Nguyên tắc 2 cấp xét xử trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện

A. ĐẶT VẤN ĐỀ Mỗi một ngành luật đều có những nguyên tắc để tuân theo. Những nguyên tắc này do các nhà làm luật đặt vào nhằm điều chỉnh ngành luật theo đúng những vấn đề mà nó cần giải quyết nhưng phải phù hợp với chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước. Bộ luật tố tụng dân sự ra đời nhằm quy định cho các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự những vấn đề về trình tự, thủ tục tố tụng với những nguyên tắc rõ ràng và chi tiết, trong đó có nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng dân sự vì nó tác động đến rất nhiều chủ thể trong quan hệ.

doc7 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 5188 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyên tắc 2 cấp xét xử trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. ĐẶT VẤN ĐỀ Mỗi một ngành luật đều có những nguyên tắc để tuân theo. Những nguyên tắc này do các nhà làm luật đặt vào nhằm điều chỉnh ngành luật theo đúng những vấn đề mà nó cần giải quyết nhưng phải phù hợp với chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước. Bộ luật tố tụng dân sự ra đời nhằm quy định cho các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự những vấn đề về trình tự, thủ tục tố tụng với những nguyên tắc rõ ràng và chi tiết, trong đó có nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng dân sự vì nó tác động đến rất nhiều chủ thể trong quan hệ. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HAI CẤP XÉT XỬ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ. 1. Cơ sở lý luận Nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử là việc xét xử vụ án dân sự phải được thực hiện ở hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm; bản án, quyết định sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì tòa án cấp phúc thẩm phải tiến hành xét xử lại vụ án; nếu không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án, quyết định sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật. 2. Cơ sở thực tiễn. Các guyên tắc của luật tố tụng dân sự Việt nam gồm một số các nguyên tắc chung được quy định từ Điều 3 đến Điều 24 BLTTDS 2004. Trong đó có nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng và có vai trò to lớn trong việc bảo đảm quyền lợi của các bên trong vụ án dân sự. Nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử được quy định tại Điều 17 BLTTDS, theo đó: "1. Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị thoe quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật; đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. 2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của Bộ luật này." Bên cạnh quy định này, pháp luật tố tụng dân sự đã quy định chi tiết từng cấp xét xử tại từng chương khác nhau trong BLTTDS, cụ thể tại Phần thứ hai của BLTTDS quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm; và Phần thứ ba của BLTTDS quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp phúc thẩm. Ở đây, cần lưu ý là thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm đều được quy định trong BLTTDS nhưng không phải là một cấp xét xử trong các cấp xét xử, mà chỉ là thủ tục cần phải có để nhằm hoàn thiện những sai lầm và thiếu sót của phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm mà thôi. Trên đây là những vấn đề lý luận về nguyên tắc hai cấp xét xử và sự quy định của pháp luật về nguyên tắc này trong Bộ luật tố tụng dân sự 2003. Vậy nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử được thể hiện như thế nào? Sau đây là phần nội dung của nguyên tắc. II. NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA CỦA NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HAI CẤP XÉT XỬ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ. 1. Nội dung của nguyên tắc. Trước năm 2004, mặc dù không được quy định là một nguyên tắc cơ bản nhưng trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự ở nước ta đã thể hiện được nội dung của nguyên tắc này. Đến khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được ban hành thì hai cấp xét xử mới chính thức được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản (tại Điều 17 BLTTDS). Tuy vậy, những nội dung cơ bản của nguyên tắc này trong Bộ luật tố tụng dân sự 2004 hầu như không có sự thay đổi so với các văn bản pháp luật tố tụng dân sự trước đây. Nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định tại các Điều 17, 245, 247, 252 BLTTDS với những nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, các