Mở rộng tính ứng dụng của chương trình đào tạo đại học khi triển khai thực hiện học chế tín chỉ

Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường đại học cần có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng thường xuyên (dài hạn/bán cơ hữu) từ thế giới việc làm để kịp thời bổ sung giảng viên cho các học phần chuyên ngành thường thiếu giảng viên và để tăng tính thực tế cho các bài giảng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các giảng viên giảng dạy cùng học phần/môn học. Mỗi học phần, đặc biệt là những học phần bắt buộc, sĩ số sinh viên đông, chương trình đào tạo nên bố trí ít nhất hai giảng viên đảm nhiệm với hai lớp (ca) khác nhau để tăng tính cạnh tranh của giảng viên trong việc cập nhật thực tế vào bài giảng. Trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, hầu như tất cả các học phần đều bao gồm các hình thức tổ chức dạy - học khác nhau: giảng bài của giảng viên, thực tập, thực hành của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên, và tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Do đó, giảng viên phải xây dựng đề cương chi tiết, cập nhật bài giảng, đáp ứng các yêu cầu mang tính thực tế của chương trình đào tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới việc làm, giúp sinh viên nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập của nền kinh tế

pdf8 trang | Chia sẻ: thuychi20 | Lượt xem: 779 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mở rộng tính ứng dụng của chương trình đào tạo đại học khi triển khai thực hiện học chế tín chỉ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ RỘNG TÍNH ỨNG DỤNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC KHI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HỌC CHẾ TÍN CHỈ PGS.TS. Nguyễn Minh Đức Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Văn Hiến 1. Lợi ích của đào tạo theo học chế tín chỉ Xuất phát từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), học chế tín chỉ đã nhanh chóng được thừa nhận và áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950-1960 nhưng việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ tại Việt Nam chỉ mới được nghiên cứu, thảo luận và áp dụng rộng rãi trong vòng một thập niên gần đây, tính từ năm 2005 Bộ Giáo dục Đào tạo chính thức chỉ đạo các trường cao đẳng, đại học công lập chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ. Được xem là một "cuộc cách mạng" trong "công nghệ đào tạo" bậc đại học, đào tạo theo học chế tín chỉ là một quy trình đào tạo linh hoạt, lấy người học làm trung tâm, nâng cao tính chủ động của sinh viên từ việc lập kế hoạch học tập cho đến việc lựa chọn phương thức và nội dung học tập. Chương trình đào tạo tín chỉ sẽ tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc lựa chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn tiến trình học phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của mình. Người học được chủ động về mặt thời gian, nếu học tốt, có thể rút ngắn thời gian học; nếu không đủ khả năng cũng có thể vừa học, vừa làm, hoặc nghỉ học vài năm, sau đó, quay lại học tiếp, phù hợp với xu thế học tập suốt đời. Người học cũng chủ động trong việc tiếp thu các khối lượng kiến thức của ngành học khi có thể lựa chọn các học phần khác nhau được thiết kế trong chương trình. Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng phản ánh được những mối quan tâm và những yêu cầu của sinh viên thông qua việc lựa chọn các học phần khác nhau để đáp ứng với nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động. Phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ không chỉ có lợi cho sinh viên mà còn có lợi cho các nhà quản lý các trường đại học khi nó tạo ra một thước đo khả năng học tập của người học (thông qua số lượng tín chỉ được tích lũy) và cũng cũng là thước đo hiệu quả, thời gian làm việc của giảng viên (thông qua số lượng sinh viên đăng ký học). Nếu trong chương trình đào tạo theo niên chế, quá trình truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm từ người dạy sang người học được xem trọng thì trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, quá trình tự học, tự nghiên cứu, tự tìm kiến thức và tự tích lũy kinh nghiệm của sinh viên được xem là điểm cốt lõi của chương trình đào tạo. Sinh viên có thể tham khảo cố vấn học tập trong việc chọn những môn học phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình để hoàn thành những yêu cầu cho một văn bằng tốt nghiệp cũng như phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai. Tận dụng tính mềm dẻo, linh hoạt và sự phổ biến của học chế tín chỉ, các chương trình đào tạo thường được xây dựng theo hình thức module hóa với các học phần có thời lượng tương đồng (thường là 3 tín chỉ ~ 45 tiết lý thuyết trên lớp) mang tính liên thông dọc (nghĩa là liên thông từ bậc học thấp lên bậc cao hơn), liên thông ngang (giữa các ngành nghề khác nhau) và liên thông giữa các đơn vị đào tạo khác nhau. Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam đang xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng này. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng lại ít được các trường chú trọng. Trong quá trình chuyển đổi sang đào tạo theo học chế tín chỉ, bên cạnh việc thay đổi tư duy và phương pháp dạy đại học của đội ngũ giảng viên, cũng như sự thay đổi trong tư duy và phương pháp học của sinh viên, một điều đáng lưu ý là chú trọng mở rộng tính ứng dụng của chương trình đào tạo. 2. Vì sao sinh viên các trường đại học Việt Nam thiếu kiến thức thực tế? Chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam được thiết kế theo học chế tín chỉ thường bao gồm một hệ thống những học phần (thường được gọi là môn học) thuộc ba khối chính: khối kiến thức cơ bản, khối kiến thức cơ sở và khối kiến thức chuyên ngành. Mỗi khối kiến thức được chia làm 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Phần tự chọn sẽ có số lượng những học phần với số tín chỉ tương ứng lớn hơn số lượng tín chỉ yêu cầu sinh viên phải tích lũy để hoàn thành những yêu cầu cho một văn bằng bậc đại học. Các học phần này bao gồm cả khối lượng kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Tuy nhiên, sinh viên các trường đại học Việt Nam, dù đảm bảo số tín chỉ tích lũy để đạt văn bằng tốt nghiệp vẫn thường bị đánh giá là thiếu kiến thức thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp. Các nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía nhưng có thể tập trung vào ba nhóm sau: Từ phía người học: - Do chưa hoàn thiện của hệ thống cố vấn học tập, nói đúng hơn là vai trò cố vấn còn mờ nhạt nên sinh viên thường chọn những học phần lý thuyết mà bỏ qua các học phần thực hành, thực tập trong các học phần tự chọn; - Thời lượng cho 1 tín chỉ thực hành dài hơn 1 tín chỉ lý thuyết, chi phí phải trả và công sức bỏ ra cho 1 tín chỉ thực hành nhiều hơn; - Sinh viên mong muốn tốt nghiệp sớm để tiết kiệm chi phí, nhanh chóng có việc làm; Từ phía người dạy: - Thời gian dạy cho 1 tín chỉ thực hành dài hơn 1 tín chỉ lý thuyết nhưng thù lao giảng dạy cho 1 tiết giảng thấp hơn, thường được nhân với hệ số 0,5-0,7, do sự khống chế về số lượng sinh viên trong 1 nhóm thực tập; - Sự thiếu thốn của đội ngũ giảng viên nên không thể bố trí đội ngũ trợ giảng phụ trách thực hành thực tập cho các học phần lý thuyết; - Phương pháp và kỹ năng dạy đại học bao gồm thực hành và thực tập còn hạn chế; - Tư duy xem thực hành, thực tập chỉ là minh họa cho lý thuyết nên đẩy thực hành xuống hàng thứ yếu; - Sự hạn chế trong kỹ năng giảng dạy thực hành, thực tập; - Chức năng và vai trò nghiên cứu khoa học chưa được giảng viên xem trọng, thường được đặt ở vị trí thấp hơn chức năng giảng dạy Từ phía nhà trường: - Chương trình đào tạo thường được một số giảng viên cơ hữu (thường là cán bộ quản lý) có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm đảm trách, thiếu sự tham gia của thế giới việc làm liên quan đến chuyên ngành đào tạo; - Khối lượng thực hành, thực