“Giải mã” biểu tượng là công việc rất khó
khăn, bởi dù cố gắng đến đâu chúng ta cũng
chỉ mới chạm được vào một phần ý nghĩa của
nó. Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi
chỉ tập trung vào giải quyết những vấn đề đặt
ra theo quan điểm nghiên cứu của mình,
nhằm có cách tiếp cận mới mẻ hơn về một đối
tượng nghiên cứu khá phổ biến trong văn học,
dân tộc học cũng như trong văn hoá dân gian
(folklore).
5 trang |
Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 11/03/2022 | Lượt xem: 264 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mẫu số chung của các vị thần khổng lồ trong kho tàng thần thoại một số tộc người ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chu Thị Vân Anh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 23 - 27
23
MẪU SỐ CHUNG CỦA CÁC VỊ THẦN KHỔNG LỒ
TRONG KHO TÀNG THẦN THOẠI MỘT SỐ TỘC NGƯỜI Ở VIỆT NAM
Chu Thị Vân Anh*
Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên
TÓM TẮT
Thần thoại là sáng tác của người nguyên thủy, phản ánh trạng thái sinh hoạt vật chất và tinh thần
của con người trong buổi sơ khai của lịch sử. Thần thoại về những vị thần khổng lồ được coi là lớp
thần thoại đầu tiên, xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học các tộc người. Hình ảnh các vị thần
khổng lồ - những người có tầm vóc và sức khỏe phi thường là một mô - típ quen thuộc trong hệ
thống thần thoại của các tộc người. Thông qua bài viết này, tác giả muốn khái quát một số những
đặc điểm chung, hay còn gọi là những “mẫu số chung” của các vị thần khổng lồ trong kho tàng
văn học dân gian Việt Nam. Với phương pháp tiếp cận liên ngành, trên cơ sở khảo cứu thần thoại
của nhiều tộc người, bằng những kiến giải của mình, tác giả bước đầu giải mã hệ thống biểu tượng
này trong kho tàng thần thoại của các tộc người ở Việt Nam.
Từ khóa: Thần thoại, người Tày, người Thái biểu tượng, các vị thần khổng lồ.
Thần thoại về những vị thần buổi khai thiên
lập địa được coi là lớp thần thoại đầu tiên,
xuất hiện sớm trong lịch sử văn học các tộc
người. Vì vậy, trong nghiên cứu văn học
dân gian đã có nhiều công trình nghiên cứu
về đề tài này.*
Ở khía cạnh lý thuyết, Nguyễn Đổng Chi là
tác giả có công trình nghiên cứu khá sớm [2].
Qua đó đưa ra những quan điểm chung nhất
về lý thuyết “thần thoại”. Đây được coi là tác
phẩm có tính chất gợi mở cho những nghiên
cứu tiếp theo.
Bên cạnh nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi
còn có những công trình của các tác giả: Cao
Huy Đỉnh [3], Cầm Trọng [9], Hoàng
Lương[7] Trong đó các tác giả đã bước đầu
tiếp cận và giải mã biểu tượng Thánh Gióng
của người Việt và biểu tượng các vị thần
khổng lồ của cư dân Thái ở Tây Bắc Việt
Nam. Đặc biệt, tác giả Hoàng Lương [7] đã
đề cập đến mối giao lưu văn hóa Tày - Thái
cổ với văn hóa Việt thông qua những địa danh
liên quan đến người anh hùng làng Gióng ở
vùng trung châu Bắc Bộ.
Trong công tác sưu tầm và nghiên cứu văn
học dân gian, đã có những công trình chuyên
khảo tập hợp các câu chuyện thần thoại của
các tộc người ở Việt Nam [4],[5][6],[10]. Đây
là nguồn tư liệu quý giá giúp chúng tôi hoàn
thành bài viết này.
*
Tel: 0983834376; Email: vananhdth@gmail.com
Tuy thần thoại về các vị thần khổng lồ đã
được quan tâm nghiên cứu từ sớm, nhưng
dường như nó chỉ được quan tâm ở khía cạnh
văn học dân gian. Về cơ bản, những nội dung
của thần thoại đã được tiếp cận ở nhiều khía
cạnh. Tuy nhiên, với tư cách là đối tượng
nghiên cứu của Dân tộc học - Nhân học nhằm
giải mã về những biểu tượng chưa được các
nhà nghiên cứu quan tâm thích đáng. Vì vậy,
với mục đích tìm hiểu về những nét chung
nhất - những “mẫu số chung” của các vị thần
khổng lồ sẽ góp thêm một cái nhìn khái quát
hơn về vấn đề này.
