Mẫu gốc “Mẹ” trong tiểu thuyết của Chinghiz Aitmatov

Với sự tái lập dày đặc mẫu gốc Mẹ trong tác phẩm của mình, Aitmatov không chỉ cho ta thấy sự giàu có của văn hóa dân gian dân tộc Kirghizi trong sự thống nhất với văn hóa Nga đậm thiên tính Nữ mà sự trở về với những huyền thoại còn là một kiểu giải đáp thông minh cho những vấn đề cấp bách mà xã hội đang đặt ra. Aitmatov, với hành trình tìm về nguồn ấm của vô thức nhân loại, đã tạo ra phong cách nghệ thuật độc đáo giàu chất suy tư triết lý, nhưng không chỉ triết lý bằng đại lộ ý thức mà bằng cả sự vẫy gọi của tâm linh.

pdf11 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 275 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mẫu gốc “Mẹ” trong tiểu thuyết của Chinghiz Aitmatov, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(30)/2014: tr. 80-90 MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHINGHIZ AITMATOV NGUYỄN THỊ TUYẾT Trường Đại học An Giang Tóm tắt: Từ lý thuyết về mẫu gốc của Jung, chúng tôi chỉ ra, mẫu gốc Mẹ trong tác phẩm của Aitmatov vô cùng phong phú, đa dạng và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa là Mẹ thủy tổ vừa là hiện thân của thiên tính Nữ vĩnh hằng, kết tinh tâm hồn và tính cách dân tộc. Sử dụng một cách có hệ thống những huyền thoại, truyền thuyết dân gian không chỉ là một hướng đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, mà còn là hành trình tìm về cội nguồn văn hóa. Ý nghĩa kép ấy, cùng lúc, tạo nên phong cách độc đáo cho văn chương Aitmatov và sức hấp dẫn kỳ lạ đối với bạn đọc. Từ khóa: Mẫu gốc, Mẫu gốc mẹ, Chinghiz Aitmatov, Carl Gustav Jung 1. MỞ ĐẦU Chinghiz Aitmatov (1928 - 2008), một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX, tác giả mà các tác phẩm đã đi vào kho báu của văn học Xô Viết. Tác phẩm của ông, hầu hết, được viết bằng cả hai thứ tiếng: tiếng mẹ đẻ (Kirghizi) và tiếng Nga, nên rất phổ biến. Độc giả Việt Nam, từ lâu, đã quen thuộc với hàng loạt tác phẩm như Jamilya (1958),Vĩnh biệt Gunxarư (1966), Con tàu trắng (1970), Con chó khoang chạy ven bờ biển (1977), Và một ngày dài hơn thế kỷ (1980), Đoạn đầu đài (1986), Cánh đồng Mẹ (1990), Văn chương của Aitmatov có sức hấp dẫn kỳ lạ, nhanh chóng chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới, trước hết, là ở sự phát tiết của các yếu tố văn hóa dân gian, lấp lánh trí tuệ nhân dân và là kho báu vô tận về đời sống tâm hồn con người; trong đó, những truyền thuyết, huyền thoại về người Mẹ gắn với những ý niệm thiêng liêng và phẩm tính vĩnh hằng như một bản nguyên vĩnh cửu của cội nguồn văn hóa dân tộc. 2. MẪU GỐC VÀ MẪU GỐC MẸ Khi “vẽ bản đồ tâm hồn con người” trong công trình Tâm lý học vô thức (1912), nhà tâm lý học lừng danh người Thụy Sỹ, Carl Gustav Jung (1875 - 1961), đã vén mở những giới hạn trong khoa học nghiên cứu vô thức, đặc biệt là sự xác lập các thuật ngữ: mẫu gốc (archetype), vô thức tập thể; cho đến nay, những thuật ngữ này được sử dụng một cách rộng rãi trong tâm lý học hiện đại, văn hóa học, nhân chủng học, văn học Mẫu gốc là “những yếu tố tâm thần không thể cắt nghĩa được bằng một sự việc xảy ra trong đời sống () Nó hình như bẩm sinh đã có, có từ thời nguyên thủy, nó là một thành phần trong gia tài tinh thần nhân loại” [9, tr. 96]. Theo Jung, mẫu gốc là nguồn phát những năng lượng tâm thần và tạo dựng khuôn mẫu. “Nó tạo ra nguồn lớn nhất của những kí hiệu tâm thần, thu hút năng lượng, cấu trúc của nó và cuối cùng dẫn tới việc sáng tạo ra nền văn minh và văn hóa” [12, tr. 133]. Cổ mẫu giống như những bản năng, với cấu trúc MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHINGHIZ AITMATOV 81 di truyền và bẩm sinh, và đó là tài sản chung của chúng ta: “tất cả chúng ta đều có nó (cổ mẫu) như nhau, và tất cả mọi người đều có chúng, dù là giàu hay nghèo, da đen hay da trắng, cổ xưa hay hiện đại” [12, tr. 138]. Luận điểm này được Jung rút ra khi quan sát huyền thoại của nhiều nền văn hóa rất khác xa nhau, như huyền thoại châu Úc và Nam Mỹ, Trung Hoa và Lưỡng Hà, châu Phi và Hy Lạp cổ đại, đều có những điểm chung, những biểu tượng thường lặp lại; những biểu tượng ấy ông cũng tìm thấy trong giấc mơ của chính mình và của nhiều bệnh nhân. Sự khám phá này là nguồn gốc của thuyết vô thức tập thể - nơi sâu thẳm nhất của nội tâm, con người đi vào một vùng vô thức chứa đầy những hình ảnh và kỷ niệm mà cả nhân loại đều có, đó là cổ mẫu - các biểu tượng tinh