Nghệ thuật múa cung đình Huế

Nghệ thuật múa cung đình Việt Nam đã có một quá trình phát triển qua nhiều triều đại, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn. Với một bề dày lịch sử đó, nghệ thuật múa cung đình Việt Nam rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Riêng nghệ thuật múa cung đình Huế đã có một truyền thống lâu đời trên 3 thế kỷ. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng nghệ thuật múa cung đình Huế được hình thành từ đầu thế kỷ XVII, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên mà theo tương truyền Đào Duy Từ là người có công giúp chúa Nguyễn sáng tạo thêm một số điệu múa mới và phục chế lại một số điệu múa cũ được tiếp thu từ nghệ thuật múa cung đình Thăng Long; tiếp thu từ nghệ thuật múa dân gian, múa tôn giáo, múa sân khấu tuồng . để sử dụng trong các dịp lễ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong; Đào Duy Từ cũng đã sáng lập Hòa Thanh Thự với chức năng tập hợp các nghệ nhân vào trong 3 đội chuyên về nhạc, hát, múa. Tác giả: GS Võ Quê TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Văn Lang, “Huế, một cái nôi của nghệ thuật tuồng”, Văn hóa Bình Trị Thiên, Số Xuân 1979. 2. Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1984. 3. Hội Văn nghệ Huế, Huế luôn luôn mới, 1988. 4. Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H./Tome.2/1915), Nxb Thuận Hóa tái bản, 1997. 5. Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế, Âm sắc cung đình, Băng video, 2000. 6. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thời gian đã chứng minh, Huế, 2001. 7. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Huế - Di sản và cuộc sống, Huế, 2003.

doc6 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2254 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghệ thuật múa cung đình Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHỆ THUẬT MÚA CUNG ĐÌNH HUẾ VÕ QUÊ Nghệ thuật múa cung đình Việt Nam đã có một quá trình phát triển qua nhiều triều đại, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn. Với một bề dày lịch sử đó, nghệ thuật múa cung đình Việt Nam rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Riêng nghệ thuật múa cung đình Huế đã có một truyền thống lâu đời trên 3 thế kỷ. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng nghệ thuật múa cung đình Huế được hình thành từ đầu thế kỷ XVII, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên mà theo tương truyền Đào Duy Từ là người có công giúp chúa Nguyễn sáng tạo thêm một số điệu múa mới và phục chế lại một số điệu múa cũ được tiếp thu từ nghệ thuật múa cung đình Thăng Long; tiếp thu từ nghệ thuật múa dân gian, múa tôn giáo, múa sân khấu tuồng... để sử dụng trong các dịp lễ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong; Đào Duy Từ cũng đã sáng lập Hòa Thanh Thự với chức năng tập hợp các nghệ nhân vào trong 3 đội chuyên về nhạc, hát, múa. Từ đầu đời vua Gia Long, hai đội múa đã được thành lập là Đội tiểu nam và Đội tiểu hầu. Mỗi đội có mỗi Chánh ca và 184 diễn viên được tuyển chọn từ những người giỏi nghệ thuật hát múa. Năm 1804, Gia Long lại thành lập Việt Tường thự, là một tổ chức nghệ thuật cung đình với một Thự trưởng và 121 diễn viên thuộc các ngành sân khấu hát bội, ca múa nhạc. Sang thời Tự Đức Việt Tường thự đổi ra thành Thanh Bình thự.