Trong những năm qua, có thể nói, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để bảo
lưu và phát huy những truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Những hoạt động của chúng ta như tổ chức các lễ hội cồng chiêng, tổ chức các ngày
hội văn hóa dân tộc, tổ chức các hội diễn văn nghệ dân tộc, tổ chức các hội thảo
khoa học về văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên, tổ chức các cuộc nghiên cứu, sưu tầm
vốn văn hóa truyền thống Tây Nguyên, xây dựng các nhà bảo tàng ở các tỉnh Tây
Nguyên, in ra nhiều sách nghiên cứu và giới thiệu về Tây Nguyên và văn hóa Tây
Nguyên đã ngày càng làm cho người dân Tây Nguyên hiểu rõ được cái hay, cái
đẹp và cái lạc hậu trong văn hóa của mình, đã làm cho người dân trong nước và
nhiều người nước ngoài hiểu được và biết tới những giá trị của văn hóa Tây Nguyên,
trong đó có lễ bỏ mả và đã làm cho nhiều ban ngành từ Trung ương tới địa phương
quan tâm và giúp đỡ cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Tây
Nguyên.Chắc chắn rằng, trong tương lai, lễ hội bỏ mả của đồng bào Tây Nguyên không
chỉ được giữ gìn mà còn được phát triển vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại vừa
bảo lưu được những truyền thống độc đáo và tất nhiên là vừa sẽ loại bỏ đi những yếu
tố ít nhiều lạc hậu mất vệ sinh trong cách chôn cất (đặc biệt là hình thức chôn chung)
và trong cách ăn uống.
9 trang |
Chia sẻ: thucuc2301 | Lượt xem: 359 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lễ bỏ mả - Một di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc bản địa trên Tây Nguyên - Ngô Văn Doanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỄ BỎ MẢ - MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
CỦA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA TRÊN TÂY NGUYÊN
PGS.TS.Ngô Văn Doanh
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
A. Lễ bỏ mả- đỉnh điểm của mùa lễ hội trên Tây Nguyên
Có lẽ hiếm thấy một nơi nào trên đất nước ta mà ở đó thời tiết lại chia ra làm
hai mùa: mùa mưa và mùa khô rõ rệt và đều nhau về thời gian như Tây Nguyên. ở
Tây Nguyên, hai mùa được phân bổ theo tháng dương lịch như sau: Mùa mưa từ
tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 tới tháng 4. Thời tiết thì như vậy, địa
hình Tây Nguyên thì bao la, bạt ngàn rừng núi điệp trùng. Chính đặc điểm của địa
hình và thời tiết đã tạo ra ở nơi đây cả một vùng sinh thái đặc biệt. Vào mùa mưa,
đất trời Tây Nguyên rạo rực, căng tràn sức sống: trời mưa liên miên, cỏ cây đâm
chồi nảy lộc, ra hoa kết trái, muông thú sinh sôi nảy nở, sông suối tràn đầy, mênh
mông sục sôi. Còn vào mùa khô, thì cả Tây Nguyên tạnh ráo: đất trở nên khô, trời
quang, nắng tràn; rừng đổ lá vàng; sông suối lắng trong, êm đềm chảy
Trong một vùng sinh thái đặc thù như vậy, người Tây Nguyên từ lâu đã hòa
nhập, gắn bó cuộc sống của mình vào nhịp điệu của thiên nhiên bao quanh. Vì làm
nông là chính, nên vòng thời gian của thiên nhiên cũng là lịch cây trồng và chu trình
sinh hoạt của người Tây Nguyên. Vào mùa mưa, khi đất trời bừng bừng nhựa sống,
thì người Tây Nguyên cũng lao mình lên rẫy, ra ruộng để gieo hạt, trồng cây, chăm
sóc cho mảnh ruộng, khu rẫy của mình. Hết tháng cuối của mùa mưa, bắt đầu sang
mùa khô, cũng là lúc lúa chín chờ con người thu hoạch. Khi mùa màng đã thu hoạch
xong và lúa đã lên kho, thì Tây Nguyên đã vào giữa mùa khô. Chỉ đến lúc này, họ
mới thực sự được nghỉ ngơi, mới rảnh rỗi để sinh hoạt vui chơi, để tiến hành những
lễ hội chính của mình. Khi những lễ hội cuối cùng vừa chấm dứt, thì cũng là lúc trời
đất chuẩn bị chuyển mình sang mùa mưa. Con người Tây Nguyên, đất trời Tây
Nguyên lại bừng lên để bước vào nhịp sống tất bật, rộn ràng và sôi động. Điểm khởi
đầu của một chu trình thời gian và cuộc sống lại bắt đầu.