Biểu tượng “Người khổng lồ” trong thần
thoại một số tộc người ở Việt Nam
Thần thoại ra đời khi mà trình độ nhận thức
của con người đã có bước phát triển nhất
định. Nội dung thần thoại chủ yếu phản ánh
khát vọng hiểu biết và chinh phục tự nhiên
phục vụ cho cuộc sống cộng đồng của người
nguyên thuỷ. Do vậy, yếu tố hoang đường, ấu
trĩ trong buổi sơ khai của lịch sử thể hiện rõ
nét. Trong đó điển hình là hình ảnh về những
vị thần khổng lồ - những người có sức vóc
cao lớn dị thường và có sức khỏe phi thường,
những người có công tạo ra cảnh quan tự
nhiên mà người nguyên thuỷ đang sống.
Thần thoại của người Thái phổ biến có hình
tượng về lớp người khổng lồ Sô Công và Ải
Lậc Cậc. Tương truyền rằng bảy cặp ông bà
khổng lồ Sô Công được Then cử xuống để tạo
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Chu Thị Vân Anh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 23 - 27
24
dựng lại Mường Then. Tuỳ từng công việc,
các ông bà Sô Công được kèm theo những tên
gọi khác nhau.
Đóng vai trò quan trọng nhất là ông Sô Công
Phạ (tức ông Sô Công Trời) tạo ra bầu trời và
bà Sô Công Đin (bà Sô Công Đất) đẻ ra đất
đai màu mỡ phủ lên vùng đồng bằng lòng
chảo Mường Then, chuẩn bị cho Ải Lậc Cậc
xuất hiện và sau đó là loài người.
Chuyện kể về người khổng lồ Sô Công đã đi
vào tâm linh Thái. Bài đọc trong lễ cúng thần
mường (xên mương) đã khấn đến bốn vị này
bằng câu:
“Xong pú Sô Công Cặm Phạ
Xong pú Sô Công Cặm Mók
Pú Cặm Mók nó nen mương chắn mả
Pú Cặm Phạ minh mương chắng đảy na”
Nghĩa là:
“Hai ông Sô Công chống trời
Hai ông Sô Công chống mây
Ông Chống Mây để hồn thiêng đất mường phát
Ông Chống Trời để nền móng hồn thiêng của
mường vững vàng”.
Sau thế hệ của các Sô Công và Ải Lậc Cậc,
Then mới cử xuống dưới trần lớp người mới.
Đó là tổ tiên của các tộc người sau này. Riêng
đối với người Thái, họ vẫn luôn ghi nhớ công
ơn khai phá ruộng đồng, tạo nên diện mạo
tươi đẹp cho cảnh quan thiên nhiên nơi mà
tộc người sinh sống. Trong bài cúng mo
mường đặt tên cho vợ chồng Ải là “chủ ông
Súc, bà San” có câu miêu tả: “ông cao bằng
vách núi, bà lớn bằng núi non” (Chảu xung
piêng phằng, gia năng piêng pu).
Qua câu chuyện về lớp người khổng lồ có
công khai thiên lập địa trong thần thoại Thái,
“người Thái coi Sô Công và Ải Lậc Cậc là
những vị thần sáng tạo, tượng trưng cho sức
mạnh của tự nhiên và lực lượng lao động của
con người, hoà đồng cùng hệ sinh thái nhân
văn làm xuất hiện hệ sinh thái nông nghiệp
phức hợp, lấy cây trồng là lúa nước làm trụ
cột, ở trong các thung lũng lòng chảo vùng
núi cao nguyên của miền nhiệt đới ẩm ướt.
Theo tâm linh ấy, sự sinh trời, đất, nước cốt
cho xã hội con người tồn tại” [8, 444].
