Kiểu truyện về người mồ côi trong truyện cổ Tày - Nùng

This paper focuses on the research of some basic aspects of story The Orphaned in the ancient stories of two ethnics Tay - Nung: the name of story, something about main character, characteristics of the the resistance character and rewards for the main character. Through learning this, we can affirm, the type of stories about people Orphaned number of stories are rich, deep content and important stories in the system Tay-Nung wrist. These files can now dream of change for the fate Orphaned unhappiness, and reflect the concept, aspiration, an ideal towards a social good, bright people of all ethnic Tay - Nung.

pdf5 trang | Chia sẻ: yendt2356 | Lượt xem: 470 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kiểu truyện về người mồ côi trong truyện cổ Tày - Nùng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
51(3):109 - 112 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 109 KIỂU TRUYỆN VỀ NGƯỜI MỒ CÔI TRONG TRUYỆN CỔ TÀY - NÙNG Nguyễn Thị Minh Thu (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên) Truyện cổ tích là một bộ phận quan trọng của nền văn học dân gian hai dân tộc Tày - Nùng, trong đó kiểu truyện về người mồ côi có một số lượng truyện khá phong phú, có ý nghĩa sâu sắc. Kiểu truyện về người mồ côi trong truyện cổ tích các dân tộc nói chung, trong truyện cổ Tày - Nùng nói riêng đã sớm được một số nhà nghiên cứu, sưu tầm quan tâm tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn như: Phan Đăng Nhật với cuốn “Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam” [1], Võ Quang Nhơn với công trình “Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam” [2]. Những khám phá của các tác giả rất có giá trị, nhưng riêng về truyện cổ của hai dân tộc Tày - Nùng thì các ý kiến đánh giá còn khá khái lược và với một số lượng khiêm tốn. Khảo sát một số tập truyện cổ tiêu biểu như “Truyện cổ Bắc Thái” [1], “Truyện cổ Tày Nùng” [5], “Truyện cổ Việt Bắc” [6], tập trung chủ yếu ở những truyện thuộc tiểu loại cổ tích thần kỳ của hai dân tộc này, chúng tôi thấy có 29/63 truyện thuộc kiểu truyện về người mồ côi. Con số đó khẳng định, kiểu truyện về người mồ côi đã trở nên phổ biến và thành một nét đặc sắc trong kho tàng truyện cổ Tày - Nùng. Trong bài viết này, chúng tôi bước đầu đưa ra một số nhận xét về kiểu truyện này trên một vài phương diện cơ bản sau: 1. Tên truyện Nhiều truyện thuộc kiểu truyện này có nhan đề trùng với tên nhân vât chính như: Tài xì Phoòng, Chàng Quan Triều, Thàng Cao Chúa; Một số truyện lấy tên yếu tố thần kỳ làm tên truyện như: Chim Phàng náo, Chiếc gậy thần; Một số truyện lại lấy đặc điểm về thân phận bất hạnh, mối quan hệ của nhân vật với nhân vật khác làm cơ sở để đặt tên cho tác phẩm như: Mồ côi xử kiện, Chàng mồ côi và quan tể tướng, Mất tai mất tóc, Mồ côi và ba con, Chàng câu cá, Lấy vợ tiên Tên truyện có thể được đặt theo nhiều cách khác nhau, nhưng dù theo cách nào thì nội dung truyện cũng kể về cuộc đời của những con người mồ côi có số phận bất hạnh và những giấc mơ đổi đời cho các số phận ấy thông qua những biến đổi kỳ diệu. Cái tên Mồ côi đã trở thành tên chung cho tất cả các nhân vật. 2. Hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật chính Những dòng kể đầu tiên bao giờ cũng là những dòng kể giới thiệu về hoàn cảnh xuất thân nhân vật. Ví dụ: “Ngày xưa có chàng Mồ côi rất nghèo. Ngày ngày, chàng phải vào rừng kiếm củi để lấy tiền mua gạo nuôi thân và nuôi mẹ” (Lấy vợ tiên) [5], hoặc: “Ngày xưa ở bên kia sông, có một chàng mồ côi, không cha mẹ, không anh em, không người thân thích”(Chiếc gậy thần) [5]. Các nhân vật chính, như đúng tên gọi của kiểu nhân vật, là những đứa con mồ côi, thường là mồ côi cha hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hơn thế, nhân vật bao giờ cũng phải sống trong một điều kiện, hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn và luôn chịu sự thua thiệt so với những nhân vật khác. Người mồ côi hoặc là bị anh xua đuổi (Chim Phàng náo), hoặc phải đi ở và làm thuê, hoặc vất vả làm lụng để mong kiếm cái ăn qua ngày (Tài Xì Phoòng, Lấy vợ tiên, Chiếc gậy thần). Cách giới thiệu quen thuộc ấy cho thấy cái nhìn vừa hiện thực, vừa nhân đạo của các tác giả dân gian. Một mặt là sự nhận thức chân thực về những số phận mồ côi bất hạnh, đau khổ trong xã hội thời xưa, mặt khác là niềm tin “trời có mắt”, “ở hiền gặp lành” đã trở thành bất diệt trong hầu hết 51(3):109 - 112 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 110 các truyện cổ tích các dân tộc nói chung, trong đó có các dân tộc Tày, Nùng. 3. Đạo đức, phẩm chất và tài năng của nhân vật mồ côi Các nhân vật chính trong truyện cổ tích nói chung, truyện cổ tích Tày - Nùng nói riêng bao giờ cũng mang trong mình phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phẩm chất lý tưởng theo quan niệm của nhân dân. Họ có thể không cha, không mẹ, không nhà cửa, không của cải nhưng có một thứ tài sản vô cùng quan trọng mà người mồ côi sở hữu, đó là lòng tốt, sự thật thà, chăm chỉ. Chính phẩm chất đạo đức ấy là điều kiện, là tiêu chí quan trọng nhất giúp nhân vật nhận được những phần thưởng xứng đáng, được sự hỗ trợ của yếu tố thần để có thể thay đổi cuộc đời của mình. “Tuy nghèo khổ nhưng mồ côi rất tốt bụng. Thấy ai có khó khăn chàng cũng thường giúp đỡ, vì vậy dân làng đều có lòng thương” (Chiếc gậy thần) [5], “Ngày xưa có anh chàng mồ côi tên là Thàng Cao Chúa Chàng rất nghèo nhưng lại sẵn sàng giúp đỡ người khác. Vì vậy, mọi người trong bản và vùng xung quanh đó rất mến chàng” (Thàng Cao Chúa) [6]. Lòng tốt của nhân vật người mồ côi thực sự được khẳng định qua những tình huống thử thách khó khăn như: các nhân vật thần hóa thành con vật, người già, hoặc cô gái bị nạn cần sự giúp đỡ (Tài Xì Phoòng, Thàng Cao Chúa, Cái túi trí khôn, Lấy vợ tiên); hoặc nhân vật được giao cho những nhiệm vụ khó khăn như: làm việc nguy hiểm, đánh giặc, chữa bệnh (Mất tai, mất tóc); Cũng có những trường hợp, chàng mồ côi tưởng như ngẫu nhiên nhận được một đồ vật kỳ diệu nào đó (Chàng Quan Triều, Chiếc gậy thần), hoặc ngẫu nhiên biết được một bí mật kỳ diệu từ các con vật (Mồ côi và ba con, Hai anh em và ba con yêu tinh). Sự ngẫu nhiên ấy thực chất cũng là một cách để các tác giả dân gian khẳng định phẩm chất của nhân vật và thể hiện thái độ trân trọng, yêu quý đối với nhân vật. Bởi sự “ngẫu nhiên” kỳ lạ ấy chỉ đến với những chàng Mồ côi tốt bụng, chứ không phải bất kỳ người nào khác. Ngoài bản chất thật thà, tốt bụng, chăm chỉ, ẩn chứa trong nhân vật người mồ côi trong truyện cổ Tày - Nùng là tài năng và trí thông minh. Có nhiều nhân vật được xây dựng là những người có tài đặc biệt như chàng mồ côi câu cá có tài chữa bệnh hóc xương, nhờ đó mà gặp được Long Vương và nhận được cái chảo thần (Chàng câu cá). Hay như chàng mồ côi có khả năng chuyện trò với các con vật và tìm ra cách chữa bệnh cho nàng tiểu thư bị câm (Mồ côi và ba con) Hầu hết các nhân vật mồ côi thể hiện tài năng và chiến công của mình trên cơ sở hỗ trợ của yếu tố thần kỳ. Đạo đức, tài năng của họ thường được xây dựng trong sự tương phản, đối lập với các nhân vật khác và thường được thể hiện qua nhiều tình huống truyện lặp đi lặp lại. Đã có nhà nghiên cứu tổng kết rằng: “Đa số các nhân vật chính diện trong cổ tích thần kỳ thường thụ động, bất lực trước hoàn cảnh” [7] nhưng trong kiểu truyện về người mồ côi của dân tộc Tày - Nùng, nhân vật người mồ côi lại ít khi tỏ ra bất lực và bế tắc trước hoàn cảnh. Người em