Môi trường tài chính quốc tế

I. CÁN CÂN THANH TOÁN (BOP) 2 I.1 Tài khoản vãng lai 2 I.2 Tài khoản vốn 3 I.3 Tài khoản dự trữ 3 II. HỆ THỐNG TIỀN TỆ QUỐC TẾ 5 II.1 Quỹ tiền tệ quốc tế 5 II.2 Hệ thống tỷ giá cố định 6 II.3 Hệ thống tỷ giá thả nổi có điều tiết 7 II.4 Những khó khăn và thách thức trong tương lai 7 III. NGOẠI HỐI 11 III.1 Thị trường ngoại hối 11 III.2 Các thành viên trên thị trường ngoại hối 12 III.3 Những nhân tố quyết định tỷ giá 13 III.3.1 Sức mua tương đương (PPP) 14 III.3.2 Lãi suất tương đương 14 III.3.3 Những xem xét khác (nhân tố khác) 15 IV. QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC VÀ TÀI CHÍNH QUỐC TẾ 15 IV.1 Chiến lược quản trị rủi ro về tỷ giá hối đoái 15 IV.2 Tài trợ cho hoạt động kinh doanh 16 IV.3 Các đồng tiền Châu Âu 17

doc18 trang | Chia sẻ: tlsuongmuoi | Lượt xem: 2419 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Môi trường tài chính quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHƯƠNG III: MÔI TRƯỜNG TÀI CHÍNH QUỐC TẾ I. CÁN CÂN THANH TOÁN (BOP) Để đo lường hoạt động kinh tế của một quốc gia, người ta thường xem xét cán cân thanh toán của nó. Cán cân thanh toán (BOP) là một bản báo cáo về giá trị của tất cả các khoản giao dịch giữa một nước với phần còn lại của thế giới. Có nhiều loại tài khoản trong cán cân thanh toán, tuy nhiên để thuận lợi trong việc phân tích chúng ta chỉ phân loại cán cân thanh toán thành ba loại tài khoản: Tài khoản vãng lai (Current accounts); Tài khoản vốn (Capital account); Tài khoản dự trữ (Reserves). Cán cân thanh toán được xây dựng theo hình thức kế toán kép. Mỗi hoạt động giao dịch được ghi chép đồng thời ở bên nợ và bên có. Phần ghi chép bên có bao gồm các khoản: (i) nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ - một sự gia tăng về tài sản; hoặc (ii) một sự giảm đi trong các nghĩa vụ về nợ. Phần ghi chép bên nợ bao gồm: (i) xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ - sự suy giảm giá trị tài sản; hoặc (ii) một sự gia tăng các nghĩa vụ về nợ. I.1 Tài khoản vãng lai Tài khoản vãng lai bao gồm các mậu dịch về hàng hóa, dịch vụ và những khoản chuyển giao. * Các khoản mậu dịch về hàng hóa là một bộ phận quan trọng của tài khoản vãng lai bởi vì nó chiếm một tỷ trọng lớn trong tài khoản vãng lai. Trong tài khoản mậu dịch, phần giá trị xuất khẩu được ghi vào bên nợ bởi vì nó là một nguồn thu về ngân quỹ cho quốc gia bán hàng. Ngược lại việc mua hàng hóa từ nước ngoài (nhập khẩu) được ghi chép ở bên có vì nó thể hiện hoạt động sử dụng ngân quỹ. Hoạt động mậu dịch có thể tác động đến cán cân thanh toán theo nhiều cách khác nhau. Giả sử rằng hãng Motor Nissan của Nhật đã bán những máy móc trị giá 600.000$ cho General Motors tại Hoa Kỳ và việc trả tiền được thực hiện thông qua một ngân hàng của General Motors tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp này lượng nhập khẩu được ghi vào bên có của tài khoản vãng lai và ghi nợ cho tài khoản vốn về khoản tài khoản vốn ngắn hạn của tư nhân. Kết quả của hành động giao dịch này dẫn đến việc Hoa Kỳ phải chuyển giao tiền tệ cho nhà buôn nước ngoài và như vậy sẽ giảm khả năng thanh toán các nghĩa vụ về nợ khác. * Mậu dịch về dịch vụ là hoạt động dịch vụ bao gồm những khoản chi trả về vận chuyển, bảo hiểm trong hàng hải quốc tế; du lịch, lợi nhuận và nhu nhập từ các khoản đầu tư nước ngoài, những chi phí của nhà nước, quân đội hải ngoại, khoản chi trả về các khoản lệ phí sử dụng tên tuổi, bản quyền; các dịch vụ về xây dựng. Việc mua những dịch vụ này được ghi chép ở bên có, trong khi đó việc bán những dịch vụ này sẽ được ghi ở bên nợ. Ví dụ, trong trường hợp của Nissan và GM, giả sử rằng GM phải chi trả 125.000$ cho Nissan trong việc vận chuyển máy móc tới Hoa Kỳ. Hoạt động này được hạch toán như sau: Nợ tài khoản vốn ngắn hạn; Có tài khoản vận chuyển. Việc hạch toán này được giải thích như sau: GM mua dịch vụ vận chuyển của Nhật Bản (ghi có đối với tài khoản vãng lai) và chi trả cho việc mua dịch vụ này bằng cách gia tăng tài sản ngắn hạn trong nước được giữ bởi người nước ngoài (ghi nợ đối với tài khoản vốn). * Các khoản chuyển giao là những giao dịch không bao hàm người nhận nó phải thực hiện bất kỳ một dịch vụ nào để hoàn trả trở lại. Những khoản chuyển giao này thường bao gồm quà tặng từ các cá nhân hay khoản viện trợ nhân đạo không hoàn lại. I.2 Tài khoản vốn Bao gồm những giao dịch có liên quan đến hoạt động đầu tư. Trong đó bộ phận đầu tư trực tiếp chiếm một tỷ trọng lớn, ngoài ra còn có dạng đầu tư vào một danh mục đầu tư gồm các chứng khoán khác nhau trên thị trường chứng khoán. Bộ phận thứ hai trong tài khoản vốn thể hiện những khoản cho vay - vay ngắn hạn và dài hạn của Nhà nước và tư nhân. I.3 Tài khoản dự trữ Khoản dự trữ của một quốc gia được sử dụng nhằm mục đích làm cho cán cân thanh toán được cân đối. Các khoản dự trữ bao gồm: vàng, ngoại tệ mạnh, hoặc SDR. Nội dung của các tài khoản này được thể hiện thông qua biểu sau (Xem biểu 1) CÁN CÂN THANH TOÁN THEO MẪU CỦA IMF CÓ NỢ I. Tài khoản vãng lai A/ Hàng hóa, dịch vụ và thu nhập 1. Hàng hóa * Nhập khẩu * Xuất khẩu 2. Hàng hải và vận chuyển * Chi trả cho nước ngoài * Thu nhập từ nước ngoài 3. Du lịch * Chi trả cho du lịch * Thu nhập từ du lịch 4. Thu nhập từ đầu tư * Lợi nhuận, lãi chi trả * Lợi nhuận, lãi nhận được 5. Thu nhập từ Nhà nước * Chi của Nhà nước * Thu của Nhà nước 6. Thu nhập từ cá nhân * Chi trả cho người ngoài: lệ phí quản lý, bản quyền, xây dựng * Thu từ nước ngoài: lệ phí quản lý, bản quyền ... B. Khoản chuyển giao 1. Tư nhân * Chi quà tặng * Thu quà tặng 2. Nhà nước * Chi chuyển giao: viện trợ, phí hưu trí ... * Thu từ viện trợ quân sự, kinh tế ... II. Tài khoản vốn 1. Đầu tư trực tiếp * Gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài. * Sự giảm đầu tư của nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước * Sự giảm đầu tư vào các công ty nước ngoài bởi các cá nhân trong nước. * Gia tăng đầu tư vào công ty trong nước bởi người nước ngoài. 