Do cuộc sống hòa nhập, gắn mọi sinh hoạt mà chủ yếu là sinh hoạt nông
nghiệp với thiên nhiên, nên người Tây Nguyên lấy mùa làm rẫy để tính năm, lấy
tuần trăng để tính tháng và tính ngày theo sự vận động của mặt trời. Một mùa rẫy
của người Tây Nguyên, kể từ lúc bắt đầu phát rẫy cho đến lúc cho lúa lên kho xong,
thường kéo dài 9 hoặc cùng lắm là 11 tháng. Những tháng còn lại (từ 1 đến 3 tháng),
trước khi bước sang mùa làm rẫy mới là những tháng nghỉ, là thời gian tiến hành các
nghi lễ chính của năm và đón năm mới. Vì lấy chu kỳ sản xuất làm cơ sở để tính thời
gian, nên các tháng (mười hai tháng) trong năm của đồng bào các dân tộc Tây
Nguyên thường gắn với tính chất công việc của mùa làm rẫy. Xin đưa ra đây làm ví
dụ cách tính lịch của một số dân tộc Tây Nguyên.
Người Giarai chia một năm ra 12 tháng và gọi từng tháng theo thứ tự: tháng
Một, tháng Hai, tháng Ba tháng Mười Hai. Trong khi đó, từng tháng lại tương
đương với một công việc nào đấy trên rẫy và được gọi tên theo tính chất của công
việc đó: Tháng Một (bơ lan sa) là tháng phát, hạ cây làm rẫy (bơayn chah krom);
tháng Hai (bơlan đoa) - tháng phát, hạ cây làm rẫy (yan chah krom); tháng Ba
(bơlan khâu); tháng Tư (bơlan pă) là tháng gieo xạ lúa (yan juk, jay); tháng Năm và
tháng Sáu (bơlan rơma, bơlan năm) là những tháng làm cỏ cho lúa (yan buich rơk);
tháng Bảy (bơlan juh) là tháng đuổi chim lúa sớm (yan roch daiđro); tháng Chín và
tháng Mười (bơlan doa rơpăn, bơlan pluh) là những tháng gặt lúa trên rẫy (yan roch
dir); hai tháng cuối cùng của năm là hai tháng nghỉ ngơi (yan ning nông). ở nhiều
nơi, thời gian thu hoạch cả lúa sớm và lúa rẫy chỉ bó gọn vào hai tháng: tháng Tám
và tháng Chín, nên cả ba tháng cuối năm đều là những tháng nghỉ. Vì thế, người
Giarai ở những vùng này có câu:
"Dua păn bơlan bleia hăo
Rơnang bulan ktang hoă băng klao bơlan"
(Chín tháng lao động mệt nhọc ra mồ hôi,
Ba tháng nhàn rỗi vui hội thoải mái).
Mười hai tháng của người Êđê cũng được chia ra theo các tháng (yan) làm việc
và sinh hoạt tương tự như của người Giarai: yan dran (tháng Ba dương lịch) nghĩa là
tháng chọn đất, đốt rẫy mới, yang gic (tháng Tư dương lịch) - tháng xới đất, làm rẫy;
yan myva (tháng Năm) - tháng cào cỏ; yan hut (tháng Sáu - tháng tỉa lúa); yan ric
rơc mdiê (tháng Bảy) - tháng làm lúa; yan hua drô (tháng Tám, tháng Chín) - những
tháng thu hoạch sớm; yan potvia (tháng Mười, tháng Mười Một và tháng Mười Hai)
- tháng thu hoạch lúa chính vụ và cho lúa lên kho; yam mnga dap (tương ứng với các
tháng Một, Hai và Ba dương lịch) là các tháng ăn uống vui chơi, lễ bỏ mả, thăm bà
con xa.
Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme ở Bắc Tây Nguyên như người Bana,
người Xơ Đăng và Gié Triêng cũng có hệ thống lịch 12 tháng tương ứng với từng
thời gian làm nông. Mười hai tháng trong năm của người Gié Triêng được chia ra
như sau: tháng Một và tháng Hai (khay muôi, khay bar) - bắt đầu phát nương; tháng
Ba (khay pe) - đốt rẫy, thu dọn nương; tháng Tư (khay poam) - tra lúa sớm, tra ngô,
trồng sắn; tháng Năm (khay pdáp) - tra lúa muộn; tháng Sáu và tháng Bảy (khay
hrau, khay pế) - làm cỏ lúa, trồng khoai, thu hoạch ngô; tháng Tám (khay tơ hem) -
thu hoạch lúa sớm; tháng Chín (khay tchít) - thu hoạch lúa muộn; tháng Mười (khay
cu diót) - tiếp tục thu hoạch lúa muộn, chuẩn bị ăn tết; tháng Mười Một (khay cu
diót muôi) - làm nhà, cưới xin, ăn tết; tháng Mười Hai (khay cu diót bar) - đi tìm
nương. Gần giống như lịch của người Gié Triêng, nhưng nông lịch của người Xơ
Đăng có phần chi tiết hơn: Tháng thứ nhất - dọn rẫy bắp; tỉa bắp, sắn đỗ, thuốc lá,
bầu bí; tháng thứ hai - chọn rẫy lúa; phát rẫy lúa, trồng bắp đợt hai, trồng môn,
khoai, sắn, bí; chuẩn bị công cụ; tháng thứ ba - phát rẫy, đốn cây; trồng bắp, kê,
khoai, đậu, lạc, chuẩn bị công cụ; tháng thứ tư - đốt, dọn rẫy, bắt đầu trỉa lúa, thu
bắp; tháng thứ năm - đốt rẫy lớn, tỉa lúa rẫy, làm lều nương; tháng thứ sáu - làm cỏ,
rào nương; tháng thứ bảy - làm cỏ, rào nương; đặt bẫy, chông; tháng thứ tám - làm
gùi, giỏ, đan phên phơi lúa; dựng kho lúa; tháng thứ chín - suốt lúa; tháng thứ mười
- suốt lúa; tháng thứ mười một và mười hai - tháng ăn chơi, nghỉ ngơi; trồng bắp.
Cùng là nông lịch như lịch của người Gié Triêng và người Xơ Đăng, lịch của người
Bana còn là lịch của những lễ hội trong năm: tháng Một (khêi môl hay khêi minh) là
tháng có lễ cúng mời ông bà để chuẩn bị đi gieo hạt (sơmah jơmul); tháng Hai (khêi
bar) - tiếp tục làm lễ sơmah jơmul; tháng Ba (khêi peng) có lễ cúng thần trời (sơmah
yang pênh) tại rẫy khi lúa mọc và cúng ông cọp (sơmah bok kiek) để ông giữ đất và
nước cho cây cối tốt tươi; tháng Tư (khêi puôn) có lễ cúng thần núi (sơmah yang
kông); tháng Năm (khêi pơđăm) không có lễ cúng gì cả; tháng Sáu (sơmah khêi
drâu) cho mẹ, cha, bà, ông (mẹ, bạ, jạ, bok) đã khuất để chuẩn bị bước vào mùa thu
hoạch; ba tháng Bảy, Tám, Chín (khêi tơpơ, khêi tơ ngan, khêi tơ sinh) là thời gian
thu hoạch và làm lễ ăn cơm mới hay lễ ăn cốm mới (samôk); tháng Mười (khêi
mơchit) đón tết hay là lễ mừng gặt lúa xong (chơruh); hai tháng sau tết: tháng Mười
Một và tháng Mười Hai (khêi chứt minh; khêi chứt ba) là những tháng nghỉ ngơi, hội
lễ (khêi ninh nơng).
Như vậy, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong vào tháng Mười, thì cả đất trời
Tây Nguyên đã bước hẳn vào mùa khô - mùa đẹp và tiện lợi cho việc tiến hành các
cuộc lễ hội, vui chơi. Người Bana có một bài ca về thiên nhiên lúc giao thời chuyển
mùa như sau: "Năm hết rồi, đất trời mát mẻ, không mưa. Đó là lúc con vẹt hót, con
sáo đen ca hát. Đó là lúc con chim bak kêu chúc chu. Đó là lúc sắp dọn sạch rẫy rồi.
