BÀI LÀM
I. Khái niệm giao dịch dân sự (GDDS) có điều kiện
1. Khái niệm về GDDS
“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” [Điều 121 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005].
Trong GDDS có ý chí và thể hiện ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Ý chí phải được thê hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định để các chủ thể khác có thể biết được ý chí của chủ thể muốn tham gia đã tham gia vào một GDDS cụ thể. Bởi vậy, GDDS là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí.
Mục đích của GDDS là hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Mục đích pháp lý (mong muốn) đó sẽ trở thành hiện thực , nếu như các bên trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo qui định của pháp luật.
GDDS là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện quan trọng nhất trong giao dịch dân sự, trong việc di chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường , thông qua GDDS (hợp đồng), các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.
19 trang |
Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 8063 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về giao dịch dân sự có điều kiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI LÀM
I. Khái niệm giao dịch dân sự (GDDS) có điều kiện
1. Khái niệm về GDDS
“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” [Điều 121 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005].
Trong GDDS có ý chí và thể hiện ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Ý chí phải được thê hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định để các chủ thể khác có thể biết được ý chí của chủ thể muốn tham gia đã tham gia vào một GDDS cụ thể. Bởi vậy, GDDS là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí.
Mục đích của GDDS là hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Mục đích pháp lý (mong muốn) đó sẽ trở thành hiện thực , nếu như các bên trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo qui định của pháp luật.
GDDS là căn cứ phổ biến, thông dụng nhất trong các căn cứ làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự; là phương tiện quan trọng nhất trong giao dịch dân sự, trong việc di chuyển tài sản và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tất cả các thành viên trong xã hội. Trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường , thông qua GDDS (hợp đồng), các chủ thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh các nhu cầu khác trong đời sống hàng ngày của mình.
2. Khái niệm về GDDS có điều kiện
Điều kiện để các bên thực hiện GDDS khi các bên thỏa thuận cùng nhau xác lập một GDDS là khá phổ biến. Khi các bên xác lập GDDS với nhau thì điều kiện đó chưa phát sinh, nhưng nó sẽ phát sinh sau một khoảng thời gian hoặc phụ thuộc vào một sự kiện nhất định. Loại điều kiện này đã tồn tại, ngày càng phát triển và có ý nghĩa pháp lý trong các GDDS; nhưng trước ngày ban hành BLDS năm 1995 thì chưa có một văn bản pháp luật nào qui định về vấn đề này. Trên thực tế, có những trường hợp trong quá trình đi đến xác lập GDDS các bên thường thỏa thuận điều kiện đi kèm nhằm phát sinh, thay đổi hay hủy bỏ GDDS đó. Ví dụ: công ty A sẽ thưởng 10 triệu đồng cho vận động viên nào tham dự giải quần vợt do tỉnh B tổ chức, với điều kiện vận động viên đi giày và dùng vợt có mang nhãn hiệu của công ty A; ở ví dụ này, chúng ta thấy điều kiện vận động viên thi đấu bằng vợt và đi giày có mang nhãn hiệu của công ty A sẽ phát sinh quyền được hưởng 10 triệu đồng, công ty A có nghĩa vụ chuyển 10 triệu đồng cho vận động viên nào đi giày và dùng vợt mang nhãn hiệu của công ty A.
Pháp luật dân sự trước ngày BLDS năm 1995 có hiệu lực thi hành không qui định cụ thể về GDDS có điều kiện, mà coi điều kiện trong giao dịch như một hợp đồng của hợp đồng khác (làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt hợp đồng khác). Mặt khác, các tranh chấp về điều kiện trong giao dịch ít xảy ra, bởi nó thường được thỏa thuận bằng miệng, qui định về điều kiện trong nội dung văn bản hợp đồng ít thấy. GDDS có điều kiện cũng là dạng thể hiện ý chí của các bên khi xác lập nó, nhằm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một GDDS với mục đích duy trì, thúc đẩy giao dịch ở trạng thái ổn định trong tương lai gần, trong khuôn khổ do pháp luật qui định. Điều 125 BLDS qui định: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”
Như vậy, ta có thể hiểu, GDDS có điều kiện là những giao dịch mà sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt hiệu lực của nó phụ thuộc vào các điều kiện mà một trong các bên xác lập GDDS đó đã đưa ra khi xác lập giao dịch (hành vi pháp lí đơn phương hoặc hợp đồng); như vậy, đây là những GDDS đã được xác lập nhưng nó chỉ phát sinh hiệu lực hoặc hủy bỏ khi có những điều kiện nhất định xảy ra.
II. Một số vấn đề về GDDS có điều kiện
1. Đặc điểm của GDDS có điều kiện
Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch do chính người xác lập giao dịch định ra (trong hợp đồng thì điều kiện đó do chính các bên thỏa thuận). Trên thực tế. chúng ta thấy có các loại điều kiện sau:
- Điều kiện do một bên thực hiện, VD: A sẽ thực hiện hợp đồng mua bán nhà của B với giá thỏa thuận nếu A bán được nhà của mình trong hạn 6 tháng . Như vậy A có nghĩa vụ thực hiện điều kiện bằng hành vi của chính mình không phụ thuộc vào hành vi của B.