(1) Đến cuối thế kỷ XIX, Thanh Bình thự bị giải thể, các diễn viên múa hát cung đình vào trong Võ Can đội gồm 120 người và 30 diễn viên thiếu nhi gọi là Đồng Ấu. Dưới thời Bảo Đại, tổ chức ca múa nhạc cung đình được gọi là đội Ba Vũ.(2) Vào thế kỷ XIX, thời của các vua Nguyễn nghệ thuật múa cung đình, nhạc cung đình (nhã nhạc) đã có điều kiện để phát triển một cách hiệu quả. Nghệ thuật múa cung đình đã được biểu diễn phục vụ cho vua, hoàng gia, triều thần nhà Nguyễn trong các dịp lễ, đại lễ như: lễ Quốc tế đền vua Đinh, lễ tế Văn miếu, lễ tế kỵ Thế miếu, lễ Thánh thọ, lễ Vạn thọ (sinh nhật nhà vua), lễ Tế giao, lễ Tịch điền, lễ Thiên thu, lễ Thiên xuân, lễ Hưng quốc khánh niệm, các lễ Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh của các vua, lễ tiếp sứ thần, lễ kết hôn của hoàng tử, công chúa ... Do mỗi lễ đều có một nội dung khác nhau, nên nghệ thuật múa cung đình trong thời kỳ này rất phong phú, với nhiều điệu múa, nhiều loại hình, màu sắc, phong cách thể hiện đa dạng, độc đáo có thể kể: múa Trình tường lập khánh (múa Liễn), múa Tế giao, múa Tứ linh, múa Lân mẫu xuất lân nhi, múa Song phụng (Phụng vũ), múa Lục cúng hoa đăng, múa Bát dật, múa Nữ tướng xuất quân, múa Tam tinh chúc thọ (múa Phúc Lộc Thọ), múa Bát tiên hiến thọ, múa Quạt (Phiến vũ), múa Đấu chiến thắng Phật, múa Tam quốc - Tây du, múa Mã vũ (Lục triệt hoa mã đăng), múa Bông, múa Liệt vũ, múa Thanh hoa chi, múa Hồng hoa chi, Huỳnh hoa chi, múa Tiên đào quả vũ... - Điệu múa quan trọng nhất trong di sản nghệ thuật múa cung đình ở Phú Xuân vào thế kỷ XIX là điệu múa Bát dật. Đây là điệu múa chính, trọng thể gồm hai điệu múa võ và múa văn được trình diễn vào dịp lễ tế Giao ở kinh đô Phú Xuân, thường được tổ chức long trọng 3 năm một lần vào mùa Xuân do nhà vua đích thân chủ trì tại Đàn Nam Giao. Khi nhà vua làm lễ tế, đội hình múa Bát dật gồm 64 người đã xếp hàng sẵn. 64 vũ sinh được chia làm hai ban: ban múa võ, ban múa văn. Mỗi ban có một người cầm cờ để điều khiển. Ban múa văn có hiệu cờ mao, ban múa võ có hiệu cờ tinh. Vũ sinh đứng ở hai phía đông, tây đối diện nhau. Vũ sinh điệu múa võ đầu đội mũ khắc thiên, mặc áo song khai chàm lục, chân mang hia.Vũ sinh điệu múa văn đầu đội mũ tú tài, mặc áo giao lĩnh màu xanh, chân mang hia. Khi nghe xướng 3 tiếng "Sơ hiến lễ", viên tư chung (người sử dụng chuông) đánh 3 tiếng chuông, phường bát âm liền nổi nhạc. Nhạc cử, người điều khiển múa võ phất cờ tinh làm hiệu dẫn 64 vũ sinh múa võ vào dàn hai bên tả hữu ngoài thềm đối diện nhau mà múa. Những người múa võ tay trái cầm mộc, tay phải cầm phủ việt. Kết thúc điệu múa võ, viên tư khánh (người sử dụng khánh) đánh 3 tiếng khánh, người điều khiển múa võ dẫn vũ sinh về vị trí cũ. Khi nghe xướng ba tiếng "Á hiến lễ" (dâng rượu lần thứ 3), viên tư chung đánh 3 tiếng chuông, phường bát âm liền nổi nhạc, người điều khiển múa văn phất cờ mao làm hiệu dẫn 64 vũ sinh múa văn vào múa. Những người múa văn tay trái cầm thược (loại ống sáo gỗ sơn son, bảy lỗ), tay phải cầm vũ (một loại gỗ đầu có sọ con vật thần thoại gọi là thiên hình, có ba lông gà), vừa múa vừa hát. Kết thúc điệu múa văn, viên tư khánh đánh 3 tiếng khánh, người điều khiển múa văn dẫn 64 vũ sinh về vị trí cũ. "Tuần hiến lễ", "Chung hiến lễ" cũng biểu diễn như vậy. Hình tượng múa gợi lên hình bát quái. - Điệu múa Tứ linh có nghĩa là 4 con thú linh thiêng: long (rồng), kỳ Lân (hay ly), quy (rùa), phụng (chim phụng). Điệu múa Tứ linh được biểu diễn trong những dịp lễ Vạn thọ, Khánh thọ, Tiên thọ, Thiên xuân và ngày lễ cúng mụ trong hoàng triểu. Điệu múa này gồm 13 vũ sinh mang lốt long, lân, quy, phụng để múa. Cách kết cấu như sau : 4 vũ sinh mang lốt 2 con long; 4 vũ sinh mang lốt 2 con lân; 1 vũ sinh mang lốt con lân con; 2 vũ sinh mang lốt 2 con quy; 2 vũ sinh mang lốt 2 chim phụng. Điệu múa Tứ linh không có bài hát mà chỉ có nhạc được biểu diễn theo nhịp trống, phèn la. Điệu múa Tứ linh gồm nhiều đoạn, trong đó đáng chú ý nhất là điệu múa Song phụng và múa Lân mẫu xuất lân nhi. - Múa Song phụng: Với chủ đề Hạnh phúc lứa đôi, điệu múa diễn tả một số động tác của loài chim như vỗ cánh, quẹt mỏ, rỉa lông, bước, chạy ... Điệu múa thể hiện hình ảnh 2 con chim phụng âu yếm, gù nhau với hình tượng đẹp. Múa Song phụng diễn ra trên nền nhạc gồm nhịp trống, phèn la tạo không khí sôi động đầm ấm, thể hiện tính cách, hành động của 2 con chim tượng trưng cho hạnh phúc dài lâu. - Điệu Múa lân mẫu xuất lân nhi: Cũng nhằm ngợi ca hạnh phúc gia đình với hình thức múa gồm có 3 người đội lốt hình tượng lân trong vai diễn: Hai diễn viên nam vai lân cha, lân mẹ; một nữ diễn viên vai lân con. Điệu múa được biểu diễn với 4 phân đoạn cho 4 cảnh. + Cảnh 1: Lân đực và lân cái biểu lộ trạng thái tình cảm phu thê đầm ấm trong các động tác, cử chỉ âu yếm, mơn trớn, đùa giỡn nhau. Vũ đạo uyển chuyển, mềm mại, linh hoạt. + Cảnh 2: Lân mẹ chuyển dạ và sinh lân con. Vũ điệu có nhiều biến tấu đẹp, thể hiện sự đau đớn trong khi chuyển dạ và hạnh phúc tràn trề của lân mẹ sau khi sinh con, bộc lộ tình mẫu tử nồng nàn + Cảnh 3: Lân con lớn khôn dần theo thời gian trong không khí hoà ái, bình yên. + Cảnh 4: Gia đình lân tràn ngập hạnh phúc, lân con được lân mẹ cõng. Hình tượng múa cảnh 4 nói lên sự đằm thắm, yêu thương của 3 thành viên trong gia đình lân. - Điệu múa Long hổ hội cũng là hình thức múa đôi như múa Song phụng với 2 vũ công nam: một mang lốt hổ, một mang lốt rồng. Cuộc thư hùng giữa long (rồng) tượng trưng cho chân lý, chính nghĩa, hổ tượng trưng cho bất nghĩa, phi nhân. Kết thúc cuộc chiến đấu, phần thắng thiên về phía long, hổ bị thất bại và phải qui phục long. Điệu múa Long hổ hội giàu hình tượng nghệ thuật. Long, hổ qua động tác múa đã được nhân cách hóa rất nhuần nhị, sáng tạo. Long, hổ qua hình tượng múa đều diễn tả đúng tính cách, đặc điểm riêng của mỗi loài, từ đó người thưởng ngoạn cảm nhận được cái uy nghi của long với một sức mạnh đầy nhân tính đã cảm hóa được sự hung hản, độc ác của hổ. - Điệu Múa quạt (Phiến vũ): Thường có 10 vũ nữ trở lên. Các vũ nữ trang điểm má phấn môi son, đầu chít khăn vành xanh. Trang phục múa gồm áo thúy lục dài mặc bên trong; áo mệnh phụ mặc bên ngoài, chân mang hài, tay cầm quạt. Vũ nữ vừa múa, vừa