2. Đầu tư Portfolio * Gia tăng đầu tư vào các chứng khoán nước ngoài. * Giảm đầu tư vào chứng khoán nội địa bởi người nước ngoài * Sự giảm đầu tư vào chứng khoán nước ngoài. * Sự gia tăng đầu tư vào chứng khoán nội địa bởi người nước ngoài 3. Nợ dài hạn chính thức (Nhà nước) * Cho nước ngoài vay * Mua trái phiếu nước ngoài * Thu nợ nước ngoài * Bán trái phiếu nước ngoài 4. Nợ dài hạn tư nhân * Cho nước ngoài vay * Chi trả nợ nước ngoài * Vay nước ngoài * Thu nợ nước ngoài 5. Nợ ngắn hạn của Nhà nước * Cho vay ngắn hạn cho nước ngoài. * Mua chứng khoán ngắn hạn * Vay nợ nước ngoài. * Bán chứng khoán Nhà nước (ngắn hạn) cho nước ngoài CÓ NỢ 6. Nợ ngắn hạn tư nhân * Gia tăng tài sản ngắn hạn nước ngoài. * Giảm tài sản ngắn hạn được giữ bởi nước ngoài: khoản ký gởi, tiền mặt ... * Giảm tài sản ngắn hạn nước ngoài, gia tăng nghĩa vụ nợi với nước ngoài. * Gia tăng tài sản ngắn hạn nội địa được giữ bởi nước ngoài hoặc sự giảm sút các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của nước ngoài. III. Dự trữ * Vàng, SDR, ngoại tệ * Gia tăng việc dự trữ vàng, SDR, ngoại tệ bởi cơ quan tiền tệ; sự giảm sút về nghĩa vụ nợ với IMF * Giảm lượng dự trữ vàng, SDR, ngoại tệ bởi cơ quan tiền tệ; gia tăng các nghĩa vụ nợ với IMF II. HỆ THỐNG TIỀN TỆ QUỐC TẾ Hệ thống tiền tệ quốc tế hình thành từ sự thỏa thuận giữa Ngân hàng Trung ương của các nước và hệ thống này được đặt dưới sự điều hành của quỹ tiền tệ quốc tế. Hệ thống này, về tổng quan, bao gồm các tổ chức tài chính, quy định và luật lệ ... đảm bảo cho thị trường ngoại hối thực hiện được chức năng của nó. Mục tiêu của hệ thống này nhằm đảm bảo việc xác lập một môi trường quốc tế cho sự dịch chuyển tự do của dòng hàng hóa, dịch vụ, và vốn giữa các quốc gia. Hệ thống này cũng cố gắng tạo ra một thị trường ngoại hối ổn định, đảm bảo tính chuyển đổi của các loại tiền tệ. IMF chính là một trong những cơ quan chủ yếu của hệ thống này. II.1 Quỹ tiền tệ quốc tế Vào cuối thời kỳ của chiến tranh thế giới lần II, các nước Đồng minh đã gặp nhau để bàn về việc cải tổ lại hệ thống tiền tệ quốc tế và họ đã thống nhất thiết lập nên một trật tự tiền tệ mới (tại Bretton Woods, New Hamsphere, 1944). Kết quả cuộc họp này đã cho ra đời tổ chức quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), một tổ chức của nhiều chính phủ được hình thành nhằm ủng hộ một sự ổn định về tỷ giá hối đoái và tạo điều kiện cho sự dịch chuyển tự do của dòng tiền tệ quốc tế. Cuộc họp này đã cho ra đời Hiệp định Bretton Woods, trong đó ngoài việc thiết lập IMF, nó cũng khai sinh ra ngân hàng quốc tế cho việc tái xây dựng và phát triển (hay Ngân hàng thế giới) - một ngân hàng đa chính phủ với chức năng hỗ trợ cho các dự án phát triển bằng nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Tại cuộc họp này 40 nước tham dự ban đầu đã thống nhất thiết lập chế độ tỷ giá cố định. Theo chế độ này mỗi nước sẽ xác định một mệnh giá cho đồng tiền của mình dựa theo vàng và USD. Các nước tham dự cùng quyết định góp vốn cho IMF và đồng ý chỉ cho phép giá trị đồng tiền của mỗi nước chỉ được phép phá giá trong phạm vi 1%. Trong trường hợp cần thiết mỗi nước có thể phá giá đồng tiền của mình đến 10% nhưng phải được chấp thuận bởi IMF. Mục đích của IMF được xác định thông qua Hiệp định này là: 1. Hỗ trợ cho sự phát triển cân bằng của mậu dịch quốc tế. 2. Hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và những thỏa thuận về tỷ giá theo trật tự, ổn định, đồng thời hạn chế tình trạng phá giá đồng tiền để cạnh tranh. 3. Xóa bỏ những hạn chế về ngoại hối. 4. Tạo một nguồn lực tài chính dự trù cho các thành viên để hỗ trợ (cho vay) khi họ cần thiết (nhằm giảm sự thâm thụt trong cán cân thanh toán để ổn định tỷ giá hối đoái). II.2 Hệ thống tỷ giá cố định Được thiết lập bởi Hiệp định Bretton Woods đã hoạt động có hiệu lực khoảng 15 năm. Tuy nhiên vào thập niên 60 (Thế kỷ 20) nhiều vướng mắc và thiếu sót của hệ thống này đã xuất hiện. Một lý do chính là Hoa Kỳ đã và đang cung ứng nguồn USD rất lớn thông qua viện trợ kinh tế, đầu tư trực tiếp của tư nhân, chi tiêu quân sự và các nước Tây Âu đã dùng nguồn USD này để bổ sung cho lượng dự trữ ngoại tệ của mình. Tuy nhiên khi Hoa Kỳ bị thâm thụt rất lớn trong cán cân thanh toán, niềm tin vào giá trị USD bị suy giảm thì những quốc gia Tây Âu lại bắt đầu chuyển đổi USD thành vàng. Điều này đã làm cho hệ thống tỷ giá cố định bị phá vỡ và một sự thay đổi là một yêu cầu cần thiết. Kết quả của quá trình này đã làm cho Hoa Kỳ quyết định ngưng việc bán vàng đổi lấy USD vào năm 1968; và vào năm 1971 Hoa Kỳ đã chấm dứt việc đổi USD lấy vàng. Trong suốt thập niên 70, khi nền kinh tế của nhiều quốc gia trở nên vững mạnh do đó lượng vàng và một số đồng tiền được chấp nhận thanh toán quốc tế không đáp ứng nổi nhu cầu dự trữ của các quốc gia này. Để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng dự trữ quốc tế, vào năm 1970, IMF đã tạo ra đơn vị tiền tệ SDR (Special Drawing Right) để thay thế cho USD như là một phương tiện dự trữ, và một số nước đã cột chặt đồng tiền của mình vào SDR. Khi mới hình thành, giá trị của SDR được đảm bảo bởi vàng, nhưng từ năm 1974 giá trị của nó được xác định dựa vào giá thị trường hàng ngày của một số tiền tệ gồm: USD; bảng Anh; Franc Pháp; Mark Đức, và Yen Nhật. Một