- Điều kiện do hai bên cùng thực hiện. VD: A sẽ thực hiện hợp đồng thuê B lái ô tô với điều kiện A mua được ô tô và B học xong và được cấp giấy phép lái xe ô tô. Ở ví dụ này, A có nghĩa vụ mua ô tô và B có nghĩa vụ học và thi đỗ lấy được bằng lái xe.
- Điều kiện có thể là sự biến (trở ngại khách quan) do các bên thỏa thuận trước. VD: A và B thỏa thuận nếu mưa bão từ cấp 6 trở lên sẽ đình chỉ thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch phải là sự kiện thuộc về tương lai. Sự kiện đó là sự kiện khách quan, xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong GDDS và mang tính không ổn định. Nếu trong trường hợp, sự kiện được coi là điều kiện đó xảy ra không khách quan, hay nói cách khác, nó xảy ra do có sự tác động theo ý chí của các chủ thể mà lại trái với ý chí của chủ thể khác trong GDDS đó, và sự tác động đó làm ảnh hưởng sự phát sinh hoặc hủy bỏ sự kiện được coi là điều kiện đó thì cũng đã vi phạm nguyên tắc tự do ý chí trong một GDDS. Khi điều kiện trong GDDS có điều kiện xảy ra trên thực tế sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên, và rất nhiều trường hợp nghĩa vụ của đương sự trong giao dịch đó trở thành điều kiện trong GDDS có điều kiện; tuy nhiên có một yếu tố căn bản của nghĩa vụ không thể được dùng làm điều kiện được: chẳng hạn, một sự mua bán dưới điều kiện là người mua phải trả tiền thì không phải là một sự mua bán có điều kiện mà là một sự mua bán bình thường, bởi vì, việc trả tiền là một yếu tố của sự mua bán. Trái lại, ví dụ một giao dịch mua bán bất động sản nào đó dưới điều kiện là người mua phải kết hôn với người bán hoặc với ai đó theo ý của người bán thì sự mua bán này có điều kiện; tuy nhiên, điều kiện đặt ra ở đây lại xảy ra không khách quan, có thể trái với ý chí của chủ thể trong GDDS này.
Điều kiện do các bên xác lập trong GDDS phải tạo ra khả năng nhất định (ở tương lai) có thể xảy ra hoặc các bên có thể thực hiện được. Có nghĩa là về ý chí, các bên khi thỏa thuận tin rằng điều kiện nêu ra là thực tế, sẽ xảy ra và vì vậy GDDS được xác lập sẽ phát sinh hoặc hủy bỏ. Điều kiện không thể thực hiện được khi sự kiện được coi là điều kiện để GDDS phát sinh, hủy bỏ đó không thể xảy ra được trên thực tế. VD: A bán cho B căn nhà nếu A mua được căn nhà trên hành tinh mặt trời, điều kiện của giao dịch giữa A và B là không thể có khả năng thực hiện được và sự kiện mua căn nhà trên mặt trời cũng không thể xảy ra được trên thực tế, do đó điều kiện này không phải là điều kiện được công nhận trong GDDS và sự vô hiệu của điều kiện cũng làm cho GDDS đó cũng trở thành vô hiệu.
Để một GDDS có điều kiện có hiệu lực, các yêu cầu về GDDS thông thường cũng phải được bảo đảm. Có nghĩa là, muốn thiết lập một GDDS có điều kiện trên thực tế thì trước tiên đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu về một GDDS có hiệu lực (các điều kiện được qui định tại Điều 122 BLDS), như:
Các bên khi tham gia GDDS có điều kiện phải có năng lực hành vi dân sự. Bởi vì, bản chất của GDDS là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Chỉ những người có năng lực hành vi mới có ý chí riêng và nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, tự chịu trách nhiệm trong giao dịch. Cho nên, GDDS có điều kiện do cá nhân xác lập cũng chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân (từ Điều 17 đến Điều 23 BLDS). Đối với các chủ thể khác (pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) tham gia vào GDDS thông qua đại diện của họ (đại diện theo pháp luật, theo ủy quyền); người đại diện xác lập GDDS có điều kiện ở đây làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật qui định.