Đó là lúc sắp sửa nghỉ ngơi. Năm hết rồi, mùa khô đã đến đẹp lắm. Hai chúng ta
cùng đi chơi, đi bắt cá. Cá hếch, ca hlang thịt thơm, màu đẹp. Cá xơchiơ tung tăng
bơi lượn. Chúng ta cùng đi hái lá rau rừng. Lá hning, lá hnang thơm ngon, tươi mát.
Hãy đi chơi đi, chúng ta sẽ gặp được người mình yêu". Thời gian này, thỉnh
thoảng mới có một trận mưa nhỏ. Công việc bận rộn đồng áng, nương rẫy của cả
một năm cũng sắp hết rồi: Chỉ còn cho lúa vào kho và làm lễ đóng cửa kho lúa là
xong. Khi cửa các kho lúa đã đóng lại thì giọt mưa cuối cùng của mùa mưa cũng vừa
rơi xuống. Từ thời điểm này trở đi, suốt từ một đến ba tháng trời, người Tây Nguyên
nghỉ ngơi và bước vào mùa hội. Vì thế mà những tháng nghỉ còn được người Tây
Nguyên gọi là thời kỳ "ăn năm, uống tháng". Và, vào thời kỳ “ăn năm, uống tháng”
này, khắp nơi trên Tây Nguyên, đâu đâu cũng vang lên tiếng cồng của các lễ hội.
Tiếng cồng vang lên trời, vọng vào núi, thấm vào đất, lan khắp rừng và làm cho con
người ngây ngất trong không khí lễ hội.
Trong những tháng nghỉ, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tổ chức nhiều lễ
hội lớn nhỏ khác nhau, như lễ hội mùa của người Giarai và người Bana (người
Giarai gọi hội mùa là Pơ Trum còn người Bana thì gọi là Sa mớk) và hội mừng năm
mới của người Êđê, người Gié Triêng, người Xơ Đăng Và, không thể thiếu được ở
Tây Nguyên vào dịp "ăn năm, uống tháng" là lễ hội ăn trâu hay thường được gọi
không được chính xác lắm là lễ đâm trâu. Mục đích của lễ hội ăn trâu là tạ ơn các
thần linh đã phù hộ cho dân làng một năm làm ăn thịnh vượng và cầu xin các thần
tiếp tục phù hộ cho mọi người sang năm mới mạnh khỏe làm ăn thuận lợi và giúp
cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt.
Sau khi đã làm xong tất cả mọi nghi lễ và hội lễ tạ ơn các thần, người Tây
Nguyên mới bắt tay vào làm lễ bỏ mả hay bỏ ma cho những người đã khuất. Mặc
dầu được tổ chức sau cùng, nhưng lễ bỏ mả ở nhiều dân tộc Tây Nguyên (như Bana,
Giarai, Êđê, M'nông, Rắc Lây) lại là một hội lễ có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất
và cũng có nhiều đặc trưng văn hóa nhất so với tất cả những hội lễ khác đã được tổ
chức trước đó. Để có được lễ bỏ mả, gia đình, làng xóm phải chuẩn bị trước ba, bốn
tuần (đối với những lễ bỏ mả của từng gia đình) thậm chí hai, ba tháng (đối với lễ bỏ
mả của cả một nhóm gia đình hay của những gia đình giàu có). Để có lễ bỏ mả, phải
chuẩn bị rượu thịt, thức ăn, phải chuẩn bị gỗ, tre làm nhà mồ, phải chuẩn bị những
bộ cồng chiêng, làm những đồ vật giống như thật để chia cho người chết, phải làm
các con rối, mặt nạ, phải mời họ hàng gần xa từ các nơi đến dự; phải báo cho các
làng xung quanh được biếtKhác với các các lễ hội khác chỉ mang tính gia đình
hay bó hẹp trong khuôn khổ của làng, lễ bỏ mả là hội lễ của liên làng. Đến lễ bỏ mả,
không chỉ có dân của làng làm lễ mà người của các buôn gần, làng xa cũng tới dự và
góp vui. Ba hoặc bốn ngày (trước kia là bảy đến mười ngày) của lễ bỏ mả thực sự là
một hội lễ văn hóa - nghệ thuật và xã hội lớn nhất ở Tây Nguyên. Lễ bỏ mả là nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc. Lễ bỏ mả là nghệ thuật trình diễn nhạc, múa rối và mặt
nạ. Lễ bỏ mả là văn hóa ăn và là hội lễ phô diễn y trang phục dân tộc Có thể nói,
không một lễ hội nào ở Tây Nguyên lại mang tính tổng hợp văn hóa nghệ thuật một
cách nhuần nhuyễn và sinh động như lễ bỏ mả.