thần được toàn thể thừa nhận; điều này càng có cơ sở khi ta nhận thấy các huyền thoại trước thời tháp Babel chứng minh cho sự thống nhất cơ bản của loài người. Mẫu gốc là một kết tinh quan trọng nhất trong cội nguồn văn hóa lịch sử con người, chứa đựng những triết lý sâu xa về sự sống và cái chết. Tâm thần con người có những cấu trúc phổ biến chung, giống như cơ thể nên ứng với mỗi một trạng thái của con người sẽ có một mẫu gốc tương ứng, vì vậy, số lượng mẫu gốc là vô tận và trong quá trình tìm kiếm mẫu gốc, Jung nhận thấy, một số các mẫu gốc thể hiện quá trình phát triển tâm lí cá nhân theo một dòng liên tục. Các mẫu gốc này có tác dụng dẫn đường và điều phối sự phát triển tâm lí con người từ một tâm thần nguyên thuỷ chung thành những cá nhân riêng biệt mà Jung gọi là quá trình cá nhân hoá (individuation). Hệ thống mẫu gốc thường được phân chia thành hai dạng cơ bản: những mẫu gốc thông thường (người mẹ, người cha, người anh hùng, sinh ra, chết đi, tái sinh, thượng đế, ác quỷ, mặt trời, mặt trăng, nước, lửa, đất) và những mẫu gốc quan trọng (thể hiện quá trình phát triển tâm lí cá nhân: persona (mặt nạ), shadow (bóng âm), anima (phần tâm thần vô thức nữ), animus (phần tâm thần vô thức nam), self (tự ngã)). Nội dung cơ bản của tất cả các huyền thoại, các tôn giáo, các chủ nghĩa là cổ mẫu; cội nguồn của cổ mẫu luôn nằm trong ký ức của cả cộng đồng, hay nói đúng hơn là biểu hiện cụ thể của vô thức tập thể. Giống như bất kỳ mẫu gốc khác, mẫu gốc Mẹ xuất hiện ở một loạt các khía cạnh, gần như là vô hạn, mà trước nhất, là sự ca tụng những phẩm tính huyền diệu của người mẹ. Và hầu hết, các dân tộc trên thế giới đều ca ngợi và phong thánh (thánh mẫu) cho những phẩm chất tốt đẹp ấy. Điều này được thể hiện rất rõ trong huyền thoại, dân tộc nào cũng dành vị trí danh dự cho các nữ thần. Họ là hiện thân của đất đai, sự phì nhiêu, sự thịnh vượng, sự an vui... như Gaia, Rhea, Hera, Demeter... trong thần thoại Hy lạp, Isis ở Ai Cập, Kâli ở Ấn Độ, Nữ Oa ở Trung Quốc, Âu Cơ ở Việt Nam... và “trong phân tâm học hiện đại, biểu tượng người Mẹ có giá trị như một mẫu gốc” [7, tr. 588]. Bên cạnh những phẩm tính vĩnh hằng khởi nguyên, mẫu gốc Mẹ còn hiện diện trong những biểu tượng có tính chất “dung chứa, bao bọc, nương náu, bảo tồn, nuôi dưỡng, che chở và sưởi ấm cho những gì là bé nhỏ (...) chiều sâu, vực thẳm, giếng, hang động, túi, bình, hầm trú ẩn, nhà, đô thành... tất cả những gì cuối cùng làm nên cõi ẩn náu vĩ đại của loài người, đó chính là Mẹ Vĩ Đại” [7, tr. 76]. 82 NGUYỄN THỊ TUYẾT Mẫu gốc Mẹ xuất hiện trong văn học dân gian một cách đậm đặc, nhất là trong những huyền thoại Sáng thế (như huyền thoại về đại hồng thủy). Ở đó con người được cứu chuộc/tái sinh nhờ những chiếc hòm (thần thoại Hy Lạp), chiếc thuyền (Kinh thánh, thần thoại Ấn Độ), chiếc trống, quả bầu, vỏ trấu... (huyền thoại Việt Nam). Theo Đào Ngọc Chương, “thuyền, hòm, rương, trống... tức những thứ có khoảng không trong lòng và có thể chứa đựng được. Đó là một kiểu dạ con giống như cái hầm mộ của khát vọng tái sinh của loài người” [6, tr. 36]. 3. MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA AITMATOV Như một nhu cầu tự thân, một khuynh hướng đổi mới thi pháp tiểu thuyết, trở về với huyền thoại là một cách con người phản ứng với những giằng xé tinh thần của thời đại kỹ trị. Những vấn đề cấp thiết của hiện sinh tìm thấy ý nghĩa trong các “đồ hình vĩnh cửu” (Đỗ Lai Thúy) đã trở thành một đặc trưng toàn cảnh trong văn chương hiện đại: từ Kafka đến Marquez, từ James Joyce đến Gunter Grass, Toni Morrison Trở về với huyền thoại nói riêng và văn hóa dân gian nói chung vừa mang đến cho văn học hiện đại chất thơ hồn nhiên, vừa ẩn dấu những câu đố bí hiểm của con quái vật sphinx-lịch sử; tác phẩm của Aitmatov kết tinh những vẻ đẹp ấy. 3.1. Mẹ thủy tổ Mỗi tác phẩm của Aitmatov đều thấm đẫm màu sắc thi ca trong những huyền thoại, cổ tích của dân tộc Kirghizi được tái sinh trong bầu sinh quyển hiện đại, như một kiểu truy nguyên bản sắc văn hóa dân tộc qua những “vết tích tối cổ”, những hình ảnh nguyên thủy, tự trong cổ mẫu ban sơ. Tìm về nguồn gốc dân tộc là hành động có ý nghĩa tiên quyết, và mẫu gốc Mẹ là một trong những cội rễ căn cốt của hành trình ấy. Trong tác phẩm của Aitmatov, huyền thoại về Mẹ thủy tổ rất phong phú và đa dạng. Đó có thể là người đã cưu mang con người, bộ lạc mình: Mẹ Hươu Sừng (Con tàu trắng), hay