3.2.5. Chuyển các thành phần của nội
dung học tập trừu tượng thành sự mô tả hành
động hoặc đối tượng cảm tính
Việc làm này không chỉ hữu ích trong
việc hỗ trợ các phương án trình bày nội dung
học tập mà còn có ý nghĩa trong việc đánh
giá và áp dụng thông tin của người học trong
tiến trình học tập. Nó có ý nghĩa với việc
trình bày nội dung học tập bởi sự mô tả hành
động và đối tượng cảm tính thường là điểm
xuất phát để xây dựng các giả thuyết trong
nhận thức. Các giả thuyết lại là điểm khởi
đầu cho tất cả những hành động tiếp nhận,
xử lí, đánh giá và áp dụng thông tin. Khi
thực hiện thiết kế này người dạy cần chú ý
đến khả năng của chính mình trong việc sử
dụng các mô hình, biểu tượng, sơ đồ và
những phương tiện hỗ trợ khác. Nếu kĩ năng
sử dụng các phương tiện, các kĩ thuật trên
của giáo viên còn hạn chế thì nên thận trọng
với bước thiết kế này.
7 trang |
Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 399 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số kỹ năng thiết kế bài học theo lí thuyết nhận thức linh hoạt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
51(3):113 - 118 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
113
MỘT SỐ KỸ NĂNG THIẾT KẾ BÀI HỌC
THEO LÍ THUYẾT NHẬN THỨC LINH HOẠT
Lê Thị Quỳnh Trang (Trường ĐH Kĩ thuật công nghiệp - ĐH Thái Nguyên)
1. Đặt vấn đề
Một trong những đặc điểm lớn nhất của
hoạt động dạy - học ở đại học là mang tính
nghiên cứu khoa học, là sự kết hợp với hoạt
động nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, cốt
lõi của chất lượng dạy học ở đại học là tư duy
sáng tạo để giải quyết vấn đề có hiệu quả.
Trong quá trình dạy học, giảng viên
hướng dẫn sinh viên cách học, giúp sinh
viên tự tạo ra khả năng xác định vấn đề cần
giải quyết, thu nhận, xử lí thông tin và ứng
dụng chương trình để giải quyết vấn đề một
cách sáng tạo.
Theo lí thuyết nhận thức linh hoạt, nhận
thức của người học có tính linh hoạt. Tính linh
hoạt nhận thức là khả năng người học cấu trúc
lại một cách tự nhiên và tự do những tri thức
của mình bằng nhiều cách khác nhau nhằm
đáp ứng nhanh chóng những yêu cầu của tình
huống đang thay đổi một cách căn bản. Tính
linh hoạt của nhận thức không chỉ thể hiện
trong cách trình bày hay mô tả tri thức mà còn
thể hiện cả trong những hành động xử lí diễn
ra trên nền những biểu tượng và giá trị tinh
thần mà người học đã có. Để phát huy tính
linh hoạt nhận thức của người học, cần coi
trọng vai trò của tri thức kiến tạo (người học
kiến tạo tri thức dựa vào hoàn cảnh). Đây là
loại tri thức sống động, bắt nguồn từ chính
những yếu tố cấu thành hoàn cảnh cụ thể của
học tập và sự phát triển cá nhân của người
học. Hoàn cảnh cụ thể của học tập có thể là
các sự kiện tình huống, các sự kiện phát sinh từ
thực nghiệm, từ sự quan sát trực tiếp, từ những
liên hệ của bài học với thực tiễn cuộc sống.
Trong quá trình dạy học, người giáo viên phải
tạo được cơ hội để người học phát triển các kĩ
năng trình bày, áp dụng thông tin của mình
nhằm học tập đúng đắn.
2. Thiết kế mục tiêu học tập
Mục tiêu nói chung là kết quả dự kiến cần
đạt được sau khi thực hiện thành công một
hoạt động. Mục tiêu học tập là kết quả học tập
mà giáo viên mong muốn người học đạt được
sau bài học. Tất nhiên trong mục tiêu học tập
mà giáo viên thiết kế không chứa hết những
mục tiêu học tập chủ quan do chính người học
tự đặt ra cho mình. Việc thiết kế mục tiêu của
giáo viên căn bản tuân theo chương trình giáo
dục của môn học, hoặc tuân theo chuẩn học
vấn đã quy định trong chương trình và sách
giáo khoa chính thức.