Cùng chung chủ đề về những vị thần khổng lồ
trong buổi bình minh của tộc người, kho tàng
văn học dân gian của người Tày cũng có câu
chuyện về vợ chồng “Báo Luông, Sao Cải”
(ông To, bà Lớn). Truyền thuyết về cặp vợ
chồng này nhằm giải thích cho sự hình thành
tên đất cũng như sự ra đời của nghề nông
trồng lúa nước của người Tày ở Cao Bằng.
Nhờ khả năng sáng tạo của mình, hai vợ
chồng cùng với đàn con đã có cuộc sống no
đủ. Khi các con trưởng thành, ông bà lo dựng
vợ gả chồng cho con rồi chia vùng cho chúng
sinh sống:
“Thằng Bế ở Bản Vạn
Thằng Vạn nên đi Bản Ngần
Thằng Hoàng thử về Đâu Ngả
Thằng Mã trụ ở Nà Mè
Thằng Hà làm nhà Tả Lạn
Thằng Đàm sang tạm Ảng Giàng”[6,105]
Về sau, tên của các con trở thành tên gọi
chính của các bản làng. Các con cái của Báo
Luông - Sao Cải trở thành tổ tiên của các
dòng họ người Tày ở Cao Bằng hiện nay. Họ
đã nỗ lực hết mình gây dựng một cuộc sống
tốt đẹp, no đủ cho con cháu về sau. Ngày nay
ở Cao Bằng, mỗi dòng họ Tày đều có ý thức
về những vị tổ của dòng họ và duy trì sự thờ
cúng như một lòng tri ân đối với những người
sáng lập ra dòng họ cũng như tộc người.
Có thể nói, hình ảnh những vị thần khổng lồ -
những vị thần trong buổi bình minh của loài
người - là mẫu số chung phổ biến trong thần
thoại của các tộc người không chỉ ở nước ta
mà có tính chất phổ biến toàn nhân loại.
Trong văn học dân gian của các tộc người ở
nước ta, không chỉ thấy hình ảnh này trong
thần thoại cư dân Tày – Thái, mà còn phổ
biến ở những tộc người khác. Ta bắt gặp
trong thần thoại của người Việt (Kinh) hình
ảnh của ông Thần Trụ Trời với một thân thể
“to lớn không biết bao nhiêu mà kể; chân
thần bước một bước cứ như bây giờ từ tỉnh
này qua tỉnh nọ hay là từ đỉnh núi này sang
đỉnh núi kia” [2,75]. Công việc của thần là
"đứng dậy đội trời lên cao rồi đào đất, đá đắp
thành một cái cột vừa cao vừa to để chống
trời"[2,76]. Tiếp theo công việc phân khai trời
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Chu Thị Vân Anh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 23 - 27
25
đất của thần Trụ Trời là đến công việc kiến
tạo của một loạt các vị thần khác được nhắc
tới trong câu ca quen thuộc của người Việt:
“Nhất ông đếm cát,
Nhì ông tát bể (biển),
Ba ông kể sao,
Bốn ông đào sông,
Năm ông trồng cây,
Sáu ông xây rú,
Bảy ông trụ trời”[2, tr77].
Như vậy, theo quan niệm của người Việt xưa,
thiên nhiên xung quanh họ chính là thành quả
lao động miệt mài của những vị thần khổng lồ
- những vị thần có sức mạnh sáng tạo trong
buổi khai thiên lập địa.
Trong thần thoại về buổi đầu lịch sử tạo dựng
cuộc sống cho con người, trong thần thoại của
người Việt còn có hình ảnh của cặp đôi Nữ
Oa - Tứ Tượng (hai thần Đực - Cái). Hai thần
này không chỉ là biểu tượng cho sức sáng tạo
của con người mà còn là biểu tượng cho sự
hoà hợp âm dương, cho quan niệm về hôn
nhân và gia đình của người Việt cổ.
Cũng nằm trong đề tài này, cư dân vùng trung
châu Bắc Bộ vẫn còn lưu truyền câu chuyện
về ông Đổng - được người dân địa phương
coi là cha của thánh Dóng sau này, bởi có liên
quan đến dấu chân khổng lồ mà mẹ ông Dóng
dẫm phải trên một tảng đá ở Dóng - mốt (bây
giờ là thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng). Dấu
chân đó chính là bắt đầu cho câu chuyện về
ông Dóng [3].
