Kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII tiếp cận từ các mặt hàng xuất nhập khẩu

Thế kỷ XVII – XVIII là một giai đoạn đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài. Sự phát triển này được thể hiện trên nhiều phương diện, như chính sách tích cực mở cửa của chính quyền Lê Trịnh; sự hiện diện của cả thương nhân phương Đông lẫn phương Tây trên đất Đàng Ngoài; quá trình ra đời và tồn tại của các thương điếm ở Phố Hiến, Thăng Long; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động. Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đàng Ngoài được xem là nhân tố quyết định cho sự thành bại của quan hệ thương mại giữa Đàng Ngoài với thương nhân ngoại quốc. Đến thế kỷ XVII, sản vật tự nhiên cũng như mặt hàng thủ công nghiệp đã vươn ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp của vương quốc Đàng Ngoài để đến với thị trường các nước. Đồng thời, sự có mặt của những thương phẩm do thương nhân ngoại quốc đem đến đã tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế xã hội Đàng Ngoài. Do vậy, có thể khẳng định hàng hóa chính là “chiếc cầu” nối Đàng Ngoài với các tuyến giao thương quốc tế và là “xương sống” của nền kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài trong hai thế kỷ XVII – XVIII.

pdf8 trang | Chia sẻ: linhmy2pp | Ngày: 12/03/2022 | Lượt xem: 351 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII tiếp cận từ các mặt hàng xuất nhập khẩu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 88-95 KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII – XVIII TIẾP CẬN TỪ CÁC MẶT HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU LÊ THỊ HOÀI THANH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Lịch sử dân tộc trong hai thế kỷ XVII - XVIII không chỉ có sự chia cắt đất nước, chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn mà còn là một giai đoạn đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế ngoại thương ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Đối với Đàng Ngoài, chính sách “mở cửa” để tham gia vào hệ thống thương mại châu Á của chính quyền Lê Trịnh đã thu hút các thương nhân phương Đông và phương Tây đến buôn bán. Trong đó, nhân tố quyết định cho sự thành bại của quan hệ thương mại giữa Đàng Ngoài với thương nhân ngoại quốc chính là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Do vậy, việc tìm hiểu các mặt hàng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Đàng Ngoài sẽ góp phần làm sáng tỏ nền kinh tế ngoại thương thế kỷ XVII – XVIII. Từ khóa: kinh tế ngoại thương, đàng ngoài, thế kỷ XVII-XVIII, xuất nhập khẩu 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thế kỷ XVI –XVIII là thời kỳ đất nước có những chuyển biến hết sức đặc biệt trong tiến trình phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Tính thống nhất đất nước với chế độ trung ương tập quyền bị phá vỡ, thay vào đó là sự phân chia đất nước thành những chính quyền riêng biệt: chính quyền Bắc triều – Nam triều, tiếp đó là chính quyền vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đối với chính quyền Đàng Ngoài, dù đứng chân trên vùng đất có lịch sử lâu đời ở phía Bắc nhưng vua Lê chúa Trịnh cũng phải ra sức xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội một cách toàn diện nhất. Trong đó, nền kinh tế ngoại thương phát triển với sự xuất hiện của các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Đàng Ngoài với thương nhân ngoại quốc không chỉ đánh dấu quá trình dự nhập vào hệ thống thương mại châu Á của chính quyền Lê Trịnh mà còn góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Đàng Ngoài đối với các nước trong khu vực. 2. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII – XVIII Cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật hàng hải ở châu Âu cùng với nhu cầu về thị trường và nhu cầu khám phá thế giới đã khiến tầm nhìn của con người không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của mình. Đây chính là động lực tạo nên những đại phát kiến địa lý trong lịch sử nhân loại. Có thể kể đến hành trình tiêu biểu của C.Columbus (1492), Vasco de Gama (1497), F.Magellan (1519 - 1522). Các cuộc phát kiến địa lý không chỉ cung cấp những kiến thức về địa lý, thiên văn, hàng hải; về những vùng đất mới, con người mới mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ thương mại, bang giao giữa phương Đông và phương Tây. Sau khi tìm ra con đường sang Đông Ấn, Tây Ấn, ở thế kỷ XVI, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã khai mở các tuyến buôn bán quốc tế, hình thành nên một mạng lưới thương mại liên hoàn nối liền KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII-XVIII... 89 thương cảng Lisbon với Goa (Ấn Độ), Malacca (Đông Nam Á), Trung Quốc, Nhật Bản. Sang thế kỷ XVII, các nước Hà Lan, Anh, Pháp lần lượt tham gia vào hệ thống thương mại này thông qua việc xâm nhập ngày càng sâu và mạnh mẽ vào các quốc gia ở châu Á nhằm tìm kiếm thị trường, nguyên liệu để đáp ứng cho sự phát triển ngày càng cao của chủ nghĩa tư bản. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dưới tác động của tình hình thế giới cộng với sự phát triển nội tại của mỗi quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á trên lĩnh vực thương nghiệp, đã hình thành nên một mạng lưới thương mại với hai trục giao thương chính. Thứ nhất, trục giao thương Bắc – Nam nối liền Nhật Bản qua các vùng bờ biển Trung Quốc, Đài Loan xuống các nước Đông Nam Á. Thứ hai, trục giao thương Đông – Tây với trạm dừng chân là Ấn Độ. Từ đây các thuyền buôn phương Tây qua eo Malacca tới Xiêm, Đại Việt, Trung Quốc, Philippin, Nhật Bản. Hoạt động thương mại sôi nổi này đã cuốn hút các quốc gia châu Á, tạo nên bước phát triển vượt trội trong quan hệ giao thương quốc tế. Ở vào vị trí địa lý chiến lược cùng với sự phong phú, đa dạng của tài nguyên thiên nhiên và mặt hàng thủ công nghiệp, Đàng Ngoài (Đại Việt) cũng không nằm ngoài đích đến của các thương nhân ngoại quốc. Thêm vào đó, chính sách tương đối cởi mở trong hoạt động ngoại thương của vua Lê chúa Trịnh đã thu hút các thương nhân đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Do vậy, Đàng Ngoài đã trở thành điểm trọng yếu trong hệ thống thương mại châu Á và là một mắt xích hữu cơ trong luồng hải thương quốc tế. Đây chính là bối cảnh lịch sử đưa đến sự khởi sắc của nền kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài ở thế kỷ XVII – XVIII. 3. CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CỦA ĐÀNG NGOÀI TRONG NỀN KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG THẾ KỶ XVII - XVIII Cùng với những bạn hàng truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, lúc bấy giờ Đàng Ngoài còn mở rộng quan hệ thương mại với các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Sự hiện diện của lực lượng thương nhân ngoại quốc ở Đàng Ngoài đã phản ánh hoạt động thương mại sôi nổi và điểm thu hút thương nhân các nước không gì khác chính là hàng hóa của Đàng Ngoài. Do vậy, các mặt hàng của Đàng Ngoài trong hai thế kỷ XVII – XVIII không chỉ là sản phẩm trao đổi của nền nội thương mà đã trở thành những thương phẩm có giá trị trên thị trường. Mặt hàng xuất khẩu của Đàng Ngoài tập trung ở sản vật tự nhiên và hàng thủ công, trong đó có thể kể đến những sản phẩm chính yếu sau: * Tơ lụa: Trồng dâu nuôi tằm và dệt vải lụa là ngành thủ công truyền thống của cư dân Đàng Ngoài. Các làng La Khê, La Cả, La Nội, Vạn Phúc (Sơn Nam), Phùng Xá (Sơn Tây); phường Nghi Tàm, Thụy Chương (Thăng Long) là những nơi sản xuất các sản phẩm tơ lụa nổi tiếng. Đến thế kỷ XVII, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước, tơ lụa Đàng Ngoài còn là mặt hàng có sức hấp dẫn mạnh mẽ các thương nhân ngoại quốc bởi “người ta có thể trông thấy vô vàn những tơ lụa mịn đẹp được dệt ở Kẻ Chợ” và “các lái buôn phương Tây rất thèm khát được mua về nước hoặc đặt hàng gia công trước cho thợ thủ công” [2, tr. 186]. Để có thể cung ứng đủ số lượng tơ 90 LÊ THỊ HOÀI THANH lụa cho hoạt động mậu dịch với các thương nhân ngoại quốc, cư dân Đàng Ngoài đã tìm cách tăng vụ tằm và huy động thêm các hộ gia đình tham gia sản xuất. Nhờ đó sản lượng tơ lụa Đàng Ngoài tăng lên một cách đáng kể trong nửa đầu thế kỷ XVII. Người Hà Lan ước tính rằng hàng năm Đàng Ngoài có thể sản xuất và xuất khẩu khoảng 1.500 piculs (tương đương 90 tấn) tơ sống và khoảng 6.000 tấm lụa [8, tr. 59]. Trong hai thế kỷ XVII – XVIII, việc thu mua tơ lụa Đàng Ngoài chủ yếu do các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh thực hiện nhưng nổi bật hơn cả là hoạt động của thương nhân Hà Lan, như J.B Tavernier từng nhận xét:“hàng năm họ mua của xứ này rất nhiều tơ lụa mang đi. Ngày nay người Hà Lan là nước mua nhiều tơ lụa nhất của Đàng Ngoài để đem bán cho Nhật Bản” [5, tr. 32-33]. Có thể chia hoạt động mậu dịch tơ lụa giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) 1 với Đàng Ngoài thành 3 giai đoạn: 1637-1654, 1655-1669 và 1670-1700. Trong giai đoạn đầu tiên, VOC đã thu mua một lượng lớn tơ lụa Đàng Ngoài để xuất sang thị trường Nhật Bản. Nếu trước năm 1641, tơ lụa Đàng Ngoài ở Nhật Bản chỉ chiếm 37% (63% là tơ lụa Trung Quốc) thì trong những năm 1641 – 1654, tơ lụa Đàng Ngoài ở Nhật Bản chiếm tới 68% (tơ lụa Trung Quốc chỉ còn 13% và tơ lụa Bengal 19%) [6, tr. 35]. Trong giai đoạn hưng thịnh này (1637- 1654), tổng giá trị tơ lụa VOC xuất sang Nhật Bản lên đến 4.662.000 florin 2 (khoảng 1.635.789 lạng bạc nén), trung bình 260.000 florin/năm [1, tr. 11]. Sang giai đoạn thứ hai, tỉ lệ nhập khẩu tơ lụa Đàng Ngoài của VOC vào Nhật Bản bắt đầu giảm, chỉ còn 17% do tơ lụa Bengal được ưa chuộng hơn. Sau năm 1670, hoạt động xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài với VOC bị suy giảm mạnh do mất thị trường tiêu thụ ở Nhật Bản. Như vậy, trong hơn nửa đầu thế kỷ XVII, tơ lụa Đàng Ngoài đã khẳng định được giá trị trên thị trường và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính yếu, đem lại nguồn lợi lớn cho cả Đàng Ngoài lẫn các thương nhân ngoại quốc. * Gốm sứ: Cũng như tơ lụa, gốm sứ là mặt hàng thủ công thiết yếu trong đời sống của cư dân. Trong hai thế kỷ XVII - XVIII, gốm sứ từ các làng nghề truyền thống Bát Tràng, Chu Đậu tiếp tục được xuất khẩu ra các nước. Trong hành trình đến với thị trường bên ngoài, gốm sứ Đàng Ngoài chịu