Tuy vậy, mục tiêu học tập của cá nhân mỗi
người học đặt ra thường không hoàn toàn
trùng khớp với mục tiêu do giáo viên thiết kế.
Chỉ những yếu tố nào đó trong mục tiêu thiết
kế chuyển thành đối tượng hoạt động của
người học mới thực sự là mục tiêu bên trong
của người học. Ngược lại, không ít yếu tố mục
tiêu bên trong của người học sẽ nằm ngoài
thiết kế của giáo viên. Đó là thực tế khách
quan không thể xóa bỏ, hơn nữa còn phải
được tôn trọng, bởi vì chính những độ chênh
này mới thực sự là điều kiện cho sự phát triển
cá nhân và những khác biệt cá nhân trong
phương thức và thành tựu phát triển cá nhân
của con người.
Mục tiêu học tập của bài học được thiết kế
theo một số quy tắc sau:
2.1. Bảo đảm tính chất toàn vẹn của bài
học hoặc chủ đề học tập, theo đúng khái niệm
mà bài học hoặc chủ đề đó phản ánh.
2.2. Bao quát đủ ba lĩnh vực chung của học
tập, cả quá trình lẫn kết quả hay thành tựu học
tập. Đó là:
51(3):113 - 118 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
114
*) Nhận thức:
- Nhận thức tri thức: người học cần nhận
biết sự vật, sự kiện;
- Nhận thức kĩ năng gồm:
+ Kĩ năng hẹp: người học phải hiểu sự vật,
sự kiện đó; áp dụng sự nhận biết và sự hiểu
biết vào các tính huống học tập tương tự trên
cơ sở trí nhớ, nhớ lại và làm theo mẫu;
+ Kĩ năng mở rộng: người học phải thực
hiện các hành động trí tuệ logic như phân tích,
tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, suy luận,
phán đoán, đánh giá.
Như vậy, khi khái quát mục tiêu nhận thức,
người giáo viên cần phân biệt nhận thức tri
thức và nhận thức kĩ năng. Loại kĩ năng hẹp chỉ
ứng với tri thức sự kiện. Loại kĩ năng mở rộng
mới phản ánh trình độ khái niệm nhưng cũng
chỉ ở phương diện logic chứ chưa đầy đủ hoàn
toàn.
*) Tình cảm và khả năng biểu cảm bao
gồm các kĩ năng:
- Cảm thụ và phán xét giá trị đó là thừa
nhận, chấp nhận, phản đối, phê phán;
- Biểu đạt thái độ và giá trị - rung cảm,
đồng cảm, xúc cảm, bất bình, hài lòng;
- Hiểu tình cảm, tâm tư con người và các
vấn đề đời sống tình cảm;
- Ứng xử tình cảm và văn hóa thẩm mĩ phù
hợp với nội dung học tập.
*) Năng lực hoạt động thực tiễn bao gồm
các kĩ năng:
- Xã hội hay kĩ năng sống;
- Di chuyển tri thức và phương thức hành
động trong tình huống thực tế thay đổi;
- Phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề từ
những sự kiện thực tế.
Chỉ khi đạt được cả ba lĩnh vực mục tiêu
trên thì thành tựu của quá trình học tập mới
thật sự đầy đủ và phản ánh cấp độ hoạt động -
nhân cách của sự phát triển cá nhân.
2.3. Các yếu tố trong mục tiêu được mô tả
dưới hình thức những hành vi quan sát được.
Những hành vi đó là biểu hiện của hành
động, tri thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, khả
năng vận động thể chất và của các vận động
tâm lí cá nhân (chẳng hạn của các hoạt động
trí tuệ).
