Kỹ năng xã hội của trẻ khuyết tật trí tuệ ở các cơ sở giáo dục đặc biệt, thành phố Huế

Kỹ năng xã hội (KNXH) là tập hợp các kĩ năng cần thiết đem lại sự thành công trong giao tiếp, hợp tác và hòa nhập, thích nghi với xã hội. Chính vì vậy, quan tâm đến KNXH của trẻ là một yêu cầu quan trọng trong giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) nói riêng. Kết quả khảo sát thực trạng KNXH của trẻ KTTT tại một số cơ sở giáo dục đặc biệt trên địa bàn Thành phố Huế được trình bày trong bài báo này là cơ sở thực tiễn hữu ích cho giáo viên, phụ huynh để xây dựng kế hoạch giáo dục nhằm phát triển KNXH cho trẻ KTTT.

doc10 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Lượt xem: 472 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỹ năng xã hội của trẻ khuyết tật trí tuệ ở các cơ sở giáo dục đặc biệt, thành phố Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỸ NĂNG XÃ HỘI CỦA TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT, THÀNH PHỐ HUẾ NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN Trung tâm Tịnh Trúc Gia, Thành phố Huế TRẦN THỊ TÚ ANH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Kỹ năng xã hội (KNXH) là tập hợp các kĩ năng cần thiết đem lại sự thành công trong giao tiếp, hợp tác và hòa nhập, thích nghi với xã hội. Chính vì vậy, quan tâm đến KNXH của trẻ là một yêu cầu quan trọng trong giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) nói riêng. Kết quả khảo sát thực trạng KNXH của trẻ KTTT tại một số cơ sở giáo dục đặc biệt trên địa bàn Thành phố Huế được trình bày trong bài báo này là cơ sở thực tiễn hữu ích cho giáo viên, phụ huynh để xây dựng kế hoạch giáo dục nhằm phát triển KNXH cho trẻ KTTT. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ KNXH là tập hợp các kĩ năng, cho phép chúng ta giao tiếp, hợp tác và hòa nhập, thích nghi với xã hội một cách hiệu quả. Trong đó, sự phù hợp về hành vi giao tiếp, ứng xử của mỗi cá nhân là yêu cầu quan trọng. Để có được KNXH, mỗi cá nhân phải học tập và rèn luyện hình thành kỹ năng ngay từ nhỏ và tiếp tục trau dồi, phát triển thường xuyên. Hiện nay, trẻ KTTT ở nước ta chiếm một tỷ lệ khá cao, khoảng 30%, trong số trẻ khuyết tật. Đây là dạng khuyết tật có những hạn chế lớn trong khả năng thực hiện các chức năng khác nhau nên thường gây ra nhiều lúng túng, khó khăn cho giáo viên trong quá trình dạy học và giáo dục. Trẻ thường tiếp thu chậm và khó khăn do chức năng hoạt động trí tuệ bị hạn chế, kéo theo mức độ phát triển KNXH thiếu hụt. Do vậy, những người làm công tác chăm sóc và giáo dục trẻ KTTT cần quan tâm đến KNXH của trẻ, giúp trẻ nâng cao khả năng thích ứng với cộng đồng xã hội. Để làm được điều này, việc xác định mức độ phát triển KNXH của trẻ là đặc biệt cần thiết, từ đó giúp các nhà chuyên môn, giáo viên và cha mẹ trẻ tìm ra các biện pháp giáo dục phù hợp nhằm phát triển KNXH, từ đó, nâng cao khả năng thích ứng của trẻ. Huế là địa bàn có khá nhiều trẻ KTTT. Cộng đồng xã hội nói chung và ngành giáo dục đặc biệt nói riêng đã quan tâm chăm sóc giáo dục trẻ nhiều hơn trước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề chẩn đoán KNXH, từ đó giáo dục KNXH cho trẻ KTTT chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải nghiên cứu thực trạng KNXH của trẻ KTTT tại các cơ sở GDĐB Thành phố Huế, cung cấp những cơ sở thực tiễn cần thiết để xác định các biện pháp phát triển KNXH cho nhóm trẻ này. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Khách thể nghiên cứu: 30 trẻ KTTT ở các cơ sở giáo dục đặc biệt Thành phố Huế, gồm Trường chuyên biệt Tương Lai (6 trẻ), Trường Tiểu học Thuận Thành (12 trẻ), Trường Tiểu học An Phú (4 trẻ), Trường Tiểu học số 1 An Đông (5 trẻ) và Trường Tiểu học Kim Long (3 trẻ). Phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi đã sử dụng Thang đo hành vi thích ứng ABS-S:2 (Adaptive Behavior Scale – School, 2nd Edition) của Lambert, Nihira, Leland [1], được AAMR phát hành năm 1993 để đánh giá KNXH của trẻ KTTT. Thang đo đã được Việt hóa và sử dụng để đánh giá mức độ hành vi thích ứng của trẻ KTTT ở Việt Nam [2] [3] [4]. Bên cạnh đó, trắc nghiệm Raven màu và trắc nghiệm vẽ hình người của Goodenough cũng được sử dụng để xác định mức độ phát triển trí tuệ của trẻ KTTT. Thang đo ABS-S:2 gồm hai phần: Phần 1: nhằm đánh giá các kĩ năng ứng xử quan trọng đối với khả năng tự lập và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày. Phần này gồm 9 lĩnh vực lớn (kí hiệu bằng chữ số La mã) với 18 lĩnh vực nhỏ (kí hiệu bằng các chữ cái), mỗi lĩnh vực nhỏ lại có các item tương ứng. Trong đó, để xác định mức độ phát triển KNXH của trẻ KTTT, chúng tôi sử dụng các lĩnh vực sau: IV. Phát triển ngôn ngữ VII. Tự điều khiển VIII. Trách nhiệm IX. Xã hội hóa Phần 2: Phần này gồm các hành vi ứng xử xã hội trong 7 lĩnh vực, đánh giá các hành vi thích nghi có liên quan tới dạng biểu hiện nhân cách và các dạng rối nhiễu. Cả 7 lĩnh vực này đều được sử dụng để xác định mức độ phát triển KNXH của trẻ KTTT: X. Ứng xử xã hội XIV. Hành vi tự lạm dụng XI. Sự tuân lệnh XV. Liên kết xã hội XII. Mức độ tin cậy XVI. Hành vi quấy rối cá nhân XIII. Các hành vi rập khuôn và hiếu động Ngoài ra, thang đo còn đánh giá các yếu tố (factor) HVTƯ. Các yếu tố cũng được chia làm 2 phần và mỗi phần cũng có các yếu tố nhỏ tương ứng. Phần 1: A. Độc lập cá nhân; B. Độc lập trong cộng đồng; C. Trách nhiệm cá nhân – xã hội Phần 2: D. Điều chỉnh xã hội; E. Điều chỉnh cá nhân Các điểm số trong thang đo ABS-S:2 gồm: Điểm số về lĩnh vực: là tổng điểm thô của các item trong từng lĩnh vực được chuyển thành điểm chuẩn, bách phân vị và độ tuổi tương đương (chỉ làm cho phần 1) bằng cách đối chiếu với bảng chuẩn hóa. Điểm số về các yếu tố: là tổng điểm thô của các item thuộc từng yếu tố được chuyển thành điểm số chuẩn, bách phân vị và độ tuổi tương đương (chỉ làm cho phần 1) bằng cách đối chiếu với bảng chuẩn hóa. Các mức độ hành vi thích ứng được xếp theo điểm chuẩn như sau: Bảng 1. Xếp hạng mức độ hành vi thích ứng theo điểm số lĩnh vực và yếu tố Lĩnh vực