sự kiện nữa đáng lưu ý trong thập niên 70 đó là vào năm 1974 IMF quyết định thực hiện hệ thống tỷ giá thả nổi có quản lý, hệ thống này cho phép các tỷ giá hối đoái được phép biến động theo cung và cầu nhưng có sự can thiệp của Ngân hàng trung ương khi cần thiết. II.3 Hệ thống tỷ giá thả nổi có điều tiết Lập luận ủng hộ cho hệ thống này đó là tính hiện thực của nó cao hơn hệ thống tỷ giá cố định, ngoài ra nó còn cho phép ngăn chặn một sự thâm thủng cán cân thanh toán thường xuyên, tăng cường tính thanh khoản vì Nhà nước không cần một lượng dự trữ ngoại tệ lớn để can thiệp vào thị trường, và nó còn góp phần vào việc giảm nhu cầu tiến hành hàng rào thuế quan và những rào cản khác. Đối với công ty đa quốc gia, hệ thống này đòi hỏi họ phải cảnh giác hơn với những rủi ro về tỷ giá, buộc họ phải có những dự báo và điều chỉnh khi tỷ giá thay đổi. Hệ thống tỷ giá linh hoạt được áp dụng vào năm 1976 theo quyết định của IMF còn được gọi là hệ thống thả nổi có điều tiết quản lý bởi vì có nhiều nhân tố sẽ quyết định tỷ giá này thay vì chỉ có một nhân tố là cung và cầu về ngoại tệ. Một trong những nhân tố khác đó là sự can thiệp của Nhà nước trên thị trường để điều chỉnh giá trị của những đồng tiền chủ yếu. Hơn thế nữa, nhiều quốc gia nhỏ sẽ treo cột đồng tiền của họ vào một số đồng tiền quan trọng chủ yếu. Ví dụ như các nước Nam Mỹ và vùng Caribbean thường treo tiền tệ của họ vào đồng USD, các nước thuộc địa trước đây của Pháp tại Tây Phi treo tiền tệ của họ vào Franc Pháp, trong khi nhiều quốc gia khác treo tiền tệ của họ vào SDR hoặc vào một giỏ tiền tệ khác. Phần lớn các thành viên chủ yếu của EC, kể cả Pháp và Đức, đã thành lập nên hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS). Hệ thống này sẽ cố định giá trị đồng tiền của một nước với các nước thành viên khác và sẽ thả nổi chúng so với những đồng tiền khác trên thế giới (vào năm 1992 Anh và Italy đã rút khỏi EMS do tình trạng đầu cơ tiền tệ). Hơn thế nữa, một đồng tiền Châu Âu duy nhất (ECU) đã ra đời cùng với sự thành lập Ngân hàng trung ương Châu Âu. Ngày nay những đồng tiền chủ yếu không cột chặt vào bất kỳ loại tiền tệ nào chỉ là USD, Canadian dollar, Franc Thụy Sỹ, và Yen Nhật. Với những thuận lợi của hệ thống thả nổi có quản lý người ta tin rằng nó sẽ còn tồn tại trong một tương lai lâu dài. Theo hệ thống này các nước thành viên được toàn quyền quyết định về tỷ giá của riêng họ và trách nhiệm của IMF chỉ là duy trì sự ổn định để đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển kinh tế. Hạn chế nảy sinh từ hệ thống này đó là IMF không thể ban hành biện pháp trừng phạt đối với những nước chủ động điều chỉnh tỷ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh một cách không công bằng; chỉ có những nước nghèo, đang phát triển mới chịu sự báo động và can thiệp của IMF thông qua những chương trình tài trợ nhằm giảm thiểu sự thâm thụt trong cán cân thanh toán. II.4 Những khó khăn và thách thức trong tương lai Trong thập niên 90 có rất nhiều khó khăn và thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế. Một trong số chúng là sự khủng hoảng về nợ quốc tế. * Cuộc khủng hoảng về nợ quốc tế: Vào thập niên 70, nhiều ngân hàng thương mại đã gia tăng rất lớn những khoảng cho vay đối với những nước đang phát triển. Do sự tăng giá dầu hỏa, các nước OPEC đã ký gởi hàng tỷ USD vào các ngân hàng này do đó họ phải tăng cường tìm kiếm khách hàng. Rất nhiều nước đang phát triển đang có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn trở thành những khách hàng tốt cho những ngân hàng thương mại này. Tuy nhiên vào thập niên 80, điều không may mắn đã xuất hiện: những khoản nợ này có nguy cơ không trả được và cơn khủng hoảng nợ đã xảy ra. Nhiều lý do để lý giải cho cơn khủng hoảng nợ bao gồm: 1. Sự gia tăng giá dầu hỏa giai đoạn 1979 - 1980. 2. Sự suy thoái kinh tế của những nước đã công nghiệp hóa làm giảm lượng xuất khẩu của những quốc gia đang phát triển. 3. Sự gia tăng lãi suất do những biện pháp chống lạm phát tại những nước đã công nghiệp hóa. Khi nguồn vay từ khu vực tư nhân đã ngưng trệ, rất nhiều nước đang mang nợ chuyển sang cầu cứu sự trợ giúp của IMF. Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng là IMF đã không đủ sức để tài trợ cho tất cả các nước này, nhưng tổ chức này cũng đã thực hiện những nỗ lực ban đầu để khắc phục cơn khủng hoảng này. Một trong những giải pháp đó là IMF đã kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay những khoản nợ mới cho các nước đang mang nợ trước khi IMF tài trợ cho các nước này bằng nguồn tài chính của riêng mình. Bằng cách này IMF đã giúp các nước mang nợ có một sự thỏa thuận tái cấu trúc về nợ với các chủ nợ. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% tổng số nợ được tái cấu trúc trở lại theo cách này và vào thập niên 90 rất nhiều nước ở Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi đã tiếp tục lâm vào cơn khủng hoảng nợ. Do đó một số đề án giải quyết nợ đã được đề xuất. Một trong những đề án đó là Nhà nước của những nước mang nợ đứng ra bảo lãnh những khoản nợ này, họ sẽ chi trả một phần, và phần thiếu còn lại sẽ được chia xẻ giữa các ngân hàng cho vay và người nộp thuế. Đề án thứ hai là: thực hiện chi trả lãi suất hàng năm và trì hoãn việc trả vốn gốc, hơn thế nữa phần lãi chi trả sẽ được giới hạn theo một tỷ lệ % giá trị xuất khẩu của nước mang nợ. Đề án thứ ba chính là việc chuyển nợ thành những khoản vốn đầu tư tính theo đồng tiền bản xứ vào các doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước tại nước mang nợ. Đề án thứ tư là kêu gọi IMF vào World Bank cho các nước vay tiền để mua lại những khoản nợ này với một mức chiết khấu đáng kể. Trên thực tế đã có nhiều sự phản đối những đề án này. Vào giữa thập niên 80, Jame Baker, sau đó là Bộ trưởng Bộ ngân khố Hoa Kỳ, đã phát họa một kế hoạch mà theo đó 17 chủ nợ hàng đầu chiếm hơn 50% số tiền cho vay, sẽ phối hợp cùng những tổ chức như World Bank và tiếp tục cho những nước mang nợ vay thêm. Đổi lại những nước được vay thêm này phải cam kết thực hiện những chính sách kinh tế mới nhằm đảm bảo khả năng chi trả nợ về sau này. Tuy nhiên rất nhiều ngân hàng không đồng ý với kế hoạch này. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến họ từ chối đó là tình hình tài chính của họ không cho phép và họ phải đối phó với nhiều khó khăn tại thị trường của chính nước họ. Ví dụ minh họa tốt nhất cho trường hợp này là tình trạng của ngân hàng Citi Bank (tập đoàn Citicorp). Citicorp từ lâu đã được xem là một ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên vào đầu thập niên 90, tập đoàn này đang ở một tình trạng khó khăn lớn về tài chính và đang tìm kiếm những nhà đầu tư để cải thiện tình hình vốn của mình. Citicorp đã có một khoản vay 3 tỷ USD chưa thực hiện được trong việc đầu tư vào bất động sản, và một khoản 1 tỷ USD chưa thực hiện cho những công ty Hoa Kỳ đang mắc nợ cao. Hơn thế nữa nó còn một khoản cho vay 10 tỷ cho các nước đang phát triển và 4 tỷ trong đó chưa thực hiện được. Tình trạng này xuất hiện bởi lẽ mục tiêu của công ty này là gia tăng lợi nhuận lên 15% mỗi năm do đó nó phải chấp nhận những khoản cho vay với rủi ro cao. Cùng lúc đó, trong giai đoạn này Hoa Kỳ đang trong tình trạng suy thoái kinh tế và sự phá sản của các doanh nghiệp đang tăng cao. Dựa trên sự đánh giá vị thể tài chính của mình và nhận dạng rõ những bưới đi cần thiết để cải thiện tình hình tài chính, Citicorp rõ ràng không dám chấp nhận việc gia tăng những khoản nợ cho các nước thuộc thế giới thứ 3. Vào thời điểm này nhiều nước đã phát triển cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tại Đức, chính phủ của thủ tướng Kohl đang đối đầu với sự gia tăng phí tổn cho việc hợp nhất đất nước cao hơn mức dự kiến, hàng tỷ USD vượt trội so với dự kiến ban đầu đã được dùng để xây dựng và tái phát triển Đông Đức. Tại Nhật Bản nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn do lãi suất lên cao và tình trạng phá sản không lường trước của các công ty. Một trong những nguyên nhân gây ra do tình trạng đầu tư vào bất động sản trong thời kỳ cao giá và giờ đây giá cả đang hạ thấp xuống. Do đó khoản nợ do phá sản trong thời kỳ 1989 - 1991 tăng từ 10 tỷ USD lên đến 30 tỷ USD. Điều này làm cho các ngân hàng Nhật bắt đầu tìm kiếm những cơ hội đầu tư bảo thủ hơn (an toàn hơn) tại những nước đã công nghiệp hóa mà Hoa Kỳ là một mục tiêu ưu tiên. Những nước có tiềm lực kinh tế mạnh như USA, Pháp, Anh, Đức trong thời gian trước đây đã sẵn sàng đầu tư vào những nước kém phát triển nhất giờ đây lại đang tập trung sự chú ý vào khu vực Đông Âu (Polan, Hungary, và Czech Slovakia) và Nga. Vào 15/04/1991 Ngân hàng Tái Thiết và phát triển Châu Âu đã ra đời. Mục tiêu của ngân hàng này là ủng hộ việc mở rộng dân chủ, phát triển doanh nghiệp tư nhân, cho vay cho khu vực tư nhân và Nhà nước với một mức độ phạm vi không hạn chế. Một trong những dự án được quan tâm ban đầu của ngân hàng này là một đề án trợ vốn cho những công nhân kỹ thuật cao Hungary bị mất việc thiết lập doanh nghiệp mới; dự án liên doanh với H.J.Heinz để mua lại dây chuyền sản xuất thực phẩm tại Balen; một kế hoạch phối hợp với W.B và ngân hàng đầu tư Châu Âu để làm sạch môi trường vùng biên Baltic và sông Danube. Những ví dụ trên đây đã góp phần giải thích vì sao cuộc khủng hoảng nợ quốc tế vẫn tiếp tục là một vấn nạn trong suốt thập niên 1990. Tuy nhiên, những cố gắng để giải quyết cuộc khủng hoảng này thông qua một giải pháp được gọi là “một trật tự tiền tệ quốc tế mới” cũng được đề xuất. * Một trật tư tiền tệ quốc tế mới: Một trong những lý do khiến nhiều giải pháp nêu trên không thành công bởi vì nó không giải quyết được trọng tâm của vấn đề: Nhu cầu tái chu chuyển tiền tệ để cân bằng giữa nợ và thặng dư. Ví dụ như: nếu hai nước Đức và Nhật, hai quốc gia có lượng thặng dư mậu dịch lớn nhất, chấp nhận giảm sự thặng dư này và gia tăng việc mua hàng hóa nước ngoài thì điều này sẽ giúp thế giới thứ 3 giảm nhẹ gánh nặng về nợ. Do đó một phương pháp tiếp cận mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ cần phải được hình thành. Hiện tại có hai cách tiếp cận chủ yếu được khuyến cáo như là những giải pháp căn bản, thường xuyên để giải quyết nợ, và cả hai giải pháp này đều đề nghị không nên dùng chỉ một loại tiền tệ là USD như là một phương tiện dự trữ duy nhất. 1. Giải pháp thứ nhất được đề nghị: Một khi USD vẫn còn được sử dụng như một loại tiền tệ dùng để dự trữ thì Hoa Kỳ vẫn luôn ở trong một tình trạng khó xử và bất tiện. Khả năng của những quốc gia khác gia tăng tài sản của họ bằng cách đầu tư những khoản dự trữ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ có vui lòng chấp thuận gia tăng những nghĩa vụ về nợ để bù đắp cho sự gia tăng về tài sản này. Các quốc gia này chỉ có thể gia tăng dự trữ của họ chỉ khi nào Hoa Kỳ gia tăng các khoản nợ trong dự trữ rộng nhằm cân đối sự thâm thụt trong cán cân thanh toán. Khi điều này xảy ra, những quốc gia khác sẽ thu được lợi tức từ khoản dự trữ của họ, điều này sẽ khuyến khích họ tiếp tục tích lũy các khoản dự trữ bằng USD. Như vậy lúc này Hoa Kỳ có thể lưu giữ những tài sản, của cải trong và ngoài nước bằng nhưng khác dự trữ đã vay từ quốc gia khác. Vấn đề xảy ra trong tình huống này đó là Hoa Kỳ đã cư xử như thể là một nước