2.4. Mục tiêu có chức năng chỉ đạo cho
việc thiết kế những giai đoạn tiếp sau của
bài học. Do đó, việc lựa chọn các thuật ngữ
hay mệnh đề chính xác để phát biểu mục
tiêu là một kĩ thuật hết sức quan trọng, đòi
hỏi giáo viên phải chú ý tích lũy kinh
nghiệm thực tế. Những cụm từ thường thấy
trong các giáo án hiện nay như: “Nắm
vững”, “Tìm kiếm”, “Có khả năng”, “Cần
phải”, “Nắm được”,... đều chưa phải là ngôn
ngữ phát biểu mục tiêu học tập. Những câu
hay mệnh đề thừa như: “Học sinh cần nắm
được...”, “Sau khi học bài này học sinh sẽ
hiểu...”, “Bài này giúp học sinh nắm
vững...”, “Học sinh có thể tìm ra...” nên
tránh lạm dụng. Mục tiêu học tập được phát
biểu với tư cách những kết quả mà học sinh
cần đạt được, chứ không dành cho ai khác.
Những thuật ngữ và mệnh đề thích hợp để
phát biểu mục tiêu học tập có hình thức:
+ Nhớ và nhớ lại được định lí, công thức,
nguyên tắc, quy tắc, quan điểm, yêu cầu, mô
hình, sự kiện, nhân vật, hoàn cảnh... nào đó.
+ Giải thích được nội dung, mô tả được
hình thức hay cấu trúc, phân tích được thành
phần, so sánh được mức độ khác nhau hay
giống nhau... của đối tượng nào đó bằng
những công cụ như lời nói, văn bản, hệ thống
kí hiệu, phương tiện kĩ thuật...
+ Đánh giá được tầm quan trọng, ý nghĩa,
giá trị, mức độ, cường độ... của quá trình, sự
kiện, sự vật nào đó.
51(3):113 - 118 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
115
+ Biết thực hiện (hay tiến hành, hoàn
thành, làm...) hành động hay hành vi nào đó, ở
trình độ nhất định (đúng mẫu, nhanh đến đâu,
chính xác ở mức độ nào).
+ Biết thể hiện ý thức (hay thái độ, xúc
cảm, tính cảm, nhu cầu, lí trí...) trước sự kiện
(hay đối tượng quan hệ, tình huống nào đó)
theo định hướng giá trị nhất định.
+ Biết hoàn thành công việc nào đó với
những tiêu chí cụ thể như: lập kế hoạch, tổ
chức, phát hiện, tra cứu, xử lí số liệu hay tình
huống, nêu và giải quyết vấn đề, đo lường,
đánh giá, phê phán, nhận xét...
3. Thiết kế nội dung học tập
Thiết kế nội dung học tập là một trong
những nội dung của thiết kế bài học làm cơ
sở để thiết kế phương pháp dạy học cụ thể
của giáo viên. Nếu giáo viên muốn sử dụng
các phương pháp dạy học tích cực thì thiết
kế bài học của họ phải tuân theo nguyên tắc
dựa vào người học và các hoạt động của
người học. Lí thuyết nhận thức linh hoạt là
một trong những lí thuyết cho nhiều gợi ý
bổ ích trong việc thiết kế bài học theo
phương hướng trên, đặc biệt là thiết kế nội
dung học tập.
Nội dung học tập là cái mà người học
phải chiếm lĩnh và biến nó thành kinh
nghiệm của bản thân. Nội dung hoc tập tồn
tại khách quan với người học và là cái nhờ
đó người học có thể đạt được các mục tiêu
học tập do người dạy thiết kế. Tuy nhiên,
không phải là tất cả mục tiêu học tập đều là
mục tiêu bên trong của người học khiến
người học khao khát đạt đến. Vì lẽ đó, để gia
tăng khả năng của người học trong việc
chiếm lĩnh nội dung học tập cần phải làm
cho nội dung học tập trở thành đối tượng của
hoạt động học tập, phải thực sự coi nội dung
học tập là hình thái đối tượng hóa của mục
tiêu học tập.
Với quan niệm về nội dung học tập và
những luận điểm cơ bản của lí thuyết nhận
thức linh hoạt đã trình bày trên, việc thiết kế
nội dung học tập theo lí thuyết nhận thức linh
hoạt cần theo các yêu cầu và logic dưới đây.