hành vi thích ứng Yếu tố hành vi thích ứng Điểm chuẩn Xếp hạng Điểm chuẩn Xếp hạng 17 – 20 Mức rất cao trên 130 Mức rất cao 15 – 16 Mức cao 121 – 130 Mức cao 13 – 14 Mức trên trung bình 111 – 120 Mức trên trung bình 8 – 12 Mức trung bình 90 – 110 Mức trung bình 6 – 7 Mức dưới trung bình 80 – 89 Mức dưới trung bình 4 – 5 Mức kém 70 – 79 Mức kém 1 – 3 Mức rất kém dưới 70 Mức rất kém 3. THỰC TRẠNG KỸ NĂNG XÃ HỘI CỦA TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ 3.1. Mức độ phát triển các lĩnh vực KNXH của trẻ KTTT 3.1.1. Đánh giá chung về các lĩnh vực KNXH Số liệu thu được từ Thang đo ABS-S:2 cho thấy, KNXH của trẻ được phát triển tốt nhất ở 4 lĩnh vực là ứng xử xã hội, sự tuân lệnh, sự tin cậy và hành vi quấy rối cá nhân. Các lĩnh vực này có 38 trường hợp đạt mức cao và trên trung bình, chiếm 11,5% (trong tổng số 330 trường hợp), chỉ 1 trường hợp đạt mức kém, chiếm 0,3% và không có trường hợp nào ở mức rất kém. Đây là những lĩnh vực liên quan đến các kiểu phản ứng của trẻ với người khác, sự nghe lời, mức độ tin tưởng. Sự phát triển tốt ở những lĩnh vực này chứng tỏ trẻ có những KNXH đáng khích lệ. Lưu ý rằng lĩnh vực hành vi quấy rối cá nhân thể hiện khuynh hướng tự đánh giá mình quá cao, phản ứng không đúng cách khi bị phê bình, sửa sai, đòi hỏi được chú ý, được khen quá mức, cảm thấy bị ngược đãi Lĩnh vực này được đánh giá cao nếu trẻ không có những hành vi đã nêu trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy rất ít trẻ được khảo sát có biểu hiện của những hành vi đó. Bảng 2. Mức độ phát triển các lĩnh vực KNXH của 30 trẻ KTTT Lĩnh vực Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC IV 2 13 10 5 7,7 2,5 VII 2 23 4 1 8,6 1,5 VIII 1 1 20 5 3 8,6 2,4 IX 26 4 9,1 1,4 X 2 7 16 5 11,8 2,8 XI 4 6 17 3 11,1 2,7 XII 6 3 19 1 1 11,4 2,7 XIII 1 9 16 2 2 10,9 2,7 XIV 10 19 1 11,7 1,5 XV 2 7 15 2 4 10,2 3,0 XVI 5 5 18 2 11,5 2,5 Tổng 0 21 52 202 38 17 0 TL % 0 6,4 15,7 61,2 11,5 5,6 0 Chú thích: TBC: trung bình chung, TL%: tỉ lệ phần trăm; ĐLC: độ lệch chuẩn; IV. Phát triển ngôn ngữ; VII. Tự điều khiển; VIII. Trách nhiệm; IX. Xã hội hóa; X. Ứng xử xã hội; XI. Sự tuân lệnh; XII. Sự tin cậy; XIII. Hành vi rập khuôn và quá hiếu động; XIV. Hành vi tự lạm dụng; XV. Liên kết xã hội; XVI. Hành vi quấy rối cá nhân Có 6 lĩnh vực phát triển ở mức trung bình, đó là tự điều khiển, trách nhiệm, hành vi rập khuôn và quá hiếu động, hành vi tự lạm dụng và liên kết xã hội. Có thể thấy, ở những lĩnh vực này, các trường hợp chủ yếu đạt mức phát triển trung bình, còn mức cao và kém đều chiếm tỷ lệ rất nhỏ, vì vậy, chúng tôi xếp những lĩnh vực này vào mức phát triển trung bình. Lĩnh vực phát triển hạn chế nhất là phát triển ngôn ngữ. Thực tế quan sát học sinh tại các lớp học, tại gia đình, phỏng vấn giáo viên, phụ huynh cũng cho thấy, trẻ KTTT gặp rất nhiều khó khăn trong các lĩnh vực KNXH khác nhau, tuy nhiên, những hành vi bất thường trong ứng xử xã hội thường không nhiều. Những hành vi như dọa nạt, cấu véo, la hét, chửi thề