các nhân vật được sùng bái hoặc có quan hệ nguồn gốc với các vị thần, về các thế hệ xuất hiện trong thời gian ban đầu tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập thế giới cũng như vào việc tạo lập nên những nhân tố của nó – thiên nhiên và văn hoá” [1]. Sự thực thì trên thế giới, bất cứ dân tộc nào cũng có thần thoại. Nhưng ở nước ta do hoàn cảnh lịch sử mà các thần thoại đã không giữ được nguyên vẹn. Bù lại chúng ta lưu giữ được một kho tàng truyền thuyết khá dày dặn về thời kì đầu dựng nước. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những nét gần gũi đặc biệt giữa thần thoại và truyền thuyết thời kì đầu, bởi chỗ dựa chủ yếu của truyền thuyết thời kì này chính là nguồn thần thoại. “Khi ý thức lịch sử của cộng đồng ngày càng phát triển, người ta mượn lại những hình tượng vang bóng một thời trong thần thoại vốn là niềm tự hào của cộng đồng, nhào nặn lại, móc nối nó với những sự kiện và nhân vật lịch sử có thật ở đời sau, làm thành một nguồn truyện kể vừa đậm yếu tố kì ảo vừa đậm màu sắc lịch sử, vừa li kì và hấp dẫn vô cùng” [3]. Nhân vật của truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc là những nhân vật có diện mạo khổng lồ về hình dáng, tầm vóc, sức mạnh, hành động và chiến công. Có thể coi những bản truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ thời kì Văn Lang - Âu Lạc là những mảnh vụn của hệ huyền thoại (mythology) và huyền tích (legend) Đông Sơn bị vỡ trong diễn trình lịch sử, được lưu giữ lại trong kí ức của dân gian và được bồi đắp không ngừng theo dòng chảy của thời gian. Chắc chắn rằng nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ thoát thai từ ý niệm về vật tổ và những thần thoại về đấng sáng tạo. Tìm trong những bản sử thi - thần thoại Ẳm ẹt luông của dân tộc Thái, Bài ca trời đất của dân tộc Lô Lô, Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường, thần thoại Khúa Kê của dân tộc H’mông... có thể kể đến các vị thần khai sáng, tạo dựng vũ trụ: ở người Thái là Xô Công Phạ, Xô Công Đin, ở người Lô Lô là ông bà Két Dơ, GaGia, ở người Mường là ông Thu Tha và bà Thu Thiên... Đó là những cặp đôi sáng tạo vạn vật. Tên gọi Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng được các nhà nghiên cứu giải thích là có cội nguồn từ tín ngưỡng vật tổ. Lạc Long Quân là nòi rồng, Âu Cơ là giống chim. Hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ trong truyền thuyết của người Việt, gắn liền với những sáng tạo khởi thủy trong huyền thoại cổ xưa. Tiếp đến là các kì tích diệt con cá lớn đã thành tinh (Ngư Tinh), giết con cáo chín đuôi đã thành tinh (Hồ Tinh), giết con tinh ở trên cây (Mộc Tinh) của Lạc Long Quân là những câu chuyện đậm dấu ấn thần thoại. Lạc Long Quân là hình tượng được huyền thoại hóa mang sức mạnh, tầm vóc của cả cộng đồng trong công cuộc bảo vệ địa bàn cư trú, khai phá đất đai thời bình minh của lịch sử. Hình ảnh Lạc Long Quân có nét gần gũi với hình ảnh người anh hùng chinh phục thiên nhiên trong thần thoại Mường là vị vua Dịt Dàng với chiến tích chặt cây Chu Đồng, săn con muông Tìn Vìn Tượng Vượng NHẬN DIỆN MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA 7 được kể trong sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước hay chàng khổng lồ Ải Lậc Cậc với công việc khai phá các cánh đồng lớn ở Tây Bắc của người Thái Nhắc tới các nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc không thể không nhắc đến hình tượng Sơn