giàu hơn so thực tế, và những quốc gia khác cư xử như thể là họ nghèo hơn so thực tế. Để giải quyết vấn đề này một giải pháp được đề xuất cho 3 thành viên chủ yếu trong mậu dịch quốc tế (Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản), họ chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; đó là trong việc thanh toán với nhau họ sẽ sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán và trao đổi. 2. Giải pháp thứ hai: Một số quốc gia Châu Âu đã đề xuất một cách tiếp cận khác nhằm gia tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế và tạo sự ổn định về tỷ giá. Họ khuyến cáo việc thực hiện một hệ thống tương tự như hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS) . Điều này sẽ dẫn đến sự hình thành một loại tiền tệ cho thị trường quốc tế gọi là DEY được xác định như là một số bình quân trọng lượng của USD, ECU và YEN Nhật. Phần còn lại của thế giới sẽ treo đồng tiền của họ vào DEY. Thuận lợi cơ bản của thỏa thuận nầy đó là có thể xóa bỏ động cơ tích lủy ngoại tệ của bất kỳ một nước nào trong 3 thành viên chủ yếu nêu trên. * Đồng phối hợp trong kinh tế : Bất kỳ mọi chương trình nào được thực hiện nhằm thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế mà không có sự phối hợp giữa những cường quốc kinh tế thì sẽ không có những thay đổi nào xảy ra. Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẻ hơn trong việc tiến hành những chính sách bởi các quốc gia đã công nghiệp hóa . Mặt khác việc giải quyết những khác biệt có liên quan đến vấn đề thanh toán và dự trữ quốc tế giữa quốc gia đang phát triển và quốc gia công nghiệp cũng rất cần thiết, các quốc gia đang phát triển luôn mong muốn được phân bố một lượng SDR ngày càng tăng hàng năm nhằm bảo đảm lượng dự trữ của họ ngày càng mạnh, còn các quốc gia công nghiệp lập luận rằng sự phân phối mới về SDR có thể sẽ làm trì hoản những điều chỉnh cần thiết cần phải được thực hiện bởi những quốc gia khi họ đối mặt với những vấn đề khó khăn trong tiền tệ. Mỗi bên đều có những lập luận nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng chỉ có một vài quốc gia thì sẵn lòng từ bỏ quyền kiểm soát các chính sách kinh tế và tiền tệ và như vậy sự phối hợp hoạt động toàn cầu khó khi nào thực hiện được. Trong thực tiển hầu như không có một tổ chức tiền tệ thế giới nào có thể kìm chế USA, Đức và Nhật và buộc họ phải có những chính sách phối hợp, vì thế sự phối hợp kinh tế chỉ đơn thuần là một ý tưởng hơn là hiện thực . III. NGOẠI HỐI Ngoại hối là một công cụ tài chính thực hiện việc chuyển hóa một khoản thanh toán từ một loại tiền tệ nầy sang một loại khác. Hình thức phổ biến khi thực hiện khoản chi trả ngoại hối giữa các ngân hàng là hình thức giao dịch qua điện tín, giữa các công ty là hối phiếu ... Tỷ giá hối đoái thể hiện số lượng của một loại tiền tệ dùng để trao đổi với một đơn vị tiền tệ khác với mục đích nghiên cứu của hoạt động kinh doanh quốc tế, có 3 lãnh vực về ngoại hối được xem xét ở đây (i)thị trường ngoại hối, (ii)các thành viên trong thị trường ngoại hối, (iii)các nhân tố quyết định tỷ giá hối đoái . III.1 Thị trường ngoại hối Trên thị trường ngoại hối có ba phương thức thực hiện hoạt động trao đổi : giữa các ngân hàng, thông qua nhà trung gian, thông qua hoạt động giao dịch giao dịch có kỳ hạn. Thị trường ngân hàng quốc tế về hối đoái bao hàm hoạt động giao dịch giữa các ngân hàng, ví dụ, nếu một nhà nhập khẩu muốn mua 100.000 franc Pháp, một cách tốt nhất là nhà nhập khẩu đó yêu cầu ngân hàng của mình thực hiện hoạt động giao dịch nầy. Nếu ngân hàng nầy không giao dịch về ngoại hối, nó sẽ liên hệ với một ngân hàng lớn hơn để thực hiện hành vi nầy . Thị trường của những nhà trung gian bao gồm một nhóm nhờ những công ty trung gian góp phần tạo thị trường ngoại hối. Những nhà trung gian nầy không tiến hành kinh doanh tiền tệ. Họ chỉ đơn thuần môi giới cho người mua và người bán gặp nhau và họ chỉ thu tiền huê hồng cho việc cung cấp các dịch vụ nầy . Có ba loại tỷ giá hối đoái được tiến hành trên thị trường ngoại hối : Tỷ giá giao ngay, có kỳ hạn, và tỷ giá chéo. Tỷ giá giao ngay là loại tỷ giá được áp dụng cho các hoạt động giao dịch hiện thời mà người mua hoặc bán sẽ nhận ngoại hối ngay. Tỷ giá có kỳ hạn là loại tỷ giá được tính cho một hành vi giao dịch mà người mua, bán sẽ được nhận ở một thời kỳ được xác định trước trong tương lai. Tỷ giá chéo là loại tỷ giá được xác định từ hai loại tỷ giá khác, loại tỷ giá nầy có liên quan về lợi ích đối với những nhà phân phối hoặc kinh doanh từ trên 2 loại tiền tệ trở lên. Ví dụ, một công ty Hoa Kỳ đang thực hiện hoạt động kinh doanh với hai công ty tại Thụy Sĩ và Đức và giá trị của hai loại tiền tệ tại 2 nước nầy được xác định thông qua USD như sau : 1.60 DM / $ và 1.39 SWF / $ . Như vậy tỷ giá chéo sẽ là: Điều nầy có nghĩa là 1DM có thể đổi lấy 0.8688 franc Thụy Sĩ , công ty Hoa Kỳ sẽ luôn dùng tỷ giá chéo nầy để kiểm tra tỷ giá giữa SWF và DM vì sự tác động của nó đến phí tổn sản xuất hàng hóa, lợi nhuận. Thị trường ngoại hối có kỳ hạn thì đặc biệt quan trọng với các công ty đa quốc gia bởi vì nó giúp cho công ty xác định trước tỷ giá hối đoái và bảo vệ công ty trước những rủi ro do sự thay đổi về tỷ giá hối đoái. Giả sử một công ty xây dựng lớn tại Atlanta, Georgia đặt một đơn hàng ( đồ gỗ ) trị giá 500.000 £ từ một công ty Anh tại London với kỳ hạn thanh toán là 90 ngày. Tỷ giá giao ngay ở thời điểm giao dịch là 1.5400 $/£ . Vì vậy nếu thanh toán ngay thì công ty tại Hoa Kỳ phải chi trả 770.000 $ ( f 500.000 x 1.54 ) . Nếu công ty chờ đợi và chi trả hóa đơn sau 90 ngày rủi ro về tỷ giá hối đoái sẽ xuất hiện. Nếu giá trị bảng