Lễ bỏ mả quả là đỉnh điểm của mùa lễ hội của Tây Nguyên. Không phải ngẫu
nhiên mà người Giarai có câu: "Bơlan ning nông thông atâu" (tháng nghỉ đi chơi lễ
bỏ ma); còn người Bana thì nói: "Khêi ning nơng pơm bơxát" (tháng nghỉ làm nhà
mả).
B. Lễ bỏ mả và những thách thức sống còn ở thời hiện đại
Sau nhiều năm đi điền dã nghiên cứu Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy khá rõ
một khía cạnh khác nữa là, cuộc sống hiện đại đã, đang và sẽ có những tác động
không phải là nhỏ đối với truyền thống văn hóa Tây Nguyên nói chung và lễ hội bỏ
mả nói riêng. Riêng đối với lễ hội bỏ mả, những tác động của cuộc sống hiện đại đã
ít nhiều làm “nghèo” đi, làm “nhạt” đi những sắc thái và màu sắc truyền thống vốn
có trong những lễ bỏ mả xưa. Theo chúng tôi nghĩ, nếu các cơ quan, ban ngành từ
Trung ương tới địa phương không có những tác động và hỗ trợ kịp thời thì độ
“nghèo” và độ “nhạt” của lễ bỏ mả trên Tây Nguyên sẽ càng gia tăng theo thời gian.
Có thể nói, những tác động của cuộc sống hiện đại không ảnh hưởng trực tiếp đến lễ
bỏ mả, nhưng lại trực tiếp làm “nghèo” và làm “nhạt” tính truyền thống của lễ hội
rất đặc thù cho Tây Nguyên này. Vì sao vậy?
Như chúng tôi đã phân tích, lễ hội bỏ mả là hội lễ mang tính văn hóa nghệ thuật
tổng hợp vào loại lớn nhất ở Tây Nguyên. Do đó, có thể nói rằng, sắc màu của lễ bỏ
mả được tô vẽ lên bằng gần như tất cả các màu sắc của văn hóa nghệ thuật truyền
thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thế nhưng, do tác động tất yếu của
cuộc sống hiện đại, người Tây Nguyên hiện nay rất ít mặc y phục dân tộc, thậm chí
nhiều người không còn áo quần dân tộc nữa, vì vải vóc hiện đại vừa rẻ hơn vừa tiện
hơn đã, đang và có thể sẽ thay thế hẳn vải dệt truyền thống. Chỉ riêng việc đến với lễ
hội mà không trong y phục lễ hội của dân tộc thôi cũng đã làm cho lễ hội mất đi bao
nhiêu là sắc thái dân tộc. Hiện nay, đến với lễ bỏ mả, chúng ta khó có thể tìm thấy
những ngôi nhà mồ uy nghi, hoành tráng và lộng lẫy với những pho tượng mồ trầm
tư đầy gợi cảm như xưa. Mà, không còn những ngôi nhà mồ và tượng mồ đẹp thì
khung cảnh của lễ hội bỏ mả gần như bị mất đi cái cốt lõi vật chất của lễ hội. Lý do
làm mất đi bản sắc của nhà mồ và tượng mồ rất là khách quan: rừng, nguồn vật liệu
cung cấp gỗ duy nhất để làm nhà mồ và tượng mồ, ngày càng bị phá nhiều và mất đi
nhiều. Và, một hiệu quả tất yếu sẽ phải xảy ra, khi không còn điều kiện để làm nhà
mồ và tượng mồ như xưa nữa, thì cả một nền nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân
gian nhà mồ tượng mồ sẽ mai một dần mà thậm chí sẽ mất hẳn. Trường hợp như nhà
mồ, tượng mồ và y phục đã, đang và sẽ xảy ra với nghệ thuật ăn truyền thống, với
những bài cúng đầy chất văn học dân gian. Các món ăn hiện đại, các phương tiện
nấu ăn hiện đại vừa tiện, vừa bền, vừa nhanh, vừa sẵn đã, đang và sẽ thay dần các
món ăn, các cách nấu ăn ở lễ bỏ mả. Do phải bận rộn với cuộc sống, do phải đi học
hành ở các trường lớp và phải tham gia nhiều công việc xã hội khác, nên, cũng như
ở nhiều dân tộc khác, nhiều người trẻ tuổi không còn nhớ những bài cúng cũng như
những nghi thức cúng lễ theo truyền thống.