trong truyện “Chim Phàng náo” dù vô cùng buồn bã vì bị người anh hắt hủi, nhưng vẫn nỗ lực làm lụng và hi vọng vào những quả đào mà chàng dày công vun trồng được. Khi bắt gặp chim Phàng náo đến ăn trộm quả, chàng không thở than, khóc lóc mà rất chủ động “Đứng dậy túm lấy chim để hỏi duyên cớ vì sao chim ăn mất quả ”. Các nhân vật ở đây dù vẫn hoạt động trong sự hỗ trợ, tác động của yếu tố thần kỳ nhưng đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động trước những tình huống khó khăn. 51(3):109 - 112 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 111 4. Lực lượng đối lập và những trở ngại đối với nhân vật chính Trong những truyện kể về người mồ côi của người Tày - Nùng, nhân vật thuộc lực lượng đối lập của người mồ côi bao gồm rất nhiều đối tượng. Đó là viên quan Núng Cún (Tài Xì Phoòng), là tên Đại vương (Chiếc gậy thần), là tên Chúa bản ( Lấy vợ tiên), là người anh (Chim Phàng náo) Các nhân vật này thường đối lập với mồ côi về mọi mặt: tài sản, địa vị, tính cách. Chúng có thể có nhiều của cải, có địa vị cao nhưng vô cùng ích kỉ, tham lam, luôn ghen ghét, đố kị và tìm mọi cách ức hiếp mồ côi, luôn âm mưu chiếm đoạt những gì mà mồ côi có được. Một số dạng hành động điển hình của các nhân vật thuộc thế lực đối lập là: dò la (Chim Phàng náo), đổi tráo (Tài Xì Phoòng), lừa bịp và trắng trợn cướp bóc (Chiếc gậy thần, Lấy vợ tiên). Các nhân vật mồ côi như đã nói ở trên, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, vẻ đẹp lý tưởng theo quan niệm của nhân dân. Không khi nào và không bao giờ nhân vật tỏ ra có thù hận với bất kì người nào trong làng bản. Thế nhưng thử thách và tai họa luôn xảy đến với họ chính bởi sự ghen tức, đố kị của các nhân vật đối lập. Niềm hạnh phúc của chàng trai Tài Xì Phoòng sau khi gặp và lấy được con gái vua Long Vương chưa kéo dài được bao lâu thì vợ chồng chàng bắt đầu phải đối mặt với âm mưu, thủ đoạn lừa bịp và cướp bóc của viên quan Núng Cún. Chàng Mồ côi (Chiếc gậy thần) tưởng sẽ mãi dùng chiếc gậy thần kỳ để làm những việc thiện là cứu người và muôn vật, ngờ đâu bị tên Thượng sơn Đại vương lừa phỉnh cướp gậy thần, hòng cướp luôn cả nàng công chúa xinh đẹp mà Mồ côi đã có công cứu sống. Nếu các nhân vật chính thuộc kiểu truyện “người mang lốt vật” thường đối mặt với những thử thách là phải làm những công việc khó khăn, phải vượt qua những lễ thách cưới oái oăm mong lấy được người con gái ngoan hiền, xinh đẹp của đối phương, thì thử thách của các nhân vật người mồ côi là phải đấu tranh nhằm giữ gìn những người vợ, người phụ nữ ấy, giành lại những gì mình đã có, đấu tranh để giữ lấy hạnh phúc của cuộc đời mình. Trong cả hai kiểu truyện trên, cảm quan về hạnh phúc thực sự của con người đều được thống nhất – đó chính là hạnh phúc gia đình, bên cạnh sự đầy đủ về của cải và tình nghĩa của những người bà con làng xóm tốt bụng xung quanh. 5. Những phần thưởng xứng đáng dành cho nhân vật Hầu hết các truyện cổ tích Tày - Nùng kể về người mồ côi đều dành cho nhân vật lý tưởng những phần thưởng xứng đáng ở hai giai đoạn. Phần thưởng ở giai đoạn đầu đến với nhân vật rất sớm, chính là phần thưởng dành cho lòng tốt, sự thật thà, chăm chỉ của nhân vật. Đó thường là những đồ vật thần như: chiếc gậy thần, chiếc áo tàng hình, phù lù tẩu, chảo thần; Đó còn là những nàng tiên, nàng công chúa xinh đẹp cảm tấm lòng thánh thiện của chàng mồ côi, nguyện trở thành vợ chàng, giúp đỡ người mồ côi đấu tranh chống lại các thế lực đối lập và có được cuộc sống hạnh phúc. Phần thưởng thường được trao trực tiếp cho nhân vật hoặc đôi khi là thông qua lời chỉ bảo của Thần hay những con vật biết nói. Phần thưởng ở giai đoạn đầu này có vai trò rất quan trọng, là cơ sở, là công cụ để nhân vật có thể vượt qua được những thử thách khó khăn ở đoạn đời tiếp sau. Phần thưởng ở giai đoạn đầu có thể quy vào một số dạng cơ bản như: con vật hóa thành người (thực chất là tiên. Ví dụ: cá chép hóa thành cô gái xinh đẹp, rắn hoa biến thành con gái Long Vương), đồ vật có khả năng biến ra của cải (chảo thần, phù lù tẩu), hoặc đồ vật có sức mạnh kỳ diệu (chiếc áo tàng hình, chiếc gậy thần). 