người tạo sinh ra bộ tộc ấy như Mẹ Cá vĩ đại (Con chó khoang chạy ven bờ biển), họ là thủy tổ của dân tộc Kirghizi. Mẹ là biển cả bao dung (Con chó khoang chạy ven bờ biển), là Đất Mẹ hiền từ và bất tử (Cánh đồng mẹ, Và một ngày dài hơn thế kỷ) Theo truyền thuyết, trong cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các bộ tộc, kẻ thù đã tàn sát dã man bộ tộc Kirghizi, “chúng giết sạch sành sanh để không còn ai nhớ tới tội ác này nữa... nhà lều người Kirghizi cháy bùng bùng, chìm ngập trong lửa, không một ai sống sót” [1, tr. 316], nhưng trái với ý muốn thâm độc của bọn chúng, còn hai đứa trẻ, một trai một gái, sống sót; hai đứa trẻ ngây thơ, côi cút, tội nghiệp ấy được Hươu Sừng Maran cứu chuộc, chăm nom, nuôi dưỡng và ban phước muôn đời, bất diệt. Chúng khôn lớn, lấy nhau và sinh con đẻ cái đời đời, và để ghi nhớ công ơn và tấm lòng nhân hậu bao la của Mẹ Hươu, người Bugu xem Hươu Maran là thủy tổ, “họ tôn thờ Mẹ Hươu Sừng như vị thánh” [1, tr. 325]. Người ta xem sừng Hươu là biểu hiệu của bộ tộc, Hươu Sừng là vật tổ, và không chỉ là vật tổ, trong tâm tưởng của người Bugu, Hươu Mẹ còn là Nữ thần bảo vệ trẻ em và khả năng sinh sản như vai trò của nữ thần Hera vĩ đại trong thần thoại Hy Lạp, đó cũng là công việc cực kỳ quan trọng mà Mười hai Bà Mụ trong quan niệm của người Việt đảm nhiệm, Mẹ Hươu đã mang đến những chiếc nôi trẻ em - MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHINGHIZ AITMATOV 83 bêsich - có chiếc chuông bằng bạc ngân vang giai điệu diệu kỳ chúc mừng những đứa trẻ ra đời. Mỗi dân tộc có một sự khởi đầu riêng, song nhiều huyền thoại trên thế giới cho thấy rằng tổ mẫu của họ là cây cối, động vật. Huyền thoại về Hươu Sừng Maran đã cứu bộ lạc Kirghizi khỏi bị diệt vong có sự gặp gỡ với thần thoại La Mã và các nước khác. Hai anh em Romulu và Remu - những người sáng lập thành Roma, đã được con sói cái nuôi dưỡng, hay trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường ở nước ta, với nhân vật Mụ Dạ Dần chẳng phải đã nói với chúng ta về cây Si - cây thuỷ tổ đó sao? Những huyền thoại ấy như những di chỉ hóa thạch về thuyết vật tổ trong văn hóa nhân loại. Họ được hình dung vừa như là những người đầu tiên đi ra từ rừng (Hươu Mẹ Maran), từ biển (Người Đàn bà Cá vĩ đại)..., vừa như là Đấng sáng tạo dạy con người nghề săn bắt, ngư nghiệp, ban hành lễ thụ pháp và những điều cấm kỵ. Là người khai hóa vũ trụ, Mẹ tiềm tàng một vẻ đẹp phồn thực, là Đấng vĩ đại của bảo tồn và sinh dưỡng. Hươu Mẹ mang vẻ đẹp đậm thiên tính nữ: “Sừng đẹp tuyệt vời, cành nhánh lòa xòa, như những cành cây mùa thu. Bầu vú sạch và nhẵn nhụi như vú người nhũ mẫu” [1, tr. 320]; người ta còn ví vẻ đẹp của người yêu với vẻ đẹp của Hươu Maran. Đó cũng là vẻ đẹp nhục thể của Người Đàn bà Cá: “một nhan sắc chưa từng thấy, thân thể mũm mĩm ánh bạc như đá sỏi dưới sông... trong đêm trăng, ngực trắng muốt với những nuốm vú thẫm màu, rắn căng như quả thông, mắt bắn ra tia lửa màu lá mạ” [1, tr. 464] đã quyến rũ và mê đắm chàng trai làng chài nghèo khổ, tật nguyền. Nàng như một vị thần đã đền bồi cho số phận côi cút của chàng (sinh cho chàng một đứa con, con cháu Người Đàn bà Cá trên vùng biển Okhot ngày nay), nhưng đau đớn thay, thiên ấn ấy quá đỗi ngắn ngủi, mong manh, nên suốt cuộc đời còn lại, chàng mang một mối tình u uẩn không thể nào hóa giải, một khát vọng cháy bỏng khôn nguôi, khát vọng ấy tràn vào cả giấc mơ của những thế hệ sau. Vẻ đẹp tràn chất nữ tính “lồ lộ của da thịt mơn mởn, sự ấm áp, cuồng nhiệt và mềm dẻo của tấm thân người đàn bà” [1, tr. 471] cũng khiến vị tộc trưởng Organ mê mẩn, khắc khoải đi về trong những giấc mơ. Người đàn bà trong huyền thoại ấy trở thành nguồn sống trong tâm thức ông: “nếu không có Người Đàn bà Cá có lẽ ông đã cảm thấy cuộc đời khó sống” [1, tr. 469], nên khát vọng về người Đàn bà Cá như sợi dây tâm linh neo đậu trong tâm hồn biết bao thế hệ. Ở đó ẩn chứa nuối tiếc và xót xa, tôn thờ và ngưỡng vọng, biết ơn và kính phục... Bài ca về Người là lời van vỉ ẩn chứa nỗi niềm tuyệt vọng của chàng trai nghèo cô độc khi Người Đàn bà Cá ra đi, bây giờ, là bài hát trong những ngày hội, giữa những vũ điệu huyên náo trong nghi lễ đi săn... Người bơi lội ở đâu hỡi người Đàn bà Cá vĩ đại Cái bụng nóng ấm của Người thai nghén cuộc sống Cái bụng nóng ấm của Người đã sinh ra chúng con Cái bụng nóng ấm của Người là nơi yên ấm nhất trên đời Người bơi lội ở