- Mục đích và nội dung của GDDS có điều kiện phải hợp pháp, nghĩa là điều kiện đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội. Chỉ những điều kiện các bên đưa ra để xác lập GDDS mà không vi phạm điều cấm của pháp luật (là những qui định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện hành vi nhất định), không trái đạo đức xã hội (những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng) thì mới được chấp nhận về mặt pháp lí, và mới là đối tượng của GDDS. Chẳng hạn, không thể thỏa thuận điều kiện với một người thực hiện hành vi trái pháp luật như mua bán thuốc phiện hay giết người thì mới bán cho xe máy; hoặc A bán nhà cho B nếu B chịu chứa gái mại dâm ở đó…
- Người tham GDDS có điều kiện hoàn toàn tự nguyện; có nghĩa là điều kiện để giao dịch được phát sinh hay hủy bỏ phải thể hiện ý chí đích thực của chủ thể. Các bên hoàn toàn tự do, tự nguyện lựa chọn, thảo luận không những nội dung của GDDS mà còn cả về điều kiện kèm theo. Nếu một bên bị lừa dối
Hình thức của GDDS có điều kiện phải phù hợp với qui định của pháp luật về hình thức của GDDS. Chẳng hạn, các GDDS bắt buộc phải được lập thành văn bản như mua bán nhà, chuyển quyền sư dụng đất…thì khi trong các giao dịch này có chứa các điều kiện để làm phát sinh hay hủy bỏ GDDS cũng đòi hỏi phải có Công chứng chứng nhận, UBND cấp có thẩm quyền chứng thực.
Ngoài các yêu cầu trên, GDDS có điều kiện còn phải bao gồm hai nội dung cấu thành: + Phần GDDS, đó là nội dung của GDDS thông thường do các bên xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự (hợp đồng mua, bán, tặng, cho…)
+ Phần điều kiện nhằm làm phát sinh, thay đổi hay hủy bỏ GDDS.
Hai phần này có mối liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau trong một GDDS có điều kiện cụ thể, nhưng chúng không quyết định nội dung của nhau mà phần điều kiện chỉ nhằm làm cho giao dịch phát sinh hay hủy bỏ và giao dịch được phát sinh hay hủy bỏ do điều kiện đó xảy ra hay không.
Để hiểu rõ hơn nữa điều kiện của GDDS có điều kiện ta có thể nhìn nhận điều kiện trong GDDS có điều kiện theo cách đặt nó bên cạnh điều kiện có hiệu lực của GDDS để nhận biết bản chất, bởi cả hai hình thức đều nhằm tạo ra sự ổn định, chắc chắn của GDDS; tuy nhiên giữa chúng có những điểm khác nhau cơ bản về bản chất như sau:
Điều kiện trong GDDS
có điều kiện
Điều kiện có hiệu lực của GDDS
Về ý chí cho phép chủ thể
có thể lựa chọn điều kiện
đối với GDDS
Bắt buộc chủ thể phải tuân
theo khi xác lập GDDS.
Chủ thể tự do lựa chọn các
điều kiện để cho phép
GDDS phát sinh, thay đổi hay
hủy bỏ
Bắt buộc phải có các điều
Kiện qui định sẵn bởi pháp luật
GDDS có thể phát sinh, hủy bỏ nếu điều kiện xảy ra và ngược lại khi điều kiện xảy ra GDDS không phát
sinh hoặc hủy bỏ (ở đây thể
hiện mặt hình thức, bên ngoài
của GDDS)
GDDS được xác lập, thực
hiện phụ thuộc vào điều kiện và khi vi phạm điều kiện thì hậu quả háp lí là
quyền và nghĩa vụ các các bên không
phát sinh kể từ thời điểm giao dịch xác
lập (thể hiện mặt nội dung, bên trong
của GDDS).
Điều kiện trong GDDS phụ thuộc vào các bên khi đặt ra điều kiện đó. Về nguyên tắc, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện điều kiện nhằm làm phát sinh hay hủy bỏ GDDS, nhưng nghĩa vụ về điều kiện trong GDDS có điều kiện không phải là nghĩa vụ của GDDS bởi điều kiện trong GDDS có điều kiện là yếu tố bên ngoài, không phụ thuộc vào nội dung bên trong của GDDS; tuy nó có điểm chung là do các bên thỏa thuận xác lập, vì vậy, ta có thể phân biệt nghĩa vụ về điều kiện và nghĩa vụ như sau:
Nghĩa vụ về điều kiện trong GDDS
có điều kiện
Nghĩa vụ về dân sự trong trong
GDDS
Thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh,
hủy bỏ GDDS
Thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh,
thay đổi, chấm dứt GDDS
Nằm ngoài nội dung của GDDS
cụ thể
Nằm trong nội dung của GDDS
Thực hiện nghĩa vụ về điều kiện vì
lợi ích của các bên
Thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích bên
có quyền
Không gắn trách nhiệm pháp lí khi
điều kiện xảy ra hoặc xảy ra ngoài ý
muốn của các bên thì phải bồi
thường thiệt hại
Gắn trách nhiệm pháp lí và bồi
thường thiệt hại do không thực
hiện nghĩa vụ
2. Phân loại GDDS có điều kiện theo pháp luật hiện hành
Tại khoản 1 điều 125 BLDS năm 2005 qui định: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”.