bản án, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án sơ thẩm khi ban hành sẽ chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà được dự liệu một thời hạn nhất định cho các đương sự kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị. Hết thời hạn đó mà các chủ thể không kháng cáo, kháng nghị thì bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, còn nếu bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị thì sẽ phải được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Thứ hai, bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm không thể bị kháng cáo, kháng nghị mà có hiệu lực pháp luật ngay. Nhằm bảo đảm cho tính nhanh chóng của tố tụng cũng như tránh tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu xét lại của đương sự để kéo dài vụ án, pháp luật quy định chỉ cho phép đương sự kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị một lần mà thôi. Thứ ba, nội dung (phạm vi) phúc thẩm là chỉ xét lại những nội dung do đương sự kháng cáo và bị giới hạn bởi phạm vi mà bản án sơ thẩm đã giải quyết. Nói cách khác, toà phúc thẩm chỉ xét xử trong phạm vi những nội dung mà tòa sơ thẩm đã xét xử và, đương nhiên, chỉ những phần đương sự kháng cáo.10 Toà phúc thẩm không thể giải quyết những yêu cầu mới vì nếu như vậy sẽ vừa xét xử sơ thẩm vừa xét xử phúc thẩm ngay nên sẽ vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử. Tuy nhiên việc đề xuất các chứng cứ mới trước tòa phúc thẩm để biện giải cho các yêu cầu của mình là quyền của đương sự và nó hoàn toàn khác với các yêu cầu mới. Ý nghĩa của nguyên tắc. Việc tòa án xét xử theo hai cấp có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm cho tòa án xét xử đúng vụ án dân sự vừa bảo đảm cho đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước tòa án. Thứ nhất, việc áp dụng nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong giải quyết vụ án, vụ việc dân sự là sự đảm bảo cho tòa án xét xử đúng vấn đề cần giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm là tòa án nhận trách nhiệm thu thập chứng cứ, chứng minh và tiến hành xét xử lần đầu vụ việc. Khi có đơn kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm (Tòa án cấp trên trực tiếp) sẽ tiến hành xét xử lại những phần được kháng cáo kháng nghị để làm rõ được những sai sót trong quá trình điều tra cũng như xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm nhằm hướng đến bảo vệ không chỉ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, mà còn bảo vệ được nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử là nguyên tắc được xây dựng nhằm hỗ trợ cho đương sự trong việc tiếp cận công lý. Đương sự sau khi gửi đơn kiện và được giải quyết tại Tòa án sơ thẩm vẫn có quyền kháng cáo lên Tòa án phúc thẩm nếu cho rằng cách giải quyết của Tòa án sơ thẩm là chưa đúng, chưa khách quan. Đây là nguyên tắc cần phải có, vì không thể khẳng định được rằng giải quyết tại Tòa án sơ thẩm đã luôn luôn là đúng, là đủ. Hơn nữa, mọi công dân phải được quyền tiếp cận với công lý, tiếp cận với sự thật và được nói lên ý kiến của mình về việc giải quyết của Tòa án sơ thẩm. III. THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT. 1. Thực tiễn áp dụng. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử ở nước ta hiện nay chưa được thực hiện tốt, các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này đã và đang bộc lộ những điểm chưa hợp lý dẫn đến vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và làm kéo dài quá trình tố tụng. Hiện nay, tình trạng một vụ án bị xét xử kéo dài nhiều năm vẫn còn khá phổ biến ở nước ta, thậm chí có những vụ án trải qua hàng chục lần xét xử và kéo dài hàng chục năm. Nguyên nhân được cho là vì một số lý do sau: Thứ nhất, ở nước ta không có sự phân biệt giữa vấn đề sự kiện và pháp lý. Phần kết luận trong bản án, quyết định được hiểu là phần quyết định trong bản án hay phần nhận định của tòa án? Bởi vì Bộ luật tố tụng dân sự sử dụng ba thuật ngữ khác nhau là kết luận, nhận định và quyết định nên mới đặt ra vấn đề xác định nội hàm của các khái niệm trên. Nếu kết luận được hiểu là phần nhận định của tòa án, tức là phần trình bày cách hiểu của tòa án về nội dung vụ án, về sự thật vụ án qua những chứng cứ mà các bên cung cấp cũng như tòa án thu thập, qua kết quả xét xử tại phiên tòa, thì phần nội dung này hoàn toàn thuộc về vấn đề sự kiện. Nếu là vấn đề sự kiện thì nó đã được đánh giá qua việc xét xử tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm theo nguyên tắc hai cấp xét xử nên cần phải được tôn trọng. Ngược