đâu hỡi Người Đàn bà Cá vĩ đại Đôi vú trắng muốt của Người như những đầu hải báo 84 NGUYỄN THỊ TUYẾT Đôi vú trắng muốt của Người đã nuôi chúng con bên bờ biển Người bơi lội ở đâu hỡi Người Đàn bà Cá vĩ đại Người đàn ông cường tráng nhất bơi đến với Người Để cái bụng của Người khai hóa Để dòng giống của Người sinh sôi nảy nở trên đất. [1, tr. 449, 465, 467] Ca ngợi khả năng sinh sản, sự sinh sôi nảy nở (đề cao cái bụng nóng ấm và đôi vú trắng muốt...) là ca ngợi thiên chức làm Mẹ cao quý, tôn vinh tinh thần, bản năng hữu ích, mà dòng sữa là nguồn sống khởi thủy và vĩnh cửu: “thứ sữa mới mê ly và ngây ngất làm sao; cả thế giới - mặt trời, đất, Mẹ - chứa gọn trong một ngụm sữa ấy” [1, tr. 21]. Ngụm sữa ấy như ẩn chứa toàn bộ bí mật của vũ trụ, nó lớn lao vĩ đại như dòng Ngân Hà 1 (Milky Way). Vú/bộ ngực là biểu tượng của tình mẫu tử, sự dịu dàng và sự bình an tuyệt đối. Phải chăng bình yên là khát vọng muôn thuở của những người theo nghiệp hải hồ, lênh đênh trên biển, mà mỗi hòn đảo là bến đỗ bình yên nên người ta đặt tên là đảo Núm vú? Khát vọng ấy không chỉ cuồn cuộn trong vô thức mà còn khắc tạc dáng hình vào quê hương xứ sở. Trong tác phẩm Con chó khoang chạy ven bờ biển, biển đảo quê hương của Kirixk cũng mang tên những hoài vọng muôn đời ấy: “những hoang đảo nhỏ xíu nhô lên như những núm vú giữa nước trời bao la. Bởi vậy, những đảo nhỏ ấy được đặt tên là Ba Núm vú: nhỏ, nhỡ, lớn” [1, tr. 454]. Điều này đã trở thành một cổ mẫu trong tâm thức nhân loại: “Hai ngọn đồi của quận Kerry (xứ Ai-len) có tên là Núm vú Anu” (Anu là nữ thần màu mỡ trong Thần thoại Ai-len) [10, tr. 257]. Trong tiểu thuyết của Aitmatov, Mẹ thủy tổ còn hiện lên như là Mẹ Vũ trụ thông qua các biểu tượng về đất, biển Như nữ thần Gaia - tổ mẫu của loài người trong thần thoại Hy Lạp, Đất Mẹ trong huyền thoại của người Kirghizi cũng vừa là nơi cư ngụ bình yên cho con người trần thế, vừa là cõi trở về vĩnh cửu sau cuộc hành trình ngắn ngủi chốn dương gian. Ý nghĩa đó đồng thời thể hiện tính hai mặt của biểu tượng: sinh ra từ bụng Mẹ và chết trở về với đất; “Mặt trời là cha ta, đất là Mẹ ta, ta yên nghỉ trong lòng đất”, yên nghỉ trong lòng đất như một sự trở về sâu thẳm của tâm linh. “Regressus ad uterum” (tiếng Latin) trở về bụng Mẹ gắn liền với huyền thoại cái hang của Platon, như là sự tìm về nơi an toàn tuyệt đối nên “nghĩa trang Ana Bejit có nghĩa là Lòng Mẹ”. Ta cũng bắt gặp tư tưởng ấy trong bài thơ Đất của ngôn sứ Kahlil Gibran: Này đây, ta là dạ con, ta là ngôi mộ Ta sẽ mãi mãi là dạ con và ngôi mộ! 2 [8, tr. 80] 1 Trong thần thoại Hy Lạp, nhờ bú được dòng sữa Hera - nữ thần bất tử, mà Heracles mới có được sức mạnh và trí lực siêu phàm... Và, khi nữ thần nóng nảy đẩy Heracles khỏi bầu vú mình, dòng sữa Hera bắn ra vũ trụ và lưu dấu lại một giải trắng, mà ngày nay chúng ta gọi là dòng sông Ngân Hà. 2 Tiếng Anh: Behold, a womb am I, and I am a tomb A womb and a tomb I shall remain forever! MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHINGHIZ AITMATOV 85 Điều này thể hiện sự gần gũi giữa biểu tượng Mẹ và Đất; mẫu gốc Đất mang ý nghĩa như người Mẹ có sức sản sinh và tái sinh, bền bỉ trong một nhịp điệu âm thầm và bao dung. Trong Kinh thánh, Job đã từng thốt lên: “Tôi đã từ lòng Mẹ sinh ra mình trần, tôi sẽ mình trần trở về với Mẹ”, quan niệm đó thể hiện sự đồng nhất giữa Đất Mẹ với Lòng Mẹ. Đất sẽ luôn còn tái sinh đời đời như chính tình yêu thương của Mẹ, mà công chúa Sita 3 xinh đẹp là hiện thân của tình yêu thương vĩnh cửu đó. Mẹ thủy tổ là Mẹ Vĩ đại, Mẹ đã khai sinh sự sống, mẹ hiện tồn cho những giá trị văn hóa của dân tộc và Mẹ cũng là nguồn ấm thiêng liêng bất tử; Mẹ mềm mại như sóng biển muôn đời dào dạt, bao dung lặng lẽ như lòng đất ôm chứa sự sống đời đờiVà vì sao con người hiện đại hôm nay nỡ cắt phăng cuống rốn kết nối với sức mạnh truyền thống, đang trở thành những mankurt 4 thực thụ là vấn đề triết lý lớn lao mà Aitmatov muốn gửi gắm. 3.2. Nữ tính Vĩnh hằng Nữ tính Vĩnh hằng 5 là dòng thơ cuối cùng trong tác phẩm Faust của thi sĩ Đức, Goethe (1749 - 1832), ở đó nữ nhân vật Margaret nghe lòng mình réo gọi những khát vọng siêu thăng: “Em hãy bay lên những thiên quyển cao xa Nếu chàng đoán được ý em, chàng sẽ đến theo em Và dàn hợp xướng thần bí cất tiếng: Nữ tính vĩnh hằng nâng chúng ta lên cao” Soloviev thì gọi Nữ tính Vĩnh hằng là “Aphrodite của thiên giới”. Chúng tôi dùng