Anh tăng lên so với USD, giá cả thanh toán sẽ cao hơn 770.000 USD . Dĩ nhiên f cũng có thể giãm giá và sự chờ đợi để thanh toán sau 90 ngày chi phí thanh toán sẽ thấp hơn. Tuy nhiên phần lớn các công ty sẽ muốn định trước tỷ giá trước để bảo hiểm cho rủi ro. Để làm điều đó công ty sẽ mua f 500.000 với thời điểm nhận sau 90 ngày bằng một hợp đồng có kỳ hạn 90 ngày với một tỷ lệ hối đoái có kỳ hạn giả định là 1.5343 . Như vậy giá mà công ty phải trả là 767.150 (1.5343 x 500.000 ) . Ngoài ra để thực hiện giao dịch nầy công ty phải trả một khoản lệ phí 1% trên tổng giá trị giao dịch cho nên tổng số tiền phải trả là 774.822 (767.150 + 7.672). III.2 Các thành viên trên thị trường ngoại hối Có 5 nhóm thành viên quan trọng trên thị trường ngoại hối: nhà buôn / nhà trung gian; nhà đầu cơ; nhà bảo hiểm; người buôn ngoại tệ trên 2 thị trường khác nhau (arbitrageurs); và Nhà nước. a/ Nhà buôn / nhà trung gian môi giới ngoại hối: Những nhà buôn ngoại hối làm việc tại các ngân hàng thương mại; họ sẽ mua và bán ngoại hối cho những khách hàng của họ. Những giao dịch này có thể thực hiện theo tỷ giá giao ngay hoặc tỷ giá có kỳ hạn. Hoạt động giao dịch được thực hiện theo đơn hàng của khách hàng, nhưng đôi lúc ngân hàng sẽ đứng ra thực hiện việc kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên việc làm này gặp rất nhiều rủi ro vì vậy phần lớn các ngân hàng chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh ở một mức tối thiểu để tránh rủi ro và họ chỉ tập trung chủ yếu vào việc phục vụ cho khách hàng. Những nhà trung gian môi giới về ngoại hối làm việc trong các công ty môi giới và họ thường giao dịch với cả hai loại tỷ giá: giao ngay và có kỳ hạn. Những người này thường chỉ tiến hành giao dịch ngoại hối, trong khi đó hoạt động này của ngân hàng chỉ là một trong nhiều hoạt động. b/ Nhà đầu cơ: Là một người kinh doanh ngoại hối trên thị trường. Điều này có nghĩa là họ luôn có sẵn một khoản dự trữ ngoại hối trong tay, hoặc hứa hẹn sẽ cung cấp một loại ngoại hối trong tương lai mặc dù không có sẵn trong tay. Nếu một nhà đầu cơ dự trữ sẵn một lượng ngoại hối trong tay có nghĩa là họ sẽ dự đoán rằng giá ngoại tệ đó sẽ tăng lên. Nếu họ không mua dự trữ, có nghĩa là họ tin chắc rằng ngoại hối sẽ giảm xuống. Ví dụ như, nếu một nhà đầu cơ tin rằng bảng Anh sẽ tăng giá trong tương lai, nhà đầu cơ sẽ mua bảng Anh và bán nó đi khi giá đồng bảng Anh tăng lên. Ngược lại nếu họ tin rằng bảng Anh sẽ xuống giá họ sẽ bán ngay bảng Anh và mua trở lại với một giá thấp trong tương lai. c/ Nhà bảo hiểm: Sẽ giới hạn những tổn thất bằng cách bảo đảm một tỷ giá cố định ở một thời điểm tương lai. Rất nhiều công ty đã thực hiện việc bảo hiểm ngoại hối. Tình huống của công ty xây dựng Atlanta đã bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh quốc tế bằng cách mua bảng Anh ở thị trường tương lai để đảm bảo giá cả luôn cố định ở mức 1.5450 $/£ trước khi họ cung ứng bảng Anh cho khách hàng và như vậy họ sẽ có cơ hội tạo ra lợi nhuận. d/ Arbitrageurs: Là những người đồng thời mua và bán một loại tiền tệ tại hai thị trường ngoại hối trở lên và họ sẽ tạo cơ hội phát sinh lợi nhuận từ sự khác biệt về tỷ giá hối đoái. Những người kinh doanh ngoại tệ theo cách này hầu như không vấp phải nhiều rủi ro bởi vì sự khác biệt trong tỷ giá tại 2 thị trường đã đảm bảo một mức lợi nhuận cho nhà kinh doanh. Ví dụ: Giả sử bảng Anh được định giá là 1.95 $/£ tại New York và 1.92 $/£ tại London. Như vậy bằng cách mua bảng Anh tại London và bán tại New York Arbitrageurs đã thu lợi nhuận là 3 cent cho mỗi £. e/ Nhà nước: Mặc dù tiền tệ của hầu hết các nước phát triển đều được thả nổi theo nhu cầu và mức cung ứng trên thị trường, tuy nhiên đôi lúc Nhà nước vẫn can thiệp vào thị trường với tư cách là người mua / bán nhằm duy trì tỷ giá cố định ở một mức nào đó. Ví dụ: nhiều nước trên thế giới luôn giữ USD như một phương tiện thanh toán hay dự trữ do đó họ sẽ không có lợi một khi USD bị giảm giá. Một tình thế như vậy xảy ra sẽ làm giảm giá trị tài sản dự trữ của các nước cũng như gia tăng khả năng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Do đó Nhà nước của những quốc gia này sẽ can thiệp bằng cách mua USD trên thị trường nhằm kìm giữ giá trị của USD. III.3 Những nhân tố quyết định tỷ giá Tỷ giá hối đoái được quyết định thông qua hoạt động của 5 thành viên trên thị trường đã nêu ở trên. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những mối liên hệ kinh tế chẳng hạn sức mua tương đương, lãi suất tương đương, cũng như những nhân tố khác tác động đến tỷ giá hối đoái. III.3.1 Sức mua tương đương (PPP) Là một loại lý thuyết cho rằng tỷ giá hối đoái giữa hai loại tiền tệ sẽ được xác định bởi sức mua tương đối của hai quốc gia này. Điều này sẽ được minh họa bằng cách khảo sát giá cả của một loại hàng hóa giống nhau / tương đương tại hai quốc gia, giả sử là Hoa Kỳ và Đức; và sau đó sẽ khảo sát sự tác động của lạm phát vào tỷ giá. Giả sử một chiếc xe hơi được bán tại Hoa Kỳ với giá 14.000 $ và một chiếc xe tương tự như vậy được bán tại Đức với giá 22.337 DM. Như vậy một USD sẽ có giá trị là 1.5955 DM (22.337 DM / 14.000 $) hoặc một DM sẽ có trị giá là 0.62 $. Nếu giả sử rằng lạm phát tại Hoa Kỳ là 5% và tại Đức là 10%. Chi phí cho một chiếc xe hơi tại Hoa Kỳ là 14.700 $ (14.000 x 1.05), trong khi đó chi phí cho một chiếc xe hơi tại Đức là 24.571 DM (22.337 x 1.10). Lúc đó tỷ giá hối đoái sẽ là 1.6715 DM/$ (24.571/14.700). Nếu giá cả của các hàng hóa và dịch vụ tại Đức tăng nhanh hơn Hoa Kỳ, chúng ta có thể kết luận rằng sức mua tại Hoa Kỳ cao hơn Đức. Hơn thế nữa, theo lý thuyết đồng giá sức mua (PPP), giá