Như vậy, căn cứ vào qui định trên, chúng ta có hai loại GDDS có điều kiện:
- GDDS xác lập với điều kiện phát sinh: là những GDDS đã được xác lập nhưng nó chỉ phát sinh hiệu lực khi có những điêu kiện nhất định xảy ra. VD: A và B ký một hợp đồng tặng cho. Theo hợp đồng này, A sẽ tặng B một chiếc máy tính xách tay trị giá 20 triệu đồng nếu B dành được suất học bỗng của trường Đại học Xây dựng để đi du học nước ngoài. Như vậy, ở đây việc B dành được học bỗng để đi du học nước ngoài là điều kiện cần thiết để hợp đồng A đã ký với B có hiệu lực (phát sinh hiệu lực).
- GDDS xác lập với điều kiện hủy bỏ: đó là những giao dịch dân sự đã được xác lập và đã phát sinh hiệu lực nhưng khi có những điều kiện nhất định xảy ra thì GDDS đó sẽ bị hủy bỏ, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào GDDS đó sẽ chấm dứt.
VD: H và N ký một hợp đồng cung ứng quần áo đồng phục cho công nhân làm việc tại công ty của N, theo hợp đồng này H sẽ giao cho N 1000 bộ quần áo đồng phục của công nhân với những chất liệu, kích cỡ, màu sắc và thời gian mà H và N đã thỏa thuận với nhau. Ngoài những thỏa thuận kể trên, H và N còn thỏa thuận nếu H vi phạm một trong những điều kiện về chất liệu, kích cỡ, màu sắc và thời gian thì hợp đồng mà H và N ký kết sẽ bị hủy bỏ. Như vậy, sự vi phạm của H về một trong các điều kiện về chất liệu, kích cỡ, màu sắc và thời gian chính là điều kiện để hủy bỏ GDDS mà H và N đã xác lập.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể trong GDDS cũng như đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, BLDS năm 2005, tại khoản 2 Điều 125 qui định: “Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra”.
Trên thực tế, có những trường hợp các bên chủ thể xác lập GDDS với điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ; nhưng lại vì một bên có mục đích, động cơ không trong sáng hay một người thứ ba nào đó có thể vì liên quan đến lợi ích của mình hoặc cũng vì tình cờ, đã có hành vi cố ý cản trở hoặc thúc đẩy, nhằm làm cho điều kiện đó không xảy ra hoặc có hành vi thúc đẩy cho điều kiện đó xảy ra để làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS mà các bên đã tiến hành xác lập. Căn cứ vào qui định trên, chúng ta có thể phân thành các trường hợp như sau:
- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra. VD: A và B ký với nhau một hợp đồng mua bán, theo hợp đồng này thì A sẽ bán cho B con bò của A với giá 6000.000đ nếu sau 1 tháng A không bán được con bò này cho ai với giá cao hơn mức giá mà A với B thỏa thuận trong hợp đồng, còn có người mua với mức giá cao hơn mức giá trê thì A sẽ bán cho người đó và hủy bỏ hợp đồng với B. 3 ngày sau, có anh C đến hỏi mua con bò với mức giá 6.500.000đ, nhưng ngày hôm sau khi C đến giao tiền thì B đã chủ động gặp C trước, bịa đặt rằng con bò của A bị bệnh tụ huyết trùng và một số bệnh khác. Do đó C đến đòi thỏa thuận lại mức giá dưới 6000.000đ. A không chấp nhận. Như vậy, điều kiện làm hủy bỏ GDDS giữa A và B (nếu A bán được con bò của mình với mức giá trên 6 triệu đồng cho người khác sau 1 tháng) đã không thể xảy ra do B đã có hành vi cố ý cản trở điều kiện đó xảy ra. Trong trường hợp này khi có tranh chấp trước pháp luật thì coi như điều kiện đó đã xảy ra, và GDDS giữa A và B sẽ bị hủy bỏ.
- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS không thể xảy ra được do hành vi cản trở của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra. VD: Ông A, giám đốc một công ty, và B (là con trai của ông A, và là phó giám đốc công ty) ký một hợp đồng tặng cho, theo đó ông A sẽ cho B căn biệt thự mà C (anh trai ruột của B) đang tạm ở, còn C sẽ được cho một căn nhà khác; với điều kiện B hoàn thành được nhiệm vụ ký một hợp đồng làm ăn với công ty H mà ông A giao cho. Do sợ sau khi B hoàn thành nhiệm vụ thì căn biệt thự sẽ không thuộc về mình nên C đã chủ động gặp đại diện công ty H và bịa đặt những thông tin không tốt về B và cả công ty của ông A để làm cho B không thực hiện được việc ký hợp đồng với công ty H. Như vậy, C là người thứ ba (có lợi ích liên quan) đã có hành vi cản trở việc C hoàn thành nhiệm vụ ký hợp đồng với công ty H mà ông A giao phó (là điều kiện để hợp đồng tặng cho giữa ông A và B phát sinh hiệu lực), do đó trong trường hợp này, nếu xảy ra tranh chấp trước pháp luật thì điều kiện để hợp đồng tặng cho giữa ông A và B phát sinh hiệu lực vẫn coi như đã xảy ra (nghĩa là B vẫn phải được tặng căn biệt thự theo như trong hợp đồng).
- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS xảy ra do có sự tác động của một bên thúc đẩy cho nó xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra. VD: Đại diện của chính quyền huyện A và công ty B ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu; theo đó chính quyền huyện A sẽ vận động nhân dân trong địa phương đó thu hoạch sắn thời vụ để nhập cho công ty B hơn 5000 tấn sắn nguyên liệu với giá thị trường, nếu sau khi lãnh đạo tỉnh cử chuyên gia về kiểm tra, khảo sát qui trình sản xuất và công nghệ xử lí nước thải của công ty đạt tiêu chuẩn. Do đang cần nguyên liệu để duy trì hoạt động chế biến tinh bột sắn của nhà máy, mà nước thải của nhà máy thì toàn bộ đổ ra sông khu vực người dân sinh sống đều chưa qua xử lí, sợ chính quyền địa phương không ký hợp đồng nên công ty B đã hối lộ đoàn chuyên gia về kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã không báo cáo kết quả kiểm tra đúng như thực tế. Công ty B được cung ứng nguyên liệu theo như hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu sau đó có phát hiện (hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo của người dân sinh sống quanh khu vực con sông có nước thải nhà máy đổ ra) thì hợp đồng đã ký kết giữa công ty B và chính quyền huyện A sẽ bị vô hiệu, buộc công ty B phải dừng hoạt động sản xuất và bồi thường mọi thiệt hại (tất nhiên các chủ thể khác có liên quan cũng sẽ bị xử lí theo pháp luật).
- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS xảy ra do có sự tác động của người thứ ba thì coi như điều kiện đó không xảy ra. VD: Công ty D và công ty H ký hợp đồng mua bán, theo đó công ty D sẽ mua lại số máy móc mà công ty H vừa nhập khẩu từ Nhật Bản về nếu kể từ ngày ký kết hợp đồng cho đến ngày bàn giao máy móc số máy móc của công ty D có hỏng hóc và cần phải thay thế. Do đang cần bán gấp số máy móc trên nên công ty H đã thông đồng với các công nhân đứng máy của công ty D, làm cho số máy móc đó bị hư hỏng trước ngày hết thời hạn hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu có phát hiện, thì hợp đồng mua bán giữa công ty D và công ty H sẽ bị vô hiệu trước pháp luật; buộc các chủ thể liên quan đền bù thiệt hại (tất nhiên các cá nhân có liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
3. Mối tương quan giữa GDDS có điều kiện với hành vi pháp lí đơn phương (hứa thưởng, thi có giải) và hợp đồng dân sự có điều kiện
Trong các phần trên, các ví dụ đưa ra đều rơi vào hai trường hợp, đó là GDDS thể hiện dưới hình thức hành vi pháp lí đơn phương (hứa thưởng) và dưới hình thức hợp đồng có điều kiện. Vậy, giữa GDDS có điều kiện và hành vi pháp lí đơn phương hẵn phải có một mối liên hệ nào đó với hợp đồng dân sự có điều kiện, mà ở đây em xin được gọi là “mối tương quan” giữa chúng.
Hành vi pháp lí đơn phương mà chúng ta đang muốn nói tới ở đây chỉ có thể là trường hợp hành vi pháp lí đơn phương phát sinh hậu quả pháp lí khi có người khác đáp ứng được những điều kiện nhất định do người xác lập giao dịch đưa ra; những người này phải đáp ứng được các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ của người xác lập giao dịch, đó là các trường hợp hứa thưởng, thi có giải.
Thế nào là hứa thưởng và thế nào là thi có giải? Chúng ta hiểu như sau:
Hứa thưởng là một sự cam kết đơn phương của một người hay của một pháp nhân sẽ trả một phần thưởng bằng tiền hoặc bằng hiện vật cho ai thực hiện được một công việc nào đó. Khoản 2 Điều 590 BLDS 2005 qui định: “Công việc hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội”. Về thi có giải, “thi” là một sự tranh đua trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học, kỷ thuật…Mục đích của một cuộc thi bao giờ cũng có yếu tố giải thưởng; do đó các cuộc thi để lấy bằng cấp hay học vị trong các chương trình Giáo dục đào tạo không được coi là thi có giải; trái lại cũng có thể coi là thi có giải các hình thức khuyến mãi mà kết quả không hoàn toàn có tính cách may rủi, ở đó người tham gia phải trả lời một số câu hỏi và kiến thức tổng quát hoặc đưa ra một sáng kiến về một đề tài theo yêu cầu của nhà tổ chức cuộc thi. Khoản 1 Điều 593 BLDS 2005 qui định một cách rộng rãi theo tinh thần là thi có giải có thể được tổ chức trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học, kỹ thuật và các cuộc thi khác, miễn là không bị pháp luật cấm hoặc trái với đạo đức xã hội.