thuật ngữ này, ở đây, là để ca ngợi những phẩm tính vĩnh cửu của người phụ nữ với tư cách cá nhân, chính những thiên tính nữ ấy đã cứu chuộc và truy nguyên phẩm tính người, đồng thời tạo dựng tương lai lịch sử. Trong tác phẩm của Aitmatov, mẫu gốc Mẹ không chỉ là nữ thần thủy tổ của loài người, mà còn là hiện thân của tình yêu thương, lòng bao dung và đức hy sinh vô hạn. Mẹ Ana Najman trong tác phẩm Và một ngày dài hơn thế kỷ là biểu tượng sáng chói cho những phẩm chất tốt đẹp ấy. Chiến tranh không chỉ hủy hoại những tấm thân cường tráng nhất, những gương mặt tuấn tú nhất của bộ lạc khi họ xông pha nơi trận mạc mà còn giết chết nguồn sống, niềm hy vọng của những người Mẹ, người vợ nơi quê nhà. Mẹ Ana không biết chắc con mình đã bỏ thân ở chiến trận hay bị bắt làm nô lệ và biến thành mankurt. Trong trái tim nhạy cảm của người mẹ vẫn lẫn khuất hình ảnh đứa con phải chịu cực 3 Trong sử thi Ramayana của Ấn Độ, Sita có nghĩa là luống cày, con của nữ thần Đất Mẹ. 4 Theo truyền thuyết người Kirghizi, những từ binh chiến tranh bị biến thành nô lệ mất trí nhớ hoàn toàn, bằng cực hình tàn ác là bọc đầu đã cạo trọc trong những miếng da lạc đà, dưới ánh nắng mặt trời chói chang, miếng da sẽ khô lại, ăn vào da đầu và tên nô lệ mất ký ức; ở đây, Aitmatov dùng như một ẩn dụ để chỉ những kẻ mất “gốc”. 5 Nữ tính Vĩnh hằng là quan niệm của Soloviev về Người Đàn bà Vĩnh cửu. Trong thần thoại Hy Lạp, Aphrodite - nữ thần của sắc đẹp và tình yêu, theo quan điểm của Platon, phân biệt “Aphrodite của thiên giới” và “Aphrodite của dân chúng”, còn Soloviev đồng nhất “Aphrodite của thiên giới” với Nữ tính Vĩnh hằng. 86 NGUYỄN THỊ TUYẾT hình dã man giữa thảo nguyên mông quạnh, và bà nghi ngờ tin con bà đã chết trận. Vì vậy, bà quyết định “thà phải chôn nó hai lần còn hơn cứ luôn phải trăn trở, kinh sợ...”. Bà quyết ra đi tìm con, cho dù nó là mankurt đi chăng nữa, “chỉ cần trông thấy đứa con trai bà còn sống, dù nó có là mankurt hay là gì cũng được, dù nó không còn trí nhớ và ngớ ngẩn đến đâu đi chăng nữa”, lòng người mẹ bao la có thể chấp nhận, chịu đựng tất cả mọi khổ đau, nhục nhằn, tủi cực... miễn là con mình còn sống. Trải qua bao ngày đường đằng đẵng, một mình lặn lội trên thảo nguyên cháy lửa, hoang vắng, Mẹ Ana cũng đã tìm thấy con mình. Nhưng đau đớn thay, đó không còn là con bà nữa, nó đã bị kẻ thù độc ác tước đoạt đi trí nhớ, tình cảm, bất chấp đó là tình mẫu tử nguyên thủy thắm thiết, khiến Mẹ Ana cay đắng, tê dại cả cõi lòng. Đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất trong lòng mỗi người mẹ khi đứa con thờ ơ, hờ hững trước lời than khóc thiết tha, bi ai thảm khốc về chính nỗi đớn đau tột đỉnh của thân phận đứa con và của người đã sinh ra nó. Đứa con đã khước từ quyền làm con, bà chết chính bởi bàn tay của đứa con mất gốc, khi đang thiết tha khơi gợi trí nhớ đã tối tăm của nó bởi sự bao phủ nặng nề của sự lãng quên“Nơi chôn cất của bà giữa thảo nguyên Sarozek, từ đó được gọi là nghĩa địa Ana Bejit nghĩa là Lòng Mẹ” [2, tr. 201]. Những người phụ nữ trong tiểu thuyết Aitmatov hầu hết mang vẻ đẹp của phẩm chất và thiên tính mẫu vĩnh hằng: Jaiđar (Vĩnh biệt Gunxarư) Akubala, Zaripa (Và một ngày dài hơn thế kỷ), Inga (Đoạn đầu đài), Tolgonaj (Cánh đồng mẹ)... họ vừa là bản nguyên nữ vừa mang tính mẫu sâu sắc trong sự nâng đỡ, tái sinh những phẩm tính người tốt đẹp. Dù cuộc sống mưu sinh nghiệt ngã, phải làm việc quần quật trong môi trường khắc nghiệt “nóng nực và giá rét” (chăn nuôi cừu, ngựa ở thung lũng, công nhân đường sắt ở ga xép Bão tuyết,...) nhưng không làm vơi đi sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp tâm hồn của những người đàn bà mạnh mẽ giàu đức hy sinh. Jaiđar chịu đựng tất cả những khó khăn gian khổ của đất nước thời bao cấp thiếu thốn, nghèo nàn, rách nát và cả những nỗi đau âm ỉ do chồng mình gây ra, mà không phải người đàn bà cao thượng nào cũng làm được. Bà bao dung, che chở và cứu chuộc cuộc đời chồng (Tanabai): “nếu không có Jaiđar, anh đã gãy cổ ở nơi nào đó từ lâu lắm rồi” [1, tr. 136]. Hơn ai hết, chồng bà hiểu sự hy sinh thầm lặng ấy, hiểu sự nhẫn nhục chịu đựng ấy và biết ơn bà vô cùng, “vợ ông luôn mang trong tâm tư một số nửa tai họa và đau khổ của ông. Bà luôn mang nó trong lòng” [1, tr. 109]. Cũng như Jaiđar, Akubala và Zaripa nhẫn nại, chịu đựng và chở che trong âm thầm bởi chỉ một điều đơn giản: “những bà Mẹ bao giờ cũng là bà Mẹ...”