Một số đặc điểm nồi bật của lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết Vi Hồng

Vi Hong is one of the writers of prose typical of the ethnic minorities in Vietnam in generally and the North Vietnamese ethnic minorities in particularly. By using some typical types of sentences in his novels such as sentences repeating structures of components, compound sentences showing conditions and results, or compound sentences showing concession, Vi Hong not only impressed readers with the soft, flexible, smooth and bright writing but also highlighted his messages in each novel.

pdf8 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 371 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số đặc điểm nồi bật của lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết Vi Hồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 7 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỒI BẬT CỦA LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT VI HỒNG Nguyễn Thị Thu Hương* Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên TÓM TẮT Vi Hồng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số Việt Bắc nói riêng. Bằng việc sử dụng một số dạng lời văn tiêu biểu trong lối viết tiểu thuyết như câu trần thuật lặp cấu trúc thành phần, câu ghép chỉ điều kiện (giả thiết) – kết luận và câu ghép chỉ sự nhượng bộ, Vi Hồng không chỉ làm cho người đọc ấn tượng với lối diễn đạt mềm mại, uyển chuyển, mượt mà và trong sáng mà còn làm nổi bật lên nội dung thông điệp trong từng tiểu thuyết. Từ khóa: Vi Hồng, văn xuôi, dân tộc thiểu số, lời văn nghệ thuật, tiểu thuyết TÁC GIẢ VI HỒNG VÀ VẤN ĐỀ LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC* Vi Hồng là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số Việt Bắc nói riêng. Sức sống các tác phẩm của ông và tên tuổi của nhà văn đã được khẳng định. Việc nghiên cứu các sáng tác của ông những năm gần đây đã được mở rộng về nhiều khía cạnh như: tính dân tộc, giọng điệu, bản sắc văn hóa, cách viết, sự nghiệp sáng tác Trong đó, cách tổ chức lời văn nghệ thuật của Vi Hồng cũng rất riêng và là một đối tượng nghiên cứu đáng được quan tâm. Theo Từ điển Thuật ngữ văn học “Lời văn nghệ thuật là dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật, là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học” [7;288]. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu lời văn nghệ thuật trong tiểu thuyết Vi Hồng (cụ thể là một số dạng câu điển hình mà nhà văn ưa dùng) dựa trên lí luận về thi pháp lời văn trên các cấp độ ngôn ngữ của GS Trần Đình Sử. Theo nhà lí luận thì cú pháp cũng là phạm vi thể hiện thi pháp; trong các quy tắc kết hợp của ngôn từ, thi pháp cũng thể hiện đa dạng. Cụ thể, thơ có các phép đảo trang, đối, lặp, tỉ, hứng, còn cú pháp văn xuôi có những quy tắc khác nhau tạo nên màu sắc riêng trong lối viết. Nhà văn Lâm Tiến đã khẳng định Vi Hồng có cách viết riêng: “vừa hiện thực, vừa lãng * Tel: 0985610650 mạn, vừa dân gian, vừa bác học, vừa truyền thống, vừa hiện đại” [5]. Nhưng dường như cái lãng mạn, cái dân gian lấn lướt cái hiện thực, cái bác học nên tác phẩm của Vi Hồng, có thể nói, chúng được sáng tạo theo kiểu tư duy dân gian – truyền thống. Chính cách tư duy nghệ thuật như vậy chi phối mạnh mẽ đến đặc điểm ngôn ngữ trong tác phẩm. Như PosPelov từng viết: “Cái có ý nghĩa lớn nhất là nguyên tắc phản ánh đời sống trong một tác phẩm nào đó thuộc lối hiện thực hoặc thuộc lối không hiện thực. Nhà văn càng xa chủ nghĩa hiện thực thì khi đó ở các hành động, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật với mức độ càng lớn, không bộc lộ cái bản chất của tính cách mà thưởng chỉ bộc lộ tính khuynh hướng tư tưởng cảm xúc, xu hướng của tác phẩm khi đó các đặc điểm lời nói của nhân vật càng gần với lời văn của tác giả” [6;149 ]. Ở tiểu thuyết của Vi Hồng, hiện tượng này khá nổi bật. Với quan niệm nghệ thuật không lấy yêu cầu tái hiện hiện thực nghiêm ngặt làm nguyên tắc sáng tác, Vi Hồng chuộng miêu tả khả năng, dụng công nhiều ở việc miêu tả cái có thể có (tức là khả năng tưởng tượng, hư cấu, sáng tạo tạo nên những hình tượng nghệ thuật thường mang tính ước lệ, tượng trưng, lý tưởng hóa). Khoảng cách rất gần giữa lời nói của nhân vật và lối trần thuật của tác giả phục vụ cho đích quan trọng nhất là bộc lộ thành công tư tưởng, cảm xúc của tác phẩm. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích kiểu lời văn giàu tính ước lệ và tính cụ thể hóa trong tiểu thuyết Vi Hồng dưới dạng tồn Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 8 tại trong hình thức một số cấu trúc câu. Với lối tư duy nghệ thuật dân gian – truyền thống, dường như những tác phẩm của Vi Hồng chỉ mượn những chất liệu từ cuộc sống để tạo nên tác phẩm của mình. Vì thế hình tượng trong tác phẩm của Vi Hồng thường mang tính ước lệ, tượng trưng, lý tưởng hóa. Chính điều này đã quy định tính ước lệ trong ngôn ngữ và lời văn của Vi Hồng. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến cũng đã chỉ ra: “Những từ như trai tơ, gái nụ, trai nụ, gái hoa, trai thanh, gái nụ, những chi tiết như: quý hơn cả ông trời, sung sướng như ông trời, to bằng ông trời, quý hơn cả ngọc ngà, đẹp như một nàng tiên, rực rỡ như đóa hoa tiên, hóa thành nơi vách núi, chữ viết như rồng bay, phượng múa, như hoa nở trong vườnthường có trong tác phẩm của Vi Hồng ” [5]. Câu hỏi đặt ra là tại sao “ước lệ” lại song hành với “cụ thể hóa”? Chính việc lặp những cấu trúc ước lệ trong lời văn theo lối diễn đạt trùng điệp (thậm chí tạo thành nhịp, thành vần) đã cụ thể hóa tính chất của đối tượng mà nhà văn đang nói đến, cụ thể hóa tâm trạng của nhân vật, hay tâm tình kín đáo mà nhà văn muốn giãi bày, trao gửi. Trường hợp này ước lệ ở mặt hình thức, cụ thế hóa trong ý nghĩa. Cũng có những cấu trúc lặp trong câu mà bản thân nó đã mang tính cụ thể. Nó dân dã, gần gũi, dễ hiểu như những lời nói đời thường nhất. Ngoài ra cũng có một số mô típ câu trong lời văn cũng tạo nên nét đặc trưng của lời văn Vi Hồng. Người đọc được thả mình trong thế giới liên tưởng, tưởng tượng vô cùng phong phú nhưng đồng thời vẫn khám phá, thấu hiểu một cách cụ thể điều mà lời văn đề cập. MỘT SỐ DẠNG CÂU TIÊU BIỂU TRONG TIỂU THUYẾT CỦA VI HỒNG Câu trần thuật lặp cấu trúc các thành phần Trong lời trần thuật, nhà văn miêu tả, đánh giá tính chất của hiện tượng, vẻ đẹp của thiên nhiên và những biểu hiện ở bên ngoài của nhân vật. Phép lặp trong cấu trúc câu, trong đoạn “là nguyên tắc kết hợp tạo nhịp điệu, thống nhất và mở rộng nghĩa”. Chẳng hạn, khi đánh giá toàn diện về gia đình Châu Đoàn Pàng, Vi Hồng dùng hàng loạt các cụm từ (tính từ/danh từ + “nhất”) để diễn tả: “Châu Đoàn Pàng giàu nhất, giỏi nhất, khôn ngoan nhất, thế lực nhất, vợ con nó cũng nhất mọi nhẽ”. Không ai là địch thủ của hắn trong cái bản Chín Thoong ấy – chúng ta hiểu được điều đó một cách dễ dàng. Chính vì thế mà Châu Đoàn Pàng tự tin vào sức mạnh, vào khả năng xoay chuyển, tác động, chi phối mọi thứ của mình. Bức tranh thiên nhiên của núi rừng trong tác phẩm cũng được đặc tả và hiện lên với nhiều sắc thái khác nhau qua phép lặp cấu trúc lời văn. Cái nắng trên dòng thác Chín Thoong được tác giả miêu tả: “Nắng nằm sõng soài trên các sườn núi quang cây. Nắng vắt vẻo trên từng ngọn cây của mọi cánh rừng. Nắng nằm ườn trên mắt vực Chín Thoong”. Những câu văn miêu tả liên hoàn mang đầy hình ảnh, đầy sự vận động của ánh nắng. Nơi nơi bản mường Chín Thoong đã được nắng bao trùm, tuôn chảy. Nắng có khi ru mình êm đềm, có khi nhảy nhót, có khi lại lười biếng thật đáng yêu. Hình ảnh “con nước” mà bố Phàn và Hoàng đã kì công nghiên cứu để đem về cho dân bản cũng được đặc tả đầy ấn tượng: “Đất chảy ào ào theo con nước. Con nước đục ngàu chảy băng băng về đồng. Con nước to gấp mấy chục lần con nước do chiếc cọn bao đời múc nước lên ruộngNước chảy cả vào con mương nước cọn, nước tràn trề lênh láng. Nước làm trôi cả những đàn vịt về cuối mương”. Sức mạnh của con nước chính là sức mạnh của sự văn minh, tiến bộ. Vi Hồng có thói quen đặc tả khi viết về thiên nhiên. Ông tả bằng tâm hồn nhạy cảm, bằng con mắt đầy chất thơ. Làm sao tả thật cụ thể, chi tiết; tả làm bật lên vẻ đẹp nguyên hình, nguyên