là có nhưng không phổ biến. Những hành vi lập dị, tự hành hạ về thể chất hay những thói quen không phù hợp cũng không nhiều. Tuy nhiên, ngôn ngữ lại là một hạn chế lớn, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, cách dùng từ đều rất khó khăn đối với trẻ. Hầu hết trẻ KTTT nằm trong nhóm khách thể nghiên cứu đều chỉ có thể nói rất hạn chế, không đủ câu, từ để diễn đạt, phát âm khó Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy giữa các lĩnh vực KNXH có sự tương quan với nhau. Cụ thể, lĩnh vực phát triển ngôn ngữ có mối tương quan thuận ở mức trung bình với lĩnh vực tự điều khiển (r = 0,42, p< 0,05) và lĩnh vực xã hội hóa (r = 0,38, p < 0,01). Điều đó chứng tỏ, nếu trẻ có mức độ phát triển ngôn ngữ cao thì cũng có khả năng tự điều khiển và khả năng xã hội hóa tốt. Lĩnh vực tự điều khiển cũng có mối tương quan thuận với lĩnh vực tuân lệnh (r = 0,49, p < 0,01) và lĩnh vực hành vi rập khuôn và quá hiếu động (r = 0,38, p < 0,05). Kết quả này cho thấy, nếu trẻ có được kĩ năng tự điều khiển, trẻ cũng sẽ phát triển kĩ năng về các hành vi và sự tuân lệnh. Tương tự, giữa lĩnh vực trách nhiệm và lĩnh vực sự tin cậy cũng có sự tương quan thuận (r = 0,44 và p < 0,05). Điều này có nghĩa là, nếu trẻ có những trách nhiệm đối với đồ dùng của bản thân, trách nhiệm chung và trách nhiệm đối với công việc cao thì trẻ cũng sẽ có thái độ tôn trọng những gì thuộc sở hữu của người khác, không làm hư hại tài sản của mình và của tập thể. Bên cạnh đó, giữa các lĩnh vực như sự tin cậy và hành vi quấy rối cá nhân, giữa hành vi tự lạm dụng và liên kết xã hội hay giữa liên kết xã hội với hành vi quấy rối cá nhân cũng có mối tương quan thuận. Điều này cho thấy, giữa các lĩnh vực có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, sự phát triển của lĩnh vực này sẽ giúp cho trẻ có khả năng phát triển ở lĩnh vực khác có liên quan. Hiểu được điều này sẽ giúp giáo viên và các bậc phụ huynh liên kết quá trình giáo dục KNXH cho trẻ một cách tốt hơn, hiệu quả hơn. 3.1.2. Đánh giá các lĩnh vực phát triển KNXH theo mức độ KTTT a. Nhóm KTTT nhẹ Trong số 30 trẻ thuộc nhóm khách thể nghiên cứu, có 5 trẻ KTTT ở mức nhẹ, với IQ từ 55 đến 69. Số liệu điều tra cho thấy, KNXH của nhóm trẻ này phát triển ở mức tương đối cao. Hầu hết các trường hợp đều từ mức trung bình trở lên. Tuy vậy, vẫn có 1 trường hợp ở mức kém, nằm trong lĩnh vực liên kết xã hội, trẻ có những biểu hiện như nhút nhát, thiếu tự tin, rất khó tiếp cận, hoạt động rất ít và hầu như ngồi một chỗ. 3 lĩnh vực đạt mức độ phát triển cao nhất của nhóm trẻ này là ứng xử xã hội, sự tuân lệnh và sự tin cậy. Ngoài ra, nhóm trẻ này cũng có sự phát triển cao hơn về mặt ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ nói. Giáo viên cho biết, thông thường, những trẻ KTTT ở mức nhẹ hơn thường có khả năng tiếp nhận lời nói, chữ viết cao hơn các trẻ khác và khả năng vận dụng ngôn ngữ giao tiếp cũng cao hơn, vì vậy, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng cao hơn các nhóm trẻ khác. Bảng 