. Tolgonaj, người Mẹ đau khổ và anh hùng: mẹ lần lượt giã biệt chồng và ba người con trai ra trận, nỗi đau chồng chất như ngọn núi trong lòng khi họ vĩnh viễn nằm lại chiến trường, Mẹ vẫn gắng gượng sống và nâng đỡ người con dâu góa bụa lầm lỡ (Aliaman). Lặng lẽ giấu kín những nỗi sợ hãi, nỗi đau đớn, mất mát, Mẹ thể hiện đức hy sinh và lòng vị tha như cánh đồng quê luôn gieo hạt và nảy mầm tin yêu, hy vọng Không chỉ là những người vợ, người Mẹ muôn đời đáng được tụng ca, tạc tượng mà còn là những người yêu có vẻ đẹp, sự mạnh mẽ, sự thấu hiểu đồng cảm kỳ lạ như Inga (Đoạn đầu đài), Jamilya (Jamilya),... Họ hiện lên vẻ đẹp tràn trề nữ tính: “toàn bộ con người cô (Inga) đều đẹp và hài hòa đúng như anh (Apdi) muốn” [3, tr. 236]. Trong tâm MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHINGHIZ AITMATOV 87 tưởng của anh, người phụ nữ phải như thế, đôi mắt phải nâu thẫm và luôn long lanh như thể hai ngôi sao lần đầu tiên nhà thiên văn khám phá ra,... Người phụ nữ kỳ diệu ấy bất ngờ đến với anh như tuyết từ trên đỉnh núi lở xuống đột ngột, và một tình cảm mãnh liệt vồ lấy tâm hồn anh, một nỗi khát khao đam mê cháy bỏng lần đầu tiên đến với anh trong đời. Nàng thấu hiểu những gì mà Apdi lo lắng nhất, thiết tha nhất, xúc động nhất, cũng như Jamilya hiểu được tình cảm nồng nàn trong tiếng hát của chàng thương binh Daniyar, sự thấu hiểu đã đem đến cho họ sức mạnh tinh thần lớn lao, như những nữ thần giữa đời thường. Đồng thời, họ còn là những người phụ nữ mạnh mẽ, đã phá vỡ những tập tục cổ xưa để nghe theo tiếng gọi của con tim, sống như bản tình ca bất hủ, và chính họ đã dệt nên những thiên tình sử để lại cho muôn đời sau, như Aragon đã khẳng định, “Jamilya là thiên diễm tình hay nhất thế giới”. Người phụ nữ trong tác phẩm của Aitmatov không chỉ hiến dâng cho đời tình yêu thương bất tận, đức hy sinh vô bờ và vẻ đẹp thiên tính nữ đầy mê say, mà thiên tư của họ còn hiển lộ ở khả năng sáng tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa. Theo Frazer, người Đức cổ đại tin rằng, có cái gì đó thiêng liêng nơi người đàn bà và dựa vào niềm tin đó, họ tìm đến đàn bà để nghe những lời tiên tri. Nhân vật nữ của Aitmatov không nói lời tiên tri, nói đúng hơn, họ tìm ra câu trả lời trong những thông điệp quá khứ xa xưa, được lưu giữ và bảo tồn trong những bài ca, bằng sự nhạy bén và thông suốt của trực giác. Akubala, Zaripa, Jaiđar, đều thuộc rất nhiều bài hát, tiếng hát của họ cứu chuộc lỗi lầm của người khác và đem lại tình yêu cuộc sống thiết tha cho cộng đồng. Tài nghệ chơi đàn của Jaiđar xưa kia khiến Tanabai mê luyến đắm say, trải qua bao nhiêu tháng năm làm lụng vất vả, tiếng đàn ấy càng đằm thắm thiết tha: “Jaiđar đưa temir-kômuzơ lên môi, khẽ chạm một ngón tay vào sợi dây mỏng manh bằng thép, thổi vào sợi dây, rồi hít một hơi dài, và điệu nhạc cổ xưa của dân du mục dìu dặt nổi lên” [1, tr. 108]. Tiếng đàn sâu lắng của Jaiđar đã hóa giải bi kịch gia đình một cách nhẹ nhàng và cao thượng; đắm chìm trong tiếng nhạc và tiếng lòng, Tanabai “không nhìn mà thấy hết” quá khứ và hiện tại, thấy hết những lầm lạc của mình, càng hiểu và quý trọng Jaiđar hơn bao giờ hết. Cũng như Jaiđar nhưng tiếng hát của Zaripa mang ý nghĩa lớn lao hơn như giá trị văn hóa của cả cộng đồng. Tiếng hát trong trẻo cao vút, ngón tay thoăn thoắt gảy đàn và những vũ điệu tươi vui của cô công nhân đường sắt giữa thảo nguyên hoang vắng mênh mông phủ đầy tuyết trắng đã khơi dậy sức sống mãnh liệt cho cuộc sống tái sinh ở miền Đất Giữa cô quạnh bị thượng đế bỏ quên này: “Ở ga Boranly mọi người sẽ khổ sở nếu thiếu chị (Zaripa) cho nên chị bèn quay trở lại và ngồi hát bên bàn” [2, tr. 248]. Có thể, đúng như giả thuyết của nhà thơ Anh, Edward Fitzgerald (1809 - 1883), “tác giả của những khúc balat và dân ca là đàn bà, họ sáng tác để hát ru con, hát bên khung cửi, hoặc trong đêm đông dài bất tận” [13, tr. 83]. Những người phụ nữ trong tác phẩm của Aitmatov không chỉ tiếp nối truyền thống sáng tạo đó mà còn tìm thấy ý nghĩa lớn lao ẩn sâu trong những câu chuyện, bài hát mà chỉ có thể trải nghiệm bằng chính thiên tính nữ diệu kỳ. 88 NGUYỄN THỊ TUYẾT Nhân vật nữ trong tác phẩm của Aitmatov là hiện thân cho sự cứu chuộc và sự tái sinh bản tính thiện trong con người. Ở họ dạt dào phẩm chất nữ tính đích thực và thuần khiết, như một năng lượng sáng ngời và trong trắng, chứa đựng lòng dũng cảm, lý tưởng và lòng nhân