tác động lớn trước những chuyển biến của tình hình xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản. Những bất ổn về mặt chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất gốm sứ xuất khẩu của Trung Quốc 3 cũng như sự tăng vọt giá cả của gốm sứ Nhật Bản đã tạo điều kiện cho gốm sứ Đàng Ngoài nhanh chóng thay thế và trở thành mặt hàng được tiêu thụ mạnh mẽ ở Nhật Bản và các nước Đông Nam Á vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XVII. Theo ghi chép từ Nhật ký buôn bán của VOC ở Batavia (Indonesia), đợt nhập khẩu 10.000 chén gốm thô đầu tiên từ Đàng Ngoài về Batavia đã được thuyền buôn người Hoa thực hiện vào năm 1663. Trong 5 năm tiếp theo, khoảng 250.000 tiêu bản gốm sứ 1 Công ty Đông Ấn Hà Lan (Verenigde Oostindische Compagnie, viết tắt là VOC) thành lập năm 1602. 2 Florin: đơn vị tiền tệ của Hà Lan. 3 Sự thay đổi triều chính từ nhà Minh sang nhà Thanh năm 1644 đã đưa đến những xáo trộn về chính trị, kinh tế và tác động lớn đến hoạt động thủ công nghiệp gốm sứ; chính sách đóng cửa của nhà Thanh sau năm 1644 đã hạn chế hoạt động buôn bán của Hoa thương. KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII-XVIII... 91 Đàng Ngoài được Hoa thương chuyển đến Batavia [7, tr. 28]. Những lợi nhuận mà Hoa thương có được đã thôi thúc VOC tham gia vào mạng lưới buôn bán gốm sứ với Đàng Ngoài. Ngay trong năm 1669, thương điếm Hà Lan đã mua của Đàng Ngoài 381.000 chén gốm thô [7, tr. 29]. Từ năm này cho đến những năm đầu thập niên 80, hàng năm gốm sứ Đàng Ngoài đều được chuyên chở với số lượng lên đến hàng nghìn sản phẩm ra thị trường khu vực. Các sản phẩm gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu chủ yếu thuộc loại hình gốm sứ gia dụng, chiếm đa phần là cốc, chén trà, bát và ngói lợp, gạch lát. Đối với thương nhân Anh, để thu được lợi nhuận, thương nhân Anh thường lựa chọn phương thức mua những đồ gốm phổ thông rẻ tiền (như bát men nâu Bát Tràng) với số lượng lớn để bán lại cho các nước ở khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Myanma) và Ấn Độ. Chẳng hạn, năm 1688, thuyền trưởng Pool đã mua ở Kẻ Chợ gần 100.000 chiếc bát để đem sang bán ở Sumatra, hay năm 1693, thương điếm Anh mua 50.000 chén gốm Đàng Ngoài để tàu Pearl đưa về Ấn Độ. Tuy nhiên, gốm sứ Đàng Ngoài không duy trì được vị thế chiếm lĩnh lâu dài. Sau khi đạt vị trí dẫn đầu trong những thập niên 60 thế kỷ XVII, số lượng gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu sang Batavia giảm dần. Từ năm 1681 trở đi, VOC vẫn nhập khẩu hàng gốm sứ Đàng Ngoài nhưng không thường xuyên và số lượng cũng không đáng kể. Sự suy giảm này bắt nguồn từ việc gốm sứ Trung Quốc được tái xuất ra thị trường Đông Nam Á sau khi nhà Thanh bãi bỏ chính sách đóng cửa. Tuy không còn là sản phẩm nhập khẩu chủ đạo của các thương nhân Trung Quốc, Hà Lan nhưng một số lượng lớn gốm sứ Đàng Ngoài có mặt ở thị trường các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ là một minh chứng sinh động cho quá trình dự nhập của Đàng Ngoài vào hệ thống mậu dịch gốm sứ trong những năm 60, 70 của thế kỷ XVII. * Trầm hương: là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây gió. Đây không chỉ là hương liệu quý giá mà còn có công dụng chữa bệnh rất tốt trong Đông y. Trầm hương ở Đàng Ngoài tuy không được nhiều như ở Đàng Trong nhưng nó cũng đã có mặt trong những chuyến hàng của thương nhân ngoại quốc để đưa sang thị trường các nước Trung Đông