hương, nguyên sắc của thiên nhiên mà vẫn đi vào lòng người. Kiểu câu văn dài, lặp nhịp, vần, hoặc lặp liên tiếp cấu trúc giữa các câu dường như đã chắp cánh cho ngòi bút của nhà văn. Khi Vi Hồng nói về mảnh hồn dân tộc Tày – là những bài lượn, khúc lượn đã bắt đầu bắt nhịp vào tâm hồn Hoàng lúc Hoàng đến cái tuổi của những chàng thanh niên đang độ xuân nồng, nhà văn cũng diễn tả cái mượt mà, bay bổng, lãng mạn, cái thăng hoa của tuổi trẻ trong Hoàng: “những khúc lượn gửi cho mây, cho gió, cho mình nuôi giọng, câu đau – đau như dứt từ da mà ra, câu buồn – buồn như tình yêu xa tình yêu; câu mừng – mừng như đàn chim bay qua biển lớn bỗng gặp Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 9 rừng cây”. Lượn là niềm say mê, là nơi Hoàng trao gửi những tâm tình riêng tư của cả cõi lòng khốn khổ đến đắng cay. Cũng miêu tả tiếng lượn trong Mùa hoa Bjoóc loỏng, tác giả làm nổi bật cái dặt dìu, ngất ngây của âm thanh đối lượn giữa đất trời, giữa ngày hội tưng bừng: “Tiếng lượn của người con trai, con gái vang lên từ hai buồng thổ cẩm rực rỡ làm lay động mọi lá cây ngọn cỏ, làm phập phồng cả không gian buổi sáng xuân trong sáng”. Đối với người dân mường Khoang Đông, họ nói đó là “hai con rồng lượn, hai con chim phượng hoàng gặp nhau”. Trùng điệp về hình thức cấu trúc song lại phong phú về hình ảnh nên cái được nói đến “đẹp” trong ngôn từ ước lệ, cụ thể và sâu sắc trong các tầng nghĩa. Ông Phàn (Tháng năm biết nói) cảm ơn Châu Đoàn Pàng đã có tấm lòng mời mình ăn bữa cơm “miếng chín, miếng mười, miếng tái, món cạn, món nước”. Ngọc đau đớn vì gia đình mình đã mang ơn Châu Đoàn Pàng lúc nghèo khổ để giờ “nợ miệng, nợ túi tiền, nợ cả gánh cả khênh”. Món nợ ấy ép bố mẹ Ngọc phải gả Ngọc cho Bùng. Kiểu lời văn mang cấu trúc lặp như trên cũng rất phổ biến khi Vi Hồng miêu tả, khắc họa con người từ ngoại hình đến tâm hồn. Cái cười của người đàn bà đần độn xấu xí sinh thằng Thìm được miêu tả: “cô ta chỉ nhếch mép cười như trâu cười nước đái của nó. Nghĩa là cười bằng cách nhắm tít mắt, cặp môi vênh váo, cười im lặng, cười câm”. Nụ cười vừa có phần ngu ngơ, lại vừa có phần ẩn bí. Thằng Thìm sau này cũng mang cái cười như thế của dòng máu nhà nó: “Nó cười câm, cười trâu, cười đái suốt ngày”, “cười nhoẳn cả mũi, cười vặn cả cặp môi”. Còn nụ cười của bố Phàn thì chất chứa đầy tâm trạng dằn vặt của con người mang nặng tình đời. Trước khao khát học hành của cậu bé Hoàng dù phải lấy vợ và trước sự hồn nhiên đến đáng thương của tâm hồn trẻ thơ – vì Hoàng chưa hiểu vợ là gì, “bố Phàn cười chảy cả nước mắt, cười lớn, cười to”, để ngay lập tức ông ta im bặt và lau nước mắt đầy chua xót. Vẫn con người ấy, nhưng “ông lại cười méo mó,cười như lẫn với cay đắng tan biến vào máu thịt trên khuôn mặt đầy phúc hậu của ông” khi ông nghe Hoàng giải thích tại sao gọi vợ mình bằng chị và kể tính xấu của vợ. Còn cái cười của Băng khi Hoàng chẳng hiểu gì về chuyện chăn gối vợ chồng được mô tả phù hợp với tính cách vô tư của những đứa trẻ mới lớn: “Băng cười ré lên. Cái cười rủ lá che thân, mượn ống giấu mật”. Không chỉ có tiếng cười mà những trạng thái khác của con người cũng được nhà văn cụ thể hóa bằng sự sắp xếp liên tiếp những hình ảnh cụ thể xen ước lệ hoặc toàn ước lệ. Đặc tả nỗi buồn của nàng Thu Lạ (Mùa hoa Bjoóc loỏng) thì được đặc tả: “Chị buồn như lá dong héo phơi nắng, như lá khô rơi trong đêm sương muối”. Đặt liên tiếp cấu trúc và hình ảnh như thế cho ta cảm thấy nỗi buồn ấy không chỉ làm héo hắt trái tim nàng mà còn như kim châm làm âm ỉ và buốt giá tâm hồn nàng. Khi bị người khác sỉ nhục là đồ “ma gà”, Thu Lạ thấy mình “như chân tay rã rời, như mục, như ải”. Nỗi cay đắng như ăn vào da thịt nàng, nàng khóc rung cả sàn nhà. Vi Hồng đặc tả nỗi đau ấy qua những giọt nước mắt của nàng: “nước mắt ướt đẫm hai má của nàng. Nước mắt se lông mi thành những sợi to, nhọn hoắt”. Nàng đã khóc quá nhiều, đó là những giọt nước mắt đau đớn cho thân phận và căm phẫn, nguyền rủa những kẻ độc ác đã vu vạ điều xấu xa cho nàng. Khảo sát những lời thoại của nhân vật trong tác phẩm của Vi Hồng, chúng tôi