Hợp đồng dân sự có điều kiện được qui định tại khoản 6 Điều 406 BLDS năm 2005: “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”. Như vậy, chúng ta hiểu hợp đồng dân sự có điều kiện là những hợp đồng mà khi giao kết, bên cạnh việc thỏa thuận về nội dung của hợp đồng các bên còn thỏa thuận để xác định về một sự kiện để khi sự kiện đó xảy ra, thì hợp đồng mới được thực hiện hoặc phải chấm dứt.
Tất nhiên rằng, sự kiện được xem là điều kiện để hành vi pháp lí đơn phương phát sinh hoặc hủy bỏ phải đáp ứng được các yêu cầu như yêu cầu đối với điều kiện trong GDDS có điều kiện, cũng như sự kiện được coi là điều kiện mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng (các sự kiện đó phải mang tính khách quan, là sự kiện xảy ra trong tương lai - xuất hiện sau khi hợp đồng đã được giao kết; nếu điều kiện đó là một công việc phải làm thì phải là những công việc có thể thực hiện được; sự kiện mà các bên chủ thể thỏa thuận phải phù hợp với pháp luật và không trái với đạo đức xã hội…).
Theo qui định tại Điều 21 BLDS năm 2005: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Như vậy, GDDS có thể được thể hiện dưới hai hình thức là hành vi pháp lí đơn phương hoặc là hợp đồng. Xét về bản chất, hành vi pháp lí đơn phương là hứa thưởng, thi có giải và hợp đồng dân sự có điều kiện cũng là hai dạng hình thức thể hiện của GDDS có điều kiện. Hay nói cách khác, GDDS có điều kiện có thể được thể hiện dưới hình thức là hành vi pháp lí đơn phương hứa thưởng, thi có giải và dưới hình thức là hợp đồng dân sự có điều kiện. Có thể biểu diễn mối tương quan này như sau:
Hành vi pháp lí đơn phương phát
sinh, hủy bỏ do có điều kiện xảy ra
Giao dịch dân sự có điều kiện
(hứa thưởng, thi có giải)
Giao dịch dân sự có điều kiện
Hợp đồng dân sự có điều kiện
Tuy nhiên, theo như cách kết cấu của BLDS năm 2005 thì lại không cho chúng ta cách hệ thống theo như sơ đồ trên:
Trong BLDS năm 2005, hứa thưởng và thi có giải được xếp trong số các hợp đồng thông dụng (được qui định tại mục 13 Chương XVIII – Hợp đồng dân sự thông dụng). Nhưng thực ra ở đây là sự cam kết đơn phương, tức là các hành vi có hiệu lực pháp lí tạo lập nghĩa vụ cho một người có ý chí đơn phương của người đó. Chúng ta cũng không được nhầm lẫn sự cam kết đơn phương với loại hợp đồng, nhất là loại hợp đồng đơn vụ. Vì hợp đồng đơn vụ là một sự thỏa hiệp của ý chi có hiệu lực tạo lập nghĩa vụ cho một bên giao kết, nó có tính đơn phương xét về hiệu lực nhưng lại là song phương xét về sự thành lập. Trái lại sự cam kết đơn phương (bao gồm cả dưới hình thức hứa thưởng và thi có giải) không cần có một sự thỏa thuận của ý chí nào cả, nó là sự phát biểu của một ý chí đơn phương, nó có tính cách đơn phương trong sự thành lập cũng như về hiệu lực.
Chúng ta cũng không thể áp dụng các nguyên tắc hợp đồng cho sự hứa thưởng, bởi vì lời hứa thưởng không được coi là một lời đề nghị giao kết hợp đồng, mà ở đây người hứa thưởng bị ràng buộc bởi lời hứa của mình ngay cả trước khi làm công việc phát biểu ý chí chấp nhận. Điều 591 qui định: “Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại lời tuyên bố hứa thưởng của mình…”. Như vậy, khi thời hạn thực hiện công việc đã bắt đầu thì người hứa thưởng bị ràng buộc bởi lời hứa của mình, mặc dù chưa có ai phát biểu ý chí chấp nhận làm công việc yêu cầu cả, nghĩa vụ của người hứa thưởng phát sinh do ý chí đơn phương của họ. Ngoài ra, hiểu theo đúng tinh thần của Điều 591 này thì nếu người hứa thưởng không đưa ra thời hạn bắt đầu công việc thì người này sẽ bị ràng buộc bởi lời hứa của mình ngay khi tuyên bố hứa thưởng dù chưa có ai bày tỏ ý chí chấp nhận lời hứa đó.