hát gồm 3 khúc: hát giáo đầu, hát khách, hát vợ chồng hòa hợp. Vũ nữ thể hiện nhiều động tác quạt nhuần nhuyển, đẹp mắt, đó là động tác cuộn quạt xòe (bàn tay nắm chặt giá quạt, bàn tay không cầm quạt thì cuộn khép các ngón); động tác cuộn quạt gập; động tác chỉ (bằng quạt gập); động tác nghiêng lườn vòng hai tay lên quá đầu với một tay có quạt xòe. Điệu Múa quạt thường được trình diễn trong những buổi yến tiệc của hoàng gia phục vụ hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa, phi tần. - Hình tượng Hai Bà Trưng với quá khứ hào hùng, lãnh đạo nhân dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lược Bắc phương đã đi vào nghệ thuật múa cung đình với điệu múa Nữ tướng xuất quân. Đây là một điệu múa kiếm với sự tham gia của 10 vũ nữ gồm 2 vai Trưng Trắc, Trưng Nhị và vai 8 nữ binh. Điệu múa khi biểu diễn đã sử dụng một số vũ đạo về nghệ thuật múa kiếm dành cho các vai nữ tướng thuộc loại hình hát Tuồng. Điệu này có hai phần múa : Phần múa của Hai Bà Trưng là phần chủ đạo và phần múa của 8 nữ binh, vừa múa diễn viên vừa sử dụng 4 khúc hát : hát giáo đầu, hát khách, hát lâm trận, hát tẩu mã. Sự kết hợp giữa động tác múa và nội dung lời bài hát đã tạo nên không khí múa với những biến tấu linh hoạt của đội hình, khi thì dàn hàng ngang, khi thì xếp vòng cung, hoặc với bốn đôi nữ binh ở bốn góc cùng một đôi ở trung tâm sân khấu. Khi thể hiện điệu múa này các voisinh biểu diễn thuần thục các tư thế cầm kiếm như: hai tay thả xuôi, cầm dựng đứng kiếm, một tay bế hai kiếm, tay phải đưa cao kiếm, tay trái đưa ngang kiếm, hai tay bắt chéo kiếm trước mặt ở thế ở thế quỳ, đứng, cầu, ký ... bên cạnh các động tác của tay như loan kiếm, chém, đỡ, đâm, cầm kiếm chạy... Hình thức, trang phục, đạo cụ của điệu múa Nữ tướng xuất quân được đầu tư khá công phu. Nhan sắc Hai Bà Trưng mỹ lệ, đầu đội mão cửu phượng, mặc chiến bào có thắt đai, xiêm trường quần giáp, lưng giắt lệnh tiễn (lá cờ nhỏ kèm một mũi tên bằng vàng, tay cầm song kiếm. Đội nữ binh (8 vũ nữ) trang điểm môi son má phấn, đầu vấn khăn màu ngũ sắc, áo lụa dài mặc bên trong, áo tua nịt dây mặc bên ngoài, quần hồng. Đồ trang sức gồm bông, kiềng, xuyến... tay cầm song kiếm. Từ vũ đạo, âm nhạc đến hình thức, trang phục nói trên, điệu múa được biểu diễn rất đẹp, mang tinh thần thượng võ; bất khuất trước kẻ thù; bày tỏ ý chí kiên cường và tấm lòng yêu nước mãnh liệt của nữ nhi. - Điệu múa Trình tường lập khánh (múa Liễn) thường được biểu diễn vào những dịp lễ Tứ tuần, Ngũ tuần đại khánh của nhà vua. Điệu múa gồm 4 nhân vật tượng trưng cho tứ trụ thiên thần (hai thiên thần mặt đỏ râu bạc, hai thiên thần mặt trắng râu đen) vâng mệnh Ngọc hoàng Thượng đế xuống chúc thọ nhà vua. Hình thức 4 thiên thần như sau: đầu đội mão xuân thu, binh thiên, kim khôi, bao đỉnh; Trong mặc giáp, ngoài phủ dao bào, đeo đai xiêm trường, quần giáp, lưng giắt thần thông bửu bối, chân mang hia. Mỗi vị thiên thần cầm một câu liễn. Khi múa tay phải cầm liễn được cuộn tròn. Điệu múa thể hiện nội dung chúc tụng bằng cách căng ra những câu liễn để người thưởng thức điệu múa đọc được từng chữ viết trên liễn. Với cách dàn đội hình hàng ngang, hàng chéo, hàng