Tất nhiên, những yếu tố hiện đại dần dần sẽ phải hòa nhập vào các nghi thức
của lễ hội bỏ mả để cho lễ hội này phù hợp với nhịp sống của xã hội hiện đại. Chúng
tôi đã tham dự không ít những lễ hội bỏ mả mà ở đó y phục của những người tham
dự chủ yếu được may bằng vải dệt công nghiệp hiện đại, thức ăn được chế biến và
được đun nấu như kiểu của người Kinh, ngôi nhà mồ chỉ còn rất đơn sơ như một túp
nhà tranh nho nhỏ và hoàn toàn không có tượng mồ, còn những người cúng thì chỉ
đọc mấy câu theo công thức chứ không nhớ những bài cúng hay như cha ông ngày
xưa. Tóm lại, có thể nói, xu hướng đơn giản hóa, “nghèo hóa” và “nhạt hóa” đã,
đang diễn ra và sẽ gia tăng đối với lễ hội bỏ mả ở Tây Nguyên. Đó là chúng tôi chưa
nói tới một tác động khác đang làm cho lễ bỏ mả hoặc sẽ mất đi hoặc sẽ “nghèo”
hẳn đi - ảnh hưởng của đạo Tinh Lành. Đạo Tin Lành lan đến đâu là những người
truyền bá tôn giáo này thuyết phục và khuyến khích đồng bào các dân tộc Tây
Nguyên bỏ đi nhiều tập tục xưa như đâm trâu, bỏ mả, uống rượu Vì thế mà cồng
chiêng Tây Nguyên đang bị bán đi, nhiều phong tục xưa đang bị mất dần.
Xu thế “hiện đại hóa” dẫn tới “đơn giản hóa” lễ hội bỏ mả thực tế là đã, đang
và sẽ diễn ra. Đó là một quy luật tất yếu của quá trình phát triển xã hội. Thế nhưng,
xu thế “hiện đại hóa” chỉ tác động tới những hình thức bên ngoài chứ không làm mất
đi nội dung của lễ bỏ mả. Vì thế, theo suy nghĩ của chúng tôi, nếu các cấp các ngành
văn hóa của Trung ương và địa phương có những biện pháp và hỗ trợ đúng thì lễ bỏ
mả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không chỉ vẫn duy trì được mà còn vẫn
giữ được sắc màu truyền thống. Những khi chúng tôi đi điều tra nghiên cứu, đồng
bào đều nói rằng rất muốn giữ được lễ hội bỏ mả như truyền thống, nhưng điều kiện
khách quan không cho phép: không còn giữ được lễ phục dân tộc, không có vật liệu
để làm nhà mồ và tượng mồ, nhiều khi vì túng bấn phải đem cồng chiêng bán hoặc
phải đem bán cồng chiêng vì rất ít khi được dùng tới Vì vậy, qua những điều tra
thực tế, chúng tôi cho rằng chúng ta vẫn có những giải pháp vừa kinh tế vừa văn hóa
để giúp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữ được sắc màu độc đáo cho lễ hội bỏ
mả. Nên chăng, chúng ta cần khuyến khích và cần thiết thì hỗ trợ ít nhiều về vật chất
để mỗi người Tây Nguyên cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ có được mỗi người ít nhất
một bộ lễ phục dân tộc để mặc trong những dịp lễ hội bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ mừng
cơm mới Nên chăng chúng ta cần có kế hoạch cung cấp vật liệu, tất nhiên là
không tràn lan mà theo điểm để tránh tốn kém, cho đồng bào làm nhà mồ và tượng
mồ. Cũng để cho có hiệu quả kinh tế và văn hóa, ở những điểm được cung cấp vật
liệu hoặc tài chính để làm lễ bỏ mả, chúng ta nên khuyến khích đồng bào tổ chức lễ
hội sao cho đúng truyền thống. Có như thế thì các lễ hội bỏ mả mới trở thành được
những điểm du lịch và những pho tượng mồ mới thực sự có giá trị văn hóa – nghệ
thuật và có thể đem bán cho các bảo tàng, các nhà sưu tập nghệ thuật. Bên cạnh việc
hỗ trợ về vật chất, chúng ta cần phải tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến ra cả
nước cũng như ra nước ngoài những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo của lễ bỏ mả.