Về thi có giải, thi có giải cũng là một sự cam kết đơn phương có hiệu lực tạo lập nghĩa vụ đối với người tổ chức cuộc thi, người này đề xướng ra cuộc thi, nêu lên các thể lệ dự thi và các giải thưởng , kể từ đó họ bị ràng buộc bởi các điều cam kết của mình ngay cả trước khi những người dự thi chấp nhận tham gia.
Như vậy, với những phân tích ở trên, chúng ta thấy hứa thưởng và thi có giải không phải là hợp đồng dân sự, nhưng hiện nay, BLDS vẫn đang có cách kết cấu, hay nói cách khác, vẫn đang sắp xếp hứa thưởng, thi có giải vào phần các hợp đồng dân sự thông dụng, nhưng bản chất của chúng lại là hành vi pháp lí đơn phương và là một trong những dạng của GDDS có điều kiện. Do đó, kết cấu của BLDS năm 2005 là chưa hợp lí. Theo em, cần phải sửa đổi và trong kết cấu của BLDS, không xếp hứa thưởng và thi có giải vào chương các hợp đồng dân sự thông dụng; mà nên xếp chúng thành một mục trong phần GDDS. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rằng, tại khoản 1 Điều 125 BLDS ghi: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”; điều luật có ý chỉ dẫn tới hợp đồng dân sự có điều kiện, vì nói “thỏa thuận” tức là nói tới hợp đồng, mà thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ thì nói tới hợp đồng dân sự có điều kiện; vì hành vi pháp lí đơn phương hứa thưởng và thi có giải như đã phân tích, không phải là hợp đồng dân sự, nên Điều 125 đã không đề cập đến hành vi pháp lí đơn phương là hứa thưởng và thi có giải mà xét về bản chất, chúng cũng là một dạng GDDS có điều kiện. Do đó, cũng cần bổ sung ý vào Điều 125 để chỉ dẫn tới hành vi pháp lí đơn phương là hứa thưởng và thi có giải.
III. Một số vấn đề thực tiễn của GDDS có điều kiện
1. Vấn đề về điều kiện trong GDDS có điều kiện
Như đã nêu ở phần trên, GDDS có điều kiện muốn có hiệu lực trước pháp luật thì phải tuân theo các điều kiện để có hiệu lực của một GDDS. Nó phát sinh hoặc hủy bỏ còn phụ thuộc vào điều kiện để phát sinh hay hủy bỏ GDDS đó. Hiểu theo tinh thần của các qui định trong BLDS về GDDS và GDDS có điều kiện thì tất nhiên chúng ta phải hiểu rằng những điều kiện đặt ra trong một GDDS có điều kiện là phải hợp pháp, không trái với đạo đức xã hội thì GDDS có điều kiện đó mới có hiệu lực (phát sinh hoặc hủy bỏ) khi điều kiện xảy ra. Tuy nhiên, cách qui định của BLDS hiện nay không qui định rõ ràng vấn đề này.
Các điều kiện để một GDDS có hiệu lực được qui định tại Điều 122, trong đó tại điểm b khoản 1 Điều 122 BLDS qui định: “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Tuy nhiên, như đã nêu ở mục II, 1; GDDS có điều kiện phải bao gồm hai nội dung cấu thành là: phần thứ nhất là GDDS thông thường do các bên xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự và phần thứ 2 là điều kiện nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc hủy bỏ GDDS. Với qui định như trên thì chỉ mới đề cập đến phần thứ nhất, còn phần thứ 2 (phần điều kiện làm phát sinh, thay đổi hoặc hủy bỏ GDDS) của GDDS có điều kiện không được đề cập đến. Đã thế, chúng ta cũng không thấy Điều 125 qui định về GDDS có điều kiện và khoản 6 Điều 406 qui định về hợp đồng dân sự có điều kiện đề cập đến vấn đề này. Như vậy, trên thực tế nếu xảy ra các tranh chấp liên quan đến vấn đề tính hợp pháp, không trái với đạo đức xã hội của điều kiện trong GDDS có điều kiện thì phương hướng giải quyết đối với GDDS phụ thuộc vào điều kiện đó như thế nào,theo em, BLDS sẽ thiếu đi cơ sở pháp lí để giải quyết vấn đề này.
Ví dụ: A muốn vay tiền của B, đã nhất trí với điều kiện B đưa ra là phải có hành vi hạ thấp nhân phẩm của mình, xúc phạm danh dự của người khác (như quỳ xuống van xin, chửi mắng người khác theo ý của A…), điều kiện xảy ra, rõ ràng điều kiện trong giao dịch này vi phạm đạo đức xã hội, không hợp pháp, cần phải giao dịch này phải bị coi là vô hiệu; đấy là chưa kể đến trong giao dịch này còn xâm phạm nguyên tắc tự do ý chí. Nhưng trong BLDS không có qui định nào qui định một cách rõ ràng rằng những điều kiện mà A đưa ra đối với B là vi phạm về yêu cầu đối với điều kiện trong một GDDS có điều kiện.