bởi “tất cả những người theo đạo Hồi, chủ yếu là những người để râu như là cư dân Thổ Nhĩ Kỳ và Arập, quý những thứ gỗ đó lắm. Khi đến thăm nhau, họ thường mang theo một cái hộp đốt trầm hương, bỏ vào đấy một miếng trầm nhỏ, nó tỏa ra khói và một mùi hương ngào ngạt” [5, tr. 36]. * Quế: Thông qua hoạt động của tuyến buôn bán liên vùng giữa Thăng Long với Thanh – Nghệ, một sản lượng quế được đưa ra Thăng Long để bán cho thương nhân ngoại quốc. Do quế là mặt hàng quý nên chính quyền Lê Trịnh độc quyền việc buôn bán bằng hình thức trực tiếp thu mua và đánh thuế. Tuy nhiên, để có đủ số lượng quế cung cấp cho thị trường, việc xuất khẩu ẩn lậu vẫn được tiến hành khá thường xuyên, trong đó Hoa thương là lực lượng chủ yếu nắm giữ hoạt động thu mua này. Ngoài những thương phẩm trên, thương nhân ngoại quốc còn đẩy mạnh việc thu mua các mặt hàng khác của Đàng Ngoài như đường, tiêu, sừng tê, ngà voi, xạ hương, vàng, đồ đồng, sơn sống, đồ gỗ sơn thếp, nhựa thông, các loại thuốc, muối, hồi 92 LÊ THỊ HOÀI THANH 4. CÁC MẶT HÀNG NHẬP KHẨU CỦA ĐÀNG NGOÀI TRONG NỀN KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG THẾ KỶ XVII – XVIII Trong quan hệ thương mại với chính quyền Lê Trịnh, các thương nhân ngoại quốc chủ yếu nhập khẩu vào Đàng Ngoài những mặt hàng phục vụ cho nhà nước và nhu cầu tiêu dùng của bộ phận hoàng tộc, quan lại. Đó là vũ khí và các nguyên vật liệu để chế tạo vũ khí, đồ đồng, gốm sứ, các loại vải, len dạ, bạc nén, giấy bút, đồ trang sức * Vũ khí: là mặt hàng hết sức quan trọng đối với chính quyền Đàng Ngoài. Chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn đã đặt ra nhu cầu về vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để đem lại chiến thắng trước đối phương. Vì vậy, một số lượng vũ khí, trang thiết bị quân sự (súng, kiếm, đao, áo giáp) và các nguyên liệu để đúc súng (đồng, chì, kẽm, hợp kim kẽm đồng, diêm sinh) từ các nước Nhật Bản, Hà Lan, Anh đã được đưa đến Đàng Ngoài. Trong các văn thư trao đổi giữa chúa Trịnh với Nhật Bản, chúa Trịnh đều tỏ rõ mong muốn có được nguồn vũ khí từ mối giao thương này. Do đó, trước khi các thương nhân phương Tây đến đặt quan hệ thương mại để bán vũ khí cho vua Lê chúa Trịnh, người Nhật Bản đã rất nhanh nhạy trong việc cung ứng mặt hàng này, như giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã nói đến trong tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài: “Người Nhật xưa kia đem bạc rất nhiều tới đây buôn tơ lụa, đem nhiều gươm đao và đủ các thứ vũ khí để bán”[3, tr. 65]. Đối với các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp – vốn là những nước có kỹ thuật sản xuất vũ khí hiện đại, chúa Trịnh khá cởi mở trong việc thiết lập quan hệ thương mại để có được nguồn hàng này. Vì vậy, bên cạnh các sản phẩm vải, len dạ, bạc, hàng hóa đem đến Đàng Ngoài từ các thương thuyền của phương Tây còn là vũ khí và các nguyên vật liệu để đúc súng và “trong các loại súng thần công thì loại nòng dài được ưa chuộng nhất” [1, tr. 86]. Như vậy, vũ khí luôn là mặt hàng được chính quyền vua Lê chúa Trịnh đặc biệt quan tâm trong số các thương phẩm mà thương nhân ngoại quốc nhập khẩu vào Đàng Ngoài. * Gốm sứ: Song song với hoạt động xuất khẩu gốm sứ Đàng Ngoài ra thị trường bên ngoài, chính quyền Lê Trịnh còn tiến hành nhập khẩu gốm sứ của các nước, nhất là gốm sứ Hizen (Nhật Bản) để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong triều đình, phủ chúa. Sứ Hizen được xuất khẩu chủ yếu từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Từ sau năm 1635 trở đi, hoạt động của Châu ấn thuyền kết thúc bởi chính sách tỏa quốc của chính quyền Nhật Bản, do vậy, việc xuất khẩu gốm sứ Nhật Bản đến Đàng Ngoài được tiến hành thông qua vai trò của VOC và Hoa thương. Theo tư liệu của VOC, trong giai đoạn 1650 – 1679, VOC đã trực tiếp xuất sang Đàng Ngoài các mặt hàng gốm sứ Nhật Bản rất phong phú, đa dạng như bát ăn cơm, đĩa, bình sứ, ấm trà nhỏ, hũ muối với số lượng lên đến 13.850 tiêu bản [4, tr.90]. Bên cạnh việc xuất khẩu gốm sứ trực tiếp từ cảng Nagasaki sang Đàng Ngoài, trong những năm 1672 – 1680, 3.312 tiêu bản gốm sứ Nhật Bản còn được VOC đưa sang Đàng Ngoài theo con đường gián tiếp: qua Batavia. [4, tr. 90]. Cùng với hoạt động của VOC, Hoa thương cũng là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc nhập khẩu gốm sứ Nhật Bản vào Đàng Ngoài. Từ những năm KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII-XVIII... 93 1676 đến 1681, tổng số hàng xuất khẩu qua thuyền mành Trung Hoa là 96.693 tiêu bản và 782 bọc rơm. Trong đó, mỗi bọc rơm tương đương với 50 tiêu bản. Do vậy, 782 bọc rơm bao gồm 39.100 tiêu bản và cùng với 96.693 tiêu bản thì tổng số hàng chở đến Đàng Ngoài lên đến 135.793 tiêu bản. [4, tr. 94]. Trong những chuyến hàng do VOC và Hoa thương đem đến Đàng Ngoài còn có những vật phẩm gốm sứ do chúa Trịnh chủ động đặt trước cho các thương nhân. Điều này đã được ghi chép rất cụ thể trong tư liệu của VOC. Chẳng hạn, tháng 3 năm 1666, chúa Trịnh yêu cầu 50 bình hoa loại thon và cao. Năm 1670, chúa Trịnh đặt 30 bình sứ theo mẫu gỗ đã được chế tạo. Đến năm 1673, chúa lại đặt và mua một số lượng bình nhỏ theo mẫu cung cấp. Hay trong bức thư của Toàn quyền Ryckloff Van Goens gửi đến chúa Trịnh Tạc ngày 24/6/1681 do tàu Croonvogel chuyển đi có nhắc đến đơn đặt hàng của chúa: “ấm pha trà và bình lọ sứ đặt từ năm 1679 vừa được chuyển từ Nhật Bản đến đây (Batavia). Chắc chắn là viên thuyền trưởng của công ty sẽ chuyển ngay đến Đàng Ngoài cho chúa” [4, tr. 92]. * Bạc, tiền đồng: Trong hoạt động thương mại giữa thương nhân ngoại quốc với Đàng Ngoài, bạc nén và tiền đồng là mặt hàng hết sức đặc biệt bởi nó vừa là phương tiện để thanh toán vừa là thương phẩm mang lại lợi nhuận cho các thương nhân. Chúa Trịnh dùng bạc nén và tiền đồng để tiêu dùng hoặc nấu chảy tiền đồng nhằm đúc khí cụ, còn các thương nhân dùng bạc để đổi lấy tơ lụa và các mặt hàng xuất khẩu khác của Đàng Ngoài. Do vậy, các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, nhất là Hà Lan đã tiến hành một cách có hiệu quả việc nhập khẩu bạc nén, tiền đồng vào Đàng Ngoài. Từ năm 1627, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã ghi nhận sự có mặt của các loại tiền đồng Nhật Bản ở Đàng Ngoài do người Hoa và người Nhật mang vào. Theo nghiên cứu của Iwao Seiichi, khoảng 2.000.000 lạng bạc đã theo thuyền Châu ấn đến Đàng Ngoài từ năm 1604 đến năm 1635. [8, tr. 62]. Đối với thương nhân Hà Lan, trong khoảng thời gian từ năm 1637 đến năm 1668, ước tính khoảng 2.527.000 lạng chủ yếu là bạc Nhật Bản đã được đưa vào Đàng Ngoài [8, tr. 54]. * Vải: Vải được nhập khẩu vào Đàng Ngoài rất đa dạng, phong phú với các sản phẩm lụa, gấm, len, dạ khổ rộng, vải nỉ, vải lanh. Trong chuyến đi đầu tiên của người Hà Lan đến Đàng Ngoài năm 1637, chuyến tàu Grol đã chuyên chở các loại dạ len, tơ lụa, nhung, sa tanh, gấm