Từ lao động chinh phục tự nhiên, một sự lao
động hết sức cần cù, tỉ mỉ và vất vả trên từng
tấc đất, từng dòng nước, với từng cây cà, bó
mạ, con ốc, con cua, con cá, với từng mảnh
đá, hòn quặng của người Việt cổ trên vùng
trung châu đã từng bị hạn hán, bị dông bão
hoành hành, mà vẽ ra một ông Đổng to bằng
vũ trụ. Rồi từ ông Đổng khổng lồ đó, nghĩa là
từ lý tưởng chinh phục tự nhiên ấy, ta lại có
một ông Dóng đánh thắng giặc Ân mạnh mẽ
chẳng kém gì sự chuyển vần của tạo hoá
thành sông núi, sự rung động của trời đất
thành mưa gió, sấm sét.
Có thể thần thoại về ông Đổng cũng như ông
Dóng ra đời muộn hơn so với các thần thoại
khác, nhưng xét cho cùng nó cũng đều nằm
trong khuôn khổ nội dung phản ánh ước mơ,
khát vọng chinh phục tự nhiên của con người
nhằm đảm bảo cho cuộc sống ổn định của cả
cộng đồng. Do vậy mà thần thoại về ông
Đổng, ông Dóng gắn liền với các lễ hội dân
gian vẫn được các cư dân vùng trung châu
Bắc Bộ duy trì cho đến tận ngày nay.
Trong thần thoại của người Xê đăng cũng có
truyền thuyết về người khổng lồ - ông Rờ Xí -
vị thần sáng tạo, khai thiên lập địa [1]. Hay
như câu chuyện về Taman Xơ ri - vị thần
sáng tạo của tộc người Co[5].
Khi giải thích về nguồn gốc của loài người,
thần thoại của người Mảng cũng đề cập đến
vai trò kiến tạo thiên nhiên của hai vị thần Ai
Húi - Ai Hĩnh. Các thần được Monten giao cho
nhiệm vụ xuống trần gian “đắp núi, xẻ sông
suối, làm ra cây cối và muôn loài” [10, tr 26].
Hình tượng về người khổng lồ cũng được tìm
thấy trong thần thoại các tộc người thiểu số
khác như người Bana với hai thần tạo hoá là
nam thần Cơi - Dơi và nữ thần Con - Két.
Trong kho tàng văn học dân gian về buổi
đầu lịch sử của tộc người, người Cao Lan
cũng có thần thoại về vợ chồng Trời Đất có
vai trò sáng tạo ra muôn vật, người Lô Lô
có cặp đôi Két giơ - Cagiê, hay ông Thu
Tha, bà Thu Thiên, ông Đùng - bà Đà trong
thần thoại Mường [4].
Từ những khảo cứu trên, chúng tôi đã đi đến
nhận định rằng, hình ảnh về những vị thần
khổng lồ có vai trò kiến tạo trời và đất đã trở
thành mô típ quen thuộc trong thần thoại của
các tộc người ở nước ta. Vậy liệu giữa những
vị thần khai thiên lập địa của các tộc người ở
Việt Nam có những điểm nào giống nhau?
Tại sao lại có những sự tương đồng như vậy?
Mẫu số chung của các vị thần sáng tạo
Qua những tìm hiểu cụ thể về các vị thần sáng
tạo phổ biến trong thần thoại các tộc người ở
Việt Nam, chúng tôi xin khái quát về những
đặc điểm chung nhất, được coi là “mẫu số
chung” của các vị thần.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Chu Thị Vân Anh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 23 - 27
26
Thứ nhất: họ là những người có sức vóc phi
thường, là những người “khổng lồ” để đảm
nhận công việc nặng nhọc “khai phá và kiến
tạo thế giới”. Sức mạnh của họ sánh ngang
với sức sáng tạo của thiên nhiên.
Thứ hai: Họ là những người có lai lịch khác
thường. Có thể là con trời (trường hợp Ai Húi
- Ai Hĩnh, Sô Công và Ải Lậc Cậc), hay
được sinh ra trong mớ hỗn mang của trời và
đất (thần Bàn Cổ), hoặc có nguồn gốc thần bí
(Inganua mangan) Vì những công việc mà
họ làm hết sức đặc biệt, không giống với
những công việc của những người bình
thường nên lai lịch của họ cũng phải đặc biệt
để có thể đảm nhận những trọng trách không
giống với con người thông thường. Chính
những điều kiện xuất thân như vậy mà ngay
từ đầu đã khiến cho các vị thần này trở nên
thật phi thường.