Tinh. Sơn Tinh trước hết được tôn vinh là một vị thần Núi, là sự hình tượng hóa và thần thánh hóa một hiện tượng tự nhiên (núi) gắn với tục thờ núi (bái vật giáo). “Ấn Độ có sông Hằng đồng thời có nữ thần sông Hằng. Việt Nam có núi Tản đồng thời có thần núi Tản Viên” [4]. Từ trong truyện kể và trong tâm thức dân gian, ông Tản đồng nhất với Sơn Tinh, một thần tượng tổng hợp sức mạnh của đất và núi mà người nguyên thuỷ đã hằng tín ngưỡng. Sơn Tinh cũng đồng thời là hình ảnh người khổng lồ kiến tạo núi non mang đậm dấu ấn kì vĩ của nhân vật thần thoại. Thuở hồng hoang, con người choáng ngợp trước độ rộng rãi, vẻ hoành tráng của tự nhiên, bởi thế trí tưởng tượng đã được đẩy tới độ không cùng khi dân gian xây dựng tầm vóc, diện mạo, tư thế của những chủ nhân đào sông, đắp núi. Nhân vật Sơn Tinh mang bóng dáng và tầm vóc của Ông Khổng lồ, đứng sừng sững trên đất trung du và đồng bằng mênh mông, vượt lên trên những con nước lớn để quai đê chặn lũ, bước một bước từ đỉnh núi này sang đỉnh núi nọ. Sự tích Đồi Đùm đứt quai, Đồi Vai lọt sọt lưu truyền vùng Ba Vì đã tái hiện công tích quảy đất đắp núi chống lũ, kiến tạo hình dáng núi non của Sơn Tinh. Hình ảnh này có mẫu hình từ Nữ Oa – Tứ Tượng, chàng khổng lồ Prong pha đạp đất núi – hình tượng khổng lồ kiến tạo vũ trụ thuở hồng hoang. Với nhân vật Thánh Gióng, thoạt đầu Gióng là vị thần khổng lồ có nguồn gốc từ thần đá và thần tre trúc, được nhân dân nhắc nhớ, gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ rồi trở thành anh hùng dân tộc, gắn với sự hình thành liên minh Âu Lạc, ẩn chứa trong mình cả hai thành tố Âu, Lạc. Thánh Gióng còn có tên gọi là Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng thực chất là thần khổng lồ của người Việt Mường cổ (chữ Đổng là biến âm Hán Việt của chữ Đùng trong ngôn ngữ Việt Mường cổ. Phù Đổng có thể giải thích là bỗng chốc trở nên khổng lồ). Như vậy, Thánh Gióng là hiện thân của một vị thần khổng lồ trong thế giới tâm linh Việt Mường cổ. Trong bối cảnh liên tục phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Thánh Gióng được người đời sau gắn thêm với sự tích giúp vua Hùng chống giặc ngoại xâm. Vì là con thần (mẹ Gióng dẫm vào dấu chân thần mà sinh ra Gióng) nên sau khi đánh tan giặc, Thánh Gióng đã hiển linh về trời. Gióng trở thành vị thần phù trợ cuộc sống ấm no cho nhân dân, đặc biệt linh ứng khi nhân dân quanh vùng cầu mưa. Sau khi về trời, Gióng lại hóa thân thành thần tự nhiên, làm mưa tưới nhuần đồng ruộng. Bởi thế trong tâm thức dân gian Gióng vừa là anh hùng chống giặc vừa là anh hùng văn hóa. Vùng Cổ Loa còn đọng lại khá nhiều truyền thuyết và những mẫu thần thoại đã hóa thạch đan lồng, chồng xếp lên nhau về nhân vật An Dương Vương – vua Chủ. Truyền thuyết vùng Cổ Loa kể rằng, ngày còn trẻ, khi đi gánh nước, bạn bè chưa đến bờ sông đã gặp Thục Phán quẩy nước về. Té ra Phán không đi vòng chân núi, mà núi tự xẻ đôi cho Phán vượt qua. “Mô típ núi tự xẻ làm đôi để Thục Phán có lối đi là hồi quang đã phân giải của một mảnh thần thoại, đọng lại ở đây để chiếu nhân vật trung tâm trong truyền thuyết Cổ Loa lên màn ảnh của trí tưởng tượng dân gian, thành một con người có 8 ĐẶNG THỊ LAN ANH tầm thước siêu phàm” [6]. Có thể nói dấu vết thần thoại của hình tượng nhân vật còn đọng lại khá rõ ở chi tiết này. Trong truyền thuyết, nhân vật An Dương Vương không được tái hiện với diện mạo của người khổng lồ, vươn mình đứng dậy thành