thêu chỉ vàng chỉ bạc. Đối với thương nhân Anh, họ cũng đem đến Đàng Ngoài loại vải dạ khổ rộng. Lụa, gấm được vua chúa sử dụng cho bản thân và ban cấp cho quan lại. Những thứ dạ loại tốt dùng cho vua chúa may quần áo, loại thường dùng để làm cờ hay quần áo cho quân lính. Còn loại vải hoa được mua để làm túi đựng trầu. * Gạo: Vốn là nước sản xuất gạo nhưng có những thời điểm do mất mùa vì thiên tai nên chúa Trịnh cũng đã cho phép các thương nhân nhập khẩu gạo vào Đàng Ngoài để giải quyết nạn đói. Ví như, năm 1682, tàu Croonvogel (Hà Lan) đưa đến 40 kiện gạo, hay trong hai năm 1688 - 1689, tàu Gaasperdam (Hà Lan) tải đến Đàng Ngoài hơn 160 kiện gạo [9, tr. 109]. 94 LÊ THỊ HOÀI THANH Bên cạnh đó, vua chúa Đàng Ngoài còn đặc biệt thích thú những mặt hàng như hổ phách, san hô, các loại châu báu, gương soi mạ vàng, hộp đựng nữ trang, đồ trang sức bằng thủy tinh, pha lê, như năm 1691, Trịnh Căn đã đặt hàng với công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia: “mua mười vật bằng loại thủy tinh trắng muốt làm theo những mẫu gỗ gửi theo và 100 thứ bằng loại pha lê trong nhất” [9, tr. 98]. Ngoài ra, chúa Trịnh còn đặt mua cả súc vật (ngựa). 5. MỘT SỐ NHẬN XÉT Hoạt động thương mại giữa Đàng Ngoài với thương nhân ngoại quốc trong hai thế kỷ XVII – XVIII đã biến các sản vật tự nhiên và mặt hàng thủ công nghiệp Đàng Ngoài thành những thương phẩm có giá trị cao trên thị trường khu vực và quốc tế. Ngược lại, sự xuất hiện của các mặt hàng nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu của chính quyền Lê Trịnh. Một số mặt hàng xuất khẩu của Đàng Ngoài như tơ lụa, gốm sứ phụ thuộc rất lớn vào sự chuyển biến của thị trường. Khi có điều kiện thuận lợi, tơ lụa và gốm sứ trở thành mặt hàng chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các nước Đông Nam Á nhưng khi tơ lụa Bengal và gốm sứ Trung Quốc xuất hiện thì sản phẩm Đàng Ngoài lại nhanh chóng đánh mất vị thế của mình. Đối với các thương nhân ngoại quốc, hoạt động thu mua hàng hóa từ Đàng Ngoài thu lại lợi nhuận nhiều hơn so với việc bán hàng hóa cho Đàng Ngoài bởi trong thực tế những mặt hàng mà các thương nhân đem đến đây phần lớn chỉ dành cho vua chúa, quan lại, như một thương nhân Hà Lan đã khẳng định trong chuyến buôn bán của mình: “hàng hóa đem đến Đàng Ngoài bị lỗ Lãi là ở những chuyến hàng cất ở đây mang đi” [9, tr. 106]. Sự xuất hiện các mặt hàng xuất nhập khẩu trong nền kinh tế ngoại thương đã tác động đến đời sống kinh tế - xã hội Đàng Ngoài. Đó là việc chuyển dịch nhân lực ở một số ngành nghề thủ công nhằm đáp ứng đủ số lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường; người thợ thủ công Đàng Ngoài phải nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa để thỏa mãn yêu cầu của khách thương; các vùng sản xuất nguyên liệu, làng nghề thủ công được nối kết chặt chẽ với các trung tâm thương nghiệp và góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII. 6. KẾT LUẬN Thế kỷ XVII – XVIII là một giai đoạn đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài. Sự phát triển này được thể hiện trên nhiều phương diện, như chính sách tích cực mở cửa của chính quyền Lê Trịnh; sự hiện diện của cả thương nhân phương Đông lẫn phương Tây trên đất Đàng Ngoài; quá trình ra đời và tồn tại của các thương điếm ở Phố Hiến, Thăng Long; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động. Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đàng Ngoài được xem là nhân tố quyết định cho sự thành bại của quan hệ thương mại giữa Đàng Ngoài với thương nhân ngoại quốc. Đến thế kỷ XVII, sản vật tự nhiên cũng như mặt hàng thủ công nghiệp đã vươn ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp của vương quốc Đàng Ngoài để đến với thị trường các nước. Đồng thời, sự có mặt của những thương phẩm do thương nhân ngoại quốc đem đến đã tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế xã hội Đàng Ngoài. Do vậy, có thể KINH TẾ NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII-XVIII... 95 khẳng định hàng hóa chính là “chiếc cầu” nối Đàng Ngoài với các tuyến giao thương quốc tế và là “xương sống” của nền kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài trong hai thế kỷ XVII – XVIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] William Dampier (2007). Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, bản dịch của Hoàng Anh Tuấn, NXB Thế giới, Hà Nội. [2] Nguyễn Thừa Hỷ (1993). Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX, Hội Sử học Việt Nam. [3] Alexandre de Rhodes (1994). Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Ủy ban đoàn kết Công giáo, Thành phố Hồ Chí Minh. [4] Miki Sakuraba (2008). “Đồ sứ Nhật Bản xuất khẩu đến Việt Nam và Đông Nam Á thế kỷ XVII”, bản dịch của Nguyễn Tiến Dũng, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 9 + 10, tr. 87-96. [5] Jean Baptiste Tavernier (2007). Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, bản dịch của Lê Tư Lành, NXB Thế giới, Hà Nội. [6] Hoàng Anh Tuấn (2005). “Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Đàng Ngoài (1637-1700), Tư liệu và những vấn đề nghiên cứu”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3, tr. 30-41. [7] Hoàng Anh Tuấn (2007). “Gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu ra Đông Nam Á thế kỷ XVII tư liệu và nhận thức”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 11, tr. 26-39. [8] Hoàng Anh Tuấn (2010). “Kim loại tiền tệ Nhật Bản và chuyển biến kinh tế xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, tr. 53-63. [9] Thành Thế Vỹ (1961). Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, NXB Sử học, Hà Nội. Title: THE FOREIGN TRADE OF DANG NGOAI (ĐÀNG NGOÀI) IN THE 17TH – 18TH CENTURIES: APPROACHING THE IMPORT – EXPORT COMMODITIES Abstract: The national history in the 17th-18th centuries not only witnessed the seperation of the country, the war between two fedal group Trinh – Nguyen, but also was a phase that marked a strong development of the foreign trade in both Dang Trong (Đàng Trong) and Dang Ngoai. For Dang Ngoai, the “open door” policy in order to participate in the Asian trade system of Le Trinh government attracted Oriental and Western traders to trade. In which, the decisive factor for the success or failure of the trade relationship between Dang Ngoai and foreign traders was the import – export activities of commodities. Therefore, learning about commodities in import – export activities of Dang Ngoai will contribute to elucidate the foreign trade in the 17th-18th centuries. Keywords: foreign trade, Dang Ngoai, the 17th – 18th centuries, export commodities ThS. LÊ THỊ HOÀI THANH Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm ĐT: 0913540607. Email: fuongthaohoa@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfkinh_te_ngoai_thuong_dang_ngoai_the_ky_xvii_xviii_tiep_can_t.pdf
Tài liệu liên quan