3.1. Các yêu cầu
3.1.1. Đa dạng hóa các trình bày và mô tả
nội dung học tập
Nội dung học tập phải được thiết kế theo
nhiều logic cũng như cách tiếp cận khác
nhau để khi thi công, người dạy có thể tổ
chức để người học tiếp cận đối tượng học
tập bằng nhiều con đường, nhờ đó làm bộc
lộ nhiều khía cạnh, nhiều kích thước khác
nhau của nội dung học tập. Yêu cầu này đòi
hỏi người dạy phải gia công nội dung học
tập, tránh thói quen thiết kế máy móc tuyệt
đối dựa vào logic sách giáo khoa và coi đó
là con đường duy nhất để trình bày nội dung
học tập, (bởi thói quen đó có ảnh hưởng
không nhỏ đến quá trình tìm kiếm các con
đường khác nhau để tổ chức nội dung học
tập). Khi thiết kế nội dung học tập với nhiều
cách thức tổ chức và mô tả, nó cần có sự hỗ
trợ của nhiều tài liệu học tập, sách giáo
khoa và nhiều phương tiện kĩ thuật dạy học
khác nhau.
3.1.2. Tạo ra nhiều cơ hội để người học
kiến tạo nội dung học tập
Khi thiết kế nội dung học tập phải chú ý
tối đa các tình huống, các hoàn cảnh có thể
giúp người học kiến tạo cho mình tri thức
thuộc phạm vi của nội dung học tập. Đây là
những tri thức sống động do người học kiến
tạo phụ thuộc vào hoàn cảnh. Muốn vậy, cần
căn cứ vào sự phát triển cá nhân của người
học để dự kiến những yếu tố cấu thành hoàn
cảnh cụ thể của học tập khiến cho người học
phải tạo ra cấu trúc mới trong kinh nghiệm
của mình mới có thể thích ứng được với
hoàn cảnh đó.
51(3):113 - 118 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
116
3.1.3. Nội dung học tập phải đảm bảo
tính liên tục trong sự liên kết lẫn nhau ở
mức độ cao
Thiết kế nội dung học tập phải căn cứ vào
điều kiện học liệu và các kĩ thuật dạy học có
khả năng sử dụng trong quá trình học tập để
tạo ra sự liên kết thông tin học tập. Đó là sự
liên thông giữa các kiểu tài liệu (tài liệu in, tài
liệu nghe nhìn thông thường, tài liệu và
phương tiện multimedia,...) cũng như sự liên
thông giữa nhiều kĩ thuật dạy học (như lời nói,
tranh ảnh, bản đồ, câu hỏi và câu trả lời, ngôn
ngữ đàm thoại và thảo luận, ngôn ngữ lập
trình và hệ thống hộp thoại trong phần mềm
giáo dục,...). Đảm bảo sự liên thông trên sẽ
giúp cho các nguồn tri thức không bị cắt rời
nhau trong quá trình học tập của người học.
3.2. Logic thực hiện
3.2.1. Xác định bối cảnh học tập
Xác định bối cảnh học tập là tìm kiếm lời
giải cho câu hỏi: Khi người học nghiên cứu
nội dung học tập này thì cần có những tri
thức và kĩ năng nào? Câu trả lời sẽ cho phép
xác định được những kinh nghiệm nào của
người học cần được huy động để bước vào
nghiên cứu nội dung học tập. Có người cho
rằng, xác định bối cảnh học tập cũng có
nghĩa xác định điều kiện tiên quyết đối với
người học khi nghiên cứu một nội dung học
tập mới.
3.2.2. Lựa chọn các công cụ để chuẩn đoán
và huy động kinh nghiệm của người học
Bước tiếp theo, người dạy phải trả lời tiếp
câu hỏi: Người học đáp ứng được ở mức độ
nào đối với bối cảnh học tập? Khi thiết kế các
chương trình dạy học, các nhà chuyên môn đã
thiết kế những vấn đề học tập theo logic nhất
định đảm bảo cho người học có đủ điều kiện
để tiếp tục nghiên cứu những vấn đề học tập
tiếp theo trong chương trình (kết thúc vấn đề
này là điều kiện để nghiên cứu vấn đề tiếp
theo). Tuy nhiên, không phải mọi người học
đều đáp ứng được yêu cầu đó. Mức độ nắm
vững nội dung học tập trước đó của người học
không như nhau, sự rơi rụng thông tin có liên
quan đến nội dung học tập đã học vẫn thường
xảy ra. Vì thế, cần giả định rằng: Mặc dù mọi
người học đều đã được cung cấp vốn kinh
nghiệm như nhau để nghiên cứu nội dung học
tập mới nhưng kinh nghiệm chủ thể này ở mỗi
người học lại khác nhau. Với giả định đó, cần
có dự báo về mức độ kinh nghiệm đã có của
người học trước khi họ bắt tay nghiên cứu nội
dung học tập mới.
Trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm của
người học theo bối cảnh học tập, người dạy
thiết kế hoặc lựa chọn những kĩ thuật khác
nhau để huy động những kinh nghiệm này của
người học. Việc huy động kinh nghiệm có ý
nghĩa kích hoạt nhu cầu nhận thức của người
học, vì thế nó phải được gắn kết với nội dung
học tập sẽ được thực hiện.
3.2.3. Phân chia nội dung học tập để
định hướng cho việc xây dựng các tình
huống dạy học
Nội dung học tập phải được phân chia
thành các vấn đề học tập tương đối độc lập
thì giáo viên mới có thể xây dựng được các
tình huống dạy học khác nhau nhằm trình
bày hay mô tả chúng, từ đó hi vọng tạo ra
được tình huống vấn đề ở người học. Cần
phải phân chia nội dung học tập thành các
vấn đề học tập, bởi chính vần đề học tập là
cơ sở khách quan chủ yếu nhất của tính vần
đề của dạy học (tính vấn đề của dạy học còn
có thể bắt nguồn từ những yếu tố khác như
quan hệ sư phạm trên lớp, hình thức của học
liệu, tính chất của phương tiện kĩ thuật dạy
học,...). Dựa vào tính vấn đề của dạy học,
người dạy mới có cơ sở khách quan để tạo ra
và kích hoạt thái độ cũng như những phản
51(3):113 - 118 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
117
ứng cần thiết của người học khi họ bắt tay
vào học tập (dễ chịu, hứng thú hay khó chịu,
bất bình và từ chối,...). Phương tiện để người
dạy kích hoạt thái độ và phản ứng của người
học chính là các tình huống dạy học. Những
tình huống dạy học này là cầu nối trung gian
giữa người học (cá nhân) với vấn đề học tập
và có thể làm cho vấn đề học tập đó trở thành
đối tượng học tập của người học (nếu như ở
cá nhân người học xuất hiện tình huống vấn
đề). Mặc dù người dạy chủ động tạo ra các
tình huống dạy học, nhưng giá trị và tác dụng
của các tình hống dạy học phụ thuộc rất
nhiều vào kinh nghiệm (được xác định ở 2
bước nêu trên) cũng như trạng thái tâm lí của
người học. Điều này cho thấy sự gắn kết các
bước trong logic thiết kế nội dung học tập
theo lí thuyết nhận thức linh hoạt.
3.2.4. Thiết kế các phương án trình bày
khác nhau với mỗi vấn đề học tập
Mỗi vấn đề học tập cần được thiết kế để
làm sáng tỏ các khía cạnh khác nhau của
chúng, giúp người học có điều kiện kiến tạo
tri thức theo tình huống. Các khía cạnh khác
nhau của vấn đề có thể được khai thác bao
gồm: hình thức, cấu trúc, logic, chức năng,
đặc điểm, dấu hiệu, hành vi, thực thể, động
lực, xu thế,... Do vậy, căn cứ vào tính chất
của vấn đề học tập có thể sử dụng những kĩ
thuật khác nhau để thiết kế các phương án
trình bày vấn đề học tập một cách linh hoạt.