3. Mức độ phát triển KNXH của 05 trẻ KTTT nhẹ Lĩnh vực Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC IV 2 3 11,8 2,2 VII 5 9,4 0,9 VIII 5 9,4 0,9 IX 5 13 0,8 X 2 3 12,6 2,6 XI 1 2 2 12,6 2,5 XII 1 1 3 12,8 1,9 XIII 3 2 12 0,8 XIV 3 2 8 1 XV 4 1 8 2,6 XVI 1 4 10,8 1,5 Tổng 0 2 14 38 0 1 0 TL % 0 3,6 25,5 69 0 1,8 0 Có 2 lĩnh vực phát triển hạn chế nhất của nhóm trẻ này là hành vi tự lạm dụng và liên kết xã hội. Đây là hai lĩnh vực liên quan đến những hành vi kì cục, lập dị, tự hành hạ về thể chất, có những thói quen khó chấp nhận, nhút nhát, thu mình, ít hoạt động Những hành vi này thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ tự kỷ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ KTTT không quyết định tất cả những khả năng của trẻ, cụ thể hơn là, ở những trẻ có chỉ số IQ cao hơn vẫn có thể gặp những hạn chế, thiếu hụt trong những lĩnh vực KNXH khác nhau. b. Nhóm KTTT trung bình Có 19 trẻ trong diện khảo sát được xếp ở mức độ KTTT trung bình, với IQ từ 34 đến 55. Phần lớn các trường hợp ở mức trên trung bình, trung bình và dưới trung bình. Lĩnh vực phát triển cao nhất của nhóm này là sự tin cậy, liên kết xã hội và hành vi quấy rối liên cá nhân. Lĩnh vực phát triển hạn chế nhất là phát triển ngôn ngữ. Thực tế, qua phỏng vấn, nói chuyện, giao tiếp với trẻ, chúng tôi cũng thấy khả năng ngôn ngữ của nhóm trẻ này hạn chế hơn so với nhóm trẻ KTTT ở mức nhẹ, trong đó bao gồm cả kĩ năng nói, viết, sử dụng ngôn ngữ diễn đạt, ngôn ngữ giao tiếp Bảng 4. Mức độ phát triển KNXH của 19 trẻ KTTT trung bình Lĩnh vực Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC IV 10 8 2 7,4 1,6 VII 1 15 8,8 1,6 VIII 1 13 3 1 9,3 2,4 IX 18 1 9,0 1,3 X 1 5 10 3 11,3 2,9 XI 1 2 12 2 11,0 2,8 XII 4 4 12 1 11,4 2,9 XIII 1 6 10 1 1 11,2 2,6 XIV 7 11 1 11,6 1,8 XV 2 6 9 1 10,7 2,8 XVI 5 2 12 1 11,7 2,6 Tổng 0 14 34 132 20 6 0 TL % 6,8 16,5 60,1 9,7 2,9 c. Nhóm KTTT nặng Nhóm KTTT ở mức nặng gồm có 6 trẻ, có IQ từ 25 đến 33. Mức độ phát triển các lĩnh vực của trẻ ở nhóm này thấp hơn so với hai nhóm trên, chủ yếu là ở mức TB, dưới TB và kém. Bảng 5. Mức độ phát triển các lĩnh vực KNXH của 06 trẻ KTTT nặng Lĩnh vực Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC IV 1 2 3 5,5 2,2 VII 1 3 2 7,3 0,9 VIII 2 2 2 6,2 0,9 IX 3 3 8,3 0,8 X 1 3 2 12,7 2,6 XI 2 3 1 10,7 2,5 XII 1 4 1 10,5 1,9 XIII 4 1 1 8,5 0,8 XIV 6 12,0 1 XV 1 2 1 2 10,0 2,6 XVI 2 3 1 11,5 1,5 Tổng 0 2 7 33 16 8 0 TL % 3,3 10,6 50 24,2 12,1 Lĩnh vực phát triển cao nhất của nhóm trẻ này là ứng xử xã hội và sự tin cậy. Có 1 trường hợp đạt mức cao ở lĩnh vực ứng xử xã hội và 1 trường hợp đạt mức cao ở lĩnh vực sự tin cậy. Lĩnh vực phát triển hạn chế nhất là ngôn ngữ, với đa số trẻ ở mức kém và dưới trung bình. Lĩnh vực trách nhiệm của nhóm trẻ này cũng đạt mức thấp. So sánh giữa ba nhóm trẻ (xem Biểu đồ 1), có sự phân hóa nhất định về mức độ các lĩnh vực KNXH giữa các nhóm khách thể nghiên cứu theo mức độ KTTT, tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các