tráng sĩ cao lớn như Thánh Gióng, cũng không phải hình ảnh người khổng lồ hai chân đạp lên hai bờ sông Hồng, khoắng gươm xuống dòng nước, chém giải đứt làm ba đoạn như người anh hùng làng Chèm Lí Ông Trọng. An Dương Vương được vẽ bằng nét vẽ đơn giản của dân gian để tái dựng bản chất siêu thực của nhân vật. Núi vùng Cổ Loa đã phải tự xẻ thành đường cho Thục Phán đi. Thiên nhiên đã tự bị khuất phục, tự nhường bước trước Thục Phán. “Vua Chủ đã mang những nét của một Hanuman trong anh hùng ca Ấn Độ” [6]. Khi quân Triệu Đà phá cửa thành, ùa vào, An Dương Vương lên ngựa chạy ra biển thì nước biển rẽ ra, thần Kim Qui đón người anh hùng thất thế xuống biển cả. Như vậy, trong tâm thức dân gian, vị vua Chủ luôn sẵn bản sắc thần linh, có năng lực giao tế với thần linh, có năng lực siêu phàm luôn được phù trợ. Tại khu vực đền Cuông, nhân dân quanh vùng Mộ Dạ còn lưu truyền mẩu chuyện kể về kết cục của An Dương Vương. Theo lời kể của cụ Trần Chu (nguyên là người coi giữ đền Cuông và nay đã mất): sau khi chém Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo khoác, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó biến thành 5 ngọn núi có hình giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn v.v châu tuần quanh núi Mộ Dạ. Không những thế, Ngài còn dẫm mạnh chân xuống một tảng trên đỉnh núi và để lại một vết chân rồi mới gieo mình xuống biển tự tử. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó. Đây là những hình ảnh thật kì vĩ mang bóng dáng một vị thần tạo lập diện mạo núi non, vũ trụ. Khi nghiên cứu về nhân vật truyền thuyết, chúng tôi nhận thấy các nhân vật truyền thuyết có cội nguồn thần thoại hiện lên với những mức độ kì vĩ khác nhau. Nếu như hình tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ là hình ảnh toàn vẹn mang dáng dấp của tổ tiên khởi nguyên, nếu như Thánh Gióng, Sơn Tinh giữ được những mảnh hào quang chói sáng của hình tượng người anh hùng kì vĩ, thì hình tượng An Dương Vương hiện lên chỉ là phảng phất cốt cách nhân vật thần thoại. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Trần Quốc Vượng “Ở đây, thần thoại đã tan vỡ khi vấp phải bậc thềm lịch sử” [6] 3. ĐẶC TRƯNG THỜI ĐẠI CỦA HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỀN THUYẾT THỜI KỲ VĂN LANG- ÂU LẠC Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc chính là “thời kỳ anh hùng” của lịch sử Việt Nam với đầy đủ những đặc trưng của “thời kỳ anh hùng” theo định nghĩa của Friedrich Engels. Một số nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc thoát thai từ trong thần thoại nhưng đã được nhào nặn lại, móc nối với những sự kiện, nhân vật lịch sử của đời sau trở thành những hình tượng mới, mang đặc trưng của thời đại dựng nước. Tất nhiên hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kì Văn Lang – Âu Lạc sẽ còn bao chứa nhiều lớp văn hóa trùm lên nhau qua các thời kì lịch sử nhưng hình tượng NHẬN DIỆN MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA 9 những nhân vật này khoác một tấm áo từ “thời kì anh hùng” của lịch sử dựng nước khá rõ nét, không bị mờ nhòe theo thời gian. Theo đánh giá tiền sử học thì phần lớn các huyền thoại cổ nhất của Việt Nam, bắt đầu với truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân và các truyện kể liên quan đến thời Hùng Vương đều ra đời trong khoảng thế kỷ 4-3 tr.CN. Đây chính là thời điểm cực thịnh của văn hóa Đông Sơn, thời điểm hình thành ổn định một xã hội