lại, nếu hiểu kết luận trong bản án là phần quyết định của tòa án, tức là phần cuối cùng của bản án thì căn cứ trên phải được quy định là quyết định của bản án không phù hợp với những nhận định của tòa án. Nếu vậy, căn cứ này cũng tương tự như pháp luật một số nước quy định căn cứ cho việc phá án là bản án thiếu căn bản pháp lý.18 Nói cách khác, bản án, quyết định của tòa án đã phán quyết mâu thuẫn với nhận định của chính mình, do đó việc áp dụng pháp luật là hoàn toàn không có căn cứ nên nó phải bị xét lại. Thực tế đã chứng minh vì không có sự phân biệt giữa sự kiện và pháp lý nên khái niệm kết luận được hiểu theo cách thứ nhất. Hậu quả là không có sự khác biệt rõ rệt giữa tính chất của phúc thẩm và giám đốc thẩm, do đó giám đốc thẩm bị biến dạng thành cấp xét xử thứ ba. Thứ hai, ở nước ta thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm được trao cho nhiều đơn vị xét xử. Bởi vì hệ thống tòa án nhân dân nước ta được tổ chức thành ba cấp gồm có tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao nên khi kết hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử đã biến mỗi cấp tòa án nước ta trở thành “đa năng”. Ngoài tòa án cấp huyện chỉ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm thì tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử cả bốn thủ tục là sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Đặc biệt hơn, trong mỗi cấp tòa án lại có nhiều đơn vị xét xử và các đơn vị xét xử này có quyền xét lại những bản án, quyết định của đơn vị xét xử khác mặc dù chúng đều thuộc một cấp tòa án. Chính sự “đa năng” và “đa cấp” của hệ thống tòa án nước ta đã làm biến dạng nguyên tắc hai cấp xét xử thành ba cấp, thậm chí riêng thủ tục giám đốc thẩm trên thực tế đã biến thành ba cấp trong đó một ở tòa án cấp tỉnh và hai ở Tòa án nhân dân tối cao. Hậu quả là dẫn tới quá tải vụ việc cho tòa án cấp trên, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao. Với gánh nặng các vụ án ngày càng gia tăng, Tòa án nhân dân tối cao đã chú ý đến việc xét xử các vụ việc cụ thể hơn chức năng chính là tổng kết và giám sát chung. 2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Một vụ án được xét xử đi, xét xử lại nhiều lần ở các cấp tòa án khác nhau đã gây ra sự ì ạch trong giải quyết vụ án, đồng thời gây ra những phiền hà cho các bên liên quan. Từ thực tế đó, cần có một số giải pháp hoàn thiện như sau: - Trong công cuộc cải cách tư pháp, nên tổ chức lại mô hình của Tòa án bảo đảm nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử, các cơ quan Tòa án quan hệ với nhau theo thẩm quyền xét xử, mô hình Tòa án theo hình tháp, mà đỉnh của nó là Tòa án nhân dân tối cao. - Quy định lại thẩm quyền của từng cấp xét xử theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 8 khóa VII của Đảng (tháng 01/1995 ): “Cần nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện theo hướng xét xử sơ thẩm được thực hiện chủ yếu ở Tòa án cấp này. Tòa án nhân dân cấp tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu xét xử giám đốc thẩm”. - Hoàn chỉnh pháp luật tố tụng dân sự, lưu ý giới hạn về số lần xét xử, tạo ra một khả năng có thể kiểm soát cả về thời gian cũng như trình tự tố tụng. Pháp luật tố tụng cần quy định hạn chế số lần Tòa án cấp phúc thẩm, hội đồng giám đốc thẩm được quyền hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới để giao Tòa án cấp dưới xét xử lại. Trên đây là toàn bộ những phân tích cũng như kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn những quy định pháp luật về việc áp dụng nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử vào thực tiễn tại Việt Nam. C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ. Qua những phân tích trên, có thể thấy được tầm quan trọng của nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong giải quyết vụ việc của Tòa án. Việc giải quyết vụ việc dựa trên nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự, bên cạnh đó còn giúp Tòa án nhìn nhận được thiếu sót và hạn chế của mình để có sự thay đổi cần thiết. Tuy nhiên, quá trình áp dụng nguyên tắc này còn bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý và cần có sự bổ sung, thay đổi từ các nhà làm luật. Áp dụng linh hoạt các nguyên tắc của luật tố tụng dân sự nói chung và nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử nói riêng là điều cần thiết trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân như Việt Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNguyên tắc 2 cấp xét xử trong TTDS , thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện.doc