+ Hướng dẫn người học tách đối tượng
được khái niệm phản ánh ra khỏi lớp đối
tượng cùng loại dựa trên dấu hiệu khác biệt.
Chẳng hạn, khi dạy các tính chất của tam giác
cần giúp học sinh xác định các dấu hiệu nhờ
đó có thể tách tam giác cân ra khỏi lớp các
tam giác; khi dạy Tâm lí học cần tách quá
trình tâm lí ra khỏi lớp các hiện tượng tâm lí,...
+ Giúp người học xác định tính chất của
mối quan hệ giữa khái niệm cần nghiên cứu
với một khái niệm khác đã biết. Ví dụ: Khái
niệm về máy biến áp dựa trên khái niệm cảm
ứng điện từ; khái niệm về động cơ điện dựa
trên khái niệm từ trường quay
+ Tổ chức để người học thực hành hoặc
quan sát sự hình thành đối tượng mà khái
niệm phản ánh, qua đó nắm bắt được bản chất
của đối tượng. Ví dụ: cách tạo ra mặt cầu,
cách thức tạo ra các nhóm chính thức trong
quan hệ xã hội...
+ Hướng dẫn người học sử dụng các thao
tác logic để xây dựng khái niệm mới từ những
khái niệm đã biết. Các thao tác thu hẹp và mở
rộng khái niệm thường hay được sử dụng
trong trường hợp này.
3.2.5. Chuyển các thành phần của nội
dung học tập trừu tượng thành sự mô tả hành
động hoặc đối tượng cảm tính
Việc làm này không chỉ hữu ích trong
việc hỗ trợ các phương án trình bày nội dung
học tập mà còn có ý nghĩa trong việc đánh
giá và áp dụng thông tin của người học trong
tiến trình học tập. Nó có ý nghĩa với việc
trình bày nội dung học tập bởi sự mô tả hành
động và đối tượng cảm tính thường là điểm
xuất phát để xây dựng các giả thuyết trong
nhận thức. Các giả thuyết lại là điểm khởi
đầu cho tất cả những hành động tiếp nhận,
xử lí, đánh giá và áp dụng thông tin. Khi
thực hiện thiết kế này người dạy cần chú ý
đến khả năng của chính mình trong việc sử
dụng các mô hình, biểu tượng, sơ đồ và
những phương tiện hỗ trợ khác. Nếu kĩ năng
sử dụng các phương tiện, các kĩ thuật trên
của giáo viên còn hạn chế thì nên thận trọng
với bước thiết kế này.
4. Kết luận
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của
khoa học kĩ thuật, lượng kiến thức mà người
học cần thu nhận ngày càng lớn. Mặt khác,
51(3):113 - 118 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
118
trình độ của học sinh mà xã hội đòi hỏi ngày
càng cao để đáp ứng nhu cầu của nền sản
xuất công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Vì
thế, người giáo viên không chỉ dạy đạt yêu
cầu mà còn phải dạy tốt, dạy có chất lượng.
Muốn như vậy, ngoài những kĩ năng sư phạm
khác, trong quá trình dạy học, người giáo viên
cần có kĩ năng thiết kế mục tiêu và nội dung
học tập theo lí thuyết nhận thức linh hoạt của
người học
51(3): 3 - 7 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009
119
Tóm tắt
Bài báo trình bày một số kĩ năng thiết kế bài học theo lí thuyết nhận thức linh hoạt nhằm phát huy
tốt vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong quá trình dạy học.
Summary
Some skills designing lecture of awreness flexible theory
In this paper are presented some skills propsed by the author on designing lecture of awreness
flexible theory which develop activenoss, initiative, creatinoss of students in teaching and
learning process.
Tài liệu tham khảo
[1]. Nguyễn Quang Huỳnh (2006), Một số vấn đề lí luận giáo dục chuyên nghiệp và đổi mới phương pháp
dạy học, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội.
[2]. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, NXB Đại học
Sư phạm.
[3]. Dương Phúc Tý (2006), Phương pháp dạy học Kĩ thuật công nghiệp, NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội.
[4].
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- brief_1039_9520_22_7057_2053138.pdf