Làm được tốt điều này, hiệu quả về nhiều mặt sẽ đến. Trước hết, người Tây Nguyên
sẽ hiểu được những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo của lễ bỏ mả, và khi đã hiểu
được điều đó thì họ sẽ tự bảo vệ và gìn giữ lễ hội bỏ mả của mình. Hai là, khi mọi
người trong nước và người nước ngoài biết tới những cái hay, cái đẹp độc đáo của lễ
bỏ mả thì hiển nhiên là những lễ hội bỏ mả của Tây Nguyên sẽ trở thành những địa
điểm du lịch hấp dẫn và kỳ thú; mà nếu biết cách tổ chức thì du lịch cũng sẽ là kinh
tế. Ba là, khi mà nhiều người (cả trong và ngoài nước) biết tới những giá trị đặc biệt
của lễ bỏ mả thì những hiện vật vật chất của lễ hội này như tượng mồ, những con rối
và thậm chí cả ngôi nhà mồ sẽ không bị “bỏ” theo như phong tục của đồng bào mà
sẽ được hoặc lưu giữ như các khu bảo tàng sống, hoặc sẽ được đưa về trưng bày tại
các nhà bảo tàng, các nhà văn hóa hoặc sẽ được đem bán như những tác phẩm
nghệ thuật. Tất cả những khía cạnh trên sẽ tác động tương hỗ lẫn nhau và cùng giúp
nhau phát triển. Và, tất nhiên, kết quả lớn nhất mà chúng ta có được là bảo tồn và
phát huy được một mảng quan trọng và độc đáo của nền văn hóa Tây Nguyên – lễ
hội bỏ mả. Mà, như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, giữ được lễ hội bỏ mả là giữ
được rất nhiều ngành nghệ thuật cũng như truyền thống văn hóa đặc biệt của Tây
Nguyên.
Trong những năm qua, có thể nói, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để bảo
lưu và phát huy những truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Những hoạt động của chúng ta như tổ chức các lễ hội cồng chiêng, tổ chức các ngày
hội văn hóa dân tộc, tổ chức các hội diễn văn nghệ dân tộc, tổ chức các hội thảo
khoa học về văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên, tổ chức các cuộc nghiên cứu, sưu tầm
vốn văn hóa truyền thống Tây Nguyên, xây dựng các nhà bảo tàng ở các tỉnh Tây
Nguyên, in ra nhiều sách nghiên cứu và giới thiệu về Tây Nguyên và văn hóa Tây
Nguyên đã ngày càng làm cho người dân Tây Nguyên hiểu rõ được cái hay, cái
đẹp và cái lạc hậu trong văn hóa của mình, đã làm cho người dân trong nước và
nhiều người nước ngoài hiểu được và biết tới những giá trị của văn hóa Tây Nguyên,
trong đó có lễ bỏ mả và đã làm cho nhiều ban ngành từ Trung ương tới địa phương
quan tâm và giúp đỡ cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Tây
Nguyên.
Chắc chắn rằng, trong tương lai, lễ hội bỏ mả của đồng bào Tây Nguyên không
chỉ được giữ gìn mà còn được phát triển vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại vừa
bảo lưu được những truyền thống độc đáo và tất nhiên là vừa sẽ loại bỏ đi những yếu
tố ít nhiều lạc hậu mất vệ sinh trong cách chôn cất (đặc biệt là hình thức chôn chung)
và trong cách ăn uống.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- y_le_bo_ma_mot_di_san_van_hoa_phi_vat_the_cua_cac_dan_toc_ban_dia_tren_tay_nguyen_4276_1999875.pdf