vuông, hình thức múa 4 người theo cách múa phương trận. Điệu múa chấm dứt bằng một hình tượng nghệ thuật nhằm biểu thị nội dung chủ đề qua 4 câu liễn chúc thọ. - Múa Bát tiên hiến thọ thường được trình diễn trong những dịp lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ. Bát tiên hiến thọ là 8 vị tiên dâng các trái cây và các dược liệu làm tăng tuổi thọ được đựng trong 4 quả sơn son (gọi là táo lung) gồm bàn đào, hoả táo, quế chi, nhân sâm với hàm ý chúc vua trường thọ. 8 vũ sinh thể hiện vai 8 vị tiên: Trương Quả Lão mặt trắng, lông mày bạc rậm, râu bạc; Hán Chung Ly, mặt đỏ, râu 5 chòm đen, mặc áo tiên rộng, Hàn Tương Tử mặt trắng, môi đỏ, mặc áo tiên chít, Tào Quốc Cửu mặt trắng, lông mày bạc, râu 5 chòm bạc, Lam Thái Hòa mặt trắng, môi đỏ, Lã Đồng Tân mặt thoa phấn hường (hồng), râu ba chòm đen, Hà Tiên Cô mặt hoa da phấn, Lý Thiết Quải mặt đen, mày trắng, râu quăn đen, mặc áo đen, cả 8 vị tiên đều cầm quạt. Trong khi múa có hát 4 khúc: hát bạch, nói lối, hát khách, hát dâng bàn đào, hoả táo. - Múa Tam tinh chúc thọ còn được gọi là múa Phúc Lộc Thọ thường trình diễn trong những ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ, Thiên xuân hàm ý chúc vua, hoàng thái hậu, hoàng thái phi, hoàng hậu, thái tử được an khang, hạnh phúc, trường thọ. Ba ngôi sao (tam tinh) Phúc Lộc Thọ hiện thân 3 cụ già: Phúc tinh là cụ già mặt trắng, râu đen 3 chòm, một tay bồng hài nhi, một tay cầm quạt hình thuẫn. Lộc tinh là cụ già mặt trắng, râu đen 5 chòm, một tay cầm quạt hình thuẫn, một tay cầm ngọc như ý. Thọ tinh là cụ già da mặt đồi mồi, lông mày bạc, một tay cầm quạt hình thuẫn, một tay chống gậy. Điệu múa Tam tinh chúc thọ được biểu diễn trên nền 5 khúc hát do diễn viên vừa múa vừa hát : khúc giáo đầu, nói lối, bắt bài, hát khách, chúc thọ. Khác với một số vũ điệu khác, điệu múa này hát nhiều hơn múa. Các vũ đạo nhằm minh họa nội dung các khúc hát, khắc họa cho tính cách mỗi nhân vật phúc, lộc, thọ. Khi biểu diễn, đội hình di động theo vòng tròn, khi hát phần múa tay là chính, các nhân vật đứng tại chỗ hoặc chân di động nhẹ. - Múa Mã vũ còn được gọi là múa Lục triệt hoa mã đăng, hay múa Ba mã là điệu múa sử dụng người và ngựa thường biểu diễn trước Phu Văn Lâu cho dân chúng xem vào ngày lễ Hưng Quốc khánh niệm. Vào thời kỳ đầu của triều Nguyễn, Mã vũ được biểu diễn với một đội hình gồm 48 vũ sinh cưỡi 48 con ngựa đã được huấn luyện thuần thục. Do điệu múa phức tạp, việc điều khiển ngựa có nhiều bất tiện, khó khăn nên dưới thời vua Tự Đức, Thanh Bình thự có sáng kiến thay ngựa thật bằng cách cho vũ sinh, một tay cầm đầu ngựa giả, một tay cầm đuôi ngựa giả bằng giấy di chuyển theo vũ điệu. Trang phục múa của 48 vũ sinh gồm đầu đội mũ hoa sen, trong mặc áo thúy lục ngắn, ngoài khoác áo tua nịt dây thiên trường, quần giáp, chân quấn xà cạp, vai nịt chữ thập, hai bên đeo hai đèn giấy vẽ hoa. Điệu múa Mã vũ vừa múa vừa hát gồm 9 khúc với nội dung ca ngợi triều Nguyễn, chúc vua trường thọ: hát giáo đầu, hát nhất triệt, hát nhị triệt, hát tam triệt, hát tứ triệt, hát ngũ triệt, hát hậu ngũ triệt, hát lục triệt, hát khách. - Múa Lục cúng hoa đăng (còn gọi là múa Lục cúng) là điệu múa cung đình