trồng lúa Việt cổ. Cuộc hôn phối Âu Cơ – Lạc Long Quân là sự hình tượng hóa cuộc giao hòa giữa hai khối cư dân Việt sinh sống ở vùng cao cạn (Âu) và thấp ngập (Lạc). Những truyền thuyết về Sơn Tinh – Thủy Tinh (sơn – thủy), Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Chử - đầm lầy, Tiên - rừng núi) đều nằm trong cùng một môtíp lớn Âu – Lạc đó. Thời kì này là thời kì của những chiến tích chinh phục thiên nhiên, khai phá rừng rú, núi sông, mở mang địa bàn sinh tụ. Truyền thuyết về vua Rồng xứ Lạc với những chiến công chinh phục Hồ Tinh, Mộc Tinh, Ngư Tinh của người Lạc Việt phản ánh công cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, khai phá các vùng đất của người Việt cổ, từ đồng bằng đến rừng núi, vùng biển làm địa bàn sinh tụ cho nhân dân song song với việc diệt trừ tai họa. Theo bước chân Long Quân, hàng loạt địa danh mới được hình thành. Trên mảnh đất này, con người trong quá trình khai phá thuở hồng hoang đã chống lại những mối đe dọa từ kẻ thù bốn chân và hai chân để gây dựng cơ nghiệp và tạo dựng bản sắc văn hóa cho riêng tộc người này. Đó là sự phản ánh dưới hình thức huyền thoại quá trình chinh phục thiên nhiên, mở mang đất nước của tổ tiên người Việt. Đáng lưu ý trong nguồn mạch truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc còn có truyện kể An Dương Vương với việc dời đô từ vùng rừng núi về giữa đồng bằng màu mỡ. An Dương Vương có công trước hết là vị vua đã chọn được địa thế đắc địa để tụ cư và đóng đô. Địa điểm Cổ Loa chính là Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú. Việc dời đô từ vùng núi Phong Châu về đây đã đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư Việt cổ. Việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa đã thể hiện ý chí và quyết sách sáng suốt của An Dương Vương, tầm thế của vị vua Chủ. Như vậy, công tích của An Dương Vương đặc biệt quan trọng, là tư thế của người đứng đầu, vị anh hùng văn hóa xây thành, tạo dựng nền móng vững chắc để gây dựng giang sơn xã tắc. Tên gọi Thục Phán của vua Chủ là tiếng Tày cổ, có thể phục nguyên là Túc Phắn nghĩa là Thủ lĩnh đi mở đất, mở mường (“Phanh/Phắn Mương). Trong diễn trình lịch sử, khi các cư dân Việt cổ di trú từ miền núi, trung du xuống đồng bằng, công cuộc khai sơn phá thạch ấy gặp nối tiếp những trở ngại. Chủ đề chống sức nước của truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” trong chuỗi truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc là sự phản ánh tinh thần chống lũ lụt của con người giành giữ những vùng đất, đồng thời cũng là sự phản ánh công cuộc khơi dòng, đắp đê hai bên sông để ngăn lũ. Sơn Tinh tượng trưng cho sức mạnh và khát vọng trị thuỷ của nhân dân, đã quảy núi ngăn dòng, chặn đứng mũi tiến công ác liệt của thần Nước. Sơn Tinh dạy dân gánh đất đắp đê, đan phên cạp bờ, bỏ đá làm kè để chống lại sức công phá của nước. Trong truyền thuyết “Tuấn Cương và Quế Hoa đánh giặc nước”, Tản Viên còn hiện diện với tư cách là vị thần khiến vua Thủy phải kiêng sợ, không dám ra mặt dâng nước. Tản Viên 10 ĐẶNG THỊ LAN ANH dùng mưu trí thắng giặc nước: “Tản Viên cho Tuấn Cương một đôi sọt thần đan bằng tre trên núi Tản, dặn rằng thủy quái rất hung dữ, phải lấy sọt này gánh đất đá đắp thành núi mới chặn được nó” [7]. Sơn Tinh ra sức chống cự, cùng với nhân dân và các bộ hạ đắp đất lao gỗ để chặn nước, lại hóa phép để nước dâng tới đâu đất lên tới đó. Sơn Tinh gánh đá đổ thành một