Thứ ba: trong các thần thoại về thuở khai
thiên lập địa của con người, thường có sự
xuất hiện đồng thời của một cặp đôi nam thần
và nữ thần. Sự ghép đôi này là rất phổ biến
trong thần thoại của các tộc người không chỉ
ở nước ta mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
Phải chăng, trong buổi đầu của lịch sử nhân
loại, khi mà nhận thức của con người còn
nhiều hạn chế, quan niệm về sự hoà hợp âm -
dương đã bước đầu được con người nhận thức
và trở thành tư tưởng chi phối mọi hoạt động
sáng tạo?
Thứ tư: những công việc của các vị thần sáng
tạo chẳng qua cũng chỉ là sự mô phỏng lại
những hoạt động lao động thường nhật của con
người. Hay nói cách khác, các vị thần “khổng
lồ” là sự “thần thánh hoá”, “thiêng hoá” quá
trình lao động, sáng tạo của con người. Bằng
những việc làm hết sức cụ thể, thông qua hình
tượng các vị thần có tầm vóc khác thường,
sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên, của
vũ trụ, con người muốn thể hiện khát vọng cải
biến thế giới theo hướng có lợi cho mình. Ước
vọng đó mang tính phổ quát đối với toàn nhân
loại thông qua một hình tượng khái quát -
những vị thần “khổng lồ”.
Thứ năm: những vị thần thường là những
người bộc trực, nóng tính nhưng cũng hết
lòng vì công việc. Cũng giống như con người,
bên cạnh những ưu điểm, các vị thần sáng tạo
cũng có những hạn chế nhất định trong tính
cách cũng như cách hành xử. Tính cách đó
chính là sự hiện thực hoá tính cách của mỗi cá
nhân trong cộng đồng. Hay nói cách khác,
hình ảnh các vị thần cũng chính là hình ảnh
của con người trong buổi đầu của lịch sử.
Thứ sáu: biểu tượng về những vị thần khổng
lồ là đặc trưng cho các cư dân trồng lúa nước,
gắn liền với tín ngưỡng phồn thực truyền
thống. Điển hình như trong tâm thức của
người Thái, các vị Sô Công và Ải Lậc Cậc có
vai trò quan trọng và được thờ cúng như
những vị thần nông. Trong văn hoá của người
Tày cũng vậy! Vợ chồng Báo Luông, Sao Cải
cũng được coi là những người đầu tiên có
công truyền dạy nghề nông cho tộc người.
Hay ta cũng bắt gặp hình ảnh những vị thần
khổng lồ trong thần thoại của người Việt
(phong phú hơn cả), của người Mường (ông
Đùng, bà Đà) là những cư dân trồng lúa nước
điển hình. Chính việc đề cao vai trò của
những vị thần khổng lồ này là khởi nguồn cho
tín ngưỡng phồn thực của các cư dân trồng
lúa nước ở nước ta.
Giải thích cho sự tương đồng về hình tượng
giữa các tộc người, có lẽ chúng ta phải đề cập
đến sự quy định bởi yếu tố kinh tế do điều
kiện tự nhiên chi phối. Tất cả các tộc người
được khảo cứu ở đây đều là những cư dân
trồng lúa nước, sinh sống ở những vùng đồng
bằng chiêm trũng hoặc vùng thung lũng trước
núi. Do sinh tụ trên dải đất nhiệt đới, lại cư
trú ở vùng đất đai màu mỡ, họ đã sớm chọn
nghề nông trồng lúa nước làm nền tảng kinh
tế chính của tộc người. Chính vì vậy mà nó
trở thành một nếp cảm nghĩ, một mô típ trùng
lặp trong văn học dân gian các tộc người.