Vấn đề mà em muốn nêu ra ở đây là, cần phải có qui định bổ sung vào Điều 122 BLDS là: điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS mà các bên thỏa thuận phải không trái pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội.
2. Đối với hành vi pháp lí đơn phương hứa thưởng, thi có giải
Đối với các giao dịch một bên làm phát sinh nghĩa vụ cho chính chủ thể xác lập giao dịch thì sự tác động lại do chính từ phía họ. Hứa thưởng và thi có giải là hành vi pháp lí đơn phương, theo đó bên hứa thưởng, tổ chức cuộc thi chỉ phải trả thưởng, trao giải khi chủ thể nào đó đã thực hiện được các điều kiện hứa thưởng, đã đạt được những yêu cầu của cuộc thi, thông qua đó, họ là người được thưởng các lợi ích từ việc hứa thưởng và thi có giải đó. Việc thực hiện nghĩa vụ các giao dịch này luôn là gánh nặng về tài sản của người hứa thưởng, người tổ chức cuộc thi. Bởi các điều kiện hứa thưởng, điều kiện đoạt giải thưởng do chính họ đặt ra và tự họ là người đánh giá, giám sát việc thực hiện các điều kiện đó, nên dễ dàng dẫn đến sự lừa dối đối với những người đã thực hiện được các điều kiện hứa thưởng hoặc các giải thưởng sẽ thuộc về những người do họ đã chọn trước. Trong trường hợp này họ đã cố ý không thực hiện các điều kiện hứa thưởng mà hầu như không phải chịu bất cứ hậu quả pháp lí nào. Vì thế cần phải có sự giám sát về về việc thực hiện các điều kiện hứa thưởng và thi có giải để đảm bảo sự tự nguyện của chính bên hứa thưởng và người tổ chức thi có giải. Chẳng hạn, việc cơ sở sản xuất kinh doanh thông báo hứa thưởng cho khách hàng nếu khách hành thực hiện được những yêu cầu do họ đặt ra. Họ chỉ tuyên bố số lượng giải thưởng và điều kiện để trúng thưởng nhưng không có cơ quan nào kiểm soát số lượng giải thưởng cũng như cách thức phân bổ giải thưởng trên số lượng sản phẩm…Vấn đề hứa thưởng nhưng lại không trả thưởng hoặc trả thưởng quá muộn cũng thường thấy ở trong lĩnh vực thể thao, nhiều pháp nhân, thậm chí cả ban tổ chức hứa thưởng cho các vận động viên sau khi đạt một mức thành tích nào đó nhưng rồi trả thưởng muộn hoặc không trả đủ mức thưởng như đã hứa; mà gần đây nhất, báo chí đưa tin về chuyện các cầu thủ bóng đá câu lạc bộ V.Ninh Bình chờ thưởng cho chức vô địch hạng nhất mùa trước và được lên hạng, nhưng chờ gần một năm vẫn chưa thấy động tĩnh từ ban tổ chức và ban lãnh đạo câu lạc bộ.
Như vậy, BLDS cũng cần bổ sung các qui định về việc bảo đảm trả thưởng và trao giải thưởng; như qui định rõ ràng thời hạn trả thưởng đối với từng mức tưởng (qui ra thành tiền), qui định có chủ thể giám sát việc trả thưởng và trao giải…
IV. Kết luận
Mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự là vì lợi ích, quyền lợi… mà các bên mong muốn đạt được theo ý định chủ quan của mình. Xuất phát từ đây mà các chủ thể khi tham gia GDDS trong những trường hợp nhất định, thấy việc thiết lập một điều kiện bằng sự thỏa thuận hoặc bằng hành vi pháp lí đơn phương để giao dịch dân sự đó có hiệu lực, nhằm hướng tới lợi ích của một bên hoặc hai bên, hoặc cũng hướng tới lợi ích cho xã hội…Đó là một trong những nhu cầu của đời sống và pháp luật cũng đã dự liệu được vấn đề này, nhằm can thiệp một cách hợp lí, vừa đặt nó vào khung pháp lí nhưng cũng tạo điều kiện để các hình thức GDDS nói chung và GDDS có điều kiện nói riêng, diễn ra một cách rộng rãi trên thực tế, qua đó thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển. Tuy nhiên, việc dự liệu và tiến hành điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề này vẫn còn đòi hỏi sự hoàn thiện, vì pháp luật vẫn phải luôn cố gắng để phù hợp với đời sống ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ. Việc hoàn thiện dần các qui định liên quan đến vấn đề GDDS có điều kiện đòi hỏi phải xuất phát từ việc nghiên cứu đặc điểm, bản chất đồng thời không quên quan sát vào đời sống đang diễn ra ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của xã hội để sửa đổi, bổ sung pháp luật dân sự.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Một số vấn đề về giao dịch dân sự có điều kiện.doc