hòn núi lớn chặn đứng mũi nước của Thủy Tinh, rồi thả lưới sắt, chông đá chặn ngang sông để đánh bắt quân Thủy Tinh. Cuối cùng, thần nước đã phải tháo chạy để lại xác chết của nhiều tên bộ hạ gian ác. Chi tiết “nước càng dâng lên bao nhiêu thì núi càng dâng cao bấy nhiêu” có lẽ là một nét phóng đại những đê điều ở trạng thái sơ khai thời cổ hoặc đó cũng là một ước mơ khởi nguyên sẽ dẫn con người tới công cuộc đắp đê chống lụt sau này, đồng thời cũng phản ánh khát vọng của con người muốn thán đoạt sức nước, núi phải chặn được nước, núi phải cao hơn nước, Sơn Tinh phải thắng Thủy Tinh. Sẽ là rất thiếu nếu không kể đến một hệ thống những truyện kể giải thích sự ra đời, tồn tại và phong tục thờ cúng lửa. Giữ lửa và biết sử dụng lửa trong đời sống cũng được coi như một chiến công văn hóa lớn của con người. “Thần thoại Hy Lạp về thần Prômêtê đánh cắp lửa của thần Dớt đã trở thành một biểu tượng về đức dũng cảm và tính nhân văn cao cả. Song về tính văn hóa thì việc lấy lửa cấm từ trời về cho loài người của Prômêtê chắc không sánh nổi các thần thoại ở Việt Nam khi ở đây con người không chỉ đạt được lửa trời mà bằng mưu trí của mình tìm được cách làm ra lửa để vĩnh viễn ngọn lửa sẽ sống độc lập bởi bí quyết đó” [5]. Truyền thuyết “Sơn Tinh dạy dân làm lửa” của người Việt với cách thức tìm ra lửa rất giàu tính hiện thực ở thời kì còn hoang dã. Sự kiện vẻ vang tìm lửa và giữ lửa được gán cho Sơn Tinh – vị anh hùng văn hóa của thời kì dựng nước. Trong chuỗi truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc, Sơn Tinh còn được tôn vinh là vị thần sáng tạo văn hóa. Sơn Tinh không những có sức mạnh vô song chống lũ lụt, dạy dân tìm ra lửa mà còn có sức mạnh chống hạn hán, dạy dân đào ao, giếng, khơi mương, ngòi, chữa bệnh cứu dân, đi săn, đánh cá, làm nhà... Ngoài những anh hùng văn hoá chinh phục thiên nhiên, trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc còn có những nhân vật dạy dân cày cấy, thuần dưỡng vật nuôi, cây trồng, tìm giống mới, tìm nghề mới, v.v... Tác giả E.M.Meletinsky trong cuốn “Thi pháp của huyền thoại” nhận xét chung về những bậc anh hùng văn hóa trong các truyện kể: “Song song với cuộc đấu tranh anh dũng chống ma quái dưới hạ giới, họ còn thực hiện các hành vi văn hóa đặc biệt” [2]. Anh hùng văn hóa của các tộc người đồng thời là những vị thần bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân, khai khẩn mùa màng, tạo ra lương thực. Mẹ Âu Cơ dạy dân trồng lúa, dạy dân đào giếng, dệt vải, ép mật, làm bánh. Rõ ràng, Mẹ “mang nặng đẻ đau”, lại cũng là một anh hùng khai sáng văn hóa: bày cách làm ăn và truyền nghề khéo. Mẹ Âu Cơ là mẹ của đất nước và văn hóa Lạc Việt. Những bản kể trong truyền thuyết tạo dựng bóng dáng mẹ, anh hùng văn hóa – bậc Tổ mẫu bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân. Người miền cao gọi Âu Cơ là Cao Sơn thần nữ Ma Thị. Tiếp bước công việc của Mẹ Âu Cơ, vào đầu năm mới, Hùng Vương cũng xuống đồng cày mở những luống đất đầu tiên để khuyến nông. Hùng Vương là anh hùng văn hóa được muôn dân ngưỡng mộ, đã kế tục xuất sắc sự nghiệp Tiên Rồng thuở trước. NHẬN DIỆN MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA 11 Các truyền thuyết về các nhân vật anh hùng văn hóa cho thấy rất rõ quá trình lắp ghép và xâu chuỗi nhiều mảnh truyền thuyết tạo thành một chuỗi truyền thuyết để nhân vật trở thành hình tượng trọn vẹn, đầy đặn. Quá trình bồi tụ này liên tục diễn ra