ái bao la. Tất cả sẽ dần trôi đi, nỗi đau sẽ dịu vợi, miệng vết thương sẽ ngừng rỉ máu và lên da non, chiến tranh sẽ thôi gào thét, đói rét và đau khổ sẽ lùi dần nhưng sẽ không bao giờ phôi phai tấm lòng Mẹ (em) nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương. Mẫu gốc Mẹ không chỉ trở thành hệ thống trong sáng tác của Aitmatov mà còn là nằm trong mẫu thức chung của văn học Nga, văn hóa Nga. Trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, các nghệ sĩ đều dùng từ Nước Mẹ Nga, Bà Mẹ Nga để chỉ nước Nga như bà Mẹ luôn tận tụy và bao dung, nâng đỡ và tái sinh A. Blok gọi nước Nga là Người đàn bà kiều diễm. Còn M. Gorky trong tác phẩm Người mẹ đã tạo dựng bức tranh hiện thực về số phận của người mẹ Nga (Pelageya Nilovna) hiền hậu, vực dậy từ nỗi khiếp nhược và tự ti, đến với cách mạng bằng sự thôi thúc của tình mẫu tử lớn lao; đó cũng chính là hình ảnh về số phận Nước Nga nhẫn nhục, khổ đau mà anh dũng, quật cường. Hệ thống nhân vật nữ trong văn học Nga từ cổ điển đến hiện đại đều hiện lên bản nguyên tốt đẹp, hòa hợp với tín ngưỡng dân gian, thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả như Tachiana trong Evgeni Onegin của Puskin; Maria Bonconskaya, Natasa trong Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi; Sonia, Dunia trong Tội ác và hình phạt của Dostoevsky; Margarita trong Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov; Lara trong Bác sỹ Zhivago của Pasternak và những nhân vật nữ của Aitmatov là sự nối dài truyền thống - nét đặc trưng của nền văn học mang đậm chủ nghĩa cứu thế và chủ nghĩa lý tưởng - họ như là những thánh nữ - cứu rỗi, kết tinh vẻ đẹp tâm hồn, tính cách dân tộc Nga. Ý nghĩa của mẫu gốc Mẹ trong tác phẩm của Aitmatov, cũng như trong văn học Nga gần gũi, thống nhất với quan điểm của các nhà triết học, mỹ học. Nikolai Berdiaev trong bài viết Tâm hồn Nga đã nhiều lần khẳng định văn hóa Nga mang đậm thiên tính nữ: “Nước Nga là mảnh đất lệ thuộc, âm tính”, tôn giáo Nga “bị tố chất dân tộc nữ tính” đánh bại, cầm tù và “Mẹ - đất đối với dân tộc Nga là nước Nga. Nước Nga trở thành Đức Mẹ” [5]. Cũng trong cảm thức đó, “triết gia lớn nhất nước Nga” - V. Soloviev cho rằng: “Thần - Đất có liên quan sâu kín với quan niệm tôn giáo cổ truyền của nhân dân Nga về Đất - Thánh Mẫu” [5, tr. 38]. Và Vysheslavtsev khi đi tìm tính cách dân tộc Nga, cũng khẳng định, đó là ở “sự thống nhất chính diện”, ở “vẻ đẹp vũ trụ đậm thiên tính nữ”, ở “đặc tính của Eros Nga đã thừa hưởng từ người mẹ đáng thương của mình” [14, tr. 314]. Như vậy, từ cái nhìn tỉnh táo của triết học hay bằng con đường vô thức, tâm linh của thi học thì văn hóa Nga, tâm hồn Nga đều toát lên một bản nguyên Nữ tính thiêng liêng và vĩnh cửu. Sử dụng mẫu gốc Mẹ nói riêng và văn hóa dân gian nói chung, trong tác phẩm của mình, Aitmatov không chỉ khơi dậy và làm giàu đẹp thêm bản sắc văn hóa dân tộc, mà qua đó, nhà văn muốn tìm câu trả lời minh triết nhất cho những vấn đề hiện đại đang được đặt ra trong kỷ nguyên cơ giới. Hươu Maran xưa kia là vật tổ, sừng hươu là biểu MẪU GỐC “MẸ” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CHINGHIZ AITMATOV 89 hiệu của bộ tộc nay bị tận diệt, Hươu Mẹ đã cứu chuộc loài người nay bị loài người ăn thịt, hành động đó không chỉ chà đạp lên truyền thống văn hóa tâm linh mà còn hủy hoại tương lai dân tộc; Nghĩa trang Ana Bejit là đền Panthéon6 linh thiêng của miền Sarozek, nay bị san phẳng để xây dựng sân bay vũ trụ Từ đó, nhà văn lý giải những viễn tượng mịt mù của tương lai, hoặc những hoài nghi, bế tắc của hiện tại từ khởi nguyên bản thể văn hóa dân tộc, và khẳng định, chỉ bén rễ từ bản nguyên ấy thì đất nước mới phát triển vững bền. Bên cạnh việc thể hiện những vấn đề triết lý đạo đức của thời đại, mẫu gốc Mẹ nói riêng và folklore nói chung còn trở thành một phương tiện kết cấu cốt truyện, tạo ra nhiều khả năng chủ đề và cốt truyện. Cũng chính nhờ những huyền thoại sáng thế mà không gian trong tiểu thuyết Aitmatov mở rộng vô biên, thiên nhiên vĩnh cửu. Đó là không gian biển êm đềm sinh ra huyền thoại vịt Luvrơ và hoài vọng về Người Đàn bà Cá vĩ đại như những giấc mơ huyền ảo của vị tộc trưởng Organ, và biển giữ dội cuồng phong cũng chính là cơ duyên để phóng chiếu những huyền thoại, truyền thuyết xa xưa. Thời gian tái sinh vô tận với sự giao hòa của ba dòng thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai trong một chiều