thấy kiểu câu lặp cấu trúc thành phần được sử dụng với ưu thế tối đa. Nhân vật có thể giãi bày lòng mình, trao đổi tâm tình, khơi gợi kỉ niệm với người khác hoặc những lời đối đáp giao tiếp, hỏi thăm trong cuộc sống đời thường. Cũng có khi những câu văn ấy là dòng chảy tâm hồn của nhân vật. Quan sát cách sắp xếp, tổ chức các cụm từ trong câu văn của Vi Hồng, chúng ta thấy các cụm từ, các câu văn trong đoạn, các câu trong hệ thống lặp cấu trúc thường đẳng lập với nhau về hình thức (thường là lặp cấu trúc cụm động từ, cụm danh từ hoặc cụm tính từ) và tương đương về ý nghĩa; hoặc cụm từ, câu đứng sau bổ sung, làm rõ nghĩa cho cụm từ, câu trước đó. Điều này tạo nên tính liên kết chặt chẽ trong lời văn (cả về hình thức và ý nghĩa) và tính tập trung trong khi diễn tả, tạo hiệu quả nghệ thuật trong “một cách viết riêng”. Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 10 Nỗi buồn riêng trải dài trong suy nghĩ của Hoàng cũng hiện lên qua lời văn có kết cấu chuỗi như thế: “Hoàng thấy nỗi buồn làm mềm lòng, mềm loãng cả dòng suy nghĩ”. Những tháng ngày xa quê, mang nặng tình riêng trong lặng câm mà sống, làm và học. Những cứ nghĩ về Chín Thoong là Hoàng “háo hức, nở hoa, nở nụ trong lòng”. Nỗi nhớ quê đầy vơi như con sóng dâng dạt dào trong trái tim Hoàng: “Hoàng nhớ quê với nỗi nhớ nhức nhối. Yêu quê lắm, nhớ quê lắm Hoàng nhớ tất cả những nét uốn cong của mọi dãy núi, nhớ từng bóng chim bay trên trời quê, nhớ từng đàn cá bơi lội giữa dòng Chín Thoong”. Nỗi nhớ của Hoàng đã ôm trọn núi rừng, bản mường Chín Thoong, nó bừng lên, đốt cháy lòng anh, thôi thúc bước chân anh về, nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh người đàn bà có hàm răng ba ba thì Hoàng lại ngạt thở trong nhớ thương, cách trở. Nếu Tháng năm biết nói là cuốn tự truyện thấm thía nỗi buồn thương, cái lãng mạn trong tâm hồn Vi Hồng như chưa tìm thấy mảnh đất riêng của nó mà cất cánh; thì ở Mùa hoa Bjoóc loỏng, cái bay bổng, mượt mà, bóng bẩy trong lời văn lại vút bay. Bởi nó được thoát ra từ những tâm hồn tuổi thơ đang căng tràn sức xuân và tình yêu. Nhà văn cũng đồng điệu với dòng suối ngọt ngào những tâm tình của những trai nụ, gái hoa, trai tơ, gái nụ Khi Xinh Xông cứ van nỉ Mạnh Kha cho biết chàng trai nào đối lượn cùng nàng thì Mạnh Kha mượn lời rất khéo để tránh câu trả lời: “Anh chỉ sợ khi mà gặp được chàng trai mà em thường đối lượn cùng thì tiếng lượn của em cụt mất cánh, nhạt mất màu, mất phấn hương”. Anh chàng Cặm Cang nói chuyện với những nàng tiên xinh đẹp “lúc nào cũng ngọt tiếng, ngọt lời”, tâm hồn thì dạt dào sli lượn; nhưng mỗi lần ngước mắt nhìn lên thấy chàng xấu quá thì Xinh Xông đóng chặt tâm hồn mình theo bản năng người con gái. Vi Hồng đã diễn tả điều đó vừa rất hình ảnh, vừa bay bướm mà rất cụ thể hóa: “lập tức những nụ, những cánh hoa nhạy cảm, những hương thầm, những phấn thơm đều như khép kín lại ”. Bao nhiêu nguồn mạch của sự tươi non mơn mởn. của những tình tứ trong cõi lòng Xinh Xông không còn mở lối cho Cặm Cang. Phép lặp cấu trúc liên câu trong tiểu thuyết Vi Hồng thường bắt gặp ở những đoạn miêu tả nội tâm. Dòng chảy tâm trạng của nhân vật như một bản nhạc thấm buồn qua nhịp điệu các câu. Mi Tráng yêu Xinh Xông tha thiết nhưng lại không dám đón nhận tình yêu của nàng dù trong lòng chàng đang thả hồn về những giấc mơ hạnh phúc tuyệt vời. Chàng đã thấy rõ được sự chênh vênh của mối tình và luôn mặc cảm về thân phận “ma gà”: “Ta như đóa hoa đang nở căng, nhưng có thể thoắt bị mụ phù thủy phù phép héo úa. Ta như cái quả lê chín mọng treo rủ ở đầu cành, trước toán bàn dân thiên hạ nhưng con dơi hoang, dơi mèo, dơi cú gì đó lại có thể gặm nhấm”. Sự mâu thuẫn, nỗi lo lắng về số phận, về tương lai đang dằn vặt những suy nghĩ của chàng trai. Tâm trạng ngổn ngang, đa chiều như vậy, ta bắt gặp ở Người trong ống, khi Tú thực hiện xong lễ “xăm ràng” với Ai Hoa, “chiến thắng” trở về: “Hoa ngàn đang khao khát, ong bướm vẫn dập dìu, nhưng sao anh thấy núi rừng cô quạnh quá. Những đàn chim đẹp vẫn giăng mắc giữa hai sườn núi, nhưng sao chúng bay những đường rối mù