theo diễn trình lịch sử. Các nhân vật đã sống trong đời sống tâm linh của nhân dân khắp các vùng gắn với nhiều tục thờ và sống trong những nguồn truyện kể nối tiếp, xen cài. Đặc điểm nổi bật của nhân vật truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc là sự kết hợp kì lạ giữa những nét kì ảo với những nét dân dã, đời thường. Nhân vật trong những truyện kể này chủ yếu là những hình tượng lịch sử - hư cấu, có nguồn gốc từ nguyên mẫu thần thoại. Cảm quan lịch sử đã đem lại cho những nhân vật này một phẩm chất mới, là những con người mang sức mạnh của thần linh, rất kì lạ nhưng lại rất gần dân gian. Tuy nhiên, ở kiểu những nhân vật này, dấu ấn của thi pháp thần thoại vẫn còn rất đậm. Họ là những nhân vật “khổng lồ lịch sử”. Theo cách đánh giá của F. Hegel, họ vẫn “là một con người mà chứa chan trong lồng ngực của nó là hơi thở của các vị thần” Từ đây có thể thấy mẫu số chung của các truyền thuyết về nhân vật anh hùng văn hóa cũng như của các nghi lễ, diễn xướng phong tục, đó là coi các nhân vật này là vị thần bảo trợ cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Vai trò này của các vị thần thánh có sức hút mãnh liệt những truyền thuyết nhỏ lẻ trong vùng để tạo thành chuỗi truyền thuyết về một vị thần mà quyền uy hiển nhiên là càng ngày càng lớn theo độ bồi đắp dằn dặn của truyền thuyết. Niềm tin của dân gian đã sản sinh ra truyền thuyết và rồi truyền thuyết lại quay trở lại củng cố, mở rộng biên độ của niềm tin. Các truyền thuyết tôn vinh nhân vật anh hùng văn hóa dần mở rộng biên độ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong một số truyền thuyết (xuất hiện sau) của chuỗi truyền thuyết này, các nhân vật anh hùng văn hóa còn là các vị thần tham gia chống ngoại xâm, giữ gìn non sông gấm vóc. Truyện thần núi Tản Viên hiển linh trừ phá Cao Biền nhà Đường là một ví dụ. Bỏ qua mục đích của giai cấp thống trị phong kiến muốn dựng một hệ thống thần linh nhằm lấy thần quyền để củng cố vương quyền, chúng ta vẫn thấy rõ ràng rằng tinh thần phản kháng chống ngoại xâm của nhân dân đã nhập vào khí thiêng sông núi. Như vậy, qua thời gian, qua các triều đại, qua các thế hệ, chuỗi truyền thuyết về các nhân vật anh hùng văn hóa thời kì Văn Lang – Âu Lạc lại thêm những nhánh mới, những bản cũ lại được bồi đắp thêm những lớp lịch sử mới. Hình tượng các nhân vật anh hùng văn hóa không ngừng được bồi đắp trong dòng chảy lịch sử, chứa đựng nhiều lớp văn hóa đã được chồng lấn lên nhau. Buổi bình minh của quá trình hình thành dân tộc tạo cho bậc tiên tổ, đấng sáng tạo các nhân vật anh hùng văn hóa một diện mạo hẳn còn sơ lược, nhưng các đời nối tiếp đắp bồi thêm những lớp kể để đắp xây một hình tượng đầy đặn. Thực tế này phần nào chỉ ra con đường đi của việc kể và ghi truyền thuyết dân gian cũng như sự xâm nhập của các yếu tố tôn giáo, đồng thời cũng nói lên sức sống trường tồn, khỏe khoắn của dòng truyền thuyết dân gian vốn được “chép ở lòng dân, bia ở miệng người”. Đây cũng là chìa khóa giải mã vì sao cả một ngàn năm thực dân Hán, văn hóa Hán và ngôn ngữ Hán xâm nhập vào nước ta, hình tượng các nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc vẫn trường tồn và lưu truyền, thấm sâu vào huyết mạch của lịch sử dân tộc Việt. 12 ĐẶNG THỊ LAN ANH 4. KẾT LUẬN Bản chất của các hiện tượng folklore thường là tích hợp nhiều lớp biểu tượng và nhiều giá trị. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong truyền thuyết thời kì Văn Lang – Âu Lạc là sự xếp chồng các tầng ý nghĩa, các lớp văn hóa, các yếu tố tôn giáo và yếu tố thần thoại hòa quyện và thấm đượm vào nhau tạo nên một mẫu hình anh hùng văn hóa mẫu mực thời kì Văn Lang – Âu Lạc hào hùng và kì vĩ, biểu lộ sức mạnh vô song của cả cộng đồng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hình tượng nhân vật bị bao bọc bởi nhiều lớp vỏ phức tạp, song bản chất anh hùng, cái cốt chất phác, kì vĩ vẫn được lưu truyền, giữ gìn nối tiếp qua các thế hệ. Qua các lễ hội đã cho chúng ta thấy rõ hình tượng nhân vật tồn tại và in sâu như thế nào trong tâm thức, đời sống tâm linh của nhân dân. Những tín ngưỡng dân gian, phong tục, lễ hội dân gian từ ngàn năm vẫn tồn tại, sóng đôi với truyền thuyết, thổi hồn vào truyền thuyết làm nên sức sống bền bỉ của truyền thuyết về các nhân vật anh hùng văn hóa thời kì Văn Lang – Âu Lạc. Chuỗi truyền thuyết về các vị thần này không ngừng được đắp bồi theo dòng lịch sử. Và cho đến nay những nhân vật anh hùng văn hóa này vẫn luôn sống trong cõi vô thức và trong cõi hữu thức của nhân dân ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] E.M.Meletinsky (1991). Từ điển thần thoại, NXB Bách khoa Xôviết, Bùi Mạnh Nhị dịch (Trong sách Văn học dân gian, những công trình nghiên cứu. NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999). [2] E.M.Meletinsky (2004). Thi pháp của huyền thoại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 249. [3] Nguyễn Bích Hà (2013). Giáo trình văn học dân gian, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 49. [4] Bùi Mạnh Nhị (2003). Văn học dân gian – Những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, tr. 94. [5] Lê Chí Quế (chủ biên) (1998). Văn học dân gian Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 43. [6] Trần Quốc Vượng (2003). Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học, tr. 659, tr. 661, tr. 652. [7] Nguyễn Khắc Xương (1971). Truyền thuyết Hùng Vương, Chi hội văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, tr. 54. Title: DISCOVERING SOME CULTURE HEROES IN THE LEGEND DURING THE PERIOD OF VAN LANG - AU LAC Abstract: Some culture heroes used to be the former God in the mythology who was transferred to a legendary character with the specific identity and origin. Culture heroes came out from myth and closely related to historical events and people of the further generation in order to become new statue with the typical features of country – founding time. Studying and analyzing the image of some culture heroes, we gradually peeled and stripped down the layers of culture covered each other through the historical periods, and did the same thing with the oldest layers NHẬN DIỆN MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG VĂN HÓA 13 of culture of this image. The image of some culture heroes in the legend during the period of Van Lang – Au Lac character is a pile arrangement of the meaning and cultural layers and the religious and mythological elements that are blended and imbued with each other to create the exemplary model of cultural hero in the period of Van Lang- Au Lac. Keywords: Culture hero, Legend, Van Lang – Au Lac. ThS. ĐẶNG THỊ LAN ANH Trường Đại học Hải Dương NCS Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội ĐT: 0905 666 977

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf23_366_dangthilananh_04_dang_thi_lan_anh_917_2020428.pdf