51(3):109 - 112 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 112 Phần thưởng ở giai đoạn sau là phần thưởng lớn nhất đối với cuộc đời các nhân vật mồ côi, đó là cuộc sống hạnh phúc, sự giàu có và sự đông vui dành cho họ. Các nhân vật từ đây thực sự được đổi đời. Đây là hình ảnh khái quát cao nhất thể hiện niềm tin “ở hiền gặp lành”, triết lý sống lạc quan và ước mơ công lý, đồng thời phản ánh lý tưởng của nhân dân lao động về một đời sống tinh thần, vật chất và hạnh phúc của con người. Ở phần cuối trong những truyện kể về người mồ côi, các tác giả dân gian Tày – Nùng có một cái nhìn hiện thực và nhân đạo. Những nhân vật “vợ tiên” sau khi đã giúp nhân vật mồ côi chiến đấu và chiến thắng các thế lực đối lập lại trở về với cõi tiên kỳ diệu sau khi đã giúp cho nhân vật chính tìm được cuộc sống hạnh phúc trần thế theo đúng nghĩa của nó. Có lẽ, trong cái kỳ diệu, không tưởng ấy, người ta vẫn nhận thấy dấu ấn của hiện thực, của niềm tin và sự lạc quan vào tương lai tốt đẹp rằng: xã hội thay đổi, người mồ côi đã thực sự hạnh phúc và làm chủ cuộc đời của họ. Truyện cổ tích muôn đời là những giấc mơ đẹp, hướng con người ta tới một tương lai tươi đẹp hơn. Kiểu truyện về người mồ côi trong truyện cổ Tày Nùng cũng là những bài ca đẹp như vậy. Khám phá những câu truyện ấy chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của chính những người tạo ra chúng, thấy được sức sống của dân tộc ấy cùng với niềm tin bất tử vào cái Đẹp, cái Thiện trong cuộc sống muôn đời  51(3): 3 - 7 Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 3 - 2009 113 Tóm tắt Bài viết này tập trung tìm hiểu một số phương diện cơ bản của kiểu truyện về người mồ côi trong hệ thống truyện cổ của hai dân tộc Tày - Nùng như: Tên truyện, một số đặc điểm liên quan đến nhân vật chính, đặc điểm của nhân vật đối lập và những phần thưởng dành cho nhân vật chính. Qua việc tìm hiểu đó, chúng ta có thể khẳng định, kiểu truyện về người mồ côi có số lượng truyện phong phú, nội dung sâu sắc và ý nghĩa quan trọng trong hệ thống truyện cổ Tày - Nùng. Đó là những tác phẩm thể hiện ước mơ đổi đời cho những số phận mồ côi bất hạnh, đồng thời phản ánh quan niệm, khát vọng, lý tưởng hướng tới một xã hội tốt đẹp, tươi sáng của nhân dân các dân tộc Tày - Nùng. Summary This paper focuses on the research of some basic aspects of story The Orphaned in the ancient stories of two ethnics Tay - Nung: the name of story, something about main character, characteristics of the the resistance character and rewards for the main character. Through learning this, we can affirm, the type of stories about people Orphaned number of stories are rich, deep content and important stories in the system Tay-Nung wrist. These files can now dream of change for the fate Orphaned unhappiness, and reflect the concept, aspiration, an ideal towards a social good, bright people of all ethnic Tay - Nung. Tài liệu tham khảo [1]. Phan Đăng Nhật (1981), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội. [2]. Bùi Mạnh Nhị (2000), Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3]. Hoàng Quyết (biên soạn) (1974), Truyện cổ Tày Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội. [4]. Hoàng Quyết (sưu tầm, biên soạn) (1976), Truyện cổ Việt Bắc, Tập 3, Nxb Việt Bắc. [5]. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbrief_1038_9519_21_4204_2053137.pdf