vậy. Tiếng cu gườm gáy ngon ngọt như thả từng chuỗi vàng ngọc dài theo thung lũng, nhưng anh nghe như tiếng khóc than ai oán”. Đáng lẽ Tú phải mừng khi anh đã vượt qua được một cửa ải đầy sóng gió của đời anh để tiếp tục thực hiện chí lớn song Tú lại mang một nỗi buồn da diết. Tú buồn cho chính bản thân và buồn cho cả Ai Hoa nữa. Bởi trong cuộc đời gặp được người mình yêu và yêu mình không phải dễ dàng gì. Tú buồn vì phải từ bỏ tình yêu này, buồn hơn vì làm khổ một người con gái nặng tình nặng nghĩa lại vô cùng xinh đẹp như Ai Hoa. Vì thế lúc này đi giữa thiên nhiên núi rừng có tươi non, tràn ngập hương sắc và âm thanh thì đối với Tú cũng đâu có ý nghĩa gì. Nó chỉ càng làm cho lòng anh quặn thắt một nỗi đau, nỗi cô đơn mà thôi. Lặp cấu trúc câu đối lập hai vế “A nhưng B” đem lại sắc thái tâm trạng phức tạp đầy mâu thuẫn đang diễn ra trong nội tâm nhân vật. Đi vào những lời đối thoại, chúng ta khám phá ra những sắc màu mới của kiểu câu lặp cấu trúc các thành phần. Ngôn ngữ, lời văn trở nên sống động và có sự biến hóa lạ kì khi nó là lời nói của nhân vật, là những lời hỏi Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 11 thăm, trao gửi tâm tình Thu Lạ mới Mạnh Kha ở lại khi bố vắng nhà, Mạnh Kha thực thà nói: “em không sợ tiếng khóc, tiếng chì, tiếng bướm, tiếng ruồi xanh hay sao”. Chim Ca lên rừng tìm gặp Thu Lạ, nàng ngạc nhiên phải thốt lên: “Em cảm thấy việc dữ đang đến đầu bàn chân em. Việc xấu xa như con nước máng sắp đổ xuống đầu em”. Bất ngờ về cuộc viếng thăm này nên Thu Lạ vẫn nói những lời giữ khoảng cách và đầy ý tình: “Anh đừng khen em, đừng nói lời ngọt lại hóa chua loét, nói lời đường mía mật ong lại hóa ra dấm”. Chim Ca đến thăm nhà Thu Lạ sau khi nàng bị nhục mạ, Thu Lạ cũng nói những lời mời chào rất khách sáo xong lại rất quen thuộc với thói quen giao tiếp của người Tày: “Không biết nhờ cơn gió mát đưa cái quả đào tiên đến nhà em hay lại do cơn nắng dồn, nắng khô xua con sóc hoang vào nhà? Chỗ đứng không yên, chỗ ngồi không ấm, mời anh ngồi tạm”. Câu nói của Thu Lạ làm cho Chim Ca được sống trong mảnh hồn riêng của dân tộc mình, trong cái “lối nói theo đường hoa, đường quả, ruỗi theo đường bướm ong bay, giữa ngan ngát hương vị hoa quả”. Những câu nói có vần nhịp phần lớn trong các đối thoại của nhân vật là do Vi Hồng đã sử dụng một thể loại văn học dân gian đặc sắc của người Tày là “puối pác” (lời nói bằng câu có vần), “puối rọi” (câu nói một chuỗi vần như hát). Phân tích những dẫn chứng trên đây phần nào chúng ta đã thấy được sự ảnh hưởng rõ nét của “puối pác”, “puối rọi” trong lời văn của Vi Hồng. Như lời của Chim Ca lúc hỏi Cặm Cang có rất nhiều hình ảnh ước lệ được đặt liên tiếp nhau, ăn vần, đối xứng nhau: “Có việc gì to từ trên trời rơi xuống, việc gì nhọn từ dưới đất mọc lên”; “có việc gì to bằng nửa ông trời, hay nặng như dãy núi đá”. Có lẽ, khi viết về tình yêu, với những lời yêu thương, hờn giận thì những câu nói của chàng trai, cô gái Tày trở nên nhịp nhàng trong vần điệu hơn hết thảy và ở đó chứa đựng nhiều rung cảm nhất. Mi Tráng bày tỏ tình yêu với Thu Lạ bằng những lời: “Anh yêu em như ngọn lửa bén bãi cỏ gianh khô, như ong yêu mật”. Còn Chim Ca nhiệt thành, nồng hậu trong yêu thương dành cho Thu Lạ: “Anh yêu em, yêu thật lòng mình. Yêu hết hơi thở, yêu trọn vẹn bằng một niềm tin, yêu suốt dọc thời gian và không gian”. Với chàng trai xấu xí Cặm Cang, thì cái khát khao yêu đương càng dào dạt, càng mãnh liệt – đó là tấm lòng tha thiết cuồng nhiệt hướng tới cái đẹp. Cặm Cang yêu Thu Lạ với tình yêu nồng cháy như thế: “Anh yêu em, yêu nặng như từng dãy núi đá, yêu rộng như bầu trời trên đầu, yêu không bao giờ dứt, không bao giờ ngừng như con sông quê ta bốn mùa dạt dào con nước”. Người đọc không khỏi xao xuyến khi ru mình trong những lời tỏ tình ngọt ngào như thế. Kể cả những lời giãi bày tình yêu của những người con gái cũng rất mặn nồng, đắm say. Ai Hoa yêu Tú bằng tình yêu đầu tiên và duy nhất của cuộc đời thiếu nữ. Nàng khát khao yêu đương và dâng hiến. Những lời nói ngọt ngào của nàng luôn làm Tú quặn đau: “Anh là mười hai