quan trọng thứ hai sau múa Bát dật. Nội dung điệu múa gồm có 6 phần tượng trưng cho 6 lần dâng cúng Phật các lễ vật hương, hoa, đèn, trà, quả và oản. Với tư thế vừa nghiêm trang, vừa hoa mỹ, đẹp hoành tráng trong 6 lần múa, vũ sinh bước chân theo 6 kiểu: kiểu chữ Nhật, kiểu hoa hồi 4 cảnh, kiểu chữ A', kiểu chữ Thủy, kiểu chữ Vạn, kiểu chữ Điền. Trong 6 lần múa các vũ sinh đều hát theo 6 khúc lời Hán Việt với nhan đề: Tán hoa đăng, tán hương phù, tán hoa quả, tán trí đăng, tán Phật điện, tán khế thủ. Những khúc hát này được thể hiện theo cách hát ngân nga, trầm bổng, dứt một khúc hát nhạc công gõ não bạt, đánh trống đổ hồi. Toàn cục các khúc hát mang âm hưởng điệu tán trong âm nhạc Phật giáo. 48 vũ sinh nam nữ của điệu múa Lục cúng hoa đăng được hóa trang thành Kim đồng - Ngọc nữ má phấn, môi son. Đầu vũ sinh đội mũ hoa sen, trong áo lót màu lục, ngoài mặc áo mã tiên, xiêm trường, quần giáp, giải quần màu hồng, chân quấn xà cạp, mang tất trắng, hai tay cầm hai chậu đèn hình hoa sen. Điệu múa Lục cúng hoa đăng là một điệu múa được dàn dựng công phu, đầy tính sáng tạo giàu hình tượng, độc đáo. Mỗi cảnh trí đều có mỗi hình tướng khác, tạo cảm giác mới lạ cho người thưởng ngoạn. Ví dụ như cảnh "Cỗ la liệt" được dàn dựng bằng phương pháp chồng người. Ba người (thường là nam vũ sinh) dàn hàng ngang gác tay lên vai nhau và dang tay ở hai đầu hàng ngang. Người đứng giữa làm trụ cõng người thứ tư trên vai, người thứ năm, người thứ sáu ngồi trên những cánh tay gác lên vai của những người đứng dưới; Cảnh "cỗ giá hoàng" người thứ tư đứng thẳng trên vai người đứng giữa làm trụ; cảnh "cổ tướng hảo" có ba người, đứng thành hàng ngang và ba người khác đứng trên vai ba người này. Điểm độc đáo, đẹp mắt của điệu múa này là trong suốt quá trình biểu diễn, 48 vũ sinh đều cầm đèn hình hoa sen trên hai tay và những ngọn đèn luôn tỏa sáng lung linh. - Múa Song quang là một điệu múa xuất phát từ lĩnh vực tôn giáo đã được cung đình hóa. Với hình thức múa đôi qua hai nhân vật Hộ pháp và Tề Thiên đại thánh, trên nền nhạc cụ bộ gõ, điệu múa Song quang biểu hiện sức sống Bi, Trí, Dũng của Phật tính, đồng thời nói lên sự hoằng pháp một cách sâu sắc của Phật giáo trong quá trình hội nhập và phát triển. Điệu múa Song quang còn có tên là múa Đấu chiến thắng Phật (Phật hiệu của Tề Thiên Đại thánh) Vũ sinh vai Tề Thiên Đại thánh được hóa trang vẽ mặt như mặt khỉ, mặc áo giáp, lưng thắt đai, chân mang hài, tay cầm kim côn. Vũ sinh vai Hộ pháp hóa trang mặt trắng, đầu đội mũ kim khôi, mặc áo giáp, lưng giắt thần thông bửu bối, chân mang hia, tay cầm bửu chữ. Vũ đạo của vai Tề Thiên diễn những động tác chính : khom lưng, khuỳnh chân, chạy lúp xúp, đầu lắc nhanh, chớp chớp mắt, một tay vác kim côn lên vai, một tay đánh đàng xa. Vũ đạo vai Hộ pháp diễn các động tác chính : bước chân chữ bát, thong thả, người hơi ngửa, một tay cầm bửu chữ, một tay đánh đàng xa. Do hai tính cách nhân vật tương phản nhau nên đội hình, vũ đạo thường là ngược hướng nhau. Các tuyến hành động đi theo vòng tròn, đường chéo, thể hiện hai tính cách khác nhau của hai nhân vật. Trong khi biểu diễn, ngang đoạn dừng lại để xếp hình tượng, vũ sinh đọc 4 