nhóm không quá lớn. Nhóm trẻ KTTT nhẹ có mức độ phát triển cao hơn cả, tuy nhiên, ở các lĩnh vực hành vi tự lạm dụng và liên kết xã hội lại thấp hơn các nhóm khác. Trong khi đó, nhóm trẻ KTTT nặng lại có mức phát triển cao ở hai lĩnh vực: sự tin cậy và hành vi tự lạm dụng. Giải thích về vấn đề này, giáo viên cho biết, thực tế là không phải trẻ có mức độ KTTT nhẹ hơn thì tất cả KNXH của các em đều cao hơn, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như gia đình, cộng đồng nơi em sống. Ngoài ra, những học sinh mới vào học tại các cơ sở giáo dục đặc biệt có xu hướng có mức độ phát triển KNXH thấp hơn những học sinh “kì cựu”, đã đi học lâu năm ở trường Biểu đồ 1. Điểm trung bình các lĩnh vực KNXH theo mức độ KTTT Ở 4 lĩnh vực: xã hội hóa, ứng xử xã hội, sự tin cậy và hành vi rập khuôn và quá hiếu động, nhóm trẻ KTTT nhẹ đã vượt mức trên trung bình, điều này cũng một phần nhờ khả năng nghe, hiểu cao hơn, khả năng tiếp thu tốt hơn của các trẻ ở nhóm này. Đặc biệt, ở lĩnh vực sự tin cậy, nhóm trẻ KTTT nhẹ có mức phát triển vượt bậc so với nhóm trẻ KTTT nặng, và cao hơn so với sự phát triển của nhóm KTTT trung bình. Sự phân hóa rõ ràng nhất giữa ba nhóm trẻ này là sự chênh lệch về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ. Nhóm trẻ KTTT nhẹ có mức phát triển ngôn ngữ cao hơn hẳn so với hai nhóm còn lại, tiếp đến là nhóm KTTT trung bình và cuối cùng là nhóm KTTT nặng. Có thể thấy, giữa mức độ KTTT và mức độ phát triển các lĩnh vực KNXH có mối tương quan thuận, nghĩa là, trẻ có mức độ KTTT càng nặng thì càng dễ thiếu hụt nhiều KNXH hơn. Tuy nhiên, độ lệch chuẩn của các lĩnh vực cũng khá cao, điều này chứng tỏ độ phân tán điểm số khá lớn. Điều này cho thấy, mỗi trẻ - dù ở cùng mức độ KTTT vẫn có mức độ phát triển các lĩnh vực KNXH khác nhau, lí do đơn giản là chỉ số IQ không phải là yếu tố duy nhất tác động lên sự phát triển các kĩ năng của trẻ. Chính vì vậy, quan tâm đến các yếu tố khác nhau tác động đến sự phát triển KNXH là điều thực sự quan trọng trong giáo dục đặc biệt cho trẻ KTTT. 3.2. Thực trạng phát triển các yếu tố KNXH của trẻ KTTT 3.2.1. Đánh giá chung về các yếu tố KNXH Bảng 6 cho thấy mức độ phát triển các yếu tố KNXH của nhóm khách thể nghiên cứu. Theo bảng này, yếu tố phát triển tốt nhất là yếu tố điều chỉnh cá nhân, tiếp đến là điều chỉnh xã hội. Yếu tố hạn chế nhất là trách nhiệm cá nhân – xã hội. Thực tế quan sát và thông qua phỏng vấn giáo viên, phụ huynh cũng cho thấy, KTTT này khá hạn chế trong các yêu cầu về tính chủ động, tính kiên trì, các hoạt động giải trí, sự chú ý, yêu cầu về trách nhiệm chung hay trách nhiệm được giao phó, về sự hợp tác với thầy cô và bạn bè. Đặc biệt, nhận thức của trẻ về bản thân và về người khác rất hạn chế, tính “ích kỷ” cao, sự tương tác qua lại với thế giới thấp. Bảng 6. Mức độ phát triển các yếu tố KNXH của 30 trẻ KTTT Yếu tố Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC C 20 8 1 1 91,5 17,3 D 4 21 5 101,4 9,0 E 8 20 2 102,6 9,5 Tổng 12 61 15 1 1 TL % 13,3 67,8 16,7 1,1 1,1 Chú thích: C. Trách nhiệm cá nhân – xã hội; D. Điều chỉnh xã hội; E. Điều chỉnh cá nhân Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy kết quả yếu tố KNXH khá tương đồng với kết quả liên quan đến các lĩnh vực KNXH. Tuy nhiên, có sự khác biệt là trong các yếu tố KNXH không có trường hợp đạt mức cao. Đó là vì, lĩnh vực phát triển ngôn ngữ không được xếp vào ba yếu tố trên. Trong bảng đánh giá HVTƯ nói chung, lĩnh vực này được xếp vào yếu tố độc lập trong cộng đồng, nhưng trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi, yếu tố này không được đánh giá. Tuy nhiên, ngôn ngữ lại là một trong những điều kiện quan trọng trong sự phát triển KNXH, nó là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển KNXH nói chung, vì vậy chúng tôi tách lĩnh vực này ra, đánh giá riêng khi đánh giá các yếu tố 3.2.2. Đánh giá các yếu tố phát triển KNXH theo mức độ KTTT a. Nhóm KTTT nhẹ Bảng 7. Mức độ phát triển các yếu tố KNXH của 05 trẻ KTTT nhẹ Yếu tố Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC C 4 1 96,8 5,5 D 2 2 1 107,4 10,7 E 1 4 104 5,1 Tổng 3 10 2 TL % 20 66,6 13,4 Ở nhóm trẻ KTTT mức độ nhẹ, mức độ phát triển các yếu tố KNXH tập trung vào ba mức là trên trung bình, trung bình và dưới trung bình, không có trường hợp nào ở mức kém hay rất kém. Yếu tố phát triển tốt nhất của nhóm này là điều chỉnh xã hội, tiếp theo là điều chỉnh cá nhân và cuối cùng là trách nhiệm cá nhân – xã hội. Ở yếu tố trách nhiệm cá nhân – xã hội, không có trường hợp nào đạt mức trên trung bình. b. Nhóm KTTT trung bình Ở nhóm trẻ KTTT trung bình, mức độ phát triển các yếu tố KNXH tập trung chủ yếu ở ba mức trên trung bình, trung bình và dưới trung bình, tuy nhiên, nhóm này còn có 2 trường hợp ở mức kém và rất kém. Yếu tố phát triển tốt nhất của nhóm này là điều chỉnh cá nhân, với sự tin tưởng của giáo viên, phụ huynh đối với em về việc gìn giữ đồ dùng chung, đồ dùng cá nhân, đồng thời hạn chế được những hành vi lạ, khó chấp nhận. Tiếp đó là điều chỉnh xã hội và cuối cùng vẫn là trách nhiệm cá nhân – xã hội, cả 2 trường hợp kém và rất kém đều rơi vào yếu tố này. Bảng 8. Mức độ phát triển các yếu tố KNXH của 19 trẻ KTTT trung bình Yếu tố Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC C 13 5 1 1 91,6 21,1 D 1 15 3 100,6 8,5 E 6 11 2 102,8 11,1 Tổng 0 0 7 39 10 1 1 TL % 12,2 67,2 17,2 1,7 1,7 c. Nhóm KTTT nặng Ở nhóm trẻ KTTT nặng, bên cạnh đa số trường hợp có mức độ phát triển các yếu tố KNXH từ dưới trung bình đến trên trung bình còn có 2 trường hợp ở mức kém, chiếm 5,5%. Yếu tố phát triển cao nhất của nhóm này là điều chỉnh cá nhân, hạn chế nhất là trách nhiệm cá nhân – xã hội. Bảng 9. Mức độ phát triển các yếu tố KNXH của 06 trẻ KTTT nặng Yếu tố Rất cao cao Trên TB TB Dưới TB Kém Rất kém TBC ĐLC C 3 2 1 87 7,2 D 1 4 1 98,8 8,1 E 1 5 100,7 7,5 Tổng 0 0 2 12 3 1 0 TL % 11,1 66,6 16,6 5,5 So sánh giữa 3 nhóm KTTT khác nhau cho thấy sự chênh lệch trong mức độ phát triển các yếu tố KNXH là không rõ ràng. Điều