sâu triết lý: cái thiện. Những câu chuyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại... đã vĩnh viễn viên mãn từ thuở khai sinh, trải qua thời gian, nó lại được tái sinh và liên tục được tái sinh, bởi khát vọng về cái đẹp, điều thiện luôn là ngưỡng vọng muôn đời của con người. Điều này được chính nhà văn giải thích khi nói về ý nghĩa của tác phẩm Đoạn đầu đài, “ngày xưa vẫn xoay vần trong biển trầm luân và kiếp luân hồi” “một sợi chỉ xuyên qua mọi vòng luẩn quẩn của thời gian đi tới số phận của nó” [4], sợi chỉ ấy chính là cái giá của cuộc sống này. Mẫu gốc Mẹ nói riêng, folklore nói chung trong tác phẩm Aitmatov còn có chức năng như những bức bình phong trá hình thái độ phê phán của tác giả đối với những hiện tượng trong đời sống Xô Viết đương thời, như một cách đơn giản hóa các phạm trù, giữa cái đúng và cái sai, nên mỗi tác phẩm của ông như một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại. Và đó cũng chính là phương thức nhằm kích thích năng lực phát hiện những thông điệp nghệ thuật, sự đồng sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận của độc giả. 4. KẾT LUẬN Với sự tái lập dày đặc mẫu gốc Mẹ trong tác phẩm của mình, Aitmatov không chỉ cho ta thấy sự giàu có của văn hóa dân gian dân tộc Kirghizi trong sự thống nhất với văn hóa Nga đậm thiên tính Nữ mà sự trở về với những huyền thoại còn là một kiểu giải đáp thông minh cho những vấn đề cấp bách mà xã hội đang đặt ra. Aitmatov, với hành trình tìm về nguồn ấm của vô thức nhân loại, đã tạo ra phong cách nghệ thuật độc đáo giàu chất suy tư triết lý, nhưng không chỉ triết lý bằng đại lộ ý thức mà bằng cả sự vẫy gọi của tâm linh. 6 Đền Panthéon là một công trình kiến trúc ở Roma, nguyên thuỷ được xây làm điện thờ tất cả các thần của La Mã cổ đại, và được xây lại vào đầu thế kỷ thứ II sau Công nguyên. 90 NGUYỄN THỊ TUYẾT TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Aitmatov, C. (1982). Con tàu trắng, Con chó khoang chạy ven bờ biển, Vĩnh biệt Guxarư. (Phạm Mạnh Hùng dịch), NXB Tác phẩm Mới, Hà Nội. [2] Aimatov, C. (1986). Và một ngày dài hơn thế kỷ (Lê Khánh Trường - Nguyễn Đức Dương dịch), NXB Trẻ Tp. Hồ Chí Minh. [3] Aimatov, C. (1986). Đoạn đầu đài. (Vũ Việt dịch), NXB Tác phẩm Mới, Hà Nội. [4] Aitmatov, C. Cái giá là cuộc sống (Vũ Hồng Hà dịch). [5] Berdiaev. A.N. (2003). Tâm hồn Nga (Từ Thị Loan dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6/2003. [6] Đào Ngọc Chương (2009). Phê bình huyền thoại, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. [7] Chevalier, J. Gheerbrant, A. (2002). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Phạm Vĩnh Cư chủ biên), NXB Đà Nẵng. [8] Gibran, K. (1998). Cõi thơ, NXB Đà Nẵng. [9] Jung, C. (2007). Thăm dò tiềm thức (Vũ Đình Lưu dịch), NXB Tri thức, Hà Nội. [10] Scott Littleton, C. (chủ biên, 2006). Huyền thoại thế giới (Chương Ngọc dịch), NXB Mỹ thuật, Hà Nội. [11] Soloviev, L. (2005). Siêu lý tình yêu (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú thích), NXB Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. [12] Stein, M. (2011). Bản đồ tâm hồn con người của Jung (Bùi Lưu Phi Khanh dịch), NXB Tri thức, Hà Nội. [13] Woolf, V. (2009). Căn phòng riêng (Trịnh Y Thư dịch), NXB Tri thức, Hà Nội. [14] Vysheslavtsev, B .P. (2006). Đi tìm tính cách dân tộc Nga (Thiệu Bích Hường dịch), trong cuốn Phân tâm học và tính cách dân tộc (Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu), NXB Tri thức, Hà Nội. Title: THE MOTHER ARCHETYPE IN SOME NOVELS OF CHINGHIZ AITMATOV Abstract: Basing on Jung's theory of archetype, we point out that the archetype Mother in Aitmatov' works is incredibly rich, diverse and deeply meaningful, both original Mother and incarnation of eternal Woman divinity, crystallizing nation’s soul and characteristic. To use systematically folk-myths and legends is not only a direction of Aitmatov’s modern novel artistic innovation but also his return to the source of national culture. These double meanings create an original style of Aitmatov’ works as well as a strange attractiveness for his readers. Keywords: Archetype, Mother archetype, Chinghiz Aitmatov, Carl Gustav Jung ThS. NGUYỄN THỊ TUYẾT Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang ĐT: 0979 228 003, Email: mayatuyet@yahoo.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf23_375_nguyenthituyet_13_nguyen_thi_tuyet_0191_2020437.pdf