con hồn của em, anh là hơi thở của em, anh là tất cả cuộc đời em”. Nàng còn thề thốt: “em hứa em sẽ là người sẵn sàng dắt ngựa cho anh mỗi khi anh say rượu. Em sẽ tắm rửa cho anh mỗi khi thấy anh nhặm người”. Ai Hoa yêu mãnh liệt bởi vì nàng thấu hiểu được vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của Tú. Nàng muốn “trao gửi ngọn lửa trong mắt và giọt máu trong tim” mình chỉ riêng cho Tú. Cuối cùng, cái chết đã chứng minh tình yêu chung thủy và sôi nổi của nàng. Sử dụng cách nói có vần nhịp như puối pác, puối rọi trong lời nói của các nhân vật đã giúp cho lời văn của Vi Hồng có tiết tấu nhịp nhàng, âm điệu hòa quyện và hiệu quả thẩm mĩ cao nên tác phẩm của Vi Hồng có thêm nhiều lời nói hay, đẹp từ truyền thống văn hóa dân gian – đó là cách nói ngọt tiếng, ngọt lời đến ngọt lịm. Số lượng câu có kiểu kết cấu lặp trong tiểu thuyết Vi Hồng không phải là nhỏ. Trên đây, chúng tôi chỉ xem xét những dẫn chứng tiêu biểu. Lặp tạo nhịp điệu lời văn giống như thơ. Viết lên những câu văn đầy chất thơ như vậy bởi tâm hồn Vi Hồng là tâm hồn của dòng chảy trữ tình dân gian. Mười ba, mười bốn tuổi Vi Hồng đã làm hộ các anh, các chị những bào phong slư (thơ tình yêu bảy chữ của người Tày) và làm giỏi có tiếng. “Đêm nằm, anh nghĩ ra những câu thơ hay, ý hay rồi vùng dậy thắp đèn ghi lại”. Thêm nữa, thuở nhỏ, Vi Hồng đã đọc và học rất nhiều dân ca, truyện thơ Tày, Nùng Tất cả đã trở thành nguồn cội nuôi dưỡng không bao giờ cạn Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 12 trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Các nhân vật của ông đều nói năng bóng bẩy, giàu hình ảnh như lối nói dân ca. Kiểu câu đặc trưng mà Vi Hồng viết đã tạo hiệu quả nghệ thuật riêng trong tác phẩm. Câu ghép điều kiện/giả thiết – kết luận và câu ghép chỉ quan hệ nhượng bộ Trong tiểu thuyết Vi Hồng, dạng câu ghéo chỉ điều kiện/giả thiết – kết luận và câu ghép chỉ quan hệ nhượng bộ là dạng câu được sử dụng phổ biến thứ hai. Đặc biệt, chúng thường xuất hiện trong các lời thoại của nhân vật: độc thoại nội tâm, lời đối thoại trong tình yêu. Điều đó làm nên nét đặc sắc trong cách viết của Vi Hồng. Hai kiểu câu trên mang tính ước lệ về hình thức câu (sử dụng các cặp kết từ mang tính giả định), ước lệ trong những giả định được đưa ra nhưng chúng lại mang tính cụ thể hóa trong nội dung tâm tình mà nhân vật muốn trao gửi cho đối tượng mình hướng tới. Ở mô típ câu điều kiện/giả thiết – kết luận, tác giả sử dụng cặp kết từ “nếu thì” xuất hiện với tần số cao, mang lại sắc thái phong phú. Trong lời nói, việc đưa ra điều kiện – giả thiết bao giờ cũng là điều con người hướng tới mà chưa thực hiện được hoặc đang mong muốn làm được ở trong tương lai. Trong tiểu thuyết Vi Hồng cũng vậy, các nhân vật cũng luôn dùng những giả định để bày tỏ nỗi lòng, bày tỏ mong ước của trái tim mình. Đàng đau đớn vì bị vu tiếng “ma gà”, càng đau buồn hơn khi sắp phải xa Hinh – người bạn “toong mản”; nhưng nàng vẫn dũng cảm giãi bày, tỏ tâm tình của chính mình để ướm hỏi lòng Hinh: “Nếu không có chuyện trên trời rơi xuống, dưới đất mọc lên thì em xin làm người trải chăn cho anh, căng màn cho anh, anh bằng lòng không?”. Ước mơ ấy, hiện tại đã không thể thực hiện được vì Đàng bắt buộc phải rời xa quê hương mới có thể sống nổi. Dạm hỏi lòng người tình, xem ân tình của Hinh dành cho mình đến nhường nào, để Đàng hướng tới một ước vọng xa xôi hơn: “Nếu anh cũng có lòng yêu thương em như anh nói thì dù đi đến đâu em cũng sẽ tìm cách tin tức cho anh biết Nếu ông trời mẹ đất còn mở mắt cho ta nhìn, mở lòng cho ta sống thì rồi ta tìm đến nhau”. Trải qua những sóng gió, thác ghềnh của cuộc đời, cuối cùng số phận cũng đưa họ trở về bên nhau. Đàng đau xót trong niềm vui đang tràn ngập cõi lòng: “Em gặp lại anh thì bát cơm đánh đổi bát ớt, nước chàm đã hết rồi, nhuộm làm sao ăn được vải”. Còn Hinh thì vẫn ôm trọn giấc mơ với người bạn gái “toong mản” năm nao: “Nếu lòng em vẫn thương anh thì từ nay em sẽ là người đồng chí, người vợ của anh”. Niềm tin một hạnh phúc đang gần kề với họ. Trong Tháng năm biết nói, nỗi buồn của