này góp phần khẳng định rằng mức độ phát triển KNXH của trẻ không chỉ phụ thuộc vào mức độ KTTT. Biểu đồ 2. Điểm TB các yếu tố KNXH theo mức độ KTTT 4. KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ KTTT không gặp quá nhiều thiếu hụt ở các lĩnh vực sự tin cậy, sự tuân lệnh, hành vi tự lạm dụng hay hành vi quấy rối cá nhân. Trong khi đó, hạn chế lớn nhất của những trẻ này là phát triển ngôn ngữ, tiếp đó là lĩnh vực tự điều khiển, trách nhiệm, xã hội hóa và liên kết xã hội. Bên cạnh đó, trẻ KTTT phát triển tốt hơn ở yếu tố điều chỉnh cá nhân, sau đó là điều chỉnh xã hội và hạn chế nhất ở yếu tố trách nhiệm cá nhân – xã hội. Giữa các lĩnh vực khác nhau của KNXH có mối quan hệ với nhau, sự phát triển hay thiếu hụt của lĩnh vực này có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển hay thiếu hụt của một số lĩnh vực khác. Ví dụ, trẻ thiếu hụt về phát triển ngôn ngữ kéo theo sự thiếu hụt về trách nhiệm hay tự điều khiển. Điều này đòi hỏi công tác giáo dục đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của tất cả các lĩnh vực khác nhau khi muốn phát triển KNXH cho trẻ. Kết quả đánh giá KNXH của trẻ bằng thang đo ABS-S:2 tương đồng với những đặc điểm của trẻ trong thực tiễn thông qua điều tra, quan sát, phỏng vấn. Đó chính là những thông tin quan trọng và có giá trị để làm cơ sở xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ một cách có hiệu quả. Vì vậy, có thể dùng thang đo ABS-S:2 để chẩn đoán, đánh giá mức độ phát triển KNXH của trẻ KTTT nói chung. TÀI LIỆU THAM KHẢO Lambert, N., Nihira, K., Leland, H., (1993). Adaptive Behavior Scale – School, 2nd Edition: Examiner’s Manual, American on Mental Retardation. Trần Thị Lệ Thu (2003). Đại cương giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Trần Thị Lệ Thu (2006). Đại cương can thiệp sớm cho trẻ KTTT, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Tuấn Vĩnh, Trần Thị Tú Anh (2009). Đánh giá mức độ hành vi thích ứng của trẻ khuyết tật trí tuệ bằng thang đo ABS-S:2. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, Số 54, 165-175. Title: SOCIAL SKILLS OF CHILDREN WITH INTELLECTUAL DISABILITY IN SPECIAL EDUCATION ORGANISATIONS IN HUE CITY Abstract: Social skills is a combination of skills, necessary for successful communication, cooperation, integration and adaptation to the society. Therefore, one of important requests in education in general and special education in particular is to pay adequate attention to social skills. Research results on the situation of social skills of children with intellectual disability in special education organisations in Hue City are valuable information for teachers, parents to develop social skills for children with disabilities. ThS. NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, Email: huyentran909@gmail.com PGS. TS. TRẦN THỊ TÚ ANH Phòng Khoa học - Công nghệ - Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc6_62_nguyenthithanhhuyentranthituanh_20_nguyen_thi_thanh_huyen_ta_9279_2020899.doc