KẾT LUẬN
Khác với những vị thần trong các loại truyện
cổ tích, truyền thuyết ở những giai đoạn sau
này thường mang trong mình yếu tố thần tiên,
hoang đường, hình ảnh của các vị thần trong
thần thoại được coi là bản sao của đời sống
hiện thực được phản ánh vào trong văn học. Ở
đó, các vị thần không phải là những lực lượng
cao siêu với những phép màu kỳ ảo, mà đó
chỉ là hình ảnh về xã hội và con người trong
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Chu Thị Vân Anh Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 94(06): 23 - 27
27
buổi ban sơ của lịch sử. Với khát vọng tìm
hiểu về những hiện tượng tự nhiên để chinh
phục nó, với ý thức về sức mạnh của lao
động, con người đã qui mọi sự vật trong tự
nhiên là do khả năng sáng tạo của các vị thần
- thực chất là những con người đã được “thần
thánh hoá”. Thiên nhiên trở nên quá đỗi gần
gũi với con người, trở thành đối tượng tác
động thường xuyên của con người. Tầm vóc
to lớn, phi thường của các vị thần sáng tạo
cũng chính là biểu tượng đầy đủ và khái quát
nhất cho sức mạnh sáng tạo của bản thân con
người, cho sức mạnh cải biến thế giới mà con
người đã, đang và sẽ làm trong suốt lịch sử
tồn tại của mình.
“Giải mã” biểu tượng là công việc rất khó
khăn, bởi dù cố gắng đến đâu chúng ta cũng
chỉ mới chạm được vào một phần ý nghĩa của
nó. Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi
chỉ tập trung vào giải quyết những vấn đề đặt
ra theo quan điểm nghiên cứu của mình,
nhằm có cách tiếp cận mới mẻ hơn về một đối
tượng nghiên cứu khá phổ biến trong văn học,
dân tộc học cũng như trong văn hoá dân gian
(folklore).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Vĩnh Bình (1982), Truyện cổ Xê-đăng,
NxbVăn học, Hà Nội.
2. Nguyễn Đổng Chi (1956), Sơ lược về thần thoại
Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
3.Cao Huy Đỉnh (1969), Người anh hùng làng
Dóng, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST&BS)
(2000), Tuyển tập văn học Việt Nam, Tập 1: Thần
thoại - Truyền thuyết, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Vũ Hùng (1992), Truyện cổ Co, Nxb Đà Nẵng.
6. Vương Hùng (2000), “Pú Luông, Gia Cải”,
trong “Lịch sử cổ đại Cao Bằng - Kỷ yếu Hội
thảo”, Nxb Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Cao Bằng.
7. Hoàng Lương (2010), “Những địa danh Tày –
Thái cổ ở xung quanh vùng Hà Nội”, Tạp chí Dân
tộc học, số 4/2010 (tr 50 - 57)
8. Cầm Trọng (1987), Mấy vấn đề cơ bản vê lịch
sử kinh tế- xã hội cổ đại người Thái ở Tây Bắc
Việt Nam, Nxb Khoa học – Xã hội, Hà Nội.
9. Cầm Trọng (2008), Huyền thoại Mường Then,
Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội.
10. Đặng Nghiêm Vạn (1994), Truyện cổ các dân
tộc ít người Việt Nam; Tập 3: dòng Nam Á, Nxb
Văn học, Hà Nội.
SUMMARY
GENERAL FORM OF GIANT GODS IN MYTHOLOGY
OF SOME ETHNICS IN VIETNAM
Chu Thi Van Anh*
College of Sciences - TNU
Mythology is composed by primitive people, reflecting the state of living matter and the human
spirit in the dawn of history. The myth of giant gods are considered the first class mythology
appearing early in the history of ethnic literature. Image of the giant gods who have the statue and
extraordinary health is a familiar motif in the system of ethnic myths. Through this article, the
author would like to cover some of the common features, also known as the “common
denominator” of giant gods folklore treasure of Vietnam. With cross – sectoral approach, on the
basis of many researches on ethnic myths, with their insights, the author initially decoded symbol
system in the mythical treasure of the ethnic people in Vietnam.
Key words: Mythology, Tay ethnic, Thai ethnic, symbol, giant gods
Ngày nhận: 12/03/2012; Ngày phản biện:20/03/2012; Ngày duyệt đăng:12/06/2012
*
Tel: 0983834376; Email: vananhdth@gmail.com
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- mau_so_chung_cua_cac_vi_than_khong_lo_trong_kho_tang_than_th.pdf