câu kệ để trừ yêu quái. - Điệu múa bông Tam quốc - Tây du là điệu múa gốc dân gian được cung đình hóa. Điệu múa kết hợp giữa nghi lễ cung đình và hình thức giải trí cho vua quan triều Nguyễn. Điệu múa gồm 6 bài Tam quốc, 6 bài Tây du được lược giản từ truyện Tam quốc và Tây du ký theo lối kể chuyện. Thời lượng của 12 bài múa trên dài độ 90 phút. Đội hình điệu múa Tam quốc - Tây du gồm 72 người (36 nam, 36 nữ) thường được biểu diễn trong những ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ tại nhà hát Duyệt Thị đường.(3) Cũng có khi đội hình rút gọn còn 48 người. Trang phục vũ sinh nam nữ gồm đầu đội mũ hoa sen, thắt dây lưng ngũ sắc, trong mặt áo thúy lục ngắn, ngoài khoác áo la tua, nịt dây xiêm trường, quần giáp, chân quấn xà cạp, vai nịt dây chữ thập mang hai bên hai đèn giấy vẽ hoa có thắp sáp (nến) bên trong, tay cầm quạt vừa múa, vừa hát. Theo thời gian, mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, hoàn cảnh chiến tranh nhưng loại hình nghệ thuật múa cung đình Huế vẫn vượt qua được những thử thách với các giai đoạn thăng trầm để tồn tại và phát huy các giá trị tinh thần, văn hóa Huế. Trong những năm qua, không riêng gì giới yêu chuộng nghệ thuật múa cung đình trong nước mà công chúng thế giới cũng đã có nhiều dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh tuý của nghệ thuật múa cung đình Huế do Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế (tiền thân là Đội Ba Vũ) đến biểu diễn tại các nơi như Nhật Bản: Osaka (1970, 1996), Tokyo (1994), Fukuoka (1998), Totory (2002); Pháp (2003); CHLB Nga (2003) ... Ngày nay, nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ múa cung đình Huế đã được trưởng thành, tài giỏi, điêu luyện trong quá trình gắn bó, thiết thân cùng nghệ thuật múa cung đình. Với truyền thống dân tộc, với ý thức trân trọng tìm về những bản sắc văn hóa cội nguồn, nghệ thuật múa cung đình Huế đã và đang đóng góp vào lịch sử múa Việt Nam những trang quí giá. V.Q. CHÚ THÍCH (1) Thanh Bình Thự hiện toạ lạc tại đường Chi Lăng, Phường Phú Cát, Thành phố Huế. Hằng năm Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tổ chức lễ giổ Tổ ngành hát Tuồng vào ngày 16 tháng 3 và 16 tháng 7 Âm lịch. (2) Ngày nay đội Ba Vũ được gọi là Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. (3) Duyệt Thị Đường đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu, phục chế, tiếp tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế từ 1/11/2003. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Văn Lang, “Huế, một cái nôi của nghệ thuật tuồng”, Văn hóa Bình Trị Thiên, Số Xuân 1979. 2. Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1984. 3. Hội Văn nghệ Huế, Huế luôn luôn mới, 1988. 4. Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H./Tome.2/1915), Nxb Thuận Hóa tái bản, 1997. 5. Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế, Âm sắc cung đình, Băng video, 2000. 6. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thời gian đã chứng minh, Huế, 2001. 7. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Huế - Di sản và cuộc sống, Huế, 2003.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNghệ thuật múa cung đình huế.doc