tập thường được bố trí ở năm cuối trong kế hoạch đào tạo với tư duy thực hành thực tập chỉ minh họa cho lý thuyết; - Các giáo trình quá hàn lâm, thiếu tính thực tế và thường được biên soạn dựa trên những giáo trình đã có sẵn trước đó, do đó nội dung giáo trình thường ít được cập nhật khi giảng viên ít hay không tham gia nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tế liên quan đến chuyên ngành đào tạo; - Cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tập, chi phí cho thực hành thực tập cao; - Việc bố trí thực tập ngoài khuôn viên trường học sẽ ảnh hưởng đến việc tham dự lớp học của các học phần khác khi sinh viên khó có khả năng di chuyển từ nơi thực tập về lớp học; - Việc sắp xếp, bố trí phòng học, thời gian các học phần thực tập và học phần lý thuyết gặp nhiều khó khăn do phải chia nhỏ lớp học phần lý thuyết thành nhiều lớp học phần thực tập khác nhau,... Trong bối cảnh xã hội đang yêu cầu khả năng thích ứng của sinh viên đối với thực tế sản xuất, kinh doanh ngay từ khi tốt nghiệp, việc mở rộng và nâng cao tính ứng dụng của chương trình đào tạo cần được chú trọng hơn để giúp sinh viên thích ứng tốt hơn với thị trường lao động luôn biến đổi. 3. Mở rộng tính ứng dụng của các chương trình đào tạo 3.1. Chú trọng tính thực tế và tính đặc thù của trường đại học Để gia tăng tính ứng dụng của chương trình đào tạo, việc xây dựng chương trình đào tạo phải xuất phát từ thực tế, từ yêu cầu của thế giới việc làm. Do đó, các cuộc khảo sát thực tế về thị trường lao động và thế giới việc làm phải được tiến hành trước khi xây dựng hay cải tiến chương trình đào tạo của một chuyên ngành. Đối tượng khảo sát bao gồm các tổ chức/doanh nghiệp/người sử dụng lao động, các cựu sinh viên, các cán bộ quản lý, các nhân viên, lao động đang thực tế làm việc trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành đào tạo để tìm hiểu các yêu cầu của các bên liên quan. Các cuộc khảo sát này sẽ xác định các yêu cầu tối thiểu về kiến thức và kỹ năng mà một sinh viên phải được đào tạo và tích lũy đủ để đạt được văn bằng tốt nghiệp (thường gọi là CĐR). Các cuộc khảo sát này cũng cần chỉ rõ những nội dung kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng các học phần và các đề cương môn học. Cần nhắc lại rằng việc khảo sát phải căn cơ, thấu đáo, tránh hình thức. Qua các cuộc khảo sát, mỗi trường đại học sẽ xác định được địa bàn, đối tượng phục vụ (phân khúc thị trường) của mình, từ đó, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho các đối tượng (phân khúc) đó, hình thành tính đặc thù trong chương trình đào tạo của mỗi trường đại học, giúp thị trường việc làm dễ dàng nhận biết được những đặc điểm khác biệt cơ bản giữa các sinh viên tốt nghiệp từ nhiều trường khác nhau. Để mở rộng tính ứng dụng, chương trình đào tạo cần bố trí các học phần thực hành thực tập trải dài và xuyên suốt các năm học, tránh dồn vào năm học cuối với các đợt thực tập dồn dập trước khi bắt đầu một khóa luận hay một đề án tốt nghiệp đòi hỏi nhiều kinh phí và công sức. Các học phần thực tập này có thể bố trí vào cuối mỗi học kỳ hay trong học kỳ phụ. Trong đề cương các học phần lý thuyết, cần thiết phải có những tiết học thực hành, thực tập dưới nhiều hình thức khác nhau: thực hành bài tập, thảo luận nhóm, các đề án, bài tập lớn, tiểu luận môn học,... tận dụng tính tự học, tự nghiên cứu thực tế và tự tìm kiếm kiến thức của sinh viên. Thực tập, thực hành không chỉ là minh họa lý thuyết mà còn phải thể hiện vai trò gợi mở, tìm kiếm và tạo dựng lý thuyết. Từ đó, thực hành, thực tập sẽ hỗ trợ tốt hơn cho khả năng sáng tạo của sinh viên ngay từ giảng đường đại học. 3.2. Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng mở và linh hoạt Các chương trình đào tạo phải được cập nhật và cải tiến sau một thời gian nhất định, ví dụ 3-4 năm, để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động và thế giới việc làm. Kết cấu chương trình cần có nhiều học phần tự chọn hơn số học phần bắt buộc, cho phép giảng viên đề xuất các học phần mới phù hợp với yêu cầu thực tế và khả năng của giảng viên. Bên cạnh đó, cần tạo ra những qui định cho phép hủy bỏ học phần trong môn học sau một thời gian không có hay có quá ít sinh viên lựa chọn. Đề cương môn học cần được cập nhật và mang tính cạnh tranh giữa các giảng viên dạy cùng môn học, được công bố công khai cho sinh viên trong trường để sinh viên có thể lựa chọn học phần, lựa chọn giảng viên. Về mặt này, hiện phải cân nhắc vì sẽ có những mặt lợi bất cập hại. Việc mở rộng các môn tự chọn đảm bảo quyền lựa chọn của sinh viên và cho phép sinh viên hình thành các lợi thế cạnh tranh riêng so với các sinh viên khác theo học cùng chương trình; từ đó, tạo sự khác biệt cho những sinh viên tài năng khi tham gia thị trường lao động. Những sinh viên lựa chọn các môn học mang tính thực tế sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc áp dụng một tỷ lệ tín chỉ đáng kể các môn tự chọn còn rèn luyện tính tự lập, tự chịu trách nhiệm của sinh viên khi họ phải tự quyết định số lượng các học phần tự chọn trong kế hoạch học tập của mình. Có ý kiến cho rằng hệ thống các môn học tự chọn có thể tạo cơ hội cho những sinh viên lười biếng khi họ chọn những môn học dễ nhất trong chương trình đào tạo đại học. Để trả lời ý kiến này, nên tham khảo trên trang web riêng ( ed.org/resources/Charles_Eliot.htm), Hiệu trưởng Elliot của Đại học Harvard đã cho rằng chính sách của một trường đại học không nhất thiết phải xây dựng dựa trên nhu cầu của những sinh viên kém cỏi nhất. “Việc thiết kế một chương trình đồng nhất cho mọi sinh viên, với những kiến thức hời hợt và ngăn cản sự chuyên sâu, là sự hy sinh những sinh viên xuất sắc nhất vì những kẻ trung bình”. 3.3. Tạo dựng môi trường học tập phù hợp, hỗ trợ cho quá trình triển khai thực hiện chương trình đào tạo mang tính ứng dụng Một trong những yếu tố tối quan trọng và việc triển khai học chế tín chỉ là môi trường, không gian học tập phải phù hợp với học chế này, trong đó cơ sở vật chất của trường phải phù hợp và hỗ trợ cho việc đào tạo theo hướng ứng dụng thực tế. Các hình thức phòng học phải đa dạng, có sự khác biệt giữa những tiết lý thuyết và những tiết thực hành thực tập, tạo điều kiện cho việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên và giữa sinh viên với nhau. Phòng thí nghiệm thực tập và thư viện nên có một cơ chế quản lý linh hoạt, dựa trên cơ sở phục vụ tốt nhất cho nhu cầu tự học của sinh viên và yêu cầu nghiên cứu của giảng viên. Khuôn viên trường nên có những địa điểm phù hợp cho việc học nhóm, thảo luận, hỗ trợ cho quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Sách giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo nên được cung cấp cho sinh viên với nhiều hình thức khác nhau. Mỗi trường đại học nên có một hệ thống giáo trình riêng, phù hợp với triết lý và định hướng ứng dụng của chương trình đào tạo, tạo nên tính đặc thù của mỗi chuyên ngành trong từng trường, giúp sinh viên và thế giới việc làm có thể phân biệt sự khác nhau cũng như thế mạnh giữa các trường đại học trong cùng một chương trình đào tạo. Nội dung giáo trình cũng nên gần gũi hơn với thực tế, tránh đưa quá nhiều kiến thức hàn lâm vào giáo trình, bài giảng dành cho sinh viên đại học. Trong môi trường học tập, nhà trường cũng nên tận dụng công nghệ thông tin để tạo sự tương tác giữa sinh viên và nhà trường, giữa sinh viên và giảng viên và giữa sinh viên với nhau. Hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của Internet và công nghệ e-learning, sinh viên có nhiều cơ hội để tiếp cận nhiều hơn các bài giảng của các giảng viên nổi tiếng, đồng thời cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thực tế. Các trang web, các tài khoản trên các mạng xã hội online của các khoa chuyên môn, của trường đại học nên có thêm những nội dung giúp sinh viên tìm hiểu và tiếp cận tốt hơn với thực tế sản xuất như các bài phân tích thực tế xu hướng nghề nghiệp, thực trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, yêu