Hoàng cũng lồng vào trong những câu nói như thế. Có khi là ước muốn đồng cảm: “Nếu lòng mình như cái bánh mật, như quả chuối tiêu chín cây thì Hoàng đã bóc cho Băng xem rồi”; khi đó là một sự tủi cực và ước muốn thay đổi: “Nếu đời cháu phải gắn bó với người đàn bà có hai hàm răng ba ba ấy thì chẳng khác gì đem đời cháu buộc vào gốc cây bồ kết gai đống, buộc cháu vào gốc cây bồ quân đầy gai chùm”. Cặp kết từ “nếu thì” còn tạo nên những lời khéo léo khi Ngọc mở đầu câu chuyện với Phàn: “Nếu chuyện em nhờ anh có làm lệch lòng anh, có làm chua bụng người già, người trẻ nhà anh thì xin anh tha thứ”. Trước cuộc đời nghiệt ngã con người vẫn đứng vững bởi tình yêu thương lẫn nhau, bởi những khao khát, ước mơ trong tâm hồn không bao giờ ngưng nghỉ. Nó làm cân lại một nửa “người trong ống” vẫn còn mãi tồn tại trong xã hội. Bố Tú đau đến thắt lại trước sự quằn quại của mẹ Tú, ông cũng bất lực, căm phẫn và chỉ có thể khóc. Ông thương vợ, ước có thể mang thay cái đau đớn kia của vợ: “nếu là cái gánh, cái khênh nặng thì tôi đã cất lấy trên vai cho bà đi không”. Hay giữa xã hội có vô số kẻ gian trá, xảo quyệt, lợi dụng tình ái để thỏa mãn như Ba thì vẫn có một tình yêu bất diệt như Ai Hoa dành cho Tú: “Anh ơi, có tình yêu của anh thì em có tất cả, nếu không thì em chẳng có gì cả, chẳng có gì, cả hồn xác cũng không. Nếu anh không yêu em thì em sẽ chết trên Ngai Vua cho ngọn gió bốn chiều vùi dập”. Ai Hoa chọn cái chết để mãi mãi giữ một tình yêu duy nhất. Nàng đem theo một nguyện ước cuối cùng trước khi lìa cõi trần gian: “Nếu anh làm em mất đi đời con gái thì khi em chết, em chỉ xin anh một giọt máu chích ở đầu ngón tay thôi. Nếu anh không làm được cái việc đó để em trở về với Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 13 mẹ Hoa mà còn trinh bạch thì em phảo xin anh một đốt ngón tay – ngón tay đeo nhẫn của anh ấy” Kết cấu câu theo cặp kết từ “nếu thì” còn rất nhiều trong tác phẩm. Ngoài ra còn có kết cấu theo kiểu “nếu không thì” mang sắc thái ý nghĩa chỉ sự may mắn: may mắn có giả thiết này mà kéo theo hoặc tránh được kết quả này, đó có thể là cách cảm ơn giữa con người với con người hoặc diễn tả sự vui sướng Song giá trị của sắc thái ý nghĩa này không mang lại tính thẩm mĩ cao cho lời văn nghệ thuật. Ở mô típ câu ghép chỉ quan hệ nhượng bộ với các cặp kết từ đặc trưng (dù nhưng; dù thì; dẫu nhưng/ thì), khi đi vào khám phá, chúng tôi tìm thấy nhiều điều lí thú. Tính chất mâu thuẫn thể hiện ngay ở hình thức các kết từ cặp đôi. Ở kiểu câu này về đầu bao giờ cũng chỉ một sự đổi thay, một điều có thể xảy ra, còn vế sau thường chỉ cái ổn định, như nhất. Đi vào lời nói của nhân vật, dạng câu này giống như lời thề nguyền hoặc một lời nói có tính chất kiên định cao. Chính vì thế ở đầu vế bao giờ những điều được nói ra cũng rất to tát đi kèm với những hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng để diễn tả cho ý tình cụ thể nằm ở vế sau. Dạng lời văn này trong tiểu thuyết Vi Hồng chúng tôi cũng xếp vào dạng lời văn mang tính ước lệ, cụ thể hóa. Tác phẩm Vãi Đàng xây dựng hình ảnh một cô gái Tày có một cuộc đời đầy bi kịch, nhưng đó cũng là con người có tinh thần phản kháng cao. Ngay từ ban đầu, Đàng đã kiên quyết không đồng ý cuộc hôn nhân với Tổng Vọi. Nàng nói: “Dù chim có bay giật lùi, lợn mọc hai đầu, con nước mọc chân bò lên dốc, tôi cũng không bao giờ nghĩ đến điều ấy”. Trong mọi hoàn cảnh, Đàng luôn tỏ ra là cô gái mạnh mẽ, là chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ. Khi bị vu tiếng ma gà, bố mẹ nàng định tự tử bằng lá ngón, nàng kéo cha mẹ về nhà, cho ăn uống rồi động viên tinh thần: “Dù bố mẹ và con có chết đi đâu thì cũng cứ ăn bát cháo và mặc cho gọn gàng”; “Dù trời đổ, núi đá tan thành bụi, ta hãy bình tĩnh, có như thế mới nhìn thấy con đường nào là con đường sống, con đường nào là con đường chết”. Cả lão Tổng Nhự ngay khi muốn lấy lòng Đàng cũng nói lời thề thốt: “Dù ngay đêm nay, Đàng có cầm đòn gánh phang tôi, tôi cũng chỉ chạy như một đứa trẻ nhỏ”. Trong tình yêu chân chính thì những lời thề nguyền ấy lại trở thành một điều cần yếu, một sức mạnh chắp cánh cho tình yêu vượt lên tất cả những sóng gió, bão táp của cuộc đời. Băng trong Tháng năm biết nói đã đi qua bao nhiêu thử thách để đến với Hoàng và nàng lúc nào cũng một lòng một dạ: “Dẫu nỗi đắng cay của đời anh ngày càng tăng vị, dẫu chuỗi bất hạnh có bám lấy trọn đời anh thì em vẫn là người giúp anh làm vơi vợi mọi sự nồng nã của cuộc đời, của một con người tài năng”. Hay Hạ Chi trong Mùa hoa Bjoóc loỏng cũng sống chết với tình yêu dành cho Mi Tráng: “Em chỉ yêu mình anh. Mặc cho ông trời mang trăm dãy núi đá xuống ngăn cách, mặc cho vị thần tối cao Pựt Luông mang gai móng cú, gai hổ vuốt, gai răng nanh chó sói xuống rào ở cửa ngõ tình yêu giữa anh và em. Dù có vậy em cũng chân trần lội qua như không có gì. Em sẽ đến với anh bằng cả da thịt nõn nà của em, bằng trái tim cháy bỏng của em”. Tình yêu là sự dâng hiến chân thành, vươn cao hơn tất cả. Mô típ “dùthì” còn dùng để diễn tả mong đợi của người nói với người nghe như mong ước thuở nhỏ của Băng với Hoàng là “dù cho thế nào, dù cho hoa không nở, ong không còn cánh bay thì Hoàng cũng đừng quên mình”. Thu Lạ cũng mang tâm tư như vậy khi chờ đợi tình yêu ở Chim Ca: “Dù chỉ là tình yêu lời nói, dù chỉ là trong chốc lát anh ban tuổi trẻ cho em, em vẫn hạnh phúc”. Trong đội ngũ các nhà văn hiện đại, người ta nhận thấy Nam Cao hay viết những câu văn ngắn, nhịp gấp gáp; Nguyên Hồng hay viết những câu văn dài, chồng chất điệp từ; Thạch Lam hay viết những câu vừa phải, âm điệu trầm buồn, man mác. Vi Hồng là một nhà văn dân tộc thiểu số với tư chất riêng cũng tạo được những câu văn đặc sắc về hình thức và cách biểu đạt ý tình như chúng ta vừa phân tích. Nguyễn Thị Thu Hương Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 125(11): 7 - 14 14 Ngoài ra, lời văn của Vi Hồng còn giàu tính biểu cảm thể hiện qua các câu văn được mở đầu bằng thán từ “ôi, ôi thôi”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không đề cập đến. Vi Hồng đã tạo nên một cách viết riêng trong cốt cách Tày. Đó là lối diễn đạt vừa ước lệ, vừa cụ thể hóa, giàu nhịp điệu, cảm xúc được thể hiện rõ nét qua các dạng câu điển hình như câu trần thuật lặp cấu trúc thành phần, câu ghép chỉ điều kiện/giả thiết - kết luận, và câu ghép chỉ quan hệ nhượng bộ. Qua đó, các nhân vật trong tác phẩm được làm nổi bật hơn ở các lời đối thoại, độc thoại, đồng thời màu sắc dân gian trong lời văn nghệ thuật của nhà văn Vi Hồng cũng rất đậm nét. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vi Hồng (2007), Người trong ống, Nxb Hội Nhà văn, H. 2. Vi Hồng (1993), Tháng năm biết nói, Nxb Văn hóa dân tộc, H. 3. Vi Hồng (2005), Mùa hoa Bjoóc loỏng, Nxb lao động, H. 4. Vi Hồng (2005), Tuyển tập Văn, Nxb Văn hóa dân tộc, H. 5. Lâm Tiến (2007), Cách viết tiểu thuyết của nhà văn Vi Hồng, Báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 13 6. G.N.PosPelop (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, H, tr.149. 7. Nhiều tác giả (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, H. 8. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Nxb Giaos dục, H. SUMMARY SOME PROMINENT FEATURES OF THE ART OF WORDING IN VI HONG’S NOVELS Nguyen Thi Thu Huong* College of Sciences - TNU Vi Hong is one of the writers of prose typical of the ethnic minorities in Vietnam in generally and the North Vietnamese ethnic minorities in particularly. By using some typical types of sentences in his novels such as sentences repeating structures of components, compound sentences showing conditions and results, or compound sentences showing concession, Vi Hong not only impressed readers with the soft, flexible, smooth and bright writing but also highlighted his messages in each novel. Key words: Vi Hong, prose, ethnic minorities, the art of wording, novels. Ngày nhận bài:18/6/2014; ngày phản biện:03/7/2014; ngày duyệt đăng: 26/9/2014 Phản biện khoa học: PGS.TS. Đào Thủy Nguyên – Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên * Tel: 0985610650

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbrief_48533_52446_16920158722_032_2046616.pdf