trị của đồng Đức Mark sẽ giảm để điều chỉnh sức mua tương đương của quốc gia này. Sử dụng ví dụ về ngành công nghiệp xe hơi nêu trên ta thấy đồng Đức Mark đã giảm xuống còn 59.83 cent (14.700 / 24.571). Nói tóm lại lạm phát sẽ tác động đến sức mua và để thiết lập lại mối quan hệ tương đương về sức mua, đồng ngoại tệ phải được tăng hay giảm để sức mua tương đương được thực hiện. Tuy nhiên cần nhận thức rằng lý thuyết đồng giá sức mua vẫn không phải là một lý thuyết hoàn hảo. Hiện nay nhiều loại tiền tệ đang được đánh giá cao hoặc thấp bất kể lý thuyết về sức mua tương đương. Tuy nhiên lý thuyết này vẫn có giá trị trong việc giải thích hiện tượng tỷ giá hối đoái được xác định như thế nào. III.3.2 Lãi suất tương đương Để có thể thiết lập mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá, chúng ta cần xem xét quan hệ giữa lãi suất với lạm phát. Mối quan hệ này được thể hiện qua hiện tượng hiệu ứng Fisher. Hiệu ứng Fisher mô tả mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất tại hai nước. Có 3 vấn đề cần xem xét trong khái niệm về hiệu ứng Fisher: (i) lãi suất danh nghĩa; (ii) tỷ lệ lạm phát; (iii) lãi suất thực. Hiệu ứng Fisher cho rằng khi lạm phát gia tăng, lãi suất danh nghĩa phải tăng để đảm bảo lãi suất thực luôn ở mức như cũ. Vì thế nếu chủ các ngân hàng tại Hoa Kỳ và Đức muốn có một mức lãi suất thực là 5% khi tỷ lệ lạm phát tại Đức cao hơn Hoa Kỳ thì lãi suất danh nghĩa tại Đức phải cao hơn. Mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá (IFE) hối đoái sẽ được giải thích thông qua hiệu ứng Fisher quốc tế, mà nòng cốt của khái niệm này cho rằng sự khác biệt về lãi suất giữa hai nước sẽ là một công cụ dự báo sự thay đổi về tỷ giá giao ngay. Một lần nữa, sử dụng ví dụ trên, lý thuyết IFE cho rằng nếu lãi suất danh nghĩa tại Đức cao hơn Hoa Kỳ, giá trị của đồng Mark Đức sẽ giảm bằng đúng sự khác biệt về lãi suất trong tương lai. Sự khác biệt này cũng rất quan trọng trong việc xác định tỷ giá có kỳ hạn trong tương lai bởi vì tỷ giá có kỳ hạn trong tương lai sẽ làm trung hòa sự khác biệt về lãi suất giữa hai quốc gia. Ví dụ: nếu lãi suất tại Đức cao hơn lãi suất tại Hoa Kỳ, tỷ giá hối đoái có kỳ hạn cho đồng Mark sẽ thấp hơn Hoa Kỳ bằng đúng một sự chênh lệch về lãi suất. Vì vậy lợi nhuận đầu tư bằng USD sẽ bằng với lợi nhuận đầu tư bằng Mark khi chuyển lợi nhuận này sang USD theo tỷ giá có kỳ hạn tương lai. Như vậy tỷ giá có kỳ hạn tương lai sẽ cho phép các nhà đầu tư mua bán tiền tệ giao sau mà không có rủi ro chuyển đổi và không có sự khác biệt về lợi tức thu nhập. Nếu những sự khác biệt vẫn còn tồn tại, những nhà kinh doanh tiền tệ sẽ nắm lấy cơ hội này để kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận. III.3.3 Những xem xét khác (nhân tố khác) Một số nhân tố khác cũng góp phần xác định tỷ giá hối đoái. Đó là: lòng tin vào một loại tiền tệ nào đó. Rất nhiều người luôn dự trữ USD bởi vì họ tin vào độ an toàn của loại tiền tệ này. Thậm chí trong những thời kỳ Hoa Kỳ bị thâm thụt mậu dịch rất lớn nhưng vẫn không làm các nhà đầu tư mất lòng tin vào USD. Chính điều này đã làm cho nhu cầu về USD luôn ở mức cao. Một số nhân tố khác quyết định sự biến động về tỷ giá còn gọi là “nhân tố kỹ thuật”. Ví dụ như: các số liệu về kinh tế quốc gia, nhu cầu theo mùa về một loại tiền tệ, sự gia tăng nhẹ của một loại tiền tệ theo sau một thời kỳ suy giảm, sự giảm nhẹ của tiền tệ sau một thời kỳ gia tăng .... Tuy nhiên những nhân tố này không gây ra một sự biến đổi lớn về tỷ giá mà chỉ làm cho nó dao động trong từng thời kỳ. IV. QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC VÀ TÀI CHÍNH QUỐC TẾ IV.1 Chiến lược quản trị rủi ro về tỷ giá hối đoái * Rủi ro trao đổi là một dạng rủi ro do công ty không có khả năng điều chỉnh giá cả và chi phí để bù đắp sự thiệt hại do tỷ giá thay đổi. Có nhiều lý do đòi hỏi doanh nghiệp cần thiết phát triển chiến lược quản trị rủi ro do sự biến động về tỷ giá. Một trong những lý do đó là doanh nghiệp không thể nào tăng giá cả hàng hóa để bù đắp những thiệt hại gây ra bởi sự gia tăng của tỷ giá. Ví dụ trường hợp của một nhà bán lẻ mua máy vi tính cá nhân từ một nhà sản xuất tại Hồng Kông. Chi phí cho mỗi máy tính là 500 USD và được thanh toán bằng dollar Hồng Kông. Nếu tỷ giá hối đoái là 0.1293 USD/HD như vậy nhà buôn Mỹ phải trả 3.867 HD (500/0.1293). Giả sử rằng USD được phá giá so với dollar Hồng Kông cho nên tỷ giá mới là 0.15 USD/HD. Nếu nhà sản xuất tiếp tục đòi giá 3 867 HD như vậy giá mua sẽ là 580. Nếu vẫn giữ giá bán như cũ, lợi nhuận của công ty Mỹ sẽ giảm đi. Do đó trong trường hợp này công ty Mỹ phải điều chỉnh chiến lược. Một giải pháp đó là công ty này phải thương lượng với nhà sản xuất Hồng Kông để giảm giá và như vậy cả hai bên cùng chia xẻ khoản thiệt hại này. Giải pháp thứ hai là gia tăng giá bán ở một nước có thể chấp nhận được nhằm giảm bớt thiệt hại. Giải pháp thứ ba là cố gắng giảm thiểu rủi ro gây ra bởi sự thay đổi về tỷ giá bằng 3 phương pháp: né tránh rủi ro, điều chỉnh rủi ro và đa dạng hóa tiền tệ: (i) Né tránh rủi ro: là giải pháp xóa bỏ rủi ro chuyển đổi bằng cách thực hiện hoạt động kinh doanh nội địa. Đối với công ty của Hoa Kỳ nêu trên, việc thực hiện giải pháp này chính là việc mua computer được sản xuất tại Hoa Kỳ. Bằng cách này nếu USD bị phá giá so với các loại tiền tệ khác, nó vẫn chưa tác động ngay đến chi phí sử dụng nhân công tại Hoa Kỳ. Do đó công ty này sẽ giữ một giá bán như cũ so với trước khi USD bị phá giá. (ii) Điều chỉnh rủi ro chuyển đổi: bằng cách sử dụng kỹ thuật bảo hiểm để phòng ngừa thiệt hại do sự biến động về tỷ giá. Việc mua một hợp đồng ngoại tệ tương lai là một trong những kỹ thuật bảo hiểm. Một giải pháp nữa là việc thương lượng một giá cố định trong một thời kỳ với phía đối tác. Ví dụ trường hợp trên là giá 500 USD trong vòng 24 tháng chẳng hạn. (iii) Đa dạng hóa tiền tệ: là quá trình mở rộng dự trữ tài sản tài chính bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Ví dụ trong tình huống nêu trên, công ty bán lẻ máy tính Hoa Kỳ sẽ tránh được sự biến động do phá giá USD nếu như nó dự trữ đủ HD để thanh toán trong vòng 12 tháng tới; và chỉ sau thời gian này nó mới chịu sự tác động do tình trạng USD bị phá giá. IV.2 Tài trợ cho hoạt động kinh doanh Cho đến giờ phút này mọi vấn đề trình bày ở trên chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại hối và các phương pháp mà doanh nghiệp sử dụng để giảm thiểu rủi ro trên thị trường này. Tuy nhiên còn một lĩnh vực quan trọng khác cần xem xét: Thị trường vốn nước ngoài. Trong kinh doanh không phải mọi hoạt động tài trợ đều được thực hiện trong nước, thường nhiều công ty tìm kiếm nguồn vốn kinh doanh trên thị trường vốn quốc tế và họ sẽ vay mượn hoặc cho vay ở những nơi mà lãi suất có sức hấp dẫn. Vay và cho vay: MNC, khi thiết lập những hoạt động kinh doanh tại hải ngoại thường vay mượn từ những ngân hàng địa phương hoặc những tổ chức tài chính địa phương. Một lý do dẫn đến hành động này đó là Nhà nước sở tại thường áp dụng những trợ cấp cho các khoản nợ này thông qua việc giảm thuế, lãi suất thấp, hoặc các xem xét về tài chính khác nhằm giới hạn khả năng lỗ của công ty. Chẳng hạn tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, những chính sách khuyến khích trọn gói đã được chào mời cho những công ty thiết lập chi nhánh tại đây. Nhà nước ở những tiểu bang này cho rằng phí tổn của những chính sách khuyến khích này sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng công ăn việc làm cho người lao động và sự phát triển kinh tế của khu vực. Một lý do thứ hai cho việc tiến hành vay nợ tại địa phương đó là MNC có thể bảo hiểm trước sự biến động của tỷ giá bằng cách dự trữ các loại tiền tệ khác nhau. Ví dụ nếu một công ty Hoa Kỳ có những hoạt động tại Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản thì sự biến động về tỷ giá hối đoái so với USD sẽ có tác động đến công ty này. Tuy nhiên khi tiến hành những khoản vay bằng tiền tệ bản xứ thì công ty này sẽ giảm thiểu được những sự tác động do sự thay đổi về tỷ giá trong việc thanh toán công nợ. Ở đây chỉ có một sự rủi ro duy nhất xảy ra khi công ty này giữ một bộ phận lớn tiền tệ của một nước mà đồng tiền này lại bị phá giá. Đôi khi một công ty đa quốc gia sẽ tiến hành cho vay tiền tại thị trường tiền tệ quốc tế. Ví dụ nếu ngân hàng America nhận thấy rằng lãi suất tại Singapore cao hơn USA, nó sẽ tiến hành ký gởi tiền tại đây. Tương tự nếu General Motors nhận thấy có sự giới hạn trong việc chuyển lợi nhuận về chính quốc thì nó sẽ dùng phần lợi nhuận này đầu tư vào các tài sản tài chính tại địa phương. IV.3 Các đồng tiền Châu Âu Một trong những thị trường tiền tệ quốc tế quan trọng cho MNC chính là thị trường tiền tệ Châu Âu. Đồng tiền Châu Âu là một loại tiền tệ bất kỳ nào đó được ký gởi vào ngân hàng ngoài nước chính quốc của nó. Ví dụ đồng dollar Châu Âu là đồng USD được ký gởi ngoài phạm vi lãnh thổ của Hoa Kỳ. Nguồn chủ yếu của USD Châu Âu xuất phát từ: (i) thặng dư ngoại tệ của các công ty; (ii) các ngân hàng Châu Âu có lượng ngoại tệ vượt quá nhu cầu; (iii) những nhà nước ngoại quốc hoặc doanh nhân muốn giữ USD bên ngoài phạm vi của Hoa Kỳ; (iv) dự trữ ngoại tệ của các quốc gia có lượng thặng dư mậu dịch lớn như Japan và các nước thuộc khối OPEC. Thị trường tiền tệ Châu Âu chủ yếu là thị trường của đồng USD Châu Âu (trên 4.000 tỷ USD được giao dịch) và là một thị trường bán buôn được tiến hành với các khách hàng là Nhà nước, ngân hàng và những công ty lớn. Các khoản tiền gởi thường ngắn hạn và các khoản nợ cho vay được xác định bằng một % cao hơn so với LIBOR (lãi suất chính thức ngân hàng London). Trên thị trường tiền tệ Châu Âu, còn có thị trường trái phiếu dành cho các nhà đầu tư nội địa và nước ngoài. Thị trường này có hai loại trái phiếu: Châu Âu và nước ngoài. Trái phiếu nước ngoài là loại trái phiếu được bán ra bên ngoài quốc gia phát hành nhưng được tính theo đồng tiền tại nơi bán ra. Ví dụ một công ty tại Đức có thể phát hành và bán trái phiếu tại Tây Ban Nha tính theo đồng pesetas của Tây Ban Nha. Trái phiếu Châu Âu là một loại trái phiếu được ủy quyền phát hành bởi một tập đoàn gồm nhiều ngân hàng của các nước khác nhau và được bán ra tại nhiều quốc gia thay vì tại một quốc gia có đồng tiền được sử dụng để xác định giá trị của trái phiếu. Ví dụ một đợt phát hành trái phiếu trị giá 50 triệu USD cho một công ty Thụy Sĩ được ủy quyền phát hành bởi một tập đoàn ngân hàng gồm 5 nước khác nhau, mệnh giá tính theo Franc Pháp và được bán tại Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý và Luxembourg. Thị trường trái phiếu Châu Âu được đặt tại Châu Âu, nhưng trái phiếu được bán rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Một số loại trái phiếu còn chào mời quyền lợi chọn tiền tệ, quyền này cho phép người mua lựa chọn lại tiền tệ được chi trả. Cách này cho phép giảm thiểu rủi ro chuyển đổi khi trái phiếu chỉ gắn với một loại tiền tệ. Trái phiếu Châu Âu của một số công ty đã trở nên phổ biến với nhiều nhà đầu tư trong những năm gần đây bởi vì một số loại trái phiếu là trái phiếu chuyển đổi, nó cho phép người giữ nó có thể chuyển đổi thành cổ phiếu thường./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMôi trường tài chính quốc tế.doc
Tài liệu liên quan