cầu của các nhà tuyển dụng, Các chương trình đào tạo cũng nên thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và các tổ chức doanh nghiệp. Để khắc phục điểm yếu về kỹ năng thực hành và khả năng thích ứng ngay với thực tế sản xuất sau khi tốt nghiệp, sinh viên trong các trường đại học cần được tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới nghề nghiệp, với các doanh nghiệp ngay từ khi còn đi học. Việc thiết lập, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa các khoa chuyên môn thuộc các trường đại học với các tổ chức doanh nghiệp nên trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý và của các giảng viên khi muốn thay đổi nội dung chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Mối quan hệ này có thể được thiết lập và phát triển thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn của giảng viên tại các doanh nghiệp, có thể thông qua việc ký kết hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, qua các buổi seminar chuyên đề với sự tham gia của doanh nghiệp và cũng có thể thông qua mạng lưới các cựu sinh viên của trường. 3.4. Đội ngũ giảng viên Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường đại học cần có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng thường xuyên (dài hạn/bán cơ hữu) từ thế giới việc làm để kịp thời bổ sung giảng viên cho các học phần chuyên ngành thường thiếu giảng viên và để tăng tính thực tế cho các bài giảng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các giảng viên giảng dạy cùng học phần/môn học. Mỗi học phần, đặc biệt là những học phần bắt buộc, sĩ số sinh viên đông, chương trình đào tạo nên bố trí ít nhất hai giảng viên đảm nhiệm với hai lớp (ca) khác nhau để tăng tính cạnh tranh của giảng viên trong việc cập nhật thực tế vào bài giảng. Trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, hầu như tất cả các học phần đều bao gồm các hình thức tổ chức dạy - học khác nhau: giảng bài của giảng viên, thực tập, thực hành của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên, và tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Do đó, giảng viên phải xây dựng đề cương chi tiết, cập nhật bài giảng, đáp ứng các yêu cầu mang tính thực tế của chương trình đào tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới việc làm, giúp sinh viên nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập của nền kinh tế. 3.5. Sự chủ động của sinh viên trong việc tiếp cận thực tế nghề nghiệp Việc cải tiến chương trình đào tạo ngoài việc khảo sát thị trường và thế giới việc làm còn phải dựa trên ý kiến của sinh viên. Thông qua hệ thống các môn học tự chọn trong toàn trường, sinh viên sẽ lựa chọn và quyết định sự tồn tại của các học phần trong chương trình đào tạo. Sinh viên cũng có thể thể hiện vai trò chủ động của mình khi đề xuất các môn học hay học phần mới cho Hội đồng khoa học của trường và của các khoa, bổ sung vào chương trình đào tạo. Với sự chủ động trong việc xây dựng thời khóa biểu riêng của mỗi cá nhân, sinh viên sẽ sắp xếp tham gia các câu lạc bộ học thuật, thể thao, văn nghệ và các câu lạc bộ kỹ năng khác nhằm tự hoàn thiện mình, đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ thực tế. Sinh viên cũng nên được khuyến khích và tạo cơ hội đi làm thêm, đặc biệt ở những công việc phù hợp với ngành đang đào tạo với một thời lượng nhất định ngoài giờ học. Điều đó, không chỉ giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và rèn luyện kỹ năng mềm, quá trình làm thêm còn kích thích họ tự học, tự tìm kiếm lý thuyết trong quá trình học để lý giải những kinh nghiệm thực tế mà họ tích lũy được. Từ đó, sinh viên sẽ đưa ra những yêu cầu thực tế hơn để góp phần cải tiến chương trình đào tạo và nội dung các đề cương bài giảng theo hướng gần gũi hơn với thực tế.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf8_mo_rong_tinh_ung_dung_cua_chuong_trinh_dao_tao_dai_hoc_khi_trien_khai_thuc_hien_hoc_che_tin_chi_31.pdf
Tài liệu liên quan